Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Yết Kiêu và chuyện tình cảm động của nàng công chúa nước Nguyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Yết Kiêu và chuyện tình cảm động của nàng công chúa nước Nguyên
(Mối tình si của nàng công chúa, cảm động cả đất trời)
***
Yết Kiêu (1242-1301) tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm. Từ nhỏ, ông đã phải lăn lộn trên sông nước để kiếm sống và nuôi mẹ. Ông là gia nô trung thành và cận vệ đắc lực của Trần Hưng Đạo.

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách lặn sâu, bám sát rồi nhẹ nhàng đục thủng thuyền giặc với nhiều lỗ đục mỗi thuyền. Đục xong lỗ nào, ông lại dùng giẻ đã cuộn tròn nút chặt lỗ và nối buộc lại với nhau bằng một sợi dây, chờ gần sáng rút dây, đánh đắm thuyền. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi về địa điểm an toàn. Mỗi đêm, ông đã tiêu diệt hàng chục thuyền giặc bằng cách này, khiến quân địch rất hoang mang, lo sợ...Những chiến công của Yết Kiêu đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của vua tôi nhà Trần. Khi bình xét chiến công, vua quan nhà Trần đã phong tặng Yết Kiêu danh hiệu: Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân.

Quân Mông - Nguyên sang đánh Đại Việt 3 lần vào các năm: 1258, 1285, 1288 tuy thất bại thảm hại, nhưng thế nhà Nguyên vẫn rất mạnh. Nếu cứ tranh chiến mãi thì sự thắng bại chưa biết như thế nào, mà muôn dân lại phải lầm than, khổ sở. Vì những lẽ ấy, tháng 10 năm mậu tý 1288 vua Nhân Tông sai Bảng nhãn Lê Đỗ đi sứ sang cống Nguyên triều, mong nối lại hoà khí với nước mạnh hơn mình mà mang lại hoà bình cho nhân dân đất Việt. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử làm tướng hộ vệ Lê Đỗ cùng đi sứ.

Biết Yết Kiêu là tướng giỏi thủy chiến, vua Nguyên muốn chiêu dụ ông về dưới trướng nên sai người lén đem vàng bạc và hứa phong chức cao nhưng ông một mực từ chối. Một viên quan tâu vua nên dùng kế mỹ nhân bởi “xưa nay chưa ai có thể qua ải mỹ nhân”. Vua Nguyên nghe cũng hợp lí nhưng biết chọn ai xứng đáng? Chọn người đẹp trong dân thì không xứng đáng, con các quan thì không ai chịu đem gả cho sứ thần Đại Việt, vua Nguyên đành đem công chúa út thực hiện kế mỹ nhân.

Theo truyền thuyết kể lại, công chúa nhà Nguyên thuộc dạng sắc nước nghiêng thành, lại đàn hát hay, đoan trang lễ phép nên được vua rất cưng chiều. Khi nghe cha nói sẽ gả cho một viên tỳ tướng Nam triều và giao nhiệm vụ cho nàng là “phải giữ bằng được ông ấy ở lại đây”, nàng có ý không bằng lòng nhưng cũng không dám cãi đành vâng lời cha.

Lần đầu tiên gặp Yết Kiêu, công chúa thấy ông là một dũng tướng, râu hùm, hàm én, đôi tay lực lưỡng, giọng nói sang sảng vang xa. Đặc biệt khi trò chuyện với ông, nàng cảm nhận ông là một người rất dễ gần nên đem lòng yêu mến. Hàng ngày nàng đều tìm cớ để được vào gặp ông, khi thì mang đặc sản của phương Bắc mời ông thưởng thức, khi thì mời ông đi ngắm đất kinh kỳ.

Rồi tình yêu của công chúa với Yết Kiêu đến lúc nào cũng không biết nữa, chỉ biết rằng lúc nào nàng cũng nhớ đến Yết Kiêu. Thấy hai người thường đi chơi, trò chuyện với nhau vua Nguyên mừng lắm vì kế hoạch của ông xem như thành công một nửa. Tuy nhiên, Yết Kiêu chỉ coi công chúa là bạn, với ông nhiệm vụ mà vua Trần giao phó mới là quan trọng nhất, lúc nào ông cũng đặt chữ “Trung” lên hàng đầu.

Thời gian đi sứ đã hết, vua Nguyên đã tổ chức tiệc rất thịnh soạn tiễn đưa Sứ đoàn trở về Đại Việt. Trong bữa tiệc, vua Nguyên tỏ ý gả công chúa cho Yết Kiêu. Trầm ngâm một lát, ông quỳ xuống tâu “Cảm ơn đức vua đã cho thần có được diễm phúc ấy. Nhưng nước có phép vua, thần lại là tôi tớ của vua Trần nên phải tuân theo lệnh vua. Thần xin phép về xin ý kiến của vua Trần, nếu được đồng ý thần sẽ qua làm lễ với công chúa”.

Vua Nguyên nghe nói thấy cũng có lí nên không giữ nữa mà đồng ý cho ông trở về báo cáo với vua Trần. Công chúa nghe thế quỳ xuống xin cha cho nàng được theo đoàn trở về Đại Việt. Yết Kiêu khuyên nàng “Tục nước tôi không cho phép con gái theo về nhà chồng mà chưa có mối, chưa có lễ vật, nàng lại là công chúa cành vàng lá ngọc càng phải giữ thanh danh, thể diện. Nàng cứ ở lại chờ tôi một thời gian để tôi nói với cha mẹ mang lễ vật tới”, nàng đành chấp nhận ở lại.

Trở về đất nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý cho Yết Kiêu kết hôn với công chúa nhà Nguyên. Hơn 2 năm sau khi Yết Kiêu về nước mà vẫn không thấy ông trở lại, công chúa lòng nóng như lửa đốt, nàng thường ra lầu cao ngóng về phương nam. Mỗi khi có đoàn sứ thần của Đại Việt đến, nàng chứa chan niềm tin nhưng mỗi lần hy vọng là mỗi lần thất vọng bởi không đoàn nào mang theo tin tốt lành cho nàng.

Suốt một thời gian dài nàng sống trong khắc khoải, chờ đợi, ruột gan héo mòn, nàng không ăn, không uống, suốt ngày chỉ ngồi trong phòng vẽ hình Yết Kiêu rồi treo ở những chỗ trang trọng. Nàng còn tự tay thêu đôi uyên ương để tặng nếu chàng quay lại nhưng mọi hy vọng của nàng trở nên vô vọng.

Những vần thơ được lưu truyền đến ngày nay, tương truyền được công chúa nhà Nguyên ngâm ngợi và thêu vào khăn áo gửi theo đoàn sứ bộ Đại Việt:

Độc thượng giang lâu tứ liễu nhiên
Nguyệt quang như thủy, thủy như thiên
Đồng lai vọng nguyệt nhân hà xứ
Phong cảnh y hy tự khứ niên.

Cao lão ở làng Lôi Động phỏng dịch là:

Lên lầu dạ thấy bồi hồi
Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau
Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao
Bây giờ đã ở phương nào, người ơi ?!
---
Dục biệt khiên Lang Y
Lang kim đáo hà xứ
Bất hận quy lai trì
Mạc hướng lâm cùng khứ.

Có lời dịch là:

Dứt áo phút ly biệt
Thiếp hỏi chàng đi đâu
Chẳng hận về sai hẹn
Chỉ mong chớ phụ nhau.

Cuối cùng nàng xin vua cha cho phép sang Đại Việt tìm gặp Yết kiêu, vua Nguyên một mực ngăn cản nhưng nàng quyết ý và bảo sẽ tự vẫn nếu cha không đồng ý. Không còn cách nào khác, vua đành chuẩn y và cử 9 nàng hầu, hai hoạn quan và một số quân lính đi theo bảo vệ nàng.

Từ kinh đô, đoàn người bắt đầu cuộc hành trình về phương nam xa xôi. Cứ thế, đoàn người ngày đi đêm nghỉ, sau hơn 2 tháng cũng tới được biên giới Việt Trung (đoạn thuộc Móng Cái – Quảng Ninh bây giờ). Biết tin công chúa sang tìm Yết Kiêu, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc nhân duyên này, nên đã loan tin báo Yết Kiêu đã qua đời. Đến biên giới, Nàng cho quân dò la tin tức và biết được Yết Kiêu đã mất, nàng vô cùng đau đớn, tiếc thương người mình yêu đã ra đi. Nàng mặc đồ tang lập đàn tế cầu siêu suốt 7 ngày đêm. Nàng sai lính đẵn gỗ vàng tâm, triệu thợ điêu khắc giỏi tạc tượng mình và viết bức huyết tâm thư thổ lộ tình cảm của mình với Yết Kiêu. Xong xuôi, nàng sai thầy phù thủy yểm vào tâm tượng và đặt bức tượng mình vào thân một khúc gỗ đã đục rỗng thả xuống sông cho trôi về Đại Việt. Rồi nàng khấn: "Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng". Nói xong, nàng quay mặt nhìn về phương Bắc nhìn quê hương lần cuối, rồi cởi hài và gieo mình xuống dòng sông chảy siết quyên sinh, thấy vậy 9 nàng hầu và 2 thái giám cũng nhảy xuống sông theo chủ.
Ngày nay tại nơi thờ Yết Kiêu ở đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ có bức tượng gỗ của Ngọc Hoa công chúa là được đặt cạnh Yết Kiêu. Bức tượng gỗ này tương truyền là được đẽo từ tấm gỗ nổi lên nơi công chúa Ngọc Hoa trẫm mình chết
#Dã_sử
Nguồn bài viết: Bút Phím
https://www.facebook.com/daivietsuky/posts/10153291737486727/
***
Page Tô Bà Bà - 苏婆婆
Hình cre Wanan - 520

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#mỹ