Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

phân tích Tỏ lòng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I/ Tìm hiểu tác phẩm  
Nguyên văn chữ Hán:
述懷  
橫槊江山恰幾秋,
三軍貔虎氣吞牛。
男兒未了功名債,
羞聽人間說武侯。

Phiên âm Hán -Việt:
Thuật hoài
Hoành sóc giang sơn kháp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Dịch nghĩa:
Tỏ lòng
Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,
Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.
Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,
Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.

1. Nhan đề:
“Thuật hoài” (“thuật”: kể lại, bày tỏ; “hoài”: nỗi lòng) được hiểu là sự thổ lộ khát khao, mong muốn, bày tỏ hoài bão lớn lao và quan điểm riêng của tác giả – một dũng tướng tuổi trẻ tài cao. Thuật hoài" lấy tiêu đề dựa theo một mô-típ quen thuộc trong văn học trung đại, trong "Cảm Hoài" của Đặng Dung hay "Tự Tình" của Hồ Xuân Hương,..những bài thơ thể hiện nỗi lòng của người viết.

“Tỏ lòng” ở đây không phải là tỏ lòng nam nữ mà là tỏ chí làm trai. Trong văn chương xưa , đặc biệt là văn học trung đại , chúng ta nhận thấy: “Văn dĩ tải đạo , thi dĩ ngôn chí”. Là văn chương thì phải truyền tải được đạo lí, là thơ ca thì phải thể hiện được chí làm trai. Với "Tỏ lòng", đây là lời tâm sự bày tỏ tâm tư, ý chí của Phạm Ngũ Lão, cũng là của những tráng sĩ thời Trần mà tâm can đều dành trọn cho dân tộc.
→  Thuật hoài được dịch là “Tỏ lòng”, cách dịch này phản ánh được tương đối nghĩa gốc của từ, nhưng vẫn cần thuyết minh thêm ý nghĩa sâu xa, ẩn hàm. Thuật hoài là sự giãi bày những tâm sự, nghĩ suy, hoài bão to lớn của một võ tướng trước thời cuộc.

2. Hoàn cảnh sáng tác : Sáng tác trong không khí quyết chiến quyết thắng của nhà Trần trong công cuộc chống quân Mông – Nguyên II (1285), III (1288)

3. Thể thơ : Thất ngôn tứ tuyệt, chỉ với số lượng ngôn từ ít ỏi, song lại đạt tới được sự hàm súc cao độ khi đã dựng lên những bức chân dung con người và hào khí Đông A với vẻ đẹp hào sảng , khí thế, dũng mãnh.

4. Bố cục :
• 2 câu đầu : Hình tượng con người và sức mạnh quân đội thời nhà Trần
• 2 câu sau : Nỗi lòng muốn bày tỏ của tác giả
• (Hoặc chia theo chia 4 câu theo Khai - Thừa - Chuyển - Hợp)

II/ Phân tích
1.  Hai câu đầu - Hào khí Đông A qua hình tượng trang nam nhi và sức mạnh quân đội nhà Trần
a. Câu 1: “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” - Vẻ đẹp của vị tướng Phạm Ngũ Lão
*Giải thích:
- “Hoành”: ngang, nằm ngang - cầm ngang ngọn giáo
→ Tư thế hiên ngang, vững chắc của người tráng sĩ
- “Sóc”: ngọn giáo
→ “Hoành sóc” tư thế con người con cầm ngang ngọn giáo trấn giữ đất nước.
- “Giang sơn”: sông núi, đất nước (mang tầm vũ trụ)
→ Không gian rộng lớn, mênh mông, nó không đơn thuần là sông, là núi mà là giang sơn, đất nước, Tổ quốc
- “Kháp”: vừa vặn, vừa đúng.
- “Kỉ”: mấy, bao nhiêu
→ Thời gian dài đằng đẵng, không biết đã bao nhiêu mùa thu, bao nhiêu năm đi qua, thể hiện quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài.
→ “Kháp kỉ thu”: đã được mấy năm rồi (thời gian của chiều dài lịch sử)
⇒ Tầm vóc con người lớn lao cùng bước chân hùng dũng mang vẻ đẹp dẻo dai với tâm thế bền bỉ bao nhiêu năm khi đối diện với non sông, đất nước lớn lao, kì vĩ. Người tráng sĩ ấy đã đứng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ròng rã mấy năm trời mà chưa từng một giây phút nào cảm thấy mệt mỏi mà trái lại vẫn bừng bừng khí thế hiên ngang, bất khuất, hùng dũng

*So sánh với bản dịch thơ:
- Phiên âm: “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu”: “Hoành sóc”: thế tĩnh
-> tư thế chủ động, tự tin của con người có sức mạnh nội lực.
- Dịch nghĩa: “Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu”: “Cầm ngang ngọn giáo”: Diễn đạt sự vững trãi, kiên cường, uy dũng, tư thế sẵn sàng chiến đấu của người lính
- Dịch thơ: “Múa giáo non sông trải mấy thu”: “Múa giáo”: thế động - trình độ thuần phục cung kiếm trong thao tác, thiên về biểu diễn phô trương. Không thể hiện sức mạnh nội lực vì vậy không truyền tải được ý nghĩa hình ảnh thơ trong nguyên tác.
→ Lời dịch chưa thể hiện rõ nguyên tác.

*Tiểu kết: thể hiện hình ảnh của dũng tướng với tư thế hiên ngang, dũng cảm sẵn chiến đấu bảo vệ đất nước.

b. Câu hai: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” - Sức mạnh của binh sĩ nhà Trần
* Giải thích:
- “Tam quân” (ba quân): Ngày xưa thường chia quân lính thành ba đội:
+ Tiền quân (đội quân đi trước)
+ Trung quân (đội quân đi giữa)
+ Hậu quân (đội quân đi sau)
→ “Tam quân” chỉ quân đội nói chung, là quân đội của cả đất nước. Điều này thể hiện sự đồng lòng, cùng nhau đứng lên chiến đấu của cả dân tộc.
- “Tì”: Một giống thú dữ thuộc loại báo.
→ “tì hổ”: hổ báo, loài mãnh thú.
⇒ Kết hợp với biện pháp tu từ so sánh: “tam quân” - “tì hổ” Đã nhấn mạnh sức mạnh hùng dũng, dũng mãnh như hổ báo của quân đội nhà Trần. Góp phần cụ thể hóa sức mạnh vật chất và khái quát sức mạnh tinh thần của quân đội nhà Trần.
- “Khí”: Theo như quan niệm văn hóa của thời trung đại, “khí” chính là năng lượng sống. Năng lượng sống này chính là thứ quyết định sức mạnh của con người.
- “Thôn”: Ăn, nuốt xuống, không cần nhai.
- “Ngưu”: Có 2 cách hiểu
+ Con trâu: Một loài động vật lớn. → “Khí thôn ngưu”: Ba quân được ví như hổ báo, khí thế mạnh mẽ đến nỗi có thể nuốt trôi con trâu.
+ Sao Ngưu: Một ngôi sao sáng rực ở bán cầu Bắc, thường xuất hiện vào ban đêm, có thể quan sát vào tháng chín, tháng mười. Ngôi sao Ngưu sáng nhất, rực rỡ nhất vào khoảng tháng một, tháng mười hai. → “Khí thôn ngưu”: Khí thế có thể làm mờ đi ánh sáng của sao Ngưu, lấn át cả sao trời.
⇒ Cả hai nghĩa đều nhấn mạnh sức mạnh, khí thế oai hùng của quân sĩ.

*So sánh với bản dịch thơ:
- Phiên âm: “Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.”: “Khí thôn ngưu”: Giúp cho người đọc có thể hiểu câu thơ theo hai nghĩa. Một nghĩa là thể hiện sự dũng mãnh của quân đội, như là một loài hổ báo có thể nuốt trôi được cả con trâu. Nghĩa thứ hai cho thấy hình ảnh một quân đội hào hùng, khí thế có thể làm mờ đi ánh sáng của ngôi sao Ngưu.
- Dịch nghĩa: “Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.”
- Dịch thơ: “Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.”: Cho thấy sức mạnh của quân đội dường như có thể nuốt trôi con trâu.
→ Lời dịch chưa thể hiện rõ ý nghĩa thứ hai mà tác giả muốn truyền đạt.

* Tiểu kết:
- Với các hình ảnh so sánh, phóng đại độc đáo, sự kết hợp giữa hiện thực và lãng mạn, giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan đã cho thấy sức mạnh và tầm vóc của quân đội nhà Trần.
- Câu thơ đã khắc họa rõ hình ảnh một đội quân hùng mạnh, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ đất nước. Đồng thời câu thơ còn thể hiện hào khí thời nhà Trần trong giai đoạn chiến đấu chống quân Nguyên - Mông, hay còn được gọi là “Hào khí Đông A”.

* Mở rộng: “Hào khí Đông A”:
- Trên thực tế, chúng ta có thể hiểu “Hào khí Đông A” chính là hào khí nhà Trần. Nhưng có câu nói đó là xuất phát từ 2 lý do.
+ Lý do thứ nhất: Theo lối chiết tự, chữ “Trần”(陳) được ghép từ chữ “Đông”(東) và chữ “A”(阿) nên có thể đọc là “Đông A”.
+ Lý do thứ hai (là lý do cụ thể): Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu cũng như khách quan lịch sử, nhà Trần là triều đại phong kiến đầu tiên của lịch sử Việt Nam có thể tạo được sự đồng tâm, nhất chí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ hay từ trai đến gái.

Lần đầu tiên, tất cả con dân Đại Việt đồng lòng vì nghĩa lớn, với tinh thần quyết tử để chống giặc ngoại xâm! Lúc bấy giờ đứng trước kẻ địch cường mãnh nhất thế giới, nhưng Đại Việt vẫn thể hiện được tinh thần tự lập tự cường, lòng yêu nước vô hạn.

Trong Hịch tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn có viết: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng”. Sự phẫn nộ, căm tức quân giặc cũng như ý chí quyết chiến quyết thắng không gì lay chuyển.
Hay như câu trả lời cứng rắn của ông khi được vua Trần Thánh Tông hỏi trong cuộc kháng chiến lần hai: “Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng”.

Và tinh thần ấy cũng là biểu trưng rõ nhất cho hào khí Đông A, hào khí lịch sử giúp cho quân dân nhà Trần có được ba chiến thắng không tưởng trước quân Nguyên - Mông. Không vậy mà trước khi mất, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có để lại quốc sách giữ nước cho vua Trần Anh Tông rằng: "Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. (Nên) khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Đó là tinh thần trung quân ái quốc của Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, vậy còn những người khác thì sao?

Năm 1284, nước ta đối mặt với sức ép không tưởng từ hơn 50 vạn quân Nguyên Mông, chúng vẫn muốn xâm lược nước ta 1 lần nữa. Đứng trước nguy cơ đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu hợp các phụ lão trong cả nước về điện Diên Hồng để hỏi nên chủ hòa hay chủ chiến!
Kết quả thì mọi người có thể đã biết hết, theo Đại Việt Sử Ký toàn thư quyển 5, kỷ nhà Trần: “Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói “ĐÁNH”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.
Các bô lão đó chính là những người được trọng vọng, kính nể ở khắp nơi trong nước và chính họ cũng thể hiện ý kiến của nhân dân. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng viết:
“Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.

Tóm lại, hào khí Đông A không chỉ là nét chữ, lỗi chiết tự mà còn là tinh thần bất khuất, dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của trên dưới quân-thần-dân nhà Trần. Với họ, đầu có thể rơi, máu có thể chảy nhưng quyết không thể làm người mất nước! Thậm chí có những người như Trần Quốc Tuấn, vì ích nước mà sẵn sàng gạt thù nhà.

c. Kết luận:
- Nội dung:
+ Hai câu thơ đầu làm sống dậy thời đại nhà Trần với hào khí Đông A vang núi dậy sông bằng hình ảnh của những người anh hùng vệ quốc tư thế hiên ngang, kiêu dũng tầm vóc sánh ngang tầm vũ trụ cùng lực lượng quân đội hùng hậu khí thế ngút trời.
+ Ẩn sau đó là niềm tự hào của tác giả về sức mạnh và chiến công của dân tộc. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước.
- Nghệ thuật:
+ Bút pháp gợi, không tả, kể chi tiết
+ Sử dụng các hình ảnh ước lệ: Kháp kỉ thu, tì hổ, khí thôn ngưu
+ Sử dụng các biện pháp so sánh, ước lệ độc đáo.

2. Hai câu sau - Nỗi lòng được cống hiến cho giang sơn xã tắc của tác giả.
a. Câu 3: “Nam nhi vị liễu công danh trái”- Quan niệm về món nợ công danh.
*Giải thích:
- “Nam nhi”: chỉ những người có tài năng, phẩm chất của người anh hùng, có chí lập công danh, sự nghiệp.
+ Lập công: để lại sự nghiệp, cống hiến cho đời, cho đất nước.
+ Lập danh để lại tiếng thơm cho muôn đời.
+ Ý thức trách nhiệm to lớn của nhà thơ nói riêng và các đấng nam tử nói chung đối với giang sơn, xã tắc.
- “Vị“: chứ từng.
- “Liễu”: chấm dứt, xong,hoàn tất.
- “Vị liễu”: chưa hoàn tất, chưa trả xong.
- “Trái”: món nợ.
⇒“Công danh trái”: nợ công danh, nợ sự nghiệp giúp dân, giúp nước, để lại tiếng danh cho đời. Theo quan niệm nhà Nho, đây là món nợ lớn mà một trang nam nhi khi sinh ra đã phải mang trong mình. Nó gồm 2 phương diện: Lập công, lập danh. Kẻ làm trai phải làm xong hai nhiệm vụ này mới được coi là hoàn trả món nợ.

*So sánh với bản dịch thơ:
- Phiên âm: “Nam nhi vị liễu công danh trái”: Chưa làm xong, chưa thực hiện trọn vẹn nợ công danh.
- Dịch thơ: “Công danh nam tử còn vương nợ”: “Vương nợ”: bị ràng buộc bởi món nợ công danh. Lí tưởng lập công danh ở đây mang sắc thái bị động.
⇒ Lời dịch chưa thể hiện được nguyên tác.

*Mở rộng
Quan niệm này được nhắc đến nhiều lần trong thơ ca xưa nay:
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên ( Ca dao)

Làm trai cho đáng nên trai
Khom lưng uốn gối gánh hai hạt vừng (Ca dao)

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông ( Nguyễn Công Trứ)

*Tiểu kết: Là một thành viên của đạo quân anh hùng, Phạm Ngũ Lão từ một chiến binh dày dặn đã trở thành một danh tướng khi tuổi còn rất trẻ. Trong con người ông luôn sôi sục khát vọng công danh của đấng nam nhi thời loạn. Một danh tướng có nỗi trăn trở, canh cánh trong lòng là chưa trả xong nợ công danh mặc dù con người ấy đã lập lên bao nhiêu chiến công. Đó chính là khát vọng, lí tưởng lớn lao muốn được phụ vua giúp nước, trong không khí sục sôi của thời đại bấy giờ, chí làm trai có tác dụng cỗ vũ cho con người sẵn sàng chiến đấu giành lại hòa bình cho đất nước.

b. Câu 4: “Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” Nỗi hổ thẹn và nhân cách cao đẹp của tác giả
*Giải thích:
- “Tu thính”: hổ thẹn khi nghe.
- “Nhân gian thuyết”: nghe dân gian nói, kể về điều gì, ai đó.
- “Vũ Hầu”: tức Khổng Minh, một quân sư tài ba của Lưu Bị thời Tam Quốc. Nhờ mưu trí cao, Khổng Minh đã lập được công lớn, nhiều phen làm cho đôi phương khốn đốn; vì thế ông rất được Lưu Bị tin yêu.
→ Âm hưởng trầm lắng, suy tư và việc sử dụng điển cố điển tích “thuyết Vũ Hầu”, bút pháp gợi kết hợp với bút pháp biểu cảm
→ Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão hết sức cao cả của một nhân cách lớn. Suy nghĩ của Phạm Ngũ Lão rất cụ thể và thiết thực; một ngày còn bóng quân thù là nợ công danh của tuổi trẻ với giang sơn xã tắc vẫn còn vương, chưa trả hết. Mà như vậy là phận sự với vua, với nước chưa tròn, khát vọng công danh chưa thỏa. Cách nghĩ, cách sống của Phạm Ngũ Lão rất tích cực, tiến bộ. Ông đã sống xứng đáng với thời đại anh hùng..

*Tiểu kết: Các nhà thơ trung đại mang tâm lí sùng cổ (lấy giá trị xưa làm chuẩn mực), thêm nữa từ sự thật về Khổng Minh" Nỗi tự thẹn của Phạm Ngũ Lão là hiển nhiên. Phạm Ngũ Lão thẹn chưa có được tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước. Đồng thời thể hiện khát vọng, hoài bão muốn sánh với Vũ hầu của tác giả.

*Mở rộng: Xưa nay, những người có nhân cách vẫn thường mang trong mình nỗi thẹn:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc ánh trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”
Nguyễn Khuyến trong bài thơ “Thu vịnh” từng bày tỏ nỗi thẹn khi nghĩ tới Đào Tiềm – một danh sĩ cao khiết đời Tấn. Đó là nỗi thẹn của người có nhân cách. Trong bài Thuật hoài, Phạm Ngũ Lão thẹn vì chưa trả xong nợ nước. Vì từ một chàng trai thôn dã bình th¬ường ở làng Phù ủng ông đã trở thành một vị t¬ướng tài, tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần 2, lần 3, nổi tiếng là ngư¬ời đánh đâu thắng đấy. Cho tới khi 63 tuổi ông vẫn hăng hái xung phong cầm quân, dẹp tan bọn xâm lược quấy rối biên giới phía Tây Tổ quốc. Được phong chức : “Điện súy thượng tướng quân”
→ Cho nên Thẹn với Vũ hầu không phải là so sánh mình với Vũ hầu mà là soi vào tấm g¬ương ấy để nỗ lực phấn đấu, khát khao có đ¬ược tài mưu lược để giúp nhà Trần trừ giặc, cứu nước.
Đó là nỗi thẹn có giá trị nhân cách. Nỗi thẹn ấy không làm cho con người trở nên nhỏ bé mà trái lại nâng cao phẩm giá con người. Đó là cái thẹn của một con người có lý tưởng, hoài bão vừa lớn lao, vừa khiêm nhường. Nỗi thẹn của một con người luôn dành trọn cái tâm cho đất nước, cho cộng đồng. Như vậy, Phạm Ngũ Lão vừa đề cao cái chí, vừa đề cao cái tâm của con người Việt Nam đời Trần. Đó chính là con người hữu tâm trong thơ ca trung đại Việt Nam.
Nếu ở hai câu đầu giọng điệu sôi nổi hùng tráng thì đến đây âm hưởng thơ bỗng dưng như một nốt trầm lắng lại. Điều đó rất phù hợp với lời bộc bạch, tâm sự, bày tỏ nỗi lòng của nhà thơ. Nói cách khác âm hưởng thơ góp phần thể hiện nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão.
Với tinh thần ấy, nhân dân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt ở Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, v.v... và nhất là Bạch Đằng.Trần Quốc Toản mới 16 tuổi (cùng triều đại): đã gi¬ơng cao lá cờ thêu 6 chữ vàng “Phá C¬ường Địch Báo Hoàng Ân” và sau này trở thành một vị t¬ướng tài ba xuất chúng trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Lập công danh ngày nay là của tất cả mọi ngư¬ời và không chỉ khi đất n¬ước có giặc ngoại xâm mà trong hoà bình vẫn cần lập công danh.
❖ Bài học đối với thế hệ thanh niên ngày nay:
+ Sống phải có hoài bão, ước mơ và biết mơ ước những điều lớn lao.
+ Nỗ lực hết mình và không ngừng để thực hiện hoài bão và hoàn thiện bản thân.
+ Gắn khát vọng, lợi ích của bản thân với lợi ích của tổ quốc, nhân dân.

III/Tổng kết
1. Nội dung: Bài thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của  con người thời Trần:
+ Tầm vóc tư thế lớn lao kì vĩ của con người thời Trần
+ Trí lớn lập công danh cái tâm mang giá trị nhân cách, nỗi “thẹn” tôn lên vẻ đẹp của con người
+ Bài thơ còn thể hiện được khí thế hào hùng mang tinh thần quyết chiến quyết thắng của cả một thời đại
2. Nghệ thuật
+ Thủ pháp gợi, thiên về ấn tượng bao quát, đạt tới độ súc tích cao
+ Bút pháp nghệ thuật hoành tráng có tính sử thi với hình tượng thơ độc lớn lao kì vĩ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top