Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

TẤM CÁM- Dì ghẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu như tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người, ca dao là tiếng nói tình cảm của người lao động thì truyện cố tích lại thể hiện cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa. Một trong những truyện cổ tích thể hiện cuộc đấu tranh gay go và quyết liệt ấy là truyện Tấm Cám. Thời thơ ấu của mỗi người dân Việt Nam chắc hẳn không ai lại không được nghe, được đọc truyện Tấm Cám đôi lần. Ngoài Tấm, Cám, nhân vật dì ghẻ cũng là một nhân vật được nhắc đến nhiều nhất trong truyện, là nhân vật gây ra tấm bi kịch cho Tấm.

I/Khái quát về câu chuyện tấm cám, những việc làm độc ác mà dì ghẻ đã đày đọa Tấm

Qua diễn biến câu chuyện, nhân vật dì ghẻ và Cám đã hiện lên cùng với những tội ác không thể dung thứ, cứ thế nối tiếp, nối tiếp tạo thành một chuỗi những sự việc móc xích với tính tăng tiến. Bản chất - cách xây dựng nhân vật dì ghẻ được bộc lộ vô cùng rõ nét qua cách kể của nhân dân lao động thời ấy. Hãy nhìn vào bản chất của các sự việc:

Những việc làm trong phần đời thứ nhất:

Chiếc yếm đỏ:
T

ấm bị đày đọa, phải làm việc cực nhọc tất cả mọi việc… đành rằng đó là cách đối xử bất công. Nhưng ở sự việc thi bắt tôm tép với phần thưởng chiếc yếm đỏ là sự “gian manh” của Cám và sự “xảo quyệt” của mụ dì ghẻ! Có thể hiểu rằng, hai chị em đến tuổi cập kê và cần chiếc yếm để che chắn cũng như làm duyên, làm dáng. Mụ dì ghẻ không muốn cho Tấm chiếc yếm đỏ và bày trò ra cuộc thi chỉ là cách “che mắt thiên hạ” bởi mụ thừa biết con mụ không bao giờ thắng được nhưng nó có thủ đoạn để giành lấy phần thưởng. Chiếc yếm đỏ không đơn giản là một phần thưởng vật chất mà lớn hơn, cái dã tâm của mụ là không cho Tấm có cơ hội làm đẹp, không cho cơ hội được có một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai. (Điều đó có thể lý giải được vì sao Bụt cho Tấm con bống về nuôi và có những sự việc tiếp diễn sau này).

Cá bống:
Tấm bị cướp mất mọi giá trị vật chất do công sức lao động mình làm ra, thậm chí con đường, cơ hội đến với hạnh phúc tương lai đã bị mẹ con Cám rào lại. Con cá bống lúc này chỉ đơn giản là một người bạn, một nguồn vui, một niềm hạnh phúc nhỏ tạm thời của cô nhưng mụ dì ghẻ lại bày mưu để cùng Cám giết mất. Nghĩa là sự đầy đọa về thể xác chưa đủ, mẹ con Cám còn triệt bỏ nguồn vui tinh thần nho nhỏ, duy nhất. Điều đó gần như đồng nghĩa với việc không cho Tấm nguồn sống nào nữa!
Nhà vua mở hội và sự cản chân của mẹ con Cám
Nhà vua mở hội, mụ dì ghẻ nghĩ ra cách để không cho Tấm đi là trộn thóc với gạo bắt ở nhà nhặt. Đi xem hội không đơn giản là một dịp vui chơi mà là dịp để nam nữ gặp nhau rồi nên duyên. Cơ hội để có thể được một chàng trai nào để mắt tới trong cuộc sống hàng ngày đã bị chặn đứng từ phần thưởng chiếc yếm, lần này là cơ hội để gặp gỡ, để nên duyên, để có hạnh phúc tương lai cũng bị tước mất. Không để Tấm có cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần dù đó hoàn toàn là công sức lao động, năng lực, vẻ đẹp của cô đã là điều đáng căm ghét lắm rồi, hơn thế lại không cho cơ hội, chặn đứng mọi khả năng để có thể có một cuộc sống hạnh phúc tương lai thì…
Những hành động của dì ghẻ chỉ dừng ở việc đố kị, ghen ghét với nét đẹp của Tấm, đồng thời là sự phân hóa giai cấp, coi khinh thân phận của Tấm chỉ là con ghẻ, không cùng dòng máu, không người thân bao bọc, bảo vệ.

Những việc làm trong phần đời thứ hai - Giết Tấm và dày vò nàng qua các lần tái sinh

Giết con chim vàng anh:
Trước sự xuất hiện của con chim vàng anh khiến cho vua mê mải, lại biết rằng con chim vàng anh ấy là do Tấm hóa thân thành. Dần dần, nhà vua chẳng còn quan tâm gì tới Cám, dì ghẻ lo sợ rằng mình sẽ đánh mất quyền lực, một lần nữa thua Tấm nên lập mưu thừa lúc vua đi vắng, thịt chim vàng anh, xui con gái nói rằng:
“Thiếp có mang, thèm ăn thịt chim nên trộm phép bệ hạ đã giết thịt ăn mất rồi.”
Rồi sau đó đem lông chim vứt ra ngoài vườn.
Như vậy, dì ghẻ đã gián tiếp ăn thịt Tấm. Bản chất độc ác của dì ghẻ được bộc lộ rõ nét qua hành động đó, cùng với sự biến đổi tâm lý từ đố kị, ghen ghét đến truy cùng diệt tận.

Hai cây xoan:
Từ lông vũ của chim vàng anh mọc lên hai cây xoan che nắng cho vua. Lần này, vua cũng mải mê với hai cây xoan đào rợp bóng trong vườn thượng uyển, ngày ngày mắc võng nằm hóng mát và chẳng đoái hoài gì đến Cám nữa. Tương tự, dì ghẻ đem lòng thù hận, ghen ghét muốn loại bỏ Tấm để giữ vững quyền lực, giang sơn trong tay mình. Dì ghẻ một lần nữa xui Cám nói dối vua: “Cây đổ vì bão, thiếp sai thợ chặt làm khung cửi để dệt áo cho bệ hạ.”
Dì ghẻ tiếp tục tước đi sự tự do, tước đi sinh mệnh của Tấm ngụ trong 2 cây xoan đào. Sự tàn độc của dì ghẻ được lặp lại và nhấn mạnh hơn những lần trước: Cho dù lần này hóa thân của Tấm chỉ là một chiếc cây, thậm chí chẳng phải là một sinh vật sống nhưng bà ta vẫn không buông tha cho nàng.

Khung cửi:
Sau khi chặt cây, gỗ hai cây xoan đào được chế thành khung cửi
Khi dệt, chiếc khung cửi kêu lên cót két và đem đến cho mẹ con dì ghẻ sự phản kháng của Tấm. Cám hoảng sợ chạy về mách mẹ, dì ghẻ xui Cám đốt khung cửi rồi đem tro đổ ở một nơi xa
Sự biến đổi của Tấm lần này là dưới sức kiểm soát của mẹ con nhà Cám, họ tiếp tục tước đi tự do của nàng, biến Tấm thành một công cụ, một nô lệ, kìm lại vòng lặp tái sinh của nàng, để nàng không thể nào trở về bên nhà vua được nữa.

Sau những sự việc đã xảy ra thì ta có thể thấy dì ghẻ được xây dựng là một nhân vật rất thông minh nhưng mưu mô, xảo quyệt và vô cùng ích kỷ. Cách xử lý của mụ ta đã vô cùng khôn khéo, dùng mọi thủ đoạn chia cắt Tấm và Nhà Vua, đồng thời giành quyền lợi về tay mình.

Tình yêu thương của vua rõ ràng không bao giờ dành cho Cám, và Cám vào cung cũng không phải vì tình yêu đối với vua. Vậy thì con chim vàng anh hay cây xoan đào không làm ảnh hưởng gì đến cuộc sống và mục đích mà mẹ con Cám muốn đạt được. Cũng như việc giết con cá bống của Tấm, không thể đơn giản hành động đó chỉ là sự ganh ghét, đố kỵ được mà là bởi bản chất độc ác, tàn bạo của mẹ con Cám: tước đoạt mọi thứ của Tấm: Khi Tấm có cơ hội làm hoàng hậu thì tìm cách hại Tấm để cho con gái vào thay thế vị trí. Tấm chết rồi, linh hồn oan ức muốn trở về đổi lại công lý nhưng cũng không xong với mụ dì ghẻ, bà ta tìm cách hãm hại, tiêu diệt Tấm từ những mầm mống nhỏ nhất. Cũng mang trong mình mối quan hệ thân thích, vậy mà mụ dì ghẻ không bao giờ nghĩ đến chuyện nương tay với Tấm, và những hành động hại Tấm của mụ thật không chút động lòng trắc ẩn. Dì ghẻ cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, được sống trong sung sướng. Song, tham vọng của bà ta đã lấn át lý trí, điều đó làm ra hành động vô nhân tính, mụ ta từ đố kị ghen ghét chuyển thành ham muốn tận diệt.

Qua những sự việc trên ta có thể thấy rõ nhất mục đích hãm hại Tấm của dì ghẻ chính là để nắm giữ quyền lợi của bản thân và con gái mình, sống trong nhung lụa giàu sang.
Bên cạnh đó ở một góc nhìn khác, ta có thể thấy được những hành động đó cũng là để dì ghẻ bảo vệ con gái mình – Cám. Bà ta vì muốn cho con gái mình một cuộc sống hạnh phúc mà không từ thủ đoạn, kể cả đó có là kết thúc sinh mệnh một con người. Việc lo cho con và làm mọi điều vì con như vậy là không sai, nhưng khi tình mẫu tử ấy đi lệch khỏi đạo đức của một con người, thì hành động của dì ghẻ là bất dung thứ

Tiếp theo đó, chúng ta sẽ cùng đến với phần phân tích sâu hơn về nhân vật dì ghẻ này, trên một góc nhìn khác – góc nhìn của nhân dân lao động thời bấy giờ:

II/ Cách xây dựng nhân vật dì ghẻ phản ánh hiện thực xã hội bấy giờ

Lý giải cho sự ghen ghét và tên gọi: “Dì ghẻ”
Sự thay thế chế độ nội tộc hôn của xã hội thị tộc mẫu hệ bằng chế độ hôn nhân của gia đình phụ hệ cho phép người đàn ông có vợ là những người đàn bà thuộc những dòng họ, những huyết thống khác nhau, làm nảy sinh ra cách nhìn người vợ sau (mẹ kế) như một người xa lạ, ghẻ lạnh và thù địch với người vợ trước và con đẻ của người vợ trước. Cách nhìn "xa lạ", "thù địch" ấy lại mang đậm màu sắc của quan niệm về người khác bộ lạc như một kẻ xa lạ, thù địch, có sức mạnh ma thuật của các phù thủy. Vậy nên cái nhìn của dân gian ta ngày trước về nhân vật dì ghẻ thường mang những đặc điểm xấu, sự tàn ác không thể cân đo đong đếm. Từ đó, chuyển đổi tính cách “phù thủy” của mụ dì ghẻ thành các đặc điểm của các tầng lớp và giai cấp áp bức bóc lột trong xã hội và gia đình, hướng này biểu lộ ra qua những cách kể tước bỏ dần những yếu tố hoang đường trong hành động của nhân vật dì ghẻ, và thay vào đó các yếu tố tâm lý – xã hội hiện thực.

Mâu thuẫn mẹ ghẻ - con chồng
Qua các sự việc với chiếc yếm đỏ, đi trẩy hội nêu trên ta có thể thấy được truyện “Tấm Cám” phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ (giữa dì ghẻ và con chồng), và sâu sắc hơn nữa đó chính là mâu thuẫn giữa mẹ ghẻ - con chồng, một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam từ ngày xưa cho tới hiện tại. Đặc biệt nhất, tính chất hiện thực ấy được phản ánh qua câu ca dao:
“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”

Mâu thuẫn xã hội
Như ta có thể thấy dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám chính là đại diện của tầng lớp bóc lột thời xưa, đại diện cho những người có chức quyền trong chế độ phong kiến luôn tìm cách hãm hại, bóc lột công sức lao động của người nông dân nghèo khổ, tìm kiếm cái lợi về bản thân mình. Điển hình cho cách xây dựng nhân vật ấy chính là sự đố kị, ghen ghét của dì ghẻ đối với Tấm, ra sức hãm hại Tấm qua các lần nàng tái sinh, với mục đích chính là nắm giữ quyền lực trong tay, tận hưởng sự giàu sang, phú quý mmaf nhẫm đạp trên đau khổ của người khác.
Sự phê phán tầng lớp thống trị được thể hiện đầy ẩn ý qua câu dặn dò của dì ghẻ khi Tấm đi chăn trâu: “Chăn trâu thì chăn đồng xa - Chớ chăn đồng nhà làng bắt mất trâu”. Rõ là một xã hội trong đó con người sống thu mình trong lũy tre xanh, ở trong làng thì tạm thời còn có kỷ cương, chứ ra khỏi làng tha hồ làm bậy. Và sự xui nhau trốn tránh các loại lệ làng đã là phổ biến. Nên chú ý trong câu văn vần vừa dẫn, chữ làng là dành để chỉ nhà chức trách, người có quyền lực. Họ cũng người làng đấy. Có khi còn do dân chúng bầu ra. Nhưng họ không hề tổ chức cho dân chúng làm ăn mà chỉ nhăm nhăm trừng phạt. Và phạt đến mức bắt hết cả trâu, lấy đi cái kế sinh nhai của người ta thì quá kẻ cướp rồi còn gì.

Mâu thuẫn giữa cái thiện - ác và bài học răn dạy con cháu sau này
Bên cạnh đó, truyện còn có ý nghĩa xã hội cao hơn là thể hiện mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Tấm là đại diện cho cái thiện, mẹ con Cám là hình ảnh của cái ác, của kẻ bất lương: Tấm nhờ chăm chỉ, lương thiện mà được Bụt giúp đỡ, từ cô gái mồ côi nghèo trở thành hoàng hậu, trải qua bao sóng gió bể dâu, nhưng Tấm vẫn đạt được kết thúc có hậu. Còn mụ dì ghẻ, xấu xa, ác nghiệt đến cùng cực thì cũng phải chịu hậu quả. Vậy đấyq, cuộc đời đều có đạo nghĩa, cái ác rồi cũng bị trừng phạt thích đáng.
=> Tác giả dân gian rất công bằng và rất khách quan, từ đó làm nổi bật lên đạo lý “Ở hiền gặp lành”, “gieo nhân nào gặp quả ấy”,... – những bài học khuyên nhủ con người ta không nên làm điều ác, hướng đến cái thiện để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn

III/ Tổng kết
Mỗi nhân vật trong câu chuyện cổ tích đều được xây dựng cầu kỳ, công phu, chứa đầy ngụ ý của tầng lớp nhân dân lao động trong đó. Để khi tìm hiểu sâu hơn, bóc tách từng lớp vỏ của nhân vật, ta có thể thấy được nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống và những bài học vô cùng thấm thía mà ông cha ta gửi gắm tới con cháu đời sau.
Tuy nhiên đó vẫn là quan niệm của dân gian, và tính chất của truyện cổ tích Việt Nam. Hãy thử nhìn theo mặt khác của câu truyện qua 1 đoạn video sau:

Dù sao đi nữa mụ dì ghẻ trong truyện cổ tích Tấm Cám cũng chỉ là hình tượng được xây dựng để đại diện cho cái ác. Và qua câu chuyện “Tấm Cám”, ta thấy được cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa người tốt và kẻ xấu trong xã hội xưa và nay, cái ác có thể mạnh nhưng không thể tồn tại vĩnh viễn, cái thiện có thể yếu nhưng vẫn luôn tồn tại để đấu tranh chống lại cái ác. Đó như thể là một chân lý, người ở hiền thì sẽ gặp lành và kẻ gieo gió ắt cũng có ngày gặp bão.
_______________________
Bài tìn hiểu này nhóm tớ làm trong trạng thái phê đá vì nhiều deadline nên mắc nhiều lỗi quá.... :(

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top