Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

xa cách ngàn trùng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Những tháng năm ấy,
có lẽ là tươi đẹp nhất cuộc đời."

Vị Xuyên,
ngày nắng hiếm hoi giữa giá tháng giêng

gửi em,

Lần đầu gặp em, một ngày đông tháng mười hai cuối năm bảy tám tại trạm y tế kiểm tra sức khoẻ nhập ngũ. Anh ngồi cạnh em, tướng tá của một thằng con trai vào tuổi trưởng thành vạm vỡ khác hẳn với một em mảnh khảnh, trắng muốt với ngón tay thon dài như những đứa con gái Thủ đô nhà quyền quý có cái lắc bạc ở cổ chân. Cái lạnh tê tái miền bắc luồn lách qua những kẽ hở, bật toang ô cửa sổ. Gió bấc ùa về, đong đầy căn phòng nhỏ. Cả đám thanh niên trai tráng bất giác run lẩy bẩy, ai nấy đều buột miệng xuýt xoa. Em vẫn ngồi bình thản, nhưng khuôn mặt lại tái đi, đôi môi khô nứt.

Không kìm được lòng, anh quay sang, vỗ lưng em:

"Này nhóc, lạnh lắm không? Anh cho nhóc mượn áo nhé?"

Em hơi nhíu mày:

"Cảm ơn, tôi không sao. Mà anh bao nhiêu tuổi, sao lại gọi tôi là nhóc?"

Anh bật cười vì sự lúng túng hiển hiện trong mắt em, dù rằng em đã cố tỏ vẻ nghiêm túc:

"Anh sắp qua tuổi hai mươi mốt, còn em, chắc chỉ mười sáu thôi nhỉ?"

"Ồ, anh trẻ hơn tôi tưởng nhiều đấy. Mà này, em cũng mười chín tuổi rồi, không còn là 'cậu nhóc' nữa đâu!" - Em hơi lên giọng, vừa là bất mãn vì anh mới chọc ghẹo em, vừa là để tỏ ra người lớn với người đối diện.

Anh ngạc nhiên:

"Em chỉ cách anh có hai tuổi thôi sao? Anh còn tưởng em mới học Chuyên Khoa." (*)

Em (lại) trừng mắt, đôi mắt to tròn, sáng long lanh như nai tơ, tỏ vẻ muốn nói gì đấy nhưng rồi im lặng.

Anh mỉm cười:

"Thôi được rồi, cậu thanh niên của tôi ạ, anh không chọc em nữa, được không?"

Cậu con trai với cặp răng thỏ xinh xắn ấy ngây thơ gật đầu:

"Hứa đấy nhé?"

"Hứa mà."

Cuộc đối thoại đầy ngượng ngùng và ngây ngô ấy chẳng ngờ lại là sự khởi đầu của chúng ta, cho những hạnh phúc và cả đau thương mãi về sau.

Thế rồi anh và em làm quen, bằng hữu, rồi thành tri kỷ. Nhà em ở Ô Quan Chưởng, căn nhà anh thuê ngay ở Hàng Trống. Em là sinh viên trường Y, hiếm khi rảnh rỗi, nhưng sáng cuối tuần nào anh cũng nhất quyết lôi em ra khỏi phòng cho bằng được để hưởng chút nắng trời bù cho những hôm em vùi trong sách vở giấy bút. Đèo em trên chiếc xe đạp hỏng phanh, loanh quanh ba mươi sáu phố phường thị thành, có hôm ra Chợ Đồng Xuân nếm thử bánh trôi bánh chay, hôm thì ra Hàng Mã ngắm người ta làm đồ chơi cho trẻ con, có khi chỉ dừng lại ở bờ Hồ mà đi dạo. Anh và em dần nhận ra cái tình cảm non trẻ đang nảy sinh, và trong thoáng chốc, hai ta đều ngẩn ngơ tự hỏi liệu rằng nên dừng lại hay bước tiếp. Nhưng rồi chẳng để ai phải nói ra, ta cùng lựa chọn nắm tay nhau. Năm ấy, em chuyển đến ở cùng anh, căn nhà cấp bốn bé xíu lọt thỏm trong ngõ vắng đìu hiu nay lại có thêm tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười đùa rộn ràng.

Giá mà mọi thứ vẫn êm đềm và bình yên như thế mãi, em nhỉ?

Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Nửa năm sau, giấy triệu tập khẩn cấp được gửi đến. Đất nước trong thời kỳ chiến tranh, những giây phút bình lặng như thế chỉ như biển cả dịu sóng trước cơn hồng thủy. Ngày chạm trán tới càng gần, cả ta và địch đều rậm rịch chiến dịch bày binh bố trận. Anh được phân phó vào sư đoàn 356, trực tiếp đóng quân sát biên giới, còn em là quân y ở hậu phương bên dưới. Lần đầu nếm trải mùi vị gian khổ, liều mạng dưới mưa bom bão đạn quân thù, dường như cả anh và em đều trưởng thành, gai góc hơn. Em không còn là cậu trai 'công tử bột' ngày xưa mà trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, rắn rỏi với làn da nâu đồng rám nắng. Những ngày ngơi tiếng súng, anh xuống trạm quân y thăm em, gặp gỡ đồng đội của em, ngồi chuyện trò đôi lát. Thế nhưng, những cuộc tấn công càng sít sao và độc địa. Cảnh giác được đề cao hơn cả, nhất cử nhất động đều bị kiểm soát gắt gao, thế nên anh ngày càng ít cơ hội để gặp em. Những năm tám tư, tám lăm, trạm biên phòng luôn phải thay đổi nhiều chỗ, nay đây mai kia, từ đó anh và em cũng trở nên cách biệt.

Năm tám chín cuộc chiến kết thúc, anh giải ngũ trở về, nghe phong thanh rằng em đã biền biệt chốn nào. Nhưng rồi dòng đời xô đẩy, sau giải phóng, đất nước không còn cần những người lính mà phải là công nhân, là kỹ sư, là bác sĩ, là nhà khoa học. Anh lang bạt sang Liên Xô mà không hay một tin em đang ở đâu, thế nào, liệu có bình an. Biền biệt hơn mười năm nơi đất khách quê người chẳng làm anh nguôi ngoai nỗi nhớ em. Anh về lại căn nhà của chúng ta, quạnh quẽ mà đơn côi lắm. Vắng em, cây đàn ghi-ta chẳng còn ngân lên những bản nhạc Pháp da diết hay những bài ca Hồng quân hào hùng, bụi giăng đầy trên góc bếp đã từng thơm mùi cơm chiều, những nhành hoa giấy quấn quít bên góc ban công mà em đã tận tâm chăm sóc trước ngày lên đường ra trận xác xơ dưới cái nắng chói trưa hè. Chính Quốc của anh, em có biết anh đã đau khổ thế nào không? Bạn bè anh, họ bảo cớ gì lại huỷ hoại bản thân vì một kẻ đã chết rồi nhưng anh gạt phăng đi. Họ chẳng hiểu, chẳng thấu tình cảm anh dành cho em như thế nào mà dám buông lời phán xét khinh miệt em như vậy. Đôi lúc giữa những cơn nửa tỉnh nửa mê, anh tự hỏi rằng liệu có lẽ em đã quên anh, và rằng những năm qua anh chỉ đang viển vông trong một miền hạnh phúc, một giấc mơ không có thực?

Một chiều, bạn đồng môn của anh, Trí Mân, ghé qua. Hắn không vào nhà, chỉ đứng ở cổng nhìn một anh-tệ-hại-và-đổ-đốn mà thở dài:

"Nếu Chính Quốc nhìn thấy mày trong bộ dạng này, có lẽ em ấy sẽ tống mày ra đường mất. Hanh, mày có thương Quốc không? Nếu mày thực sự nhớ em ấy thì vực dậy mà tìm em ấy đi, biết đâu Chính Quốc vẫn còn...?"

Câu nói của hắn làm anh bất chợt bừng tỉnh. Phải rồi, Chính Quốc em không phải con người dễ bỏ cuộc, có lẽ em chỉ lưu lạc ở đâu đó thôi và em sẽ trở về. Thế là anh nhen nhóm một chút hy vọng về em. Rủi thay, không ai biết tin em, cũng chẳng ai chứng kiến vụ đụng độ giữa em với bọn địch hai mươi năm về trước.

.

Trong suốt những năm qua, anh đã đi tìm em, bấu víu vào những hy vọng mong manh chập chờn như cánh bướm. Anh đã gặp những người đồng đội của em, em còn nhớ không, anh Thạc Trân, anh Doãn Kỳ? Anh đến gặp anh Kỳ vào một ngày trưa hè tháng bảy. Nắng Hà Nội đổ lửa trên những mái đầu đã hoa râm. Dường như thời gian vô tình bỏ sót những người lính ở lại với hoài niệm và hồi tưởng. Anh Doãn Kỳ vẫn chẳng hề thay đổi trong cái ký ức nhạt nhoà những năm tám mươi của anh, vẫn đôi mắt tinh anh sắc bén ấy, vẫn nụ cười ôn nhu điềm đạm ấy. Lắc lắc mái đầu đã quá nửa sợi bạc, anh Kỳ lôi ra một cuốn sổ đã sờn gáy, nét chữ bạc màu và giấy ngả vàng ố. Những bức thư kẹp chật ních bên trong rơi ra lả tả.

"Đây em. Chính Quốc nó viết thư cho em, viết nhiều lắm nhưng chẳng bao giờ gửi đi, vì sợ thất lạc, sợ chẳng thể đến tay em. Nó chẳng mong sẽ có thư em về, bởi trên ấy bom đạn ác liệt quá, chỉ sợ..." - Anh ngập ngừng.

Anh hiểu ý anh Kỳ. Có lẽ những năm ấy, cả họ, cả em, đều nghĩ anh đã chôn thây nơi biên quan, cái em mong hẳn có lẽ cũng chỉ là một mảnh giấy báo tử. Ấy vậy mà đau đớn thay, sống chết của anh em còn chưa tỏ, người đã vội bặt âm. Vuốt lại những tem thư một đồng dán ngay ngắn trên phong thư lem luốc, anh bỗng nôn nao cái cảm giác em vẫn còn ở đây, vẹn nguyên như ngày nào. Giọng anh Kỳ trầm trầm:

"Từ ngày hôm ấy, đội quân y tan tác mỗi người một ngả. Anh được phân phó về Lạng Sơn đến tận năm tám bảy, cũng chẳng cách nào liên lạc được với đồng đội cũ, vừa mới đây lại nghe tin Hiệu Tích qua đời vì đau yếu. Cũng đến lúc rồi, người nối người ra đi không quay trở lại, có chăng gặp người khi ấy cũng đã là lần cuối..."

Rời nhà anh Kỳ với những suy nghĩ miên man, run rủi thế nào một người đồng đội của anh lại liên lạc được với gia đình anh Thạc Trân. Em nhớ anh Thạc Trân chứ, mỗi lần anh ghé về trạm của em, anh Trân sẽ nấu cho anh cả một bữa linh đình rồi bắt anh ăn đến no kềnh. Những năm ấy trên biên giới thiếu thốn lương thực vô cùng, mỗi lần anh có việc ghé trạm quân y là mỗi lần anh Trân lấy cả kho lương ra để anh mang về cho đội. Anh Trân thực sự hiền lành và rộng rãi quá em nhỉ? Lần này anh gặp anh Trân đã là hơn hai mươi năm. Vết thương ở chân năm đó làm anh yếu đi nhiều, không còn đi lại được mà chỉ có thể ngồi một chỗ, mỗi lần muốn di chuyển lại phải nhờ bác gái dìu đi. Vậy mà, khi nghe anh hỏi tin em, dường như một động lực nào đấy đã giúp anh Trân lục lọi trong cái trí nhớ đóng bụi bao nhiêu năm mà kể rành mạch về cái buổi chiều định mệnh ấy.

"Ngày hôm đó, anh nhớ là ngày đầu tháng năm năm tám lăm. Chính Quốc và anh xuống quân khu hậu phương lấy thêm thuốc và lương cho đội. Quốc sợ đi đêm nguy hiểm, nên giục anh đi sớm về sớm. Rừng thiêng nước độc, lại thêm thổ phỉ tứ phương, nó lo vậy là phải. Nhưng đường rừng khó đi, đến chập chiều bọn anh mới có thể từ quân khu quay về trạm. Anh em ở quân khu can ngăn đủ điều, nói rằng giờ này có đi thì đến xẩm tối mới về, nhưng ở trạm vẫn còn người bệnh đang cần thuốc gấp, vả lại mọi người cũng không thể cầm cự nếu thiếu lương đến ngày mai. Thế nên anh và Quốc đi ngay không kịp dừng chân, chỉ mong có thể về trạm trước tối. Rủi rằng bọn địch nào cho anh làm thế. Trên đường đi, Chính Quốc đã ra hiệu với anh rằng có gì đó bất thường ở xung quanh, nhưng anh bảo nó rằng cứ tiếp tục đi mau, tránh đụng độ bất lợi. Xui xẻo thế nào, ta càng nhân nhượng, địch càng lấn tới. Khi chuẩn bị băng qua con suối cuối cùng để về trạm, bọn hắn xông ra chặn đầu. Quốc cố gắng mở đường máu thoát thân nhưng chúng quá đông, lại mang theo vũ khí, hai không thể chọi mười. Quốc bị bắn vào vùng bụng, máu mũi, máu miệng chảy ròng ròng nhưng vẫn kiên quyết đánh trả. Nó đã nói với anh, bằng bất kỳ giá nào cũng không được cho địch biết vị trí trạm, vì đó không chỉ có những người đồng đội mà còn là xương máu của quân ta để giữ lấy mảnh đất Tổ Quốc. Và không kịp để anh phản ứng, nó giật lấy khẩu súng từ tay một tên lính gần đó, uy hiếp hắn để lôi kéo sự chú ý của những tên còn lại cho anh thoát thân. Ánh mắt kiên cường của Quốc ngày hôm ấy, anh vẫn thấy day dứt trong lòng. Giá như hôm ấy anh đã cùng Quốc chiến đấu đến cùng, có lẽ, em ấy đã không bặt vô âm tín đến bây giờ."

Anh không trách anh Trân, bởi người cũ gặp nhau, chuyện đã qua rồi, có chăng chỉ còn là hồi ức. Thở dài một tiếng như vô tận, anh Trân nói rằng nếu muốn tìm em, hãy về lại trạm biên phòng xưa vào ngày giỗ, có lẽ sẽ gặp được người quen, bởi lẽ thời bom đạn khói lửa ấy qua lâu rồi, liệu còn mấy ai nhớ tới một liệt sĩ chưa biết tên trong cả triệu con người đã nằm xuống đất đen?

.

Anh về lại cái chốn thân thuộc ấy, Vị Xuyên của những năm tám mươi dường như lại phảng phất thoáng qua trong tầm mắt. Đất biên cương đầy xương máu và khói lửa, in đậm một vùng trời cột mốc số 428. Nơi đây, đồng đội anh, đồng đội em, từng người từng người ngã xuống. Những ráng chiều vàng rực, anh và em ngồi trên mỏm núi cao nhìn về nương dãy xanh xanh bạt ngàn lúa mạ, mà mơ về tương lai không còn chinh chiến liên miên. Thời ấy, hoà bình là thứ gì đó xa xỉ lắm, tới độ trong những bài ca người lính, người ta không hát về tình yêu, về thù hận, mà chỉ mong một mảnh hoà bình về trên đất nước quang vinh. Anh vẫn nhớ giọng nói trầm ấm của em, nhớ cả tiếng hát da diết của em trong những bản quân hành dồn dã:

"Đoàn giải phóng quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi ra đi thà chết không lui..." (**)

Anh tìm về đúng nơi chúng ta vẫn hay hẹn nhau, ngồi lại và đọc cho bằng hết những lá thư tay em cất giữ. Thư em dường như thấm đẫm nhung nhớ và xót xa. Anh thấy em ngồi dưới ánh đèn bão tù mù trên chiếc bàn con duy nhất còn lại trong trạm xá không bị trưng dụng làm bàn khám bệnh, nghiêng nghiêng cây bút mực tím Liên Xô trải dài con chữ trên mặt sau những tờ đơn thuốc đã sử dụng. Nét chữ cứng cáp và thẳng hàng hệt như tính cách của em vậy, cầu toàn và kỷ luật. Trong thư, em kể về những người lính bệnh nhân của em - những người còn sống và những người đã hy sinh, về cuộc sống của em và mọi người ở trạm, cả những cuộc tấn công của địch và phản công của quân ta. Em bảo rằng ở trạm em ngày một bận rộn, đội em chẳng lúc nào ngơi tay, thoáng chốc lại có thương binh, rảnh rỗi một chút em mới có thể viết vài dòng cho anh. Cuối thư lúc nào cũng là những dòng chứa hoài nhớ thương:

"Hanh của em, anh ở đấy có thiếu thốn, có mệt mỏi lắm không? Em ngồi trong lán nghe tiếng gió rừng rít ngoài cửa mà khẽ run, trong khi anh lại phải đi tuần đêm. Nhớ mặc nhiều áo, trời cũng chuyển lạnh rồi, mấy hôm nay mưa phùn lây phây, rét căm căm như đâm buốt vào da thịt. Phải giữ gìn sức khoẻ thật tốt đấy, em không thể ở đó canh chừng anh đâu. Thái Hanh, nhất định phải chiến đấu thật tốt, bảo vệ đất nước và cả bản thân nữa anh nhé! Em mong lắm ngày chúng ta cùng trở về nhà trong cờ hoa hân hoan reo mừng ngày độc lập của Tổ quốc, khi ấy cũng không còn những cuộc chiến phi nghĩa, cũng chẳng có chết chóc đau thương, chúng ta sẽ mãi mãi không lìa xa..."

Những dòng chữ cuối cùng của em run run, chẳng biết là vì xúc động hay mệt mỏi. Mắt anh tự khi nào đã nhoè đi. Chính Quốc em ơi, ngày độc lập đã qua bao nhiêu năm, cớ sao em vẫn chưa về với anh? Anh nhất định sẽ mang em về với mảnh đất quê mình, dẫu cho có chỉ là một nắm đất hay mảnh tro tàn.

.

Chiếc xe U-Oát cà tàng gầm rú ầm ĩ cuối cùng cũng dừng lại trước cửa trạm biên phòng. Đặt chân tới nơi khi trời nhập nhoạng tối, quẩn quanh đây vẫn còn dư vị của tàn phá đau thương. Gật đầu cảm ơn người lái xe cho anh quá giang, anh hơi sững lại khi thấy những người chiến sĩ trẻ ra đón anh, kính cẩn cúi chào. Có lẽ anh nhìn thấy anh và em của những năm đó, những năm tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết kiêu hãnh non dại mà chúng ta đã dành trọn nơi biên cương. Nhưng cái trạm cũ kỹ chưa tới mười mét vuông ngày nào đã được thay thế bằng những dãy nhà gạch mới to đẹp khang trang hơn, sơn vôi bóng loáng. Chỉ còn một góc nhỏ cái lán xưa được giữ lại làm kỷ vật chiến tranh. Anh bước vào, hơi ẩm lạnh lẽo xông lên khiến người ta bất giác rùng mình, sạp nứa mốc xanh mục ruỗng. Còn nhớ, góc nhỏ này là nơi anh Chiến, Trung và cậu em Hoàng hay ngồi đàn hát rôm rả những ngày bình yên, bên sạp kia là nơi cả đội từng nằm san sát, hồi hộp chờ đợi một ánh lửa loé lên từ phía bên kia biên giới. Vậy mà giờ cảnh còn, người đã đi xa rồi. Quá nửa trung đội trong đội hình sư đoàn 356 đã hy sinh trong cuộc chiến ác liệt dưới bom đạn kẻ thù. Anh về đây, thăm bia đá khắc tên những người đồng đội đã nằm lại mãi mãi ở cái tuổi tươi đẹp nhất, đau đớn thay, vẫn còn những người vĩnh viễn an nghỉ nơi đất lạnh mà không ai nhắc tên.

Chính Quốc em, liệu có phải là một trong những người nằm dưới tấm bia mộ không tên kia, hay vẫn còn ở đâu đó trên núi xanh?

.

Mười hai tháng bảy, những người cựu binh khắp miền Tổ quốc lại về nơi nghĩa trang Vị Xuyên này thắp cho chiến hữu mình một nén hương, đặt lại một nhành hoa cúc trắng. Trời Hà Giang hôm nay mây bão vần vũ, mưa đổ tầm tã không ngớt như khóc thương cho những linh hồn đã khuất. Hàng người đứng lặng trong những bộ quân phục bạc màu ướt đẫm, cơ hồ không thể nhận ra đâu là mưa, và đâu là nước mắt. Trong đám đông ấy, anh nhận ra đại đội trưởng Tuấn, người anh cả đáng quý luôn coi đồng đội như máu mủ ruột thịt. Anh bước tới, chạm nhẹ vào vai người ấy. Anh Tuấn bất ngờ và lúng túng trong giây lát, rồi anh vỡ oà trong xúc động:

"Hanh, em, bao nhiêu năm rồi..."

Hai anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chuyện kể không hết. Anh không thể tưởng tượng nổi, đối với những người thân của anh, anh đã ra đi lâu như thế nào. Chỉ biết rằng, anh Tuấn bảo, bao nhiêu năm qua mọi người vẫn ngóng tin anh trong tuyệt vọng. Có lẽ anh vô tâm quá phải không em? Anh cứ ngỡ sẽ chẳng ai nhớ tới tấm thân tàn này nữa, nên dù anh có sống hay chết cũng chẳng đáng nên lưu tâm. Anh Tuấn trách anh, bảo rằng anh cứ về, có đi hay ở cũng hãy báo anh em một tiếng, dù sao bảy người họ chỉ có nhau để nương tựa mà sống mà thôi. Thế rồi anh Tuấn hỏi chuyện anh và em, nghe anh Trân bảo rằng anh lên đây tìm em. Anh khẽ gật, nhàn nhạt cười:

"Vâng, nhưng đã lâu quá rồi, chẳng hay có ai còn nhớ tới Chính Quốc không..."

Không để anh nói hết câu, anh Tuấn kéo anh sang một góc khu nhà tưởng niệm. Lách người qua đám đông, những chiếc túi nilon kéo phéc-ma-tuya xanh dài nằm phủ kín mặt đất. Có những phần được đánh dấu bằng tên họ, nơi khai quật, có lẽ là những hài cốt đã tìm thấy người thân. Nhưng tầm mắt anh lại hướng về vài chiếc túi còn lại nằm lẻ loi ngoài rìa. Chân anh vội vô thức rảo bước tới, tim đập mạnh, đầu ong ong với lời nói của anh Tuấn:

"Lỡ như Chính Quốc đã đi rồi, em sẽ không sao chứ, Hanh?"

Ừ, hai mươi năm rồi, làm sao anh có thể trông chờ gặp được một em vẹn nguyên và tươi đẹp như ngày nào? Anh tham lam quá, phải không em? Nhưng rồi khi lướt qua những phần hài cốt không tên ấy, chẳng có gì mang lại cảm giác và hơi ấm thân thuộc của em. Anh bất giác cảm thấy như trút được một nỗi lo sợ không tên, một nỗi lo mà anh nghĩ sẽ không thể nào chống đỡ nổi nếu như em thực sự ở đây.

"Vẫn chưa thấy Chính Quốc sao? Đây đã là buổi tập kết cuối của vùng này rồi."

Anh Tuấn tự khi nào đã ở ngay cạnh. Thở dài một tiếng, anh trả lời:

"Có lẽ chúng em đã cạn duyên tương phùng rồi, anh ạ. Có lẽ em và em ấy không còn là định mệnh của nhau nữa. Cũng phải, làm sao có thể chứ..."

Bỏ lửng lời nói, anh quay người, định bụng sẽ thắp cho những người đồng đội một nén hương rồi quay về, trời mây bão vùng này sẽ sập tối rất nhanh.

Nhưng run rủi thế nào, em à, linh cảm của anh dường như níu chân anh lại. Cảm giác sẽ mất em một lần nữa bỗng ập đến làm anh nôn nao  một cách lạ thường. Có tiếng người lao xao ngoài cửa:

"Còn một người nữa sao? Cũng là chưa xác định được danh tính?"

Ập vào phòng một cách luống cuống và vội vã, anh Tuấn ngạc nhiên khi thấy anh quay trở lại, mặt mũi đỏ gay như lên cơn sốt. Anh nào đâu chú ý đến ai nữa, mà chỉ chăm chăm nhìn vào người vừa mới được đưa đến. Di vật của người ấy để bên ngoài tấm bạt xanh. Anh bủn rủn chân tay, sững lại như trời trồng. Người ta đặt người ấy bên cạnh những chiến sĩ vô danh còn lại. Khoảnh khắc ấy, anh bỗng thoát khỏi cơn mê, vội vã lao đến bên cạnh.

Đây, chiếc vòng tay khắc tên người tử trận, nét chữ đã mờ căm nhưng anh vẫn nhận ra được tên em, cái tên thật đẹp: Điền Chính Quốc. Chiếc vòng ấy mẹ em trao từ thuở mười lăm, em vẫn đeo không rời. Anh xin mở áo quan để nhận mặt em. Không còn gì, chỉ còn chăng là nắm đất đen nhánh, thơm mùi hoa cỏ, và ẩm ướt hơn mọi trảng đất trên miền núi đá khô cằn này. Giữa nắm đất ấy, một mảnh đạn đồng sáng loá cắm vào giữa ống xương thu hút sự chú ý của anh. Em đã từng bị một mảnh bom găm vào tận vào xương trong một lần vận chuyển, trái gió trở trời lại buốt nhói đau đớn đến kinh khủng. Mẩu kim loại tuy nhỏ bé kia trong giờ phút này lại là quá đủ thuyết phục anh rằng người nằm đây chính là em.

Kéo kín lại phéc-ma-tuya, nước mắt vô thức tràn khoé mi. Ừ, em, chính em rồi, em đã về với anh. Nhưng đau đớn quá em ơi, em lại chẳng còn vẹn toàn như trước. Anh đã từng nghĩ rằng mình sẽ mạnh mẽ mà không rơi lệ ngay cả khi em có nằm trong cỗ quan tài đen mà trở về, thế nhưng, để đối mặt với sự thật lại khó khăn hơn rất nhiều. Anh quỳ xuống đây, ngay bên cạnh em, cầu mong có một phép màu nào đấy khiến em tỉnh giấc, và đôi ta sẽ lại hạnh phúc như những năm tháng ấy. Anh hứa sẽ không bao giờ bỏ mặc em nữa, cũng sẽ không để em ra đi. Chúng ta mãi mãi sẽ không còn chia cắt, cũng sẽ không còn đau thương.

Em sẽ chỉ là thế giới nhỏ của anh mà thôi.

"Chính Quốc, em nghe thấy anh chứ?"

Nức nở.

Và khóc đến khi nước mắt cũng cạn khô.

Ngủ đi em ơi, ngủ đi
Hãy để anh ru cho em ngủ
Say vào cõi ngàn thu không ngoảnh lại
Để chiều buông trên áng mi dài
Dẫu tàn hoa nhuốm đỏ nòng súng hận
Ta vẫn mộng hoài tháng năm xưa.

.

Lại một chiều Vị Xuyên nắng rọi, gió và mây thoảng qua đỉnh đầu. Đời người trôi qua ngần ấy năm như một giấc mơ không bao giờ tỉnh dậy. Em đã an nghỉ được ba mươi cái xuân xanh, mãi mãi ở lại cái tuổi tươi đẹp nhất đời người. Em ở giữa núi non thanh bình, nhìn về phía con sông Lô êm đềm, xa tít tắp đằng kia chính là cố hương. Di nguyện cuối cùng của em là được nằm lại mảnh đất này, nơi trái tim em đã lỡ thuộc về.

Có lẽ đến cuối đời, tất cả những gì anh còn lại là em. Ngày mưa mười năm trước, nhận được tấm thư tay cuối cùng của em, em bảo rằng, "Anh phải sống."

Em ơi, anh đã gắng gượng đến bây giờ như một kẻ mất hồn, bởi không còn em, cuộc sống đã chẳng còn ý nghĩa. Anh về, trả cho em những gì em thương, trả cho em năm nhung tháng nhớ, trả lại cả tuổi thanh xuân chớm hồng. Tựa mình bên nấm mồ đã xanh cỏ, dường như anh nghe thấy tiếng thì thầm của em, vẫn giọng nói ngọt ngào ấy:

"Thái Hanh, em nhớ anh."

Chính Quốc, anh vẫn chưa bao giờ có cơ hội được nói ba chữ thiêng liêng nhất đời người: Anh yêu em, và hãy để cho anh tham lam nốt một lần cuối này thôi, làm trái lại ý nguyện của em.

Anh sẽ theo em đến cùng trời cuối đất,

Cho dù là kiếp trước, hay kiếp sau này,

Anh sẽ mãi mãi ở bên em.

Anh nhìn thấy em, ấm áp nở nụ cười mà anh hằng nhung nhớ bao năm qua.

Đợi anh, Chính Quốc.

Đợi anh.

end

___________
Chú thích
(*) Từ ngữ cũ, Chuyên Khoa có nghĩa là cấp 3.
(**) Đoàn Vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu
___________
Đôi lời tác giả:
Cảm xúc và ý tưởng trong câu chuyện này nảy ra trong một lần mình tới thăm nghĩa trang Vị Xuyên, tận mắt được thấy biên cương Tổ Quốc, thấy những ngôi mộ thoảng hương khói trong ráng chiều xanh xám tĩnh lặng. Những người lính chỉ mới đôi mươi đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc, có những người tới nay rất tiếc chúng ta vẫn chưa biết tên. Vì thế, một phần câu chuyện này là dành cho những người lính năm xưa đã bảo vệ ranh giới biên cương, những người hùng thầm lặng của Tổ Quốc.

Cảm ơn sociopathee và smokyheiz đã giúp mình hoàn thiện fic đầu tay này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top