Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

One Shot

Sau một phút bốc đồng và bồng bột vì câu trend xưa lắc xưa lơ "cậu ba, mợ thương cậu mà cậu thương ai á"

Vì là viết theo cảm hứng riêng nên sẽ có sai sót và câu văn lủn củn mong được mọi người thông cảm

Không biết có ai đọc truyện theo kiểu trần thuật này chưa nhỉ? Hy vọng không bị chê xàm.

____

"Bà ơi, bà kể cho cháu nghe về người con trai được lồng vào ảnh thờ của ông ba Vũ đi."

Đứa con gái chỉ vào cái ảnh thờ của ông ba nó trên bàn thờ, đôi mắt nó long lanh như ông ba nó thời còn trẻ. Ông ba là em ruột của ông nội nó. Còn tấm ảnh được lồng chung vào của người con trai kia, không biết nên gọi là tri kỉ hay gọi là người thương.

Âu chuyện này cũng qua mấy chục năm rồi. Nhớ năm đó, không ai là không biết nhà ông Châu. Ông bà Châu ngày đó giàu nứt vách mà nhơn đức lắm. Không khi nào đánh đập hay hành hạ tôi tớ trong nhà. Bởi vậy, trời thương cho ông bà 3 đứa con, đứa nào cũng vừa tài giỏi vừa đẹp trai, đẹp gái lắm.

Cậu hai Phong thì giỏi giang, làm công chuyện cho nhà máy đâu ra đó, không cần ông Châu nhọc lòng. Cậu hai lấy cô Hằng con ông hội ở huyện bên. Cô Hằng lại là người thẳng tính, ăn ngay nói thật nhưng cũng tốt tính lắm, không bạt đãi ai bao giờ.

Cậu ba Vũ thì đang học trên Sì Gòn á. Học giỏi nhất nhì cái huyện. Ai cũng khen cậu đẹp trai học giỏi hết đó. Con gái cả mấy cái huyện gần đều mê cậu. Muốn về làm dâu ông bà Châu. Mà tính cậu thì ít nói chuyện nên cậu không ưng, không nói chuyện với ai hết.

Còn cô út Tuyết, cổ nhỏ hơn cậu ba Vũ 2t. Cô vừa đẹp người vừa đẹp nết, lại thương người. Tuy hiền lành nhưng cũng có cá tánh lắm, không yếu đuối như mấy tiểu thư khác. Cô út học ở trường huyện chứ không muốn đi Sì Gòn học. Cô út nói đi xa nhà cổ nhớ tía má chịu hổng nổi.

Rồi có một năm, cậu ba Vũ được nghỉ hè nên từ Sì Gòn về chơi, trước đó có đánh thư về cho ông bà Châu là cậu có dẫn bạn từ trển về chơi. Ông Châu đọc thư thì vui phải biết. Vì ổng tưởng cậu ba Vũ dẫn bạn gái về ra mắt gia đình. Đùng một cái, cậu ba Vũ lại dẫn một đứa con trai khác về. Làm ông bà Châu mừng hụt.

Cậu ba Vũ giới thiệu cậu kia tên Nguyên học chung trường với cậu trên Sì Gòn. Cậu Nguyên trong tướng ta cũng đẹp trai dữ lắm. Cao ráo trắng trẻo. Nhìn cũng ra là con nhà gia thế. Bởi học chung được với cậu ba Vũ thì cũng phải dữ lắm.

Mà hình như cậu Nguyên ở miền ngoài, tiếng cậu nói nghe lạ tai mà vui lắm. Cậu Nguyên hay theo cậu ba Vũ học giọng miền tây. Cậu Nguyên giỏi lắm, học đủ thứ. Tới chuyện mần ruộng cũng muốn học. Cậu nói học để về kể cho tụi ở trường nghe. Còn xuống bếp nấu cơm nữa. Cậu nấu ngon phải biết. Ông bà Châu khen lấy khen để.

Nhìn cậu Nguyên trắng trẻo như công tử bột vậy chứ mạnh dữ dằng. Nhớ có đợt, cậu Nguyên nhìn ra ruộng thấy mấy con diều trên trời thì đòi cậu Vũ dẫn ra chơi. Mà cậu Vũ còn đang bận bàn công chuyện với ông Châu, nên sai thằng Khoai Môn dẫn cậu Nguyên đi trước. Được một lát thì thằng nhỏ hòng hộc chạy về méc. Nói cậu Nguyên bị tụi chăn trâu ngoài đồng ăn hiếp.

Ta nói cậu ba Vũ ba chân bốn cẳng phi ra ngoài ruộng. Mà ai có ngờ đâu, ba bốn đứa nhỏ nhỏ con đứng cun cút bên gốc tre không dám hó hé. Còn ba thằng bự con nhất đám thì nằm sải lai dưới đất. Bị cậu Nguyên quánh cho bờm đầu. Vậy mà cậu không có miếng thương tích nào, có thì cũng trầy chút xíu trên mu bàn tay. Cậu thấy cậu ba Vũ tới còn cười toét lên nữa chứ. Mà cậu ba thì xót người, rút cái khăn tay trong túi buột vết thương lại. Cậu Nguyên nhìn cái tay chảy máu có chút xíu mà bị bó thành một cục thì cười như được mùa.

Thằng Khoai Môn nhìn tụi kia nằm dưới đất mà nổi hết da gà. Cỡ như nó lỡ bị cậu Nguyên kẹp đầu chắc má nhìn không ra.

Cậu Nguyên còn có cái ngón đờn tây hay dữ lắm. Bửa cậu về cậu có vác thêm cái đờn trên vai. Ai cũng mê hết. Chiều chiều là cậu đem đờn ra sau nhà mà đờn. Cậu ba Vũ đôi lúc cũng sẽ hát theo. Ta nói nghe hay như mấy người hát tuồng nổi tiếng trên tỉnh.

Cô Tuyết nghe cậu Nguyên đờn mà mê lắm. Cổ hay ngồi bên cửa phòng ngó ra sau nhà để nghe cậu Nguyên đờn. Cổ cũng hay kiếm cớ ngồi nói chuyện với cậu. Mọi người đều chọc cô út nhà này có ý với cậu Nguyên làm cô Tuyết ngại lắm. Rồi cậu Nguyên nói gì đó với cô Tuyết mà không ai biết. Chỉ thấy sau bửa đó cô Tuyết ít nói chuyện với cậu Nguyên hơn hẳn.

Rồi tự dưng trong kì hè đó, bà Châu hối cậu ba Vũ lấy vợ. Mà cậu ba đâu có chịu nói đương ăn học, không cưới hỏi gì hết. Tối đó, nhà ông bà Châu chong đèn tận khuya. Bởi vì cậu ba Vũ nhất quyết không muốn lấy vợ. Người trong nhà hỏi lí do thì cậu chỉ nói bận học. Lời qua tiếng lại dần dà bà Châu tức giận nói cậu cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó chứ không có cái chuyện cãi lại chằm chằm như vậy.

Vậy là bà Châu bỏ ăn bỏ uống, quyết sống quyết chết bắt cậu cưới vợ cho bằng được. Ông Châu cũng không biết tại sao bà lại nằng nặc như vậy. Cũng thuận theo mà bắt cậu ba lấy vợ.

Mà nguyên nhân trong cái chuyện này là bà biết, Cậu ba Vũ thương cậu Nguyên.

Đờn bà họ có cái linh cảm ghê lắm. Thấy cậu ba đối xử với cậu Nguyên như thế nào, từng cái ánh mắt, từng cái hành động, bà nhìn ra hết. Con bà dứt ruột đẻ ra bà không hiểu thì ai hiểu. Bà cũng quý, cũng thương cậu Nguyên lắm chứ. Mà bà thương cậu Nguyên một thì thương cậu Vũ mười. Ở cái thời buổi này, ai đời chấp nhận được đờn ông lại đi thương đờn ông. Rồi bàn dân thiên hạ họ cười vô mặt. Rồi họ sẽ xỉ xối cậu ba nhà ông Châu có ăn có học mà mần cái chuyện không ra thể thống gì. Rồi cái nhà này không còn mặt mũi mà nhìn người đời, không còn mặt mũi mà lạy ông bà tổ tiên.

Cậu ba Vũ thấy má cậu bỏ ăn tới sanh bệnh nặng. Vì chữ hiếu mà cậu nuốt nước mắt chấp nhận nghe lời tía má đi lấy vợ. Cậu nói cậu không thương cô nào hết, ông bà muốn cậu cưới ai thì cậu cưới người đó.

Ngày cậu ba Vũ đồng ý đi lấy vợ, thằng Khoai Môn thấy cậu Nguyên ngồi ở gốc dừa kế mé sông mà khóc. Cậu khóc nghe mà đứt ruột đứt gan. Mới có mấy ngày mà nhìn cậu gầy sộp. Lúc đó nó còn nhỏ nó không biết cái gì là thương một người. Nó chỉ thấy xót cho cậu Nguyên. Cậu chắc phải buồn dữ lắm mới khóc thê lương như vậy.

Cũng trong đêm đó cậu Nguyên không nói với ai bỏ về Sì Gòn. Mà không biết là cậu về Sì Gòn hay cậu đã đi đâu. Bởi khi cậu ba Vũ nghe tin cậu bỏ đi liền tức tốc chạy lên Sì Gòn kiếm mà người ta nói chưa thấy cậu về trường. Liên lạc người ở quê cậu thì người ta nói cậu có về nhà rồi cãi nhau với tía cậu to dữ lắm. Xong người hầu trong nhà còn nghe tía cậu nói từ mặt cậu rồi đuổi cậu ra khỏi nhà. Hổm nay không thấy cậu nữa.

Từ đó, không ai thấy cậu Nguyên đâu. Không ai còn thấy gương mặt với má bánh bao bầu bĩnh hay nụ cười tươi như hoa đầu mùa hay tiếng đờn ngọt lịm kia đâu. Cũng không ai còn thấy ánh mắt nhu hòa của cậu ba Vũ nữa. Thay vào đó là ánh mắt đờ đẫn không ý cười cùng với tiếng đờn hẩng đi một nhịp trong tim. Cũng như một lời thương e ấp của một mối tình chưa kịp mở lời bắt đầu đã vội vàng chìm sâu trong kí ức.

Rồi cũng đến ngày tân hôn của cậu ba Vũ. Người cậu lấy là cô Linh nhà trên tỉnh. Cô thì đẹp phải biết, nhà cô giàu nứt trên tỉnh lại được cho ăn học đàng hoàn nên bà Châu ưng lắm. Hơn nữa cô cũng biết cậu, thầm mến cậu từ lâu.

Trong suốt bữa tiệc, cậu ba không cười lấy một lần. Gặp ai cũng chỉ gật đầu. Mặc cho xung quanh ai cũng hoan hỉ chúc mừng. Chúc mừng cậu ba lấy được vợ đẹp, chúc mừng ông bà Bá có được dâu hiền. Mọi chuyện cứ bình thường như vậy cho đến khi cô Tuyết chạy vào. Cô út nước mắt dàn dụa níu tay cậu ba Vũ, vừa khóc rưng rứt vừa báo hình như thấy một người dong dỏng cao như cậu Nguyên đứng ngoài cổng.

Cậu ba Vũ liền gạt tay cô Linh để chạy ra. Nhưng ngoài cổng, ngoài cái bảng tân hôn đỏ chót treo trên đầu ra chẳng còn thứ gì, một bóng người hay hơi ấm nào cũng không có. Xuất hiện một cái khăn tay quen thuộc treo vắt vẻo trong tầm mắt. Cậu ôm nó vào ngực. Cậu khóc. Cậu khóc như lần cậu Nguyên khóc dưới gốc dừa mé sông. Tiết trời trưa hè oi ả mà trong lòng cậu lạnh ngắt.

Rồi dần về sau , cậu ba Vũ như một người khác hẳn. Cậu vẫn sống với cô Linh - mợ ba như vợ chồng theo ý ông bà Châu. Đêm chung chăn chung gối nhưng chưa một lần chung lòng. Mợ ba ấm ức lắm nhưng cũng đã mang tiếng gái đã gã đi, cũng vì vẫn thương cậu nên chịu đựng. Chỉ hy vọng sớm ngày lay động được cậu ba.

Cậu ba học xong thì về làm việc cho nhà máy ở nhà. Bình thường cậu đã ít nói, bây giờ cậu lại càng không muốn nói chuyện hơn. Suốt ngày vùi đầu vô công việc bất kể ngày đêm. Sáng đi làm, tối về nhà thì như người dưng nước lã với mợ ba. Khi không có việc thì ngồi ngắm nghía cái khăn tay cũ.

Qua mấy năm, có một con hầu mới vô ở sau này thấy mợ ba từng chút từng chút chăm sóc cậu mà cậu vẫn không đoái hoài gì tới mợ, nó thắc mắc mới đi hỏi thằng Khoai Môn là cậu ba Vũ bị làm sao á, mợ ba thương cậu mà cậu thương ai á.

Thằng Khoai Môn không trả lời, nó lặng lẽ nhìn về cái gốc dừa nơi mà cậu Nguyên của nó đã ngồi khóc ngày mà cậu biết người ta đi lấy vợ.

Cuộc sống của cậu cứ như vậy trôi thêm mấy năm. Lúc này, cậu hai Phong đã sinh cho ông bà Châu đứa cháu trai. Cô út Tuyết cũng học xong đi lấy chồng ở cuối huyện. Mà cậu ba với mợ ba cứ như người dưng kẻ lạ sống chung một nhà. Bà Châu cũng nhiều lần nhắc nhở cậu ba nên đối xử tốt với mợ. Mà nhận lại cũng chỉ là sự im lặng đáng sợ của cậu.

Rồi có một dạo, kẻ ăn người ở trong nhà tá hỏa khi nghe cậu mợ ba cãi nhau to dữ lắm. Lần đầu bọn họ nghe cậu ba Vũ nói chuyện lớn tiếng như vậy. Không ai dám đến gần. Mợ ba thì khóc lóc nói cậu ba có tình nhơn ở ngoài mới lạnh nhạt với mợ. Bằng chứng là cái khăn tay yêu quý mà cậu vẫn giữ khư khư bên mình. Cậu ba thì quát mợ không được động vào đồ của cậu, nhất là cái khăn đó. Cãi dữ đến độ ông bà Châu cũng không ngăn nổi. Mợ ba tức giận bỏ luôn về nhà mẹ đẻ.

Bà Châu thấy con mình như mất hồn thì buồn phiền lắm. Nói cậu ba đi gọi mợ ba về cậu không nghe, nói lấy vợ khác cho cậu, cậu không chịu. Năm lần bảy lượt cậu ba đều không xoay chuyển.Thấy không thể ép cậu được nữa bà đành buông xuôi, có ép thì cũng như không. Bà bất lực nói sẽ tìm lại cậu Nguyên. Lúc đó cậu ba Vũ cười khẩy, nụ cười đầy đau khổ chua chát.

Rõ ràng ai cũng biết cậu Nguyên sẽ không bao giờ trở về nữa.

Thời gian lại thấm thoát thôi đưa như con nước chảy âm thầm mà nhanh chóng. Cậu ba Vũ bây giờ đầu đã điểm bạc. Vẫn dáng vẻ u sầu, không một tia ánh dương nào có thể soi sáng hay làm ấm lại một trái tim đã sớm nguội lạnh. Trái tim kia chỉ đập để chứng tỏ người vẫn là một con người còn sống. Người thì sống mà lòng thì đã chết tự bao giờ.

Thời gian trôi, thời thế thay đổi. Ông bà Châu đã từ giã mà về đất tổ từ lâu. Con trai cậu hai Phong cũng đã lấy vợ sinh con, bắt đầu một thế hệ mới trong nhà này. Mà cậu ba Vũ vẫn lủi thủi một mình với cái khăn đã sớm phai bạc. Mấy chục năm qua người ta thường thấy cậu ba ngồi trong phòng nhìn cái khăn mà khóc hay là đứng thơ thẫn nơi gốc dừa kế mé sông như nhìn ngắm, chờ đợi thứ gì. Hoặc là chờ đợi một người nào đó. Một người với chiếc má phính, nụ cười ngọt ngào sẵn sàng hướng về phía cậu. Cậu ba chưa bao giờ quên người con trai năm xưa. Không thể quên và không muốn quên. Cậu ba Vũ chưa một lần dũng cảm mà đối diện với tình cảm của mình.

Cậu chưa một lần hướng mọi người mà thừa nhận với cậu Nguyên. Nhưng cậu Nguyên năm đó, ở sau nhà đã hướng cô Tuyết thừa nhận cậu ba. Có lẽ đó mà cô Tuyết đã khóc khi thấy cậu Nguyên ngoài cổng.

Giá như năm đó cậu ba Vũ quyết liệt hơn có lẽ sẽ không đánh mất người con trai kia. Và đương nhiên cuộc sống không tồn tại hai chữ 'Giá như'

Ngày kia, người ta bu đến nhà ông Châu. Thấy ông ba Vũ nằm mê mang trên giường. Người hầu kẻ hạ đều khóc thương cho ông. Người ta nói ông bị đột quỵ giữa đêm khi đứng ngoài mé sông. Thằng Khoai Môn nó thấy nó gào người chở ông đi trạm xá. Nằm được mấy ngày, trạm xá nói bệnh ông nặng lắm không qua nổi, họ trả ông về nhà. Giờ chỉ có thể chờ ông trút hơi thở cuối cùng.

Người người quay quần trong sân nhà ông Châu. Ai ai cũng thương tiếc, tiếng khóc râm rỉ vang vọng mãi. Đâu từ đám đông, một bóng dáng cao gầy, lưng đã hơi hơi còng, từ từ đi vào. Nhìn người đi vào thằng Khoai Môn nó càng khóc to hơn. Người kia không quá thay đổi. Vẫn khuôn mặt ấy, vẫn đôi mắt ấy, vẫn hai má phính đã có chút xệ xuống cùng mấy nếp nhăn trên trán và đuôi mắt. Chính là cậu Nguyên của nó.

Cậu Nguyên, à chắc phải gọi là ông Nguyên, chậm chạm ngồi xuống kế bên ông ba Vũ, miệng húng hắn ho mấy cái. Nhẹ nhẹ nắm lấy tay ông ba Vũ vỗ vỗ mấy cái. Ghé sát đầu vào tai ông nói cái gì đó mà không ai nghe được. Như để đáp lại, ông ba Vũ cũng nhẩm nhẩm cái gì đó. Ông Nguyên gật gật đầu, nở một nụ cười, ông ba Vũ cũng nở một nụ cười theo, một nụ cười mà từ rất lâu không ai nhìn thấy.

Rồi ông ba Vũ buông tay rời đi. Đám ma ông ba Vũ đông người đến lắm, xóm trên huyện dưới ai cũng muốn tiễn ông một đoạn. Còn ông Nguyên, sau đám ma ông ba Vũ thì ở lại chính tại căn phòng ông ba ở trước đó. Ông không nói cho ai biết khoảng thời gian trước ông đã đi đâu. Ông chỉ nói ông không vợ không con, muốn ở nơi ông ba Vũ từng ở cho những ngày tháng cuối đời. Người trong nhà đều vui vẻ, không ai phản đối, để thằng Khoai Môn chăm sóc ông. Nhưng những ngày tháng cuối đời của ông cũng ngắn ngủi quá đi. Còn chưa tới một tháng, sau một trận ho dữ dội, ông Nguyên cũng nhắm mắt xui tay. Bỏ lại trần đời đầy đau khổ mà một lần nữa về với ông ba Vũ ở thế giới bên kia.

Nhà ông Châu lại một lần nữa được tổ chức đám ma. Nhưng lần này lại là một không khí buồn tẻ, chỉ có người trong nhà. Bởi vì không một ai biết ông Nguyên từ đâu đến. Họ chỉ biết năm xưa, có một chàng trai dắt một chàng trai trở về nơi này.

Lần này mới có dịp dọn lại căn phòng của ông ba Vũ. Người ta lôi ra trong kẹt giường một cái hộp gỗ. Thằng Khoai Môn chưa từng thấy cái hộp này cũng chưa từng thấy ông Nguyên đem theo khi đến đây. Có lẽ là thứ mà ông Nguyên còn không biết ông ba Vũ đã cất những thứ này.

Một tấm hình chụp một chàng trai da trắng muốt, đôi mắt long lanh với cặp má sữa phúng phính. Và một cái khăn tay đã phai nhạt màu chỉ. Ở góc khăn có một dòng chữ đã mờ. Có thể thấy ông ba Vũ đã lấy viết tô lại dòng chữ đó nhiều lần để nó không phai mất đi ba chữ.

GỬI NGƯỜI THƯƠNG

"Em đã trở về rồi!"

"Anh thương em. Trương Gia Nguyên."

"Châu Kha Vũ. Em cũng vậy."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top