Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Nguyen nhan benh nghe nghiep,Bp phong ngua

Câu 9 . Nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp? Biện pháp phòng ngừa?

  Bài làm:

·         Những nguyên nhân gây bệnh nghề nghiệp:

       Tất cả các yếu tố gây tác dụng có hại lên con người trong điều kiện sản xuất gọi là các tác hại nghề nghiệp. Kết quả tác dụng của các tác hại nghề nghiệp lên cơ thể con người gây suy giảm sức khỏe có thể gây ra các bệnh, gọi là bệnh nghề nghiệp.

Các tác hại và bệnh nghề nghiệp trong ngành xây dựng

       Các tác hại nghề nghiệp tác dụng lên cơ thể người công nhân xây dựng trong quá trình lao động có thể được phân loại như sau:

       a. Làm việc trong điều kiện vi khí hậu không tiện nghi: Quá nóng, quá lạnh, gây ra bệnh say nóng, say nắng, cảm lạnh, ngất; Với các công việc rèn, làm việc trong các buồng lái cần trục, máy đào, các công tác xây dựng ngoài trời về mùa hè, những ngày quá lạnh về mùa đông.

      b. Làm việc trong điều kiện chênh lệch về áp xuất cao hoặc thấp hơn áp suất khí quyển, gây ra bệnh sung huyết, với những công việc xây dựng trên miền núi cao, làm việc ở dưới sâu, trong giếng chìm...

     c. Làm việc trong điều kiện tiếng ồn sản xuất thường xuyên vượt quá mức giới hạn 75 dB, những âm thanh quá mạnh, gây ra bệnh giảm độ thính, điếc, với những công việc sử dụng dụng cụ nén khí, gia công gỗ cơ khí trong xưởng, đóng cọc, cừ bằng búa hơi, nổ mìn, làm việc gần máy rung.

     d. Làm việc trong điều kiện rung động tác động thường xuyên với các thông số có hại đối với cơ thể con người, gây ra bệnh đau xương, thấp khớp, bệnh rung động với những biến đổi bệnh lý không hồi phục, với những công việc đầm bê tông bằng đầm rung, làm việc với các dụng cụ rung động nén khí rung động điện.

    e. Làm việc trong điều kiện phải tiếp xúc thường xuyên với bụi sản xuất, đặc biệt là bụi độc như bụi ôxít silíc, bụi than, quặng phóng xạ, bụi crôm... gây ra các bệnh hủy hoại cơ quan hô hấp, bệnh bụi phổi đơn thuần hoặc kết hợp với lao, với những công việc: Nghiền, vận chuyển vật liệu rời, khoan nổ mìn, khai thác đá, hàn điện, phun cát, phun sơn...

    f. Làm việc trong điều kiện có tác dụng của các chất độc, tiếp xúc lâu với các sản phẩm chưng cất than đá, dầu mỏ, các chất hóa học kích thích (nhựa thông, sơn, dung môi, mỡ, khoáng...) gây ra bệnh nhiễm độc cấp tính, mãn tính, phồng rộp da, với các công việc sơn, trang trí, tẩy gỉ sắt, tẩm gỗ và vật liệu chống thấm, nấu bi tum, nhựa đường...

    g. Làm việc trong điều kiện có tác dụng của các tia phóng xạ, các chất phóng xạ và đồng vị, các tia rơn ghen, gây ra các bệnh da cấp tính hay mãn tính, bệnh rỗ loét, bệnh quang tuyến, với những công việc dò khuyết tật trong các kết cấu kim loại, kiểm tra mối hàn bằng tia γ

    h. Làm việc trong điều kiện có tác dụng thường xuyên của tia năng lượng cường độ lớn (tia hồng ngoại, dòng điện tần số cao), gây ra bệnh đau mắt, viêm mắt. với những công việc hàn điện, hàn hơi, làm việc với dòng điện tần số cao.

    i. Làm việc trong điều kiện sự nhìn căng thẳng thường xuyên khi chiếu sáng không đầy đủ, gây ra bệnh mắt, làm giảm thị lực, gây cận thị, với những công việc thi công trong phòng ban ngày hoặc thi công ở ngoài trời ban đêm khi không đủ độ rọi (thiếu ánh sáng hoặc ánh sáng không hợp lý)

    j. Làm việc trong điều kiện mà sự làm việc căng thẳng thường xuyên của các bắp thịt đứng lâu một vị trí, tư thế làm việc gò bó, gây ra bệnh khuếch đại tĩnh mạch, đau thần kinh, bệnh búi trĩ, với những công việc bốc, dỡ vật nặng thủ công, rèn, làm mái, cưa xẻ, bào gỗ thủ công...

    Mục đích phân loại như trên nhằm giúp cho những người sản xuất dễ dàng hiểu được những tác hại, lựa chọn và thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng ngừa trong lao động sản xuất thích hợp.

·         Biện pháp phòng ngừa :

    Các bệnh nghề nghiệp và nhiễm độc trong xây dựng có thể đề phòng bằng cách thực hiện tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và tổ chức nhằm cải thiện chung tình trạng chỗ và vùng làm việc, cải thiện môi trường, thực hiện chế độ vệ sinh lao động và biện pháp vệ sinh cá nhân.

   Tổng hợp các biện pháp trên bao gồm những vấn đề sau:

    a. Lựa chọn đúng đắn và bảo đảm các yếu tố vi khí hậu tiện nghi khi thiết kế các nhà xưởng.

    b. Loại trừ tác dụng có hại của các chất độc và nhiệt độ cao lên người lao động bằng thiết bị thông gió, hút bụi độc, hơi khí độc. Thay các chất có độc tố cao bằng chất ít độc hoặc không độc, hoàn chỉnh tổ chức các quá trình thi công xây dựng, nâng cao mức cơ khí hóa các thao tác, làm giảm sự căng thẳng về thể lực và loại trừ sự tiếp xúc trực tiếp của người lao động với nơi phát sinh độc hại.

    c. Làm giảm và triệt tiêu tiếng ồn và rung động là những yếu tố nguy hiểm trong sản xuất, bằng cách làm tiêu âm, cách âm và áp dụng các giải pháp làm giảm cường độ rung động truyền đến chỗ làm việc

    d. Có chế độ lao động riêng đối với một số công việc nặng nhọc tiến hành trong điều kiện vật lý không bình thường, trong môi trường độc hại ... như rút ngắn thời gian làm việc trong ngày, tổ chức các đợt nghỉ ngắn sau 1→2 giờ làm việc.

    e. Tổ chức chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo chỗ làm việc, đảm bảo chiếu sáng theo tiêu chuẩn yêu cầu.

    f. Đề phòng bệnh nhiễm phóng xạ khi làm việc có liên quan đến việc sử dụng các chất phóng xạ và đồng vị của chúng.

    g. Sử dụng các thiết bị vệ sinh đặc biệt dưới dạng màn che, hoặc không khí và nước... để làm giảm nóng cho người lao động.

    h. Sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân để bảo vệ các cơ quan: Thị giác, hô hấp, bề mặt da... như kính, mặt nạ, ống chống khí, quần áo bảo hộ, găng tay, ủng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #atld