Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 2: Nguyễn Minh Tuệ

1/6

Ngày thứ hai của mùa hè,

Hôm nay trời vẫn nắng đẹp, cây cối trong sân vườn nhà tôi mỗi khi thời tiết chuyển hè thì đều được tắm trong ánh nắng chan hoà, nên lúc nào cũng trông tươi tốt và lộng lẫy.

Tôi đang ngồi trong phòng của mình, mở cửa sổ nhìn ra ngoài sân vườn; bây giờ đã là sế chiều, mặt trời cũng đã sắp lặn, thời tiết cũng vì thế mà trở nên dịu dàng hơn, màu đỏ của sắc trời như hoà với màu đỏ của hàng phượng vỹ đối diện nhà tôi. Hôm nay tôi không làm gì nhiều, lịch đi chơi cùng nhóm bạn thân nhân dịp nghỉ hè đã bị dời lại đến tuần sau, bố mẹ tôi thì đang bận bịu với công việc. Tôi không thích đi chơi một mình nên quyết định dành cả ngày chỉ để xem phim và ăn kem. Thế nên ngày hôm nay của tôi chả có gì đáng để viết.

Vì vậy, tôi sẽ viết vài dòng về Nguyễn Minh Tuệ.

Bố mẹ của Minh Tuệ và bố mẹ của tôi chơi với nhau từ trước khi hai đứa chào đời. Mẹ tôi kể lúc mang bầu có lần đã hứa hẹn với bà Quyên rằng nếu hai người sinh ra một trai một gái thì sẽ để chúng nó hứa hôn từ nhỏ, giống như mấy câu chuyện ngôn tình trong những cuốn sách họ hay đọc thời đó. Tôi vẫn nhớ như in điệu cười thành tiếng chói tai của mẹ khi nhắc tới chuyện bọn họ đã lên kế hoạch để biến con mình thành nam nữ chính ngôn tình như thế nào. Mẹ kể lúc đó hai người họ đã bàn luận rất hào hứng, như thể họ thực sự sẽ sinh ra một trai một gái vậy.

Nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng cho chúng ta thứ mà chúng ta muốn. Tôi và Minh Tuệ sinh ra đều là con gái; điều này đã dập tắt hoàn toàn kịch bản ngôn tình đẹp đẽ của hai người mẹ.

Mọi chuyện sau đó thì cũng khá tốt đẹp.

Tôi và Minh Tuệ lớn lên như những người bạn thân thưở nhỏ bình thường, chúng tôi là hàng xóm, nhà Minh Tuệ ở gần nhà tôi, đi mười bước chân là tới. Tuy vậy, nhà cô ấy lại nằm gần trường hơn nhà tôi, nên sáng nào tôi cũng là người dậy sớm, pha trà, đun nước, ăn sáng, rồi chạy sang gọi Minh Tuệ dậy đi học.

Minh Tuệ hoàn toàn không có khái niệm sợ đi học trễ, sáng nào cũng đợi tôi qua cô ấy mới bắt đầu lật đật sửa soạn đồ đi học, tôi biết tính xấu này của cô ấy nên sáng nào cũng đến sớm hơn một tiếng trước giờ vào học để cho Tuệ có thời gian sửa soạn.

Bố mẹ của Minh Tuệ đi làm từ rất sớm; mẹ của Tuệ là giáo viên chủ nhiệm ở một trường cấp ba trong thôn tôi, trường cấp ba so với trường cấp một thường đi học sớm hơn cả tiếng đồng hồ, mẹ cậu ấy lại là giáo viên chủ nhiệm nên càng phải đi sớm hơn nữa để chuẩn bị. Bố cậu ấy kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, nên sáng ra cũng phải dậy sớm đưa mẹ cậu ấy đi làm rồi ghé qua cửa hàng.

Bọn họ nuôi dạy Minh Tuệ rất thoải mái. Để cho Tuệ ngủ phòng riêng từ khi cô ấy bắt đầu biết xúc cơm, Minh Tuệ đến tuổi đi học thì để cái đồng hồ báo thức (và tôi) gọi cô ấy dậy. Đương nhiên là đồng hồ báo thức không thể gọi cô ấy dậy, vì mỗi lần tôi đến, Minh Tuệ đều trong tình trạng ngái ngủ xuống mở cửa cho tôi.

Tôi không biết cô ấy có thật sự xài cái đồng hồ báo thức đấy không nữa.

Nhưng tôi không thấy phiền với việc phải gọi Minh Tuệ dậy vào mỗi buổi sáng. Nghĩ lại, tôi thấy thời gian đó mình khá thích thú với việc phải làm đồng hồ báo thức di động bất tắc dĩ của Tuệ. Tôi thích việc sáng ra nằm nhoài người trên chiếc giường của Minh Tuệ với bộ đồng phục mà mẹ đã là phẳng phiu cho tôi, lơ đãng lắng nghe người bạn của mình than thở về việc trường lớp bắt nó đi học quá sớm, vừa tỏ vẻ khó chịu vừa cuống quýt đánh răng, rửa mặt, thay đồ.

Mỗi buổi sáng đi học như thế, Minh Tuệ sẽ khoác tay tôi nói rằng cô ấy đã biết ơn như thế nào khi có một người bạn đáng tin cậy như tôi ở bên cạnh.

Minh Tuệ rất thích nói chuyện, cô ấy sẽ luôn tìm được thứ để nói trong suốt đoạn đường chúng tôi đến trường; cô ấy sẽ kể cho tôi nghe về đặc tính của đàn cò trắng muốt mà cô ấy đã đọc được trong cuốn truyện tranh mà ba cô đã mua cho cô gần đây, về việc hôm qua đã học lỏm được cách bác hàng xóm cấy lúa thế nào, kể cho tôi nghe rằng thời tiết hôm nay khác hôm qua ra sao, vân vân và mây mây.

Mỗi ngày của chúng tôi đều trôi qua như vậy, cùng đi học, cùng đi về, cuối tuần Minh Tuệ sẽ mua kem cho tôi để cảm ơn vì tôi đã gọi cô ấy dậy mỗi sáng sớm. Trong suốt những năm cấp một, tôi và Tuệ ở bên nhau như hình với bóng. Làm việc nhóm, chia tổ, chia bàn, nếu có tên Nguyễn Minh Tuệ, vậy chắc chắn sẽ có tên Hoàng Giang Anh.

Tôi rất sợ việc hạnh phúc, sợ nếu con người trở nên quá hạnh phúc, vì một thứ gì đó, tạo hoá sẽ cướp nó đi khỏi tay họ.

Cuối năm cấp một, bố của Minh Tuệ kí được một hợp đồng cung cấp vật liệu cho một công ty lớn trên thành phố, gia đình Minh Tuệ từ đó cũng khá giả hơn. Được một thời gian thì bọn họ chuyển hẳn lên thành phố sinh sống luôn. Lúc ấy, Minh Tuệ vừa học hết học kỳ một năm lớp sáu.

Người đã thấy được vẻ nhộp nhịp của thành thị, liệu có mong muốn tìm về với sự bình yên của thôn quê không? Tôi không biết. Nhưng từ lần bỏ đi đó, Minh Tuệ chưa một lần quay về thăm tôi.

Năm nay tôi đã lên lớp mười một, tính đến nay chúng tôi đã không gặp nhau năm năm. Trong năm năm ấy có vài cuộc gọi qua lại giữa phụ huynh của chúng tôi; năm đầu tiên mới lên thành phố, bọn họ gọi điện cho nhau rất nhiều, nhưng những năm sau đó, các cuộc trò chuyện trở nên ít dần. Cho đến một ngày tôi không còn nghe thấy ba mẹ nhắc đến tên của gia đình Minh Tuệ trong những bữa ăn nữa.

Tôi chưa từng tham gia vào bất kì cuộc gọi điện thoại nào giữa ba mẹ tôi và ba mẹ Minh Tuệ, tôi nhớ Minh Tuệ. Nhưng tôi sợ, sợ rằng khi tôi áp tai vài chiếc điện thoại nhỏ nhắn kia, âm thanh phát ra từ nó sẽ không phải là âm thanh mà tôi muốn nghe, xa mặt thì cách lòng. Tôi thà giữ lại kí ức tốt đẹp về thời tuổi trẻ như hình với bóng, sau đó tự lừa dối bản thân rằng cô ấy vẫn sẽ luôn như vậy, còn hơn phải nhấc chiếc điện thoại lên nghe giọng nói dần dần trở nên xa cách.

Vài dòng tâm sự không có trong nhật ký của Hoàng Giang Anh.

Tôi rất hay viết về Minh Tuệ, mỗi năm khi ngày hè của tôi trở nên nhàn rỗi, tôi sẽ lại viết về cô ấy. Thói quen kì lạ này của tôi có lẽ xuất phát từ nỗi sợ, tôi sợ rằng nếu không nhắc lại, tôi sẽ quên mất tình bạn đẹp đẽ mà tôi đã từng có.

Tôi từng đọc được một câu văn Lỗ Tấn viết rằng: "Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác". Minh Tuệ chưa chết, nhưng tôi thực sự sợ hãi việc bản thân sẽ quên mất Minh Tuệ một ngày nào đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top