Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Đề số 2

 Bàn về thơ, Nguyễn Công Trứ tâm sự: "Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời", còn Tố Hữu lại khẳng định: "Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó".

Suy nghĩ của anh/chị về những quan niệm trên. Qua việc cảm nhận bài thơ Tràng giang của Huy Cận và bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử, hãy làm sáng tỏ vấn đề.

Thơ hay thơ ca hoặc thi ca, là một loại sản phẩm của sáng nghệ thuật ngôn từ theo những cách thức nhất định dựa trên quy luật hài hòa về vần điệu, âm điệu. Thơ có đặc điểm ngắn gọn, súc tích, cô đọng và hàm súc, có thể tạo nên cảm xúc thẩm mỹ cho người đọc, người nghe. Nếu như trên thế gian này thực sự tồn tại hợp chất hóa học mang tên "thơ ca" thì có lẽ hợp chất ấy sẽ được cấu tạo nên từ hai nguyên tố nghệ thuật và tình cảm. Bởi vậy, Nguyễn Công Trứ đã nói: "Trót nợ cùng thơ phải chuốt lời", còn Tố Hữu nhận định: "Đọc một câu thơ hay, người ta không thấy câu thơ, chỉ còn thấy tình người trong đó."

Quan niệm về thơ của Nguyễn Công Trứ ám chỉ đến những thi nhân, những con người "trót nợ thơ". Nợ trong câu nói không phải là nợ xấu, nợ theo nghĩa tiêu cực - gánh nặng phải trả mà nợ ở đây có nghĩa là duyên nợ, cái duyên trời ban đã cho những con người bình thường có cơ hội được gặp gỡ và gắn bó với thi ca, rồi trở thành thi sĩ. Vì lẽ đó, nhà thơ phải có trách nhiệm với thơ, với từng câu thơ bản thân phải viết ra. Không phải cứ đặt bút viết là thành thơ, thành văn, như một người thợ kim hoàn chế tác trang sức, nhà thơ phải cắt gọt, mài giũa ngôn từ thì mới viết nên một bài thơ được. Đặt bên cạnh trăn trở về sáng tác của Nguyễn Công Trứ, nhận định của Tố Hữu không hề mâu thuẫn mà lại bổ sung cho quan điểm của bậc cố nhân xưa, "Đọc một câu thơ hay người ta không thấy câu thơ, chỉ thấy tình người trong đó." không có nghĩa là cái tình trong thơ lấn át đi cái nghệ thuật của câu thơ, khiến nó phai nhạt, biến mất đi, mà hai yếu tố đã hòa quyện lại với nhau, như hai nguyên tố hóa học trong một hợp chất, thiếu nguyên tố này thì không thể trở thành chất được nữa; nâng tầm giá trị của câu thơ, bài thơ lên, giúp cho nhà thơ có thể truyền tải thành công được những rung cảm của tâm hồn mình đến với độc giả. Tràng giang của Huy Cận và Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử là hai trong số những bài thơ dung hòa một cách hoàn thiện về cả cái nghệ thuật lẫn cái tình cảm, tư tưởng.

Đứng trên bãi bồi của sông Hồng những năm tháng tăm tối của đất nước, nhà thơ Huy Cận đã thốt lên những vần thơ thật đẹp nhưng cũng thật buồn của bài Tràng Giang. Tràng Giang là một bài thơ chỉn chu về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Ngay từ nhan đề ta có thể cảm nhận được ý vị sâu xa, sự chăm chút kỹ càng của nhà thơ cho đứa con tinh thần của mình: Tràng giang và trường giang đều có nghĩa là con sông dài, nhưng Huy Cận đã chọn tràng giang để đặt tên cho thi phẩm, một phần vì nhà thơ không muốn độc giả hiểu lầm rằng bài thơ nói về sông Trường Giang ở Trung Quốc, một phần vì trong từ tràng giang có điệp vần ang, khiến nhan đề còn âm điệu vang xa hơn, trầm hùng hơn.

"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng"

Đọc khổ thơ đầu tiên, ta cảm tưởng như mình đang đứng ngắm nhìn dòng sông ngày gió, những con sóng "gợn", nối tiếp nhau, loang lổ trên mặt nước, hay là nỗi buồn của nhà thơ đang lan dần vào không gian, bao trùm, chồng chất lên cảnh vật - "buồn điệp điệp" ? Con thuyền trong Tràng giang buông xuôi mái chèo, để mặc cho dòng nước đưa đẩy về cõi vô định, không biết đi đâu về đâu. Chuyển động ngược chiều "Thuyền về nước lại" gợi cho ta liên tưởng đến nỗi buồn chia ly, xa cách giữa người với người, phải chăng vì thế mà nỗi buồn của nhà thơ bắt đầu giăng kín khắp không gian, không có lối thoát. Vì không có lối thoát cho nỗi buồn, nên con người ta cảm thấy lạc lõng, tựa như "Củi một cành khô lạc mấy dòng" bơ vơ, cô độc giữa dòng nhân thế.

"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu."

Huy Cận đã từng kể rằng mình học từ "đìu hiu" trong bản dịch bài thơ "Chinh phụ ngâm": "Non kỳ lặng lẽ trăng treo/ Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò". Trước mắt nhà thơ chỉ là những cồn cát bé nhỏ, thưa thớt, với cơn gió nhẹ đìu hiu, tuy không mang hơi lạnh như lại khiến lòng người cảm thấy lạnh lẽo trống vắng vì gợi nỗi cô đơn. "Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều" là một câu hỏi tu từ có thể hiểu theo hai nghĩa, một là, tiếng người họp chợ buổi chiều văng vẳng bên tai đâu đây; hai là, thi nhân dường như đang ở vị trí tách biệt với nhân gian, không nghe thấy tiếng chợ chiều nữa. Tuy nhiên, dường như ý nghĩa của câu thơ nghiêng về cách hiểu ý thứ hai hơn, thi nhân dường như muốn phủ nhận sự tồn tại của con người trên thế gian, chỉ còn mình Người đứng trước thiên nhiên bao la rợn ngợp, dưới bầu trời hiu hắt ánh hoàng hôn, thăm thẳm "sâu chót vót". Không gian càng mênh mông bất tận "sông dài trời rộng", con người càng cô đơn, lẻ loi và nhỏ bé, càng cảm thấy lòng mình thật trống trải, trơ trọi như "bến cô liêu" giữa lòng sông.

"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng"

Hình ảnh bèo dạt dễ khiến đáy lòng ta trỗi dậy niềm thương cảm, bởi vì nó gợi liên tưởng đến những kiếp người bấp bênh, trôi dạt giữa nhân gian. Ở khổ thơ này, nhà thơ đã phủ nhận sự tồn tại của con người đến cực điểm, dòng sông Hồng rộng mênh mông nhưng lại "mênh mông không một chuyến đò ngang", cũng không có sợi dây liên kết nối đôi bờ lại với nhau - "không cầu", chẳng có sự tiếp xúc, trao đổi thân tình giữa người với người, chỉ có thiên nhiên giao hòa với thiên nhiên "lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng" hoang vắng. Ở một góc nhìn khác, tuy những hình ảnh "cây cầu, chuyến đò" không có ở hiện thực, nhưng lại hiện lên trong tâm tưởng của nhà thơ, khiến ta sực nhận ra, ngoài nỗi buồn cô quạnh giữa trần gian, Huy Cận còn bày tỏ niềm khao khát, mong cầu thiết tha được gắn bó, hòa nhập với cõi đời. Nhà thơ kiếm tìm tình người giữa chốn hoang vu bởi vì giữa nơi vắng vẻ, ta cần dù chỉ là người lạ, giữa những người lạ ta lại cần người quen, giữa những người quen ta cần người yêu, giữa người yêu ta cần người hiểu và giữa người hiểu ta lại cần người tin, bởi vì Tạo hóa tạo ra con người chúng ta sinh ra để được sẻ chia và chia sẻ. Ấy cũng là giá trị nhân văn sâu sắc trong tư tưởng của Tràng giang.

"Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa

Lòng quê dợn dợn cùng con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

Huy Cận quả là một nhà thơ ham học hỏi, tiếp thu những tinh hoa thơ ca của những người đi trước để "chuốt lời" cho những sáng tác của mình. Câu thơ đầu tiên của khổ cuối khiến cho ta liên tưởng đến câu thơ trong bài "Thu hứng" của Đỗ Phủ "Mặt đất mây đùn cửa ải xa". Những đám mây chồng chất lên nhau thành tầng lớp, khiến bầu trời trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết. Động từ "đùn" càng khiến cảnh vật dường như sinh động, có hồn hơn, giống như những đám mây đang chuyển động, được ánh nắng chiếu rọi ánh lên màu bạc lấp lánh. Trên bầu trời bất tận, một cánh chim nhỏ bé đang chao đảo. Cánh chim buổi chiều là cánh chim mỏi sau một ngày dài kiếm ăn, dường như chỉ cần cánh chim nghiêng, là cả bóng chiều hoàng hôn thấm đẫm nỗi buồn miên man liền sụp đổ. Cảnh vật càng to lớn, càng hùng vĩ thì cánh chim càng lẻ loi cô đơn hơn. Thời điểm chiều xuống là thời điểm chim tìm về tổ, cũng là thời điểm tâm trí con người tìm về với quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Cùng sử dụng thi liệu cổ điển, nhưng Huy Cận không chỉ biết tiếp thu mà nhà thơ còn đổi mới, sáng tạo dựa trên những gì người xưa để lại. Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc Lâu thấy khói sóng trên mặt nước mà nhớ quê hương, "Nhật mộ hương quan hà xứ thị? Yên ba giang thượng sử nhân sầu.", Huy Cận thì không cần chất xúc tác, không cần "khói hoàng hôn", từ tận đáy lòng thi sĩ đã trào dâng nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ đất nước da diết, nỗi nhớ quê hương khi đứng trên mảnh đất Tổ quốc của mình luôn thường trực trong tâm khảm của nhà thơ. Nỗi nhớ một đất nước thái bình, nỗi nhớ Việt Nam tự do độc lập đã bị quân thù, thực dân cướp đoạt, giày xéo trong khổ đau. Song hành cùng nỗi nhớ ấy, là nỗi buồn của người thanh niên tri thức đương thời bị mắc kẹt giữa những xiềng xích của xã hội, nhân thế, muốn thoát ly thực tại để hòa mình vào "Vũ trụ ca". Thi phẩm không chỉ là bài thơ chất chứa tình người mà còn là một tuyệt tác nghệ thuật của Huy Cận, một bài thơ nhuốm màu sắc cổ điển, từ thi liệu cho đến cấu tứ đối lập, nhưng cũng đậm chất "mới", phong cách sáng tạo của thi sĩ, từ bút pháp miêu tả không gian cho đến phép tu từ: đảo ngữ, điệp ngữ. Huy Cận quả là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam.

Huy Cận muốn thoát khỏi nhân thế bằng cách hòa mình vào vũ trụ xa xăm thì Hàn Mặc Tử lại cùng hồn thơ bay lên tiên cảnh, lên thiên đường. Tuy nhiên giữa những bài thơ điên loạn khiến người ta phải suy ngẫm của nhà thơ, ta lại tìm được bài thơ có ngôn từ gần gũi, thân thương như "Đây thôn Vĩ Dạ". Cũng giống như Tràng giang của Huy Cận, nhan đề của thi phẩm này cũng ẩn chứa nhiều ý vị, ban đầu bài thơ có tên là "Ở đây thôn Vĩ Dạ", như tiếng reo vui của thi sĩ rằng thôn Vĩ Dạ ở nơi đây, ngay trong tấm bưu thiếp mà người con gái mình hằng thầm thương trộm nhớ gửi. Tuy ở thôn Vĩ ở ngay trong tấm ảnh trên tay Hàn Mặc Tử, nhưng dường như xa cách cả dải ngân hà, bệnh tật đã ngăn cản không cho Người về xứ sở thân yêu kia, nên nhà thơ đã gửi gắm những tâm tưởng về thôn Vĩ Dạ, về xứ Huế vào trong những vần thơ:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc chen ngang mặt chữ điền."

Câu đầu tiên của bài thơ ẩn chứa nhiều nghĩa, mang nhiều sắc thái khác nhau, đó có thể là một câu hỏi, một lời trách móc, mời mọc chân thành, tha thiết. Đó có thể là lời của người thiếu nữ thôn Vĩ viết trong lá thư tay gửi chàng nhà thơ, trách cứ hoặc mời chàng về chơi quê mình. Đó cũng có thể là lời tự trách day dứt, dằn vặt bản thân của Hàn Mặc Tử đối với chính mình. Nhà thơ đã lựa chọn từ ngữ cách có dụng ý, nhà thơ không dùng từ "về thăm" bởi vì về thăm như lời mời trang trọng, khách sáo đến một người khách đến một nơi xa lạ, còn từ "về chơi" mang sắc thái thân thuộc và gần gũi hơn. Bên cạnh đó, . Chính vì thế, mà hình ảnh thôn Vĩ bừng sáng lên trong tâm trí nhà thơ, sống động và chan chứa biết bao nhiêu kỷ niệm thuở hoa niên. Thôn Vĩ hiện lên với vẻ đẹp nhiều tầng. Tầng đầu tiên là không trung. Cây cau là cây cao nhất trong vườn, là cây đón ánh nắng mới của buổi sớm đầu tiên. Những tàu lá còn thấm ướt sương đêm, được tưới tăm ánh nắng bình minh tinh khôi, thanh khiết. Ánh nắng ấy đâu chỉ đơn giản là ánh nắng của mặt trời, mà còn là ánh nắng của tuổi trẻ, đó cũng có thể mà ánh nắng mà Xuân Diệu đã khao khát tắt đi trong "Vội vàng". Cặp mắt Hàn Mặc Tử nhìn tấm ảnh thôn Vĩ giây phút ấy dường như là ánh mắt của những ngày xuân tràn trề sức sống, chưa vướng bận bệnh tật - một cặp mắt yêu đời "xanh non biếc rờn", của một chàng thi sĩ đang ôm giấc mộng thanh xuân, Hàn Mặc Tử sung sướng reo vui, trầm trồ trước cảnh vườn thôn Vĩ:

"Vườn ai mướt quá xanh như ngọc"

Một câu thơ nhưng ẩn chứa hai góc nhìn, nhìn từ trên xuống cây lá buổi sớm còn vương sương mai, mỡ màng non tơ, căng tràn sức sống khiến người ta phải tấm tắc khen "mướt quá", còn xanh như ngọc là tầm mắt hướng từ phía dưới lên, ánh nắng chiếu xuống khiến cho những hạt sương đọng trên lá long lanh như hạt ngọc, hòa lẫn với màu cỏ cây tạo thành một sắc xanh quý phái, sang trọng, đậm chất cố đô, giống như câu thơ trong bài "Thơ Duyên" của Xuân Diệu "Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá". Ai là một đại từ phiếm chỉ, nhà thơ như một người đang đi dạo trong khu vườn thôn Vĩ - một khu vườn ngập tràn ngập tình yêu và tuổi trẻ. Sau phong cảnh thôn Vĩ, Hàn Mặc Tử đã khắc họa gương mặt con người nơi này, đó là gương mặt chữ điền, gương mặt của con người ngay thẳng, phúc hậu và điềm đạm. Mặt chữ điền đặt cạnh lá trúc mềm mại và thanh tao. Câu thơ này còn mang âm hưởng ca dao xứ Huế: "Lòng em vuông tựa chữ điền, da em thì trắng, áo đen mặc ngoài/ Lòng em có đất có trời, có câu nhân nghĩa có lời thủy chung". Lá trúc còn chen ngang nữa, khiến cho con người xứ Huế mang nét kín đáo, chân thành, hài hòa với thiên nhiên. Đằng sau những hình ảnh đẹp đẽ về con người thôn Vĩ là nỗi đau dai dẳng, khắc khoải của nhà thơ.

Khổ thơ thứ nhất mở ra hình ảnh thôn Vĩ tươi vui trong tâm tưởng của tác giả nhưng sau đó, Hàn Mặc Tử quay lại với những dự cảm chẳng lành về bệnh tình, về tương lai:

"Gió theo lối gió,mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp bay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?"

Gió, mây, dòng nước, hoa bắp là những hình ảnh quen thuộc gần gũi, là cảnh thực của sông nước hữu tình xứ Huế, đẹp nhưng buồn. Ẩn sau bức tranh phong cảnh là bức tranh tâm cảnh. Xuân Diệu đã viết: "Thi sĩ ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây", xứ Huế trong thơ Hàn Mặc Tử cũng có gió, có trăng, có mây, nhưng cảnh vật dường như vỡ tách thành bốn mảnh thế giới: gió đóng khung trong thế giới của gió, mây đóng khung trong thế giới của mây, thường thì gió thổi mây bay, nhưng trong bài thơ, gió và mây dường như không có sự giao hòa gắn kết, tách biệt chia xa. Nỗi buồn lan tỏa từ bầu trời đến mặt nước, thả vào dòng nước, khiến cho hoa bắp nơi Cồn Hến lay động. Thời gian thay đổi từ chiều muốn sang tối hẳn, ánh trăng xuất hiện trên màn đêm. Ánh trăng xưa nay vốn là người bạn tri âm, tri kỷ muôn thuở của biết bao thế hệ thi nhân và cũng là người bạn gắn bó thân thiết cùng với Hàn Mặc Tử là đề tài được nhà thơ nhắc đến nhiều nhất bên cạnh máu và hồn: "Trăng nằm sõng soài trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi.". Nhưng trăng trong "Đây thôn Vĩ Dạ" lại không cùng thi sĩ tâm sự, chia sẻ bao nhiêu nỗi buồn sầu, ưu phiền khôn nguôi, trăng dường như chưa đến với Hàn Mặc Tử, nên thi sĩ khắc khoải "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?". Tại sao không phải là ngày mai, là khi khác mà tối nay? Liệu trăng có về kịp với thi sĩ trong khoảnh khắc cô đơn, nỗi buồn giăng kín tâm hồn đang chịu đựng biết bao nhiêu đau thương của Người không? Liệu nhà thơ có cơ hội để hội ngộ người bạn tâm giao trong khi quỹ thời gian của cuộc đời mình đang cạn kiệt dần? Câu hỏi tưởng chừng như vu vơ, không có lời giải đáp ấy lại chất chứa khao khát được giao cảm, được an ủi, xoa dịu đi nỗi cô đơn, tuyệt vọng, đớn đau vì bệnh tật đang siết chặt lấy sự sống của thi sĩ. Càng về sau, những hình ảnh thơ càng mờ ảo:

"Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?"

Thông thường thì các thi sĩ ví mình như một vị khách thăm thú những cảnh đẹp nơi trần thế, hiện hữu ở thực tại, nhưng Hàn Mặc Tử lại ví mình là một vị khách trong giấc mơ huyền hảo. Vị khách trong mơ khao khát được trở về với Vĩ Dạ, được ngắm nhìn cảnh cũ người xưa, nhưng cũng có thể vị khách ấy chính là người thôn Vĩ, là người đời, là một ai đó mà nhà thơ hằng mong ngóng đến để sẻ chia, làm vơi bớt đi nỗi đau bệnh tật, mặc cảm về thực tại của bản thân nhà thơ.

"Áo em trắng quá nhìn không ra"

Thơ Hàn Mặc Tử hay ở chỗ, lời ít ý nhiều, gợi cho ta nhiều chiều liên tưởng sâu xa, nhà thơ nhìn không ra sắc áo, hay sắc lòng, liệu những lời lẽ trên lá thư tay kia, xuất phát từ một tấm lòng chân thành, hay chỉ là sự thương hại cho một linh hồn đau đớn quằn quại, sắp sửa rời xa trần thế? Bài thơ khép lại với nhiều trăn trở canh cánh trong lòng người đọc cũng như thi sĩ: Liệu tình đời, tình người thôn Vĩ là đậm đà hay chóng tan như làn sương khói mờ nhân ảnh kia hay liệu người thôn Vĩ có thấu hiểu được tấm lòng thiết tha của Hàn Mặc Tử với tình, với người thôn Vĩ nói riêng và với cuộc đời nói chung? Bài thơ là một bức tranh phong cảnh của thôn Vĩ, của xứ Huế mộng mơ, vừa là bức tranh tâm cảnh của một con người khao khát được vượt qua mặc cảm về bệnh tật, để giao cảm, tiếp xúc với cuộc đời được vẽ nên bằng những nét họa gợi nhiều liên tưởng, bút pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa và các câu hỏi tu từ đầy uẩn khúc.

Thơ là kết tinh của nghệ thuật và cảm xúc, thiếu một trong hai thì không thể cấu thành thơ. Khi cái nghệ thuật và cái tình cảm trong thơ hòa thành một, những dòng thơ sẽ như dòng nước, hòa vào trong máu chảy cùng huyết mạch người đọc, gợi lên cho người đọc những ám ảnh đẹp đẽ khôn nguôi, khiến con tim người đọc biết rung cảm, biết yêu thương vạn vật, biết tìm đến cái chân thiện mỹ ở đời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top