Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Đề số 4

Nhà văn Sê-khốp có nhận xét: "Nếu anh ta không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ"

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

Hãy phân tích tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Lao động nghệ thuật nói chung và sáng tác văn học nói riêng là một nghề sản xuất ra các tác phẩm, những giá trị tinh thần của con người, nhưng nó khác với các ngành sản xuất khác, không sản xuất dây chuyền ra hàng loạt sản phẩm giống hệt nhau đến từng chi tiết, mà mỗi sản phẩm phải khác biệt và độc đáo, như thế mới có thể làm hài lòng những khách văn chương. Vì vậy, nhà văn Sê khốp đã nhận xét, "Nếu anh ta không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ.". "Giọng riêng" trong câu nói của Sê khốp có nghĩa là phong cách nghệ thuật riêng, độc đáo, trong sáng tác của nhà văn. Nó biểu hiện ở trong cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống một cách mới mẻ và cách thể hiện cái mới mẻ đó rất độc đáo của nhà thơ. Hay nói một cách khác "giọng nói riêng" chính là phong cách riêng của mỗi nhà văn. Giọng nói riêng là ranh giới phân biệt giữa nhà văn và những người viết, nhờ đó mà người viết mới được trở thành một nhà văn thực thụ, một người sáng tạo nghệ thuật đúng nghĩa.

Nếu như các nhà khoa học nghiên cứu để tìm ra những quy luật chung rồi biểu thị nó qua cách định luật, định lý mang tính tổng quát, thì các nhà văn đào sâu hiện thực cuộc sống bằng góc nhìn chủ quan để tìm ra những cái mới mẻ chưa ai tìm thấy, không được lặp lại những cái gì đã có của người khác và thể hiện nó ra cho mọi người biết bằng giọng văn, ngôn từ và ngòi bút nghệ thuật thấm đẫm chất riêng của cá nhân. Nhà văn Trần Thùy Mai đã từng nhận định: "Viết để vượt qua sự hữu hạn của đời người.", bất cứ nhà văn nào cũng mong muốn vượt qua được giới hạn của bản thân, mơ ước sáng tạo ra một kiệt tác văn học, khao khát tác phẩm của mình sẽ phá bỏ quy luật của thời đại, bất tử hóa và trường tồn cùng với thời gian. Tuy nhiên "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." (Đời thừa - Nam Cao), nếu như không có những giá trị độc đáo riêng biệt, tác phẩm nghệ thuật sẽ dễ dàng bị đào thải, chìm vào quên lãng. Chính Nam Cao cũng đã chứng minh quan điểm sáng tác của bản thân bằng tác phẩm "Chí Phèo".

Trước Nam Cao, đã có rất nhiều tác giả viết về đề tài người nông dân bị áp bức đến bước đường cùng trong xã hội cũ trước Cách mạng tháng Tám như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố,... nhưng nhà văn đã không đi theo con đường của những bậc đàn anh trong nghề, Nam Cao đã chọn cho mình một con đường riêng, mới mẻ. Nhà văn đã xây dựng một hình tượng người nông hết sức độc đáo và đặc sắc: Người nông dân không chỉ chịu bần cùng hóa mà còn phải chịu lưu manh hóa nhưng vẫn giữ được bản chất tốt đẹp trong sâu thẳm tâm hồn mình.

Chí Phèo là một nhân vật có số phận bất hạnh. Nỗi bất hạnh đã đeo bám Chí một cách dai dẳng ngay từ khi hắn chỉ còn là một đứa trẻ. Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, Chí Phèo đã bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ, không cha không mẹ, không người thân thích. Chí sống một tuổi thơ lay lắt, bấp bênh và vô định, khi bị truyền qua tay người này sang tay người khác nuôi nấng. Lớn lên, Chí Phèo trở thành canh điền cho nhà Bá Kiến. Tuy Chí Phèo xuất thân từ tầng lớp nông dân thấp cổ bé họng bị bọn cường hào ác bá bóc lột, bị xã hội thực dân nửa phong kiến đày đọa đến bước đường cùng nhưng khác với nhân vật người nông dân trong các tác phẩm đương thời, dù ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo, họ vẫn giữ được những phẩm chất tốt đẹp, tựa như "bông hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", Chí đã bán rẻ linh hồn mình cho quỷ dữ. Bảy tám năm bị Bá Kiến vì ghen tuông đày đọa vào nhà tù thực dân, lăn lộn vật vã sau song sắt, đã bóp méo đến mức hủy hoại cả nhân hình lẫn nhân tính của Chí, khiến Chí trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại gieo rắc nỗi kiếp sợ kinh hoàng cho biết bao dân làng vô tội. Vì cái đói, cái nghèo mà Chí sẵn sàng cầm chai rượu đến nhà Bá Kiến rạch mặt ăn vạ để xin ở tù kiếm miếng cơm manh áo nhưng thất bại. Lần thứ hai, hắn tiếp tục ngựa quen đường cũ, tên cáo già xảo quyệt đã dụ dỗ Chí, sai hắn đi đòi nợ Đội Tảo, từ đấy hắn trở thành tay sai, công cụ để Bá Kiến trị những thằng đầu bò khác. Mở đầu thiên truyện của nhà văn Nam Cao không phải một người nông dân hiền lành như ta thường thấy, mà là tiếng chửi rủa của tên lưu manh say rượu, hắn chửi trời chửi đất, chửi cả cha mẹ đứa nào sinh ra hắn, bằng những câu chửi độc địa nhất. Ấy thế mà chẳng ai đoái hoài đến hắn, chẳng ai chửi lại hắn, ngoài mấy con chó. Chí Phèo phải chịu bi kịch lớn nhất của đời người, bi kịch của một con người bằng xương bằng thịt nhưng lại bị chính xã hội loài người từ chối, ruồng bỏ. Chí khao khát được hoàn lương, khao khát được xã hội công nhận nhưng phải đến lúc gặp Thị Nở thì Chí mới được coi là một con người thực sự. Thị Nở cũng là một hình tượng nhân vật độc đáo khác của nhà văn Nam Cao, thị xấu xí, dở hơi, nhưng tất thảy những điều đó càng làm nổi bật lên điểm sáng trong con người thị, thị có tấm lòng thương người. Thị động lòng trắc ẩn trước Chí, con quỷ dữ mà dân làng ai cũng khiếp sợ. Thị đã không bỏ mặc Chí giữa lúc ốm đau, giữa cơn sốt mà còn nấu cháo hành cho Chí. Bát cháo hành của thị không chỉ giúp Chí giải cảm, giải rượu mà còn khiến Chí tỉnh ngộ, nhận ra được những lỗi lầm đã mình đã phạm. Thị đã kéo nhân tính của Chí trở về, hồi sinh bản chất lương thiện tưởng chừng như đã mất bấy lâu nay, làm trỗi dậy khao khát được sống cuộc sống bình dị như bao người khác của Chí. Thị nở đã thắp lên trong cuộc sống tăm tối của Chí một tia hy vọng, thị sẽ là cầu nối, dẫn lỗi hắn trở về với cuộc đời lương thiện. Khắc họa cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở, Nam Cao đã chứng minh được ngòi bút miêu tả tâm lý sắc sảo của mình và cũng thể hiện được tư tưởng nhân đạo mà nhà văn hằng trăn trở. Giá trị nhân đạo trong Chí Phèo được nâng lên một tầm cao mới. Những nhà văn khác nhìn ra được những phẩm chất tốt đẹp của con người trong hoàn cảnh bế tắc nhưng Nam Cao còn thấy được những mảnh hồn trong sáng còn sót lại trong linh hồn tăm tối của Chí Phèo, thấy được nét đẹp đằng sau cái ma chê quỷ hờn của Thị Nở. Nam Cao đã nhìn thấu được nơi khó nhìn thấu nhất, đó là lòng người. Giọng kể chuyện của nhà văn thật lạnh lùng khách quan, nhưng vẫn có thế khiến độc giả vẫn cảm nhận được sự trân trọng của nhà văn dành cho hai kẻ cùng khổ có hình thù xù xì, gai góc bị xã hội xa lánh nhưng lại có thiên lương trong sáng ấy. Tuy nhiên, hy vọng nhỏ nhoi của Chí lại bị chính Thị Nở - người đã đem lại cho hắn hy vọng, dập tắt một cách phũ phàng. Tiếc thay cho Chí, người đàn bà hắn yêu lại là một người dở hơi, Thị nghe lời bà cô, cự tuyệt Chí Phèo, quăng vào hắn một tràng độc địa ngoa ngoắt khiến Chí ngẩn người vì cay đắng, chua xót. Thị càng gàn dở thì thì bi kịch cự tuyệt của Chí càng đau đớn, thấm thía hơn bao giờ hết. Kể từ giây phút bị Thị Nở ruồng bỏ, gã Chí Phèo khi nào cũng say khướt lại tỉnh táo lạ thường, mặc cho Chí có nốc bao nhiêu rượu, Chí vẫn tỉnh, không tài nào chìm vào trong cơn say được. Hắn nhận thức được tội ác của kẻ đã cướp đi tất cả của hắn, cướp đi nhân hình, nhân tính, tước đoạt quyền làm người của hắn. Chí Phèo xách dao đi tìm Bá Kiến, đòi quyền được sống lương thiện, đòi trả lại hình người, tính người. Hắn ai oán gào lên: "Ai cho tao lương thiện?". Hắn không tìm được cũng không nhận được câu trả lời, bởi vì cuộc đời hắn dường như vô phương cứu vãn rồi, hắn đâm chết Bá Kiến rồi tự sát. Chí đã chết trên ngưỡng cửa về với cuộc đời. Giá trị hiện thực ở đoạn kết của thiên truyện được đẩy lên mức cực đại, phản ánh được chân thực hiện tượng người nông dân Việt Nam bị tha hóa ở nông thôn Việt Nam những năm 30 -45.

Không chỉ độc đáo trong nội dung, Chí Phèo còn là một tác phẩm thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật đặc sắc của Nam Cao. Nhà văn đặc biệt quan tâm đến đời sống nội tâm của con người, vì vậy, trong các tác phẩm của mình, Nam Cao có khuynh hướng đi sâu vào diễn tả phân tích thế giới nội tâm nhân vật. Với Chí Phèo, nhà văn đã khắc họa một cách chi tiết, tỉ mỉ và sâu sắc những chuyển biến nội tâm của một người nông dân lương thiện bị lưu manh hóa trở thành tên lưu manh đầu đường xó chợ, rồi tỉnh ngộ, khao khát hoàn lương nhưng không thể, để rồi dẫn đến quyết định chấm dứt cuộc đời mình trên ngưỡng cửa trở về với xã hội. Bên cạnh ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, Nam Cao còn là một nhà văn có giọng điệu rất riêng, rất đặc trưng. Giọng văn của ông tuy lạnh lùng, khác quan như một người qua đường dửng dưng trần thuật lại câu chuyện mình được chứng kiến mà cũng đong đầy tình yêu thương con người, trân trọng những kiếp người khổ cực, những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.

"Chí Phèo" đã trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất không chỉ của riêng nhà văn mà còn là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của dòng văn học hiện thực phê phán nói chung. Chí Phèo còn được đặt tên cho một hiện tượng người nông dân Việt Nam bị lưu manh hóa trong xã hội cũ. Như vậy, Nam Cao đã thành công khẳng định được cái chất riêng của mình, khẳng định được bản thân là một nhà văn thực thụ, xứng đáng được người đời ca ngợi. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top