Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 1

"Ba mất rồi," Wendy nói giọng thản nhiên như thể việc này đã từng xảy ra, như thể chuyện thường ngày. Cái kiểu luôn vô tư ngay cả khi phải đối mặt với bi kịch như thế này của chị ấy có thể làm người khác cảm thấy gai người khó chịu. "Ba qua đời cách đây hai tiếng."

"Mẹ thế nào ạ?"

"Mẹ mà, em còn lạ gì? Mẹ muốn biết phải điếu đóm nhà tang lễ bao nhiêu."

Tôi không nhịn nổi cười, mặc dù như thường lệ, bực mình với sự bất lực mang dấu ấn gia truyền của nhà mình trong việc thể hiện cảm xúc trước những biến cố lớn. Không có dịp nào đòi hỏi sự chân thành mà gia đình Foxman không nhanh chóng dìm hàng hay biến thành trò cười thông qua tài lẩn tránh và châm biếm gia truyền. Chúng tôi cợt nhả, châm chọc, lăng mạ nhau vào dịp sinh nhật hay nghỉ lễ, cưới xin lẫn ốm đau. Bây giờ ba mất và Wendy đang tấu hài. Đáng kiếp, bởi kiểu gì đó ông già chính là người đi tiên phong trên mặt trận kìm nén cảm xúc. 

"Đỡ rồi," Wendy nói.

"Đỡ rồi? Chúa ơi, Wendy, chị có biết mình đang nói gì không?"

"Ờ, chị lỡ lời."

"Chị nghĩ vậy à?"

"Ba muốn chúng ta làm lễ shiva."

"Ai cơ?"

"Em nghĩ chúng ta đang nói về ai? Ba! Ba muốn chúng ta làm lễ shiva."

"Ba mất rồi."

Wendy thở dài như thể mệt mỏi vô cùng vì phải luồn lách qua bộ não âm u trì độn của tôi. "Đúng thế, có vẻ đây chính là thời điểm thích hợp nhất để làm lễ shiva."

"Nhưng ba là người vô thần."

"Ba từng là người vô thần."

"Ý chị là ba nhìn thấy Chúa trước khi mất?"

"Không phải, chị nói với em là ba mất rồi cho nên em phải chia động từ cho đúng thời."

Nếu chị em tôi có vẻ như hai kẻ nhẫn tâm thì là vì chúng tôi được nuôi nấng như thế. Nói cho công bằng, chúng tôi đã để tang một thời gian rồi, lúc có lúc không, kể từ khi bác sĩ chẩn đoán ông già bị bệnh cách đây một năm rưỡi. Ba tôi mắc chứng đau dạ dày nhưng nhất định không chịu đi khám mặc cho mẹ tôi van nài. Thay vào đó ông uống tăng liều thuốc kháng a xít vẫn dùng bao năm nay. Ba tôi dùng thuốc như ăn cơm bữa, chỗ nào có ông là có vỏ thuốc bằng kim loại rơi vãi, đến nỗi những tấm thảm trải sàn lóng lánh như vỉa hè được giội nước. Thế rồi ông đi ngoài ra máu. 

"Ba con không được khoẻ lắm," mẹ tôi thông báo qua điện thoại như kể chuyện vặt.

"Phân lại lẫn máu," tiếng càu nhàu của ba tôi vang lên đâu đó sau lưng mẹ tôi. Mười lăm năm nay kể từ khi tôi xa nhà, ba tôi chưa bao giờ bước tới gần điện thoại. Lúc nào cũng là mẹ tôi, ba tôi chỉ đứng sau lưng nói chen vào dăm câu khi nào nổi hứng. Bình thường cũng vậy. Mẹ lúc nào cũng đóng vai chính. Việc ba lấy mẹ cũng như tham gia dàn đồng ca.

Trên máy chụp cắt lớp, những khối u nảy nở như hoa trên sa mạc đen thui là tá tràng của ba. truyền thuyết về tính khắc kỷ huyền thoại của ba tôi được bổ sung bằng việc điều trị ung thư dạ dày di căn suốt một năm bằng kẹo Tums (kẹo ngậm có công dụng trị đau dạ dày, thượng vị viêm lớt hành tá tràng - ND). Tiếp theo là phẫu thuật, xạ trị, rồi các liệu trình hoá trị còn nước còn tát. Nhưng kết quả không triệt hạ các khối u mà còn làm ông già bị suy nhược, đôi vai rộng một thời chỉ còn là những ụ xương khuất dưới bề mặt da nhăn nheo. Sau đó đến lượt chứng teo cơ và gân, rồi những cơn đau đớn cùng cực, đỉnh điểm là ba tôi rơi vào cơn hôn mê mà chúng tôi biết ông sẽ không bao giờ tỉnh lại. Mà tỉnh lại để làm gì? Sao phải tỉnh lại để dối diện với căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối đau đớn đáng ghét? Bốn tháng sau, ba tôi mất, lâu hơn ba tháng so với dự đoán của các bác sĩ điều trị ung thư. Mỗi lần chúng tôi đến thăm họ lại nói, "Bác chiến đấu hăng lắm". Bịa đặt, ông già bị hạ đo ván rồi. Nếu còn một chút tỉnh táo, ba tôi sẽ phải bực mình vì có mỗi chuyện chết mà cũng mất thời gian đến thế. Ba tôi không tin có Chúa, nhưng cả đời ông là tín đồ của giáo phái Nhanh Lên Cho Tôi Nhờ. 

Vì thế việc ông qua đời giống như một chi tiết đáng buồn cuối cùng hơn là một sự kiện.

"Sáng mai của hành tang lễ," Wendy nói. "Tối nay chị và bọn trẻ con lên máy bay. Barry đang họp ở San Francisco. Anh ấy sẽ đi chuyến đêm."

Barry, chồng của Wendy, là quản lý của một quỹ đầu tư lớn. Theo tôi hiểu thì anh ta được trả lương để đi chuyên cơ vòng quanh thế giới, chơi golf kiểu gì đấy để thua cánh đại gia có thể cần vay tiền của quỹ đầu tư. Vài năm trước, anh ta được thuyên chuyển đến văn phòng ở Los Angeles, một việc rất vô nghĩa vì anh ta đi công tác liên tục và Wendy chắc chắn thích sống ở Bờ Đông hơn, nơi mà chị ấy đỡ phải phô ra thân hình sồ sề hậu sinh nở. Mặt khác, chị ấy được bù đắp hậu hĩnh cho sự bất tiện này. 

"Chị mang theo bọn trẻ con à?"

"Em tin chị đi, chị chẳng muốn thế đâu. Nhưng không thể giao chúng nó cho bảo mẫu suốt bảy ngày được."

Bọn trẻ con là Ryan và Cole, một đứa sáu tuổi một đứa ba tuổi - hai thằng bé tóc vàng hoe, má hồng phúng phính, chưa bao giờ gặp căn phòng nào chúng không thể phá tanh bành dưới hai phút - và Serena - con gái út bảy tháng tuổi của Wendy. 

"Bảy ngày á?"

"Lễ shiva dài như thế đấy."

"Chúng ta chắc không định làm thật chứ?"

"Đây là ý nguyện của ba trước lúc lâm chung," Wendy nói. Và ngay khoảnh khắc đó, tôi nghĩ có lẽ mình nghe thấy được dư âm của nỗi đau sâu trong giọng chị ấy. 

"Paul đồng ý thế à?"

"Chính Paul nói với chị việc này."

"Anh ấy nói thế nào?"

"Nó nói ba muốn chúng ta làm lễ shiva."

Paul là anh trai tôi, hơn tôi mười sáu tháng. Mẹ tôi một mực nói rằng bảy tháng sau khi sinh Paul, bà đã cố tình mang thai lần nữa chứ tôi không phải là sự cố kỹ thuật. Nhưng tôi không bao giờ tin điều đó, nhất là sau khi ba tôi đã trịnh trọng thừa nhận, một lần trong bữa cơm tối thứ Sáu ngà ngà hơi men sơ náp đào, thời đó người ta tin rằng phụ nữ đang cho con bú thì không thể có bầu ngay được. Về phía tôi và Paul, hai anh em rất hợp cạ chừng nào không nhìn thấy mặt nhau.

"Đã ai nói với Phillip chưa?" tôi hỏi.

"Chị đã gọi tất cả các số chị biết và để lại lời nhắn, hoạ chăng nó sẽ mở máy ra xem. Nếu nó đang không ngồi nhà đá, không say bí tỉ hay ngoẻo dưới rãnh cống rồi thì chắc cũng có một tẹo khả năng nó sẽ dẫn xác về."

Phillip là đứa em út trong nhà, ít hơn tôi chín tuổi. Khó mà hiểu nổi logic sinh sản của ba mẹ tôi. Wendy, Paul và tôi nối tiếp nhau ra đời trong vòng bốn năm, còn Phillip thì đến nỗi gần một thập kỷ sau mới thòi ra như cái đuôi lạc loài. Nó là Paul McCartney (nhạc sĩ, ca sĩ, cựu thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc The Beatles - ND) trong gia đình: đẹp trai nhất nhà, lúc nào cũng nhìn đi hướng khác khi chụp ảnh, và thỉnh thoảng lại bị đồn là đã chết. Lúc nhỏ, nó hết là đứa bé được cưng chiều lại đến bị bỏ rơi, có lẽ đó là nhân tố quan trọng dẫn đến kết cục nó trở thành một thanh niên hư hỏng. Hiện nó đang sống ở Manhattan, nơi mà bạn khó kiếm nổi loại thuốc phiện nào nó chưa thử hay em người mẫu nào nó chưa chim chuột. Nó có thể bặt tin hàng tháng trời rồi đột nhiên chẳng nói chẳng rằng xuất hiện ở nhà vào bữa tối, có thể bâng quơ mà cũng có thể không kể chuyện nó vừa ra tù hay đi Tây Tạng về, hoặc chuyện nó vừa chia tay một em minh tinh màn bạc. Hơn một năm nay tôi chưa gặp nó.

"Hy vọng nó sẽ có mặt," tôi nói. "Nếu không nó sẽ rất hụt hẫng."

"Nhân tiện nói chuyện các cậu em hư hỏng, thế tấn bi kịch Hy Lạp của em diễn tiến đến đâu rồi?"

Cái sự không khéo ăn nói của Wendy có thể khiến người ta thấy buồn cười, thậm chí là đáng yêu, có điều chị ấy không bao giờ nhận ra ranh giới giữa thô lỗ và độc ác. Bình thường tôi chẳng ngán gì, nhưng mấy tháng gần đây chị ấy khiến tôi kiệt sức, và khả năng chống đỡ của tôi đã bị vắt cạn.

"Em phải đi đây," tôi nói, cố gắng tỏ ra không sắp sửa suy sụp tinh thần.

"Chúa ơi, chị chỉ định hỏi thăm thôi."

"Em biết là chị nghĩ thế."

"Ôi đừng có giận lẫy như vậy. Một mình Barry như thế là đủ với chị rồi."

"Em sẽ gặp chị ở nhà."

"Thôi được, vậy đi," Wendy khó chịu nói. "Chào em."

Tôi chờ chị ấy cúp máy.

"Em vẫn ở đó à?" cuối cùng chị ấy nói.

"Không." Tôi dập máy, hình dung Wendy vừa liệng chiếc điên thoại vừa bắn một tràng chửi rủa như súng máy.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #ivy