Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 30

8 giờ 06 phút sáng 

HÔM NAY THỨ BẢY, ngày Sabbath trong đạo Do Thái, lễ shiva tạm ngưng, tất cả các nghi thức để tang bên ngoài đều được gác lại. Cương Cứng ghé qua để báo cho chúng tôi biết tin. Anh ta mặc bộ đồ màu sẫm, chiếc áo sơ mi màu đen và trông như sẵn sàng đi ngồi quán kia. 

"Mọi người vẫn đang để tang, đương nhiên," anh ta nói. "Nhưng hôm nay sẽ không có ai đến thăm cả, không có lễ shiva đối với người ngoài."

"Thế thì giống như một ngày nghỉ," tôi nói. 

"Không hẳn thế," anh ta nói. Anh ta nhìn mẹ tôi, mẹ tôi gật đầu rồi nhìn lại chúng tôi. 

"Sáng nay, tất cả chúng ta sẽ đến nhà thờ để làm lễ Kaddish." 

"Lễ Kaddish?" 

"Cầu nguyện cho linh hồn người quá cố."  

"Sao chúng ta không thể ngồi nhà cầu nguyện?" Paul nói.

"Lễ Kaddish chỉ có thể được thực hiện khi có ít nhất mười người đối đáp. Đây là nghi thức một bên nói một bên đáp lời." 

Paul nhìn người bạn thời thơ ấu, vẻ ngao ngán. Cho tao nghỉ giải lao đi! Nhưng Cương Cứng chỉ nhìn lại và nhún vai. Tao có đặt ra luật đâu. 

Paul chớp mắt trước. "Bao giờ thì buổi lễ bắt đầu?" 

Cương Cứng nhìn đồng hồ. "Trong vòng hai nhăm phút nữa. Nên giờ thay quần áo là vừa."

8 giờ 15 phút sáng 

BỘ ĐỒ TÔI MẶC Ở ĐÁM TANG vẫn nằm thành một đống nhăn nhúm trên sàn tầng hầm kể từ khi đó, vậy nên mẹ đưa tôi lên phòng và lấy một bộ đồ của ba cho tôi. Ba chỉ mặc hai kiểu màu: màu đen và màu xanh sẫm. Khi tôi thử bộ màu đen mẹ chọn đưa cho, nó vừa vặn, có điều cái quần hơi ngắn vài phân. Tôi có đôi chút ngạc nhiên, bởi tôi luôn nghĩ ba cao hơn tôi. Tôi đã không đủ gần ba để biết rõ hơn. 

Thỉnh thoảng, dựa vào tiếng tích tắc của một chiếc đồng hồ nội tâm nào đó, ba sẽ ngẫu nhiên quyết định đưa tất cả chúng tôi đến nhà thờ vào sáng thứ Bảy. "Đi tắm đi," ba tôi sẽ vừa mặc quần áo vừa càu nhàu. Vào những dịp như thế, Wendy được phép sử dụng đồ trang điểm của mẹ, vì thế chúng tôi bao giờ cũng phải ngồi đợi trong phòng khách trong khi chị ấy loay hoay với phấn hồng và son môi, còn mẹ thì chăm chút cho Phillip bé bỏng trong bộ đồ thủy thủ nửa nam nửa nữ khiến ba lo lắng sẽ làm nó thành đồng tính. 

Những chiếc mũ làm lễ đặt ở trong hộp bằng gỗ cây ô liu ở lối vào thánh đường có màu đen và làm từ chất liệu ni lông mỏng mảnh đến nỗi một luồng gió nhỏ từ những chiếc quạt điều hòa không khí cũng đủ để thổi bay khỏi mái tóc quăn của chúng tôi như chiếc diều. Mẹ thường dùng ghim tóc cặp chúng lại trong khi ba quàng lên vai chiếc khăn lễ đã ố vàng với thời gian như một chiếc khăn quàng. Thế rồi chúng tôi sẽ đi theo ba vào trong thánh đường, cứ vài bước lại dừng chân để bắt tay ai đó và nói "Chúc ngày thứ Bảy tốt lành". Chúng tôi làm y theo, nắm những bàn tay to nứt nẻ của những người đó, hít vào mùi nước cạo râu và kẹo bạc hà thơm tho sạch sẽ. 

Giáo sĩ Buxbaum thường từ trên bục đi xuống nồng nhiệt chào đón chúng tôi, bộ ria mép ghi đông bạc trắng che khuất nụ cười. "Chào các quý ông," giáo sĩ thường nói với một cái nháy mắt, ấn sâu những chiếc kẹo bơ vào lòng bàn tay chúng tôi trong lúc bắt tay, "đấy là nói một cách phóng khoáng." 

Trong vòng mười phút, mẹ tôi sẽ phải đưa Phillip ra ngoài, chạy qua những hành lang của ngôi trường Do Thái nơi tất cả chúng tôi đều từng theo học lác đác vài buổi, và ba sẽ lim dim, đung đưa người trong ghế, hát theo người ca trưởng những giai điệu nhạc lễ mà ba còn nhớ từ thời trẻ thảng hoặc đi nhà thờ của chính ba. Paul thường làm một cái khung thành bằng hai ngón tay xòe rộng bên mép cuốn sách cầu nguyện, và tôi thường cố búng vỏ kẹo nhàu nát vào trong đó. Nếu ba bắt gặp, ba sẽ gõ vào gáy chúng tôi và bảo chúng tôi thôi đi. Wendy ngồi ngay ngắn, hết bắt tréo lại duỗi thẳng chân, vừa nghiên cứu phong thái và váy áo của các bà, vừa chăm chú nhìn các hàng ghế xem có cậu nào điển trai không. 

Khi buổi lễ kết thúc, sẽ có rượu phước và đồ ăn nhẹ ở phòng giao lưu. Trong khi ba mẹ tôi chuyện phiếm với những người lớn khác bên những chiếc bánh ngọt và món cá xốt kem, Paul và tôi thường lấy trộm những cốc nhỏ đựng rượu sơ náp đào từ trên bàn rượu nhẹ và cố gắng không bị nghẹn khi rượu đốt cháy cổ họng. Đôi khi, một đứa trẻ kiếm được một quả bóng tennis và tất cả chúng tôi sẽ cởi áo khoác rồi cùng đi ra phía sau nhà thờ để chơi một thứ trò giống như bóng chày. Đến trưa, chúng tôi về lại nhà, đồ vest treo lên, áo sơ mi chất thành đống trên bàn ăn để giặt khô, ba và mẹ chui vào phòng để "ngủ trưa". Tất cả những việc này diễn ra hai, có lẽ ba lần một năm. Có những năm không lần nào, và rồi, một ngày thứ Bảy, tự dưng ba lại đánh thức chúng tôi dậy với câu: "Mặc áo vest và đeo cà vạt vào nào, con trai. Áo vest và cà vạt." Có vẻ như chúng tôi càng lớn thì những lần như vậy càng ít đi, và đến khi tôi thành thiếu niên thì lần duy nhất chúng tôi đến nhà thờ là dịp năm mới của người Do Thái và lễ chuộc tội. 

Một lần, khi ấy tôi đã đủ lớn để suy ngẫm về những điều này và còn đủ nhỏ để nghĩ rằng có thể nhận lại câu trả lời đáng tin cậy, tôi thì thầm vào tai ba tôi trong buổi lễ đón năm mới, "Ba có tin vào Chúa không?" 

"Không hẳn thế," ba tôi nói. "Không." 

"Thế tại sao chúng ta lại đến đây?" Ba tôi chậm rãi bỏ một viên thuốc vào miệng, choàng tay ôm lấy tôi, kéo tôi vào dưới tấm khăn lễ bằng len có mùi mốc của ba, và rồi nhún vai. "Trước đây ba từng mắc nhiều lỗi lầm," ba tôi nói. 

Và đó gần như là câu tổng kết những gì có thể tìm thấy trong nhà Foxman liên quan đến thần học. 

9 giờ 40 phút sáng 

CHỈ CÓ RUỘT THỊT CỦA NGƯỜI QUÁ CỐ mới đọc kinh lễ Kaddish, vậy nên Barry, Tracy và Alice đều chọn không đi cùng, và ai có thể trách họ được? Tôi cùng với các anh chị em và mẹ tới nhà thờ chậm một tiếng, nhưng Cương Cứng đã giữ một hàng ghế cho chúng tôi. Tôi có thể cảm thấy tất cả các cặp mắt trong căn phòng sâu hun hút đều hướng vào chúng tôi lúc chúng tôi tiến vào, mấy anh em tôi cảm thấy lúng túng với những chiếc mũ làm lễ màu đen mỏng mảnh và những chiếc khăn cầu nguyện tả tơi mượn từ trên giá ở trong sảnh mà chúng tôi vắt qua vai như khăn quàng. Cương Cứng đeo một chiếc khăn cầu nguyện màu trắng với những mẩu trang sức bằng bạc quanh cổ kêu xủng xoảng như áo giáp. Anh ta bước xuống như một linh hồn từ chiếc ghế cao của mình ở trên bục chính để ôm chúng tôi như đóng kịch khi chúng tôi ngồi vào ghế. Với tôi điều này có vẻ rất vô cớ bởi tất cả chúng tôi vừa gặp nhau một giờ trước, giống như những màn đối thoại trên vô tuyến, người dẫn chương trình nồng nhiệt chào đón khách mời mặc dù đương nhiên họ đã nói chuyện ở hậu trường trước khi quay.

Và Cương Cứng rõ ràng đang diễn kịch. Anh ta sải những bước dài như dáng đi của những ứng cử viên tổng thống, bắt tay mọi người trong giáo đoàn, những tay trẻ thì anh ta ôm sơ và vỗ vào vai, cánh phụ nữ thì anh ta hôn nhẹ lên má, bọn trẻ con đầu tóc chải mượt mà thì anh ta xoa đầu, và luôn miệng chúc ngày thứ Bảy tốt lành với tất cả mọi người bằng giọng thì thầm rõ to như trên sân khấu để át tiếng hát đều đều của người ca trưởng. Anh ta biết rõ là tất cả mọi con mắt đều hướng vào anh ta, và anh ta tắm trong sự chú ý của các khán giả bất đắc dĩ. Cương Cứng đã trở thành loại giáo sĩ mà trong đầu có vẻ chỉ có một mục đích duy nhất là chứng minh cho thế hệ trẻ thấy rằng đạo Do Thái rất cởi mở, rằng giáo sĩ cũng có thể chịu chơi, rằng anh ta, Charlie Grodner, là một tay sành điệu. Thế nên mới có bộ đồ Armani, mái tóc trét một đống sản phẩm chăm sóc, tóc mai hợp thời, và viên kim cương nhỏ ở tai trái. Anh ta là giáo sĩ siêu sao nhạc rock, và anh ta làm như thế là để bán Chúa cho giới trẻ ngày nay hay đơn giản chỉ là bị ám ảnh với những sở thích không được thực hiện từ thời nghe nhạc Zeppelin thì đố ai mà biết được. Tôi rất muốn đặt nhẹ nghi ngờ này của mình, nhưng thật khó mà thấy mục đích cao cả nào ở một người đàn ông vẽ nguệch ngoạc trên bìa sau của cuốn vở Lượng giác học những hình ảnh làm tình qua hậu môn rất chính xác về mặt giải phẫu. 

Nhà thờ không thay đổi gì kể từ thời thơ ấu của tôi. Trần cao trát vữa, đặt ngay chính giữa là chiếc hộp lớn bằng gỗ được tẩy trắng bên trong đựng vài cuộn pháp điển, cuộn nào cũng được trang trí rực rỡ với một tấm vải bọc và một chiếc vương miện bằng bạc. Những tấm biển "Tưởng nhớ" treo trên tường, mỗi một tên đều đi kèm với một bóng đèn màu cam tí xíu được thắp sáng hằng năm vào ngày giỗ. Những người đàn ông lớn tuổi, khăn cầu nguyện vắt trên những đôi vai còng xuống và những chiếc áo vest dãi dầu sương gió, vừa mút kẹo cứng vừa ê a hát theo người ca trưởng. Những người đàn ông trẻ hơn, với bộ đồ tươm tất hơn và những chiếc mũ lễ nhăn nhúm; những người phụ nữ, bận bộ đồ xịn nhất, cuốn sách cầu nguyện của họ đặt thăng bằng trong lòng bên trên những chiếc túi xách tay đồ hiệu. Những cửa sổ kính màu bẻ ngoặt ánh mặt trời, những lời đề tặng viết tay rất đẹp trên kính bằng mực đen. Và sân khấu rộng, cao ở chính giữa, nơi bệ giảng kinh của giáo sĩ đặt ngay dưới Ngọn Đèn Bất Tử theo kiểu hậu hiện đại, cách hộp đựng pháp điển vài bước chân, và là nơi Cương Cứng bây giờ đi lên để diễn thuyết trước đám đông. 

"Chào tất cả mọi người," anh ta nói. "Chúc Elmsbrook một ngày thứ Bảy tốt lành!" 

Có tiếng rì rầm đáp lại. 

"Ồ, hăng hái lên nào, tôi biết mọi người có thể làm tốt hơn thế. Chúc Elmsbrook một ngày thứ Bảy tốt lành!" 

Đám đông trả lời "Chúc một ngày thứ Bảy tốt lành!" to và ngượng ngập. 

"Đó chính là cái mà tôi chờ nghe!" Cương Cứng nói. "Tôi muốn dành một phút để chào mừng gia đình Foxman quay trở lại với nhà thờ của chúng ta. Như nhiều người trong các bạn đã biết, Mort Foxman, một trong những thành viên sáng lập giáo đoàn chúng ta vừa qua đời cách đây vài ngày. Vợ ông, Hillary, và các con, Paul, Judd, Wendy và Phillip có mặt ở đây để cầu nguyện cho ông và đánh dấu sự ra đi của ông trước Chúa và trước Cộng đồng . Mort là một thương gia rất được kính trọng ở Elmsbrook ; nhiều người trong chúng ta lớn lên với những đôi giày và găng chơi bóng bầu dục mua ở cửa hàng nhà Foxman. Cá nhân tôi, một phần không nhỏ của tuổi thơ tôi đã trải qua trong nhà Foxman, chơi bóng với Paul và Judd..." 

"Hút cần sa," tôi thì thầm. 

"Thủ dâm," Paul. 

"Cố sờ tí tôi," Wendy

"... và ông để lại di sản này, đạo đức nghề nghiệp và những giá trị vững vàng, cho các con và các cháu của mình tiếp nối. Cầu Đấng Tối Cao an ủi gia đình trong số những người để tang của mảnh đất Do Thái." 

"Amen," đám đông đáp lại. 

"Bây giờ tôi muốn mời Hillary và các con của bà bước lên bục lễ để đọc kinh Kaddish cầu nguyện cho linh hồn Morton Foxman, người chồng, người cha thân yêu của họ." 

Mẹ là người đầu tiên đứng dậy và sải những bước dài trên chiếc giày cao gót như đi trên sân khấu thời trang, thu lượm những cái nhìn ngưỡng mộ của cánh đàn ông cao tuổi trong đám đông, trong đó có Peter Applebaum, không ngượng ngùng gì mà theo dõi mông mẹ tôi suốt cả đoạn đường. 

"Mẹ không thể kiếm nổi một chiếc váy dài hơn để mặc đến nhà thờ sao?" Wendy lẩm bẩm. 

Anh chị em chúng tôi đi theo mẹ lên bục lễ, tại một chiếc bàn cao đặt ở phía trước phòng, người ca trưởng đưa cho mỗi người một tờ giấy với những dòng kinh Kaddish viết bằng tiếng Do Thái cổ rồi được phiên âm sang tiếng Anh. "Chỉ việc đọc từ từ và ngừng ở dấu gạch ngang để mọi người trả lời," ông ấy nói. "Sẽ ổn cả thôi." 

"Nào, tất cả mọi người," Paul nói. "Đếm đến ba nhé?" 

"Yit' gadal  v'yit'kadash sh' mei raba," chúng tôi đọc. 

"Amen," giáo đoàn nói, tất cả đều đứng dậy. 

"B'alma di v'ra khir'utei v'yam'likh mal'khutei..." 

Chúng tôi đọc tiếp những từ cổ xưa ấy, hoàn toàn không biết chúng muốn nói gì, và giáo đoàn đáp lại bằng những lời mà họ cũng chẳng hiểu gì. Chúng tôi tụ tập vào một sáng thứ Bảy để nói với nhau những câu bí hiểm, và bạn sẽ nghĩ rằng, vào thời buổi vô thần này, chuyện đó sẽ trống rỗng, nhưng không hiểu sao lại không phải vậy. Năm chúng tôi, đứng vai sát vai trên bục lễ, chậm rãi đọc to những lời cầu nguyện, và giáo đoàn, những người bạn cũ, người quen và người xa lạ, tất cả đáp lại, và vì những lý do mà tôi không tài nào gọi rõ được, tôi có cảm giác như có điều gì đó đang thực sự diễn ra. Nó không hề có gì liên quan tới Chúa hay linh hồn, chỉ là cảm nhận rõ ràng lòng tốt và sự động viên phát ra như những làn sóng từ dưới những hàng ghế xung quanh chúng tôi, và tôi không thể không cảm thấy xúc động trước điều đó. Khi chúng tôi đọc đến cuối trang, và lời "amen" cuối cùng được nói lên, tôi tiếc là đã kết thúc. Tôi có thể đứng đó lâu hơn nữa. Và khi chúng tôi bước xuống quay trở lại chỗ ngồi của mình, một cái liếc nhanh cho tôi thấy nỗi buồn trong những cặp mắt ướt của gia đình mình, tôi không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy. Tôi không cảm thấy gần gũi ba hơn lúc trước, nhưng trong một chốc lát tôi được an ủi, và điều đó nằm ngoài sự trông đợi của tôi. 

10 giờ 12 phút sáng 

TRONG KHI NGƯỜI CA TRƯỞNG TIẾP TỤC Ê A, tôi nhét tay vào trong túi áo vest của ba và phát hiện ra cái gì đó có vẻ giống một miếng vải cũ nhàu nát, nhưng khi xem xét kỹ lưỡng hơn, hóa ra là một điếu cần sa đích thực, tự cuốn, rất to. Tôi cuộn điếu thuốc vào trong lòng bàn tay, đưa sang phía Phillip và thận trọng cho nó xem. Cái duy nhất to hơn mắt nó là nụ cười của nó. "Em phải đi vệ sinh," nó nói. Nó đứng dậy và đi ra phía ngoài. Một vài phút sau tôi đi theo. Nhà vệ sinh có mùi, vì vậy chúng tôi đẩy chiếc cửa hai lớp chống cháy và đi xuống hành lang tối tăm của trường Do Thái đền Israel. Phillip tìm thấy một lớp học không khóa và chúng tôi ngồi xuống những chiếc ghế tí hon, vẫn quấn những chiếc khăn cầu nguyện. 

"Anh kiếm đâu ra cần sa thế?" Phillip nói. 

"Trong áo vest của ba." 

"Ba nghiện thuốc phiện à?" Phillip nói. "Cuộc đời em bây giờ sáng tỏ nhiều điểm." 

"Im đi. Có thể đấy là thuốc trị bệnh. Họ kê cho những bệnh nhân ung thư." 

"Em thích nghĩ là thỉnh thoảng ba chỉ muốn lâng lâng một tí để suy nghĩ về thế gian." 

"Em muốn nghĩ gì thì cứ nghĩ, nhưng châm cái đồ khỉ đó đi." 

Một lát sau, chúng tôi nằm ườn ra trên những chiếc bàn bé xíu, những con chữ nổi của bảng chữ cái tiếng Do Thái cổ được gắn trên tấm bảng đen bay lượn trên đầu chúng tôi trong màn sương khói. 

"Anh còn đọc được tiếng Do Thái cổ nữa không?"

"Chắc là không," tôi nói. "Tuy rằng anh vẫn nhớ mặt chữ." 

"Aleph, beth, gimel, daleth..." Phillip hát. 

"He, vay, zayin, heth, teth, yod," tôi phụ họa. 

Chúng tôi cùng nhau hát hết bài Bảng chữ cái, trịnh trọng như tụng kinh đưa đám, và khi chúng tôi hát xong, giọng chúng tôi âm vang giây lát trong căn phòng. 

"Em nhớ ba," Phillip nói. 

"Anh cũng thế." 

"Em cảm thấy rất cô đơn. Như kiểu bây giờ khi em làm hỏng việc, ba sẽ không còn có mặt để giúp em." 

"Anh đoán bây giờ chúng ta chính thức trở thành người lớn." 

"Khỉ thật," Phillip nói, hít điếu cần sa một hơi thật dài. Nó thở ra một vòng tròn hoàn hảo và rồi thở tiếp ra một làn khói xuyên qua cái vòng tròn đó. Nói đến những kỹ năng vô dụng thì Phillip vô địch. Nó có thể châm que diêm bằng móng ngón cái, mở chai bia bằng răng, phẩy cổ tay búng điếu thuốc từ trong gói thuốc lên miệng, chơi khúc mở màn của vở opera William Tell bằng cách búng ngón tay vào dưới cằm, huýt sáo quốc ca, đánh rắm theo ám hiệu, và làm trật khớp vai theo yêu cầu. 

"Em có nghĩ đó là lý do tại sao em cặp với Tracy không?" tôi nói. " Bởi vì em muốn có ai đó để mắt đến em?" 

Phillip lười biếng đưa điếu cần sa cho tôi. "Em không biết, nhưng em thích giả thuyết đó hơn nhiều so với cái giả thuyết cho rằng em cố gắng ngủ với mẹ."

Cánh cửa vào lớp học bật mở tung. "Quái quỷ gì thế này?" Paul nói. "Ôi Chúa ơi." 

"Vào hoặc ra," tôi nói. 

"Lẽ ra anh phải biết ngay từ đầu." Paul bước vào trong phòng, đóng cánh cửa sau lưng anh ấy lại.

"Chúng em học từ bậc thầy mà," Phillip nói. 

"Đưa đây nào." Paul rít một hơi và ngồi xuống ghế. "Chu cha! Cái đồ chết tiệt này nặng ghê. Kiếm đâu ra thế?" 

"Ba," tôi nói, chỉ vào chiếc áo vest. "Món quà từ thế giới bên kia." 

"Anh chưa bao giờ xếp ba vào hàng ngũ cổ động viên của cần sa." 

"Con người ta có thể thay đổi," Phillip nói. 

"Con người ta như thế nào thì luôn thế," Paul nói, tựa lưng vào chiếc ghế nhỏ để rít một hơi thả cửa nữa. "Anh thực sự nhớ ba," Paul nói. 

"Em cũng thế," tôi nói. 

"Em nữa là ba," Phillip. 

Một tia sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ, xuyên qua đám mây dày của khói cần sa, theo một cách khiến bạn nghĩ tới Chúa trời và thiên đường, và ba chúng tôi ngồi đó, bị sấy khô trong chiếc mũ và khăn cầu nguyện, ba anh em bơ vơ đang để tang. Chỉ bây giờ toàn bộ tác động sự mất mát mới trở nên rõ ràng với ba người. 

"Em yêu hai ông anh." Phillip nói, đúng lúc chuông báo động có khói réo lên và bình tưới nước bắn ra.

10 giờ 25 phút sáng 

MAY THAY, CÁC BÌNH TƯỚI NƯỚC TRONG NHÀ THỜ để ở chỗ khác và chắc chắn là được cài đặt chế độ hoạt động độc lập, vì vậy nên những người đến làm lễ không bị ướt sũng khi sơ tán khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, trong lớp học nước trút như mưa xuống người chúng tôi, trong khi đó, Phillip nắm lấy những gì còn lại của điếu thuốc, vẫn đang cháy, và nuốt tất cả, với sự tự tin của một người coi nuốt cần sa là một thói quen thường nhật. Bình tưới nước cũng được kích hoạt trong hành lang, và chúng tôi chạy xuyên qua cơn bão trong nhà, dừng lại ở cửa cản cháy dẫn ra khu vực ngoài sảnh. Nheo mắt nhìn qua ô cửa sổ hẹp trên cánh cửa, chúng tôi có thể thấy đám đông di chuyển xuyên qua hành lang và đi qua cửa kính ra ngoài bãi cỏ phía trước nhà thờ. 

"Cứ tỏ ra bình thường như không có chuyện gì," Paul nói. "Rồi trà trộn vào." 

Một việc rất dễ, có điều vì chúng tôi quá xỉn nên không nhận ra rằng ba anh chàng quần áo nhỏ nước có thể nổi bật giữa đám đông. 

Điều hòa phả không khí lạnh vào áo quần tôi. Chúng tôi cởi những chiếc khăn cầu nguyện đẫm nước, gia nhập đám đông và nhanh chóng thấy mình đang đứng ở bãi đậu xe, được ánh mặt trời cuối buổi sáng sưởi ấm. 

"Các con đã làm gì vậy!" mẹ tôi rít lên, gót giày kêu lộp cộp trên nền nhựa đường khi mẹ giận dữ đi về phía chúng tôi. Wendy theo phía sau, thích thú từng giây phút một. 

"Không làm gì cả ạ." Phillip nói. "Báo động giả thôi." 

"Nhìn ba đứa chúng mày kìa!" 

"Mấy đứa có mùi như trong phòng ký túc xá," Wendy nói, nhăn mũi. 

"Chúng mày hút cần sa trong nhà thờ à?" mẹ nói, phẫn nộ. 

"Tất nhiên là không ạ," Paul. 

"Không ạ." Tôi. 

"Ai bị làm sao ạ?" Phillip. 

Ở đằng xa, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng còi xe cứu hỏa. 

"À, chết tiệt," Paul nói. 

Mẹ tôi tựa người vào một chiếc xe, chịu hết nổi. "Mẹ tự trách mình." 

"Đấy là một cách giải thoát," tôi nói. "Bây giờ chúng ta có thể rời khỏi đây được chưa ạ?" 

Nhưng ngay lúc đó Cương Cứng bước ra từ trong đám đông và đi những bước dài về phía chúng tôi, lông mày nhíu lại, mặt đỏ bừng vì giận. "Chuyện quái gì thế, Paul?" anh ta tra hỏi. 

Paul nhún vai. "Báo động giả, tớ đoán thế." 

"Và chỉ có ba người các cậu bị ướt." 

"Tuần này toàn chuyện kiểu thế," tôi nói. 

Cương Cứng bước tới ngay trước mặt Paul. "Tôi ngửi thấy mùi cỏ."

"Cậu biết rõ hơn ai hết." 

Hai người bạn từ thuở nhỏ giương mắt nhìn nhau một hồi, rồi ngoảnh đi chỗ khác. Luật lệ đã thay đổi. Cương Cứng thở dài. "Các cậu phải chuồn khỏi đây trước khi tụi cớm tới." 

"Đó là một ý kiến rất hay," Wendy nói. "Đi nào, mẹ. Con sẽ lái." 

"Cảm ơn ông bạn," Paul nói, đập vào vai Cương Cứng. 

"Đi đi." 

"Cảm ơn vì tất cả," tôi nói, bắt tay anh ta. "Chúc một ngày thứ Bảy tốt lành."

"Đúng thế, cảm ơn anh Cương Cứng." Phillip nói. Cương Cứng ném cho Phillip một cái nhìn nảy lửa. 

"Đây là lần cuối cùng cậu gọi tôi bằng cái tên Cương Cứng, nghe rõ chưa?" Phillip nhìn tôi, và tôi lắc đầu. Đừng có làm thế. 

"Em xin lỗi anh Cương Cứng." 

Cương Cứng lao vào Phillip, nhưng Paul tóm lấy và xoay người anh ta đi, thì thầm vào tai, trong khi tôi kéo Phillip về phía chiếc xe Jeep của mẹ. "Chúa ơi, Phillip. Người lớn lên đi, có được không?" 

"Em phải là chính mình," nó nói, cười khúc khích. Wendy nhìn qua mái xe của mẹ và cười vui vẻ với chúng tôi. "Mấy đứa chúng mày đáng xuống địa ngục quá."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #ivy