Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 8

7 giờ 45 phút tối 

CHÚNG TÔI ĐÃ BẮT ĐẦU LÀM LỄ ĐƯỢC VÀI TIẾNG, người viếng kéo tới nườm nượp như trẩy hội, như thể cứ nửa tiếng lại có chuyến xe buýt để khách trước cửa nhà tôi. Hẻm Knob trở thành một bãi đỗ xe, mặt tôi phát đau vì phải mỉm cười lịch sự mỗi khi mẹ tôi giới thiệu đi giới thiệu lại tất cả mọi người, mông tê vì lớp đệm rẻ tiền bên dưới miếng nhựa vinyl tồi tàn của chiếc ghế shiva. Chân đế nhựa của những chiếc ghế ọp ẹp để quanh nhà cọ sột soạt vào sàn nhà gỗ sồi khi các vị khách hích nhau để có chỗ, từ từ dịch từ phía sau ra phía trước, nơi họ có thể hỏi cùng một câu như vị khách đến trước, nói những lời cũng vô vị nhàm chán như vậy và siết chặt cánh tay mẹ tôi với cặp môi mím lại đầy chất kịch. Chúng tôi lẽ ra phải in thành tài liệu phân phát ở cửa ra vào để tăng tốc mọi việc, tóm tắt ngắn gọn bệnh tình của ba và tất cả những gì xảy ra trong những ngày cuối, thậm chí có thể cả bản phác đồ điều trị và hình chụp cắt lớp bốn màu, bởi vì đó có vẻ như là tất cả những gì các bạn đồng lứa của ba mẹ tôi muốn nói đến. Ở phần cuối tập tài liệu là một tuyên bố có dấu sao ghi rõ chúng tôi hoàn toàn không quan tâm đến việc bạn đang ở đâu lúc bạn nghe tin về cái chết của chồng/ba chúng tôi, như thể ông ấy là John F. Kennedy hay Kurt Cobain không bằng.

Paul chẳng nói gì nhiều, chỉ lẩm bẩm một tràng nhưng có vẻ thiên hạ coi đó là những câu trả lời. Wendy trơ tráo nghe điện thoại của các cô bạn gái gọi từ Los Angeles, còn Phillip thì mua vui bằng cách bịa ra đủ thứ, để xem thiên hạ cả tin đến đâu. 

Một phụ nữ trung niên: Trời ơi, Phillip! Lần cuối cùng cô gặp cháu, lúc đó cháu còn học phổ thông. Thế bây giờ cháu làm gì? 

Phillip: Cháu lãnh đạo một nhóm nghiên cứu về vấn đề Trung Đông ở thủ đô Washington D.C.

Phillip: Cháu quản lý một quỹ đầu tư cá nhân vào ngành công nghệ sinh học.

Phillip: Cháu vừa điều phối một dự án nước sạch của UNICEF ở châu Phi.

Phillip: Cháu làm diễn viên đóng thế trong một bộ phim của Spielberg. 

Lại còn những đĩa đồ ăn. Người Do Thái không gửi viếng hoa mà gửi đồ ăn, một lượng lớn. Nào là hoa quả, bánh trái thập cẩm, thịt nguội, đồ ăn nóng, bánh ngọt, salad, bánh mì và cá hồi hun khói. Bác Linda đã lặng lẽ quay trở lại với vai trò quen thuộc là phó tổng quản của nhà Foxman, sắp xếp những món có thể bảo quản lâu lên trên bàn ăn bên cạnh ấm cà phê, và bằng cách đó đã tạo ra một tình huống tiệc đứng đặc biệt. Khách đến viếng len các hàng ghế, nói dăm câu ba điều với gia quyến, sau đó bị thu hút vào phòng ăn vì cà phê và đồ ăn vặt. Giống như thức canh người chết, chỉ có điều kéo dài bảy ngày và không có rượu. Ai mà biết được đây sẽ trở thành một bữa tiệc hoành tráng kiểu gì nếu có ai đó bật tung chiếc khóa nhựa trên tủ rượu whiskey? 

Những người đến viếng phần lớn đều cao tuổi, hàng xóm và bạn bè của ba mẹ tôi, họ đến để thấy và được thấy, để thăm hỏi và để ngẫm nghĩ về ngày tận số đang treo lơ lửng trên đầu, về tình trạng tim và bệnh ung thư vẫn đang thấm qua vẻ bề ngoài, trong gan, phổi và các tế bào máu của họ. Một người nữa trong số họ đã qua đời, và tuy họ có mặt ở đây là để an ủi mẹ tôi, nhưng bạn có thể nhận thấy trên gương mặt nhợt nhạt của họ niềm hân hoan vừa được Thần Chết bỏ qua. Họ đã nuôi dạy con cái trưởng thành, đã trả tiền mua nhà, và bây giờ sẽ dành những năm tháng hoàng kim để chôn cất nhau, ủ rũ đếm số bạn đồng lứa ngày càng giảm đi bên ly cà phê và bánh ngọt trong những ngôi nhà như nhà này.

Lẽ ra phải hàng chục năm nữa tôi mới ở vào tuổi của họ, lẽ ra tôi mới chỉ bắt đầu có gia đình riêng, nhưng đã có một bước giật lùi, một sự chệch hướng tai hại, và bạn tưởng mình không thể nào bị quan hơn khi ngồi làm lễ shiva cho ba, nhưng bạn đã nhầm. Đột nhiên, tôi không thể ngừng nhìn thấy dấu chân thời gian trên mọi người trong căn phòng. Những vết lốm đốm trên da, những cái cằm nhiều ngấn, những cái cổ bèo nhèo, những đôi má xệ, những cặp mi mắt chùng, những cái đầu hói, những cái cau mày hằn lại thành vết nhăn, những đôi vai còng, những bộ ngực đàn ông trễ xuống, những đôi chân cong. Tất cả điều này diễn ra lúc nào? Chúng diễn ra dần dần, thành ra bạn không thể ngờ được, không thể làm gì được. Một ngày bạn chợt tỉnh dậy và thấy mình đã già đi sau một giấc ngủ. 

Hồi đi học tôi có nhiều tham vọng, nhưng rồi tôi yêu Jen và tất cả những nguyện ước cao cả của tôi đều bốc hơi. Tôi không bao giờ nghĩ một cô gái như thế lại yêu một anh chàng như tôi, và tôi có ý tưởng là nếu dùng tất cả năng lượng của mình để làm cho cô ấy hạnh phúc thì tương lai sẽ tự nó dàn xếp ổn thỏa. Và thế là tôi biến mất không một dấu vết vào trong Tam giác Bermuda (còn gọi là Tam giác Quỷ, là một vùng biển nằm ở phía Tây Đại Tây Dương và là nơi nổi tiếng với những vụ mất tích bí ẩn của nhiều tàu thủy, máy bay hay thủy thủ đoàn - ND) giữa cặp đùi bôi kem của cô ấy, xoay xở với bài vở ở mức điểm hạng B và C, và rồi, không lâu sau khi tốt nghiệp, cô ấy chấp thuận lời cầu hôn của tôi, tôi nhớ rằng hơn bất kỳ điều gì khác, cảm giác của tôi lúc đó giống như trút được gánh nặng, như thể vừa kết thúc một cuộc thi marathon. 

Và bây giờ tôi không vợ, không con, không việc, không nhà, không có bất cứ điều gì dẫn đến một cuộc đời đang được sống với ít nhiều thành công. Có thể tôi chưa già, nhưng tôi đã quá già để không có nhiều thứ như vậy. Ảnh chụp của tôi đã có hai cằm, không hiểu từ đâu ra, hai bên eo đã bắt đầu tích một đống mỡ, và tôi khá chắc rằng chân tóc - một thời là đường biên tôi luôn có thể tin cậy - đang bắt đầu rón rén thưa dần mỗi lúc tôi không để ý - bởi vì ngón tay tôi thỉnh thoảng lại phát hiện ra một khoảng trống mới mẻ trên trán. Ở tuổi hai mươi, không có gì cả cũng chẳng sao, đó là điều bình thường. Nhưng không có gì khi mà bạn ở chính giữa chặng đường đến tuổi bảy mươi, bủng beo và béo phì dần theo từng ngày, là một điều gì đó hoàn toàn khác. Giống như thể lên kế hoạch lái xe xuyên cả nước mà không trù liệu tiền mua xăng. Tôi sẽ nhìn lại thời điểm này như sự khởi đầu của một quá trình chậm chạp sẽ kết thúc với cái chết cô đơn của tôi khi đã sống hết đời trong một căn hộ trống rỗng, chỉ có mỗi chiếc ti vi và một chú chó núc ních bầu bạn, một nơi mà khách đến chơi sẽ cảm thấy chua lòm, nhưng tôi thì không thấy thế, bởi vì thứ bốc mùi chính là tôi. Và tôi có thể thấy cái tương lai thảm hại đó đang lao vèo vèo về phía mình, ầm ầm như sấm trên những cánh đồng, mây bụi mù mịt bốc lên như lúc linh dương đầu bò chạy tán loạn.

Trước khi kịp nhận ra mình đang làm gì, tôi đã đứng dậy, len lỏi qua đám đông, nghe thấy những mẩu chuyện ngẫu nhiên, mắt dán vào thánh địa là cánh cửa phòng bếp.

"... Paul, anh lớn.  Nói rất hay..." 

"... thở bằng máy suốt ba tháng... coi như là sống thực vật..." 

"... một nơi gần hồ Winnipesaukee. Năm nào chúng tôi cũng đến đó. Rất đẹp. Maureen đưa bọn trẻ con cùng đi."

"... mới ly thân gần đây. Rõ ràng có liên quan tới người thứ ba..." 

Câu cuối xuyên qua tôi như lưỡi câu - nhưng lúc đó tôi đã ở cửa và không ngoái đầu nhìn lại. Tôi bước vào trong sự tĩnh mịch của phòng bếp có máy điều hòa, tựa vào tường, lấy lại nhịp thở. Bác Linda đang lom khom bên tủ lạnh, lơ đãng nhai một củ cà rốt sống như hút xì gà, cố gắng tìm chỗ cho tất cả thức ăn được mang đến. 

"Chào cháu, Judd, bác ấy tươi cười nói với tôi. "Bác lấy cho cháu món gì đây? Và nhớ là chúng ta có gần như mọi món nhé." 

"Thế một cốc sữa lắc vani được không ạ?" 

Bác ấy đóng cửa tủ lạnh và nhìn tôi. "Cái đó thì không có." 

"Nếu thế thì chắc cháu phải chạy ra ngoài mua." 

Nụ cười của bác ấy dịu hiền từ mẫu. "Trong đó đang căng thẳng à?"

"Đã qua lúc căng thẳng rồi ạ." 

"Bác có nghe thấy tiếng quát tháo." 

"Thế ạ... cháu xin lỗi. Và cháu cảm ơn bác, bác biết đấy, vì tất cả sự giúp đỡ của bác, bác chăm sóc cho mẹ cháu và mọi việc."

Bác ấy sững lại một giây kinh ngạc, trông như thể định nói điều gì rồi thôi, sau đó bác ấy bỏ lại miếng cà rốt vào miệng và mỉm cười. Chúng tôi có thể nghe thấy tiếng cười của mẹ ở phòng bên cạnh. 

" Hừm, có vẻ mẹ cháu lúc nào cũng vui vẻ được."

"Mẹ cháu có rất nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc này." 

"Cháu đoán là vậy." 

Chúng tôi đứng đó chừng một phút, chẳng có chuyện gì nhiều để nói nữa. 

"Horry dạo này trong phong độ thật," tôi nói và ngay lập tức ước giá đừng làm thế.

Nụ cười của bác Linda buồn bã, mệt mỏi, nhưng vẫn đẹp, nụ cười của người phải chịu đựng đau khổ đã quá lâu. "Ta tập không nghĩ tới những gì lẽ ra có thể có, thay vào đó là trân trọng những gì đang có." 

"Vâng. Cháu có lẽ không phải là người thích hợp để nghe điều đó vào lúc này." 

Bác ấy bước về phía tôi và đặt hai cánh tay lên vai tôi. Lâu lắm rồi không ai chạm vào tôi, không ai nhìn lâu vào mắt tôi và tôi có thể thấy nước mắt mình phản chiếu trong mắt bác ấy. "Rồi cháu sẽ ổn, Judd ạ. Bác biết lúc này cháu cảm thấy lạc lối, nhưng cháu sẽ không cảm thấy như thế lâu nữa đâu." 

"Làm sao bác biết?" Đột nhiên, tôi chực muốn òa lên khóc cho đã. Bác Linda đã thay tã cho tôi, bón cho tôi ăn, chăm sóc cho tôi gần như không kém mẹ đẻ, nhưng chưa bao giờ được cảm ơn lấy một lời. Đáng lẽ tôi phải gửi cho bác ấy một chiếc thiệp nhân Ngày Của Mẹ hằng năm, phải thỉnh thoảng gọi điện thoại hỏi thăm bác ấy. Suốt những năm tháng qua sao tôi lại chưa bao giờ nghĩ cho bác ấy chút nào? Tôi cảm giác một cơn sóng u ám của sự hối hận trào lên vì tôi đã trở thành loại người như vậy. 

"Cháu là một người lãng mạn, Judd ạ. Trước đến giờ lúc nào cháu cũng vậy. Cháu sẽ lại tìm thấy tình yêu, hoặc là tình yêu sẽ tìm đến với cháu." 

"Tình yêu đã bao giờ lại tìm đến với bác chưa ạ?" 

Có gì đó thay đổi trên nét mặt bác ấy, và bác ấy buông tôi ra. "Cháu xin lỗi," tôi nói. "Cháu không nên đặt câu hỏi như thế."

Bác ấy gật đầu, chấp nhận lời xin lỗi của tôi. "Sẽ là một sai lầm lớn nếu chúng ta đi qua cuộc đời mà cứ nghĩ rằng những gì ta thấy ở một người là tất cả những gì có ở họ." 

"Cháu biết ạ." 

"Không, cháu không hiểu." Bác Linda nói, không có ác ý. "Bây giờ không phải lúc cũng không phải là chỗ để đi sâu vào chi tiết, nhưng cháu yên tâm, bác không ngủ một mình suốt ba mươi năm qua." 

"Tất nhiên là không ạ. Cháu thật ngớ ngẩn." 

"Có lẽ , nhưng tuần này cháu được tha." Bác ấy cười thân thiện. Nhưng không được lạm dụng nhé." Bác ấy nhìn ra ngoài cửa sổ về phía con phố đông đúc trước mặt .

"Có vẻ như xe cháu bị con xe Hummer của Jerry Lamb chặn rồi. Sao một ông bác sĩ về hưu lại phải lái một chiếc xe tăng như thế ở Elmsbrook, New York, là một câu hỏi được đặt ra từ lâu. Của quý của ông ta không thể nhỏ thế, đúng không?" Bác ấy thò tay vào trong tạp dề, rút ra mấy cái chìa khóa và ném cho tôi. "Xe của bác là chiếc Camry màu xanh nước biển. Nếu cháu căn đúng thời gian, trên đường về cháu có thể ghé qua đón Horry. Bác không muốn khuya như thế này nó phải đi bộ về nhà." 

8 giờ 30 phút tối 

CHIẾC XE CỦA BÁC LINDA có mùi giống như men rượu và hoa. Ngoại trừ mặt dây chuyền lồng ảnh treo trên gương chiếu hậu, chiếc xe trống trơn và sạch bong khiến tôi cảm thấy buồn. Hoặc có thể là bất kỳ cái gì trống rỗng những ngày này đều khiến tôi chạnh lòng. Mưa ban chiều đã tạnh, giờ chỉ còn lại một màn sương nhẹ phủ trên tấm kính chắn gió vừa đủ để làm mờ đi ánh đèn pha của các xe đi ngược hướng. Tôi lái xuống phố trung tâm và đậu xe ở trước cửa tiệm chính của hãng đồ thể thao Foxman. Trước đây ba tôi là thợ điện, nhưng khi Paul ra đời, ba quyết định phải có gia tài để lại cho con cái. Ba tôi vay tiền của bố vợ để mua lại một cửa tiệm nhỏ bán đồ thể thao bị phá sản. Dần dần, ba tôi phát triển thành một chuỗi sáu cửa tiệm ở khắp vùng thung lũng Hudson và Connecticut . Ba tôi là người tin tưởng vững chắc vào yếu tố dịch vụ khách hàng và nhân viên có hiểu biết, và tự hào khước từ các hãng lớn hơn xuyên quốc gia cứ vài năm lại đề nghị mua lại công ty của ba tôi. Thứ Bảy nào ba tôi cũng đi thăm năm cửa hàng vệ tinh để kiểm tra sổ sách và dàn xếp mọi chuyện. Khi Paul và tôi còn nhỏ, ba thường đánh thức chúng tôi dậy lúc tờ mờ sáng, hối hả giục chúng tôi lên xe cùng đi. Dobbs Ferry, Tarrytown, Valhalla, Stamford và Fairfield. Tôi thường ngồi sau xe, mắt vẫn đờ đẫn vì ngái ngủ, nhìn mặt trời nhô lên từ sau những rặng cây dọc theo đường cao tốc qua tấm cửa kính màu của chiếc Cadillac ba tôi mua sang tay. Trong xe có mùi thuốc lá và băng nhạc lặp đi lặp lại tuần tự chuỗi ca khúc của Simon và Garfunkel, Neil Diamond, Jackson Brown và Peggy Lee. Thỉnh thoảng tôi tình cờ nghe thấy những bài hát này, ở trong thang máy hay trong phòng chờ, và nó lập tức đưa tôi quay vào trong chiếc xe của ba tôi, được ru ngủ gà gật bởi tiếng va nhẹ vào những vết rãnh trên đường và tiếng ba tôi hát theo bằng giọng vịt đực.

Mỗi quý một lần, ba tôi lại đưa Barney Cronish, nhân viên kế toán, đi cùng. Paul rất ghét như thế, vì anh ấy phải nhường ghế trước cho Barney, và bởi vì Barney phải dừng lại ở mọi chỗ giải lao trên đường cao tốc để mua một cốc cà phê hoặc để tè ra cốc cà phê trước đó. Barney còn đánh rắm rất to và không xấu hổ, khiến Paul và tôi phải mở cửa sổ thò đầu ra như hai chú chó để tránh mùi bắp cải thối. Đôi khi ba bấm phím ở đằng trước để chốt cửa sổ và giả vờ như không biết gì trong khi Paul và tôi bóp mũi đến ngạt thở, và chỉ có những lần đó ba tôi đùa chúng tôi. 

Ba có vẻ không biết chơi với chúng tôi như thế nào những khi ba không làm việc. Ba rất tuyệt vời với chúng tôi khi chúng tôi còn bé, ba thường bế chúng tôi trên cánh tay vạm vỡ của mình, hoặc rung rinh chúng tôi trên đầu gối trong lúc ba ngân nga theo một bản nhạc Mozart... Lúc chập chững biết đi, chúng tôi thường bám vào những ngón tay to bè của ba khi ba dắt chúng tôi xuống phố, và ba thường nằm cùng chúng tôi vào giờ ngủ, thiếp đi trên giường cùng với chúng tôi cho đến khi mẹ vào lôi ba ra. Nhưng có vẻ như chúng tôi khiến ba bối rối một cách tuyệt vọng khi chúng tôi lớn hơn chút nữa. Ba không hiểu tại sao chúng tôi lại mê mẩn ti vi và trò chơi điện tử, bực bội bởi chúng tôi cứ lười biếng trong khi sức dài vai rộng, bởi căn phòng lộn xộn và giường không dọn, bởi mớ tóc dài và áo phông tự in hình của chúng tôi. Chúng tôi càng lớn lên thì ba càng rút lui vào công việc, sổ sách cuối tuần và rượu sơ náp đào. Nhiều khi tôi nghĩ Phillip là nỗ lực cuối cùng của mẹ tôi để tìm lại chồng mình. 

Tấm vải bạt che mái hiên của cửa tiệm màu xanh lá cây, thông thường lốm đốm phân chim khô và vết nước, mới được làm sạch gần đây, và vì mùa thu sắp đến nên trong cửa kính trưng bày chật cứng các thể loại dụng cụ chơi khúc côn cầu trên băng, đồ trượt tuyết và trượt ván.

Người giả ở góc phòng đeo chiếc mặt nạ của thủ thành, và dưới ánh đèn nê ông chập chờn đầy đe dọa, trông cứ như Jason, sát thủ hàng loạt trong bộ phim dài tập Thứ Sáu ngày 13. Elmsbrook là một thành phố lý tưởng cho các sát thủ hàng loạt, tôi nói thế theo nghĩa tích cực nhất có thể. Nơi Jason và Freddy tới để làm thịt những trẻ vị thành niên quá đam mê sex luôn là những thành phố đẹp như tranh, với những vỉa hè sạch sẽ và những tháp đồng hồ. Phố trung tâm có đoạn đường lát sỏi cuội dành riêng cho người đi bộ với ghế ngồi và vòi phun nước, các cửa tiệm có màn che hiên với màu sắc đồng bộ, bầu không khí nhìn chung rất dễ chịu và trong lành. 

Và có lẽ vì tôi đang nghĩ đến kẻ giết người hàng loạt khi Horry gõ vào cửa kính ô tô nên tôi nhảy dựng lên trong ghế. Hoặc có lẽ vì anh ấy trông có chút đáng sợ. Mớ tóc dài của anh ấy được buộc hất lên bằng một dải băng buộc đầu màu trắng hãng Nike, vẫn còn nguyên mẩu giấy ghi giá tiền, lõng thõng trước trán anh ấy. Và có ít nhất hai phân tàn thuốc trên điếu thuốc lá anh ấy ngậm trong miệng. 

"Anh làm em sợ đấy," tôi nói. 

"Anh khiến mọi người đều như vậy." 

Tôi cười to, không phải vì câu nói có gì hài hước mà là để tỏ ra lịch sự. Bạn không thể không cảm thấy thương cho Horry, nhưng bạn phải đối xử với anh ấy như với bất kỳ một người nào khác, bởi vì anh ấy bị thương tật nhưng không phải là một kẻ ngu dốt, và anh ấy sẽ ngửi thấy sự thương hại của bạn như chú cún đánh hơi ra sự sợ hãi. 

"Em không phải ngồi nhà làm lễ Sheba à?" 

"Shiva chứ." 

"Shiva là một vị thần Ấn Độ, có sáu cánh tay. Hoặc là bốn cánh tay và hai chân. Anh không biết chắc. Có lẽ là sáu chi." 

"Thế á, trong tiếng Do Thái thì từ này cũng chỉ số 'bảy'."

"Sáu chi, bảy ngày..." anh ấy dừng lại để suy nghĩ một lúc về ẩn ý thần học tiềm năng nhưng không đi đến kết luận nào ngoài việc bây giờ là thời điểm thích hợp để rít một hơi thuốc lá nữa. "Ờ, thế em không phải ngồi nhà à?" 

"Lẽ ra phải thế," tôi nói. "Cửa hàng thế nào ạ?" 

"Tịch cả." Anh ấy nhún vai. "Em muốn vào trong xem à?" 

"Đâu có. Em tạt qua là vì mẹ anh nghĩ có thể anh muốn quá giang về nhà." 

"Mẹ anh bảo em đến à?" 

"Mẹ anh biết em sẽ đi ra phố." Anh ấy lắc đầu nhăn mặt. "Anh cần có một chỗ của riêng mình, như ngày trước." 

"Thế sao anh không làm vậy?" Anh ấy gõ vào đầu. "Chấn thương sọ não. Có những thứ anh không làm được." 

"Ví dụ?"

 "Ví dụ nhớ ra cái quái quỷ gì anh không làm nổi."

Anh ấy mở cửa xe và ngồi phịch xuống ghế. "Em không được phép hút thuốc trong xe của mẹ," anh ấy thổi một hơi khói thành vòng tròn.

"Em không hút, là anh."

"Anh có lý do hợp lý để chối bỏ." Anh ấy gạt tàn thuốc lá xuống sàn xe. "Em từng cặp với Penelope Moore, đúng không?" 

"Penny Moore. Đúng thế. Bọn em từng là bạn bè. Cô ấy bây giờ thế nào?"

"Nó bây giờ dạy trượt băng ở sân đằng kia. Cái sân trong nhà, nơi chúng ta từng chơi khúc côn cầu trên băng." 

"Sân Kelton. " 

"Đúng rồi. Thỉnh thoảng anh vẫn đi trượt băng ở đó." 

"Ngày trước anh chơi khúc côn cầu khá phết." 

"Không, ngày trước em chơi khúc côn cầu khá phết. Còn anh thì chơi siêu giỏi." 

"Em không thể ngờ nổi cô ấy vẫn sống ở đây." 

"Tại sao? Vì nó không bị chấn thương sọ não à?"

"Không! Horry. Chúa ơi! Em xin lỗi. Đó không phải là ý em định nói." 

Nhưng qua màn khói thuốc lá bao trùm không gian giữa tôi và anh ấy, Horry đang cười toe toét. "Anh chỉ chọc em một cú chơi thôi mà, Judd. Thoải mái đi."

"Đồ quỷ." 

"Anh thành quỷ rồi, thưa cậu em khác mẹ." 

"Chà chà, Penny Moore. Sao tự dưng anh lại nhắc đến cô ấy?"

"Nó đang ở trong tiệm ."

 " Lúc này á?"

 "Ừ. Nó làm thủ quỹ các tối trong tuần. Em nên vào chào nó một tiếng."

"Penny Moore," tôi nói. Chỉ cái tên không thôi đủ gợi lên nụ cười tinh quái, hương vị nụ hôn của cô ấy. Chúng tôi từng có một giao kèo với nhau, Penny và tôi. Tôi tự hỏi không biết cô ấy còn nhớ không.

"Nó sẽ rất vui khi thấy em, anh cược đấy." 

"Có lẽ để lúc khác," tôi nói và khởi động xe. 

"Anh nói điều gì sai à?" 

Tôi lắc đầu. "Không dễ chịu gì khi gặp người quen cũ trong khi tình trạng hiện tại của ta thật khốn nạn." 

Horry gật gù hiểu biết. "Chào mừng em đến với thế giới của anh." Anh ấy cho tay vào túi mò mẫm một hồi, thả xuống ghế ngồi mấy đồng xu lẻ trước khi lôi ra một điếu cần sa cuốn lỏng lẻo. Anh ấy châm bằng mẩu thuốc lá còn lại, hít một hơi dài rồi đưa cho tôi, vẫn giữ hơi thở. 

"Cảm ơn anh, em không hút," tôi nói. 

Anh ấy nhún vai và há miệng để khói thuốc lan rộng quanh miệng. "Nó giúp anh giữ đầu óc tỉnh táo," anh ấy nói. "Đôi khi anh cảm thấy mình sắp lên cơn, làm một điếu như thế này giúp chặn lại." 

"Mẹ anh không ngửi thấy mùi à?" 

"Mẹ làm gì được? Nhốt anh lại à?" 

Đột nhiên giọng anh ấy trở nên hiếu chiến một cách bất thường, và tôi có cảm giác rằng việc bác Linda bảo tôi đến đón Horry là một động thái đánh úp trong cuộc chiến trường kỳ giữa hai mẹ con. 

"Ổn cả chứ, Horry?" 

" Hết sảy." 

Anh ấy quay điếu cần sa sang phía tôi. 

"Em phải lái xe," tôi nói. 

Anh ấy nhún vai và hít một hơi dài nữa. "Thế thì lại đến anh."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #ivy