Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Sao Tháng Giêng

1931...

Tháng Chạp âm lịch, mưa rả rích đêm ngày. Con đường làng nhỏ gồ ghề từng đụn đất cát giữa vũng nước đỏ quạch chảy từ từ xuống mương. Thời tiết vừa lạnh vừa ẩm ướt, trong từng căn nhà nhỏ lụp xụp lúc nào cũng trơn trượt, mốc meo. Quần áo đem phơi phải để gần chục ngày mới có thể khô lại được. Rơm rạ cũng chẳng thể đốt lên vì ẩm thấp mùa xuân.

Trong cả xóm, nhà nào thúng gạo cũng ẩm mốc, rệp bâu đầy, nấu lên hột cơm có màu ngà ngà. Lũ trẻ con chê cơm, chúng nó thường tụ tập ra đồng bắt châu chấu, chuồn chuồn, cào cào về nướng. Những con côn trùng cháy thui trên xiên gỗ, đứa nào nướng không khéo thì vị đắng chát. Thấy Kim Ngưu lật đật dắt con trâu gầy rạc từ ngoài ruộng về, chúng ríu rít chào:
- Chú Kim Ngưu, ăn châu chấu với chúng cháu!

Anh đáp:
- Mấy đứa nghịch quá, không về nhà phụ thầy u cơm nước mà lại đi chơi hả?

Kim Ngưu là một chàng trai mới hơn hai mươi tuổi. Cái tên mà thầy u gửi gắm ở anh từ thuở lọt lòng đã nói lên một con người thật thà, chất phác. Anh làm ruộng thuê cho gia đình lão địa chủ Tư Lộc, lao động rất chăm chỉ, cần mẫn để nuôi vợ và hai đứa con nhỏ. Tết đến xuân về, vợ chồng lão Tư Lộc ra sức thúc giục người làm cấy mạ vụ chiêm, nếu để sang năm mới thì đúng là điều chẳng lành. Cánh đồng nhà lão rộng mênh mông, cả chục người cong lưng xuống làm quần quật từ sáng tới tối mà không xuể. Thỉnh thoảng, một vài chị phụ nữ sức yếu, không chống được giá lạnh, lão sai người cầm roi quất vùn vụt lên những tấm lưng gầy guộc. Kim Ngưu tính vốn thương người, thỉnh thoảng anh lại sang giúp họ một phần công việc cho đỡ nhọc.

Nhấc tấm phên tre chắn trước lối đi, anh bước vào căn nhà thân thuộc. Hai đứa nhóc Thiên Yết, Thiên Bình ngồi chơi ở khoảnh sân nhỏ, chúng nó chạy nhảy, đuổi bắt ầm ĩ cả nhà. Kim Ngưu bước chân vào nhà, cả hai đứng im lại, khoanh tay nghiêm chỉnh:
- Thầy đã về ạ!

- Ngoan quá! - Kim Ngưu xoa đầu hai con, cười hiền. Anh cho mỗi bé một nửa chiếc bánh vừng mới đi mua ở chợ làng.

Kim Ngưu một tay ẵm cu cậu Thiên Bình, tay kia dắt cô bé Thiên Yết vào trong nhà. Bên ngoài lạnh đến thấu xương mà hai chị em vẫn ham chơi, u chúng nó thì bận nấu bếp nên chẳng quản nổi. Kim Ngưu và hai con ngồi chờ sẵn ở manh chiếu rách, chờ bữa cơm tối. Gió lùa từ ngoài sân vào bên trong gian nhà, ngọn đèn dầu cháy lay lắt.

- Nhà tôi ơi, vào phụ tội một tay với! - Tiếng vợ anh, Sư Tử, vọng ra từ căn bếp.

- Tôi đây rồi!

Kim Ngưu giúp Sư Tử bưng niêu cơm, còn chị nhấc nồi canh cua ra khỏi căn bếp chật hẹp. Anh ngạc nhiên hỏi:
- Hôm nay có cua ấy hả?

- Ừ! - Chị vợ hồ gởi trả lời, hai tay chị thoăn thoắt xới cơm, chan canh cho cả gia đình. - Sáng nay kéo được khách cho bà Xử Nữ, bà thích quá, cho không tôi luôn!

Kim Ngưu khuyên vợ:
- Nhà cứ thế, mấy con mụ ngồi bán gần đấy lại ghét cho đấy!

- Kệ mấy mụ, - Sư Tử thản nhiên đáp. Chị gắp rau bỏ vào bát Kim Ngưu. - Ăn ở thất đức không ai mua là phải. Mấy mụ thấy bà Xử Nữ già nên hôm nào cũng đuổi bà ra, chừa cho bà một xó tối om.

Kim Ngưu nhìn vợ, vừa lắc đầu vừa cười mỉm. Lấy nhau được chừng bảy năm mà chị vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả. Ngày đó, thầy u chị cũng làm thuê cho nhà lão Tư Lộc, cả hai đều vui mừng khi biết em họ của lão có ý với chị. Phận làm con gái phải theo lời mẹ cha, hơn nữa, thầy u cũng sống tủi cực cả kiếp rồi, họ mong muốn đời con phải khá khẩn hơn đời mình. Ngờ đâu, chị khăng khăng không chịu nghe, bởi từ khi ấy, chuyện dựng vợ gả chồng trong chị đã thấp thoáng hình ảnh của Kim Ngưu. Ròng rã cả tháng trời, cuối cùng thầy u đành chiều con gái, chị và Kim Ngưu thành đôi uyên ương được hai năm thì đứa con gái đầu lòng - Thiên Yết chào đời, hai năm tiếp thì sinh bé Thiên Bình.

Chị ít hơn anh một tuổi, là một người phụ nữ khá bản lĩnh, giống như cái tên chị. Hằng ngày, Kim Ngưu đi làm ruộng thì chị thêu khăn đem bán. Mấy bà bán hàng phục chị sát đất, bởi mùa đông năm nào cũng như năm nào, chỉ hai cánh áo nâu, chị vẫn xách giỏ đồ ra chợ. Chị không được lòng một số mụ bán trong chợ, bởi chị hay đứng ra lên tiếng giúp những người làm ăn lương thiện, lật tẩy mấy tiểu xảo xấu xa của các mụ. Những ai được chị giúp đỡ cũng ái ngại, đến cả bà Xử Nữ cũng từng phải nói nhỏ với Kim Ngưu, bảo anh dặn vợ phải dè chừng mấy mụ đanh đá, không lại mang vạ vào thân. Tuy nhiên, chẳng ai ngăn được chị, bởi chị chính là Sư Tử - bản lĩnh và hoang dại.

Đêm xuống, Kim Ngưu choàng tỉnh, anh thấy đèn dầu vẫn cháy. Anh dụi mắt thì thấy Sư Tử đang ngồi đầu giường, hai bàn tay tiếp tục làm việc với kim chỉ.

- Nhà thức khuya thế?

- Áo bục chỉ, tôi khâu lại. Áo tứ thân từ hồi ông bà tôi lấy nhau, bà tôi để lại cho tôi đấy!
_____________________
________________
Lúc chạng vạng, Kim Ngưu mới dừng việc đồng áng và ghé vào chợ làng mua chút quà về cho hai đứa trẻ. Thường ngày, anh nhanh chóng lướt qua cửa hàng vải lụa - nơi không dành cho tầng lớp nông dân. Tuy nhiên, lúc này, có điều gì đó khiến anh nán lại nhìn vào ngắm nghía giây lát. Anh nhìn thấy một dải dây lưng màu xanh thanh thiên rất đẹp. Phải rồi, nó rất hợp với chiếc áo tứ thân màu đào của Sư Tử!

Anh tháo cái túi vải giắt ở cạp quần, đếm từng đồng xu lẻ. Số tiền này đủ để sắm sửa vài thứ đồ mới cho ngày Tết, mua vài thứ hoa quả và hai bộ quần áo mới cho hai con. Số tiền còn lại, so với dải lụa ấy,... Trút một hơi thở dài, Kim Ngưu lắc đầu, lặng lẽ bước đi...

.

Việc cấy mạ vụ chiêm diễn ra nhanh hơn dự kiến, người nông dân mấy hôm nay cũng nhàn nhã hơn. Kim Ngưu chỉ phải ra đồng buổi chiều, còn mỗi sáng, anh đón khách ở vườn đào nhà lão Tư Lộc. Người ta nói, đất nhà lão có thổ địa ban phước nên đào đẹp nhất vùng, dân trong làng, trong xã đều tìm đến. Nhiều người sống ở thành phố cũng lui về tận vùng này chỉ để mua đào nhà lão. Những cánh hoa tươi thắm bung nở rực rợ, tinh khiết như tiết ngày xuân. Cành cây vươn lên đón ánh sáng, tranh nhau ngóng chờ giọt sương đầu tiên của năm mới.

Vườn đào nhà lão Tư Lộc ăn khách đến tận sáng ba mươi Tết, vậy là anh cũng không có nổi ngày cuối năm giúp vợ khang trang lại nhà cửa. Nghĩ tới Sư Tử đang một mình quét dọn nhà cửa, rửa sạch hết bát đĩa, sắp xếp lại đồ đạc,... anh trộm hỏi, có khi nào chị hối hận vì năm đó đã không nghe lời thầy u lấy em họ lão Tư Lộc? Nếu như vậy, đừng nói là một dải dây lưng, mà cả một kho đầy lụa, gấm chị cũng có.  Nhưng rồi trong lòng anh lại thức dậy hơi ấm của từng bữa cơm gia đình, man mác nụ cười của chị trong gian bếp con con, anh luôn hiểu rằng chị hạnh phúc khi ở bên anh.

Một chiếc xe hơi dừng lại trước cổng vườn đào, bước xuống là một tiểu thư hãy còn trẻ. Hai chân nàng như muốn rúm lại khi tiếp xúc với không khí lạnh ngoài trời. Nàng mặc độc có chiếc váy lụa dáng xuông màu đỏ thẫm, dài tới đầu gối. Trước khi bước vào vườn đào, một bác gái cũng phải chạy ra từ trong xe để khoác cho nàng một chiếc khăn choàng bông và đưa nàng cái dù. Chiếc dù nhỏ xíu, chẳng ngăn nổi mưa xuân ẩm ướt xối xuống mái tóc tơ và từng sợi lông mềm của khăn choàng, nhưng nàng cứ thế mỉm cười tiến vào vườn đào. Nàng bảo Kim Ngưu chỉ chỗ cây đào to, đẹp nhất.

Kim Ngưu dẫn tiểu thư ấy đi ngắm nghía một lượt những cây đào bích tuyệt đẹp. Ngày ba mươi Tết, vườn cũng không còn nhiều cây nữa, nhưng cả hàng cây này quả thật không làm vị tiểu thư ấy thất vọng. Thân cây xù xì, khoẻ khoắn, nhưng chúng vẫn uốn những cành mảnh dẻ, mềm mại để phô bày những nụ những hoa tươi. Nàng nhìn một lượt rồi chọn lấy cây đào cuối góc vườn, những nụ thắm còn đang hé mở. Cánh môi tô son màu hồng sen khẽ mở lời:

- Combien?

- Một chục, thưa tiểu thư! - Kim Ngưu trả lời.

Vị tiểu thư thọc tay vào trong túi lôi ra mấy đồng bạc. Nàng vẫn mải ngắm nghía từng nụ đào tươi tắn, mắt chẳng để ý tới mệnh giá của nắm xu trong tay. Nàng chìa ra cho Kim Ngưu:

- Chút nữa sẽ có xe tới chở cây về! Tiền thừa khỏi cần trả, coi như cuối năm tôi làm phước cho cậu!

Kim Ngưu nửa ngạc nhiên, nửa mừng rỡ đón lấy thứ lộc mà vị tiểu thư giàu sang ấy nổi hứng muốn ban phát. Đếm đi đếm lại mấy lần, trừ đi mười đồng nộp trả cho lão Tư Lộc thì vẫn còn thừa kha khá. Anh chợt nghĩ đến dải dây lưng màu thanh thiên trong tiệm vải. Với số tiền này, anh sẽ mua nó làm quà Tết cho vợ của mình. Anh mừng rỡ, gọi với vào trong nhà lão Tư Lộc, nhờ hai anh người ở khác ra giúp:

- Ma Kết, Bạch Dương, giúp tôi nhấc chậu này ra cổng với!

.

Lão Tư Lộc đêm qua đi uống say khướt, về nhà liền đánh một giấc tù tì, tới trưa hôm sau mới thức dậy. Buổi chiều, lão lại lê xác ra vườn đào để thu tiền và giám sát mấy anh người ở. Cuối ngày ba mươi rồi, trong vườn chỉ còn lắt nhắt đây đó vài chậu, nhưng đào của ngày hôm nay mới là những bông hoa đẹp nhất của dịp lễ hội. Suốt một canh giờ ngồi không, đến giờ Kim Ngưu mới thấy có một người khách nữa ghé tới. Nếu không nhầm thì đó là một người nông dân làng bên, Kim Ngưu có quen sơ sơ một chị họ hàng của anh ta. Trái với thái độ hằng ngày với người ở, hôm nay, lão Tư Lộc đon đả chào hàng và trực tiếp dẫn anh đó xem một lượt vườn đào với những cây đào to đẹp.

- Anh hài lòng chứ? - Lão chắp hai tay ra sau lưng, miệng cười tươi.

- Đào nhà ông lớn rất đẹp, - Anh chàng thật lòng nhận xét, nhưng không giấu được nét mặt buồn thiu. - Nhưng cháu... Cây này to bằng cả căn buồng nhà cháu mất thôi. Ông làm phước, bán cho cháu một cành thôi được không?

- Tôi cũng muốn lắm, nhưng giờ vườn chỉ còn mấy cây to này thôi. Chặt đi một cành, ngộ nhỡ từ giờ đến giao thừa không ai mua cây ấy, tôi lại mất giông cả năm. Ba mươi Tết nên tôi mới bán rẻ, lấy mười đồng đấy!

Rẻ... Anh nông dân khốn khổ nhìn vào túi tiền. Giờ bỏ tiền ra mua cây đào này thì cả nhà anh chết đói tháng sau mất. Mười đồng là gấp bốn lần tiền sưu rồi còn đâu? Anh nín nhục, khẩn khoản cầu xin:

- Ông làm ơn, Tết này cháu chẳng sắm sửa được gì trong nhà rồi. Cháu chỉ xin một cành đào về tặng u cháu, bà đang ốm quá!

- Anh nghe tôi, chịu khó chi một chút. Tết mà trong nhà đẹp đẽ, sáng sủa thì may cả năm, năm sau có khi u anh lại khoẻ mạnh cũng nên.

Anh nông dân vẫn chần chừ giữa hai sự lựa chọn: tiền chi trả sinh hoạt hằng ngày và món quà tặng u. Lão Tư Lộc vẫn ngon ngọt dụ dỗ người khách hàng bất đắc dĩ tội nghiệp. Kim Ngưu đứng đó đã chứng kiến tất cả mọi chuyện. Lão địa chủ đang ép người quá đáng, lợi dụng lòng hiếu thảo của một người con đối với đấng sinh thành để kiếm lợi. Nhìn vào góc vườn có vài cành đào nhỏ được cột chặt lại với nhau, Kim Ngưu lấy dao cắt dây, hai tay vác lấy một cành, đem ra đưa cho anh khách nghèo:

- Anh gì ơi, tôi mới tìm thấy cành này ở góc vườn.

Đôi mắt anh nông dân sáng hẳn lên, anh mừng rỡ đến mức nói tiếng nọ líu cả vào tiếng kia:
- Đẹp quá... Hay quá... Tôi lấy cành này!

Anh ấy trả tiền và rối rít cảm ơn Kim Ngưu. Anh đặt cành đào lên vai và vác về nhà trong niềm hi vọng về một năm mới với những điều may mắn nhất sẽ đến với anh và mẹ già. Kim Ngưu hạnh phúc nhìn theo anh nông dân ấy, cho tới khi lão Tư Lộc sấn đến, cầm roi da quất liên tiếp lên người anh. Mặt lão gằn lên những tia máu, miệng không ngừng gầm lên như con thú hoang bị thương:

- Quân khốn kiếp! Tao đã sắp bán được cây đào rồi! Súc sinh phá hoại vô dụng, mày chết đi!

Kim Ngưu không cầu xin, bởi anh đã lường trước được điều này khi đem cành đào đến cho anh nông dân. Nhưng khi nhìn thấy con người tội nghiệp ấy, anh thấy đồng cảm. Anh ta muốn mua một cành đào làm quà cho u, cũng giống như Kim Ngưu muốn tặng dải dây lưng cho Sư Tử, muốn mua bánh kẹo ngon về cho Thiên Yết và Thiên Bình. Sẽ thật độc ác nếu ai đó lợi dụng những tình thân thiêng liêng ấy vì mục đích lợi nhuận xấu xa.

Ma Kết và Bạch Dương cũng xót xa thay cho Kim Ngưu, nhưng cả hai cũng chỉ biết đứng nhìn tấm lưng anh lằn lên vết roi da cứ vút xuống. Trận mưa roi đổ lên người Kim Ngưu chỉ kết thúc khi bà cả gọi lão Tư Lộc vào trong nhà. Trước khi rời đi, lão đạp cho Kim Ngưu một đạp rồi giật lấy chiếc túi vải anh giắt ở cạp quần, dốc hết tiền ra rồi ném nó xuống đất. Trong đó, có cả tiền anh để dành mua bánh cho con, tiền thừa mua đồ sắm Tết và tiền vị tiểu thư ban sáng cho không. Anh bàng hoàng, chắp tay van lạy:

- Ông ơi, ông đánh cháu cũng được, nhưng xin ông để lại tiền cho cháu còn nuôi vợ nuôi con.

Lão Tư Lộc lấy chân đá trúng vào lồng ngực Kim Ngưu rồi buông mấy lời chửi rủa độc địa:

- Lũ khốn kiếp nhà chúng mày, chết hết đi!

Lão Tư Lộc rời đi rồi, Ma Kết và Bạch Dương mới lấy khăn, dấp nước và chườm lên mấy vết thương cho Kim Ngưu. Ma Kết thở dài một hơi:

- Anh dại quá đấy! Mình muốn sống yên thì để mặc lão ấy thích làm gì thì làm thôi chứ!

Kim Ngưu nằm vật trên nền đất, chân vẫn không nhấc lên được vì nhức. Hai hàm răng anh nghiến chặt, chỉ biết nuốt nước mắt và tủi hờn vào trong. Anh nghĩ tới Sư Tử, nghĩ tới Thiên Yết và Thiên Bình, trong lòng dậy lên bao khốn khổ, đau thương.

Cảnh cửa vào trong nhà bật mở, Ma Kết và Bạch Dương sợ lão Tư Lộc lại tới nên hốt hoảng chạy đi cầm xẻng, giả vờ đang đào đất, đành bỏ lại Kim Ngưu vẫn nằm sóng soài. May mắn thay, đó không phải lão mà là bà ba - Cự Giải. Gọi là "bà ba" là dựa trên danh phận, còn so tuổi thì Kim Ngưu cũng chỉ kêu Cự Giải bằng chị. Trẻ như vậy, nhưng tính ra Cự Giải đã về làm vợ lão Tư Lộc được hơn mười năm rồi. Khi mới mười lăm tuổi, lão đã ép gia đình Cự Giải gả cưới. Chiều nào Cự Giải cũng ra đồng trò chuyện, khóc lóc với các bác nông dân, nào chuyện bị bà cả và bà hai chèn ép, nào chuyện mấy năm chẳng được về nhà thăm anh chị em,... Kim Ngưu trộm nghĩ, nếu Sư Tử không kiên quyết cứng rắn thì số phận cũng chẳng khác nào bà ba cả.

- Anh Kim Ngưu - Cự Giải ngồi xuống bên anh và nói nhỏ, - Ban nãy tôi thấy hết rồi, khổ thân anh quá! - Cự Giải nhẹ dúi vào bàn tay Kim Ngưu mất đồng xu. - Tôi không có nhiều, chỉ cho anh được có vậy thôi! Mau về sắm Tết cho vợ con đi!

Kim Ngưu nhìn Cự Giải đầy cảm kích, anh dùng hết sức để ngồi dậy. Hai chân anh quỳ trước mặt bà ba mà chắp tay tạ ơn:
- Cháu đội ơn bà nhiều lắm!

- Đứng dậy đi! - Cự Giải thì thầm. - Anh đi mau đi, lão mà biết thì tôi cũng không xong đâu!

Nói rồi, Cự Giải cũng vội quay lưng rảo bước vào trong nhà để tránh bị lão Tư Lộc nghi ngờ. Cầm số tiền của bà ba trong tay, Kim Ngưu nghĩ ngay tới gia đình mình, và một sức mạnh vô hình nào đó đã làm đôi chân rớm máu đứng vững được. Anh tới chợ mua một giỏ hoa quả đầy ắp, một túi bánh kẹo và mấy phong bao lì xì. Anh ghé vào quầy nhà chị Song Ngư, mua lấy hai bộ quần áo mới cho Thiên Yết và Thiên Bình. Kim Ngưu không quên đặt vào trong mỗi túi áo một bao lì xì đựng tiền mừng tuổi. Hai chị em chắc chắn sung sướng lắm, nhưng nghịch ngợm như chúng nó thì chẳng mấy chốc lại vấy bẩn lên đồ mới ngay thôi. Vì chị Song Ngư là người quen nên anh ngồi đó uống chè, nói chuyện đến tận lúc trời sẩm tối. Kim Ngưu giật mình, nhớ ra anh vẫn chưa mua quà Tết cho Sư Tử nên vội chào chị Song Ngư và nhanh chóng rời đi. Ngày ba mươi Tết, may mà tiệm vải ấy chưa đóng cửa.

- Chú ơi... - Một bác gái ăn mặc rách rưới ngồi trên vệ cỏ, hai bàn tay lạnh ngắt xoè ra khi thấy Kim Ngưu. - Chú làm ơn làm phước giúp tôi với...

Thấy bác ấy rên rỉ cũng đáng thương, thôi thì vừa rồi đi mua hoa quả cũng còn mấy xu lẻ, Kim Ngưu lấy túi tiền ra, định đem cho người ta một ít. Thật không ngờ, anh vừa kịp cầm túi tiền thì người ăn xin đó quờ tay ra giằng phắt khỏi tay anh, hai cẳng chân gầy nhẳng như que củi của bà ta chạy nhanh như thỏ, mất hút trong màn đêm, bỏ lại con người tốt bụng đã có ý giúp đỡ bả đứng thẫn thờ trong khu chợ giờ đã vắng ngắt.

Kim Ngưu nhìn vào bên trong tiệm vải, dải dây lưng màu thanh thiên vẫn còn. Anh tưởng tượng ra Sư Tử trong chiếc áo tứ thân truyền thống với dải yếm đào và chiếc dây lưng ấy, chị duyên biết mấy. Chị lẽ ra đã có cơ hội được ăn sung mặc sướng nhưng lại vì anh mà chấp nhận sống lam lũ cực khổ, thế mà một món quà Tết nhỏ nhất anh cũng không mang về được cho chị. Đặt giỏ hoa quả và hai bộ quần áo cho các con xuống, anh bất giác theo thói quen, lấy cây sáo luôn mang theo mình ra thổi. Cây sáo có từ thời ông nội anh lấy vợ, ông đặt cho tên cho nó là "Sáo tình duyên". Âm thanh từ cây sáo ấy đã là sợi dây vô hình nối những đôi uyên ương, nó chứng kiến bao mối tình sâu nặng. Ông nội và bà nội, rồi đến thầy u của Kim Ngưu cũng đến với nhau nhờ tiếng sáo trong trẻo như nước suối, cao vút như mảnh trăng thiên cổ. Kim Ngưu và Sư Tử cũng đến với nhau nhờ tiếng sáo kỳ diệu ấy... Lúc này đây, Kim Ngưu dồn hết nỗi niềm vào cây sáo này. Những tủi cực của cuộc đời nghèo khó, những cung bậc tâm trạng thay đổi trong một ngày đã đùa giỡn với anh một cách tàn nhẫn nhất, giờ đây, âm thanh não lòng vút lên làm sầu cả bóng tối ngày Tất niên. Tiếng sáo ấy là nước mắt, là nỗi đau, là khổ cực.

Chủ quán tiệm vải, tên là Song Tử, đang chuẩn bị dọn hàng, Kim Ngưu nhìn theo với nỗi tiếc nuối khôn nguôi. Anh cười nhạt trong lòng. Anh tự cười chính bản thân mình, đến bộ trang phục đi chơi Tết cũng không sắm nổi cho Sư Tử. Và anh lại thổi sáo, lại thổi nỗi buồn vào không trung...

- Anh gì ơi... - Song Tử đứng ở trước cửa gian hàng gọi với sang bên kia đường, nơi Kim Ngưu đang ngâm nga.

Kim Ngưu nhìn thấy Song Tử vẫy tay, anh ngừng thổi và tiến sang bên cửa hàng. Song Tử thổn thức:
- Tiếng sáo của anh nghe buồn thật...

Kim Ngưu chỉ cười mà không trả lời. Chủ một cửa hàng ăn nên làm ra, toàn địa chủ, quan lại, các ông lớn bà lớn qua tiệm hằng ngày, tiền vào như nước, cuộc sống không phải lo từng bữa cơm chống đói, anh ta mà cũng biết buồn là gì sao?

- Anh gì ơi, - Anh chủ quán Song Tử bỗng nhiên ngượng ngùng đề nghị. - Anh bán cho tôi cây sáo này được không?

Kim Ngưu hết sức bất ngờ trước lời đề nghị đó. Cây sáo này đã cũ lắm rồi, anh ta thích nó đến vậy à?
- Tại sao?

- Con trai tôi thích thổi sáo. - Song Tử trút bầu tâm sự. - Hồi còn bé, ông nó cho nó cây sáo cổ để thổi. Nó giữ từ bé đến lớn, vậy mà một hôm cả nhà đi chơi lại làm mất. Tôi đi tìm khắp nơi, mua nhiều loại về cho nó, nhưng chẳng có cây sáo nào có âm thanh giống như loại sáo của ông cả, nên nó không ưng. Tôi cũng bất ngờ khi nghe thấy tiếng sáo của anh, chắc sáo này cũng có từ xưa, đúng không?

- Ừ, có từ thời ông tôi...

- Anh bán cho tôi chứ?

Kim Ngưu nhìn xuống cây sáo trong tay, trong lòng gợi lên bao nghĩ suy. Cây sáo là kỷ vật mà ông nội để lại, nó là bạn cùng anh mỗi buổi chăn trâu, thả diều khi còn nhỏ. Tiếng sáo trong hội đình làng đã đưa Sư Tử đến với anh, và cây sáo cũng theo bước anh trong ngày đón dâu về. Và kể cả đến lúc này, có đêm anh cũng thổi sáo ru hai chị em Thiên Yết và Thiên Bình đi ngủ. Cây sáo theo anh từ khi ra đời cho tới khi trưởng thành, bảo bán nó đi, thực lòng mà nói, anh không nỡ. Thế nhưng, nếu anh bán nó đi, anh có thể mua dải dây lưng kia cho Sư Tử, chị hẳn sẽ vui lắm. Kim Ngưu nghĩ lại cả ngày hôm nay. Đầu tiên là lộc đến với anh từ một vị tiểu thư không quen biết. Khi lão Tư Lộc trút hết túi tiền của anh thì lại có Cự Giải ra giúp, dúi cho anh chút tiền. Khi anh bị mụ ăn xin kia cướp trắng thì lại gặp Song Tử ở đây ngỏ ý muốn mua sáo, rõ ràng ý trời là muốn anh mua được dải dây lưng cho Sư Tử. Vả lại, cây sáo về tay một người cha hết lòng quan tâm đến con trai mình, chẳng phải anh có thể yên tâm sao?

- Cũng được, tôi đổi cây sáo cho anh lấy dải dây lưng kia, được chứ?

- Tất nhiên là được.

Trên đường về nhà, Kim Ngưu ngẫm nghĩ được rất nhiều điều. Ngày hôm nay dạy cho anh rất nhiều thứ. Anh đã phải chứng kiến cũng như hứng chịu những thứ xấu xa, tanh tưởi của cuộc đời. Đó là cách lão Tư Lộc dụ dỗ anh nông dân nghèo, là khi lão lấy roi đánh anh với những lời lẽ nguyền rủa cay độc, là khi mụ ăn mày giả bộ đáng thương để lợi dụng lòng tốt của anh. Nhưng anh lại thấy được nhiều màu sắc tươi sáng của cuộc sống. Anh thấy sự hào phóng của vị tiểu thư, lòng hiếu thảo của anh nông dân, tình bạn của Ma Kết và Bạch Dương, lòng nhân hậu của Cự Giải và cả tình yêu thương con cái của Song Tử. Và bây giờ về nhà, anh sẽ lại có thêm một niềm vui nữa, đó chính là khi anh tặng những món quà Tết cho vợ và các con.
_____________________
________________
Nén hương được thắp đúng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Kim Ngưu cầu mong một năm hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, mong gia đình anh luôn hoà thuận, ấm áp như thế này. Anh mong mình sẽ làm được nhiều hơn nữa cho vợ đỡ vất vả và cuộc đời các con cũng khá hơn. Anh cầu những gì may mắn nhất sẽ đến với anh cũng như cả gia đình.

Hai đứa trẻ chỉ có chực cúng giao thừa xong, được thầy u cho quà Tết và tiền mừng tuổi là đi ngủ ngay tắp lự, đôi mắt chúng đã muốn díp lại từ rất lâu. Lúc này, Kim Ngưu mới ghé tai vợ:
- Nhà chờ chút, tôi có cái này hay lắm!

Sư Tử cũng phấn khích, chị reo lên:
- À, tôi cũng có một thứ cho nhà xem này!

Sư Tử tặng cho Kim Ngưu một chiếc túi đựng sáo. Kim Ngưu lặng người đi, trong tâm trí anh văng vẳng âm thanh  cây sáo tình duyên từ thời ông nội...

- Túi cho nhà đựng cây sáo đó! - Chị tươi cười hớn hở, khiến cho nỗi lòng anh lại càng lớn thêm.

Anh thở dài, thú nhận:
- Tôi đã bán nó mất rồi...

Mặt chị xịu xuống, thật chẳng biết nói gì hơn. Kim Ngưu vội đặt dải dây lưng vào bàn tay chị, anh gượng cười để giải toả tâm trạng cho chị:
- Tôi bán nhưng mua lại được cái này cho nhà đấy! Mặc với cái áo tứ thân màu đào, được lắm đấy!

Kim Ngưu đợi chờ một dấu hiệu của sự ngạc nhiên hay một nụ cười mừng rỡ, nhưng anh chẳng thấy những điều ấy ở Sư Tử. Chị ngước nhìn anh, giọng buồn buồn:
- Tôi đã bán chiếc áo tứ thân ấy để mua chiếc túi đựng sáo rồi!

Hai người nhìn nhau rồi lại nhìn lên bầu trời. Những ngôi sao đêm sáng lấp lánh. Sao Tháng Giêng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top