Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Book #11 - Dương hậu (Hoa Bằng)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thể loại: Bối cảnh lịch sử Việt Nam (thời kỳ loạn 12 sứ quân - Đinh - Tiền Lê)

Phát hành: Trí Thức Trẻ, NXB Văn học

Nội dung chính: Một câu chuyện, cũng là một lời biện minh cho cuộc đời người khen kẻ chê của Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, vị hoàng hậu của hai đời vua, hai triều đại, vị thái hậu gắn liền với giai thoại khoác long cổn cho Lê Đại Hành và góp tay vào sự thay triều đổi đại từ Đinh sang Tiền Lê, nhưng cũng là người phụ nữ gắn với hình ảnh một vị mẫu nghi mà lại thông đồng với bầy tôi, làm mất đi cơ nghiệp của chồng.

I. Nội dung: 3/5

Đầu tiên, phải nói trước rằng văn phong của tác phẩm sẽ có phong cách văn học Việt Nam thế kỷ XX, giọng văn và cách dùng từ cùng hơi hướng với các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa Ngữ Văn ấy.

Nhắc đến văn phong thì cũng phải nói đến một ưu điểm tuyệt vời của "Dương hậu" là xưng hô - một ví dụ tiêu biểu cho việc sắc thái cổ trang nó chả dựa vào việc sử dụng tiếng Trung bạch thoại kiểu "ca ca đệ đệ tỷ tỷ muội muội" đâu. Nhân vật của "Dương hậu" vẫn gọi chị gọi anh xưng em bằng ngôn ngữ tiếng Việt mình bình thường, nhưng cách nói chuyện, ngôn ngữ đối thoại của nhân vật lại tạo ra một bầu không khí rất cổ trang, rất Việt Nam. Tất nhiên ngôn từ thì nếu không quen thì có thể cảm thấy hơi kịch, rất kiểu đóng chèo ý, nhưng sắc thái cổ trang Việt Nam ổn cực kỳ.

Ngôn ngữ và không khí là ưu điểm to đùng của "Dương hậu", nhưng có vẻ như chỉ có điều này là ưu điểm đặc sắc thôi. Văn phong và tình tiết của truyện, đáng tiếc, là không có gì nổi bật, trừ phần chiến đấu của Đinh Bộ Lĩnh với 12 xứ quân diễn biến tương đối ổn thì đa phần còn lại nhịp điệu hơi nhanh quá - Dương thị từ một dân nữ chạy nạn qua mấy dòng là thành nữ tướng, Đinh Bộ Lĩnh mới vào nghĩa quân đã được cất nhắc, sau khi lập nên Đại Cồ Việt thì càng nhanh hơn, kiểu như bỏ qua giai đoạn biến chuyển tâm lý, nhảy phắt thành tâm ý thay đổi đã rồi, và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn thì vụt một cái được nhắc đến mà không có lời giới thiệu gì trước đó, như kiểu đến đó rồi tác giả sực nhớ ra sắp tới nhân vật này phải có "đất diễn" nên mới viết vào ý.

Tiếp theo, tác giả xây dựng thêm một nhân vật để coi như là "hợp lý hoá" việc Dương thị trở thành nữ tướng, đó là Thu Nguyệt, con gái của Trần Minh Công, và hai người là bạn thân thiết như chị em. Sau đó, khi thấy Dương thị có ý với Đinh Bộ Lĩnh, Thu Nguyệt đã ủng hộ bạn, nhưng mà Dương thị thì lại gán ghép Đinh Bộ Lĩnh với Thu Nguyệt bởi vì Trần Minh Công cất nhắc Đinh Bộ Lĩnh làm thủ lĩnh. Toàn bộ quãng thời gian này đều không nhắc gì đến Đinh Liễn, mặc dù mình đọc được rằng khi Đinh Bộ Lĩnh nương nhờ Trần Minh Công thì đã có con trai Đinh Liễn rồi. Một thời gian sau khi Thu Nguyệt và Đinh Bộ Lĩnh đã thành đôi, Thu Nguyệt lại ngỏ lời bảo Dương thị nên duyên với Đinh Bộ Lĩnh vì rằng chị em ta như một, chung một chồng sớm tối có nhau, và rồi sau này thì không nhắc gì đến Thu Nguyệt nữa mặc dù theo mạch truyện thì Thu Nguyệt mới là vợ cả.

Sau đó, vẫn là trong truyện, khi Đinh Bộ Lĩnh xưng là Thái Bình hoàng đế và được gọi là vua Thái Bình, tuy nhiên, theo như mình tìm hiểu thì Đinh Bộ Lĩnh năm đó đã tự xưng là Đại Thắng Minh hoàng đế, và kể cả nếu đây chỉ là dân chúng tôn phong, thì niên hiệu Thái Bình cũng là đến năm 970 mới được đặt, tức 2 năm sau khi ngài lên ngôi. Vẫn là sau khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, Dương thị trở thành hoàng hậu bắt đầu được nhắc đến là Dương Hậu, hoặc gọi ngắn gọn là Hậu, cả 2 trường hợp chữ Hậu đều viết hoa. Tuy nhiên, Đinh Tiên Hoàng có 5 hoàng hậu, gọi riêng Dương thị là Hậu thì không ổn lắm. Đây cũng không phải là tên riêng của Dương thị, bởi vì vốn dĩ trong truyện không hề đề cập đến tên của bà, dù là tên trong dã sử Dương Vân Nga hay tên tác giả tự đặt.

Tiếp đó là chuyển sang phần nhường ngôi, về tiết tấu thì mình thấy ổn, nhưng tình tiết thì bị... kỳ. Nó kiểu như vì quan điểm của tác phẩm đứng về phía Dương hậu cho nên sắc thái tôn vinh công lao của bà bị quá nhiều, đầu tiên thì để bà là người đồng hành phò tá Đinh Tiên Hoàng, cái này thì không có vấn đề gì cả vì dù sao trong chính sử cũng không đề cập kỹ, nhưng sau đó thì bắt đầu chuyển sang dìm đế nâng hậu, dìm cả Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Tác giả xây dựng Đinh Bộ Lĩnh sau khi làm vua thì chỉ biết tận hưởng, rượu chè say sưa, còn xây dựng Lê Hoàn là người chủ động ve vãn Dương thái hậu sau khi vua Đinh qua đời theo kiểu hơi... mặt dày ý, và Thái hậu thì từ trước tới sau đều không đồng ý. Mình không có vấn đề gì với việc Dương hậu trước sau một lòng với tiên phu, nhưng tình tiết này mình thấy không ổn lắm.

Ngoài ra, nói thực thì mình thấy tác giả viết tình tiết Đỗ Thích giết vua hơi... ngớ ngẩn. Ý là nhân vật bị ngớ ngẩn ý. Mặc dù sử liệu ghi thì lý do và hành động của Đỗ Thích đúng là nằm mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, nhưng trong truyện hắn cứ như kiểu đầu óc có vấn đề ý, tình tiết xây dựng cũng không thoả đáng, giết vua và hoàng tử mà dễ như vào bếp thấy hai miếng thịt nên tiện tay cầm dao cắt mỗi miếng một cái ý. Ôi Đinh Tiên Hoàng là lập quốc từ trên chiến trường đó chứ chả phải công tử bột trói gà không chặt đâu. Kể cả tác giả có "hợp lý hoá" bằng việc để vua và hoàng tử lúc ấy say rượu ngủ say thì mình cũng thấy nó rất bất hợp lý ấy.

Ở phần kết truyện, tác giả để cho Dương thị xuất gia, không về cung với Lê Hoàn. Tuy nhiên sau khi nhà Tiền Lê thành lập thì bà đã làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu của vua Lê Đại Hành từ năm 981 đến năm 1000 qua đời. Lúc quay video review cuốn này thì mình tìm hiểu thiếu việc xuất gia của Dương hậu, sau đó mới đọc được một số nguồn đề cập đến việc cuối đời bà tu ở chùa Am Tiên, trên tường chùa còn khắc một bài thơ truyền khẩu, nhưng cũng nói rằng ấy là vào giai đoạn cuối đời, sau khi vua Lê Đại Hành bình Chiêm Thành:

Hai vai gồng gánh hai Vua

Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên

Theo chồng đánh Tống bình Chiêm

Có công với nước, vô duyên với đời.

II. Trình bày: 4/5

Nhìn chung thì trình bày của "Dương hậu" không có gì phải chê trách cả, cỡ chữ, phông chữ, dãn dòng và dàn trang đều rất ổn và dễ đọc, mà phần mở đầu chương là hình những cành liễu (chắc thế) theo phong cách thuỷ mặc ở đầu trang, trông khá là xinh mà mình thấy cũng phù hợp với không khí của truyện. Mình còn thích cả cái cách "Dương hậu" dùng gạch đầu dòng cho các câu đối thoại thay vì ngoặc kép nữa (sở thích cá nhân ý mà).

"Dương hậu" thì không bị dính lỗi chính tả (hoặc mình không để ý), nhưng vẫn có một ít lỗi trình bày, kiểu như có đoạn trần thuật lại trình bày gạch đầu dòng như đối thoại, hoặc ngược lại, đối thoại nhưng lại viết chung với trần thuật. Cơ mà nó thực sự rất ít, mình chỉ thấy có đúng hai lỗi à.

III. Tổng kết

Nhìn chung, đối với mình thì "Dương hậu" không phải một tác phẩm xuất sắc, điểm sáng duy nhất mình thấy trong cuốn sách này chỉ là không khí mà văn phong và ngôn ngữ của tác giả tạo ra rất có cảm giác cổ đại, cũng rất Việt Nam. Tuy rằng với tất cả những vấn đề đã nói, cộng với việc có những đoạn ngôn từ đối thoại nghe bị kịch như kiểu tuồng chèo, thì "Dương hậu" không thể nói là rất đáng đọc, nhưng chính ra kiểu này khá ổn nếu muốn dựng thành vở kịch ngắn kiểu diễn văn nghệ ở trường lớp, hội trại hoặc sự kiện quy mô vừa phải trở xuống ý. Với cả, mặc dù câu từ và lối hành văn của "Dương hậu" không quá phức tạp hay sâu xa, đối với trình độ văn học cấp 3 trở lên thì sẽ thấy hơi sơ sài, nhưng mình nghĩ tác phẩm vẫn có thể phù hợp cho các em cấp 1 và cấp 2, thực ra cấp 2 thì phù hợp hơn vì truyện có vẻ cũng hơi dài đối với các em cấp 1 nếu không quen đọc sách.

Đáng lẽ bình thường thì đây là chuyên mục "hòm gạch đá" khi mà mình có vài ba ý kiến không ưng về một tác phẩm mà mình recommend, nhưng đáng tiếc là "Mây khói vàng son" không được như sự kỳ vọng của mình và mình đã nói hết ý kiến về việc tại sao mình không recommend tác phẩm này rồi, cho nên đây sẽ là chuyên mục "Có phù hợp với đối tượng nào không?":

- Học sinh tiểu học: Bởi vì motif và cách kể chuyện quá mức đơn giản, nó sẽ bắt đầu bị coi là sơ sài với trình độ văn học từ cấp II trở lên, nhưng mình thấy nó sẽ phù hợp với các em học sinh tiểu học, đơn giản, dễ đọc, mỗi truyện cũng ngắn.

- Giáo viên tiểu học và trung học cơ sở, hoặc những người phụ trách hoạt động cho học sinh tầm tuổi này: Có nhiều ý tưởng trong sách sẽ khá phù hợp với việc biên thành kịch bản diễn kịch ngắn, hoặc các dạng tương tự như vậy, cho nên có thể khai thác để phục vụ giảng dạy, hoạt động ngoài giờ, văn nghệ, etc.


- Lieleigh Hoàng Ly,

hoàn thành đọc lần đầu ngày 25/12/2023,

review ngày 15/06/2024.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top