Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Không đặt tên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhân vật trong fanfiction là của tôi, trong fanfiction này họ là người Việt Nam. Vui lòng đừng tự suy diễn, fic đọc giải trí đừng nhạy cảm quá làm gì.

.

Trời ngả về chiều nắng như đổ lửa, vàng hơn cả bông lúa trên đồng. Qua lớp kính xe, Tán Đa vẫn tưởng như mình đang bị thiêu đốt.

Từ lâu đã nghe miền Tây ruộng vườn rộng lớn thẳng cánh cò bay, từ Sài Gòn về đây không biết đã bao nhiêu cây số, mà vẫn chỉ thấy mãi một màu xanh.

Em năm nay mới 22 tuổi, mới đi học ở Pháp về. Những tưởng sẽ ở lại chốn đô thành làm bàn giấy, rốt cuộc lại bị điều đi làm phiên dịch ở tuốt trong quê. Ai biểu em học cao làm gì, mà ai biểu thằng cha quan Pháp đó khoái em làm chi, ba em không thèm để ý nên em bị đưa đi miết tận cái xứ đi mấy tiếng rồi chưa tới.

Nghe đâu để em ở ké nhà ông hội đồng Thời.

Tài xế xe cũng của nhà ông hội đồng lên Sài Gòn đợi em từ sáng. Đợi đến khi em vùng vằng ra tới cũng gần giờ trưa. Người ta nói chắc còn tới khuya mới tới, kêu em tranh thủ ngủ chút đi.

Lúc em thiu thiu ngủ, ông tài xế ngập ngừng một hồi cũng lên tiếng dặn thêm.

"Cậu ơi, một lát vô nhà, cậu đừng có hỏi gì cậu ba nghen cậu."

Cậu ba hả? Cậu ba nhà hội đồng Thời, nghe cao sang quá vậy, chắc con nhà giàu người ta khó thôi.

.

Ở cái xứ này ai cũng biết hội đồng Thời. Nhà ông giàu từ trong trứng giàu ra, nghe đâu đời ông bà làm quan, có tiền từ hồi đó lận. Ông hội đồng là địa chủ, từng học chữ Nho, đối xử với tá điền cũng không hách dịch như mấy người khác. Bà hội đồng Thời là con nhà nông, ông bà gặp nhau từ hồi còn nhỏ xíu, bà biết cái khổ của kẻ làm thuê, đối đãi với người hầu cũng nhẹ nhàng lắm.

Đứa nào mà được làm mướn nhà hội đồng Thời là có phước lắm, thiệt thà chịu khó ông bà thương, mướn thầy về dạy học cho mấy đứa nhỏ đặng còn biết cái chữ, mai mốt có đi đâu cũng đỡ bị gạt bị oan.

Vậy mà người tốt cũng lắm khi bạc phước.

Ông bà có ba đứa con. Cô hai hồi nhỏ bị lao mất sớm, bà hội đồng thương con khóc sưng mắt, mà không được ôm con lúc cuối đời. Cậu tư thì hay bệnh vặt, suốt ngày suốt đêm thuốc thang chạy chữa, người cũng xanh xao gầy rộc, đi học bị bạn ăn hiếp miết.

Hồi cậu ba còn khoẻ thì cậu ba đe mấy đứa nhỏ được, giờ cậu ba cũng không đi ra ngoài nhiều.

Cậu ba nhà hội đồng Thời là người trong mộng của con gái xứ này. Cậu đẹp trai sáng sủa, học cao biết rộng, nói chuyện có duyên, xử sự lại chân thành, tính tình giống y như bà hội đồng. Ở cái miệt này mà có một người như cậu ba, là cậu nổi nhứt vùng.

Mà ông bà hội đồng không có kén chọn con dâu, cậu ba thích là được hết. Nên suốt ngày cả đám con gái từ dưới bếp tới trên chợ, cứ thấy cậu là í ới cậu ba Hoàn cậu ba Hoàn ơi. Cậu cũng hiền, ai kêu cậu ba ơi cậu ba là cậu cười cười rồi trốn miết, đâm ra mấy đứa con gái dạn hơn nhiều, chọc riết ghiền luôn.

Vậy mà cậu ba chưa kịp chọn ai nâng khăn sửa túi đã có chuyện. Cậu đi Sài Gòn mua vải, về gần tới nhà thì gặp tai nạn xe, nằm bệnh viện hơn tháng trời, bà hội đồng khóc sắp hết nước mắt thì cậu về.

Cậu ngồi xe lăn, từ nay về sau chắc không tự đi được nữa, cậu nản quá cũng không chịu làm vật lý trị liệu, nên cứ vậy tới giờ cũng được bốn năm năm rồi.

.

Tán Đa ăn cơm trưa với ông bà hội đồng, lén nhìn cậu ba im như thóc ngồi ăn cơm đối diện, nhớ tới chuyện hồi tối qua nghe thằng Hến kể lúc nó chẻ củi nấu nước tắm cho em.

Nó nói cậu ba khổ lắm, thấy cậu không nói gì vậy chứ, lâu rồi cũng ít thấy cậu cười.

"Anh đi Pháp học hả? Là anh đi tàu về hả anh?"

"Ừ."

"Tàu bự hôn anh, giống cái vỏ lãi hông, em thấy trong sách nói là hổng giống."

"Bự lắm, để lát anh cho coi hình."

"Anh ba cũng có hình đó, mà hồi lâu rồi ảnh hổng cho em coi nữa."

Tán Đa liếc mắt qua thì thấy cậu ba hơi ngừng lại, bà hội đồng khỏ đũa vô tay cậu tư rồi thì cậu mới ăn tiếp. Em hơi mắc cười, vậy là cậu ba mới méc mẹ đó hả? Xong cái em hết dám cười nữa, tại cậu nhìn em, có khi nào bà khỏ em luôn không? Mà bà còn chưa kịp để ý thì cậu cụp mắt xuống lại rồi.

Buổi chiều có gió mát, em ở đây cũng hơn tháng rồi. Em nhớ hết mấy hàng dừa ngoài đầu liếp, cây nào mới rớt cái tàu dừa xuống em cũng biết, biết luôn cây nào có tổ ong mật để canh me.

Hàng ba trước cửa phòng cậu ba nhìn ra sân có ao cá, thường em thấy chỉ có cánh cửa sổ màu xanh mở ra ngoài, nay lại thấy cậu ngồi ngẩn ngơ nhìn ra bóng dừa in trên sân gạch.

Em mon men lại gần ngồi, cậu cũng không thèm nhìn em. Em tự nói nhảm một mình cũng được. Em nói em mới đi dịch thơ của thằng cha quan Pháp đá em đến đây về, tiện thể xin vài tấm hình chiếc tàu với xe lửa cho cậu tư, lấy cho bà xấp vải với thêm chai dầu nóng em nhờ mẹ gửi.

Em hỏi cậu có chụp hình hả, bữa hổm nghe cậu tư có nhắc. Mà xong em nhớ hồi hổm nhắc xong cậu tư bị đánh liền, cái miệng hại cái thân ghê, tự nhiên em hơi sợ.

"Lâu rồi hổng có chụp nữa."

Cậu ba hít một hơi, nói chuyện câu đầu tiên với em, giọng hơi khàn khàn, như băng cát-xét lâu rồi không xài tới.

"Đừng có kêu bằng ông bà cậu mợ, cậu có phải người ở đâu. Kêu bằng bác trai bác gái với thằng Hồi được rồi."

"Dạ cậu..."

"Trời đất cái cậu này?"

"Dạ Hoàn."

Cậu ba nhìn em như hết nói nổi, mà nhìn miết hà, làm em phải sửa miệng tiếp.

"Dạ anh ba."

.

Từ dạo đó em nói chuyện với cậu ba nhiều hơn. Ông bà hội đồng thấy cậu ba hoạt bát hơn nhiều cũng mừng lắm, cưng em hết nước hết cái, thiếu điều dọn đồ cho em vô phòng cậu ngủ nữa thôi.

Mà em thấy cậu ba cũng đâu đến nỗi nào. Cậu chỉ thiếu người cùng cỡ để tâm sự, bạn bè cùng lứa đã thành đạt có vợ có con, cậu thì tật nguyền ngồi một chỗ, trong nhà có em thì cách hơn một giáp, ba mẹ thì vừa thương vừa tủi con.

Cậu nói chuyện với mẹ thì sợ bà khóc, nói chuyện với ba thì sợ ông lo, nói chuyện với thằng em thì nó đòi coi hình xe lửa. Nên thôi nghỉ nói cho khoẻ, chứ cậu nào u uất đến mức câm như hến chẳng thèm lí tới ai.

Cậu biết giỡn lắm đó trời.

Em theo thằng Hến đi câu ếch, về khoe mần ếch nấu cháo cho cậu ba ăn. Mà lúc em mần thì con ếch chắp tay lại, em sợ xanh mặt chạy vô méc cậu. Cậu nói thôi nó lạy em đó, hổng ấy em tha cho nó đi, nên em đi nấu cháo cá.

Đến bữa cơm trên bàn có nồi ếch kho sả, em ngờ ngợ hỏi ở đâu ra, cậu ba tỉnh bơ nói ếch nãy em thả đó.

Em chưng hửng.

"Vậy chứ em cắt đứt đầu nó rồi, thả đi chi nữa?"

Nghe cũng đúng đúng, mà cũng sai sai ở đâu á.

Cậu chiều em lắm.

Em ưa bị dị ứng, trời nóng quá là nổi sảy, suốt ngày gãi sột sột đỏ hết người. Chắc cậu cũng ớn nên sai thằng Hến đi hái lá ngải về xay lọc nước cho em tắm, còn cằn nhằn người gì như con nít.

Thi thoảng cậu cũng thư từ qua lại với mấy người bạn cũ, nhờ người ta mua mấy thứ lặt vặt cho em. Ở nhà ông hội đồng muốn gì mà không có, cậu sợ cứ hễ em mở lời là ông cho không nên em ngại chẳng dám thưa, đành gởi gắm cho bạn nhờ giúp đỡ.

Mấy chuyện này cậu không có nói, mà em thấy trước mắt, hiểu trong lòng.

Mấy chuyện cậu nói em đều nhớ. Ví như cô hai Cẩm hồi nhỏ ưa chạy nhảy, từ hồi bệnh cho tới lúc đi chị không thèm xuống giường, cậu hổng có muốn giống vậy. Ví như tấm hình của cậu giấu không cho Hồi coi thì cậu cũng không dám coi, tại lúc đó cậu còn trẻ khoẻ lành lặn, coi lại tủi thân lắm. Ví như hồi lúc đó cậu đi mua vải là để đặt may áo cho người thương, mà từ lúc cậu bệnh về, cổ cũng không qua nữa, nghe đâu ba năm trước đã theo chồng bỏ xứ rồi.

.

Mà cậu chiều em quá, nên em đâm ra không biết giữ mồm giữ miệng.

Nay em đẩy cậu ra mé kinh hóng gió. Bờ kinh ở dưới quê không có giống đê sông trên tỉnh, bước hụt cái là rớt xuống nước liền. Em kiếm đá chèn bánh xe cho cậu rồi ngồi kế bên, nói chuyện ríu rít.

"Hến nó dạy em là nếu mà hả có ai rượt mình á, thì mình chạy cho nhanh vô, rồi mình giả bộ đuối chạy từ từ lại, cho nó tưởng nó sắp bắt được mình rồi, còn cỡ một sải tay cái mình hụp xuống, nó lỗ mũi ăn trầu là cái chắc."

"Em hổng biết thằng kia có lỗ mũi ăn trầu hông, mà hồi hổm em thấy thằng Hến nó làm vậy với anh Sang, ổng té rồi nó sợ quá cái chạy lại đỡ, ai dè ổng chụp được tẩn cho trận bờm đầu."

"Anh thấy nó khôn dữ thần ôn chưa?"

Cậu nhìn khói đốt đồng cuồn cuộn, ánh mắt miên man nhìn mãi về phía chân trời, tiếng thầm thì theo gió chiều cuộn theo làn khói trắng, tưởng như cả đời mình từ đây về sau đều mù mịt khuất sau sương khói.

"Anh hổng biết nữa, anh chưa thử lần nào, mà chắc cũng hổng được thử đâu."

Tán Đa hơi hơi nghẹn, em nhìn theo mây khói cuối trời, khói trắng là đã cháy xong rồi đó, em cũng đốt mất buổi chiều của cậu luôn rồi.

"Hồi nhỏ cắt lúa xong là tới mùa diều, mà xuống liền thì rạ cắt trầy ngứa về má la, ráng đợi đốt đồng xong là chạy gấp gấp xuống, nóng như lửa vậy, mà khoái."

"Để em cõng anh hé, chừng nào anh mệt thì anh ngồi mé ruộng, em thả diều cho anh coi."

"Em cõng anh hổng mệt hả mà sợ anh mệt?"

"Em giỏi lắm đó, anh đừng có khi dễ em."

"Ừ, gì cũng biết hết á, có điều hổng biết tự lo thân."

Tán Đa bĩu môi, cảm thấy mình bị quẹt nhọ nồi vô cái danh du học sinh Pháp, thấy mình phải lấy le với cậu ba Hoàn nhà ông hội đồng Thời mới đáng mặt anh hùng.

"Trời ơi cậu ba khi dễ em quài, để bữa nào em dạy anh bốc đầu xe lăn là anh tin em liền."

Em nói thiệt mà cậu ba sưng sỉa quá, cậu ỷ em nhẹ tay nhẹ chân với cậu mà cậu cho em một chưởng trượt chân xuống kinh luôn.

Con giun xéo lắm cũng quằn. Cậu ba cười thấy ghét quá, em leo lên bờ, nhào tới chộp lấy tay vịn xe lăn, giam cậu trong ngực, rồi làm theo mấy phim chiếu bóng em coi bên Pháp, áp môi mình lên đôi môi hơi nhợt nhạt.

Cái này người ta kêu là khoá môi đó cậu ba, cậu ba học cao hiểu rộng, có gì đâu mà sợ tới xô đẩy loạn xạ vậy cậu ba ơi?

Học trò đi du học bên Tây về, lúc mới về dưới quê đầy mùi tri thức, còn bày đặt đeo thêm kiếng mỏng làm màu. Mới có hơn năm mà giờ đã lấm mùi bùn của trai quê, da cũng đen đi, tóc còn hơi cháy nắng. Mà du học sinh vẫn là du học sinh, bên Tây bạo, em cũng bạo y chang.

Cậu ba Hoàn thấy như mình vừa trúng lúa.

Mùi của cỏ dại, mùi khói đốt đồng, mùi bùn đất và cả mùi tuổi trẻ như nắng ban mai xộc cả vào mũi miệng làm động tác kháng cự của cậu dần thả lỏng.

Em sẽ chẳng buông tay đâu, hồi ở cái tuổi của em, cậu cũng có thua gì. Mà tại hồi đó tự nhiên gặp hoạ, nên mới phải cam chịu mà bỏ qua.

Mùi hương của buổi chiều nay là tất cả những gì cậu mong đợi trong những đêm dài thức trắng, chất vấn ông trời sao lại tệ bạc với bản thân đến mức này.

Có nhà có quê có vườn có ruộng có sông có hồ có cha có mẹ là đủ rồi. Bây giờ lại còn có cả em. Có nhiều thứ quá, cậu sợ biết phải trả giá bằng gì.

Uất ức trong lòng nghẹn lại, chẳng thở ra nổi tiếng thở dài, lời ra đến miệng chỉ còn hơi run rẩy.

"Em có biết mình mới làm cái gì hôn?"

Tán Đa vẫn nắm chặt tay vịn xe lăn, em quỳ xuống trước mặt cậu, rải vài nụ hôn nhẹ nhàng lên đầu gối, bỗng thấy thương cậu quá.

Nước nhỏ xuống thấm vào vải lụa nóng như rạ cháy trên đồng, đôi chân đã lâu không còn tri giác mà nay như phải bỏng, cũng chẳng rõ là phù sa hay nước mắt em.

"Sao mà em hổng biết được anh ơi?"

Tay em quẹt ngang gương mặt cậu làm dính vết bùn lên gò má, chút nước sông lành lạnh hoà lẫn giọt nước mắt vừa lăn khỏi hốc mắt đỏ hồng.

"Mình về hen anh, khói cay mắt quá à..."

Mà sống mũi cậu cứ cay cay miết, đến độ về nhà má còn la chỗ người ta đốt đồng mà đưa mặt ra hứng, sao hai đứa bây khùng quá vậy con?

Em dạ ngọt xớt, mà còn cười cười coi bộ vui lắm, cậu cũng hết nói nổi em.

.

Nhà hội đồng Thời nuôi chứa Cách mạng, người ở trong nhà ai cũng biết, tá điền thì người biết người không. Mà ông bà ăn ở có đức, người ta nhắm mắt làm ngơ, chuyện không liên quan tới mình thì góp vô làm chi cho có chuyện, không bô lô ba la là làm phước cho nhà người ta lắm rồi. Phận làm mướn để ý chi chuyện ai làm quan đâu.

Có khi trong vùng có đứa nào chỉ điểm rồi trai tráng bị bắt, cha mẹ người ta lén nửa đêm qua nhà quỳ lạy hội đồng Thời xin cứu con. Ông cứu được đứa nào thì cứu, giả bộ đánh chết rồi cho nó thoát ly đi luôn không về nữa cũng được, còn hơn ở đây là chết chắc.

Ai cũng khen ông bà hội đồng giỏi giang thương người, người ta cũng thương nhà ông. Hễ có lính tuần là người ta rỉ tai nhau báo về từ cách mấy chục công ruộng.

Mà á hả, mấy câu Kiều ngâm hồi đó tới giờ của thằng cha gác chòi vịt lúc nửa đêm vẫn văng vẳng, như yểm bùa nguyền rủa lên nhà người ta.

"Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần..."

Ở đời có lắm người thương thì cũng có ít nhiều kẻ ghét. Người ta phản đâu biết trước được gì. Cậu ba bệnh bất tử, không ngồi dậy nổi, còn chưa kịp mời thầy. Lúc lính Pháp tràn vô nhà tàn sát hầm giấu Cách mạng, cậu còn mê man. Tụi nó bắn luôn cậu tư đang lúi húi sau bếp sắc thuốc cho cậu ba, còn kêu giết lầm hơn bỏ sót.

Bà hội đồng thấy cậu tư bị bắn, bà nhào vô lưỡi lê của thằng lính Tây, cuối cùng còn cố lê thân đến ôm con trai lần cuối.

Ông hội đồng Thời bạc hết tóc, xin lên Sài Gòn nói chuyện với quan. Ông sung công hết của cải đồn điền, chỉ xin đổi lại cái mạng cho con trai mình. Ký giấy xong thì tối đó ông tự sát, trước khi chết có xin gặp Tán Đa.

Em bị ba kêu về Sài Gòn hơn tháng trước, đi gấp quá chẳng kịp an ủi gì cậu ba. Nay nghe tin ông hội đồng Thời bị bắt, xin gặp em, em sợ thót tim.

Ông nói cậu ba còn ở nhà, chắc là với thằng Hến thằng Sang, tụi Tây nó thấy cậu tật nguyền nên cho qua không soát phòng, hai đứa nó trốn dưới gầm giường cậu. Cậu Đa là con quan lớn, xin cậu về đưa cậu ba đi, ông biết cậu Đa có tình có nghĩa, làm ơn làm phước giúp dùm ông lần này, cậu ba có yên thân thì ông mới nhắm mắt được.

"Bác làm vậy sao ảnh sống nổi bác ơi..."

Em nghe ra ý của ông hội đồng Thời, lắc đầu nguầy nguậy, cậu ba của em có còn gì đâu, chỉ còn mỗi em và ba, giờ không còn ai ruột thịt thì sao cậu chịu nổi.

Trên đường về dưới quê, em cứ nắm cái cọng dây chuyền hình mặt Phật suốt. Bữa em đi cậu ba nói cọng dây chuyền này hồi đó bà có gửi chùa xin làm phép, hồi tai nạn xe nó đỡ cho cậu một mạng, giờ cậu cho em. Lúc đó em còn cà rỡn hỏi này cậu yểm bùa cho em khỏi chạy hả, cậu còn ừa ừa em có chạy đằng trời.

Vậy mà cậu cho em hết phước phần của mình thiệt.

Thằng Hến đón em ở đầu liếp. Nó nói mấy hôm đầu em đi còn đỡ, mấy bữa sau cậu sợ em bị bắt ra tuyến đầu phiên dịch cho mấy cha tướng Tây rồi, mấy lá thơ em gởi là để gạt cậu thôi hà. Mà anh Sang đứng ngập ngừng, cậu hỏi muốn nói cái gì, ổng thưa ổng hổng dám nói, cậu ba nói vậy thì thôi khỏi nói chi, vậy mà cuối cùng ổng cũng chỏ mỏ vô.

"Con nghe nói chiến trường bom bay đạn lạc, cậu ba đừng có trông ngóng quá chi."

Cậu ba vậy mà giận, xưa giờ cậu có phạt ai đâu, mà bắt anh Sang ra múc nước tưới hết hàng dừa ngoài đầu liếp, tưới hết rồi thì tưới lại, xong năm lượt mới được đi nằm.

"Cậu ba ơi cậu ba, cậu Đa về rồi..."

Cậu ba ngóng em kể biết nhiêu cho xiết, vậy mà em đứng trước cửa buồng rồi mà cậu cũng không thèm nhìn em.

Anh Sang ngày thường lầm lì ít nói, nay lại tự động lại gần em, nhét cho em lá thơ, nói là cậu ba hổng dám gởi, vỗ vai em rồi đi xuống bếp sắc thuốc.

Em đọc không hết thơ, mới giở ra đã thấy mấy dòng.

"Tán Đa thương mến,
Chúng ta được dạy rằng đây không phải ái tình, nhưng anh biết nó còn nhiều hơn thế..."

Nước mắt em rơi xuống, em lao đến bên giường cậu, lay mạnh người cậu, cố kéo cậu dậy, miệng khóc gào.

"Anh đừng có vầy mà, chắc anh giết em quá anh ơi..."

Vậy mà cậu ba từ đầu tới cuối cố sống cố chết nhắm chặt mắt, em biết cậu nghe, tại cậu cũng khóc. Nước mắt mằn mặn, em kề môi lên gò má cậu, nếm được vị chua xót vô cùng. Khói đốt đồng ở đâu ùa về mịt mờ trong tâm trí, tiếng khóc rên ư ử bất lực của cậu như bắc loa phóng đại trong lòng em gấp trăm lần.

Trời ơi em biết làm sao đây?

Thằng Hến anh Sang đứng ngoài cửa buồng bưng siêu thuốc, cũng lắc đầu với em. Ai trả cho em cậu ba Hoàn nhà hội đồng Thời cái hồi chưa chịu khổ, bụng dạ anh hiền lành, mà giờ anh chỉ còn mỗi em.

.

"Rồi sao nữa ba?"

"Tao có biết đâu. Kể từ cái ngày cậu Đa bồng cậu ba lên xe rồi đi biền biệt, cậu Đa có gởi về lá thơ, kêu cậu với cậu ba khoẻ thôi hà."

"Ba có đọc kĩ hông vậy?"

"Tao đá mày cái chết giờ. Thơ từ bác Sang mày giữ, tao học dốt chứ bác Sang mày có dốt đâu, ổng nói hổng có là hổng có."

Nhà ông hội đồng Thời giờ có đại gia nào ở trên tỉnh xuống mua đứt, mà không thấy ở. Người ta đồn trong nhà có ma, nghĩ cũng phải, biết nhiêu người chết trong cái nhà đó. Cậu con trai duy nhất còn lại cũng không ở nữa, không biết còn sống không.

Thằng Hến mắt mũi kèm nhèm, nhìn qua nhà ông hội đồng cũng chỉ thấy màu sơn cũ lâu không ai tu sửa. Khói đốt đồng từ ruộng phía sau bao trùm cả căn nhà, hồi xưa ông còn, xung quanh nhà toàn vườn tược, đâu có ruộng mà đốt đồng ám khói.

Giờ chỉ còn cái chòi vịt hồi xưa ở cách một công ruộng, thằng cha gác chòi lâu lâu chui vô nhậu thôi. Cái thằng giữ vịt vậy mà khôn. Nhớ hồi đó nó nói với ông là đừng dính líu vô vụ này chi, mình là phường buôn bán, ai làm vua thì có liên quan gì mình đâu. Thằng Hến lúc đó còn kêu nó dốt mà bày đặt xổ Nho, chỏ mỏ vô chuyện chủ đặng chi hổng biết. Nó thưa với ông miết, rằng là ở đời mà mình giúp người ta bảy phần, người ta oán mình sao không giúp luôn ba phần còn lại, ông cứu được người này không cứu được người kia, nhà của mấy người bạc phước người ta hận ông mấy hồi. Ơn thì mau quên chứ còn oán nó khó nguôi lắm. Nói quài nói mãi mà ông cũng kệ, nó cũng thôi. Hôm giặc tràn vô nhà, nó nhào ra cản lính Tây không cho vô phòng cậu ba, một dạ hai thưa xin cho cậu ba nói cậu tàn phế, rốt cuộc bị người ta đánh gãy một giò, tới giờ cũng chống nạng miết hà.

Mùi khói đắng nghét xộc lên mũi miệng, làm sống mũi cay cay, thằng con bên cạnh coi bộ cũng quen với chuyện ba mình chiều chiều là quay mặt về hướng nhà ông hội đồng rồi đỏ mắt, đứng dậy đi làm cơm chiều, để cho ba mình lẩm bẩm miết.

Có khi nó cũng ráng ngồi nghe, mà không biết hiểu sao cho đặng. Ba hỏi,

Cậu ba khoẻ hả, cậu ba?

.

Vài câu trong lá thư cậu ba viết là mở đầu của một bức thư tình trong một câu chuyện mình từng đọc được về hai chàng trai thời Thế chiến. Mình đã quên mất thân phận của người ta rồi, chỉ nhớ là người ta phải chia xa, sau đó chàng trai cứ vẽ (hoặc chụp hình) khung cảnh góc phố gần nhà của người thương, người thương thì bị nhốt trong nhà. Người vẽ (chụp) cũng là người viết thư, người nhận tên là Emil. Cuối cùng hình như hai người được chôn chung. Nếu có ai còn giữ bài viết đó thì cho mình xin lại nha.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top