Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

"Thầy ơi! Em sẽ trở thành cô giáo!"


Tỉnh giấc bởi tiếng sấm rền kèm theo tiếng lộp độp từng hạt mưa đá rơi trên mái tôm mới lợp, những đợt gió quất mạnh lên thân cây trước hiên nhà như muốn bật gốc. Cô không khỏi thở dài, cố gắng nhắm mắt ngủ lại nhưng không thể. Mưa càng lúc càng nặng hạt.

Đúng vậy! Mưa!

Những cơn mưa đáng ghét!

Những cơn mưa đều thật tệ!

Những cơn mưa gắn với những kỉ niệm thật buồn.

Nằm trên chiếc giường tre vững chãi, thật khó để trở lại giấc nồng khi những thước phim kí ức từ từ hiện lên trong tâm trí cô. Bắt đầu với hình ảnh bé gái bỡ ngỡ nép sau váy mẹ rồi đến lúc em nhảy cẫng lên, ôm 2 cuốn tập 5 ô ly thơm mùi giấy mới cùng cây viết chì gỗ màu đỏ son. Em sung sướng khi được đi học. Cô giáo đã đến bản em, lợp một lớp học nhỏ trên đồi nơi có cây dẻ già cô đơn luôn trụi lá vào mùa đông. Em lúc ấy chưa biết đi học là như thế nào vì em chưa từng được đi học, nhưng em biết đi học sẽ rất khác với việc mỗi sáng dắt đàn bò của cha lên núi, cũng khác mỗi chiều tà xách nước đi tưới đám rau mẹ trồng trong vườn.

Ai cũng háo hức, cả già cả trẻ đều muốn biết con chữ là như thế nào thế nhưng thật khó khăn cho bản nghèo, đám trẻ sau một tuần ngồi chật kín lớp học nhỏ thì bắt đầu vơi dần, chính vì chúng thấy học chữ thật khó, nào là nét ngang, nét dọc, nét cong. Bàn tay đã quen dùng xạc, dùng rựa phát cỏ, chặt cành từ hồi thấm bé đâu còn đủ mềm mại mà cầm cấy viết nhỏ hơn cả ngón tay cái.

Em may mắn được cha mẹ cho tiếp tục đi học trong khi hai chị gái cùng các bạn phải lần lượt trở về với công việc hằng ngày. Em thấy sự may mắn này cũng nhờ bàn tay phải bị tật, yếu hơn bình thường làm cho em không thể phụ cha hay mẹ một việc nặng nào. Có lẽ cha nghĩ để đứa con gái 7 tuổi của mình ở lại với cô giáo sẽ tốt hơn cho nó về nhà mỗi ngày ngây ngốc nấu cơm và trông đàn gà ri. Những vì thế và việc cầm bút đưa nét của em khó khăn hơn các bạn nhiều. Cô giáo sau mỗi buổi học vẫn cầm tay em nắn nói cùng em kẻ các đường thẳng. Em thích hơi ấm từ bàn tay cô, em thích cách cô cầm tay em-bàn tay tật nguyền ấy-trong khi hầu hết người trong bản đều tránh, ngay cả cha mẹ cũng chỉ luôn cầm tay trái em mỗi khi muốn dắt em lên rẫy canh bữa trưa gói trong đống lá rừng phòng nai hoẵng ăn mất.

Cô không xa lánh em, luôn bên em mỗi khi em cần, nhiều lúc em ngỡ cô là cô tiên mà ông trời ban cho em. Nhưng có lẽ ông trời chỉ cho em hạnh phúc một thời gian, ông liền đẩy cô đi, mặc cho em có chạy theo chiếc xe lớn chở cô đi xuống con dốc bản gập gềnh, cô chuyển công tác đến thành phố khác sau một năm đưa con chữ đến với bản em. Đó, ngày mà cô giáo đi là một ngày mưa phùn giăng trắng xoá cả ngọn đồi của cây dẻ già, đúng rồi, cô giáo đi, cây dẻ lại cô đơn.

--------------

Khi nỗi buồn xa cô giáo chưa vơi, cây dẻ già lại có bạn mới, một thầy giáo trẻ đến bản, thầy nhận công tác thay cô tiếp tục công việc dạy học nơi vùng sâu vùng xa này.

Em luôn thấy ác cảm với thầy, em thấy như thầy đến cướp mất nơi mà em nghĩ luôn là của cô giáo, em đâm ra giận cây dẻ vì nó nhanh chóng tiếp nhận thầy giáo quá. Mặc cho thầy có nụ cười tươi tắn nhưng em thấy nụ cười ấy thua xa nụ cười hiền từ của cô giáo, nét chữ của thầy rõ ràng in trên bảng sao chẳng mềm đẹp như chữ cô giáo. Tất cả những gì thầy làm, em đều so sánh với cô giáo, bởi lẽ tâm lý của một đứa trẻ sau khi trải qua một nỗi buồn như là vô hạn, trong cái tâm trí bé nhỏ ấy sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực và so sánh.

Em ghét tất cả các bạn, những ai khen thầy giảng bài thật hay.

Em ghét việc thầy gọi lớp học của cô giáo là 'Lớp cây dẻ già'.

Em ghét, rất ghét nhiều thứ mà thầy làm!

Em muốn nghỉ học, em ghét việc học với thầy, ấy vậy mà em lại yêu con chữ, em sợ nghỉ học rồi em sẽ quên mất cách viết nét cong, em sợ nghỉ rồi các bạn sẽ biết tính phép trừ trước em, nên em vẫn ở lại với khuôn mặt hằm hằm khó chịu.

Suốt năm học đầu với thầy, em luôn muốn thầy đưa cô giáo của em về, em trách rằng vì thầy mà cô mới phải rời xa bản. Nhưng thế rồi em vẫn chú tâm vào các bài giảng của thầy. Thầy chỉ cho em biết đâu là chòm Ngưu Lang, đâu là chòm Chức Nữ giữa bầu trời đêm nhìn từ vùng núi có hằng hà sa hố những sao là sao; thầy dạy em hát Quốc ca đầy tự hào; thầy chỉ em cách tính thương, tính tích, cách rút gọn phân số và khen em học mau, làm bài giỏi. Thế nhưng em vẫn không thể thích thầy được, thầy không như cô giáo, thầy chưa bao giờ cầm tay phải của em giúp em tập viết, nhiều lần đau tay quá, em liền đổi bút qua tay trái, lúc đó một cái 'đét' rõ kêu từ thước kẻ nhựa của thầy đánh lên cái tay cầm sai viết cùng ánh mắt sắc lẹm làm em cuống lên đổi lại tay viết và khóc nấc lên, lúc ấy thầy cũng chỉ vỗ về vài câu rồi lại đâu vào đấy. Thầy không bao giờ có thể ấm áp như cô giáo của em.

------------------

Những hình ảnh cứ thế tua chậm qua tâm trí cô, tiếng gió rít càng dữ tợn, như muốn nuốt trọn cả ngọn núi của bản. Giữa cơn gió giật ấy, có một người thanh niên cao gầy, mặc cho gió kéo mưa quật vào thân thể kiên cường ấy vẫn giang rộng chiếc áo mưa cắt từ tấm bạt che cho đám học trò đang run cầm cập vì cơn mưa đầu mùa bất chợt ập đến. Em gái và các bạn níu áo nhau, chân bước chậm rì chỉ sợ trượt ngã trên con đường dốc lầy sình. Các em không sợ bị đau, chỉ sợ ngã rồi sách vở gói trong bọc nilon mỏng sẽ bẩn và ướt mất. Vở mà ướt rồi thì các em lấy gì để viết, để học đây.

Bỗng em ngước lên nhìn thầy, trong lòng em dấy lên cảm giác kì lạ, tại sao thầy lại phải cực nhọc che cho từng đợt một học sinh từ dưới bản lên lớp trong khi thầy có thể ở bên trong lớp học tránh gió và chờ đợi nhỉ.

Nhưng rồi sau này, lớn thêm một chút, em hiểu, thầy làm vậy vì lo cho các em, sợ đứa này té, đứa kia đau, rồi thuốc thang lại cực cho cha mẹ các em, rồi cũng vì thế lại chậm trễ bài học. Đối với cha mẹ các em, họ không đề nặng lắm việc học nhưng với thầy, và chính cả bản thân mỗi đứa trẻ được cho đến lớp cây dẻ học đều là một niềm vui và tự hào thật lớn. Vậy đấy, thầy chọn việc lao vào khổ cực. Không đúng! Từ trước thầy đã chọn con đường này rồi, vì lẽ khi thầy đến đây là thầy giáo của bản, thầy đã phải tự biết rằng nơi đây, một vùng núi thiếu thốn, khắc nghiệt với sương muối và mưa phùn sẽ không bao giờ êm ả như những cơn gió nhẹ trên bờ hồ Hoàn Kiếm hay nhộn nhịp những hội chợ sáng đèn cả đêm như ở Hà Thành-nơi thầy sinh ra và lớn lên. Nhưng chính vì sự yêu nghề và sự lạc quan, trữ tình của người dân thủ đô mà ngay cả trong khốn khó nhất vẫn kiên cường hướng lên như ngọn tre mà vươn thẳng lên trời, vươn đến ngày mai tươi sáng của cho bản nghèo.

"Sương muối giăng đầy trên mỏm núi

Cơn gió thoảng mang đậm vị khói sớm

Kìa bếp lửa của bản ta

Ánh lên trong tăm tối mà hướng về tương lai

              Tiếng gà gáy giữa muôn trùng mở ảo

              Khéo làm cả núi rừng vươn vai

             Giọt nắng mới đọng trên chồi lá

             Xanh mơn mởn và lấp lánh ánh ngọc

Tia nắng kia rực rỡ chiếu qua đồi

Lên con đường gồ ghề đầy sỏi đá

Nắng múa vui cùng cả bản làng mới dậy

Tiếng nói cười vang vọng khắp cảnh rừng

                       Kìa các mệ, các u, các bầm

                       Địu con nhỏ lên rẫy mà bẻ ngô

                       Kìa các cha, các ông và các chú

                      Hò dô ta đốn gỗ, hò dô ta kéo về

A! Còn kia các em nhỏ

Các em sáng sủa và gọn gàng

Tay cắp sách, tay cầm vở

Tung tăng bước lên đồi

                      Đây rồi, lớp học của các em

                      Này là ván gỗ, này là bảng đen

                      Này là viên phấn, này là bàn sơn

                      Các em mau chân đi vào lớp

Rộn rã tiếng cười đùa

Các em đồng thanh đọc

Điều Bác dạy thật to

Cây dẻ già ngoài hiên khúc khích cười trong gió

                          Cây giơ cao lá cờ có màu đỏ sao vàng

                          Cây sừng sững và tự hào

                          Bản làng ta sẽ đẹp

                          Đất nước ta sẽ giàu

Chỉ cần ta chăm chỉ, nhất định sẽ thành công!"

Nếu là một thi sĩ tài hoa, em sẽ cười rằng đây là một bài thơ kì lạ, không tuân thủ một quy tắc nào. Nhưng em không phải thi sĩ nên em chỉ biết bài thơ được thầy nắn nót viết lên tờ giấy trắng to bản, treo ở cạnh bảng đen, đối xứng với tờ giấy có ghi "Năm điều Bác Hồ dạy". Và em biết các mẹ đã hát bài này ru các con ngủ, đó là bài hát ru hay hay nhất trong đời em.

----------------

Gió đã dịu đi nhưng cô vẫn không thể quay lại giấc ngủ. Cô lại bàn làm việc bật cây đèn bàn đã bóng lên màu đồng cũ-cây đèn là món quà mà người thấy đáng kính nhất đời cô tặng cho cô khi cô rời bản để đi học cao hơn. Món qua chân quý và ý nghĩa nhất đối với một cô bé tuổi mới lớn lúc bấy giờ.

Cô muốn viết gì đó cho khuây khoả nhưng có tiếng trẻ con non nớt cứ vang lên trong đầu.

"Thầy ơi, em sẽ trở thành cô giáo! Em sẽ là cô giáo đẹp như cô giáo của em"-Bé gái gầy, đen nhẻm, duy có đôi mắt là sáng ngời nhìn thầy giáo, cô bé nán lại nói cho thầy quyết định của bản thân cuối buổi học. Cây dẻ già vẫy cành trước gió đầy nghi vấn, còn thầy giáo, thầy ngạc nhiên nhìn cô học trò kiệm lời, luôn luôn nhăn nhó khi vào lớp lại mở lời với mình.

Thầy xoa đầu em rồi nói: "Ừ! Thầy tin em sẽ làm được".

Thời gian trôi mau, kể từ lần đó, cô bé dường như hăng hái hơn trong học tập, giống như một sức mạnh vô hình vào đó kéo theo em trên con đường niềm tin để thực hiện ước mơ. Vào một ngày khác của hai năm sau, cô bé bây giờ đã 12 tuổi, nán lại trước của lớp và nói với thầy giáo:

-"Thầy ơi, em chắc chắn sẽ trở thành một giáo viên giỏi"

-"Ừ thầy tin em sẽ làm được".

Thầy vẫn nói từng ấy từ tiếp thêm niềm hy vọng cho em, vì em đâu biết sau này sẽ có bao nhiêu khó khăn đón chờ em để đến với cột mốc của ước mơ.

-"Vâng, em sẽ trở thành một giáo viên giỏi, giỏi thật giỏi và tận tâm như thầy giáo vậy!"

Cô bé với đôi mắt sáng ngời tiếp tục làm thầy ngạc nhiên với quyết định của bản thân, thầy xoa đầu em như hai năm trước nhưng lần này kèm theo của sự vui sướng, sự hạnh phúc là một nhà giáo nếu có lần trải qua đều như vậy. Trở thành một tấm gương đẹp cho ước mơ của thế hệ học trò, mấy ai có thể.

Cũng từ đây, cô bé đã thoát khỏi bóng ma tâm lí của tuổi thơ, cô bé học các quên đi nỗi buồn, gói nỗi buồn ấy vào một bông hoa thả trôi đi hay biến nó thành một kí ức thật đẹp trong tâm hồn. Từ bây giờ em đã sẵn sàng bước tới tương lai với một niềm tin vô hạn và sự động viên to lớn mà thầy cho em.

Năm em 13 tuổi, điện đã về bản, hơn 50 hộ dân có điện để dùng, dây điện mắc qua rừng đưa điện đến bản em, giờ đây mỗi tối em không còn phải bị đi ngủ sớm hòng để tiết kiệm dầu. Ánh đèn dây tóc sáng chói như ai đó bắt Mặt Trời từ trên cao xuống vậy, cả bản làng hồ hởi hẳn lên.

Nhưng đó chưa phải điều tuyệt nhất, lớp học lán lợp bao lâu nay được xây lại trên nền móng cũ, được gia lại kiên cố hơn. Bức tường bằng rơm và bặt nay thay bằng những tấm ván gỗ to bản; mái rơm thay bằng mái ngói đỏ son, cả tấm bảng đen cũ cũng được thế bằng tấm bảng mới to hơn; sàn nhà thì được trát xi măng đen bóng, từ giờ không lo bùn lên đến tận mắt cá mỗi khi chuyển trời.

Năm học cuối cùng của em ở bản là năm học tuyệt vời nhất trước khi em tạm xa bản để xuống huyện học tiếp cấp hai, đáng lẽ một đứa trẻ dân tộc thiểu số như em khi hoàn thành xong những năm học tiểu học ở bản được coi là thành công lắm rồi và với điều kiện hiện tại, rất khó cho đứa trẻ ấy lên cấp cao hơn để tiếp tục tiếp nhận kiến thức vì số lượng trường học đều có hạn.

Nhờ vào lá thư thầy gửi chính quyền, em được trợ cấp cho đi học cấp hai và cấp ba, tiếp đó em phải tự chi trả các khoản nếu còn muốn học tiếp. Sợ em cực, cha mẹ không cho, nhưng em đã quyết, khó ai cản được. Ngày em bắt xe xuống huyện, thầy tặng em chiếc đèn bàn mà thầy vẫn hay dùng để giúp thầy soạn giáo án mỗi tối, em từ chối vì sợ lấy đi rồi thì thầy soạn bài kiểu gì đây nhưng thầy nói em sẽ cần nó hơn thầy và thầy không có gì quý giả để tặng cô học trò của mình cả, chỉ mong em cố gắng thành công "Thầy tin em sẽ làm được"-lời thầy như thần chú giúp em mạnh mẽ trải qua quãng thời gian khắc nghiệt sau này. Em nhận lấy cây đèn bàn bằng đồng không còn quá mới, nâng niu nó hơn cả tất cả báu vật có trên đời này, chính nó rọi sáng cho em những lúc tăm tối nhất ở nơi đất khách quê người.

Càng học lên cao, kiến thức càng khó, để không thua các bạn học thành phố, em dốc sức ngày đêm không rời cây viết quyển vở. Em phải đẩy lùi mọi mặc cảm kì thì về xuất thân và về cơ thể không lành lặn của mình để cố gắng, cố gắng hết mình để không phụ sự kì vọng của chính bản thân và cả bản làng.

Em, một cô bé người Mèo lạc lõng giữa nơi phố thị phồn vinh nhưng em quyết, đúng em đã quyết bản thân sẽ không bao giờ bỏ cuộc cả, không bao giờ, kể cả trong suy nghĩ, em cũng sẽ không bỏ cuộc.

Dần dà những lần viếng thăm ngắn ngày về nhà, những lá thư gửi gia đình và gửi thầy cũng vơi đi, em bước vào kì thi quan trọng nhất của đời học sinh, Kì thi Tốt nghiệp. Thầy thương em vì sợ em học quên ăn, nhưng thầy sợ làm phiền em, chỉ viết những bức thư ngắn đều đặn mỗi tháng, không quên ghi 'câu thần chú': "Thầy tin em sẽ làm được!" cuối mỗi bức thư.

Nhưng ngày em hạnh phúc cầm tờ thông báo đỗ đại học về bản, cả núi rừng như chúc mừng em thắng trận, bản làng mở hội ăn mừng. Nhưng đó cũng là ngày cuối mà em gặp thầy. Lũ quét ở miền Trung cướp đi bao sinh mệnh, thầy biết tin tức đó liền viết thư ứng cử tham gia đoàn cứu trợ tình nguyện. Ngày em mang niềm vui về bản, ngày thầy lại rời đi trong bao nhiều nỗi nhớ của đám học trò, của mội con người chấc phác nơi đây. Đặc biệt là em, em chạy theo thầy như lần chạy theo chuyến xe chở cô giáo rời bản. Nhưng lần này em đã kịp, kịp trao thầy một cành dẻ mang đầy kỉ niệm, mang đầy nhớ thương cho nhưng năm tháng thầy bám bản, cho những năm tháng thầy đi từng nét phấn trên tấm bảng đen, cho những năm tháng hy sinh thanh xuân đầy mơ mộng của chàng trai Thủ đô để đưa con chữ đến với bản, với em và với đám trẻ của bản sau này.

Không biết từ bao giờ, em không còn so sánh thầy giáo với cô giáo nữa, bởi lẽ kí ức cúa đứa trẻ 7 tuổi ấy về cô không còn rõ ràng nữa, em nhớ cô dịu dàng và hiền từ nhưng không còn nhớ giọng cô ngọt ra sao, hơi ấm từ bàn tay cô cũng dần nhạt phai theo năm tháng. Hiên tại, em chỉ nhớ nét chữ cứng và đều của thầy, nhớ ánh mắt đáng sợ của thầy nhìn em kèm theo vết thước kẻ rõ đau trên mu bàn tay trái mỗi khi em cầm bút sai tay. Em từng ghét thầy lắm, vì thầy đánh em, khi em khóc thầy cũng rất luống cuống vỗ về nhưng rồi em hiểu, thầy cũng như cha em, mỗi lần em ốm mà khóc, cha cũng chỉ ngồi ở xa nhìn em lo lắng, còn mẹ mới là người ôm em, nhẹ ru cho em ngủ để cơn ốm sẽ biến mất vào ngày mai.

Bây giờ em đã đủ lớn để hiểu, thầy giáo vốn không cầm tay em tô chữ không phải vì thầy sợ bàn tay phải dị tật mà là thầy muốn em tự cố gắng vượt qua trở ngại của bản thân, từ đó sẽ trở thành bàn đạp để em vững vàng đối mặt với những khó khăn nhiều dần theo thời gian bằng chính sức của mình. Tuy vậy có điều em vẫn chưa biết, mỗi tối, dưới ánh đèn dầu mờ vàng, thầy cặm cụi đi nét thật mờ thật khéo các chữ cái trước trong tập của em giống như một quyển đồ chữ giúp em định hướng bút dễ dàng hơn. Và còn nhiều điều khác nữa. Phải tự em hiểu em mới thấy sự hy sinh của thầy lớn lao như thế nào.

---------------

Cô bé học trò ngày ấy bây giờ cũng đã là một giáo viên, trở về bản tiếp tục công việc mà cả thầy và cô giáo bỏ dở. Cô bé trở thành cô giáo đầy nghị lực và tâm huyết nhất cả vùng núi, mỗi sáng cùng các em học sinh lên lớp, mỗi chiều cô cùng các em phụ các mệ tưới rau, phát cỏ, công việc gì mà người con gái nơi đây cô đều làm được hết, với bàn tay phải thiếu ngón nó cũng không ngăn cô giơ cao cây cuốc cuốc từng thửa ruộng, với nỗ lực phi thường, từ một bé gái mặc cảm với cơ thể của bản thân, luôn thất bại trong mọi việc giờ đây là cô giáo được bao người yêu mếm từ bản làng đến huyện nhỏ xung quanh. Chỉ cần nhắc đến tên cô, ai cũng vui vẻ kể về câu chuyện của cô bé nghị lực.

Cô bé ấy đã đạt được mục tiêu, vẫn không quên cảm ơn người thầy đáng kính, những bức thư gửi thầy mãi chưa thấy hồi âm, vẫn đều đặn được gửi đi và chờ đợi câu nói "Thầy tin em làm được mà".

"Thầy ơi, em đã là một cô giáo rồi! Em ở bản dạy các em nhỏ con chữ, và cả bài thơ của thầy, em nào cũng thuộc làu như Năm điều Bác dạy vậy"

"Thầy ơi, bản giờ đổi mới, đường đã trám nhựa, con đường dẫn lên lớp học giờ bằng phẳng thật dễ đi. Lớp học được xây lại sơn vàng trông từ xa như là một Mặt Trời trên đồi. Mọi thứ đều mới chỉ có cây dẻ già vẫn vậy, vẫn đứng trước hiên chờ thầy. Thầy ơi, sao thầy chưa về bản, thầy ơi?"

------------------

Tiếng gà gáy kéo cô ra khỏi những kí ức buồn đẹp. Cô vươn vai, với tay tắt đèn soi bóng kí ức. Đến đây thôi, hãy để quá khứ yên nghỉ, một ngày nào đó nó sẽ trở lại. Còn bây giờ, ta phải hướng đến tương lai, đến một ngày mới đầy niềm vui và hạnh phúc.

------------------

Vẫn còn một điều mà cô không bao giờ biết được về thầy, không biết được vì sao những lá thư gửi đi mãi không có hồi âm, bởi lẽ thầy không thể.

Thầy đã ra đi trong dòng nước xiết khi cứu những em nhỏ miền Trung mắc kẹt trong trường học giữa tâm bão từ dạo ấy.

------------------

XXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXXX

Đây là bài viết Tri ân thầy cô, tui viết cho lớp để đăng web trường á mọi người mà chưa thấy được đăng, chắc là phải có chọn lọc chi đó.

Tui ban đầu tính tham gia viết Tri ân mà có cuộc thi, giải nhất cả chục triệu á mà thấy ai cũng đua nhau viết, tui mới tèn tèn viết được 2 tờ mà lũ bạn kể cả mấy thằng con trai chả hiểu sao tụi nó viết tận 5, 6 tờ, tui bỏ cuộc luôn á!

Mà tụi nó đa số theo mẫu, kiểu cấu trúc na ná mạng á nên tui thấy không ổn, ai cũng viết về trường, rồi kỉ niệm cấp 3.


*Lớp 10 thì 'Nay em đã là học sinh lớp 10, bước vào năm học đầu tiên của cấp ba tại ngôi trường XX thân yêu, chỉ còn hai năm nữa thôi...'


*Lớp 11 thì vầy 'Nay là một học sinh lớp 11, không còn là một đứa nhóc mới chập chững vào lớp 10 lạ thầy lạ lớp, mà là một học sinh ở năm học chuẩn bị cho năm 12 cùng bao nhiêu kiến thức mới, chỉ hai năm nữa thôi là phải rời xa mái trường XX với bao kỉ niệm...'


*Lớp 12 thì, ối giồi ôi 'Là một học sinh năm cuối cấp, không phải không ai cũng vui vẻ, mà tất cả đều hiện lên bao nhiêu kỉ niệm từ vui đến buồn để mà...'

Nghĩ nó chán...

Nên nếu bài tui đăng trên web trường tui sẽ bắn link qua đây để mọi ngừ coi ủng hộ luôn he!!
À khảo sát tí, có ai muốn coi phim classmade hơm, lớp tui có 1 film đó, dễ thương lắm nè, ủng hộ nha nha!!!!

/film bên trển á/
Link youtube nè:   


Nói chung thì theo nhận xét của tui thì film khá ổn mà giả trân quá, nếu nói về quá trình quay thì tui xin chấm điểm âm, tui không thích sự bảo thủ của quay phim và đạo diễn...
Vậy thôi!!
Cảm ơn đã ủng hộ nhe!!!!

____Mà bài viết có lỗi gì nói tui tui sửa nhe____

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top