Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Phần 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ÁO BỊ SÁP NHẬP VÀO ĐỨC 

 VÀO cuối năm 1937, vì lý do thay đổi công việc từ báo chí sang phát thanh, văn phòng chính của tôi được chuyển từ Berlin qua Vienna, nơi tôi đã làm việc trong thập kỷ trước. Dù tôi sẽ dành phần lớn thời gian trong 3 năm kế tiếp ở Đức, nhưng công việc mới bao quát toàn châu Âu sẽ giúp cho tôi có cái nhìn tổng thể về Đế chế Thứ Ba, đồng thời đặt tôi ở trong các quốc gia láng giềng mà sau này là nạn nhân của Hitler. Trong những ngày này, tôi di chuyển qua lại giữa Đức và quốc gia là đối tượng của cơn giận dữ của Hitler, do đó thu thập được những gì đã kinh qua để kể lại ở đây. Mặc dù cánh nhà báo chúng tôi chính mắt quan sát những gì đang xảy ra, điều lạ lùng là chúng tôi lại thật sự biết rất ít về căn nguyên của những sự việc ấy. Mưu đồ, thủ đoạn, hành vi phản trắc, quyết định có hậu quả quan trọng, thời khắc thiếu quyết đoán, hội đàm giữa những nhân vật trong cuộc – tất cả đều diễn ra trong vòng bí mật, tránh khỏi cặp mắt soi mói của những nhà ngoại giao, ký giả và điệp viên nước ngoài, vì thế trong nhiều năm được ít ai biết đến ngoại trừ vài người trong cuộc .

Chúng ta thường phải chờ cho đến khi đọc được những tài liệu mật và nghe lời khai của những nhân vật chính còn sống sót, nhưng phần lớn trong số họ không được tự do lúc vụ việc xảy ra, thậm chí nhiều người còn bị đưa vào trại tập trung của Quốc xã. Vì thế đa phần những gì ghi ra đây là dựa trên chứng cứ được thu thập từ năm 1945. Nhưng có lẽ cũng hữu ích khi một người kể lại lịch sử như thế này lại được có mặt tại những biến cố chính và các bước ngoặt này của lịch sử. Do tình cờ mà tôi có mặt ở Vienna vào đêm ngày 11 rạng sáng 12 tháng 3 năm 1938, cũng chính là thời điểm đáng nhớ khi nước Áo bị thôn tính .

Hơn một tháng nay, thủ đô nằm bên bờ sông Danube xinh đẹp này sống trong lo âu. Tiến sĩ Kurt von Schuschnigg, Thủ tướng Áo, sau này nhớ lại khoảng thời gian từ 12 tháng 2 và 11 tháng 3 năm 1938 là "Bốn tuần đau khổ". Đại sứFranz von Papen của Đức tại Áo vẫn tiếp tục bỏ công sức nhằm lũng đoạn nền độc lập của Áo và sáp nhập quốc gia này vào Đức. Năm sau, ông báo cáo là "chỉ có thể đạt tiến triển nếu tạo áp lực mạnh lên Thủ tướng [Schuschnigg]". Chẳng bao lâu, ý kiến tham mưu này được mang ra thi hành vượt trên cả mức ông có thể nghĩ đến .

Suốt năm 1937, với sự tài trợ và thúc giục từ Berlin, Quốc xã Áo gia tăng chiến dịch khủng bố. Bom nổ hầu như mỗi ngày trên đất Áo, biểu tình diễn ra rầm rộ ở những tỉnh miền núi và thường gây bạo lực khiến cho Chính phủ suy yếu dần. Kế hoạch bị lộ cho thấy đám côn đồ Quốc xã đang chuẩn bị loại bỏ Schuschnigg giống như họ đã làm đối với người tiền nhiệm của ông .

Cuối cùng, ngày 25 tháng 1 năm 1938, cảnh sát Áo bố ráp văn phòng Trung ương bí mật của Quốc xã nằm vùng. Họ tìm thấy tài liệu chỉ rõ Quốc xã Áo sẽ phát động cuộc nổi dậy vào mùa xuân năm nay và khi Schuschnigg cố đàn áp, Quân đội Đức sẽ tiến vào Áo để ngăn "máu Đức bị đổ do người Đức". Theo Papen, một trong những tài liệu này là kế hoạch ám sát ông hoặc tuỳ viên quân sự của ông, Trung tướng Muff, để tạo lý do cho Đức can thiệp .

Trong khi con người yêu đời Papen không lấy gì làm vui khi biết lần thứ hai cá nhân mình là mục tiêu cho Quốc xã hạ sát theo lệnh của lãnh đạo Đảng ở Berlin, nhưng ông lại càng buồn thêm lúc nhận tin mình bị sa thải cùng với Neurath, Fritsch và vài người khác .

Sau này, ông kể: "Tôi kinh ngạc đến nỗi gần như không nói được gì." Khi bình tĩnh lại, Papen nhận ra rằng Hitler hẳn quyết định sẽ hành động mạnh hơn ở Áo, sau khi đã thanh trừng Neurath, Fritsch và Blomberg. Ông quyết định lưu trữ mọi văn thư trao đổi với Hitler "ở một nơi an toàn", tức là Thuỵ Sĩ. Ông nói: "Tôi đã quá quen với những chiến dịch bôi nhọ của Đế chế Thứ Ba." Như ta đã thấy, việc bôi nhọ khiến cho ông suýt mất mạng vào tháng 6 năm 1934. Việc cách chức Papen cũng là lời cảnh báo cho Schuschnigg. Vị Thủ tướng Áo không tin tưởng Papen lắm, nhưng thấy ngay là hẳn Hitler có ý đồ gì khác trong đầu ngoài việc cách chức một đại sứ quỷ quyệt. Trong mấy tháng gần đây, chính trường châu Âu không được thuận lợi cho Áo. Từ khi thành lập Trục Ý-Đức, Mussolini càng thân cận hơn với Hitler và chẳng còn mặn mà với việc duy trì nền độc lập cho Áo như lúc Dollfuss bị ám sát. Ngay cả nước Anh dưới Chính phủ mới của Chamberlain cũng muốn xoa dịu Hitler, còn Pháp thì đang rối bời vì xung đột nội bộ, cũng chẳng còn quan tâm đến việc bảo vệ Áo nếu Hitler tấn công. Và bây giờ, Papen ra đi cùng với nhóm bảo thủ trong Quân đội và Bộ Ngoại giao của Đức. Là người có tầm nhìn hạn hẹp nhưng thông minh, Schuschnigg hiểu rõ vị thế của mình đang đi xuống. Đã đến lúc nên xoa dịu thêm nhà độc tài Đức .

Dù đã bị bãi chức, nhưng Papen vẫn cố tạo một cơ hội. Là con người không phiền hà lắm nếu bị cái tát từ cấp trên, 1 ngày sau khi mất chức ông vội đi gặp Hitler "để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra". Ngày 5 tháng 2 năm 1938, ở Berchtesgaden ông thấy Lãnh tụ đang "mệt mỏi và lơ đãng" vì cuộc tranh đấu với các tướng lĩnh. Nhưng Hitler có khả năng hồi phục mạnh mẽ và ông chú ý ngay đến đề nghị của nhà ngoại giao bị thất sủng: Tại sao không đích thân tính toán với Schuschnigg? Tại sao không mời ông ấy đến Berchtesgaden để trao đổi riêng? Không màng đến việc mình vừa cách chức Papen, Hitler phái ông này quay lại Vienna để dàn xếp cuộc hội đàm .

Schuschnigg đồng ý, tuy ở vào vị thế bất lợi, nhưng ông vẫn đưa ra vài điều kiện. Ông cần biết trước những điểm Hitler muốn thảo luận và muốn Hitler cam kết trước là vẫn tôn trọng Hiệp định Áo-Đức ngày 11 tháng 7 năm 1936, trong đó Đức đã hứa rằng sẽ tôn trọng nền độc lập của Áo. Thêm nữa, thông cáo chung sau buổi hội đàm cũng phải tái xác nhận 2 bên tiếp tục tôn trọng hiệp định đó .

Papen vội quay về Berchtesgaden để hội ý với Hitler và trở lại với lời cam kết của Lãnh tụ rằng hiệp định vào năm 1936 vẫn không thay đổi, Hitler chỉ muốn thảo luận "những chuyện hiểu lầm và những điểm xích mích". Như thế là không chính xác như những gì Schuschnigg đã yêu cầu, nhưng ông cũng chấp nhận câu trả lời. Buổi hội đàm được định vào sáng ngày 12 tháng 2 năm 1938. Đây là ngày kỷ niệm 4 năm việc sát hại các Đảng viên Dân chủ Xã hội Áo bởi Chính phủ Dollfuss, mà lúc ấy Schuschnigg là thành viên. Khi đó, vào ngày 11 tháng 2 năm 1934, 17.000 quân của Chính phủ cùng lực lượng bán vũ trang Phát xít đã dùng pháo binh bắn chết khoảng 1.000 người kể cả phụ nữ và trẻ em, làm bị thương 3 đến 4 nghìn người khác. Quyền tự do chính trị dân chủ bị tiêu diệt, Dollfuss rồi Schuschnigg điều hành đất nước như là nhà độc tài. Chế độ của họ hiền hoà hơn Quốc xã, như những người làm việc ở cả Đức và Áo có thể minh chứng. Tuy thế chế độ này vẫn tước đoạt quyền tự do chính trị của dân Áo .

Buổi chiều 11 tháng 2 năm 1938, Schuschnigg cùng với Thứ trưởng Ngoại giao Guido Schmidt bí mật đáp chuyến tàu hoả đặc biệt đến Salzburg, rồi từ đây đi ô tô đến khu nghỉ dưỡng của Hitler .

Và đó chính là một cuộc hành trình định mệnh .

CUỘC HỘI ĐÀM TẠI BERCHTESGADEN: 12 THÁNG 2, 1938 Papen ra đón đoàn Áo tại biên giới với thái độ rất vui vẻ, đồng thời ông cũng trấn an các vị khách là Hitler đã tỏ ra rất thoải mái vào sáng hôm nay. Và rồi có một điềm không hay. Papen nói một cách ôn hoà rằng Lãnh tụ hy vọng Tiến sĩ Schuschnigg sẽ không phiền trước sự hiện diện của 3 tướng lĩnh tình cờ mới đến: tân Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực Keitel, Reicheneau Tư lệnh Quân khu Biên giới Bavaria-Áo và Sperrle Tư lệnh Không quân trong vùng .

Schuschnigg trả lời rằng ông không cảm thấy phiền hà, nhất là khi ông "không có quyền quyết định việc này" .

Nhưng Schuschnigg đã không chuẩn bị tinh thần cho những gì sắp diễn ra. Hitler mặc áo đồng phục màu nâu của lực lượng S.A. với quần đen, hai bên là 3 vị tướng, đón tiếp vị Thủ tướng Áo và người phụ tá ở bậc thềm. Schuschnigg nghĩ đây là cách đón tiếp thân mật nhưng nghiêm chỉnh. Lát sau, ông ngồi một mình cùng với nhà độc tài Đức trong phòng đọc sách rộng rãi trên tầng 2, với những cửa sổ lớn nhìn lên dãy núi Alps phủ tuyết và xa nữa là nước Áo, sinh quán của cả 2 người .

Thủ tướng Kurt von Schuschnigg 41 tuổi, với phong thái Áo cổ xưa, lẽ tự nhiên là bắt đầu câu chuyện với ngôn từ ca ngợi phong cảnh tuyệt vời, thời tiết đẹp đẽ sáng nay và lời tâng bốc rằng gian phòng này hẳn là không gian cho những quyết định quan trọng .

Adolf Hitler ngắt lời: "Chúng ta gặp ở đây không phải để nói về phong cảnh đẹp hay thời tiết tốt." Thế rồi, bão táp ập đến. Như vị Thủ tướng Áo kể lại, 2 giờ kế tiếp là "cuộc đối thoại gần như một chiều". Sau này, Tiến sĩ Schuschnigg viết lại từ trí nhớ "những đoạn quan trọng" của cuộc đối thoại một chiều ấy. Tuy không ghi chép nguyên văn, ông vẫn thể hiện trung thực cho những ai đã từng nghe và nghiên cứu lời phát biểu của Hitler. Nội dung này đã được những người hiện diện xác nhận, đặc biệt là Papen, Jodl và Guido Schmidt. Tôi dựa theo lời tường thuật của Schuschnigg trong cuốn sách ông viết có tựa đề Austrian Requiem (Bài cầu hồn cho nước Áo) và tờ cung khai ông nộp cho Toà án Nuremberg .

Hitler nói với Schuschnigg: "Ông đã tìm mọi cách để né tránh một chính sách thân thiện... Cả lịch sử của Áo chỉ là những hành vi phản bội không ngừng. Trong quá khứ là như thế và hiện tại cũng không khá hơn. Đã đến lúc phải chấm dứt điều nghịch lý lịch sử này. Và tôi có thể nói cho ông biết, ông Schuschnigg, rằng tôi dứt khoát muốn chấm dứt mọi chuyện. Đế chế Đức là một trong những cường quốc vĩ đại nhất và sẽ không ai lên tiếng nếu Đế chế này giải quyết vấn đề biên giới của mình." Bị sốc vì cơn giận dữ của Hitler, vị Thủ tướng Áo vốn có tư thái trầm tĩnh cố giữ sự hoà dịu nhưng vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông nói ông nghĩ khác với Hitler về vai trò của Áo trong lịch sử Đức: "Sự đóng góp của Áo về phương diện này là đáng kể." HITLER: Hoàn toàn là không. Tôi cho ông biết, hoàn toàn là không. Suốt dòng lịch sử Áo đều phá hoại mọi ý tưởng quốc gia và thực ra mọi việc phá hoại chủ yếu là từ hành động của Habsburg và Giáo hội Công giáo. SCHUSCHNIGG: Cũng thế, thưa ngài Thủ tướng Đế chế, nhiều đóng góp của Áo không thể tách rời khỏi toàn cảnh của nền văn hoá Đức. Lấy ví dụ Beethoven... HITLER: À, Beethoven? Tôi cho ông biết là Beethoven đến từ vùng Rhineland Hạ .

SCHUSCHNIGG: Tuy vậy Áo là quốc gia mà ông ấy chọn, giống như nhiều người khác... HITLER: Có thể là vậy. Tôi muốn cho ông biết là vụ việc không thể tiếp tục như thế này. Tôi có một sứ mệnh lịch sử và tôi sẽ hoàn thành sứ mệnh này vì Ơn Trên đã chỉ định tôi phải làm như thế ... ai chống tôi sẽ bị nghiền nát... Tôi đã chọn lựa con đường gian khổ nhất mà chưa từng có người Đức nào chọn, tôi đã đạt được những thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử của Đức, vĩ đại hơn bất kỳ người Đức nào khác. Và ông nên nhớ, không phải bằng vũ lực. Tôi được lòng yêu mến của nhân dân tôi thúc đẩy... SCHUSCHNIGG: Thưa ngài Thủ tướng Đế chế, tôi sẵn lòng tin như thế .

Sau 1 giờ trao đổi theo cách này, Schuschnigg yêu cầu Hitler nêu ra những điều phía Đức than phiền .

SCHUSCHNIGG: Chúng tôi sẽ làm mọi cách để dẹp bỏ trở ngại nhằm đi đến sự cảm thông tốt hơn và cảm thông càng sâu xa càng tốt .

HITLER: Đó là điều ông nói, ông Schuschnigg ạ. Nhưng tôi muốn cho ông biết là tôi sẽ giải quyết cái gọi là vấn đề Áo bằng cách này hoặc cách khác .

Rồi Hitler thốt lên một tràng chỉ trích Áo đã tăng cường vùng biên giới với Đức và Schuschnigg phủ nhận .

HITLER: Nghe đây, ông không thật sự nghĩ ông có thể di chuyển một tảng đá ở Áo mà tôi không biết, đúng không?.... Tôi chỉ cần ra lệnh, rồi chỉ trong một đêm duy nhất mọi cơ cấu phòng thủ nực cười của ông sẽ bị bắn tan tác. Ông không nghiêm túc tin rằng có thể chống chọi lại tôi trong nửa giờ, đúng không?.... Tôi rất muốn tránh cho Áo cái cảnh đó, vì hành động như thế có nghĩa là phải đổ máu. Sau khi Quân đội, lực lượng S.A. của tôi và Binh đoàn Áo tràn qua, không ai có thể ngăn họ báo thù theo cách công bằng – ngay cả tôi cũng không ngăn được .

Sau những lời đe doạ này, Hitler nhắc nhở Schuschnigg (luôn luôn gọi tên ông này một cách thô lỗ, thay vì gọi theo chức vụ mà quy tắc ứng xử lịch sự trong ngành ngoại giao đòi hỏi) về vị thế cô lập và vô vọng của Áo .

HITLER: Đừng lúc nào cũng nghĩ có ai trên Trái Đất này sẽ có thể lay chuyển được quyết định của tôi. Nước Ý? Tôi và Mussolini thân thiết với nhau... Anh quốc? Anh sẽ không động một ngón tay nào vì Áo... Còn Pháp? Hitler nói đáng lẽ Pháp có thể chặn đứng Đức trong vùng Rhineland "và lúc ấy chúng tôi hẳn đã phải rút lui. Nhưng bây giờ thì đã quá muộn đối với Pháp." Cuối cùng: HITLER: Một lần nữa và cũng là lần cuối, tôi cho ông một cơ hội để dàn hoà, ông Schuschnigg ạ. Hoặc là chúng ta phải tìm ra một giải pháp, hoặc là cứ để cho các biến cố tự chúng diễn ra... Hãy suy nghĩ kỹ, ông Schuschnigg. Tôi chỉ có thể chờ đợi cho đến chiều nay .

Schuschnigg hỏi, chính xác những điều kiện của Thủ tướng Đức là gì? HITLER đáp: "Chúng ta sẽ thảo luận chiều nay." Trong bữa ăn trưa, Schuschnigg ngạc nhiên nhận thấy Hitler tỏ ra rất dễ chịu. Ông độc thoại về những đề tài ngựa và nhà cửa. Ông định xây những toà nhà chọc trời to lớn mà thế giới chưa từng thấy. Ông nói với Schuschnigg: "Người Mỹ sẽ thấy là Đức đang xây những toà nhà lớn hơn và tốt hơn nước Mỹ." Về phía Thủ tướng Áo, Papen nhận thấy ông có vẻ "lo lắng và phân tâm". Là người hút thuốc liên tục, ông không được phép hút vì sự hiện diện của Hitler. Nhưng sau khi dùng cà phê trong phòng bên, Hitler xin kiếu ra ngoài và lần đầu tiên trong ngày Schuschnigg mới có dịp rít một điếu. Ông cũng có thể thuật lại cho Thứ trưởng Ngoại giao Guido Schmidt về tình hình không ổn. Chẳng bao lâu, tình hình ngày càng tồi tệ hơn .

Sau 2 giờ bồn chồn chờ đợi ngoài tiền phòng, 2 vị khách Áo được đưa vào gặp tân Ngoại trưởng Đức Ribbentrop và Papen. Ribbentrop đưa ra một bản thảo đánh máy dài 2 trang của một "hiệp định" và nói rằng đó là đòi hỏi cuối cùng của Hitler và rằng Lãnh tụ không cho phép thảo luận gì về văn bản này. Việc cần duy nhất họ cần làm là ký kết. Schuschnigg nói ông cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất biết được cụ thể Hitler muốn gì. Nhưng khi đọc qua văn bản, sự nhẹ nhõm liền tiêu tan. Vì trên thực tế, hiệp định đó chính là tối hậu thư đòi ông phải chuyển giao Chính phủ Áo cho Đảng Quốc xã Áo trong vòng 1 tuần .

Áo phải bãi bỏ lệnh cấm Đảng Quốc xã Áo, ân xá mọi Đảng viên Quốc xã đang ngồi tù, chỉ định vị luật sư thân Quốc xã Tiến sĩ Seyss-Inquart làm Bộ trưởng Nội vụ với quyền chỉ huy các lực lượng cảnh sát và an ninh. Một người thân Quốc xã khác, Glaise-Horstenau, sẽ là Bộ trưởng Chiến tranh. Hai Quân đội Áo và Đức phải thiết lập quan hệ gần gũi hơn qua một số biện pháp, kể cả trao đổi qua lại 100 sĩ quan. Đòi hỏi cuối cùng viết: "Sẽ có bước chuẩn bị để sáp nhập nền kinh tế Áo vào hệ thống kinh tế của Đức. Để thực hiện mục đích này, Tiến sĩ Fischboeck [một người thân Quốc xã] sẽ được chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính." Schuschnigg lập tức nhận ra rằng chấp nhận tối hậu thư này có nghĩa là Áo sẽ mất quyền tự chủ .

"Ribbentrop khuyên tôi nên chấp nhận ngay những yêu cầu này. Tôi phản đối và nói cho ông ấy biết về những thoả thuận giữa tôi và von Papen trước khi đi đến Berchtesgaden, đồng thời vạch rõ với Ribbentrop rằng tôi đã không chuẩn bị để đối diện với những đòi hỏi không hợp lý như thế..." Nhưng liệu Schuschnigg có chuẩn bị để chấp thuận hay không? Hiển nhiên là ông đã không chuẩn bị gì để đối diện ngay cả với một người ngu xuẩn như Ribbentrop. Vấn đề là: Liệu ông có ký kết văn bản đó hay không? Trong thời khắc khó khăn và có tính quyết định này, vị Thủ tướng Áo trẻ bắt đầu tỏ ra nhụt chí. Theo chính lời ông kể, ông đã hỏi lại một cách yếu ớt: "Liệu chúng tôi có thể tin vào lòng thành của Đức, liệu Chính phủ Đế chế có chút ý định nào tuân thủ hiệp định này về phần mình hay không?" Ông nói ông nhận được câu trả lời khẳng định .

Rồi Papen thuyết phục ông. Vị đại sứ láu cá nhận thấy Schuschnigg lấy làm lạ khi đọc bản tối hậu thư. Đó là "sự can thiệp không thể biện minh được vào chủ quyền của Áo". Schuschnigg nói Papen xin lỗi ông và tỏ ý "hoàn toàn ngạc nhiên" với các điều khoản, nhưng lại khuyên vị Thủ tướng Áo nên ký kết .

"Ông ấy còn báo cho tôi biết rằng nên an tâm một điều là nếu tôi ký chấp nhận những đòi hỏi ấy, thì Hitler đảm bảo từ lúc này trở đi, Đức sẽ tôn trọng hiệp định này và Áo sẽ không bị khó khăn nào khác" .

Theo lời phát biểu trên, được ghi trong bản cung khai nộp trước Toà án Nuremberg, có vẻ như Schuschnigg không những đã nhụt chí mà còn tỏ ra quá ngây thơ .

Ông có cơ hội cuối cùng để bày tỏ quan điểm. Ông được gọi vào gặp Hitler. Ông thấy Lãnh tụ đang đi đi lại lại một cách phấn khởi .

HITLER: ... Chẳng có gì phải đàm phán. Tôi không muốn thay đổi một mảy may. Hoặc ông ký vào như thế và hoàn tất những yêu cầu của tôi trong vòng 3 ngày, hoặc tôi sẽ phát lệnh [Quân đội Đức] tiến vào Áo .

Schuschnigg chịu thua. Ông bảo Hitler rằng ông chịu ký, Nhưng ông nhắc Hitler rằng theo Hiến pháp của Áo, chỉ Tổng thống Áo mới có quyền hạn theo luật định để ký kết và thi hành một hiệp định như thế. Vì vậy, ông chỉ có thể sẵn lòng kêu gọi Tổng thống nên chấp nhận, ngoài ra thì ông không thể đảm bảo được gì khác .

Hitler nói lớn: "Ông phải đảm bảo!" Schuschnigg nói mình đã trả lời: "Tôi không thể nào, thưa Ngài Thủ tướng Đế chế." Schuschnigg sau này kể lại: "Với câu trả lời này, Hitler dường như mất hết bình tình. Ông chạy ra mở cửa, kêu lớn: 'Tướng Keitel!' Rồi quay lại với Schuschnigg, Hitler nói: 'Tôi sẽ cho người gọi ông sau'." Đó chỉ là trò hù doạ, nhưng với vị Thủ tướng Áo đang bối rối vì cả ngày luôn nhớ đến sự hiện diện của các tướng lĩnh, có lẽ lại không hiểu. Papen kể rằng sau này Keitel cho ông biết: khi ông vội chạy vào, Hitler toe toét cười, chào rồi khúc khích nói: "Không có lệnh gì cả. Tôi chỉ muốn ông có mặt ở đây." Nhưng Schuschnigg và Tiến sĩ Schmidt, đang đứng đợi bên ngoài, thì bị chấn động tinh thần. Schmidt thầm thì rằng ông sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu cả 2 bị bắt giam trong vòng 5 phút sắp tới. 30 phút sau, Schuschnigg lại được mời vào. Hitler nói: "Tôi đã quyết định đổi ý – lần đầu tiên trong đời tôi. Nhưng tôi cảnh cáo ông, đây là lần cuối. Tôi cho ông thêm 3 ngày để thực hiện hiệp định" .

Đó là mức nhượng bộ của nhà độc tài Đức. Theo lời khai của Schuschnigg sau này, dù câu từ của bản hiệp định hoàn chỉnh thay đổi thì kết quả vẫn chẳng có gì khác biệt. Schuschnigg chịu ký kết. Và đó chính là giây báo tử cho nước Áo .

Schuschnigg, nhà chính trị lão luyện cho dù tuổi còn trẻ, quả đúng thật là một người dũng cảm. Nhưng việc ông nhượng bộ Hitler khi bị hăm doạ tấn công bằng quân sự đã để lại nhiều ngờ vực cho dân Áo, cũng như cho những nhà quan sát và sử gia mà không ai giải đáp được. Có thực sự cần thiết phải nhượng bộ không? Có chọn lựa nào khác không? Xét theo thái độ của Anh và Pháp khi đối mặt với Hitler, sẽ là hấp tấp nếu nghĩ rằng 2 nước này có thể đến hỗ trợ Áo khi Hitler tấn công. Nhưng cho đến lúc này, Hitler chưa xâm phạm biên giới Áo và cũng chưa chuẩn bị trước dư luận trong nước và thế giới cho hành vi hiếu chiến bừa bãi như thế. Quân đội Đức cũng chưa đủ sẵn sàng cho chiến tranh nếu Pháp và Anh can thiệp .

Do hậu quả của "hiệp định" Berchtesgaden, trong vòng vài tuần, Áo sẽ bị suy yếu vì những mưu đồ của Quốc xã địa phương và Đức, đến mức Đức có thể xâm chiếm Áo mà nguy cơ bị rủi ro nước ngoài can thiệp là rất thấp. Sau này, Schuschnigg nhận ra rằng chấp nhận những điều khoản của Hitler "là đồng nghĩa với việc kết thúc hoàn toàn nền độc lập của Chính phủ Áo" .

Có lẽ đầu óc của Schuschnigg đã trở nên mụ mị trong cơn thử thách. Sau khi ký bản hiệp định hy sinh nền độc lập của đất nước ông, Schuschnigg còn trao đổi với Hitler một cách lạ lùng mà sau này ông ghi lại trong cuốn sách của mình, ông hỏi: "Liệu Thủ tướng Đế chế có tin rằng có thể giải quyết những cuộc khủng hoảng trên thế giới theo cách thức hoà hoãn hay không?" Lãnh tụ trả lời một cách không tưởng: "Nếu nghe theo lời khuyên của tôi." Theo đây, Schuschnigg nói mà không có vẻ mỉa mai: "Vào lúc này tình hình thế giới có vẻ khá hứa hẹn, ông có nghĩ thế không?" Những lời phát biểu như vậy vào thời điểm đó nghe ra là khá khó tin, nhưng đó là những gì Schuschnigg cho biết mình đã nói ra .

Hitler còn sỉ nhục ông thêm lần nữa. Khi Schuschnigg đề nghị là trong bản thông cáo báo chí, cần ghi cuộc hội đàm tái xác nhận hiệp định tháng 7 năm 1936, Hitler trả lời: "À, không! Ông phải hoàn tất những điều kiện trong hiệp định của chúng ta trước. Đây là câu thông báo cho thế giới: 'Hôm nay Lãnh tụ và là Thủ tướng Đế chế hội ý với Thủ tướng Áo ở Berchtesgaden.' Sẽ chỉ có thế." Schuschnigg và Schmidt từ chối ở lại để dùng bữa tối theo lời mời của Lãnh tụ. Xe đưa 2 người chạy xuống dọc các triền núi để trở về. Đó là một đêm mùa đông, trời xám và có sương mù. Papen đi cùng 2 người đến tận biên giới và cảm thấy có phần ngượng nghịu vì cái mà ông gọi là "sự im lìm nặng nề". Ông không ngừng cố gắng vực dậy tinh thần 2 người bạn Áo của mình. Ông nói với họ: "À, bây giờ thì các anh đã thấy đôi lúc Lãnh tụ là như thế nào rồi đấy. Nhưng lần sau, tôi đoan chắc sẽ khác đi. Ông biết đó, Lãnh tụ có thể rất lôi cuốn."BỐN TUẦN KHỔ SỞ 12 THÁNG 2 ĐẾN 11 THÁNG 3, 1938 Hitler đã cho Schuschnigg 4 ngày tức là đến thứ Ba, 15 tháng 2 năm 1938 – để trả lời sẽ thi hành tối hậu thư và thêm 3 ngày – tức là đến 18 tháng 2 – để hoàn tất các điều khoản cụ thể. Schuschnigg trở về Vienna sáng ngày 12 tháng 2 và lập tức đến gặp Tổng thống Miklas .

Wilhelm Miklas là người ù lì, xoàng xĩnh mà dân Vienna nói thành tựu chính yếu của ông chỉ là làm cha của một bầy con đông đúc. Nhưng trong con người ông có phần rắn rỏi của nông dân và trong cuộc khủng hoảng này, tuổi 52 ông lại tỏ ra can đảm hơn bất kỳ người Áo nào khác. Ông sẵn lòng nhượng bộ Hitler vài điểm như ân xá Quốc xã Áo, nhưng chống lại việc bổ nhiệm Seyss-Inquart để chỉ huy các lực lượng cảnh sát và Quân đội .

Papen báo cáo việc này về Berlin tối ngày 14 tháng 2. Ông nói, Schuschnigg hy vọng thuyết phục được Tổng thống ngày hôm sau .

Vào 7 giờ 30 tối cùng ngày, Hitler chấp thuận chỉ thị do Tướng Keitel đề xuất để tạo áp lực quân sự lên Áo .

"Hãy lan truyền tin tức thất thiệt nhưng nghe có vẻ tin được, để người ta nghĩ rằng đang có những bước chuẩn bị chống lại Áo" .

Thật ra, Schuschnigg vừa rời khỏi Berchtesgaden thì Lãnh tụ đã bắt đầu có động thái quân sự để thúc ép Thủ tướng Áo thi hành hiệp định đã ký. Jodl ghi việc này trong nhật ký của mình .

13 tháng 2. Tướng K[eitel] gọi Đô đốc C[anaris] và tôi vào căn hộ của ông. Ông bảo lệnh của Lãnh tụ là phải tạo ra sức ép quân sự... cho đến ngày 15. Soạn thảo những biện pháp và trình cho Lãnh tụ qua điện thoại .

14 tháng 2. Hiệu quả đến nhanh và mạnh. Áo đã có ấn tượng là Đức đang có những bước chuẩn bị quân sự nghiêm túc .

Tướng Jodl quả thật đã không quá lời. Trước sự đe doạ bị tấn công bằng vũ lực, Tổng thống Miklas nhượng bộ. Vào ngày cuối của kỳ hạn 15 tháng 2, Schuschnigg chính thức thông báo với Đại sứ von Papen là sẽ thi hành Hiệp định Berchtesgaden trước ngày 18 tháng 2. Ngày 16 tháng 2, Chính phủ Áo thông báo ân xá cho Đảng viên Quốc xã, kể cả người bị kết án trong vụ sát hại Dollfuss, đồng thời chỉ định Arthur Seyss-Inquart làm Bộ trưởng Công an. Ngày hôm sau, vị Bộ trưởng thân Quốc xã này vội đi Berlin để gặp Hitler và nhận chỉ thị .

Seyss-Inquart, đứng đầu trong số những kẻ phản quốc, là một luật sư trẻ thông minh, có tư cách dễ chịu, từ năm 1918 đã chất chứa lòng mong mỏi được thấy Áo sáp nhập vào Đức. Đây là ý tưởng được nhiều người ủng hộ trong vài năm đầu sau Thế chiến I. Ngày 12 tháng 11 năm 1918, một ngày sau ngày đình chiến, Quốc hội Lâm thời Áo sau khi lật đổ vương triều Habsburg và thiết lập nền Cộng hoà Áo xác nhận "Áo của Đức là một thành phần của Cộng hoà Đức." Nhưng các nước Đồng minh không cho phép sáp nhập .

Đến khi Hitler nắm quyền năm 1933, chắc chắn là đa số người Áo vẫn không muốn sáp nhập Áo vào Đức. Nhưng Seyss-Inquart, như ông khai trước phiên xử ở Toà án Nuremberg, Quốc xã vẫn quyết tâm thực hiện việc sáp nhập, vì thế ông ủng hộ họ. Ông không gia nhập Đảng và không tham dự vào những vụ bạo hành. Thay vào đó, ông giữ vai trò làm bình phong được trọng vọng của Quốc xã Áo. Sau hiệp định tháng 7 năm 1936, ông tập trung nỗ lực lũng đoạn Áo từ bên trong với sự trợ giúp của Papen và những viên chức Đức khác. Điều lạ lùng là cả Schuschnigg và Miklas đều tin tưởng ông hết mức, có lẽ nhờ ông theo Công giáo, chịu khó đi lễ nhà thờ thường xuyên và là thương binh trong Thế chiến I .

Không may là Schuschnigg lại thiếu khả năng đánh giá người dựa trên luận cứ có cơ sở hơn. Có lẽ ông đã nghĩ có thể kiềm chế người bạn của mình qua những món hối lộ đơn giản. Cuốn sách của ông kể về ma lực của 500 đô đối với Seyss-Inquart vào năm ngoái, khi ông này đe doạ rời bỏ chức vụ Cố vấn Nhà nước rồi suy nghĩ lại sau khi nhận được số tiền nhỏ nhoi như thế. Nhưng Hitler có món quà lớn hơn để nhử ông luật sư đầy tham vọng và Schuschnigg chẳng bao lâu nữa sẽ nhận ra điều đó .

Ngày 20 tháng 2 năm 1938, Hitler đọc bài diễn văn trước phiên họp Nghị viện, vốn đã được dời từ ngày 30 tháng 1 do cuộc khủng hoảng Blomberg-Fritsch và mưu đồ của ông ta nhằm chống Áo. Bên cạnh việc nồng nhiệt nói về "sự cảm thông" của Schuschnigg và việc "sẵn lòng hăng hái" nhằm mang đến sự thông cảm gần gũi hơn giữa Áo và Đức – là một lời bịp bợm nhưng lại tạo được ấn tượng cho Thủ tướng Anh Chamberlain, Lãnh tụ cũng đưa ra một lời cảnh cáo mà tuy London phớt lờ phần nào, nhưng lại khiến cho Áo và Tiệp Khắc chú ý .

"Có trên 10 triệu người Đức sống ở 2 nước tiếp giáp với biên giới của ta... Có một điều chắc chắn: Sự phân cách về chính trị khỏi Đế chế không được dẫn đến việc mất đi các quyền – đó là quyền tự quyết nói chung. Một cường quốc trên thế giới không chấp nhận việc có những đồng chí cùng chủng tộc thường xuyên chịu khổ sở vì họ có cảm tình hoặc muốn hợp nhất với cả dân tộc, với vận mệnh, với ý thức hệ. Quyền lợi của Đế chế Đức đòi hỏi sự bảo vệ của người Đức dọc biên giới, vì họ không có vị thế tự bản thân nỗ lực để được hưởng quyền tự do chính trị và tâm linh." Đó là lời tuyên cáo thẳng thừng, công khai rằng từ đây về sau Hitler xem tương lai của 7 triệu người Áo và 3 triệu người Đức Sudeten ở Tiệp Khắc như là chuyện nội bộ của Đế chế Thứ Ba .

4 ngày sau, ngày 24 tháng 2, Schuschnigg trả lời Hitler trong diễn văn đọc trước Nghị viện Áo – đại biểu của Nghị viện này cũng được chọn lựa bởi chế độ độc tài độc Đảng giống như ở Đức. Dù tỏ ý hoà hoãn với Đức, Schuschnigg nhấn mạnh là Áo đã nhượng bộ đến tận cùng giới hạn "nơi mà chúng ta phải dừng và nói: 'Đến đây thôi, không đi xa hơn'." Ông nói, Áo sẽ không bao giờ từ bỏ nền độc lập và chấm dứt với lời kêu gọi vang vọng: "Đỏ-Trắng-Đỏ cho đến khi chúng ta chết!" Sau chiến tranh, Schuschnigg viết: "Đối với tôi, ngày 20 tháng 2 là một ngày trọng đại". Ông bồn chồn chờ đợi phản ứng của Hitler đối với bài diễn văn có ý thách thức của mình .

Ngày hôm sau, Papen gửi điện về Berlin, khuyên Bộ Ngoại giao không nên quá câu nệ về bài diễn văn. Ông nói Schuschnigg đã phát biểu ý tưởng thiên quốc gia để vực lại vị thế của cá nhân của ông này trong nước, vì đã có những âm mưu lật đổ ông do đã nhượng bộ Đức ở Berchtesgaden. Cùng lúc, Papen thông báo với Berlin: "Công việc của Seyss-Inquart... đang tiến hành theo kế hoạch." Ngày tiếp theo, Papen, sau những năm tận tụy ở Áo đang đạt kết quả, nghỉ phép cùng với vị Thủ tướng Áo và đi trượt tuyết .

Bài diễn văn ngày 20 tháng 2 của Hitler được đài phát thanh Áo phát lại, làm dấy lên những cuộc biểu tình lớn của Quốc xã khắp nước Áo. Vì Seyss-Inquart trực tiếp chỉ huy cảnh sát, nên chính quyền cũng không cố gắng ngăn chặn Quốc xã. Chính phủ của Schuschnigg đang tan rã, nền kinh tế bắt đầu rối loạn. Nhiều người rút những số tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Các công ty nước ngoài đang lo lắng tới tấp gửi lệnh huỷ đơn đặt hàng. Du khách nước ngoài, một trong những nguồn ngoại tệ chính, đang sợ hãi lánh xa. Tình hình xem ra tuyệt vọng đến nỗi Otto xứ Habsburg, đang lưu vong nhưng mong mỏi lên ngai vàng, đã gửi thư (như Schuschnigg sau này tiết lộ) van nài ông dựa theo lời thề tỏ lòng trung thành với tư cách sĩ quan của Quân đội Đế quốc trước đây mà bổ nhiệm mình làm Thủ tướng nếu việc này có thể cứu nước Áo .

Trong nỗi tuyệt vọng, Schuschnigg quay sang giai cấp công nhân, dù cho trước đây ông đã đàn áp các nghiệp đoàn và Đảng Dân chủ Xã hội của họ. Những người này chiếm 42% số cử tri Áo và nếu trước đây đừng quá hẹp hòi thiển cận, chịu thu phục họ để tạo mối liên minh chống Quốc xã thì đáng lẽ ông đã có thể trấn áp thiểu số nhỏ Quốc xã một cách dễ dàng. Nhưng Schuschnigg thiếu bản lĩnh để làm như thế. Tuy bản thân tử tế và chính trực, nhưng ông lại luôn có ác cảm với nền dân chủ phương Tây và tha thiết với chế độ độc Đảng chuyên chế .

Đi ra từ nhà máy và nhà tù, nơi họ vừa được trả tự do cùng với người Quốc xã, những người Dân chủ Xã hội tụ họp để đáp lại lời kêu gọi của Schuschnigg và bỏ qua mọi chuyện trong quá khứ. Họ chỉ đòi hỏi những gì ông đã nhường cho Quốc xã: quyền thành lập Đảng chính trị riêng và truyền bá ý thức hệ riêng. Schuschnigg đồng ý, nhưng đã quá muộn .

Ngày 3 tháng 3, Tướng Jodl ghi vào nhật ký: "Vấn đề Áo đang trở nên cấp bách. Phải điều đến đó 100 sĩ quan. Lãnh tụ muốn đích thân gặp họ. Họ phải làm sao cho quân lực Áo sẽ chiến đấu chống lại ta, hoặc là chẳng chiến đấu gì cả." Ở thời khắc quan trọng này, Schuschnigg quyết định có thêm một động thái cuối cùng mà ông đã nghiền ngẫm trong đầu kể từ những ngày cuối tháng Hai khi Quốc xã bắt đầu chiếm các tỉnh, ông sẽ tổ chức trưng cầu dân Ông sẽ hỏi dân Áo liệu họ có muốn "một nước Áo tự do, độc lập, xã hội, Cơ đốc và thống nhất – Có hay Không?"Sau này ông viết: "Tôi nghĩ thời khắc cho một quyết định rõ ràng đã đến. Có vẻ như là vô trách nhiệm nếu trông chờ với 2 tay bị trói cho đến lúc trong vòng vài tuần, chúng ta cũng sẽ bị khoá miệng." Chẳng bao lâu sau khi trở về từ Berchtesgaden, Schuschnigg thăm dò Mussolini – người bảo vệ cho Áo – về những lời đe doạ của Hitler. Mussolini lập tức trả lời rằng lập trường của Ý về Áo vẫn không đổi. Nhưng ông cho rằng trưng cầu dân ý là sai lầm và khuyên Schuschnigg nên duy trì nước đi trước đây .

Tối ngày 9 tháng 3, Schuschnigg thông báo sẽ tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng 4 ngày sau, tức Chủ Nhật ngày 13 tháng 3 năm 1938. Theo lời khai của Tổng thống Miklas trong một phiên xử Quốc xã Áo ở Vienna sau chiến tranh, thì chính Pháp đã đề xuất ý kiến trưng cầu dân ý với Schuschnigg. Papen cũng viết như thế trong hồi ký của ông .

Hitler nổi cơn giận dữ khi nghe tin bất ngờ này. Jodl mô tả trong nhật ký ngày 10 tháng 3 về phản ứng đầu tiên ở Berlin: "Schuschnigg bất ngờ và không hề tham khảo các Bộ trưởng, ra lệnh trưng cầu vào Chủ Nhật ngày 13 tháng 3... Lãnh tụ nhất quyết không chấp nhận. Cùng đêm ngày 9, rạng ngày 10 tháng 3, ông gọi cho Goering. Tướng von Reichenau được triệu hồi từ uỷ ban Olympic Cairo. Tướng von Schobert [Tư lệnh Quân khu Munich dọc biên giới Áo] được lệnh đến trình diện, Bộ trưởng [Áo] Glaise-Horstenau đang ở... Palatinate cũng thế... Ribbentrop đang được giữ lại ở London. Neurath nắm Bộ Ngoại giao." Thứ Năm, ngày 10 tháng 3 năm 1938 có nhiều hoạt động tất bật ở Berlin. Hitler quyết định chiếm đóng Áo bằng quân sự. Các tướng lĩnh đều kinh ngạc. Nếu muốn ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg diễn ra ngày Chủ Nhật, Quân đội phải tiến vào Áo ngày Thứ Bảy và không hề có bất kỳ kế hoạch nào cho việc động binh khẩn cấp như thế. Hitler cho gọi Keitel đến lúc 10 giờ sáng. Trước khi đến gặp Lãnh tụ, Keitel hội ý với Jodl và Tướng Max von Viebahn của Văn phòng Tham mưu trưởng Hành quân. Jodl nhớ lại Phương án đặc biệt "Otto" đã được soạn thảo để can thiệp vào Áo. Vì đây là kế hoạch duy nhất cho hành động quân sự chống Áo, nên Hitler đã ra lệnh: "Chuẩn bị Phương án Otto." Keitel chạy vội về Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực ở khu Bendlerstrasse để hội ý với Tướng Tham mưu trưởng Lục quân Beck. Khi ông hỏi về chi tiết của Phương án Otto, Beck trả lời: "Chúng ta chưa soạn gì cả, chẳng có gì cả." Đến phiên Beck được triệu đến Phủ Thủ tướng. Ông tóm được Tướng von Manstein đang chuẩn bị rời Berlin để nhận một nhiệm vụ cấp sư đoàn, rồi 2 người cùng đến gặp Hitler. Họ nhận lệnh là Quân đội phải sẵn sàng để tiến quân sang Áo ngày Thứ Bảy .

Cả hai tướng đều không phản đối ý định hành động quân sự này. Họ chỉ quan ngại về khó khăn trong kế hoạch hành quân gấp rút như thế. Manstein trở về Bendlerstrasse, soạn ra những chỉ thị cần thiết rồi hoàn tất trong vòng 5 tiếng đồng hồ, tức là lúc 6 giờ chiều hôm đó .

Lúc 6 giờ 30 chiều, lệnh điều quân được gửi đến 3 quân đoàn Lục quân và Không lực .

Lúc 2 giờ sáng ngày 11 tháng 3 năm 1938, Hitler ban hành Chỉ thị số 1 cho Chiến dịch Otto. Ông vội vã đến nỗi quên ký tên và phải đến 1 giờ chiều mới có chữ ký của ông .

TỐI MẬT Nếu các biện pháp khác không có dấu hiệu thành công, tôi sẽ xâm lấn Áo bằng quân lực để thiết lập những điều kiện hợp hiến và để ngăn chặn hành động có thể phương hại đến người Đức .

Tôi sẽ đích thân chỉ huy toàn chiến dịch... Các lực lượng Lục quân và Không quân được giao nhiệm vụ trong chiến dịch này phải sẵn sàng cho cuộc xâm chiếm ngày 12 tháng 3 năm 1938, chậm nhất lúc 12 giờ... Hành vi của binh sĩ phải tạo cảm tưởng là ta không muốn gây chiến tranh với những người anh em Áo của ta... Vì thế phải tránh có hành động khiêu khích. Tuy nhiên, nếu gặp kháng cự thì phải sử dụng vũ lực để cương quyết đập tan... Vài giờ sau, thay mặt cho Tư lệnh Tối cao Quân lực, Jodl ra chỉ thị "tối mật" bổ sung: Nếu chạm trán với quân đội hoặc đối đầu với lực lượng bán vũ trang Tiệp Khắc ở Áo, phải xem họ là thù địch .

Xem người Ý mọi nơi là bạn, đặc biệt khi chính Mussolini đã tuyên bố không liên quan đến việc giải quyết vấn đề Áo .

Rõ ràng là Hitler đang lo lắng về Mussolini. Sau khi quyết định tấn công quân sự, Hitler gửi một bức thư cho Mussolini, thông báo về quyết định và xin nhà độc tài Ý thông hiểu. Thư chứa nhiều lời gian dối về cách Hitler đối xử với Schuschnigg và tình hình ở Áo "đang tiến đến tình trạng vô Chính phủ", đến nỗi Hitler đã phải ra lệnh xoá bỏ khi công bố lá thư ở Đức. Đoạn bị xoá được tìm thấy sau chiến tranh trong thư khố của Bộ Ngoại giao Ý. Hitler cho biết Áo và Tiệp Khắc đang âm mưu để tái lập vương triều Habsburg và đang chuẩn bị "tung ra ít nhất là 20 triệu người để chống lại Đức". Ông còn phác thảo những yêu cầu cho Schuschnigg, rồi nói về "trò đùa" của "cái gọi là trưng cầu dân ý" .

"Với trách nhiệm là Lãnh tụ và Thủ tướng của Đế chế Đức, cũng như là người con của vùng đất ấy, trong tình hình này tôi không còn thụ động được nữa .

Bây giờ tôi nhất quyết tái lập an ninh trật tự ở sinh quán của tôi và cho phép người dân quyết định vận mệnh của họ... Tôi xin long trọng trấn an Ngài, Lãnh tụ của nước Ý Phát xít: Xem bước này chỉ là biện pháp tự vệ và do đó là một hành động mà bất kỳ người nào có chí khí cũng phải làm, nếu họ ở vào hoàn cảnh của tôi. Ngài hẳn cũng không thể làm khác đi nếu số phận của người Ý bị đe doạ... Trong thời khắc khủng hoảng của nước Ý, tôi đã chứng tỏ với ngài lòng thông cảm kiên định của mình. Xin hãy tin chắc rằng trong tương lai sẽ không có thay đổi về phương diện này .

Dù cho hậu quả của các sự kiện sắp đến là thế nào, tôi đã xác định một ranh giới rõ ràng giữa Đức và Pháp và bây giờ một ranh giới cũng rõ ràng giữa Ý và chúng tôi. Đó là ở Brenner... Luôn trong tình hữu nghị, Trân trọng, ADOLF HITLER" Vạch đường biên giới ở Brenner tức là Hitler muốn đút lót và xoa dịu Mussolini. Vì điều này có nghĩa Hitler sẽ không đòi lại vùng nam Tyrol mà Hoà ước Versailles cắt ra từ Áo và thưởng cho Ý .

SCHUSCHNIGG ĐI XUỐNG Không biết gì về những động thái tất bật của Đế chế Thứ Ba ở bên kia biên giới, Tiến sĩ Schuschnigg tin chắc rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ là thành công cho Áo và Quốc xã "sẽ không phải là trở ngại lớn". Hơn nữa, Tiến sĩ Seyss-Inquart đã hứa sẽ ủng hộ ông .

Công bằng mà nói, cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg không tự do hoặc dân chủ hơn là bao so với những cuộc trưng cầu dân ý của Hitler. Vì lẽ từ năm 1933 không còn có bỏ phiếu tự do ở Áo và cũng không có danh sách cử tri cập nhật. Chỉ người trên 24 tuổi được quyền bỏ phiếu. Công chúng chỉ được thông báo trước 4 ngày về việc trưng cầu dân ý, vì thế không có thời giờ vận động ngay cả nếu các nhóm đối lập – Quốc xã và Dân chủ Xã hội – được cho phép vận động. Chắc chắn Dân chủ Xã hội sẽ bỏ phiếu thuận vì họ cho là Schuschnigg còn tốt hơn Hitler. Chắc chắn lá phiếu của họ sẽ đem lại thắng lợi cho Schuschnigg .

Lúc 5 giờ 30 sáng ngày thứ Sáu, 11 tháng 3 năm 1938, vị Thủ tướng Áo nhận tin báo là Đức đã đóng cửa biên giới ở Salzburg, các chuyến tàu hoả giữa 2 nước đã ngừng chạy, quân Đức đang tập trung dọc biên giới Áo .

Khi đến Phủ Thủ tướng để làm việc, ông ra lệnh lập một vành đai cảnh sát bảo vệ quanh trung tâm thành phố và các toà nhà văn phòng Chính phủ. Ông cũng cho gọi các đồng nghiệp trong Nội các. Chỉ có Seyss-Inquart vắng mặt. Schuschnigg không thể tìm ra ông này ở đâu .

Thật ra, Seyss-Inquart đang ở sân bay Vienna. Papen được triệu về Berlin, nên Seyss-Inquart đi tiễn ông ta. Bây giờ, kẻ bán nước số Một chờ đợi kẻ bán nước số Hai, tức Glaise-Horstenau. Giống như Seyss- Inquart, ông này cũng là một bộ trưởng trong Nội các, đang trở lại từ Berlin với chỉ thị của Hitler về những gì cần phải làm .

Lúc 10 giờ sáng, 2 người này đã trình cho Schuschnigg chỉ thị là phải bãi bỏ trưng cầu dân ý, cùng với thông tin rằng Hitler đang giận dữ. Sau vài giờ hội ý với Tổng thống, Nội các và Tiến sĩ Skubl, Schuschnigg đồng ý bãi bỏ trưng cầu dân ý. Vị chỉ huy trưởng cảnh sát đành nói cho ông biết rằng vì lực lượng cảnh sát đã bị Quốc xã trà trộn sau khi họ được phục hồi chức vụ theo tinh thần Hiệp định Berchtesgaden, nên Chính phủ không thể trông cậy vào cảnh sát được nữa. Mặt khác, Schuschnigg tin chắc rằng Quân đội và nhóm bán vũ trang của Mặt trận Ái quốc, Đảng độc đoán chính thức ở Áo – sẽ chiến đấu. Nhưng vào thời khắc quan trọng này, Schuschnigg quyết định – ông nói thật ra ông đã quyết định từ lâu về việc này – là sẽ không chống cự lại Hitler nếu việc này khiến cho máu Đức đổ. Hitler sẵn sàng để cho máu Đức đổ, nhưng Schuschnigg lại e ngại .

Lúc 2 giờ chiều, Schuschnigg cho gọi Seyss-Inquart đến để thông báo rằng ông đã bãi bỏ trưng cầu dân ý. Seyss-Inquart vội gọi điện để báo tin cho Goering ở Berlin. Nhưng theo phương thức âm mưu của Quốc xã, khi đối thủ đã nhượng bộ một việc thì phải dẫn nhanh đến việc khác. Goering và Hitler bây giờ muốn yêu sách thêm. "Viện Nghiên cứu" của Goering ghi âm và viết ra 27 cuộc điện đàm, vì thế có đầy đủ chi tiết cho thấy làm thế nào số phận của Áo lại được định đoạt qua điện thoại từ Berlin trong vòng vài giờ đồng hồ gay cấn như thế .

Khi Seyss-Inquart gọi Goering lần đầu tiên lúc 2 giờ 45 phút chiều, vị Thống chế bảo bãi bỏ trưng cầu dân ý thì không đủ và nói rằng ông sẽ gọi lại sau khi xin chỉ thị của Hitler .

Goering gọi lại lúc 3 giờ 05 phút chiều hôm ấy. Ông ra lệnh Schuschnigg phải từ chức, Áo phải bổ nhiệm Seyss-Inquart làm Thủ tướng trong vòng hai giờ. Rồi Goering cũng bảo Seyss-Inquart "gửi điện cho Lãnh tụ, như đã thoả thuận trước". Đây là lần đầu tiên một bức điện được nhắc đến, đồng thời sẽ được Hitler dùng trong trò lừa đảo để biện minh với dân Đức và với người nước ngoài cho cuộc tấn công này .

Wilhelm Keppler, đặc sứ của Hitler tại Áo, từ Berlin đến để thay thế Papen khi ông này vắng mặt, cho Seyss-Inquart xem văn bản của bức điện mà ông này phải gửi Hitler, trong đó yêu cầu gửi quân Đức đến Áo để lập lại an ninh trật tự. Trong bản cung khai tại toà án Nuremberg, Seyss-Inquart cho biết mình đã từ chối gửi điện như thế vì an ninh trật tự vẫn tốt .

Nhưng Keppler vẫn đòi phải gửi điện như thế rồi vội đến gặp Thủ tướng Áo và mặt dạn mày dày đến nỗi thiết lập một văn phòng khẩn cấp cùng với Seyss-Inquart và Glaise-Horstenau. Không thể hiểu được tại sao Schuschnigg lại cho phép kẻ thích dính mũi vào chuyện người khác và cũng là kẻ phản quốc thiết lập văn phòng ngay giữa cơ quan chính quyền vào thời khắc khủng hoảng như vậy. Sau này, ông nhớ lại Phủ Thủ tướng trông "giống như tổ ong bị chọc phá", với Seyss-Inquart và Glaise-Horstenau làm việc ở một góc, xung quanh họ là những người ra vào trông dáng vẻ kỳ dị, nhưng ông không nghĩ đến việc đuổi bọn họ ra ngoài .

Ông đã quyết định chiều theo áp lực của Hitler mà từ chức. Khi ông đang cố thuyết phục Tổng thống Miklas cho ông từ chức, Bộ Ngoại giao đưa đến tin nhắn: "Chính phủ Ý thông báo không thể cho ý kiến trong tình hình này, để phòng hờ được hỏi ý kiến." Tổng thống Wilhelm Miklas không phải là con người vĩ đại, nhưng là người cứng cỏi và chính trực. Ông miễn cưỡng chấp nhận đơn xin từ chức của Schuschnigg nhưng từ chối bổ nhiệm Seyss-Inquart lên thay thế. Ông ra lệnh Schuschnigg thông báo cho Đức biết tối hậu thư của họ bị từ khước .

Seyss-Inquart lập tức báo cáo cho Goering lúc 5 giờ 30 phút chiều .

SEYSS-INQUART: Tổng thống đã chấp nhận cho [Schuschnigg] từ chức... Tôi đề nghị ông ấy giao chức vụ Thủ tướng cho tôi... nhưng ông ấy muốn giao phó cho một người như Ender... GOERING: Không được! Trong bất kỳ trường hợp nào! Lập tức thông báo cho Tổng thống rằng ông ấy phải chuyển giao quyền hành của Thủ tướng cho anh và chấp nhận Nội các như đã dàn xếp .

Cuộc điện đàm đứt đoạn ở đây. Seyss-Inquart yêu cầu Tiến sĩ Muehlmann gọi điện về Berlin. Ông này là một Đảng viên Quốc xã Áo mà Schuschnigg đã từng nhìn thấy lấp ló ở Berchtesgaden, đồng thời cũng là bạn của Goering .

MUEHLMANN: Tổng thống vẫn từ chối. Cả 3 người Quốc gia Xã hội chúng tôi đích thân nói chuyện với ông ấy... Ông ấy còn không muốn gặp chúng tôi. Cho đến lúc này, có vẻ như ông ấy không chịu nhượng bộ .

GOERING: Cho tôi nói chuyện với Seyss-Inquart .

[Với Seyss-Inquart]... Anh đi ngay cùng với Trung tướng Muff [Tùy viên Quân sự của Đức] và nói với Tổng thống rằng nếu không đáp ứng các điều kiện, tối nay binh sĩ [Đức] sẽ tiến vào và cả nước Áo sẽ chấm dứt... Bảo ông ấy bây giờ không phải là lúc đùa cợt. Tối nay, cuộc tiến công sẽ bắt đầu từ mọi góc của nước Áo. Chỉ khi nào ta được thông báo hạn chót 7 giờ 30 phút là Miklas đã chỉ định anh làm Thủ tướng thì cuộc tiến công mới ngừng lại và binh sĩ dừng chân ở biên giới... Rồi hãy kêu gọi Đảng viên Quốc gia Xã hội trên cả nước. Bây giờ họ phải xuống đường. Vì thế phải nhớ báo cáo lúc 7 giờ 30 phút. Nếu trong 4 tiếng đồng hồ Miklas không hiểu, thì lúc đó ta sẽ làm cho ông ấy hiểu ra trong 4 phút .

Nhưng vị Tổng thống kiên cường vẫn không đổi ý .

Lúc 6 giờ 30 phút, Goering gọi lại cho Keppler và Seyss-Inquart. Cả 2 báo cáo rằng Tổng thống Miklas từ chối bổ nhiệm 2 người .

GOERING: Được rồi, Seyss-Inquart sẽ sa thải ông ấy! Hãy đi lên lần nữa và bảo ông ấy một cách rõ ràng là Seyss-Inquart sẽ kêu gọi binh sĩ Quốc gia Xã hội và trong vòng 5 phút Quân đội sẽ tiến quân theo lệnh của tôi .

Sau chỉ thị này, Tướng Muff và Keppler trình cho Tổng thống Miklas tối hậu thư thứ hai, đe doạ nếu ông không thuận, lúc 7 giờ 30 phút quân Đức sẽ tiến vào Áo. Sau này Miklas khai: "Tôi thông báo cho 2 người đó rằng tôi từ chối tối hậu thư và rằng chỉ có người dân Áo mới có quyền quyết định ai là người đứng đầu Chính phủ." Vào lúc này, Quốc xã Áo đã nắm quyền kiểm soát đường phố cũng như Phủ Thủ tướng. Khoảng 6 giờ tối, tôi thấy một đám Quốc xã la hét, điên cuồng đi về hướng trung tâm thành phố. Tôi đã thấy những gương mặt biến dạng như thế lúc trước, ở những Đại hội Đảng ở Nuremberg. Họ đang la hét: "Hoan hô Hitler! Hoan hô Hitler! Treo cổ Schuschnigg! Treo cổ Schuschnigg!" Chỉ vài giờ trước, tôi thấy cảnh sát giải tán một nhóm nhỏ Quốc xã mà không có vấn đề gì, nhưng giờ thì cảnh sát lại đứng yên và nhe răng ra cười .

Schuschnigg nghe tiếng giày sầm sập, tiếng đám đông la hét và âm thanh ấy khiến ông bị chấn động tinh thần. Ông vội đi đến văn phòng của Tổng thống để cầu khẩn lần chót. Nhưng ông kể: "Tổng thống Miklas vẫn khăng khăng. Ông không muốn bổ nhiệm một người Quốc xã làm Thủ tướng Áo. Khi tôi van xin ông bổ nhiệm Seyss-Inquart, ông nói: 'Các người đã bỏ rơi ta, tất cả các người.' Nhưng tôi không thấy có khả năng nào khác ngoại trừ Seyss-Inquart. Với chút hi vọng còn sót lại, tôi bấu víu lấy mọi lời hứa của Seyss-Inquart với tôi, tôi bấu víu lấy nhân cách nổi tiếng của ông là tín đồ Công giáo thuần thành tâm và cũng là người chân thật." Schuschnigg đã bấu víu lấy ảo tưởng của mình cho đến lúc cuối .

Rồi ông đề nghị mình đọc một bài diễn văn giã từ và giải thích lý do tại sao từ chức. Ông nói Tổng thống chấp thuận, nhưng Miklas sau này phủ nhận chi tiết này. Đó là bài diễn văn cảm động nhất mà tôi đã từng nghe. Micro được đặt cách vị trí Dollfuss lúc trước bị Quốc xã bắn gục khoảng 5 bước. Schuschnigg nói: "... Chính phủ Đức hôm nay trao cho Tổng thống một tối hậu thư, với hạn định thời gian, ra lệnh cho ông bổ nhiệm một nhân vật do Chính phủ Đức chỉ định làm Thủ tướng... nếu không Quân đội Đức sẽ xâm lăng Áo .

Tôi tuyên bố trước thế giới rằng những báo cáo xuất phát từ Đức về việc công nhân gây rối trật tự trị an, việc máu chảy thành sông và việc tạo ra tình hình vượt quá tầm kiểm soát của Chính phủ Áo là những lời dối trá từ đầu đến cuối. Tổng thống Miklas yêu cầu tôi thông báo với nhân dân Áo rằng chúng ta chịu nhường bước trước vũ lực bởi vì chúng ta đã không chuẩn bị gây đổ máu ngay cả trong thời khắc kinh khủng này. Chúng ta đã quyết định ra lệnh cho binh sĩ của mình không được chống cự .

Vì thế, tôi xin giã từ nhân dân Áo bằng một câu tiếng Đức để lời vĩnh biệt thốt từ đáy lòng tôi: Xin Ơn Trên phù hộ nước Áo!" Trong lời khai sau chiến tranh, Miklas phủ nhận rằng ông đã yêu cầu Schuschnigg nói những lời như thế. Trái ngược với Schuschnigg, vị Tổng thống không sẵn sàng chịu nhường bước. Ông bảo mình đã nói với Schuschnigg rằng: "Tình hình chưa tồi tệ đến mức cần phải nhượng bộ." Ông đang giữ vững lập trường. Nhưng bài diễn văn của Schuschnigg đã làm lũng đoạn vị thế của Tổng thống và trói 2 tay ông lại. Như ta sẽ thấy, vị Tổng thống bướng bỉnh vẫn còn chống cự vài giờ trước khi chịu nhượng bộ. Ngày 11 tháng 3 năm 1938, ông từ chối ký vào văn bản luật sẽ chấm dứt nền độc lập của Áo mà Seyss-Inquart soạn ra theo lệnh của Hitler. Tuy ông chuyển giao các chức năng của mình cho Thủ tướng Quốc xã trong khi bị ngăn trở hành xử các chức năng này, nhưng ông lập luận rằng mình không bao giờ chính thức từ chức Tổng thống. Ông giải thích với Toà án Vienna rằng: "Như thế là quá hèn nhát." Nhưng ngày 13 tháng 3, Seyss-Inquart lại thông báo chính thức rằng "Theo yêu cầu của Thủ tướng, Tổng thống đã từ chức", đồng thời "sự vụ" của ông được chuyển giao cho Thủ tướng .

Lúc này, Thủ tướng đã có thể giã từ nhưng vị Tổng thống lại ngoan cố không muốn ra đi. Khi nghe tin, Goering gọi cho Muff: "Tốt nhất là Miklas nên từ chức." Muff nói: "Vâng, nhưng ông ấy không chịu. Tôi đã nói chuyện với ông ấy khoảng 15 phút. Ông ấy bảo trong bất cứ trường hợp nào cũng không nhượng bộ vũ lực." Sau khi hỏi qua đáp lại thêm, Goering kết luận: "Dù sao đi nữa, bảo Seyss-Inquart lên nắm quyền." Vẫn còn vấn đề bức điện mà Hitler muốn có nhằm biện minh cho cuộc tiến công. Theo Papen, lúc này đang ở tại Phủ Thủ tướng ở Berlin, Lãnh tụ "đang trong trạng thái gần như cuồng loạn". Vị Tổng thống Áo ương ngạnh đang phá hoại các mưu đồ của ông ta. Seyss-Inquart cũng thế, vì đã không chịu gửi cho Hitler bức điện kêu gọi Hitler đưa quân vào Áo để lập lại trật tự .

Cáu tiết đến mức hết chịu nổi, lúc 8 giờ 45 phút tối 11 tháng 3 năm 1938, Hitler ra lệnh phát động cuộc tiến công. Trong Chỉ thị số 2 (Tối mật) cho Chiến dịch Otto, Hitler ghi: "Những yêu cầu ghi trong tối hậu thư của Đức cho Áo đã không được đáp ứng... Để tránh đổ máu thêm trong các thành phố Áo, quân lực Đức sẽ bắt đầu tiến vào Áo... vào lúc rạng sáng ngày 12 tháng 3. Tôi muốn đạt các mục tiêu đã định bằng cách sử dụng tất cả lực lượng càng nhanh càng tốt" .

(Ký tên) ADOLF HITLER Ba phút sau khi Hitler phát lệnh, lúc 8 giờ 48 phút tối, Goering gọi Keppler ở Vienna: "Nghe cho kỹ [chỉ thị này]. [Yêu cầu] Seyss-Inquart phải gửi bức điện dưới đây .

Hãy ghi lại: "Sau khi Chính phủ Schuschnigg từ chức, Chính phủ Lâm thời Áo nhận nhiệm vụ vãn hồi hoà bình và trật tự ở Áo, gửi đến Chính phủ Đức yêu cầu khẩn cấp hỗ trợ cho nhiệm vụ của Chính phủ này và để tránh đổ máu, Chính phủ Áo yêu cầu Chính phủ Đức gửi Quân đội đến càng nhanh càng tốt .

Keppler trấn an Goering là sẽ trao cho Seyss-Inquart văn bản của "bức điện" ngay lập tức .

Goering nói: "Ông ấy không cần phải gửi điện. Chỉ cần nói 'Đồng ý'" .

Một giờ sau, Keppler gọi về Berlin. "Nói với Thống chế là Seyss-Inquart đồng ý" .

Thật ra, Seyss-Inquart đã cố gắng cho đến nửa đêm để cố thuyết phục Hitler bãi bỏ việc tiến công Áo. Keppler cũng gọi điện ủng hộ việc thuyết phục. Tướng Muff, một người theo khuôn phép và thuộc mẫu người cũ, cảm thấy ngượng vì vai trò của mình ở Vienna. Khi biết Hitler không chịu phát lệnh dừng quân, ông trả lời rằng mình "lấy làm tiếc về tin này" .

Thế là, sáng hôm sau, ngày 12 tháng 3 năm 1938, khi đi qua Berlin tôi thấy hàng tít lớn trên tờ báo của Đảng Quốc xã Đức: NƯỚC ÁO CỦA ĐỨC ĐƯỢC CỨU KHỎI LOẠN LẠC. Có những mẩu chuyện khó tin do Goebbels dựng lên về tình hình rối loạn Đỏ – xô xát, bắn giết, cướp bóc – trên đường phố chính ở Vienna. Và có một văn bản của bức điện mà hãng thông tấn chính thức DNB nói Seyss-Inquart đã gửi cho Hitler vào đêm trước. Thật ra, có 2 văn bản của "bức điện", đúng như Goering đã đọc qua điện thoại, được tìm thấy trong thư khố của Bộ Ngoại giao sau chiến tranh. Sau này, Papen giải thích là Bộ trưởng Bưu điện và Điện tín đã ngụy tạo các bức điện và đưa vào hồ sơ lưu trữ của Chính phủ .

Suốt cả buổi chiều và buổi tối hỗn loạn, Hitler sốt ruột chờ đợi Tổng thống Miklas nhượng bộ và cũng đợi sự lên tiếng của Mussolini, người bảo trợ cho Áo, mà sự im lặng của ông này là dấu hiệu đáng ngại. Lúc 10 giờ 25 phút tối, Hoàng thân Phillip xứ Hesse từ Rome gọi đến Phủ Thủ tướng. Chính Hitler nhấc máy. Nhân viên kỹ thuật của Goering ghi lại cuộc điện đàm .

Hoàng thân:... Vị Duce đã chấp nhận cả vụ việc theo cách thức rất thân thiện. Ông ấy gửi lời hỏi thăm ông... Schuschnigg đã cho ông ấy biết tình hình... Mussolini nói nước Áo không quan trọng gì với ông ấy cả .

Hitler cảm thấy nhẹ nhõm và vui mừng .

Hitler nói sẵn sàng thực hiện một hiệp ước khác với Mussolini... rằng sau khi vụ việc Áo xong xuôi, ông sẵn sàng thoả thuận với Mussolini về bất cứ việc gì... và rằng: "nếu cần sự giúp đỡ nào hoặc khi gặp nguy hiểm, ông ấy có thể tin chắc rằng tôi sẽ gắn bó với ông ấy dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra, ngay cả nếu toàn thế giới hợp lực chống lại ông ấy" .

Anh, Pháp và Hội Quốc liên có lập trường gì trong thời gian khẩn trương này để ngăn chặn việc Hitler tiến công một nước láng giềng đang yên bình? Chẳng có gì cả. Thêm một lần nữa, nước Pháp rơi vào tình trạng vô Chính phủ, Ngày 10 tháng 3 năm 1938, Thủ tướng Pháp Chautemps và Nội các của ông từ chức. Cả một ngày 11 tháng 3 gay cấn, khi Goering đang đọc tối hậu thư cho Áo, không ai ở Paris có thể có hành động gì. Chỉ sau khi việc sáp nhập Áo được loan báo, một Chính phủ Pháp mới được thành lập dưới quyền Léon Blum .

Về phần nước Anh thì sao? Ngày 20 tháng 2 năm 1938, một tuần sau khi Schuschnigg nhượng bộ ở Berchtesgaden, Ngoại trưởng Anthony Eden từ chức, chủ yếu do ông chống lại chính sách xoa dịu Mussolini của Thủ tướng Chamberlain. Ông được Lord Halifax thay thế. Đức hoan nghênh việc thay thế này. Đức cũng hoan nghênh lời tuyên bố của Chamberlain sau khi Đức đưa ra tối hậu thư Berchtesgaden. Đại sứ quán Đức ở London báo cáo toàn bộ về Berlin ngày 4 tháng 3 năm 1938 .

Chamberlain tuyên bố trước Nghị viện ngày 4 tháng 3: "Những gì xảy ra [ở Berchtesgaden] chỉ là do 2 chính khách thoả thuận với nhau về những biện pháp nhằm cải thiện quan hệ giữa 2 nước... Khó mà kết luận rằng một nước đã từ bỏ nền độc lập cho bên kia chỉ vì 2 chính khách đã thoả thuận với nhau về vài thay đổi nội bộ trong một nước – những thay đổi cần thiết vì lợi ích bang giao. Trái lại, diễn văn của Thủ tướng Liên bang [Schuschnigg] ngày 24 tháng 2 không hề có nghĩa là chính ông tin vào việc từ bỏ nền độc lập của nước Áo" .

Xét qua sự kiện là Chamberlain đã biết đầy đủ chi tiết về tối hậu thư của Hitler tại Berchtesgaden, thì tuyên bố trên đúng là đã khiến cho ta phải sững sờ. Trước Toà án Nuremberg, Guido Schmidt khai rằng cả ông và Schuschnigg đã thông báo "một cách chi tiết" cho những đại diện ngoại giao của các "Cường quốc Lớn" rõ về tối hậu thư của Hitler. Hơn nữa, theo tác giả được biết, thông tín viên tại Vienna của các tờ báo TimesDaily Telegraph ở London cũng chuyển về toà soạn của họ một báo cáo đầy đủ và chi tiết .

Riêng Hitler thì vui sướng. Ông biết quân Đức có thể tiến vào Áo mà không gặp rắc rối gì với Anh. Ngày 9 tháng 3 năm 1938, tân Ngoại trưởng Đức Ribbentrop đến London để thu xếp công việc tại Đại sứ quán, nơi ông đã làm Đại sứ. Ông có những buổi hội kiến kéo dài với Chamberlain, Lord Halifax, nhà Vua và Tổng Giám mục Canterbury. Nói chung, sau những buổi hội kiến này ông tin chắc rằng "Anh sẽ không làm gì liên quan đến Áo" .

Thứ Sáu ngày 11 tháng 3 năm 1938, khi Ribbentrop đang dùng bữa trưa với Thủ tướng Anh và các trợ lý của ông này, thì có người liên lạc của Bộ Ngoại giao trao cho Chamberlain một tin tức đáng ngạc nhiên từ Vienna. Chỉ mới vài phút trước, Chamberlain yêu cầu Ribbentrop thông báo cho Lãnh tụ "về ước muốn chân thành và quyết tâm của ông nhằm làm sáng tỏ quan hệ Đức-Anh." Bây giờ, khi nhận tin không hay từ Áo, Chamberlain đọc cho Ngoại trưởng Đức đang lúng túng nghe 2 bức điện từ Phái bộ Đức ở Vienna báo cáo về tối hậu thư của Hitler. Ribbentrop báo cáo với Hitler: "Không khí trở nên căng thẳng, Lord Halifax bình thường trầm tĩnh giờ trở nên kích động hơn, còn Chamberlain lúc này vẫn còn bình tĩnh..." Ribbentrop tỏ ra nghi ngờ về "sự thật trong những báo cáo" và có vẻ như phía Anh dịu lại, vì khi ông cáo từ "các chủ nhân Anh hoàn toàn thân thiện, ngay cả Lord Halifax cũng đã bình tĩnh lại. Phản ứng của Chamberlain là ra lệnh cho Đại sứ Anh tại Berlin viết một công hàm cho Quyền Ngoại trưởng von Neurath rằng nếu báo cáo về tối hậu thư của Đức là đúng, thì "Chính phủ Hoàng gia buộc phải lên tiếng phản đối theo cách mạnh mẽ nhất." Nhưng một thái độ phản đối ngoại giao vào giai đoạn muộn màng như thế là chuyện không làm cho Hitler lo lắng lắm .

Ngày hôm sau, 12 tháng 3, khi quân Đức đang tiến vào Áo, Neurath đáp trả một cách khinh thường, tuyên bố rằng mối quan hệ Áo-Đức là vấn đề chỉ liên quan đến người Đức chứ không can dự đến Chính phủ Anh và lặp lại lời dối trá không có tối hậu thư của Đức cho Áo, đồng thời rằng Quân đội được phái đi chỉ nhằm đáp lại lời kêu gọi "khẩn thiết" từ Chính phủ mới của Áo mà thôi. Ông nhắc cho Đại sứ Anh biết về bức điện "đã được đăng tải trên báo chí Đức" .

Những lời dối trá được lặp lại trong một bức điện do Nam tước Ernst von Weizsaecker của Bộ Ngoại giao gửi ngày 12 tháng 3 cho các đại diện ngoại giao Đức ở nước ngoài, nói về "thông tin và định hướng đối thoại". Weizsaecker cho rằng phát biểu của Schuschnigg về tối hậu thư của Đức là "hoàn toàn bịa đặt" và thông báo cho các đại diện ngoại giao rằng: "Sự thật là vấn đề phái lực lượng quân sự... được đưa ra lần đầu trong một bức điện của Chính phủ mới của Áo. Xét hiểm hoạ nội chiến, Chính phủ Đế chế quyết định làm theo lời kêu gọi." Có thể nói, Bộ Ngoại giao đã dối trá không những với các nhà ngoại giao nước ngoài mà còn với cả nhân viên nội bộ .

Lo lắng duy nhất của Hitler vào buổi tối 11 tháng 3 năm 1938 là về phản ứng của Mussolini. Trong lời khai sau chiến tranh, Thống chế von Manstein nhấn mạnh rằng: "Vào lúc Hitler ra lệnh cho chúng tôi về vụ Áo, nỗi lo chính của ông ấy không phải là sự can thiệp từ các cường quốc phương Tây, mà là Ý sẽ phản ứng như thế nào, bởi vì dường như Ý lúc nào cũng về phe với Áo và hoàng tộc Habsburg." Tuy Hitler cũng có quan ngại về Tiệp Khắc, nhưng các hoạt động không mệt mỏi của Goering đã giải quyết xong xuôi. Goering đã nói với Tiến sĩ Mastny, Công sứ Tiệp Khắc tại Berlin, rằng Tiệp Khắc chẳng có gì phải lo sợ Đức, rằng việc Quân đội Đức tiến vào Áo "chỉ là chuyện gia đình" và rằng Hitler muốn cải thiện quan hệ với Tiệp Khắc. Đổi lại, Goering yêu cầu đảm bảo là phía Tiệp Khắc cũng sẽ không động binh .

Sau khi gọi điện cho Ngoại trưởng Tiệp Khắc, Tiến sĩ Mastny quay lại nói với Goering rằng nước ông sẽ không động binh và Tiệp Khắc cũng không có ý định can dự vào những biến cố ở Áo .

Rất có thể là ngay cả vị Tổng thống Tiệp Khắc sắc sảo Edvard Beneš buổi tối ấy cũng không có thời giờ để nhận ra rằng sự kết liễu của Áo cũng có nghĩa là sự kết liễu của Tiệp Khắc. Một số người ở châu Âu lúc ấy nghĩ Chính phủ Tiệp Khắc có tư tưởng thiển cận, vì họ lý luận đáng lẽ Tiệp Khắc phải có hành động, vì nếu xét qua vị trí chiến lược nguy hiểm khi Đức chiếm đóng Áo, Quân đội Đức sẽ bao vây Tiệp Khắc cả 3 phía. Hơn nữa, sự can dự của Tiệp Khắc có thể kéo theo Liên Xô, Pháp và Anh cũng như của Hội Quốc liên – mà Đức không có cách nào chống lại được. Nhưng những diễn biến tiếp theo lại không diễn ra theo chiều hướng của lý luận này .

Dù sao đi nữa, trong giai đoạn đầy biến cố này, Schuschnigg không hề có lời kêu gọi chính thức nào gửi đến Anh, Pháp, Tiệp Khắc và Hội Quốc liên. Có lẽ, như hồi ký của ông chỉ ra, ông nghĩ đấy chỉ là chuyện phí thời giờ. Riêng về Tổng thống Beneš, như ông sau này khai ra, ông có cảm tưởng rằng Chính phủ Áo đang tiếp tục "những cuộc thảo luận" với Pháp và Anh để thăm dò thái độ 2 nước này .

Khi biết rõ "thái độ" chỉ là sự phản đối rỗng tuếch, vào trước lúc nửa đêm Tổng thống Miklas đành xuôi tay. Ông bổ nhiệm Thủ tướng Seyss-Inquart và chấp nhận danh sách Nội các mới. Sau này, ông nhận xét một cách cay đắng: "Tôi đã bị bỏ rơi hoàn toàn cả trong lẫn ngoài nước." Ngày 12 tháng 3 năm 1938, trên các đài phát thanh của Đức và Áo, Goebbels đọc bản tuyên cáo long trọng của Hitler. Giống như mọi lần, bản tuyên cáo này cũng không đếm xỉa gì đến sự thật, biện minh cho hành động xâm lăng, hứa hẹn dân tộc Áo sẽ chọn lựa tương lai của họ trong "cuộc trưng cầu dân ý thật sự" .

Kế tiếp, Hitler lên đường trở về quốc gia sinh quán của mình. Ông được đón tiếp một cách tưng bừng. Trong mỗi ngôi làng được trang hoàng vội vã là những đám đông tụ tập để hoan hô ông. Buổi chiều, Hitler về đến mục tiêu thứ nhất, Linz, nơi ông cắp sách đến trường. Cuộc đón tiếp thật cuồng nhiệt. Ngày hôm sau, ông đi đặt vòng hoa cho mộ của cha mẹ ở Leonding rồi trở về Linz để phát biểu: "Nhiều năm trước, khi ra đi từ thị trấn này, tôi mang trong mình cùng một niềm tin mà hiện giờ đang lấp đầy trái tim tôi. Thử nghĩ xem cảm xúc trong tôi sẽ sâu sắc như thế nào, khi mà sau nhiều năm, tôi đã có thể biến niềm tin ấy thành hiện thực. Nếu từ thị trấn này, Ơn Trên đã kêu gọi đến tôi để làm nhà lãnh đạo của Đế chế, thì Ơn Trên cũng đã giao cho tôi một thiên chức và thiên chức đó chính là đưa sinh quán thân yêu của tôi trở về với Đế chế Đức. Tôi có niềm tin vào thiên chức ấy. Tôi sống và chiến đấu vì thiên chức ấy và tôi tin rằng bây giờ mình đã hoàn thành nó." Buổi chiều ngày 12 tháng 3 năm 1938, Seyss-Inquart được Himmler tháp tùng bay đến Linz để gặp Hitler và tự hào tuyên bố rằng Điều 88 của Hiệp định St. Germain quyết định nền độc lập không thể chuyển dịch của Áo và Hội Quốc liên bảo trợ cho Áo đã trở nên vô hiệu lực. Đối với Hitler, người đang được những đám đông Áo hồ hởi tung hô, thì như thế vẫn là chưa đủ. Seyss-Inquart đã ra lệnh cho Thứ trưởng Nội vụ Tiến sĩ William Stuckart soạn luật đưa Hitler lên làm Tổng thống Áo. Vào thời điểm đó, Lãnh tụ đã ra lệnh cho Stuckart "soạn thảo luật cho việc sáp nhập hoàn toàn nước Áo" .

Stuckart trình dự thảo luật này cho Chính phủ mới của Áo vào ngày Chủ Nhật 13 tháng 3, đáng lẽ là ngày bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý của Schuschnigg. Tổng thống Miklas từ chối ký vào luật, nhưng Seyss-Inquart, người đã nhận lãnh quyền hạn của Tổng thống, ký vào và tối hôm ấy bay đến Linz để trình văn bản luật mới cho Hitler. Luật bắt đầu bằng câu: "Áo là một tỉnh của Đế chế Đức." Seyss-Inquart sau này kể lại là Hitler đã rơi lệ vì sung sướng .

Cùng ngày, tại Linz, Chính phủ Đức cũng ban hành cái gọi là "Luật sáp nhập Anschluss" do Hitler, Goering, Ribbentrop, Frick và Hess cùng ký vào. Luật quy định "trưng cầu dân ý tự do và kín" vào ngày 10 tháng 4 để người Áo có thể quyết định "vấn đề thống nhất với Đế chế Đức". Sau đó, Hitler tuyên bố người Đức trong Đế chế cũng tham gia trưng cầu dân ý về việc thống nhất cùng với việc bầu Nghị viện mới .

Mãi đến buổi chiều Thứ Hai ngày 14 tháng 3, Hitler mới đi tới Vienna. Ông bị trì hoãn là do 2 sự cố. Thứ nhất, Himmler xin thêm 1 ngày để đảm bảo an ninh. Himmler đã bắt giam hàng nghìn người bị quy là "không đáng tin cậy" - trong vài tuần con số này lên đến 79.000 chỉ riêng ở Vienna. Thứ hai, theo Jodl cho biết khoảng 70% số xe tăng Đức bị ùn tắc trên đường đến Vienna, tuy Tướng Guderian chỉ huy trưởng thiết giáp cho biết chỉ có 30% lực lượng dưới quyền bị ùn tắc. Dù gì đi nữa, Hitler tỏ ra giận dữ vì sự chậm trễ. Ông chỉ lưu lại Vienna có một đêm .

Tuy thủ đô đế quốc xưa cũ này là nơi Hitler cảm thấy bị bỏ rơi, nơi ông có cuộc sống đói kém và lông bông, nhưng bầu không khí hân hoan chào đón vào lúc này lại khiến cho ông phấn khởi tinh thần. Papen được đưa từ Berlin đến Vienna để tham dự các lễ ăn mừng. Sau này, ông viết lại về Hitler: "Tôi chỉ có thể mô tả ông ấy là đang trong tình trạng sướng thoả." Đó chính là khi Hitler đứng trên khán đài đối diện cung điện Hofburg của vương triều Habsburg để dự khán nghi lễ ăn mừng .

Tuy thế, dưới vẻ sướng thoả bề ngoài mà con người nông cạn Papen nhận ra, Hitler vẫn có thể sục sôi ý nghĩ trả thù thành phố và người dân Vienna vì đã không đánh giá cao lúc ông còn trẻ và sống ở đây. Đó là một phần lý do tại sao Hitler chỉ lưu lại Vienna trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Tuy bề ngoài Hitler ca ngợi Vienna, nhưng có lẽ đây chỉ là vì tuyên truyền hơn là do thật lòng. Baldur von Schirach, Thủ hiến Vienna trong chiến tranh, sau này khai trước Toà án Nuremberg về buổi họp ở Berchtesgaden năm 1943: "Rồi Lãnh tụ bắt đầu với lòng căm ghét khó tin... để nói về người dân ở Vienna... Lúc 4 giờ sáng đột nhiên Hitler nói ra câu mà tôi nên lặp lại bây giờ vì lý do lịch sử. Ông ấy nói: 'Đáng lẽ không bao giờ nên cho Vienna sáp nhập vào nước Đức.' Hitler chưa bao giờ yêu Vienna. Ông ấy ghét người dân Vienna." Trong vẻ bề ngoài sướng thoả như thế, suốt 4 tuần lễ liên tiếp, Hitler di chuyển khắp mọi miền của Đức và Áo để khuấy động tư tưởng quần chúng chấp thuận sáp nhập nước Áo vào Đức. Trong các bài diễn văn hồ hởi, ông cũng không bỏ qua cơ hội công kích cựu Thủ tướng Áo Schuschnigg. Trong diễn văn đọc trước Nghị viện ngày 18 tháng 3, ông cho rằng Schuschnigg đã "không giữ lời hứa" qua việc "gian lận bầu cử" và "chỉ có người điên khùng, mù mắt" mới hành động như thế. Hitler tố cáo có những bức thư cho thấy Schuschnigg đã cố tình qua mặt mình bằng cách trì hoãn hiệp định Berchtesgaden cho đến "thời khắc thuận lợi nhằm kích động những nước bên ngoài chống lại Đức" .

Tại Koenigsberg, Hitler cũng trả lời sự chỉ trích của báo chí nước ngoài: "Vài tờ báo nước ngoài ở đây nói chúng tôi sử dụng các biện pháp bạo lực đối với Áo. Tôi chỉ có thể nói: ngay cả khi chết họ vẫn không ngừng nói dối. Trong quá trình tranh đấu chính trị, tôi được nhân dân thương yêu, nhưng khi bước qua ranh giới cũ, tôi chưa từng thấy tình thương yêu nồng hậu đến thế đón tiếp mình. Chúng tôi đến Áo không phải với tư cách là kẻ chuyên chế mà như là người giải phóng... Dưới sức mạnh của tình cảm này, tôi đã quyết định ngay việc thống nhất..." Người đã một thời là kẻ lông bông, nhếch nhác và bụng rỗng lê bước trên đường phố nơi đây, người mà chỉ 4 năm trước tiếp nhiệm quyền lực của vương triều Hohenzollern, giờ đây lại có thể tiếp nối cả các hoàng đế Habsburg với ý thức đầy đủ về sứ mệnh được Thượng Đế giao phó .

"Tôi tin rằng chính ý muốn của Thượng Đế đã phái một người trẻ ở đây đi đến Đế chế, để cho ông lớn lên, đã nuôi dưỡng ông thành nhà lãnh đạo của một quốc gia để ông có thể dẫn dắt sinh quán của mình trở về với Đế chế .

Bây giờ tôi muốn cảm tạ Người đã cho tôi trở lại sinh quán để có thể đưa nó vào Đế chế Đức của tôi! Ngày mai, mỗi người Đức sẽ nhận ra thời khắc và tầm quan trọng của việc này. Hãy cúi đầu cung kính trước Đấng Toàn năng, người mà trong vài tuần qua đã ban một phép lạ cho chúng ta!" Đa số người Áo, mà ngày 13 tháng 3 năm 1938 đáng lẽ họ đã thuận theo Schuschnigg cho nền độc lập của Áo, thì đến ngày 10 tháng 4 lại thuận theo Hitler cho Áo sáp nhập vào Đức. Nhiều người thật lòng tin rằng thống nhất với Đức, dù là Đức Quốc xã, là kết cục thoả đáng và không tránh khỏi, rằng về lâu dài Áo không thể tồn tại vững chắc sau khi đã tách ra khỏi các vùng rộng lớn của người Slav và Hungary, mà chỉ có thể sinh tồn như là một phần của Đế chế Đức .

Cộng thêm vào những người Áo như thế là thành phần người Quốc xã cuồng tín mà hàng ngũ đang bành trướng nhanh chóng. Nhiều người Công giáo trong đất nước thiên về Công giáo này cũng bị ảnh hưởng bởi Hồng y Innitzer khi ông này lên tiếng hoan nghênh chủ nghĩa Quốc xã ở Áo và thúc giục cử tri bỏ phiếu chấp thuận sáp nhập Áo vào Đức. Vài tháng sau, chính ngôi biệt thự của vị hồng y bị nhóm côn đồ Quốc xã phá phách. Khi ông nhận ra chân tướng của Quốc xã thì đã quá muộn. Trong một bài giảng đạo, ông tố cáo sự ngược đãi của Quốc xã đối với Giáo hội của mình .

Theo ý kiến của tôi, trong việc bỏ phiếu công bằng và chân thật, kết quả trưng cầu dân ý có thể gần sát nhau. Phải can đảm lắm người Áo mới dám bỏ phiếu chống. Giống như ở Đức, cử tri e sợ người bỏ phiếu chống sẽ bị phát giác. Trong một phòng phiếu ở Vienna chiều Chủ Nhật ấy, tôi thấy ô bỏ phiếu có những kẽ hở rộng giúp cho ban tổ chức bầu cử ở cách vài bước có thể trông thấy lá phiếu. Ở những vùng thôn quê, ít người màng đến việc – hoặc dám – bỏ phiếu kín, họ bỏ phiếu mở cho mọi người cùng thấy. Một nhân viên Quốc xã nói chắc chắn với tôi là người Áo sẽ bỏ 99% phiếu thuận. Kết quả gần đúng như thế: 99,08% ở Đức và 99,75% ở Áo. Thế là, nước Áo đã ra đi khỏi lịch sử. Ban đầu đất nước này có tên là Ostmark và chẳng bao lâu cái tên này cũng bị bãi bỏ. Đức điều hành nước này theo cách điều hành các tỉnh khác. Vienna chỉ là một thành phố của Đế chế, một trung tâm hành chính cấp tỉnh .

Trong những tuần lễ đầu, thái độ của Quốc xã Áo còn tồi tệ hơn những gì tôi đã từng thấy ở Đức. Từ ngày này qua ngày khác, phần lớn đàn ông và phụ nữ Do Thái đã bị bắt quét dọn hè phố và cống rãnh. Trong khi họ làm việc trên 2 bàn tay và 2 đầu gối, thì những binh sĩ Áo Nâu đứng xung quanh chế nhạo, từng nhóm người kéo đến mắng nhiếc họ. Hàng trăm đàn ông và phụ nữ Do Thái bị bắt giữ trên đường phố và bị ép cọ rửa nhà vệ sinh công cộng và nhà vệ sinh trong những doanh trại của lực lượng S.A. và S.S... Hàng chục nghìn người khác bị giam. Tài sản của họ bị tịch thu hoặc bị cướp đi. Từ căn hộ của mình, chính tôi nhìn thấy những toán S.S. mang đi những món gia dụng làm bằng bạc, thảm treo tường, những bức hoạ và nhiều món khác từ biệt thự Rothschild kế bên. Nam tước Louis de Rothschild tìm đường thoát ra khỏi Vienna bằng cách giao nhà máy thép của ông cho tổ hợp Hermann Goering. Có lẽ phân nửa trong số 180.000 người Do Thái ở Vienna, tính đến lúc Thế chiến II bắt đầu, đã mua tự do của họ bằng cách giao nộp tài sản cho Quốc xã để di cư qua nước khác .

Việc bán chác tự do con người được quản lý bởi một cơ quan đặc biệt do Heydrich thiết lập trong lực lượng S.S., gọi là "Văn phòng Di cư người Do Thái", là cơ quan Quốc xã duy nhất có quyền cấp giấy phép cho người Do Thái rời khỏi đất nước. Karl Adolf Eichmann – Đảng viên Quốc xã Áo, người đồng hương với Hitler ở Linz – điều hành cơ quan nói trên từ đầu đến cuối. Dần dà, cơ quan này phụ trách thêm việc thảm sát trên 4 triệu người, phần lớn là Do Thái .

Himmler và Heydrich cũng nhân cơ hội họ đến Áo trong những tuần lễ đầu sau khi sáp nhập để lập nên một trại tập trung khổng lồ ở Mauthausen, trên bờ bắc của sông Danube gần Enns. Quá phiền phức khi phải chuyển vận hàng nghìn người từ Áo đến những trại tập trung ở Đức nên Himmler quyết định Áo cũng cần có trại tập trung riêng. Trước khi Đế chế Thứ Ba sụp đổ, nạn nhân ngoài nước Áo nhiều hơn cả số người địa phương và Mauthausen trở thành trại tập trung Đức (những trại huỷ diệt ở phía Đông là loại khác) với con số tử hình chính thức là 35.318 trong 6 năm rưỡi .

Cho dù có chế độ khủng bố của Gestapo do Himmler và Heydrich cầm đầu, thì hàng trăm nghìn người Đức vẫn đổ xô đến Áo, nơi họ có thể dùng đồng mác để trả cho những bữa ăn thịnh soạn mà nhiều năm họ không được ăn ở Đức, đồng thời cũng là để nghỉ dưỡng với giá cả thấp ở những vùng núi và hồ của Áo mà không nơi nào khác sánh bằng. Những doanh nhân và nhà băng Đức cũng kéo đến để mua lại với giá hời tài sản của người Do Thái và người chống Quốc xã. Trong số những người đến Áo với nụ cười trên môi có Tiến sĩ Schacht, vẫn là quốc vụ khanh kiêm Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Đức cho dù đã cãi cọ với Hitler. Ông ta lấy làm vui vì việc sáp nhập Áo vào Đức. Ông đến để tiếp nhận Ngân hàng Quốc gia Áo thay mặt Ngân hàng Quốc gia Đức trước cả ngày sáp nhập. Vào ngày 21 tháng 3, khi nói chuyện với Ngân hàng Áo, Tiến sĩ Schacht chế giễu báo chí nước ngoài vì đã phê phán cách thức Hitler sáp nhập Áo, biện luận rằng việc sáp nhập là "hệ luỵ của vô số phản bội và hành động vũ lực mà các nước trên thế giới đã gây ra nhằm chống lại chúng tôi .

Cảm ơn Thượng đế... Adolf Hitler đã tạo ra một nước thống nhất của ý chí Đức và tư tưởng Đức. Ông tăng cường củng cố một đất nước thống nhất với Quân đội và cuối cùng thực hiện sự thống nhất giữa Đức và Áo .

Không có ai tìm thấy tương lai với chúng tôi mà không đồng lòng ủng hộ Adolf Hitler... Ngân hàng Quốc gia sẽ luôn đi theo Quốc xã, nếu không tôi sẽ ngưng làm Thống đốc." Rồi Tiến Sĩ Schacht chủ trì lễ tuyên thệ của các nhân viên Áo để "trung thành và tuân phục Lãnh tụ". Ông hô lên: "Kẻ nào phạm lời thề là thứ vô lại!". Rồi ông dẫn đầu người tham dự cùng nhau hát to 3 lần bài hát của Quốc xã Sieg Heil .

Trong lúc ấy, Tiến sĩ Schuschnigg bị bắt và bị đối xử một cách hèn hạ đến nỗi khó mà tin rằng đó không phải là do lệnh của chính Hitler. Ông bị giam lỏng ở nhà trong thời gian từ 12 tháng 3 đến 28 tháng 5 năm 1938, đồng thời Mật vụ cũng làm đủ mọi cách khiến ông không thể ngủ được. Kế đến, ông bị mang đến tổng hành dinh Mật vụ trong khách sạn Metropole ở Vienna, nơi ông bị giam trong một căn phòng nhỏ trong 7 tháng kế tiếp. Với một chiếc khăn tắm được phát để sử dụng riêng, ông bị bắt phải lau chùi buồng ngủ, bồn rửa mặt, nhà vệ sinh của bảo vệ S.S. và những công việc chân tay thấp kém khác mà Mật vụ có thể nghĩ ra. Ngày 11 tháng 3 năm 1939, đúng 1 năm sau khi bị mất chức, ông sụt đi 25 kg nhưng bác sĩ vẫn báo cáo ông có sức khoẻ rất tốt. Những năm bị giam cô lập và tiếp tục cuộc sống "giữa những người chết" trong các trại tập trung tệ hại nhất như Dachau và Sachsenhausen đã được Tiến sĩ Schuschnigg mô tả trong cuốn sách của mình, mang tựa đề Austrian Requiem (Bài cầu hồn cho nước Áo) .

Ngay sau khi bị bắt, ông được phép kết hôn (lúc này ông đang góa vợ) bằng cách uỷ quyền với nguyên Nữ Bá tước Vera Czernin. Trong những năm cuối của Thế chiến II, bà được phép sống cùng ông trong trại tập trung cùng đứa con sinh năm 1941. Làm thế nào họ sống sót được trong cảnh giam cầm là một phép lạ. Cùng sống sót với họ là một số nạn nhân nổi tiếng của cơn thịnh nộ của Hitler giống như Tiến sĩ Schacht, đó chính là cựu Thủ tướng Pháp Léon Blum cùng với vợ, Mục sư Niemoeller cùng một số tướng lĩnh cao cấp và Hoàng thân Philip xứ Hesse .

Ngày 1 tháng 5 năm 1945, nhóm tù nhân gồm những nhân vật nổi tiếng này bị vội vã mang ra khỏi Dachau và đưa về miền Nam để tránh Quân đội Mỹ đến giải thoát. Họ đến một ngôi làng nằm trên một dãy núi cao ở miền Nam Tyrol. Mật vụ cho Schuschnigg xem bản danh sách những người mà, theo lệnh của Himmler, sẽ bị xử tử để không rơi vào tay Đồng Minh. Schuschnigg thấy tên của ông và vợ mình. Tinh thần ông trĩu nặng. Đã sống sót sau một thời gian dài như thế này – và rồi bị xử tử vào phút cuối! Tuy nhiên, ngày 4 tháng 5, Schuschnigg có thể ghi vào nhật ký: "Vào lúc 2 giờ chiều nay, còi báo động! Quân Mỹ! Một toán binh sĩ Mỹ chiếm lấy khách sạn .

Chúng ta được tự do!" Trở lại với Áo. Không cần bắn một phát súng và không có sự can thiệp của Anh, Pháp và Liên Xô vốn có lực lượng quân sự áp đảo, Hitler thêm 7 triệu thần dân vào Đế chế và chiếm được một vị trí chiến lược có giá trị cực kỳ lớn lao cho những kế hoạch trong tương lai của ông ta. Quân đội Đức chế ngự Tiệp Khắc ở 3 mặt và Áo chính là cửa ngõ mở ra vùng Đông Nam châu Âu. Là thủ phủ của Đế quốc Áo-Hung khi xưa, Vienna từ lâu đã là trung tâm giao thông và mậu dịch của miền Nam và Đông Nam châu Âu. Bây giờ, một trung tâm như thế lại nằm trong tay Đức .

Có lẽ điều quan trọng nhất đối với Hitler là biểu hiện cho thấy cả Anh lẫn Pháp không hề nhấc một ngón tay để ngăn cản ông. Ngày 14 tháng 3 năm 1938, Chamberlain phát biểu trước Nghị viện về chuyện đã rồi ở Áo. Ông tuyên bố: "Điều không thể chối cãi là không gì có thể ngăn chặn chuyện đã xảy ra [ở Áo] – trừ phi quốc gia này và những quốc gia khác đã được chuẩn bị để sử dụng vũ lực." Hitler thấy rõ rằng vị Thủ tướng Anh không muốn sử dụng vũ lực và cũng không muốn phối hợp với những cường quốc khác trong việc ngăn chặn động thái của Đức trong tương lai. Chính phủ Liên Xô đề xuất hội nghị các cường quốc, trong hoặc ngoài Hội Quốc liên, để xem xét những biện pháp nhằm đảm bảo Đức không còn hiếu chiến. Chamberlain tỏ ra thờ ơ với hội nghị như thế, cho rằng việc này có thể gây hậu quả là sự thành lập những nhóm quốc gia thù địch. Hiển nhiên là ông bỏ qua hoặc xem nhẹ Trục Ý-Đức hoặc Hiệp ước Chống Đệ tam Quốc tế của Đức, Ý và Nhật .

Chamberlain cũng tuyên bố một quyết định khiến cho Hitler càng vui hơn. Ông bác bỏ cả 2 đề nghị: Anh nên đảm bảo trợ giúp Tiệp Khắc nếu nước này bị tấn công và Anh nên hỗ trợ Pháp nếu Pháp được kêu gọi thực hiện nghĩa vụ của Hiệp ước Pháp-Tiệp Khắc. Bây giờ, Hitler biết Anh sẽ đứng ngoài nếu mình xử lý nạn nhân kế tiếp. Và nếu Anh đứng ngoài, liệu Pháp cũng có đứng ngoài không? Hitler biết rằng, theo điều khoản của các hiệp ước Liên Xô-Pháp và Liên Xô-Tiệp Khắc, Liên Xô không có nghĩa vụ phải giúp Tiệp Khắc nếu Pháp không hành động trước. Hitler cũng chỉ cần biết có thế để tiến hành kế hoạch mới .

Sau thành công ở Áo, Hitler có thể tin rằng các tướng lĩnh chẳng còn ngáng trở mình nữa. Nếu có còn nghi ngờ, đoạn kết của vụ việc về Fritsch sẽ giải toả tất cả .

Như ta đã biết, phiên xử Tướng von Fritsch ngày 10 tháng 3 bất ngờ bị đình hoãn. Phiên toà nhóm họp lại ngày 17 tháng 3 năm 1938, nhưng xét qua những sự kiện mới nhất, nó chẳng còn có ý nghĩa nhiều. Sau khi Hitler thôn tính được Áo mà không cần bắn một phát súng nào, không ai ở Đức kể cả giới tướng lĩnh ngày trước còn muốn ủng hộ Tướng von Fritsch .

Đúng là Fritsch được minh oan. Sau khi Goering đóng vai thẩm phán công bằng nhất, nhân chứng Schmidt thừa nhận rằng Mật vụ đã doạ lấy mạng sống anh nếu anh không tố cáo Tướng von Fritsch và 2 cái tên gần giống nhau: Fritsch (của vị tướng đương nhiệm) và Frisch (của người sĩ quan về hưu) dẫn đến việc dàn cảnh. Fritsch và Quân đội không làm gì để làm rõ vai trò thực sự của Mật vụ, cũng như làm rõ tội trạng cá nhân của Himmler và Heydrich trong việc tạo dựng lời cáo gian. Qua ngày 18 tháng 3, phiên toà kết luận với phán quyết là bị cáo vô tội .

Cá nhân Tướng von Fritsch được minh oan, nhưng ông không được phục hồi chức vụ. Vì là phiên toà xử kín, công chúng không biết gì cả về vụ việc .

Ngày 25 tháng 3, Hitler gửi một bức điện chúc mừng Fritsch được "hồi phục sức khoẻ" .

Chỉ có thế .

Vị tướng bị thất thế, người không muốn tố cáo Himmler trong phiên toà, bây giờ thách thức Himmler đấu tay đôi. Văn bản thách thức được Tướng Beck soạn thảo theo đúng quy tắc danh dự quân sự truyền thống, được trao cho Tướng von Rundstedt để đưa đến Himmler. Nhưng Rundstedt ngần ngại, mang văn bản trong túi áo cả nhiều tuần, rồi cuối cùng quên luôn .

Tướng von Fritsch và tất cả những giá trị mà ông thể hiện, chẳng bao lâu nữa sẽ mờ nhạt khỏi đời sống Đức. Tháng Mười hai, ông viết cho người bạn là Nữ Công tước Margot von Schutzbar một bức thư cho thấy sự hoang mang mà ông – giống như nhiều tướng lĩnh khác – đã sa vào: "Quả là điều lạ kỳ khi quá nhiều người nhìn về tương lai với nỗi sợ hãi ngày càng tăng, dù cho có những thành công không ai chối cãi được của Lãnh tụ trong những năm sau này... Không lâu sau cuộc chiến [Thế chiến I], tôi đi đến kết luận rằng ta phải chiến thắng trong 3 cuộc đấu tranh nếu muốn nước Đức trở lại là cường quốc: Cuộc đấu tranh chống giai cấp công nhân – Hitler đã thắng .

Chống Giáo hội Công giáo..., và Chống người Do Thái .

Ta đang ở giữa những cuộc đấu tranh này, cuộc đấu tranh chống người Do Thái là quan trọng nhất. Tôi hi vọng mọi người đều nhận thức tính phức tạp của chiến dịch này." Ngày 7 tháng 8 năm 1939, khi đám mây của chiến tranh trở nên mù mịt hơn, ông viết cho Nữ Công tước: "Dù trong hoà bình hay chiến tranh, tôi cũng sẽ không dự vào bất kỳ phần nào trong nước Đức của Hitler. Tôi có đích nhắm là tháp tùng trung đoàn của tôi, bởi vì tôi không thể ở nhà." Ông làm đúng như thế. Ngày 11 tháng 8 năm 1938, ông được phong làm Đại tá để chỉ huy trung đoàn cũ của mình, Trung đoàn Pháo binh 12, nhưng chỉ là một chức vụ danh dự. Ngày 22 tháng 9 năm 1939, ông là đích nhắm của một xạ thủ súng máy Ba Lan khi bao vây Warsaw và 4 ngày sau, ông được mai táng ở Berlin với toàn bộ nghi thức quân sự, trong một buổi sáng lạnh lẽo vì trời mưa. Trong nhật ký, tôi ghi đó là một trong những ngày buồn thảm nhất mà tôi đã từng trải qua ở thủ đô. Với việc sa thải Fritsch khỏi chức vụ Tư lệnh Lục quân 12 tháng trước, Hitler đã hoàn toàn chiến thắng thành trì cuối cùng của phe chống đối ở Đức – tức là giai cấp chỉ huy quân sự xưa cũ. Bây giờ, vào mùa xuân 1938, bằng chiến thuật khôn ngoan ở Áo, ông củng cố thêm vị thế của mình đối với Quân đội, chứng tỏ tài lãnh đạo can đảm và nhấn mạnh rằng chỉ mình ông mới có quyền ra quyết định về các chính sách ngoại giao, còn Quân đội chỉ có nhiệm vụ dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực. Hơn nữa, không cần phải hy sinh người nào, ông cho Quân đội một vị trí chiến lược khiến cho Tiệp Khắc không thể nào phòng thủ được về mặt quân sự. Không nên mất thời giờ, phải lợi dụng cơ hội này ngay .

Ngày 21 tháng 4 năm 1938,11 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý về nước Áo, Hitler cho triệu Tướng Keitel,Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, đến để thảo luận Phương án Màu Lục  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#dichle