Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Phần 16

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

17 KHỞI ĐỘNG THẾ CHIẾN II 

 BÌNH minh ngày 1 tháng 9 năm 1939 – đúng là ngày mà Hitler đã ấn định trong chỉ thị đầu tiên cho "Phương án Màu Trắng" ban hành ngày 3 tháng 4 – những đội hình quân Đức tràn qua biên giới Ba Lan và đều hướng về thủ đô Warsaw từ ba phía Bắc, Nam và Tây. Trên không, máy bay của Không quân Đức gầm rú tiến về các mục tiêu: đội hình quân Ba Lan, kho đạn, cầu, đường sắt, thành phố. Chỉ trong vòng vài phút, người Ba Lan – quân sự cũng như dân sự – lần đầu tiên phải nếm mùi chết chóc và tàn phá từ trên bầu trời với mức độ mà thế giới chưa từng thấy. Qua đó, Đức đã bắt đầu chiến dịch khủng bố kéo dài suốt 6 năm, phủ lên hàng trăm triệu đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở châu Âu và châu Á .

Đó là một buổi sáng xám xịt ở Berlin, với trần mây thấp tạo nên một bức màn như thể để che chở chống lại máy bay thả bom của địch mà nhiều người đang lo sợ nhưng vẫn chưa thấy xuất hiện .

Tôi thấy người đi trên đường phố tỏ ra dửng dưng dù tin tức đang tràn ngập trên sóng phát thanh và các ấn bản báo chí. Lúc 5 giờ 40 sáng, trên đài phát thanh Hitler tuyên cáo với Quân đội và báo tin chiến sự đã bùng nổ. Bên kia đường phố từ khách sạn Adlon, công nhân ca sáng đã đến làm việc trong toà nhà mới của Công ty I. G. Farben như không có chuyện gì xảy ra. Và khi trẻ bán báo đi đến rao bán số báo đặc biệt, thì cũng chẳng có ai chịu dừng tay để mua một tờ nào. Tôi chợt nghĩ, có lẽ người dân Đức chỉ bàng hoàng khi sáng nay thức dậy và bỗng dưng biết được mình đang sống trong chiến tranh – cuộc chiến mà họ đã chắc chắn Lãnh tụ bằng cách nào đấy sẽ tránh được. Bây giờ, chiến tranh đã đến, họ thấy không thể nào tin nổi .

Người ta không khỏi nghĩ đến sự tương phản với không khí nô nức cuồng dại mà nước Đức khi bước vào cuộc chiến năm 1914. Lúc ấy, những đám đông tập trung trên đường phố, ném hoa vào đoàn quân đang diễu hành và cất tiếng hoan hô Hoàng đế Wilhelm II .

Lần này, không có sự tụ tập như thế để tỏ lòng ủng hộ Quân đội hay nhà chỉ huy chiến tranh Quốc xã. Lúc 10 giờ sáng, Hitler đi qua những đường phố vắng lặng từ Phủ Thủ tướng đến Nghị viện để thông báo với toàn dân Đức về tình hình mà ông đã khởi động một cách cố ý và lạnh lùng. Ngay cả các đại biểu bù nhìn của Nghị viện, phần lớn là Đảng viên do Hitler bổ nhiệm, cũng không đáp ứng nồng nhiệt lắm khi nhà độc tài giải thích tại sao Đức phải lâm chiến. So với những phiên họp ít quan trọng hơn lúc trước, lần này tiếng hoan hô kém hẳn đi .

Dù nhiều khi vẫn tỏ vẻ hung hăng, nhưng đôi lúc Hitler lại có thái độ kỳ lạ như thể phải tìm cách chống chế như thể chính ông cảm thấy mụ mị khi lâm vào tình thế khó khăn và có một chút thất vọng .

Sau khi dối trá thường xuyên trên con đường tiến lên quyền lực và củng cố quyền lực, thì trong thời khắc trọng đại này của lịch sử, Hitler lại càng không thể ngừng đưa ra thêm dối trá cho những người dân Đức dễ bảo nhằm biện minh cho hành động tàn ác của mình .

"Quý vị đều biết tôi đã có vô số nỗ lực nhằm đạt đến việc làm rõ và thông hiểu qua đường lối hoà bình cho vấn đề Áo và sau đó là cho vấn đề Sudetenland, Bohemia và Moravia. Tất cả đều là vô ích... Trong những cuộc thảo luận với các chính khách Ba Lan... cuối cùng tôi đã đưa ra những đề nghị của Đức và... không còn có đề nghị nào khiêm tốn hơn... Tôi muốn nói điều này với thế giới. Chỉ tôi mới có vị thế để đưa ra những đề nghị ấy, vì tôi biết rõ rằng khi làm việc này tôi đã chống lại hàng triệu người Đức. Những đề nghị này đã bị từ khước... Trong 2 ngày tròn, tôi ngồi với Chính phủ của tôi mà chờ xem liệu Chính phủ Ba Lan có thấy thuận tiện để phái đến một đặc sứ toàn quyền đến hay không... Nhưng nếu lòng yêu chuộng hoà bình và tính nhẫn nại của tôi bị hiểu nhầm là sự yếu đuối, hay thậm chí là hèn nhát, thì đó là sự phán xét sai lạc... Tôi không còn thấy Chính phủ Ba Lan muốn đàm phán nghiêm túc với ta... Vì thế, tôi quyết định nói với Ba Lan bằng cùng thứ ngôn ngữ mà trong nhiều tháng Ba Lan đã sử dụng với ta... Đêm qua, lần đầu tiên quân chính quy của Ba Lan bắn qua lãnh thổ của ta. Từ lúc 5 giờ 45 sáng, ta bắn trả và từ lúc này bom đạn sẽ trả lời bom đạn" .

Thế là, vị Thủ tướng Đức viện cớ cuộc tấn công ngụy tạo của Đức vào đài phát thanh của Đức ở Gleiwitz nhằm biện minh cho hành động gây hấn lạnh lùng với Ba Lan. Và thật thế: Bản tuyên bố đầu tiên của Bộ Tư lệnh Lục quân Đức gọi chiến dịch quân sự của họ là cuộc "phản công". Ngay cả Weizsaecker cũng cố làm thật tốt để lan truyền cho trò bịp bợm đê tiện này. Từ Bộ Ngoại giao, ông gửi điện cho các phái bộ ngoại giao Đức ở nước ngoài để chỉ đạo cho họ: "Theo cách phòng vệ chống lại các cuộc tấn công của Ba Lan, sáng sớm hôm nay Quân đội Đức đã hành động chống lại Ba Lan. Vào lúc này, không nên xem hành động ấy là chiến tranh, mà chỉ là những vụ chạm súng do các cuộc tấn công của Ba Lan gây ra" .

Ngay cả binh sĩ Đức, người có thể tự nhận thấy ai đã tấn công ai dọc biên giới Ba Lan, cũng nghe đầy tai những lời dối trá của Hitler. Trong bản tuyên cáo phô trương với Quân đội Đức vào ngày 1 tháng 9, Lãnh tụ đã nói: "Ba Lan đã khước từ việc dàn xếp bằng đường lối hoà bình mối bang giao mà tôi mong mỏi, thậm chí còn sử dụng cả vũ lực... Một loạt những vụ xâm lấn biên giới... chứng tỏ rằng Ba Lan chẳng còn muốn tôn trọng ranh giới của Đế chế .

Nhằm chấm dứt những hành động điên rồ ấy, từ lúc này trở đi tôi không có cách nào khác hơn là sử dụng vũ lực để đáp lại vũ lực." Chỉ có một lần trong ngày này, Hitler nói lên sự thật khi phát biểu trước Nghị viện: "Tôi không đòi hỏi người Đức nào làm hơn những gì mà tôi sẵn sàng làm trong suốt 4 năm nay... Từ lúc này trở đi, tôi chỉ là người chiến binh đầu tiên của Đế chế Đức. Một lần nữa, tôi mặc lại bộ quân phục ấy, vốn thiêng liêng và thân thiết đối với tôi. Tôi sẽ không cởi ra bộ quân phục này cho đến khi chiến thắng, nếu có hậu quả gì khác, tôi cũng sẽ chẳng sống được lâu..." Đến lúc cuối, Hitler sẽ chứng tỏ mình làm đúng như lời nói. Nhưng những người Đức tôi gặp ở Berlin hôm ấy đều không nhận ra rằng điều mà Lãnh tụ muốn nói là ông không thể đối mặt với chiến bại và không chấp nhận chiến bại .

Trong bài diễn văn này, Hitler chỉ định Goering là người sẽ kế nhiệm nếu ông có mệnh hệ nào. Hess sẽ là người kế tiếp. Hitler nói: "Nếu Hess có mệnh hệ nào, thế thì theo luật, Thượng viện sẽ được triệu tập và sẽ chọn người xứng đáng nhất – ý tôi là người quả cảm nhất – để tiếp nhiệm" .

Luật nào? Thượng viện nào? Cả hai đều không hiện hữu! Thái độ tương đối mềm mỏng ở Nghị viện thay đổi ngay khi Hitler trở về Phủ Thủ tướng. Dahlerus, người có mặt khắp mọi nơi, lúc này đi theo Goering, thấy Hitler trong tình trạng "cực kỳ lo lắng và vô cùng kích động" .

"Ông ấy nói với tôi từ lâu ông đã nghi ngờ nước Anh có mong muốn chiến tranh. Ông còn nói với tôi rằng ông sẽ nghiền nát Ba Lan và sáp nhập nguyên cả nước... Càng lúc ông càng trở nên kích động, rồi bắt đầu vung vẩy 2 tay khi thét vào mặt tôi: 'Nếu Anh muốn đánh 1 năm, tôi sẽ đánh 1 năm. Nếu Anh muốn đánh 2 năm, tôi sẽ đánh 2 năm...'. Ông ngừng lại và rồi hét lên, tiếng hét trở nên chói tai và hai tay ông vung mạnh: 'Nếu Anh muốn đánh 3 năm, tôi sẽ đánh 3 năm' .

Lúc đó toàn thân ông cử động theo hai tay, cuối cùng khi ông gào lên: 'Và nếu cần, tôi sẽ đánh 10 năm,' thì nắm đấm ông vung lên rồi dồn xuống gần chạm sàn nhà" .

Cho dù bao điên dại, Hitler vẫn nghĩ Đức sẽ không phải chiến đấu với Anh gì cả. Bây giờ là quá giữa trưa, các đội quân của Đức đã xâm nhập nhiều kilomet và đang tiến nhanh vào lãnh thổ Ba Lan. Đa số các thành phố của Ba Lan, kể cả Warsaw, đã bị máy bay thả bom với thương vong dân sự đáng kể. Nhưng Anh và Pháp vẫn chưa lên tiếng cho biết họ sẽ giữ lời hứa giúp đỡ Ba Lan .

Dần dà, thái độ của họ có vẻ rõ ràng, nhưng có vẻ như Dahlerus và Henderson lại đang cố làm cho họ rối trí .

Lúc 10 giờ 30 sáng, Henderson gọi điện đọc bản tin cho Lord Halifax: "Tôi được biết đêm qua quân Ba Lan đã làm nổ tung chiếc cầu Dirschau. Và rằng chiến sự đã bùng phát ở Danzig. Khi nhận được tin này, Hitler đã ra lệnh đẩy lùi quân Ba Lan trở về đường biên giới và chỉ thị Goering đánh phá không quân Ba Lan dọc biên giới." Cuối cùng, Henderson nói thêm: "Thông tin này do chính Goering cung cấp .

Hitler có thể muốn gặp tôi sau phiên họp với Nghị viện để tìm biện pháp cuối cùng cứu vãn hoà bình." Hoà bình nào? Hoà bình cho Anh sao? Đức đã tiến hành chiến tranh được 6 tiếng đồng hồ – với tất cả sức mạnh quân sự và là để chống lại 1 Đồng minh của Anh .

Hitler không muốn gặp Henderson sau phiên họp với Nghị viện. Sau khi truyền tải tin dối trá của Goering về London, vị đại sứ trở nên chán nản – nhưng cũng không hoàn toàn quá chán nản. Lúc 10 giờ 50 phút sáng, ông gọi điện đọc báo cáo khác cho Lord Halifax. Một ý tưởng mới đã nảy sinh trong đầu óc phong phú nhưng lẫn lộn của ông: "Cho dù có ít hy vọng thành công, nhưng tôi vẫn thấy có nhiệm vụ nói lên rằng: Sự tin tưởng rằng bây giờ hy vọng cuối cùng là Thống chế Smigly-Rydz nhằm mục đích loan báo sẵn sàng đến Đức với cương vị 'toàn quyền' để thảo luận với Goering" .

Có vẻ như vị đại sứ lập dị không nghĩ ra rằng Thống chế Smigly-Rydz còn đang bận rộn chỉ huy chống lại cuộc tấn công của Đức, hoặc không nhận ra rằng dù ông ấy có đến Berlin, thì trong tình thế này, việc đó sẽ giống như đến để đầu hàng. Người Ba Lan có thể bị đánh bại một cách nhanh chóng nhưng họ không muốn đầu hàng .

Trong ngày đầu tiên của cuộc tấn công Ba Lan, Dahlerus còn tích cực hơn Henderson. Lúc 8 giờ sáng ông đi gặp Goering, nghe ông này nói "chiến tranh đã bùng nổ bởi vì người Ba Lan đã tấn công đài phát thanh ở Gleiwitz và đánh sập một chiếc cầu gần Dirschau". Dahlerus lập tức gọi điện báo tin cho Bộ Ngoại giao ở London .

Trong Toà án Nuremberg, ông khai "Tôi thông báo cho mọi người rằng theo thông tin mà tôi nhận được thì Ba Lan đã tấn công và dĩ nhiên họ tự hỏi chuyện gì đang xảy ra với tôi khi tôi đưa thông tin ấy" .

Dahlerus cũng lặp lại lời của Goering, cho biết "Ba Lan đã phá hoại mọi thứ" và ông có "chứng cứ cho thấy họ không bao giờ muốn đàm phán" .

Lúc 12 giờ 30 trưa, Dahlerus lại gọi cho Bộ Ngoại giao Anh, lần này, ông được nói chuyện với Cadogan. Ông lại cáo buộc Ba Lan đã phá hoại hoà bình và đề xuất cùng với Forbes bay đến London. Nhưng lúc này, khi cuộc chiến mà ông muốn ngăn chặn đang diễn ra, Cadogan đã quá chán Dahlerus nên trả lời rằng "Bây giờ không thể làm được gì nữa" .

Nhưng Cadogan chỉ là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao, không phải là thành viên Nội các. Dahlerus nhất mực yêu cầu chuyển lời đề xuất của mình đến Nội các và ngạo mạn cho biết sẽ gọi lại trong 1 tiếng đồng hồ. Ông đã làm đúng như thế và nhận câu trả lời từ Cadogan: "Không có việc trung gian hoà giải trong khi quân Đức đang xâm lăng Ba Lan. Cách duy nhất để ngăn chặn chiến tranh thế giới là: (một) ngừng các hiệp định thù địch và, (hai) Quân đội Đức lập tức rút khỏi lãnh thổ Ba Lan." Lúc 10 giờ sáng, Đại sứ Ba Lan tại Anh, Bá tước Raczyński, đến gặp Lord Halifax và chính thức báo tin cho ông về hành động gây hấn của Đức. Vị Ngoại trưởng đáp rằng ông không nghi ngờ gì về tin này. Rồi ông cho mời Đại biện lâm thời Theodor Kordt của Đức đến Bộ Ngoại giao Anh và hỏi ông này có thông tin gì không. Kordt đáp, ông không nhận tin gì về việc Đức tấn công Ba Lan và cũng không được chỉ thị gì. Lord Halifax tuyên bố rằng thông tin mà ông nhận được "tạo nên một tình hình rất nghiêm trọng". Nhưng ông cũng không đi xa thêm .

Vậy nên, vào lúc giữa trưa Hitler có lý do để hy vọng rằng Anh sẽ không tham chiến. Nhưng chẳng bao lâu, hy vọng này vỡ vụn .

Theo yêu cầu, Ribbentrop tiếp kiến Đại sứ Anh Henderson lúc 9 giờ tối và Đại sứ Pháp Coulondre 1 tiếng đồng hồ sau. Ông nhận được công hàm chính thức của Anh: "... Nếu Chính phủ Đức không sẵn sàng cho Chính phủ Vương quốc Anh cam kết thoả đáng rằng Chính phủ Đức đã đình chỉ mọi hành động gây hấn với Ba Lan và sẵn sàng lập tức rút quân khỏi lãnh thổ Ba Lan, Chính phủ Vương quốc Anh sẽ không ngần ngại thực hiện nghĩa vụ của mình với Ba Lan." Công hàm chính thức của Pháp có ngôn từ tương tự .

Ribbentrop trả lời với cả 2 Đại sứ rằng ông sẽ chuyển công hàm của họ cho Hitler, rồi ông dài dòng biện luận rằng "không có chuyện Đức gây hấn" mà là Ba Lan gây hấn, rồi lặp lại câu lừa dối cũ rích rằng quân đội "chính quy" của Ba Lan đã tấn công qua đất Đức ngày hôm trước. Nhưng những nghi thức ngoại giao vẫn được duy trì. Nevile Henderson ghi nhận Ribbentrop đã tỏ ra "nhã nhặn và lịch sự". Một cuộc tranh luận diễn ra: Có phải vị Ngoại trưởng Đức lắp bắp khi nói lên những "đề xuất" của Đức đối với Ba Lan trong 2 buổi hội kiến sóng gió lúc trước hay không? Henderson xác nhận rằng đúng, còn Ribbentrop nói mình đã đọc "chậm rãi và rõ ràng, thậm chí còn giải thích những điểm chính yếu nên ông nghĩ Henderson đã thông hiểu tất cả." Không bao giờ có thể giải quyết cuộc tranh luận này – nhưng bây giờ điều đó còn có ý nghĩa gì nữa? Vào đêm 1 tháng 9, khi các mũi tiến công của Đức đang đi sâu thêm vào đất Ba Lan và Không quân Đức liên tục thả bom, Hitler biết rằng nếu mình không ra lệnh rút quân, Đức sẽ lâm vào cuộc chiến tranh thế giới. Hoặc ông nghĩ mình sẽ gặp may – vận may giống như ở Hội nghị Munich chăng? Vì lẽ, người bạn Mussolini – kinh hãi vì tin chiến sự bùng nổ và sợ lực lượng hùng hậu Anh-Pháp sẽ đánh Ý – đang nỗ lực dàn xếp cho 1 hội nghị Munich khác .

MUSSOLINI CAN THIỆP VÀO PHÚT CHÓT Ta còn nhớ là vào ngày 26 tháng 8, Mussolini khuyên Hitler là có "một giải pháp chính trị", nhưng Hitler đã phớt lờ điều đó. Rồi đến ngày 31 tháng 8, Mussolini lại thúc giục Hitler nên tiếp kiến Đại sứ Ba Lan Lipski và cho biết họ đang cố thuyết phục chính phủ Anh đồng ý việc trả lại Danzig cho Đức .

Nhưng đã quá muộn để đem miếng mồi cỏn con như thế ra để nhử Hitler. Danzig chỉ là cái cớ của Hitler, như ông đã nói với tướng lĩnh Đức. Ông chỉ muốn tiêu diệt Ba Lan. Mussolini lại không biết điều này. Vào buổi sáng 1 tháng 9, Mussolini bị giằng co giữa việc tuyên bố Ý đứng trung lập hay là chịu nguy cơ bị Anh và Pháp tấn công. Nhật ký của Ciano ghi rõ đó là cơn ác mộng mà cha vợ của ông đang phải đối đầu. Thật ra, quyết định của Mussolini đã được thông báo cho Anh vào đêm trước: Ý sẽ không tham chiến chống lại Anh hoặc Pháp .

Sáng sớm ngày 1 tháng 9, nhà độc tài Ý vô phúc đích thân gọi điện cho Đại sứ Ý Attolico ở Berlin và, theo Ciano kể lại, "thúc giục Attolico nên thuyết phục Hitler gửi cho ông một bức điện miễn cho ông những nhiệm vụ trong mối liên minh." Hitler nhanh chóng làm theo: "... Tôi tin chắc chúng tôi có thể thực hiện xong các công tác đã đặt ra với sức mạnh quân sự của Đức. Vì thế tôi nghĩ không cần đến sự hỗ trợ về quân sự của Ý trong trường hợp như thế này. Tôi cũng cảm ơn anh về mọi việc anh sẽ làm trong tương lai cho sự nghiệp chung của chủ nghĩa Phát xít và Quốc gia Xã hội .

ADOLF HITLER" Sau khi phát biểu trước Nghị viện và bình tĩnh lại sau màn kích động với Dahlerus, Hitler gửi thêm một bức điện cho Mussolini với những lời dối trá về việc ông sẵn sàng đàm phán, chờ đợi nhà thương thuyết Ba Lan, nhưng Ba Lan đã gây hấn thêm... rồi kết luận: "Duce ạ, tôi xin cảm ơn về những nỗ lực của anh. Tôi cũng đặc biệt cảm ơn anh đã tình nguyện làm trung gian cho chúng tôi. Nhưng ngay từ đầu tôi đã nghi ngờ về những nỗ lực này bởi vì Chính phủ Ba Lan, nếu họ có một chút ý định giải quyết vụ việc một cách hoà hoãn, thì đáng lẽ họ đã có thể làm bất cứ lúc nào. Nhưng họ lại từ khước ... Duce ạ, vì lý do đó, tôi không muốn để anh lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm khi đảm nhận vai trò hoà giải mà, xét theo thái độ ương ngạnh của Chính phủ Ba Lan, chỉ có khả năng vô vọng ... ADOLF HITLER" Nhưng khi bị Ciano thúc giục, Mussolini lại vẫn muốn lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm khi đảm nhận vai trò hoà giải. Hôm trước, Ciano đã đề nghị cùng Anh và Pháp là nếu họ đồng ý, Mussolini sẽ mời Đức đến dự hội nghị ngày 5 tháng 9 để "xem xét những điều khoản của Hoà ước Versailles vốn là nguyên nhân của tình hình xáo trộn hiện nay" .

Người ta có thể nghĩ việc Đức tấn công Ba Lan khiến cho đề nghị của Mussolini trở nên vô dụng. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Georges Bonnet, người thiên về chính sách xoa dịu, đã gọi điện cho François-Poncet – lúc đó là Đại sứ Pháp tại Ý – yêu cầu ông này cho Ciano biết rằng Pháp tỏ ý hoan nghênh hội nghị như thế. Bonnet không nói gì đến việc rút quân hoặc ngay cả ngừng tiến quân của Đức, như là điều kiện cho hội nghị. Hai lần trong buổi chiều 1 tháng 9, Bonnet đã ra chỉ thị cho Noël, Đại sứ Pháp tại Ba Lan, và hỏi rằng liệu Ba Lan có chấp nhận đề nghị của Ý về hội nghị hay không .

Ông nhận lại phúc đáp rằng: "Chúng tôi đang phải chiến đấu vì bị xâm lăng vô cớ. Không còn có vấn đề hội nghị, chỉ có hành động chung mà Đồng minh phải thực hiện để chống trả" .

Chính phủ Anh không muốn can dự vào nỗ lực của Bonnet. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Anh do R. M. Makins ký ghi lại rằng Chính phủ Anh "không được tham khảo và cũng không được báo tin về động thái này" .

Trái ngược với Bonnet, Anh đòi hỏi điều kiện về hội nghị và cố kéo Nội các Pháp đang chia rẽ đồng ý để 2 bên đưa ra công hàm với nội dung giống nhau cho Hitler .

Ribbentrop thảo luận với Hitler về đề nghị của Mussolini và Hitler muốn biết: các công hàm của Anh và Pháp có phải là tối hậu thư hay không? Kế tiếp, Ribbentrop đồng ý với Attolico là ông này sẽ tham khảo với Henderson và Coulondre để tìm hiểu .

Ngày 2 tháng 9, Attolico đi đến Đại sứ quán Anh và hỏi Henderson rằng: "Công hàm của Anh đêm trước có phải là tối hậu thư hay không?" Henderson kể lại: "Tôi bảo ông ấy rằng tôi đã được uỷ nhiệm... để nói rằng đây không phải là tối hậu thư mà là lời cảnh cáo." Sau khi nhận được câu trả lời như thế, Attolico đi đến Bộ Ngoại giao Đức để trao cho Weizsaecker công hàm của Mussolini: Ngày 2 tháng 9 năm 1939 Quyền quyết định vẫn nằm trong tay Lãnh tụ, nhưng nước Ý muốn thông báo rằng vẫn có khả năng mời Pháp, Anh và Ba Lan đến 1 hội nghị trên những cơ sở sau: Ngừng bắn, để các lực lượng quân sự đang ở đâu thì ở nguyên nơi đó .

Triệu tập hội nghị trong vòng 2 hoặc 3 ngày .

Giải quyết tranh chấp Ba Lan-Đức, mà theo tình thế hiện giờ, chắc chắn sẽ có lợi cho Đức .

Ý kiến này ban đầu là từ Duce, bây giờ đã được Pháp ủng hộ .

Danzig đã là của Đức và Đức đã có trong tay những cam kết nhằm đảm bảo phần lớn các yêu cầu của họ. Hơn nữa, Đức đã đạt được sự "thoả mãn về đạo lý". Nếu Đức chấp nhận tham gia hội nghị, họ sẽ thực hiện được mọi mục đích và cùng lúc tránh được chiến tranh, vốn hiện đang có nguy cơ trở thành chiến tranh toàn diện và có khả năng sẽ kéo dài .

Duce không muốn nài ép, nhưng mong thông tin trên được lập tức chuyển đến Ngài von Ribbentrop và Lãnh tụ .

Ribbentrop giải thích cho Attolico là đề nghị của Mussolini không "phù hợp" với các công hàm của Anh và Pháp đêm trước, vốn có "tính chất của tối hậu thư" .

Attolico luôn thiết tha muốn tránh chiến tranh thế giới, nên cho Ribbentrop biết rằng đề nghị của Mussolini đã thay thế những lời tuyên bố của Anh và Pháp. Dĩ nhiên là Attolico không có thẩm quyền để phát biểu như thế, mà lại còn là những phát biểu sai lạc, nhưng vào giờ chót này có lẽ ông nghĩ mình không mất gì cả nếu nhỡ có khinh suất. Khi Ribbentrop tỏ ý nghi ngờ, Attolico vẫn khẳng định quan điểm của mình: "Các tuyên bố của Pháp và Anh không còn được xem xét. Bá tước mới vừa gọi điện lúc 8 giờ 30 sáng nay, tức là thời điểm các tuyên bố đã được phát thanh ở Ý. Vì thế mà phải xem hai tuyên bố như đã được thay thế. Bá tước Ciano còn nói rằng đặc biệt là Pháp sẽ nghiêng về đề nghị của Duce. Lúc này, do áp lực đến từ Pháp nên Anh sẽ nghe theo." Ribbentrop đồng ý với đề nghị là Attolico sẽ tham khảo với Henderson và Coulondre để tìm hiểu .

Đó là lý do tại sao Attolico chạy đến Đại sứ quán Anh. Schmidt, người có nhiệm vụ thông dịch, sau này kể lại: "Tôi vẫn nhớ Attolico, không còn trẻ trung nữa, chạy ra khỏi văn phòng của Ribbentrop xuống các bậc thang để đi tham khảo với Henderson và Coulondre ... Nửa giờ sau Attolico chạy trở lại, cũng thở hổn hển như lúc rời đi." Theo lời Attolico, Hennderson cho biết công hàm của Anh không phải là tối hậu thư. Khi Attolico thúc giục Ribbentrop có câu trả lời sớm, ông này hứa sẽ phúc đáp ngày hôm sau, tức là Chủ Nhật, ngày 3 tháng 9 .

Lúc này ở Rome, hy vọng của Mussolini đã tan vỡ. Trong khi Bonnet cảm ơn Ciano về nỗ lực của ông này cho hoà bình, Lord Halifax lại tỏ ra nghiêm khắc hơn. Ông xác nhận công hàm của Anh không phải là tối hậu thư, nhưng thêm rằng theo quan điểm của riêng ông, Anh không thể chấp nhận đề xuất của Mussolini về hội nghị nếu Đức không rút quân khỏi Ba Lan – vấn đề mà Bonnet vẫn giữ im lặng. Halifax hứa sẽ điện cho Ciano về quyết định của Nội các Anh .

Quyết định được gửi đến sau 7 giờ tối. Anh chấp nhận đề nghị của Ý với điều kiện Hitler phải rút quân đội của mình về biên giới Đức. Ciano biết Hitler sẽ chẳng bao giờ chấp nhận việc này và "không thể làm gì được", như ông ghi trong nhật ký: "Hy vọng cuối cùng đã tàn lụi." Lúc 8 giờ 50 tối ngày 2 tháng 9, để yết kiến Ribbentrop, Attolico đã đi đến Phủ Thủ tướng, nơi ông này đang họp với Hitler. Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao bị tịch thu mô tả: "Đại sứ Ý mang đến cho Bộ trưởng Ngoại giao thông tin rằng Anh không sẵn sàng đàm phán trên cơ sở của đề nghị từ Ý. Anh đòi hỏi là trước khi bắt đầu đàm phán, Quân đội Đức phải lập tức rút khỏi các khu vực chiếm đóng ở Ba Lan và Danzig... Tóm lại, Đại sứ Ý cho biết Duce bây giờ sẽ xem như đề nghị làm trung gian của ông không còn hiện hữu nữa. Bộ trưởng Ngoại giao đón nhận thông tin này từ Đại sứ Ý mà không có ý kiến gì." Không hề có một lời cảm ơn dành cho Attolico vì đã có những nỗ lực không mệt mỏi! Chỉ có sự im lặng khinh miệt đối với một Đồng minh đã cố giúp Đức gian lận mà chiếm lấy chiến lợi phẩm từ Ba Lan .

Một khả năng nhỏ nhoi nhằm ngăn chặn Thế chiến II đã tắt lịm. Điều này là hiển nhiên đối với mọi người, trừ Ngoại trưởng Pháp. Lúc 9 giờ tối, ông này gọi điện cho Ciano, xác nhận lần nữa rằng công hàm của Pháp không phải là tối hậu thư, nhưng lần đầu tiên nói rằng Pháp đồng ý với Anh là Quân đội Đức phải rút khỏi Ba Lan. Đó là do Anh khăng khăng đòi hỏi. Ciano trả lời rằng Đức sẽ không chấp nhận điều kiện này. Nhưng Bonnet không muốn buông xuôi. Trong đêm, ông vẫn muốn tìm cách đưa Pháp thoát ra khỏi nhiệm vụ đối với Ba Lan lúc này đã tan nát và bị bao vây. Ciano kể lại trong nhật ký: "Trong đêm, tôi bị [nhân viên Bộ Ngoại giao] đánh thức bởi vì Bonnet đã hỏi Guariglia [Đại sứ Ý tại Pháp] rằng liệu ít nhất chúng tôi có thể thuyết phục việc rút quân tượng trưng của Đức khỏi Ba Lan hay không... Tôi ném đề nghị này vào sọt rác mà không thông báo cho Duce." CUỘC CHIẾN BA LAN BIẾN THÀNH THẾ CHIẾN II Chủ Nhật, ngày 3 tháng 9 năm 1939, là một ngày cuối mùa hè tươi đẹp ở Berlin. Mặt trời sáng sủa, bầu không khí dịu dàng – như tôi ghi trong nhật ký: "Vào những ngày như thế này, người dân Berlin sẽ thích đi vào các khu rừng hoặc dọc bờ hồ gần đó" .

Lúc hừng sáng, một bức điện của Lord Halifax được gửi đến Đại sứ quán Anh, chỉ thị Nevile Henderson diện kiến Ngoại trưởng Đức lúc 9 giờ sáng để trao 1 công hàm .

Khoảng 32 tiếng trước, Chính phủ Chamberlain đã thông báo cho Hitler rằng nếu Đức không rút quân khỏi Ba Lan thì Anh sẽ tham chiến. Không có câu trả lời và Chính phủ Anh sẽ làm theo những lời đã nói .

Ngày hôm trước, Đại sứ Pháp tại Anh Charles Corbin đã thông báo cho Bonnet rằng Hitler đang cố ý trì hoãn trả lời nhằm chiếm lấy càng nhiều lãnh thổ Ba Lan càng tốt, rồi mới chịu đàm phán cho nền hoà bình "cao thượng" dựa trên 16 điểm mà ông ta đã nêu vào ngày 31 tháng 8 .

Chính phủ Anh cũng e sợ như thế, nên đề nghị với Pháp là cả 2 nước cùng tuyên chiến với Đức, nếu Đức không trả lời thoả đáng vào hạn chót là 6 giờ sáng ngày 3 tháng 9. Nhưng Bonnet không chấp nhận hành động hấp tấp như thế .

Nội các Pháp bị chia rẽ một cách trầm trọng cả tuần qua về quyết định thực hiện nhiệm vụ với Ba Lan và với Anh. Trong buổi họp Nội các Pháp ngày 23 tháng 8, Thủ tướng Daladier đặt ra 3 câu hỏi: Liệu Pháp có thể án binh bất động được không trong khi Ba Lan và Rumania (hoặc 1 trong 2 nước) đang bị xoá khỏi bản đồ thế giới? Pháp có những phương tiện gì để chống lại? Bây giờ cần có những biện pháp gì? Riêng Bonnet, sau khi giải thích các sự kiện, thì đặt ra câu hỏi: "Sau khi xem xét tình hình, liệu chúng ta có nên tôn trọng các cam kết và qua đó tham chiến, hoặc có nên xét lại thái độ của mình mà hưởng lợi từ việc tránh chiến tranh? ..." Tổng Tham mưu trưởng Gamelin và Đô đốc Darlan trả lời: "... Lục quân và Hải quân đã sẵn sàng. Trong giai đoạn đầu, họ không thể làm gì nhiều để chống lại Đức. Nhưng việc Pháp động binh cũng sẽ hỗ trợ ít nhiều cho Ba Lan bằng cách cầm chân một lực lượng quân Đức đáng kể đang ở gần biên giới của ta." Khi được hỏi rằng Ba Lan và Rumania có thể chống cự được bao lâu, Thống chế Gamelin nói ông tin rằng Ba Lan sẽ đương đầu tốt và việc này sẽ ngăn Đức điều lực lượng mạnh chống Pháp cho đến mùa xuân tới, lúc ấy Anh đã đứng về phía ta .

Gamelin không muốn nêu ra những mặt yếu của Quân đội Pháp vì ông không tin tưởng Bonnet. Sau đó, Daladier nói với ông: "Anh đã làm đúng. Nếu anh nói ra thì ngày hôm sau phía Đức sẽ biết." Cuối cùng, Pháp đi đến quyết định và điều này đã được ghi vào biên bản buổi họp: "Cuộc thảo luận vạch ra rằng nếu chúng ta mạnh lên trong vài tháng tới, lúc ấy Đức cũng sẽ ngày càng mạnh hơn nữa. Vì Đức lúc đó đã có trong tay những nguồn lực của Ba Lan và Rumania mà họ có thể sử dụng .

Vì thế, Pháp không có chọn lựa nào khác .

Giải pháp duy nhất... là tôn trọng những gì mà ta đã cam kết đối với Ba Lan..." Sau buổi họp Nội các, Pháp ban hành lệnh báo động, đặt mọi lực lượng ở biên giới trong tình trạng trực chiến, đồng thời gọi vào quân ngũ 360.000 quân trù bị. Ngày 31 tháng 8, Nội các ra thông cáo nói rằng Pháp sẽ "tuân thủ chặt chẽ" những cam kết của mình. Và ngày hôm sau, ngày Đức khởi sự tấn công Ba Lan, Lord Halifax đã thuyết phục Bonnet cùng với Anh cảnh cáo Đức rằng cả hai quốc gia sẽ tôn trọng cam kết đối với Đồng minh của họ .

Nhưng đến ngày 2 tháng 9, khi Anh thúc giục Pháp cùng đưa tối hậu thư cho Hitler vào lúc nửa đêm, thì Thống chế Gamelin và Bộ Tổng Tham mưu Pháp lại thoái lui. Rốt cuộc thì chỉ có Pháp đơn độc chiến đấu nếu Đức tấn công phía Tây. Sẽ không có một binh sĩ Anh nào hỗ trợ họ. Bộ Tổng Tham mưu Pháp đòi hỏi có thêm 48 tiếng đồng hồ để tiến hành tổng động viên được suôn sẻ. Nhưng Anh vẫn muốn thúc giục Pháp .

Buổi tối, khi Viện Dân biểu Anh nhóm họp, đa số đại biểu bất luận Đảng nào cũng tỏ ra hết kiên nhẫn vì Anh đã chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình đối với Ba Lan. Chamberlain cho biết Đức vẫn chưa trả lời và Anh vẫn còn đang liên lạc với Pháp về thời hạn cho Đức trả lời 2 nước .

39 tiếng đồng hồ sau khi cuộc chiến Ba Lan khởi sự, Viện Dân biểu không còn kiên nhẫn đối với chiến thuật lề mề như thế. Dường như phe Chính phủ đang muốn hành động như ở Hội nghị Munich .

Vấn đề là khó thuyết phục Pháp cùng quyết định với Anh. Bị đại biểu chống đối dữ dội, Chamberlain bào chữa rằng phải cần thời gian để thực hiện đồng bộ "những tư tưởng và hành động" qua điện thoại với Pháp. Ông nói Chính phủ Pháp "lúc này đang nhóm họp" và sẽ nhận được thông báo của họ "trong vài tiếng đồng hồ tới". Dù sao đi nữa, ông vẫn cố trấn an các đại biểu: "Tôi mong đợi sẽ chỉ có một câu trả lời mà tôi có thể đưa ra ngày mai... và tôi mong Viện Dân biểu... sẽ tin rằng tôi đang nói với một tấm lòng hoàn toàn chân thật" .

Chamberlain hiểu rõ rằng ông đang gặp rắc rối to với người trong Đảng của mình và rằng trong thời khắc khẩn trương này, Chính phủ của ông có nguy cơ bị lật đổ .

Ngay sau khi rời Viện Dân biểu, Chamberlain gọi điện cho Daladier. Lúc này là 9 giờ 50 phút tối. Cadogan cùng nghe cuộc điện đàm và ghi lại nội dung .

CHAMBERLAIN: Tình hình ở đây rất trầm trọng... Viện Dân biểu đang nổi giận... nếu Pháp vẫn muốn có 48 tiếng đồng hồ từ trưa ngày mai thì Chính phủ Anh không thể kiểm soát tình hình ở đây .

Thủ tướng nói ông hiểu rõ rằng chính Pháp sẽ phải chịu gánh nặng trong cuộc tấn công của Đức. Nên ông tin mình phải có vài động thái cần thiết tối nay .

Ông đề nghị sự dung hoà... Một tối hậu thư lúc 8 giờ sáng mai... với thời hạn lúc giữa trưa... Daladier trả lời rằng nếu Không quân Anh chưa sẵn sàng tham chiến ngay, thì Pháp sẽ hoãn lại việc tấn công các đơn vị của Đức trong vài giờ thì tốt hơn .

Lúc 10 giờ 30 tối, Lord Halifax gọi điện cho Bonnet, thúc giục phía Pháp đồng ý với biện pháp dung hoà của Anh. Vị Ngoại trưởng Pháp từ chối, đòi Anh phải chờ cho đến giữa trưa trước khi gửi tối hậu thư cho Hitler. Nhưng Lord Halifax nói không thể được .

Viện Dân biểu sẽ nhóm họp lại lúc giữa trưa ngày 3 tháng 9. Chamberlain và Halifax cùng thấy rằng họ phải trả lời dứt khoát nếu không muốn bị lật đổ. Halifax báo cho Bonnet biết Anh sẽ "tự mình hành động" .

Đêm 2 tháng 9, Halifax gửi hai bức điện cho Henderson. Bức điện thứ nhất gửi lúc 11 giờ 50 phút, cho biết sẽ có chỉ thị đi sau để Henderson chuẩn bị thi hành và báo cho Ngoại trưởng Đức là ông sẽ cần yết kiến bất cứ lúc nào. Dường như vào lúc này, Anh vẫn chưa quyết định hành động một mình trong khi Pháp đang chần chừ. Nhưng lúc 12 giờ 25 sáng ngày 3 tháng 9, Halifax gửi bức điện thứ hai cho Henderson: "Anh cần xin Ngoại trưởng một cái hẹn lúc 9 giờ sáng. Chỉ thị sẽ đi sau" .

Rạng ngày 3 tháng 9, Halifax gửi tiếp một bức điện cho Henderson và ông này nhận được lúc 4 giờ sáng. Henderson nhận chỉ thị trao cho Ngoại trưởng Đức một công hàm với nội dung mở đầu là nhắc lại công hàm của Anh vào ngày 1 tháng 9, trong đó Anh tuyên bố sẽ thực thi nghĩa vụ với Ba Lan nếu Đức không rút quân lập tức .

"Mặc dù công hàm ấy đã được trao hơn 24 tiếng đồng hồ trước và vẫn chưa có phúc đáp, nhưng các cuộc tấn công của Đức chống Ba Lan lại tiếp tục và gia tăng cường độ. Vì thế, tôi phải thông báo với ông rằng, nếu quá 11 giờ sáng hôm nay, ngày 3 tháng 9, Chính phủ Đức gửi lời cam đoan theo cách trên và Chính phủ Vương quốc Anh nhận được ở London, hai nước sẽ ở trong tình trạng chiến tranh kể từ giờ ấy" .

Lord Halifax còn gửi tiếp một bức điện nữa, ghi 5 giờ sáng, báo cho Henderson biết rằng Ngoại trưởng Pháp sẽ có công hàm tương tự cho Đức vào khoảng giữa trưa hôm nay (Chủ Nhật). Lord Halifax không biết thời hạn của Pháp nhưng ông nghĩ "có thể" là trong 6 đến 9 tiếng đồng hồ tiếp theo .

Henderson tiếp xúc với phía Đức và được trả lời rằng Ribbentrop không thể tiếp kiến ông lúc 9 giờ sáng, nhưng ông có thể trao công hàm cho thông dịch viên chính thức, Tiến sĩ Schmidt .

Vào ngày lịch sử này, Tiến sĩ Schmidt dậy muộn. Khi vội vã vừa đi đến Bộ Ngoại giao bằng taxi, ông thấy vị Đại sứ Anh đang đi lên những bậc thang của Bộ Ngoại giao. Chạy qua cửa bên, Tiến sĩ Schmidt luồn vào văn phòng của Ribbentrop lúc 9 giờ, vừa kịp lúc để tiếp kiến Henderson .

Schmidt sau này kể lại: "Ông ấy đi vào với vẻ mặt rất nghiêm trọng, bắt tay, nhưng khước từ lời mời ngồi của tôi, đứng một cách trang nghiêm giữa gian phòng". Henderson đọc lên tối hậu thư của Anh, trao văn bản cho Schmidt, rồi chào từ biệt .

Schmidt vội cầm văn bản đi đến Phủ Thủ tướng. Bên ngoài phòng làm việc của Lãnh tụ, ông thấy phần lớn thành viên Nội các và một số lãnh đạo Đảng đang tụ tập "nôn nóng chờ đợi" tin ông sẽ mang đến. Schmidt kể lại: "Khi tôi bước vào... Hitler và Ribbentrop... đã ngước lên nhìn tôi một cách nôn nóng... Tôi chậm rãi dịch ra tối hậu thư của Anh. Khi tôi đọc xong, chỉ có sự im lặng tuyệt đối .

Hitler ngồi bất động, chăm chăm nhìn về phía trước... Sau một khoảnh khắc xem chừng như dài dằng dặc, ông quay sang Ribbentrop lúc ấy vẫn đang đứng gần cửa sổ. Hitler hỏi 'Bây giờ thì sao?' với ánh mắt hung dữ như ám chỉ vị Bộ trưởng Ngoại giao đã tham mưu sai lạc cho ông về phản ứng của Anh .

Ribbentrop nhỏ nhẹ trả lời: 'Tôi đoán trong vòng 1 giờ tới Pháp sẽ gửi 1 tối hậu thư tương tự.' Goering quay sang tôi và nói: 'Nếu ta bại trong cuộc chiến này, thì lúc ấy xin Thượng Đế hãy khoan dung cho ta!' Goebbels đứng riêng ra một góc, chán nản và trầm tư. Khắp gian phòng tôi đều thấy những vẻ mặt quan ngại trầm trọng" .

Trong lúc này, Dahlerus đang có những nỗ lực nghiệp dư cuối cùng để mong tránh khỏi điều không thể tránh được. Lúc 8 giờ sáng, ông nghe Forbes thông báo về tối hậu thư sẽ được chuyển cho Đức vào một giờ sau. Ông vội chạy đến Bộ Tư lệnh Không quân để gặp Goering và, theo lời ông khai trước Toà án Nuremberg, kêu gọi Goering giúp Đức trả lời tối hậu thư được "hợp lý". Ông còn đề xuất đích thân vị Thống chế, trước 11 giờ sáng, thông báo tự mình sẽ bay đến London "để đàm phán". Trong cuốn sách của mình, Dahlerus cho biết Goering chấp nhận lời đề xuất của ông và gọi điện cho Hitler và Hitler đã đồng ý. Tài liệu của Đức không đề cập đến chuyện này, nhưng Tiến sĩ Schmidt lại nói rõ rằng lúc hơn 9 giờ Goering đang có mặt tại Phủ Thủ tướng .

Dù sao đi chăng nữa, sự thật là Dahlerus có gọi điện cho Bộ Ngoại giao Anh – không phải 1 mà là 2 lần. Trong cuộc gọi đầu lúc 10 giờ 15 phút sáng, vì không được chỉ thị gì cả, nên ông đã tự ý thông báo cho Chính phủ Anh rằng câu trả lời của Đức "đang trên đường đi đến" và rằng người Đức vẫn "rất mong muốn thoả mãn Chính phủ Anh và sẽ cho lời đảm bảo sẽ không xâm phạm Ba Lan".(!) Ông hy vọng Anh sẽ xem xét phúc đáp của Hitler "theo chiều hướng thuận lợi nhất" .

Nửa giờ sau, lúc 10 giờ 50 phút, chỉ 10 phút trước khi tối hậu thư Anh hết hạn, Dahlerus lại gọi đến Bộ Ngoại giao Anh, lần này để trình đề xuất của ông là với sự chấp thuận của Hitler, Goering sẽ lập tức bay đến thủ đô Anh. Ông không nhận ra rằng bây giờ không còn là lúc cho tấn trò ngoại giao xưa cũ nữa. Ông nhận được câu trả lời không khoan nhượng của Halifax rằng: không chấp nhận đề xuất của ông. Chính phủ Đức đã được hỏi một cách cụ thể, "và hẳn họ đang gửi câu trả lời cụ thể". Chính phủ Vương quốc Anh không thể chờ đợi để thảo luận thêm với Goering .

Dahlerus gác máy và lùi vào bóng tối của lịch sử. Ông tái xuất một lần nữa vào ngày 24 tháng 9 khi gặp Forbes ở Oslo "để biết chắc còn có khả năng tránh chiến tranh thế giới hay không". Sau chiến tranh ông ra làm nhân chứng tại Toà án Nuremberg và viết 1 cuốn sách thuật lại những nỗ lực kỳ lạ của mình để cứu vãn nền hoà bình thế giới. Ông có thiện chí và trong một thời gian ngắn ông đã là trung tâm trên chính trường thế giới. Nhưng giống như nhiều người khác, ông quá hoang tưởng nên không nhìn rõ vụ việc. Theo như lời khai trước Toà án Nuremberg, ông không có thời giờ nhận ra mình đã bị người Đức lừa dối như thế nào .

Ít lâu sau 11 giờ sáng, khi thời hạn trong tối hậu thư của Anh đã trôi qua, Ribbentrop cho gọi Henderson đến để trao phúc đáp của Đức, nội dung cho biết Chính phủ Đức khước từ tối hậu thư của Anh, tiếp theo là một tuyên bố dài dòng và lôi thôi, rõ ràng là do Hitler và Ribbentrop vội vã viết ra trong 2 tiếng đồng hồ mà tối hậu thư cho phép. Với mục đích đánh lừa người Đức vốn dễ bị lừa, bản phúc đáp lặp lại mọi lời lẽ dối trá mà lúc này ta đã quen thuộc, kể cả việc Ba Lan "tấn công" Đức, đổ trách nhiệm cho Anh về mọi chuyện đã xảy ra, đồng thời khước từ mọi nỗ lực "nhằm ép buộc Đức rút về các lực lượng hiện đang được điều động để bảo vệ Đế chế". Bản phúc đáp tuyên bố một cách sai lạc rằng Đức chấp nhận đề nghị vào giờ chót của Mussolini cho hoà bình nhưng Anh lại khước từ. Và sau mọi nỗ lực của Chamberlain nhằm xoa dịu Hitler, bản phúc đáp tố cáo Chính phủ Anh đã "truyền bá sự tiêu huỷ và tận diệt dân tộc Đức" .

Henderson đọc bản phúc đáp (mà sau này ông gọi là "bản trình bày những sự kiện hoàn toàn sai lạc") và nhận xét: "Tùy lịch sử phán xét ai sẽ chịu trách nhiệm". Ribbentrop trả đũa rằng "Lịch sử đã xác nhận các sự kiện" .

Lúc 11 giờ 15 sáng ở London, Halifax trao cho Đại biện lâm thời Đức một công hàm chính thức tuyên bố rằng: Vì lẽ sự đảm bảo của Đức không được nhận lúc 11 giờ sáng, "tôi thông báo với ông rằng giữa 2 nước có tình trạng chiến tranh bắt đầu vào lúc 11 giờ sáng hôm nay, ngày 3 tháng 9" .

Lúc giữa trưa, tôi đang đứng trước Phủ Thủ tướng thì bỗng nhiên loa phóng thanh loan báo Anh đã tuyên chiến với Đức. Khoảng 250 người đã tụ tập ở đây dưới ánh nắng chói chang. Họ chăm chú nghe lời loan báo. Sau khi lời loan báo chấm dứt, không hề có tiếng thầm thì. Họ chỉ đứng đấy. Sững sờ. Ai cũng thấy khó mà hiểu được rằng tại sao Hitler lại dẫn dắt họ đi vào chiến tranh thế giới .

Chẳng bao lâu, những đứa trẻ bán báo rao bán những phụ bản nhật báo .

Thật ra, tôi để ý thấy chúng đang được phát không. Tôi đọc những hàng tít: TỐI HẬU THƯ CỦA ANH BỊ KHƯỚC TỪ ANH TUYÊN BỐ TÌNH TRẠNG CHIẾN TRANH VỚI ĐỨC ANH ĐÒI TA RÚT QUÂN KHỎI MIỀN ĐÔNG HÔM NAY LÃNH TỤ ĐANG ĐI RA MẶT TRẬN Hàng tít cho thông cáo chính thức nghe như do Ribbentrop đọc ra: BẢN GHI NHỚ CỦA ĐỨC MINH CHỨNG TỘI LỖI CỦA ANH Pháp thì chần chừ lâu hơn. Ngoại trưởng Bonnet vẫn cố hy vọng Mussolini sẽ dàn xếp với Hitler để giúp Pháp không phải lâm chiến. Ông còn khẩn cầu Đại sứ Bỉ xin Vua Leopold dùng ảnh hưởng với Mussolini để tác động đến Hitler. Suốt cả ngày 2 tháng 9, ông biện luận với Nội các – giống như đã biện luận với Anh – rằng ông đã "hứa" với Ciano sẽ chờ cho đến giữa trưa ngày 3 tháng 9 để Đức phúc đáp 2 công hàm cảnh cáo của Anh và Pháp vào ngày 1 tháng 9 và rằng ông không thể nuốt lời. Đúng là ông đã hứa như thế đối với Ciano, nhưng ông hứa vào lúc 9 giờ tối 2 tháng 9. Vào lúc này, đề nghị của Mussolini đã bị khai tử như Ciano đã báo cho ông biết. Và cũng vào lúc này, Anh đang thúc giục Pháp cùng gửi tối hậu thư chung cho Đức lúc giữa khuya trong khi Pháp vẫn muốn thuyết phục Đức rút quân một cách tượng trưng .

Gần đến giữa đêm ngày 2 tháng 9, cuối cùng thì Pháp cũng đi đến quyết định. Đúng vào lúc 12 giờ khuya, Bonnet gửi điện cho Đại sứ Coulondre ở Berlin cho biết vào buổi sáng ông sẽ gửi đến những điều khoản mới để trình cho phía Đức lúc giữa trưa. Nhưng sau đó, Bonnet vẫn cố giữ Pháp đứng ngoài vòng chiến bằng cách đề xuất với phía Ý thuyết phục Hitler có động thái rút quân "tượng trưng" khỏi Ba Lan .

Pháp gửi tối hậu thư đến Đức lúc 10 giờ 20 sáng ngày 3 tháng 9, tức 40 phút trước khi tối hậu thư của Anh hết hạn. Tối hậu thư của Pháp có ngôn từ tương tự, ngoại trừ rằng trong trường hợp có phúc đáp phủ định, Pháp tuyên bố sẽ thực thi những nhiệm vụ đối với Ba Lan "mà Chính phủ Đức đã biết rõ". Ngay vào thời khắc cuối cùng này, Bonnet vẫn cố tránh tuyên chiến một cách chính thức. Bức điện của Bonnet ban đầu ra thời hạn lúc 5 giờ sáng ngày 4 tháng 9 .

Dù Bộ Tổng Tham mưu Pháp ban đầu đòi hỏi hoãn lại 48 giờ và nhượng bộ Thủ tướng Pháp để gửi đi tối hậu thư sớm hơn, nhưng Chính phủ Anh vẫn cảm thấy khó chịu và bày tỏ nỗi bất bình với Pháp bằng ngôn từ thẳng thắn. Thủ tướng Pháp lại kêu gọi đến Quân đội và nhờ đó, thời hạn trong bức điện của Bonnet đã được đẩy lên 12 tiếng đồng hồ, tức là 5 giờ chiều 2 tháng 9 .

Vì thế, đúng lúc Coulondre đang chuẩn bị rời Đại sứ quán Pháp ở Berlin để đến gặp phía Đức, thì Bonnet gọi điện cho ông để chỉ thị thay đổi thời hạn .

Ribbentrop bận rộn ở Phủ Thủ tướng khi Hitler đón tiếp tân Đại sứ Nga tại Đức, vì thế Weizsaecker thay mặt tiếp kiến Coulondre. Khi Coulondre hỏi Weizsaecker rằng ông này có được uỷ quyền để phúc đáp "thoả đáng" với Pháp hay không, Weizsaecker đáp mình không thể đưa ra "bất kỳ loại phúc đáp nào" .

Một màn hài kịch ngoại giao nho nhỏ đã xảy ra vào thời khắc long trọng này. Khi Coulondre xem câu trả lời của Weizsaecker là sự phúc đáp phủ định của phía Đức và muốn trao văn bản tối hậu thư của Pháp cho Weizsaecker, nhưng ông này từ chối nhận. Ông đề nghị vị đại sứ "xin vui lòng kiên nhẫn thêm một chút và chờ yết kiến chính Bộ trưởng Ngoại giao". Bị cự tuyệt như thế – và đây không phải là lần đầu – Coulondre đành phải chờ đợi trong gần 2 tiếng đồng hồ. Lúc 12 giờ 30 xế trưa, ông được đưa đến Phủ Thủ tướng để yết kiến Ribbentrop .

Dù Ribbentrop biết trước nhiệm vụ của Coulondre, nhưng ông vẫn muốn chơi trò quanh co. Sau khi nhận xét là Mussolini khi đưa đề nghị lần sau cùng đã nêu rõ rằng Pháp đã chấp thuận đề nghị này, Ribbentrop đã tuyên bố "ngày hôm qua Đức đã thông báo cho Duce rằng Pháp sẵn sàng đồng ý với đề nghị. Sau đó, Duce cho biết đề nghị của mình đã bị Chính phủ Anh phá hoại vì thiếu khoan nhượng" .

Nhưng trong những tháng qua, Coulondre đã nghe đầy tai lời bịa đặt của Ribbentrop. Sau khi nghe Ribbentrop dông dài thêm rằng mình lấy làm tiếc nếu Pháp nối gót Anh và rằng Đức không có ý định tấn công Pháp, Coulondre hỏi: "Phải chăng lời nhận xét của Bộ trưởng Ngoại giao Đức đồng nghĩa với phúc đáp của Chính phủ Đức đối với công hàm của Pháp ngày 1 tháng 9 là phủ định?" Ribbentrop đáp: "Đúng" .

Rồi Coulondre trao cho Ribbentrop tối hậu thư của Pháp, nói "lần cuối cùng" ông phải nêu rõ "trách nhiệm nặng nề của Chính phủ Đế chế" trong việc tấn công Ba Lan "mà không có sự tuyên chiến" và trong việc khước từ yêu cầu của Anh-Pháp là phải rút Quân đội Đức khỏi Ba Lan .

Ribbentrop: "Thế thì nước Pháp sẽ là kẻ gây hấn" .

Coulondre đáp: "Lịch sử sẽ phán xét điều này" .

Vào ngày Chủ Nhật này ở Berlin, tất cả các bên can dự đều kêu gọi sự phán xét của lịch sử .

Dù Pháp đang huy động 1 quân đội lớn hơn lực lượng Đức ở phía Tây, nhưng nước Anh – lúc này chỉ có đội quân nhỏ – lại làm vướng bận tâm trí Hitler nhiều hơn. Ông tỏ rõ điều này qua hai bản tuyên cáo. Trong lời kêu gọi nhân dân Đức, Hitler nói: "Trong nhiều thế kỷ, nước Anh đã theo đuổi mục tiêu khiến cho các dân tộc ở châu Âu suy yếu để không thể chống lại chính sách của Anh nhằm chinh phục thế giới... Chính chúng ta đã chứng kiến chính sách bao vây... do Anh thực hiện chống lại Đức từ trước chiến tranh... Những kẻ chủ chiến Anh... đã áp bức dân tộc Đức dưới Hoà ước Versailles ngu xuẩn..." Với lực lượng quân sự trong nhiều tuần tới sẽ chỉ đối mặt với quân Pháp, Hitler hiệu triệu: "Hỡi binh sĩ của quân đội phía Tây!... Nước Anh đã theo đuổi chính sách bao vây Đức... Chính phủ Anh, do sự thúc giục của những kẻ muốn gây chiến mà ta đã biết rõ trong cuộc chiến vừa qua, đã để rơi mặt nạ và tuyên chiến dựa trên những lý do nhỏ nhặt..." Không có lời nào nhắc đến Pháp .

Lúc 12 giờ 06 phút trưa ở London, Chamberlain thông báo cho Viện Dân biểu Anh là nước Anh bây giờ đang ở trong tình trạng chiến tranh với Đức. Dù vào ngày 1 tháng 9, Hitler đã ra lệnh cấm nghe đài phát thanh nước ngoài và xử tử người vi phạm, nhưng ở Berlin chúng tôi vẫn được nghe bài phát biểu của Chamberlain qua đài BBC. Lời của ông có vẻ chua xót: "Đây là một ngày buồn đối với tất cả chúng ta và đối với cá nhân tôi thì không có ngày nào buồn hơn thế. Mọi việc mà tôi đã làm, mọi điều mà tôi tin tưởng trong cuộc sống công quyền, đều đã tan vỡ. Tôi chỉ còn 1 việc phải làm: Đó là, cống hiến tất cả sức lực và khả năng của mình để mang đến thắng lợi cho mục tiêu mà vì đó chúng ta đã hy sinh đến thế... Tôi tin tôi sẽ sống đến ngày chủ nghĩa Hitler bị huỷ diệt và một châu Âu tự do được thành lập." Định mệnh không cho Chamberlain sống đến ngày ấy. Vào ngày 9 tháng 11 năm 1940, ông qua đời như một kẻ đau khổ – tuy vẫn là thành viên trong Nội các. Xét qua những gì được viết về ông trên những trang sách này, có lẽ là phù hợp nếu ta trích lời của Winston Churchill, người kế vị ông làm Thủ tướng Anh. Khi đọc bài diễn văn tưởng niệm ông trước Viện Dân biểu vào ngày 12 tháng 11 năm 1940, Churchill nói: "Định mệnh đã khiến cho Neville Chamberlain, khi kinh qua một trong những cơn khủng hoảng tồi tệ của thế giới, phải đối mặt với những sự kiện mâu thuẫn nhau, ê chề trong hy vọng và bị một người hiểm ác lừa dối và gạt gẫm. Nhưng đó là những niềm hy vọng gì mà ông cảm thấy chán nản? Những mơ ước nào mà ông cảm thấy thất vọng? Những niềm tin nào của ông đã bị lạm dụng? Chắc chắn đó là nằm trong số những bản năng cao quý và có đức độ nhất của một con tim nhân bản – lòng yêu chuộng hoà bình, nỗ lực vì hoà bình, đấu tranh cho hoà bình, theo đuổi hoà bình, ngay cả với mối nguy lớn nhất và chắc chắn là không màng gì đến được nổi tiếng hoặc quang vinh" .

Sau những nỗ lực ngoại giao mà vẫn không thể giữ được Anh và Pháp đứng ngoài cuộc chiến, Hitler quay sang chú tâm đến sự vụ chiến tranh. Ông ban hành Chỉ thị số 2 Tối mật về việc tiến hành chiến tranh. Dù Anh và Pháp đã tuyên chiến, Chỉ thị nêu: "Trong lúc này, mục tiêu chiến tranh của Đức vẫn là chấm dứt chiến dịch chống Ba Lan một cách nhanh chóng và thắng lợi... Ở phía Tây, ta sẽ để cho kẻ địch mở màn hành động thù địch... Cho phép Hải quân hành động chống lại nước Anh. Không quân không được phép tấn công ngay cả các lực lượng Hải quân Anh, trừ phi Anh tấn công theo cách tương tự những mục tiêu của Đức – và chỉ khi nào có điều kiện thuận lợi. Cả nền công nghiệp Đức được chuyển qua 'nền kinh tế chiến tranh'" .

Lúc 9 giờ tối, Hitler và Ribbentrop đi trên hai chuyến xe lửa khác nhau để đến Tổng hành dinh phía Đông. Nhưng trước khi khởi hành, hai người đã có hai động thái chính trị. Anh và Pháp đã ở trong tình trạng chiến tranh với Đức. Nhưng cần xét đến hai cường quốc châu Âu khác mà sự ủng hộ đã tạo điều kiện cho Hitler phiêu lưu. Đó là Ý – Đồng minh thoái lui vào giờ chót và Liên Xô – tuy không được nhà độc tài Quốc xã tin cậy nhưng đã giúp ông ta đánh ván bài liều .

Trước khi rời thủ đô, Hitler đã gửi một bức thư cho Mussolini. Dù không hoàn toàn thẳng thắn và cũng không thiếu sự lừa dối, nhưng bức thư này lại cho ta hình ảnh có lẽ là rõ ràng nhất về đầu óc của Hitler. Thư nằm trong số tài liệu tịch thu được của Quốc xã .

"Duce, tôi phải cảm ơn về nỗ lực cuối cùng của anh trong việc làm trung gian. Đáng lẽ tôi đã sẵn sàng chấp nhận, duy chỉ có một điều kiện là phải tìm ra khả năng để đảm bảo cho tôi thấy hội nghị đó sẽ thành công. Vì lẽ Quân đội Đức đã chiến đấu trong 2 ngày bằng mũi tiến công nhanh chóng một cách phi thường vào đất Ba Lan. Không thể nào cho phép máu đã bị hy sinh trở thành lãng phí qua mưu đồ chính trị .

Tuy thế, tôi tin rằng đã có thể tìm ra con đường nếu nước Anh không chủ định ngay từ đầu là đi đến chiến tranh trong bất kỳ trường hợp nào. Tôi không nhượng bộ trước những lời đe doạ của Anh, bởi vì tôi không còn tin rằng có thể duy trì hoà bình quá 6 tháng hoặc 1 năm. Trong tình huống này, tôi cho rằng thời khắc bây giờ là thuận lợi để giữ vững lập trường, mặc cho những chuyện gì khác .

Quân đội Ba Lan sẽ tan rã trong thời gian ngắn. Theo ý tôi, nếu chờ 1 hay 2 năm nữa thì khó mà đạt thắng lợi nhanh chóng như thế. [Lúc ấy] Anh và Pháp đã trang bị cho các Đồng minh của họ đến mức mà Quân đội Đức không có được ưu thế kỹ thuật như ngày hôm nay. Tôi hiểu rằng cuộc đấu tranh mà tôi đang dấn thân vào là cuộc đấu tranh sinh tử... Nhưng tôi cũng nhận ra rằng cuối cùng thì vẫn không thể tránh khỏi cuộc đấu tranh như thế và rằng phải chọn lựa thời điểm với lòng quyết tâm lạnh lùng nhằm đảm bảo thắng lợi. Và tôi tin tưởng sắt đá vào thắng lợi" .

Kế đến là lời cảnh báo cho Mussolini: "Gần đây anh có nhã ý là anh tin mình có thể giúp đỡ trong vài lĩnh vực. Tôi xin chấp nhận trước với lòng cảm ơn chân thành. Nhưng tôi cũng tin rằng, ngay cả nếu chúng ta đi theo những con đường riêng rẽ, định mệnh sẽ vẫn còn nối kết 2 chúng ta qua cách này hoặc cách khác. Nếu nước Đức – Quốc gia Xã hội bị các nước dân chủ phương Tây tiêu diệt, nước Ý Phát xít cũng sẽ đối diện với 1 tương lai khó khăn. Bản thân tôi lúc nào cũng thấy rằng tương lai của 2 chế độ chúng ta gắn liền với nhau và tôi tin rằng anh cũng có ý kiến đúng như thế" .

Sau khi kể lại những chiến thắng khởi đầu ở Ba Lan, Hitler kết luận: "... Ở phía Tây tôi sẽ giữ vị thế phòng thủ. Pháp có thể phải đổ máu trước. Thời khắc sẽ điểm khi chúng tôi có thể đọ sức với kẻ địch ở đây bằng sức mạnh của cả đất nước... ADOLF HITLER" Hitler kiềm chế nỗi thất vọng khi Ý không giữ lời, dù Anh và Pháp đã giữ lời khi tuyên chiến. Một nước Ý thân thiện, dù không hiếu chiến, cũng vẫn còn có ích cho ông .

Nhưng Liên Xô có thể còn giúp ích nhiều hơn .

Tài liệu mật của Quốc xã cho biết là vào ngày đầu tiên của cuộc tấn công Ba Lan, Chính phủ Liên Xô đã hỗ trợ Không quân Đức về mặt thông tin. Tướng Tham mưu trưởng Không quân Hans Jeschonnek gọi điện đến Đại sứ quán Đức tại Moscow, nhờ yêu cầu đài phát thanh Nga ở Minsk liên tục tự xác minh để hỗ trợ phi hành cho phi công Đức trong việc thả bom Ba Lan – mà ông gọi là "những chuyến bay thử nghiệm khẩn cấp". Nga đồng ý đặt ra mã số nhằm nhận dạng đài phát thanh càng thường xuyên càng tốt trong chương trình phát sóng của họ, đồng thời bổ sung thời lượng phát sóng hai tiếng đồng hồ vào ban đêm nhằm hỗ trợ cho phi công Đức .

Nhưng Hitler và Ribbentrop còn có ý nhờ Liên Xô giúp đỡ nhiều hơn. Ribbentrop gửi cho Đại sứ quán Đức ở Moscow một bức điện "tối khẩn" và "tối mật" và bắt đầu bằng "Dành riêng cho Đại sứ". Theo cách thức cực kỳ bí mật, Đức mời Liên Xô cùng tham gia tấn công Ba Lan! "Chắc chắn ta sẽ đánh bại quân Ba Lan trong vòng vài tuần. Lúc ấy, ta sẽ chiếm đóng lãnh thổ được quy định ở Moscow là vùng ảnh hưởng của Đức. Tuy nhiên... ta sẽ phải tiếp tục đánh dẹp các lực lượng Ba Lan lúc ấy nằm trong lãnh thổ Ba Lan thuộc vùng ảnh hưởng của Nga .

Yêu cầu thảo luận lập tức với Molotov để dò hỏi xem liệu Liên Xô có muốn gửi quân đánh dẹp các lực lượng Ba Lan trong vùng ảnh hưởng của Nga và tự chiếm lấy lãnh thổ này hay không. Theo cách ta tính toán, việc này chẳng những giúp giảm áp lực cho ta, mà còn thể hiện tinh thần những hiệp ước Moscow và cũng phù hợp với quyền lợi của Liên Xô" .

Lý do của Hitler và Ribbentrop cho động thái của Liên Xô nhằm "giảm áp lực" là rõ ràng. Việc này sẽ tránh những sự hiểu lầm và va chạm giữa Đức và Liên Xô khi chia nhau chiến lợi phẩm, đồng thời còn giúp Quốc xã đỡ tội. Nếu họ chia nhau chiến lợi phẩm thì tại sao lại không chia nhau trách nhiệm? Khi có tin loan báo Anh tuyên chiến, người Đức cảm thấy u sầu nhất về hậu quả của nó chính là Thuỷ sư Đô đốc Erich Raeder, Tư lệnh Hải quân. Đối với ông, cuộc chiến đã đến sớm hơn 4 hoặc 5 năm. Kế hoạch xây dựng Hải quân sẽ hoàn tất vào thời gian 1944-1945, lúc ấy Đức sẽ có 1 hạm đội đáng kể nhằm đối đầu với Anh. Nhưng hiện tại là ngày 3 tháng 9 năm 1939 và dù Hitler không chịu lắng nghe, Raeder vẫn hiểu rằng mình sẽ không thể tiến hành một cuộc chiến có hiệu quả chống lại Anh .

Raeder ghi vào nhật ký: "Hôm nay, chiến tranh nổ ra với Anh và Pháp, cuộc chiến mà theo dự kiến của Lãnh tụ sẽ không xảy ra trước năm 1944... Về phía Hải quân, hiển nhiên là không được trang bị đủ để tiến hành cuộc đấu tranh to tát này với Anh... lực lượng tàu ngầm vẫn còn quá yếu nên không thể tạo tác dụng có tính quyết định trong cuộc chiến. Lực lượng trên mặt nước yếu kém về mặt số lượng và sức mạnh so với Hạm đội Anh đến nỗi, khi đã huy động toàn bộ, vẫn không thể làm gì hơn là cho thấy họ biết cách chết anh dũng như thế nào..." Tuy thế, vào lúc 9 giờ tối ngày 3 tháng 9 năm 1939, Hải quân Đức vẫn nổ súng. Không hề cảnh báo trước, chiếc tàu ngầm U-30 phóng ngư lôi đánh đắm tàu chở khách Athenia của Anh cách Hebrides khoảng 320 km về phía Tây. Chiếc tàu đang trên đường từ Liverpool ở Anh đến Montreal ở Canada và chở 1.400 người. Có 112 hành khách bị thiệt mạng, trong số đó có 28 người Mỹ .

Thế chiến II đã bắt đầu .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#dichle