Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Phần 17

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BA LAN SỤP ĐỔ 

VÀO lúc 10 giờ sáng 5 tháng 9 năm 1939, Tham mưu trưởng Lục quân Halder đã thảo luận với Tư lệnh Lục quân von Brauchitsch và Tư lệnh Tập đoàn quân Bắc von Bock. Sau khi điểm qua tình hình chiến sự Ba Lan, họ đều đồng ý rằng "quân địch đã bị đánh bại" – như Halder ghi vào nhật ký của mình .

Tối hôm trước, chiến sự trên Hành lang Ba Lan chấm dứt khi 2 cánh quân của Đức bắt tay nhau: Đại Quân đoàn Thứ Tư của Tướng von Kluge tiến về phía Đông từ Pomerania và Đại Quân đoàn Thứ Ba của Tướng Kuechler từ Đông Phổ tiến về phía Tây. Chính nhờ trận đánh này mà Tướng Guderian trở nên nổi danh với chiến thuật đánh sấm sét bằng xe tăng. Có lúc, trong khi đang tiến nhanh về hướng Đông xuyên qua Hành lang, họ bị Lữ đoàn Kỵ binh Pomorska của Ba Lan phản công. Tác giả đi đến bãi chiến trường vài ngày sau và tận mắt nhìn thấy những chứng tích đến buồn nôn của cuộc tàn sát. Đây là biểu tượng cho chiến dịch Ba Lan chóng vánh .

Ngựa của kỵ binh chống lại xe tăng của binh chủng thiết giáp! Giáo dài trên tay kỵ binh chống trả đại bác trên xe tăng! Quân Ba Lan dũng cảm và điên rồ để rồi bị Đức nghiền nát. Đây là kinh nghiệm của họ và của thế giới về Blitzkrieg, chiến tranh sấm sét. Máy bay thả bom và máy bay chiến đấu gầm rú trên bầu trời để trinh sát, tấn công, gieo rắc lửa đạn và kinh hoàng, những chiếc Stuka gầm rít khi lao xuống, từng sư đoàn xe tăng xuyên thủng phòng tuyến đối phương và lao đi tiếp với tốc độ 50 đến 60 km mỗi ngày, những cỗ pháo tiền phương tự vận hành bắn với tốc độ nhanh di chuyển 60 km mỗi ngày, tốc độ khó tin của bộ binh gồm một triệu rưỡi người trên xe cơ giới, dưới sự chỉ đạo và điều phối qua thông tin điện tử gồm những mạng vô tuyến, điện thoại và viễn ký. Đó là một cỗ máy quân sự cơ giới khổng lồ mà trước đây thế giới chưa từng thấy .

Không quân Ba Lan bị tiêu diệt chỉ trong vòng 48 giờ, phần lớn trong số 500 máy bay hiện đại trúng bom của máy bay Đức trước khi có thể cất cánh. Nhiều căn cứ không quân bùng cháy và phần lớn quân nhân phục vụ trên mặt đất bị thương vong. Cracow, thành phố lớn thứ hai của Ba Lan, thất thủ vào ngày 6 tháng 9. Đêm ấy, Chính phủ Ba Lan rời Warsaw đi lánh nạn ở Lublin miền Đông Nam Ba Lan. Ngày hôm ấy, Halder bận lo chuyển quân qua phía Tây, tuy không có hoạt động quân sự nào ở đấy. Xế trưa 8 tháng 9, Sư đoàn 4 Thiết giáp tiến đến vùng ngoại ô thủ đô Ba Lan, trong khi về phía Nam Đại Quân đoàn Thứ Mười của Reicheneau và Đại Quân đoàn Thứ Mười Bốn của List bắt tay nhau ở nơi hợp lưu hai con sông Vistula và San .

Quân Ba Lan tan rã chỉ sau 1 tuần. Phần lớn trong số 35 sư đoàn hoặc bị đánh tan tác hoặc bị kẹp giữa những gọng kìm mênh mông vây quanh Warsaw. Bây giờ là đến "giai đoạn hai": Khóa chặt và tận diệt những đơn vị Ba Lan đang bàng hoàng và tan rã hàng ngũ, đồng thời tạo gọng kìm lớn hơn, dài hàng trăm kilomet để bao vây những đội hình còn lại của Ba Lan .

Giai đoạn này bắt đầu ngày 9 tháng 9 và chấm dứt ngày 17 tháng 9. Cánh trái của Tập đoàn quân Bắc dưới quyền Bock với Quân đoàn XIX của Guderian tiến chiếm Brest-Litovsk ngày 16 tháng 9. Ngày 17 tháng 9, họ bắt tay với đội tuần tiễu thuộc Đại Quân đoàn Thứ Mười Bốn của List, khép lại gọng kìm thứ hai. Ngoại trừ một nhúm nhỏ gần biên giới Nga, tất cả lực lượng Ba Lan đều bị bao vây. Vài nhóm lẻ tẻ còn chống cự một cách anh dũng, nhưng số phận của họ đã bị khép lại. Sau khi bị Không quân Đức liên tục thả bom và bắn phá, phần còn lại của Chính phủ Ba Lan di tản đến một làng nhỏ ở biên giới Rumania ngày 15 tháng 9. Đối với một quốc gia đầy lòng tự hào dân tộc, tất cả đều chấm dứt, ngoại trừ vài đơn vị vẫn còn mòn mỏi chống cự .

Bây giờ đã đến lúc Liên Xô tiến vào một quốc gia đang oằn mình để chia chiến lợi phẩm .

LIÊN XÔ XÂM LẤN BA LAN Cũng như mọi Chính phủ khác, Điện Kremlin kinh ngạc vì tốc độ hành quân của Đức vào Ba Lan. Ngày 5 tháng 9, khi viết thư chính thức trả lời đề nghị của Quốc xã là Nga nên tấn công Ba Lan từ mặt Đông, Molotov cho rằng sẽ thực hiện việc này "vào thời điểm thích hợp" nhưng "thời điểm ấy chưa đến". Ông nghĩ tốc độ tiến quân "vội vã quá mức" của Đức có thể gây nguy hại cho Liên Xô, nhưng nhất quyết cho rằng ngay cả khi quân Đức có đến trước, họ sẽ phải tôn trọng "đường ranh phân chia" trên đất Ba Lan theo những điều khoản bí mật của Hiệp định thư Quốc xã-Liên Xô .

Nhưng sau khi 1 sư đoàn cơ giới của Đức tiến đến ngoại ô Warsaw, Ribbentrop liền gửi 1 bức điện "khẩn" và "tối mật" cho Đại sứ Đức von der Schulenburg ở Moscow, nói rằng cuộc hành quân ở Ba Lan đã "vượt quá mức trông mong của chúng tôi" và trong tình huống này, Đức muốn biết "ý định về quân sự của Chính phủ Liên Xô". Ngoại trưởng Molotov trả lời rằng Liên Xô sẽ động binh "trong vòng vài ngày tới". Trước đó, Dân uỷ Ngoại giao Liên Xô đã chính thức chúc mừng Đức "về việc quân Đức tiến vào Warsaw" .

Ngày 10 tháng 9, Molotov và Đại sứ Schulenburg lâm vào một mâu thuẫn tế nhị. Sau khi tuyên bố rằng Chính phủ Liên Xô "hoàn toàn ngạc nhiên vì những thành công quân sự nhanh chóng đến không ngờ của Đức" và rằng vì thế Liên Xô lâm vào "tình thế khó khăn", vị Dân uỷ Ngoại giao đề cập đến lý do mà Liên Xô sẽ đưa ra khi tấn công Ba Lan, mà Schulenburg đã điện về Berlin là "tối khẩn" và "tối mật": "... Ba Lan đang tan rã và do đó Liên Xô cần thiết phải đến để giúp đỡ người Ukraine và Bạch Nga 'bị đe doạ' bởi Đức. Lời biện luận này là cần thiết để quần chúng dễ chấp nhận sự can thiệp của Liên Xô và cùng lúc tránh cho Liên Xô vẻ bề ngoài là nước gây hấn" .

Hơn nữa, Molotov than phiền là hãng thông tấn Đức DNB trích lời Tướng von Brauchitsch nói rằng "không còn cần thiết có động thái quân sự ở vùng biên giới phía Đông." Molotov bảo nếu đúng thế, nếu cuộc chiến đã chấm dứt, Liên Xô "không thể bắt đầu một cuộc chiến mới". Ông tỏ ra bất mãn với cả vụ việc. Ngày 14 tháng 9, Molotov triệu Schulenburg đến và nói ông muốn biết khi nào Đức sẽ chiếm được Warsaw. Nhằm biện minh cho việc tiến quân của mình, Liên Xô phải chờ cho Đức chiếm được thủ đô Ba Lan .

Phía Đức cảm thấy khó xử. Khi nào sẽ chiếm được Warsaw? Làm gì có chuyện Đức chấp nhận bị đổ tội do sự can thiệp của Nga? Ngày 15 tháng 9, Ribbentrop lại gửi điện "tối khẩn" và "tối mật" cho Molotov, thông báo là Đức sẽ chiếm được Warsaw "trong vài ngày tới", đồng thời "hoan nghênh động thái quân sự của Liên Xô vào lúc này", về lý lẽ của Liên Xô đổ lỗi cho Đức, việc này là "không thể chấp nhận được... trái ngược với dự tính của Đức... đi ngược lại những thoả thuận ở Moscow và rốt cuộc... sẽ khiến 2 quốc gia có vẻ như là 2 kẻ thù trước mắt cả thế giới". Bức điện kết thúc bằng lời yêu cầu Chính phủ Liên Xô xác định "ngày và giờ" tấn công Ba Lan .

Việc này đã được thực hiện vào ngay ngày hôm sau. 2 báo cáo của Schulenburg gửi về Đức chỉ ra sự giả dối của Điện Kremlin. Báo cáo ngày 16 tháng 9 ghi: "Molotov cho biết Liên Xô sắp can thiệp quân sự – có lẽ ngày mai hoặc ngày kia. Stalin đang hội ý với các chỉ huy quân sự ... Molotov thêm rằng ... Chính phủ Liên Xô định biện minh như sau: Quốc gia Ba Lan đã tan rã và chẳng còn hiện hữu nữa, do đó mọi hiệp ước ký kết với Ba Lan đều vô hiệu, cường quốc thứ ba có thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn, Chính phủ Liên Xô thấy có nhiệm vụ phải can thiệp để bảo vệ các dân tộc anh em Ukraine và Bạch Nga và tạo điều kiện cho họ làm việc trong an bình" .

Vì lẽ chỉ nước Đức mới có thể là "cường quốc thứ ba", Schulenburg phản đối .

"Molotov nhìn nhận rằng biện luận của Chính phủ Liên Xô có câu khiến cho phía Đức khó chịu, nhưng xét qua hoàn cảnh khó khăn của Chính phủ Liên Xô, yêu cầu ta không nên câu nệ với tiểu tiết. Không may là Chính phủ Liên Xô không tìm ra lý do nào khác, vì từ trước đến giờ Liên Xô đã không màng gì đến nỗi khổ của dân tộc thiểu số của họ ở Ba Lan, vì thế bằng cách này hay cách kia thì vẫn phải biện minh cho sự can thiệp vào lúc này" .

Ngày 17 tháng 9, Schulenburg gửi bản báo cáo "tối khẩn" và "tối mật" về Berlin: "Stalin... tuyên bố rằng Hồng quân sẽ vượt biên giới Nga lúc 6 giờ chiều nay... máy bay Liên Xô sẽ bắt đầu ném bom..." Khi Schulenburg phản đối 3 điểm trong thông cáo của Liên Xô, nhà độc tài Nga đã sửa chữa lại văn bản cùng "với sự sẵn sàng cao độ" .

Thế là, dựa trên lý lẽ biện minh xoàng xĩnh rằng Ba Lan không còn nữa do đó hiệp ước bất tương xâm Ba Lan-Liên Xô cũng không còn nữa và vì phải bảo vệ các dân tộc thiểu số, bắt đầu từ ngày 17 tháng 9, Liên Xô đã giày xéo lên một Ba Lan đang oằn oại. Như xát thêm muối lên vết thương, Liên Xô thông báo cho Đại sứ Ba Lan tại Moscow là sẽ nghiêm túc giữ trung lập trong cuộc xung đột Ba Lan! Ngày hôm sau, 18 tháng 9, quân Liên Xô bắt tay với quân Đức ở Brest Livovsk, nơi mà đúng 21 năm trước một Chính phủ Bolshevik mới thành lập đã tái lập mối quan hệ với Đồng minh phương Tây và chấp nhận những điều khoản hoà bình ngặt nghèo của Quân đội Đức .

Tuy bây giờ là đồng loã của Đức Quốc xã trong việc xoá Ba Lan khỏi bản đồ thế giới, nhưng Liên Xô vẫn ngờ vực người đồng chí mới của mình. Như Schulenburg báo cáo về Berlin, trong buổi hội kiến với Đại sứ Đức trước ngày Nga tấn công, Stalin đã trình bày nỗi nghi ngại rằng liệu Quân đội Đức sẽ tôn trọng những hiệp ước với Nga mà rút về ranh giới như đã đồng ý với nhau hay không. Đại sứ Đức cố trấn an ông nhưng hiển nhiên là không có hiệu quả. Schulenburg gửi điện về Berlin: "Xét thái độ ngờ vực của Stalin, tôi rất mong được uỷ quyền tuyên bố thêm theo cách thức nhằm xoá tan mọi nghi ngờ của ông ấy" Ngày kế 19 tháng 9, Ribbentrop gửi điện cho Schulenburg và uỷ quyền cho ông này nói với Stalin rằng: "Dĩ nhiên những hiệp ước mà tôi ký kết sẽ được tôn trọng và Đức sẽ xem những hiệp ước này là những viên đá để đặt nền tảng cho mối quan hệ hữu nghị mới giữa Liên Xô và Đức" .

Tuy thế 2 nước vẫn tiếp tục va chạm với nhau. Ngày 17 tháng 9 có sự bất đồng về bản thông cáo chung "biện minh" cho việc Nga-Đức tiêu diệt Ba Lan. Stalin phản đối văn bản của Đức vì đã "trình bày sự kiện quá thẳng thắn". Ông tự tay viết ra bản khác và buộc Đức phải chấp nhận, với nội dung "để lập lại hoà bình và trật tự ở Ba Lan vốn đã bị huỷ diệt do sự tan rã của quốc gia Ba Lan, đồng thời để giúp nhân dân Ba Lan thiết lập những điều kiện mới cho cuộc sống chính trị của họ". Với Stalin, Hitler đã gặp một đối thủ về tính đa nghi .

Khởi đầu, dường như 2 nhà độc tài xem xét việc thiết lập một nước Ba Lan nhỏ nhoi dựa theo mô hình Đại Công quốc Warsaw của Napoléon nhằm trấn an công luận. Nhưng ngày 19 tháng 9, Molotov cho biết người Bolshevik đang đổi ý. Sau khi giận dữ phản đối Schulenburg rằng các tướng lĩnh Đức đang phớt lờ Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô bằng cách chiếm lấy lãnh thổ đáng lẽ thuộc về Nga, Molotov đã đưa ra đề nghị mới. Schulenburg báo cáo về Berlin: Nga muốn phân chia Ba Lan dọc theo tuyến Pisa-Narew-Vistula-Sanvà đề nghị mở ra ngay một cuộc đàm phán mới về việc này .

Thế là, Liên Xô đưa sáng kiến phân chia Ba Lan hoàn toàn, nhằm tước đoạt sự hiện hữu độc lập của dân tộc Ba Lan theo bất kỳ cách nào. Đức đồng ý ngay .

Ngày 23 tháng 9, Ribbentrop gửi điện chỉ thị Schulenburg nói với Molotov rằng: "Ý tưởng của Nga về 1 đường ranh giới dọc đường 4 con sông nổi tiếng trùng hợp với quan điểm của Chính phủ Đế chế." Ông đề nghị bay đến Moscow để thoả thuận về những chi tiết việc này cũng như "cấu trúc cuối cùng về lãnh thổ Ba Lan." Lúc đó, Stalin sẽ đích thân điều hành đàm phán. Chẳng bao lâu, Đồng minh Đức và sau này là các Đồng minh Anh và Mỹ của ông sẽ biết Stalin là con người cứng rắn, đa nghi và giỏi cơ hội chủ nghĩa như thế nào .

Ngày 25 tháng 9, Schulenburg báo cáo về Berlin: "Stalin tuyên bố... ông xét thấy sẽ là sai lầm nếu duy trì phần còn lại của nước Ba Lan được độc lập. Ông đề nghị rằng từ lãnh thổ phía Đông đường phân ranh, cả tỉnh Warsaw kéo dài đến sông Bug là thêm vào phần của ta. Đổi lại, ta phải từ bỏ Lithuania .

Stalin... thêm rằng nếu ta đồng ý, Liên Xô sẽ lập tức giải quyết vấn đề các nước vùng Baltic chiếu theo Nghị định thư [mật] ngày 23 tháng 8 và mong Chính phủ Đức rộng lượng mà ủng hộ. Stalin nêu cụ thể Estonia, Latvia và Lithuania nhưng không nói đến Phần Lan" .

Đây là 1 đề nghị tinh ranh và khó khăn. Stalin đề nghị giao cho Đức 2 tỉnh của Ba Lan mà Đức đã chiếm, để đổi lấy các nước vùng Baltic. Ông lợi dụng sự hỗ trợ của Nga đối với Hitler (tạo điều kiện cho Đức tấn công Ba Lan) nhằm thu về Nga mọi thứ một cách thuận lợi. Hơn nữa, ông còn đề nghị Đức cai quản cả khối dân tộc Ba Lan. Là người Nga, ông hiểu rõ vấn đề mà lịch sử trong nhiều thế kỷ đã dạy cho ông: rằng người Ba Lan sẽ không bao giờ chịu khuất phục một cách hiền hoà sau khi mất nền độc lập. Hãy để họ là mối nhức đầu cho người Đức, không phải cho người Nga! Trong lúc ấy, ông sẽ thu về các nước vùng Baltic, vốn bị rứt ra từ Nga sau Thế chiến I và có vị trí địa lý giúp bảo vệ Liên Xô chống lại cuộc tấn công bất ngờ của Đức .

Ribbentrop đi đến Moscow ngày 28 tháng 9, đây là lần thứ hai ông đến thành phố này. Trước khi đi đến Điện Kremlin để đàm phán, ông nhận được 2 bức điện từ Berlin cập nhật cho ông rõ tình hình. Chính phủ Estonia cho biết Liên Xô đòi hỏi những căn cứ bộ binh và không quân ở Estonia "dưới sự đe doạ nặng nề nhất về việc tấn công trong nay mai". Đêm ấy, sau buổi họp kéo dài với Stalin và Molotov, Ribbentrop gửi điện cho Hitler biết rằng "ngay đêm nay" sẽ có một thoả thuận cho 2 sư đoàn và 1 lữ đoàn không quân Nga tiến vào "lãnh thổ Estonia, nhưng không xoá bỏ hệ thống công quyền của Estonia vào lúc này". Nhưng Hitler, con người lão luyện trong những vụ việc tương tự, biết rõ thời gian dành cho Estonia là phù du như thế nào. Ngày hôm sau, Hitler ra lệnh cho di tản 86.000 người gốc Đức ở Estonia và luôn cả ở Latvia .

Stalin đang kể công và Hitler phải trả công – ít nhất là vào giai đoạn này. Ngoài Estonia và Latvia mà hiệp định thư Quốc xã-Liên Xô quy định là thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô, Hitler còn phải nhượng thêm Lithuania nằm trên biên giới Đông Bắc của Đức, mà theo nghị định thư mật đáng lẽ thuộc về vùng ảnh hưởng của Đức .

Thứ trưởng Ngoại giao Andor Hencke, người đã phục vụ nhiều năm ở Đại sứ quán Đức tại Moscow, ghi chép những tình tiết kỳ lạ trong các buổi hội đàm. Đó là ghi chép duy nhất của bên Đức về ngày hội đàm thứ hai .

Ngày 29 tháng 9, Molotov và Ribbentrop ký kết một hiệp ước mới gọi là "Hiệp ước Biên giới và Hữu nghị Đức-Liên Xô" mà Stalin thể hiện "sự mãn nguyện hiển nhiên." Và ông có lý do để mãn nguyện .

Hiệp ước được công bố, quy định những quyền lợi của hai nước trong mỗi lãnh thổ chiếm được, 2 nước sẽ tái lập "hoà bình và trật tự" và "đảm bảo cho cư dân sống ở đây một đời sống an bình trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc của họ" .

Giống như hiệp ước Quốc xã-Liên Xô trước đây, cũng có "nghị định thư mật". Một nghị định thư thêm Lithuania vào "vùng ảnh hưởng" của Liên Xô, còn 2 tỉnh Lublin và Đông Warsaw thuộc về Đức. Nghị định thư thứ hai thì ngắn gọn và cụ thể .

"2 bên sẽ không dung thứ trên lãnh thổ của mình sự chống đối của người Ba Lan nhằm ảnh hưởng đến lãnh thổ của bên kia. 2 bên sẽ trấn áp trên lãnh thổ của mình mọi mầm mống chống đối như thế và thông báo cho nhau về những biện pháp thích hợp cho mục đích này" .

Thế là, cũng như Áo và Tiệp Khắc trước đây, Ba Lan biến mất khỏi bản đồ châu Âu. Nhưng lần này, Liên Xô đã hỗ trợ và xúi giục Đức. Đây là lần thứ tư Ba Lan bị phân chia (Áo tham dự vào những lần trước) và là sự phân chia gây ảnh hưởng tàn bạo nhất. Trong nghị định thư mật, Hitler và Stalin đồng ý áp đặt lên Ba Lan một chế độ khủng bố nhằm kiên quyết trấn áp nền tự do, văn hoá và đời sống quốc gia của người Ba Lan .

Hitler thắng cuộc chiến ở Ba Lan, nhưng người hưởng lợi nhiều nhất là Stalin và quân Nga hầu như không phải nổ phát súng nào. Đức chính thức công bố số tử trận là hơn 10.000, bị thương hơn 30.000 và 3.400 người mất tích. Liên Xô chiếm gần phân nửa Ba Lan và bóp nghẹt các nước vùng Baltic .

Tại sao Hitler chịu trả một giá cao như thế cho Liên Xô? Đúng là trong Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô ông đã đồng ý cái giá này để giữ cho Liên Xô đứng ngoài đội ngũ Đồng minh và ngoài cuộc chiến. Nhưng Hitler chưa bao giờ tôn trọng chặt chẽ những gì đã ký. Giờ đây, ông có thể chạy làng khỏi Hiệp ước Quốc xã-Liên Xô, như các tướng lĩnh đã thúc giục. Nếu Stalin phản đối, Lãnh tụ có thể đe doạ tấn công Liên Xô bằng lực lượng hùng mạnh nhất thế giới, như chiến dịch Ba Lan đã cho thấy. Có thể như thế được không? Không được, khi mà Anh và Pháp đang lấp ló ở phía Tây. Để đối phó với 2 nước này, Hitler cần ổn định hậu phương ở phía Đông. Đó là lý do khiến cho Hitler phải chịu để cho Stalin ngã giá cao đến vậy. Nhưng ông cũng sẽ không hề quên cung cách khắc nghiệt của nhà lãnh đạo Liên Xô trong khi chú tâm đến mặt trận phía Tây .


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#dichle