Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Phần 21

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


22 CHIẾN DỊCH SƯ TỬ BIỂN: ANH CHỐNG CỰ ĐỨC 

 NGÀY 30 tháng 6 năm 1940, Jodl ghi: "Chiến thắng dứt điểm của Đức đối với Anh bây giờ chỉ là vấn đề thời gian. Địch không thể nào mở cuộc phản công trên diện rộng." Nhà chiến lược được Hitler yêu mến đang trong tâm trạng tự tin và mãn nguyện. Pháp đầu hàng vào tuần trước, để lại Anh trong tình thế lẻ loi và dường như vô vọng. Ngày 15 tháng 6, Hitler thông báo với tướng lĩnh là mình muốn giải trừ một phần lực lượng từ 160 xuống còn 120 sư đoàn. Halder ghi vào nhật ký ngày hôm ấy: "Tiền đề của việc này là Lục quân đã hoàn tất nhiệm vụ. Không quân và Hải quân sẽ nhận sứ mệnh tiến hành chiến tranh chống Anh." Đúng ra, Lục quân không mấy quan tâm đến việc này. Cả Lãnh tụ cũng không màng. Cho đến ngày 17 tháng 6, Đại tá Walter Warlimont, phụ tá của Jodl, thông báo cho Hải quân biết rằng: "về việc đổ bộ lên nước Anh, Lãnh tụ... vẫn chưa cho biết ý định ra sao... Vì thế, ngay cả lúc này, Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực vẫn chưa có chuẩn bị gì cả." 4 ngày sau, vào lúc Hitler đang đi đến Compiègne để làm nhục người Pháp trong toa xe đình chiến, Hải quân được thông báo rằng: "Bộ Tư lệnh Lục quân không có liên can đến vấn đề nước Anh. Hãy xem việc thực hiện là không khả thi... Không biết phải tiến hành chiến dịch như thế nào từ miền Nam... Bộ Tư lệnh bác bỏ ý tưởng của chiến dịch." Những bộ óc tham mưu tài giỏi nhất của cả ba quân chủng Đức không biết phải tấn công Anh quốc như thế nào, dù theo lẽ tự nhiên là Hải quân sẽ đóng vai trò nòng cốt. Ngược về ngày 15 tháng 11 năm 1939, Raeder ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân xem xét: "khả năng xâm chiếm Anh, một khả năng khởi phát nếu hình thành một số điều kiện trong tiến trình của cuộc chiến." Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà giới quân sự Đức được yêu cầu xem xét hành động như thế. Có lẽ là Raeder hạ lệnh này nhằm dự phòng vị Lãnh tụ bốc đồng bất thình lình ra chỉ thị, thì ông dễ đối phó hơn. Không có tài liệu nào cho thấy Hitler đã được tham khảo hoặc biết gì về việc này. Đầu óc ông ta lúc đó chỉ nghĩ đến việc chiếm lấy những căn cứ không quân và hải quân ở Hà Lan, Bỉ và Pháp để bao vây nước Anh .

Tháng 12 năm 1939, hai Bộ Tư lệnh Lục quân và Không quân được chỉ thị xem xét vấn đề tiến công Anh. 3 quân chủng trao đổi với nhau một số ý kiến mông lung, nhưng không thể đi xa hơn. Tháng 1 năm 1940, cả Hải quân và Không quân đều bài bác kế hoạch của Lục quân, cho rằng nó thiếu thực tế. Hải quân cho rằng kế hoạch này không xét đến sức mạnh của Hải quân Anh, còn Không quân nghĩ kế hoạch đánh giá quá thấp tiềm lực của Không lực Hoàng gia Anh. Một công văn của Bộ Tư lệnh Không quân gửi cho Bộ Tư lệnh Lục quân nêu rõ: "Để kết luận, phải bác bỏ chiến dịch kết hợp [các quân chủng] mà mục tiêu là đổ bộ lên Anh." Sau này, như ta sẽ thấy, Tư lệnh Không quân Goering và các phụ tá của ông có quan điểm ngược lại .

Tài liệu của Đức ghi nhận lần đầu tiên Hitler đối mặt với khả năng tiến công Anh là vào ngày 21 tháng 5, một ngày sau khi các lực lượng thiết giáp tiến gần đến Dunkirk. Nguồn tin này là Raeder, người thảo luận "riêng" với Lãnh tụ về "khả năng có một cuộc đổ bộ lên đất Anh". Hải quân đã không được chia sẻ vinh quang với Lục quân và Không quân trên mặt trận phía Tây, nên điều dễ hiểu là Raeder đang tìm cách mang quân chủng của mình vào vị thế nổi bật hơn. Nhưng Hitler đang bận tâm với trận đánh bao vây ở Dunkirk và không muốn các tướng lĩnh bị phân tâm bởi những vấn đề xa vời .

Tuy nhiên, các sĩ quan Hải quân đang khá rảnh rỗi vì không có nhiều việc làm, nên họ vẫn tiếp tục nghiên cứu phương án đổ bộ. Ngày 27 tháng 5, Chuẩn Đô đốc Kurt Fricke, Trưởng phòng Hành quân của Bộ Tư lệnh Hải quân, đã soạn ra được một kế hoạch. Hải quân cũng bắt đầu huy động các loại tàu và phát triển tàu đổ bộ, là loại tàu mà Đức hoàn toàn thiếu hụt. Về việc này Tiến sĩ Gottfried Feder – nhà kinh tế học lập dị từng giúp Hitler soạn bản cương lĩnh của Đảng ở Munich và hiện là Thứ trưởng Kinh tế đã soạn ra đề án chế tạo loại sà lan tự vận hành có thể chở một đại đội gồm 200 binh sĩ được trang bị đầy đủ hoặc vài xe thiết giáp hoặc vài khẩu pháo, lướt lên bất kỳ bãi biển nào và tạo hoả lực yểm trợ cho binh sĩ đổ bộ. Bộ Tư lệnh Hải quân và ngay cả Halder xem xét nghiêm túc đề án này, rồi Hitler và Raeder trao đổi với nhau ngày 20 tháng 6. Nhưng rốt cuộc đề án này lại không hề được triển khai .

Vào cuối tháng Sáu, các đô đốc dường như chẳng hề có động thái gì để chuẩn bị cho việc đổ bộ. Sau khi xuất hiện ở Compiègne, Hitler cùng với thuộc hạ đi đến Paris để ngắm cảnh, tham quan phần mộ của Napoléon ở Điện Invalides (mà ông nói "Đây là thời khắc đáng nhớ nhất trong đời tôi") rồi đi thăm các bãi chiến trường, không phải của cuộc chiến này mà là của cuộc chiến trước, nơi ông đã phục vụ trong Quân đội. Có vẻ như tiến trình tương lai của cuộc chiến – đặc biệt là vấn đề tiếp tục chiến đấu với Anh như thế nào – không phải là mối bận tâm của Hitler, hoặc có lẽ chỉ vì ông tin rằng chuyện nhỏ nhoi này đã được định đoạt ổn thoả, bởi ông nghĩ Anh quốc bây giờ sẽ phải "biết điều"và thoả hiệp đi đến hoà bình .

Đến ngày 29 tháng 6, Hitler mới về đến tổng hành dinh của mình và có thời giờ xem xét báo cáo của Jodl về những động thái sắp tới. Báo cáo có tựa đề: "Việc Tiếp tục Chiến tranh chống Anh." Bình thường Jodl là nhà chiến lược thận trọng, nhưng lúc này ông chia sẻ quan điểm của Bộ Chỉ huy Tối cao là cuộc chiến sắp chấm dứt. Nếu Anh không nhận ra điều này thì ta cần thêm một ít áp lực để nhắc nhở họ. Đối với cuộc "công hãm" Anh, Jodl đề xuất 3 bước: tăng cường chiến tranh trên không và trên biển để tấn công tuyến hải hành, kho tàng, nhà máy và Không lực Hoàng gia Anh, rồi "tấn công khủng bố những trung tâm dân cư" và cuối cùng là "đổ bộ quân với mục đích chiếm đóng Anh" .

Jodl nhận ra rằng "cuộc chiến chống Không lực Anh phải được ưu tiên hàng đầu". Nhưng nói chung, ông nghĩ có thể tiến hành việc này cũng như những việc khác mà không gặp mấy rắc rối .

"Cùng với chiến dịch tuyên truyền và những đợt tấn công theo định kỳ được loan báo là để trả đũa, thì nguồn cung ứng thực phẩm càng ngày càng yếu đi. Việc đó sẽ làm tê liệt và sau cùng là đánh đổ ý chí chống cự của dân chúng, đồng thời qua đó bắt buộc Chính phủ phải đầu hàng." Jodl còn đề nghị khả năng "mở rộng cuộc chiến ra chu vi" – có nghĩa là tấn công Anh với sự yểm trợ không chỉ của Ý mà còn của Nhật, Tây Ban Nha và Nga .

Về việc đổ bộ, Jodl nghĩ: "chỉ nên thực hiện sau khi Đức kiểm soát được bầu trời. Vì thế,việc đổ bộ không nhằm mục đích là xâm chiếm Anh bằng quân sự, mà đây là việc dành cho Không quân và Hải quân. Mục đích là để đánh đòn dứt điểm khi Anh đã tê liệt về kinh tế và không còn có thể chiến đấu trên không, nếu điều đó vẫn còn cần thiết." Tuy nhiên, việc này có thể sẽ còn không cần thiết nữa .

"Vì lẽ Anh không còn có thể chiến đấu để đi đến thắng lợi mà chỉ có thể duy trì đất nước và uy tín trên trường thế giới, nên theo mọi dự báo, Anh sẽ chịu chấp nhận hoà bình khi biết rằng bây giờ họ sẽ có hoà bình với giá tương đối thấp." Đó cũng là suy nghĩ của Hitler và ông lập tức chuẩn bị cho bài diễn văn tại Nghị viện. Như ta đã biết, ông ta đã ban hành Chỉ thị số 16 cho Chiến dịch Sư tử Biển. Rốt cuộc, sau 6 tuần lễ do dự, ông ta đã quyết định tiến công "nếu cần thiết". Như Hitler và các tướng lĩnh đã muộn màng nhận ra, đây sẽ là một chiến dịch quân sự lớn lao, có nhiều rủi ro, mà sự thành công là tuỳ vào Không quân và Hải quân Đức chuẩn bị phải chống lại Hải quân Anh mạnh hơn nhiều và Không lực Hoàng gia Anh cũng không phải là kém cỏi .

Liệu Sư tử Biển có phải là kế hoạch nghiêm túc không? Và Đức có ý định nghiêm túc tiến hành kế hoạch này không? Cho đến bây giờ, nhiều người nghĩ rằng không. Tướng lĩnh Đức sau chiến tranh cũng xác nhận như thế. Rundstedt khai với Đồng minh năm 1945 như sau: "Việc tiến công Anh như đề xuất là vô lý, bởi vì không có đủ tàu thuyền... Chúng tôi xem việc này như là một kiểu mưu đồ, bởi vì hiển nhiên là không thể thực hiện cuộc đổ bộ khi mà Hải quân Đức không hề có khả năng yểm trợ việc vượt biển Manche hoặc vận chuyển quân. Còn Không lực Đức cũng không có khả năng đảm nhiệm những chức năng đó nếu Hải quân thất bại... Tôi luôn ngờ vực toàn bộ kế hoạch này... Tôi có cảm tưởng rằng Lãnh tụ không bao giờ thật sự muốn tiến công Anh. Ông không bao giờ có đủ can đảm... Ông cứ nuôi hy vọng rằng Anh sẽ chấp nhận hoà bình.." Blumentritt, Trưởng phòng hành quân dưới quyền Tập đoàn quân A của Rundstedt, cũng có quan điểm tương tự, ông cho rằng các tướng lĩnh Đức nói về kế hoạch tấn công Anh như là trò hù doạ .

Tôi đã dành ra vài ngày giữa tháng Tám ở ven bờ biển Manche, rình rập đây đó từ Antwerp cho đến Boulogne để tìm kiếm dấu vết của đoàn quân xâm lăng. Ngày 15 tháng 8, tại Calais và Cap Gris-Nez, chúng tôi thấy hàng đoàn máy bay thả bom và máy bay chiến đấu trên biển Manche hướng đến Anh trong đợt không kích đầu tiên. Trong khi hiển nhiên là Không quân đang tham chiến tận lực, thì riêng ở những cảng biển và những con sông và kênh phía chúng tôi lại không thấy tàu hải quân hay sà lan cần thiết cho việc đổ bộ. Điều này khiến tôi có cảm tưởng rằng người Đức đúng là đang hù doạ. Theo những gì tôi thấy, đơn giản là họ không có phương tiện để vận chuyển binh sĩ qua biển Manche .

Nhưng một ký giả thì chỉ có thể trông thấy chút ít về cuộc chiến. Đến hiện tại, chúng ta mới được biết rằng phải đợi đến tận ngày 1 tháng 9 thì Đức mới bắt đầu huy động hạm đội cho cuộc tiến công. Về phần các tướng lĩnh Đức, bất kỳ ai đọc bản cung khai của họ hoặc nghe họ khai trước Toà án Nuremberg đều thấy được sự dối trá. Họ nói nhiều, nhưng không phải lúc nào cũng dựa theo trí nhớ tốt hoặc ngay cả theo sự chân thật. Và họ cũng muốn chứng tỏ điều gì đấy có lợi cho cá nhân mình – một trong những điều này là phản biện sự chỉ huy quân sự của Hitler. Đúng thế: Luận cứ chính yếu là nếu họ có toàn quyền quyết định, thì đáng lẽ Hitler đã không dẫn Đế chế Thứ Ba đến chỗ bại trận .

Không may cho họ nhưng may mắn cho lịch sử và chân lý, khối lượng tài liệu quân sự Đức cho thấy kế hoạch của Hitler xâm lăng Anh là hoàn toàn nghiêm túc, tuy có nhiều do dự, đồng thời Hitler cũng thật sự muốn thực hiện kế hoạch này nếu nhìn thấy một cơ may thành công nào đấy. Kết quả chung cuộc của chiến dịch này không phải là do thiếu sự quyết tâm hoặc nỗ lực, mà là do vận may rủi của cuộc chiến lần đầu tiên đã cho thấy sự bất lợi với Hitler .

Ngày 17 tháng 7, một ngày sau khi ban hành Chỉ thị số 16 nhằm chuẩn bị cho cuộc tiến công và 2 ngày trước khi Hitler phát biểu tại Nghị viện, Bộ Tư lệnh Lục quân (OKH) đã phân bổ lực lượng cho chiến dịch Sư tử Biển và ra lệnh 13 sư đoàn được chọn di chuyển đến những điểm xuất phát trên bờ biển Manche. Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Lục quân cũng sẽ hoàn tất kế hoạch đổ bộ trên diện rộng dọc bờ biển miền Nam nước Anh .

Giống như trên mặt trận đánh Pháp, Thống chế Rundstedt, Tư lệnh Tập đoàn quân A (như được bổ nhiệm ngày 19 tháng 7), sẽ phụ trách mũi tiến công chính. 6 sư đoàn bộ binh của Đại Quân đoàn Thứ Mười Sáu dưới quyền Tướng Ernst Busch sẽ xuống tàu ở Pas de Calais để đổ bộ giữa Ramsgate và Bexhill. Bốn sư đoàn của Đại Quân đoàn Thứ Chín dưới quyền Tướng Adolf Strauss sẽ xuất phát từ Le Havre để đổ bộ giữa Brighton và Đảo Wight .

Về hướng Tây, 3 sư đoàn của Đại Quân đoàn Thứ Sáu (thuộc Tập đoàn quân B của Thống chế von Bock) dưới quyền Thống chế von Reichenau sẽ tiến từ bán đảo Cherbourg đến vịnh Lyme, giữa Weymouth và Lyme Regis .

Tổng cộng sẽ có 90.000 quân tiến công trong đợt đầu, đến ngày thứ ba dự kiến sẽ đổ bộ 260.000 quân. Quân dù sẽ nhảy xuống vịnh Lyme để yểm trợ. Trong đợt tiến công thứ hai sẽ có 6 sư đoàn thiết giáp cùng với 3 sư đoàn cơ giới và trong vòng vài ngày kế tiếp, dự kiến sẽ đưa lên bờ tổng cộng 39 sư đoàn cộng thêm 2 sư đoàn không vận .

Sau khi thiết lập các đầu cầu, các sư đoàn của Tập đoàn quân A ở miền Đông Nam sẽ tiến đến mục tiêu đầu tiên là một đường chạy giữa Gravesend và Southampton. Đại Quân đoàn Thứ Sáu của Reichenau sẽ tiến đến Bristol, cắt đứt Devon và Cornwall. Mục tiêu thứ hai sẽ là một đường giữa Maldon trên bờ biển đông phía Bắc cửa sông Thames đến sông Severn, khoá chặt Wales. Có khả năng sẽ xảy ra "những trận đánh lớn với những lực lượng mạnh của Anh" khi Đức tiến đến mục tiêu đầu tiên, nhưng Đức sẽ chiến thắng nhanh chóng, bao vây London, rồi tiếp tục tiến lên hướng Bắc .

Ngày 17 tháng 7, Tư lệnh Lục quân Brauchitsch nói với Tư lệnh Hải quân Raeder rằng cả chiến dịch có thể sẽ chấm dứt trong vòng 1 tháng với mức độ tương đối dễ dàng .

Thực ra, Quân báo Đức đã ước lượng quá cao tiềm lực của Anh khi vào đầu tháng Bảy, họ đã cho rằng Anh có khoảng từ 15 đến 20 sư đoàn là có "giá trị tác chiến". Nhưng lúc đó, thật ra Anh có 29 sư đoàn nhưng chỉ có phân nửa là có "giá trị tác chiến" vì những sư đoàn còn lại không có thiết giáp hoặc pháo. Tuy vậy, đến tháng 9, ngược lại với ý nghĩ của nhiều người lúc ấy và cho đến bây giờ, Anh đã có đủ sức để chống trả đợt tiến công đầu tiên của Đức. Lúc ấy, Anh có 16 sư đoàn được huấn luyện đầy đủ, trong đó có 3 sư đoàn thiết giáp, thêm 4 sư đoàn bộ binh và 1 lữ đoàn thiết giáp che chắn bờ biển đông từ Thames đến Wash. Điều này cho thấy sau việc đào thoát khỏi Dunkirk, Quân đội Anh đã phục hồi một cách khả quan .

Nhưng quân báo Anh lại vô cùng lầm lạc trong 3 tháng đầu. Churchill và những cố vấn quân sự của ông đều tin rằng Đức sẽ đổ bộ lên bờ biển phía Đông, vì thế một phần lớn quân bộ Anh được tập trung ở đấy cho đến tháng 9 .

Riêng Raeder và Bộ Tư lệnh Hải quân thì lại tỏ ra ngờ vực về lực lượng của mình. Đơn giản là một chiến dịch lớn lao trên phòng tuyến rộng như thế – trải dài trên 360 km từ Ramsgate đến vịnh Lyme là vượt quá khả năng vận chuyển và yểm trợ của Hải quân Đức. Ngày 19 tháng 7, Raeder báo cho Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực về điều này. 2 ngày sau ông nêu vấn đề này lần nữa khi Hitler triệu ông, Brauchitsch và Tướng Tham mưu trưởng Không quân Hans Jeschonnek đến Berlin để tham khảo ý kiến .

Lãnh tụ vẫn còn hoang mang tự hỏi "điều gì đang xảy ra ở Anh quốc." Ông nhận ra những khó khăn của Hải quân nhưng nêu rõ tầm quan trọng của việc chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt. Ông nói 40 sư đoàn là đủ cho cuộc xâm chiếm và "chiến dịch chính" sẽ hoàn tất trước ngày 15 tháng 9. Nói chung, Hitler có tâm trạng lạc quan, cho dù chính lúc này Churchill vẫn không muốn nghe lời kêu gọi của ông về hoà bình. Halder ghi chép lời của Hitler: "Tình trạng của Anh quốc là tuyệt vọng. Ta đã thắng cuộc chiến. Khả năng đảo ngược để thành công của Anh là không thể nào." Nhưng Hải quân lại không tin chắc như thế, bởi vì họ đang phải đối mặt với nhiệm vụ nặng nề là vận chuyển nguyên cả đoàn quân ngang qua biển Manche dậy sóng trước Hải quân Anh vượt trội và trước Không lực Anh vẫn còn hoạt động. Ngày 29 tháng 7, Bộ Tư lệnh Hải quân soạn thảo một bản ghi nhớ khuyến cáo "không nên tiến hành chiến dịch trong năm nay" và đề nghị "cân nhắc xem xét vào tháng 5 năm 1941 hoặc sau đó." Nhưng Hitler lại nhất quyết xem xét việc này vào ngày 31 tháng 7 năm 1940, khi ông triệu tập đến Obersalzberg: Raeder thuộc Hải quân, Keitel và Jodl thuộc Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực, Brauchitsch và Halder thuộc Bộ Tư lệnh Lục quân. Lần này, vị Thuỷ sư Đô đốc chiếm phần lớn thời gian phát biểu. Ông không có vẻ lạc quan .

Ông nói 15 tháng 9 sẽ là ngày sớm nhất để phát động Chiến dịch Sư tử Biển và lúc ấy chỉ nên phát động khi "không có yêu tố bất ngờ do thời tiết hoặc đối phương gây ra". Khi Hitler hỏi về thời tiết, Raeder đáp lại bằng 1 bài giảng về đề tài này bằng giọng hùng hồn và ra vẻ ngăn cản. Ông giải thích rằng ngoại trừ 2 tuần lễ đầu tháng 10, thì thời tiết "nói chung là xấu" ở biển Manche và biển Bắc, sương mù nhẹ đến vào giữa tháng và sương mù nặng vào cuối tháng. Nhưng đây chỉ là phần bắt đầu của vấn đề thời tiết. Ông nói "chỉ có thể tiến hành chiến dịch nếu biển lặng". Khi biển động, sà lan sẽ chìm và ngay cả tàu lớn cũng vô dụng vì không thể chuyển hàng hậu cần lên bờ. Ông nói tiếp: "Ngay cả nếu thực hiện thành công việc vượt eo biển trong đợt đầu dưới điều kiện thời tiết tốt, thì cũng chẳng có gì đảm bảo là thời tiết tốt như thế sẽ đến vào đợt thứ hai và đợt thứ ba... Vào thời điểm này, ta phải chấp nhận rằng có thể trong vài ngày, ta không vận chuyển được khối lượng nào đáng kể vượt eo biển, cho đến khi có thể sử dụng cảng biển nào đấy [trên đất Anh]." Tình trạng này sẽ khiến cho Lục quân trở thành mục tiêu ngon ăn cho đối phương vì thiếu hàng hậu cần và tăng viện. Thế rồi, Raeder đi đến điểm chính về những khác biệt giữa Lục quân và Không quân. Lục quân muốn mở một mặt trận rộng từ eo biển Dover đến vịnh Lyme. Nhưng Hải quân không thể cung ứng đủ các loại tàu thuyền cho chiến dịch to tát như thế khi còn phải chống lại sự kháng cự mạnh của Hải quân và Không lực Hoàng gia Anh. Vì thế, Raeder mạnh mẽ đề xuất rằng nên thu hẹp mặt trận: chỉ từ eo biển Dover đến Eastbourne. Vị Tư lệnh Hải quân kết luận: "Xét qua mọi yếu tố, thời điểm thích hợp nhất cho chiến dịch là tháng 5 năm 1941." Nhưng Hitler không muốn chờ lâu đến thế. Ông thừa nhận rằng "theo lẽ tự nhiên" là họ không thể làm gì được với thời tiết. Nhưng họ phải xét đến những hệ luỵ nếu để mất thời giờ. Hải quân Đức sẽ vẫn còn yếu hơn Hải quân Anh vào mùa xuân năm sau. Bây giờ, Lục quân Anh đang đuối sức. Nhưng nếu được để yên trong khoảng từ 8 đến 10 tháng, thì họ sẽ có 30 đến 35 sư đoàn, là một lực lượng đáng kể trong khu vực hạn hẹp của cuộc tiến công. Vì thế, theo ghi chép mật của Raeder và Halder, chỉ thị của Hitler là như sau: "Phải nghiên cứu việc đánh lạc hướng ở châu Phi. Nhưng chỉ có thể đạt kết quả mang tính quyết định bằng cách tấn công Anh. Vì thế, phải chuẩn bị cho chiến dịch mở ra ngày 15 tháng 9 năm 1940... Sau khi Không quân mở những cuộc không kích tập trung ở miền Nam nước Anh trong 1 tuần, ta sẽ đi đến quyết định liệu có nên mở chiến dịch vào tháng 9 năm 1940 hay hoãn lại cho đến tháng 5 năm 1941. Nếu các cuộc không kích gây thiệt hại nặng cho không lực, cảng biển và hải quân địch..., ta sẽ tiến hành Chiến dịch Sư tử Biển trong năm 1940. Nếu không, sẽ phải dời đến tháng 5 năm 1941 .

Bây giờ, mọi việc đều tuỳ thuộc vào Không quân Đức." Ngày hôm sau, 1 tháng 8 năm 1940, Hitler ban hành 2 chỉ thị, một do ông ta ký tên, chỉ thị kia do Keitel ký tên .

TỐI MẬT Tổng hành dinh của Lãnh tụ 1 tháng 8 năm 1940 Chỉ thị số 17 về việc tiến hành Chiến tranh Không quân và Hải quân chống Anh. Nhằm tạo điều kiện cần thiết cho việc chinh phục bằng được nước Anh, tôi có ý định tiếp tục chiến tranh Không quân và Hải quân để chống lại chính quốc Anh một cách mạnh mẽ nhất từ trước đến giờ .

Trong mục đích này, tôi ban hành những lệnh sau: Không lực Đức trấn áp Không lực Anh bằng mọi cách trong khả năng của mình và phải hoàn tất càng sớm càng tốt... Sau khi chiếm ưu thế trên không nhất thời hoặc cục bộ, ta sẽ tiến hành không kích các cảng biển, đặc biệt là những cơ sở liên hệ đến việc cung ứng thực phẩm... Không kích các cảng biển miền Nam càng ít càng tốt, xét qua những cuộc hành quân mà ta dự trù... Không quân chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho Chiến dịch Sư tử Biển .

Chính tôi sẽ có quyết định về việc tấn công khủng bố như là cách thức trả đũa .

Có thể bắt đầu gia tăng cường độ chiến tranh trên không từ ngày 6 tháng 8 hoặc sau đó... Cho phép Hải quân bắt đầu gia tăng cường độ chiến tranh trên biển vào cùng thời kỳ .

ADOLF HITLER Một phần của Chỉ thị do Keitel ký cùng ngày là như sau: TỐI MẬT Chiến dịch Sư tử Biển Sau khi Tư lệnh Hải quân báo cáo ngày 31 tháng 7 rằng không thể hoàn tất bước chuẩn bị cho Sư tử Biển trước ngày 15 tháng 9, Lãnh tụ chỉ thị: Tiếp tục những bước chuẩn bị cho Sư tử Biển, Lục quân và Không quân phải hoàn tất vào ngày 15 tháng 9 .

Từ 8 đến 14 ngày sau khi phát động cuộc không kích chống Anh vào ngày 5 tháng 8, Lãnh tụ sẽ quyết định xem liệu có nên tiến công trong năm nay hay không, quyết định của ông phần lớn tuỳ thuộc vào kết quả của chiến dịch không kích... Dù Hải quân cảnh báo rằng chỉ có thể đảm bảo phòng thủ một bờ biển hẹp (kéo dài đến Eastbourne), nhưng ta vẫn phải tiến hành những bước chuẩn bị cho cuộc tấn công trên diện rộng như đã trù định lúc đầu... Đoạn cuối của chỉ thị này chỉ nhằm mục đích khơi dậy sự kình chống giữa Lục quân và Hải quân về vấn đề nên mở chiến dịch trên diện rộng hay hẹp. 2 tuần trước, Bộ Tư lệnh Hải quân ước lượng là để thoả mãn nhu cầu đổ bộ 100.000 quân cùng với quân nhu và quân cụ trong đợt đầu ở dọc bờ biển dài 320 km từ eo biển Dover đến vịnh Lyme, thì sẽ cần phải huy động hơn 1.700 sà lan, gần 1.200 thuyền máy, 470 tàu kéo và 155 tàu vận tải. Raeder nói với Hitler rằng dù cho có thể tập kết được lực lượng hải vận như thế, thì nền kinh tế của Đức cũng sẽ bị thiệt hại, vì nó vốn tuỳ thuộc nhiều vào giao thông đường thuỷ giờ đã bị lấy đi mọi phương tiện chuyển vận. Raeder cũng vạch rõ rằng, dù sao đi nữa, Hải quân Đức cũng không có khả năng bảo vệ một lực lượng hải vận đông đảo như vậy, trong khi còn phải chống lại những cuộc tấn công của Hải quân và Không lực Hoàng gia Anh. Bộ Tư lệnh Hải quân cảnh báo với Lục quân rằng nếu cứ đòi hỏi mặt trận rộng, Hải quân có thể sẽ mất tất cả tàu thuyền của họ .

Nhưng Lục quân vẫn cứ đòi hỏi. Vì vẫn ước lượng quá cao sức mạnh của Anh, họ biện luận rằng đổ bộ trên mặt trận hẹp có thể đối mặt với một lực lượng bộ binh Anh "có ưu thế". Ngày 7 tháng 8, một cuộc đối đầu giữa hai quân chủng đã xảy ra khi Tham mưu trưởng Lục quân Halder gặp Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Schniewind .

Bình thường vốn là người trầm tĩnh, nhưng lần này vị Tham mưu trưởng Lục quân đã nổi đoá: "Tôi cực lực bác bỏ đề xuất của Hải quân. Từ quan điểm của Lục quân, tôi xem đó là cuộc tự sát tập thể. Đó sẽ giống như việc tôi phải dẫn binh sĩ đổ bộ vào một cỗ máy nghiền thịt để làm xúc xích!" Nhưng theo nhật ký của Halder, ông không nói như thế. Ông chỉ cho biết "buổi họp chỉ xác nhận một lần nữa sự bất đồng không thể giải quyết được". Ông nói Hải quân "e sợ Hạm đội Viễn dương Anh và cho rằng Không quân không thể bảo vệ chống lại hiểm hoạ này". Hiển nhiên là vào lúc này Hải quân không có mấy ảo tưởng về sức mạnh của Không quân dưới quyền Goering .

Theo biên bản buổi họp của Bộ Tư lệnh Hải quân, Schniewind trả lời rằng "xét qua ưu thế của Hải quân Anh", nếu cố chuyển vận binh sĩ trên diện rộng theo cách Lục quân muốn thì "cũng sẽ giống như tự sát" .

Vấn đề này càng ngày càng trở nên tiến thoái lưỡng nan. Nếu mở chiến dịch trên diện rộng với quân số cao, Hải quân Anh có thể đánh đắm toàn bộ lực lượng chuyển vận. Nếu là diện hẹp với quân số thấp, Lục quân Anh có thể đánh bật quân Đức trở xuống biển. Ngày 10 tháng 8, Brauchitsch thông báo với Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng ông "không thể chấp nhận" việc đổ bộ giữa Folkestone (tại eo biển Dover) và Eastbourne. Tuy "rất ngần ngại", nhưng ông sẵn sàng bãi bỏ việc đổ bộ ở vịnh Lyme nhằm thu hẹp mặt trận và dung hoà với Hải quân .

Các đô đốc cứng đầu vẫn thấy không đủ, thái độ cẩn trọng và kiên quyết của họ bắt đầu ảnh hưởng lên Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực. Ngày 13 tháng 8, Jodl soạn thảo bản "đánh giá" tình hình, đặt ra năm điều kiện cho sự thành công của Sư tử Biển mà các tướng lĩnh và đô đốc có lẽ sẽ thấy khó tin. Trước hết, phải tiêu diệt Hải quân Anh khỏi bờ biển miền Nam, thứ hai, phải loại trừ Không lực Hoàng gia Anh khỏi bầu trời. Những điều kiện khác, liên quan đến việc đổ bộ Lục quân với lực lượng mạnh và với tốc độ nhanh, hiển nhiên là vượt quá khả năng của Hải quân. Nếu những điều kiện này không đạt được, thì Jodl cho rằng việc đổ bộ là một hành động vô vọng mà không có lý do gì phải thực hiện tại thời điểm này .

Sau khi nỗi lo sợ của Hải quân lan đến Jodl, đến lượt thái độ lưỡng lự của ông này ảnh hưởng đến Hitler. Suốt cuộc chiến, Lãnh tụ dựa vào Jodl hơn là con người hèn yếu và trì trệ Keitel. Ông hứa sẽ đi đến quyết định cuối sau khi gặp Tư lệnh Lục quân Brauchitsch. Sau khi nghe thêm ý kiến của Raeder và Brauchitsch, rốt cuộc Hitler đã hạ quyết tâm. Theo đó, ngày 16 tháng 8, Keitel ký chỉ thị cho biết Lãnh tụ đã bãi bỏ cuộc đổ bộ ở vịnh Lyme, còn những bước chuẩn bị cho mặt trận hẹp vẫn phải tiếp tục. Đó cũng là lần đầu tiên Hitler thể hiện mối nghi ngại khi nói rằng: "Mệnh lệnh cuối cùng sẽ được đưa ra khi tình hình được sáng tỏ." Tuy nhiên, chỉ thị mới chỉ là sự dung hoà, đồng thời một chỉ thị được cùng ngày đã nới rộng thêm mặt trận hẹp: "Vận chuyển chủ yếu qua mặt trận hẹp. Cùng lúc đổ bộ 4.000 hoặc 5.000 bộ binh và số tương đương lính dù ở Deal-Ramsgate. Ngoài ra, vào Ngày D trừ 1 Không quân sẽ tấn công mạnh vào London nhằm khiến cho cư dân trốn chạy khỏi thành phố mà làm tắc nghẽn đường sá." Ngày 23 tháng 8, Halder ghi vào nhật ký: "Trên cơ sở đó, cuộc tấn công không có cơ may thành công trong năm nay" .

Tuy thế, ngày 27 tháng 8, Keitel đã ký ban hành những kế hoạch cuối cùng để đổ bộ lên 4 vùng chính trên bờ biển phía Nam giữa Flokestone và Selsey Bill, gần Portsmouth về hướng Bắc. Đồng thời, lực lượng Đức sẽ tiến hành những cuộc tấn công nghi binh vào bờ biển miền Đông, nơi mà Churchill và các cố vấn quân sự của ông vẫn nghĩ Đức sẽ mở cuộc tấn công chính. Bốn tàu vận tải lớn, cộng thêm 10 tàu hàng trống rỗng được bốn tàu tuần dương hộ tống sẽ rời những cảng miền Nam Na Uy hướng đến bờ biển Anh, rồi quay về khi đêm xuống và ngày hôm sau sẽ lặp lại như thế .

Ngày 30 tháng 8, Brauchitsch ban hành chỉ thị chi tiết cho việc đổ bộ, nhưng các tướng lĩnh hẳn đang tự hỏi liệu vị Tư lệnh Lục quân đang toàn tâm đến đâu cho chiến dịch này. Ông đặt tiêu đề "Chỉ thị cho việc Chuẩn bị Chiến dịch Sư tử Biển" – lúc này đã là quá muộn để chuẩn bị cho một chiến dịch bắt đầu ngày 15 tháng 9. Ông còn thêm: "Lệnh thi hành tuỳ thuộc vào tình hình chính trị" – một điều kiện hẳn làm hoang mang các tướng lĩnh vốn không liên can đến chính trị .

Ngày 1 tháng 9, tàu thuyền bắt đầu di chuyển từ các cảng biển Bắc của Đức hướng về các điểm đổ bộ trên biển Manche .

Ngày 3 tháng 9, Keitel phát chỉ thị định ngày đổ bộ sớm nhất là 21 tháng 9, đồng thời cho biết sẽ ban hành lệnh cuối cùng vào ba ngày trước đó. Thêm một yêu cầu là tất cả việc chuẩn bị phải sẵn sàng bị huỷ bỏ 24 giờ trước giờ G .

Đó có vẻ như đây là một ý định nghiêm túc, nhưng thật ra chỉ là sự lừa dối. Ngày 6 tháng 9, sau khi hội kiến với Hitler, Raeder ghi lại: "Quyết định của Lãnh tụ về việc đổ bộ lên đất Anh vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng, vì ông ấy vẫn tin chắc có thể đánh bại Anh mà không cần đổ bộ." Vào ngày ấy, Hitler bàn luận hầu hết tất cả vấn đề ngoại trừ Sư tử Biển: về Na Uy, Gibraltar, kênh đào Suez, việc đối xử với những thuộc địa của Pháp và quan điểm lạ lùng về một "Liên hiệp Bắc Đức" .

Nếu Churchill và các tư lệnh của ông bắt được tin về buổi họp này, thì đáng lẽ mật mã "Cromwell" đã không được ban hành vào buổi tối ngày hôm sau, 7 tháng 9, báo hiệu "Xâm lăng đến gần". Việc báo động như thế tạo ra tình hình rối loạn cùng khắp, khiến cho Lực lượng Dân quân gióng chuông nhà thờ khắp nơi, Công binh Hoàng gia phá huỷ vài chiếc cầu và có những thương vong do việc vội vã đặt mìn. Churchill nói cả ông và các tham mưu trưởng không "nhận ra" rằng mật mã Cromwell đã được ban hành. Mật mã đã được gửi đi do Tổng hành dinh của Lực lượng Phòng vệ. Xế trưa ngày 7 tháng 9, Không quân Đức bắt đầu chiến dịch thả bom London với 625 máy bay oanh tạc được bảo vệ bởi 648 máy bay chiến đấu. Đây là cuộc thả bom dữ dội nhất từ trước đến giờ. Đến chiều tối, cả khu vực cảng chìm trong biển lửa, mọi tuyến đường sắt đi miền Nam vốn cần thiết cho việc phòng thủ chống đổ bộ đều bị cắt đứt. Nhiều người ở London tin rằng trận thả bom mở đầu cho cuộc xâm lăng và đó là lý do chính để ban hành lệnh báo động "Xâm lăng đến gần". Như ta sẽ thấy, trận thả bom ác liệt sẽ đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chiến trận ở Anh quốc .

Thời điểm để Hitler quyết định phát động hoặc hoãn lại cuộc đổ bộ đang đến gần: Đó là ngày 11 tháng 9, để các lực lượng có 10 ngày sắp xếp những bước chuẩn bị cuối cùng. Nhưng đến ngày 10 tháng 9, Hitler hoãn quyết định đến ngày 14 tháng 9. Ít nhất có 2 lý do cho sự trì hoãn này. Lý do thứ nhất là Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực tin rằng việc thả bom London đang gây nhiều thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần cho người Anh, vì thế sẽ không cần thiết phải đổ bộ. Lý do thứ hai phát sinh từ khó khăn của Hải quân Đức trong việc tập trung phương tiện vận chuyển đường biển. Ngoài yếu tố thời tiết mà Hải quân báo cáo ngày 10 tháng 9 là "hoàn toàn bất thường và thiếu ổn định", thì còn do Không lực Hoàng gia Anh – mà Goering hứa sẽ tiêu diệt – và Hải quân Anh thì đang ngăn cản rất mạnh mẽ trước sự tập trung của hạm đội tiến công. Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Hải quân Đức cảnh báo về "nguy cơ" của các cuộc tấn công từ Không quân và Hải quân Anh chống tàu vận tải của Đức mà họ cho rằng "không còn nghi ngờ gì là đã thành công" .

2 ngày sau, Tổng hành dinh Hạm đội phía Tây gửi báo cáo về Berlin: "Những rối loạn mà các lực lượng Không quân, pháo tầm xa và Hải quân của địch gây ra lần đầu tiên có ảnh hưởng rất lớn đến ta. Không thể sử dụng các cảng biển tại Ostend, Dunkirk, Calais và Boulogne làm nơi neo đậu ban đêm cho tàu vận tải vì nguy cơ bị Anh thả bom và bắn pháo. Những đơn vị của hạm đội Anh hiện giờ đang hành động hầu như tự do trên biển Manche. Do những khó khăn này, dự kiến việc tập trung hạm đội tiến công sẽ thêm chậm trễ." Ngày hôm sau, tình hình càng xấu thêm cho Đức. Tàu chiến hạng nhẹ của Anh tấn công các cảng Ostend, Calais, Boulogne và Cherbourg, trong khi Không lực Hoàng gia Anh đánh chìm 80 sà lan ở cảng Ostend. Trong bữa ăn trưa ngày này tại Berlin, Hitler đã tham khảo ý kiến các tư lệnh quân chủng. Ông ta nghĩ chiến tranh trên không đang tiến hành rất khả quan và tuyên bố ông ta không có ý định gây rủi ro trong cuộc đổ bộ. Thật ra, Jodl có cảm tưởng rằng Hitler "rõ ràng đã quyết định bãi bỏ hẳn Sư tử Biển". Cảm nghĩ này là đúng hôm ấy nhưng hôm sau Hitler lại đổi ý .

Cả Raeder và Halder đều ghi lại buổi họp với Hitler ngày 14 tháng 9 .

Trước buổi họp, Raeder còn trao cho Hitler bản ghi nhớ trình bày ý kiến của Hải quân là: "tình hình chiến tranh trên không là bất lợi cho việc thực hiện chiến dịch [Sư tử Biển], vì rủi ro vẫn còn quá cao." Mở đầu buổi họp, Hitler có vẻ khá tiêu cực và có những ý tưởng mâu thuẫn nhau. Ông không phát lệnh nhưng cũng không huỷ bỏ cuộc đổ bộ mà Raeder ghi lại là "hiển nhiên ông đã trù định cho ngày 13 tháng 9" .

Những lý do nào khiến cho Hitler đổi ý? Halder ghi lại chi tiết biện luận của Lãnh tụ: "Tiếp theo một cuộc đổ bộ thành công là sự chiếm đóng sẽ kết thúc chiến tranh trong một thời gian ngắn. Anh quốc sẽ chết đói. Không nhất thiết phải tiến hành đổ bộ trong thời điểm nhất định... Nhưng cuộc chiến kéo dài là không tốt. Ta đã đạt được tất cả những gì ta muốn." Hitler nói những hy vọng của Anh đối với Nga và Mỹ đã không trở thành hiện thực. Nga không có ý định đổ máu vì Anh. Chương trình tái vũ trang của Mỹ sẽ chỉ có kết quả hoàn toàn vào năm 1945. Vào lúc này: "giải pháp nhanh nhất là đổ bộ lên đất Anh. Hải quân đã hoàn thiện những điều kiện cần thiết. Những cuộc oanh tạc của Không quân là rất đáng khen. Chỉ cần 4 hoặc 5 ngày thời tiết tốt là sẽ có thể mang đến kết quả có tính chất quyết định... Ta có cơ may để hạ gục nước Anh." Thế thì, chuyện tồi tệ gì đã xảy ra? Tại sao còn lưỡng lự phát động cuộc đổ bộ? Hitler nhìn nhận vấn đề là: "Kẻ thù đang hồi phục và sẽ tiếp tục hồi phục... Máy bay chiến đấu của kẻ thù chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Những báo cáo của ta về các thành tựu không cho thấy hình ảnh đáng tin cậy, dù cho kẻ thù đã bị thiệt hại nặng nề." Thế thì, trên bình diện tổng thể Hitler tuyên bố "dù cho chúng ta đã có được những thành công, nhưng điều kiện cần thiết cho Chiến dịch Sư tử Biển thì vẫn chưa được hoàn thiện." Hitler tóm tắt những suy nghĩ của mình: Đổ bộ thành công có nghĩa là chiến thắng, nhưng để đạt được điều này ta phải chiếm ưu thế toàn diện trên không .

Thời tiết xấu cho đến lúc này ngăn cản ta chiếm ưu thế toàn diện trên không .

Mọi yếu tố khác đều ổn .

Vì thế quyết định: Chưa thông báo về chiến dịch .

Sau khi đi đến kết luận tiêu cực như thế, Hitler đưa ra niềm hy vọng cao vời là Không quân Đức vẫn có thể mang lại chiến thắng .

Để đạt mục đích này, Tham mưu trưởng Không quân Jeschonnek nài nỉ được phép ném bom những khu dân cư ở London, bởi vì sẽ không có dấu hiệu "hoảng loạn toàn diện" một khi chưa đụng đến những khu này. Raeder nồng nhiệt ủng hộ vài cuộc ném bom khủng bố. Tuy nhiên, Hitler nghĩ tập trung vào mục tiêu quân sự là quan trọng hơn. Ông nói: "Việc ném bom với mục đích gây hoảng loạn trong dân chúng phải là biện pháp cuối cùng." Sự ủng hộ nồng nhiệt của Raeder cho việc ném bom khủng bố dường như là do ông này không phấn khởi với cuộc đổ bộ. Vào thời điểm hiện tại, ông chỉ can dự vào để nhằm nêu rõ một lần nữa những "rủi ro lớn lao". Ông vạch ra rằng tình hình trên sẽ khó mà được cải thiện trước khoảng thời gian từ ngày 24 đến 27 tháng 9 mà ta đã dự trù đổ bộ, vì thế phải dời lại đến ngày 8 hoặc 24 tháng 10 .

Nhưng Hitler thấy như thế là giống như bãi bỏ hẳn cuộc tiến công. Vì vậy ông ta cho biết sẻ chỉ hoãn quyết định đến ngày 17 tháng 9 để cuộc đổ bộ có thể diễn ra ngày 27 tháng 9. Nếu lúc ấy vẫn không thể được, ông ta sẽ nghĩ đến những ngày trong tháng 10. Thế là, Hitler lại ban hành một chỉ thị mới .

TỐI MẬT Berlin Ngày 14 tháng 9 năm 1940 ... Lãnh tụ quyết định: Một lần nữa hoãn lại ngày khởi động Sư tử Biển. Lệnh mới sẽ tiếp theo vào ngày 17 tháng 9. Tất cả các bước chuẩn bị đều phải được tiếp tục .

Phải tiếp tục các cuộc không kích London và mở rộng các mục tiêu quân sự cùng những cơ sở trọng yếu (như nhà ga) .

Chỉ áp dụng tấn công khủng bố ở những khu vực thuần túy dân cư như là biện pháp gây áp lực cuối cùng .

Thế là, Hitler chỉ hoãn lại trong 3 ngày quyết định về cuộc đổ bộ chứ không phải huỷ bỏ hẳn. Cho Không quân Đức thêm ít ngày để tiêu diệt Không lực Hoàng gia Anh và làm cho London mất tinh thần, rồi sẽ tiến hành đổ bộ. Sau đó sẽ là chiến thắng chung cuộc. Một lần nữa, tất cả tuỳ thuộc vào Không quân Đức vốn hay khoác lác .

Trong khi đó, cảm nghĩ của Hải quân Đức về Không quân Đức đang trở nên xấu lên từng giờ. Trong cuộc họp quan trọng vào buổi tối ở Berlin, Bộ Tư lệnh Hải quân Đức báo cáo Không lực Hoàng gia Anh tấn công dữ dội các cảng biển mà Đức đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ, tức là từ Antwerp đến Boulogne .

"... Ở Antwerp... đã xảy ra thiệt hại nặng nề cho các phương tiện vận chuyển: năm tàu vận chuyển ở cảng bị hư hại nặng, một sà lan bị đánh đắm, hai cầu trục bị phá huỷ, một xe lửa chở đạn dược nổ tung và một số nhà kho đã bị cháy." Ngày kế càng tồi tệ hơn, Hải quân báo cáo "máy bay địch tấn công mạnh toàn vùng ven biển giữa Le Havre và Antwerp." Tín hiệu S.O.S. được thuỷ thủ gửi đi yêu cầu thêm lực lượng phòng không để bảo vệ các cảng biển xuất phát. Ngày 17 tháng 9, Bộ Tư lệnh Hải quân báo cáo: "Không lực Hoàng gia không hề bị đánh bại, ngược lại họ đang gia tăng tấn công các cảng biển xuất phát và càng ngày càng làm khó cho các cuộc di chuyển tập kết [của Hải quân Đức]." Các máy bay thả bom đêm của Anh lợi dụng triệt để trăng tròn vào buổi tối hôm ấy. Bộ Tư lệnh Hải quân Đức báo cáo "thiệt hại đáng kể" của tuyến hải vận dẫn đến tình trạng các cảng biển xuất phát bị tắc nghẽn .

Tài liệu mật của Đức cho biết đến ngày 21 tháng 9, 12% toàn bộ phương tiện được tập kết cho cuộc đổ bộ gồm 21 tàu vận tải và 214 sà lan bị đánh đắm hoặc hư hại .

Sự oanh tạc ác liệt của Không lực Hoàng gia Anh và việc trọng pháo Anh bắn qua biển Manche đã khiến cho Hải quân Đức phải phân tán mỏng các tàu chiến và tàu vận tải đã tập kết trên biển Manche, còn các tàu khác thì phải dừng di chuyển vào các cảng biển xuất phát .

"Hoạt động mạnh của địch sẽ khiến cho việc thực hiện chiến dịch theo như dự kiến trước đây gặp nhiều vấn đề." Nhật ký Chiến tranh của Hải quân Đức ngày 17 tháng 9 ghi vắn tắt: "Không lực Hoàng gia không hề bị đánh bại. Ngược lại họ đang gia tăng hoạt động. Tình hình thời tiết nói chung không cho phép ta trông chờ một giai đoạn yên ắng... Vì thế Lãnh tụ quyết định hoãn lại 'Sư tử Biển' vô thời hạn." Sau bao năm đạt thành công chói lọi, rốt cuộc Hitler đã gặp thất bại. Ngày 19 tháng 9, ông ra lệnh ngừng tập kết thêm tàu thuyền và phân tán tàu thuyền ở các cảng "để thiệt hại do những cuộc tấn công của không quân địch cho bên ta có thể giảm đến mức tối thiểu" .

Nhưng không thể nào duy trì những đội ngũ tàu thuyền dù đã bị phân tán, lại thêm những đội ngũ binh sĩ, pháo, thiết giáp và hậu cần đã được tập kết cho cuộc tiến công nhưng đột nhiên bị hoãn vô thời hạn. Halder than thở trong nhật ký ngày 28 tháng 9 rằng: "Không thể kham nổi tình trạng kéo dài sự hiện hữu của Sư tử Biển như thế này." Ngày 4 tháng 10, sau khi Ciano và Mussolini gặp Hitler, Ciano ghi vào nhật ký: "không còn thảo luận về việc đổ bộ lên đất Anh... Tôi hiếm khi trông thấy Duce vui như thế." Cả Hải quân và Lục quân đang thúc giục Lãnh tụ nên huỷ bỏ hẳn Chiến dịch Sư tử Biển. Bộ Tư lệnh Lục quân vạch ra rằng tập trung binh sĩ dọc bờ biển "dưới sự tấn công không ngớt của Không quân Anh đang liên tục mang đến thiệt hại" .

Rốt cuộc, ngày 12 tháng 10, Hitler chính thức chấp nhận thất bại và hoãn cuộc đổ bộ đến mùa xuân. Một chỉ thị chính thức được ban hành: TỐI MẬT Tổng hành dinh của Lãnh tụ Ngày 12 tháng 10 năm 1940 Lãnh tụ quyết định từ bây giờ cho đến mùa xuân, những bước chuẩn bị cho "Sư tử Biển" chỉ được tiếp tục với mục đích duy trì sức ép chính trị và quân sự lên Anh quốc .

Sẽ ban hành lệnh chuẩn bị hành quân nếu xem xét lại cuộc tấn công trong mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm 1941 .

Lục quân được lệnh hoàn trả những đội ngũ Sư tử Biển "cho nhiệm vụ khác hoặc để điều đi mặt trận khác". Hải quân được lệnh "thi hành mọi biện pháp để giải toả nhân lực và phương tiện vận chuyển". Nhưng hai quân chủng phải ngụy trang cho những động thái của họ. Halder ghi lại: "Người Anh cần phải tiếp tục tin rằng ta đang chuẩn bị tấn công trên diện rộng." Rốt cuộc lý do gì đã khiến cho Adolf Hitler phải chịu rút lui? Có 2 lý do: Kết quả tồi tệ trong cuộc chiến trên bầu trời Anh quốc và ý nghĩ xoay chiều của Hitler hướng đến Liên Xô .

CUỘC CHIẾN TRÊN BẦU TRỜI ANH QUỐC Cuộc tổng không kích của Goering nhắm vào nước Anh là có mục đích tiêu diệt Không lực Hoàng gia Anh và qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đổ bộ. Vị Thống chế béo phị tin chắc rằng mình sẽ chiến thắng. Ông báo cáo với Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực rằng chỉ cần mất 2 đến 4 tuần là tiêu diệt hoàn toàn Không lực Hoàng gia Anh. Vị Tư lệnh Không quân Đức, người mang đủ loại huy chương, nghĩ rằng chỉ cần Không quân Đức là đủ để hạ gục Anh quốc thì cuộc đổ bộ sẽ là không cần thiết .

Để đạt được mục tiêu này, ông có 3 đại quân đoàn không quân: Số 2 dưới quyền Thống chế Kesselring hoạt động từ Bắc Âu và miền Bắc nước Pháp, Số 3 dưới quyền Thống chế Sperrle xuất phát từ miền Bắc nước Pháp và Số 5 của Đại tướng Stumpff đặt căn cứ ở Na Uy và Đan Mạch. Hai đại quân đoàn không quân số 2 và số 3 có tổng cộng 929 máy bay chiến đấu, 875 máy bay thả bom và 316 máy bay bổ nhào thả bom, Số 5 thì nhỏ hơn, chỉ có 123 máy bay thả bom và 34 máy bay chiến đấu hai động cơ ME-110. Để chống lại lực lượng mạnh mẽ này, Không lực Hoàng gia Anh vào đầu tháng Tám chỉ có khoảng 700 đến 800 máy bay chiến đấu .

Suốt tháng 7, Không quân Đức dần dần gia tăng những cuộc tấn công xuống tuyến hàng hải của Anh và các cảng biển miền Nam nước Anh. Đây là cách đánh thăm dò. Dù cần thiết phải đánh dẹp tàu Anh khỏi eo biển trước khi có thể bắt đầu đổ bộ, nhưng mục đích chính của những cuộc không kích khởi đầu này là nhằm lôi cuốn máy bay chiến đấu của Anh xuất trận. Và Đức đã thất bại. Bộ Tư lệnh Không lực Hoàng gia Anh đã khôn ngoan không cho nhiều máy bay chiến đấu cất cánh, vì thế tuyến hàng hải và các cảng biển của Anh chịu thiệt hại đáng kể. Nhưng những cuộc không kích khởi đầu khiến cho 296 máy bay Đức bị phá huỷ và 135 chiếc bị hư hỏng. Phía Anh mất 148 máy bay chiến đấu .

Goering ra lệnh tổng không kích ngày 13 tháng 8, mở màn là những cuộc tấn công ác liệt xuống 12 đài ra đa của Anh, 5 đài bị hư hại và 1 đài bị phá huỷ hoàn toàn. Tuy nhiên, người Đức vào lúc này không nhận ra được tầm quan trọng của các đài ra đa đối với Anh nên không tiếp tục tấn công. Vào 2 ngày 13 tháng 8 và 14 tháng 8, Đức cho xuất phát khoảng 1.500 máy bay, chủ yếu nhắm xuống các căn cứ máy bay chiến đấu của Anh. Dù quân Đức cho biết là đã "phá huỷ hoàn toàn" năm căn cứ, nhưng thật ra thiệt hại lại không đáng kể. Đức mất 47 máy bay so với 13 chiếc của Anh. Nhưng phía Đức loan báo hạ được 134 máy bay Anh và bị mất 34. Từ ngày này trở đi, cả hai bên đều thổi phồng thiệt hại họ gây ra cho bên kia .

Không chiến xảy ra trên diện rộng ngày 15 tháng 8. Đức phóng lên 801 máy bay ném bom và 1.149 máy bay chiến đấu. Đại Quân đoàn không quân số 5 gặp thảm hoạ. Bằng cách phóng 800 máy bay đến bờ biển phía Nam, bên Đức nghĩ bờ biển miền Đông Bắc sẽ thiếu bảo vệ. Nhưng một lực lượng gồm 100 máy bay ném bom tiến đến Tynesideđược 34 máy bay chiến đấu ME-100 bảo vệ bị 7 phi đội máy bay chiến đấu Hurricane và Spitfire chặn đánh. Đức mất 30 máy bay, phần lớn là máy bay ném bom, nhưng Anh không mất chiếc nào. Ngày này cũng chính là dấu chấm hết cho Đại Quân đoàn không quân số 5, máy bay của đơn vị này không bao giờ trở lại bầu trời của Anh nữa .

miền Nam nước Anh, Đức thành công hơn. Họ phóng ra bốn mũi tấn công tổng lực, một mũi xâm nhập gần đến London. Đức mất 75 máy bay so với 34 chiếc bên Anh. Với tỷ lệ này, dù cho chiếm ưu thế về số lượng, nhưng Đức vẫn không thể nào hy vọng tiêu diệt được Không lực Anh .

Đến đây, Goering đã phạm phải hai sai lầm về chiến thuật. Kỹ năng của Anh trong việc chỉ đạo máy bay của họ đã chặn đánh được những đội hình máy bay Đức đông đảo hơn chủ yếu là nhờ ra đa. Từ lúc cất cánh, máy bay Đức đã bị theo dõi trên màn hình ra đa của Anh và hành trình của họ được vẽ ra một cách chính xác đến nỗi bên Anh biết được nên chặn đánh họ ở đâu và lúc nào. Đây là điều mới lạ trong chiến tranh trên không và khiến cho Đức hoang mang, vì Đức kém xa Anh trong việc phát triển và sử dụng thiết bị điện tử. Adolf Galland, một phi công máy bay chiến đấu của quân Đức có nhiều thành tích, khai rằng: "Chúng tôi nhận ra rằng các phi đội máy bay chiến đấu của Không lực Anh hẳn là phải được kiểm soát từ mặt đất bởi một quy trình mới nào đấy, bởi vì những lệnh chỉ dẫn của họ đã khéo léo và chính xác giúp máy bay Spitfire và Hurricane đến chặn đánh đội hình của Đức... Việc sử dụng ra đa và kiểm soát máy bay chiến đấu của Không quân Anh đã khiến chúng tôi cảm thấy ngạc nhiên xen lẫn một chút cay đắng." Tuy vậy, đợt tấn công của máy bay Đức gây thiệt hại cho một số đài ra đa Anh ngày 12 tháng 8 lại không được tiếp tục. Ngày 15 tháng 8, Goering ra lệnh bãi bỏ việc tấn công đài ra đa, biện luận rằng không ích gì phải tiếp tục tấn công như thế bởi vì các đài ra đa đã bị tấn công vẫn cứ hoạt động .

Một yếu tố cốt lõi cho hệ thống phòng vệ bầu trời ở miền Nam nước Anh là những đài chỉ huy khu vực. Đó là trung tâm đầu não nằm dưới mặt đất, từ đây máy bay Hurricane và Spitfire được hướng dẫn bằng sóng vô tuyến dựa trên thông tin cung cấp từ ra đa, từ đài quan sát trên mặt đất và từ phi công trên bầu trời. Người Đức luôn nghe được lời lẽ liên tục trao đổi qua sóng vô tuyến giữa những đài chỉ huy khu vực và phi công, rồi dần dà nhận ra tầm quan trọng của đài chỉ huy khu vực. Ngày 24 tháng 8, bên Đức thay đổi chiến thuật, phá huỷ 7 đài chỉ huy khu vực ở các căn cứ không quân xung quanh London – những căn cứ này là rất cần thiết cho sự phòng vệ của miền Nam nước Anh và của chính thủ đô .

Cho đến ngày hôm ấy, cuộc chiến trên không vẫn diễn ra bất lợi cho Đức. Ngày 17 tháng 8, Đức mất 71 máy bay so với bên Anh 27 chiếc. Loại máy bay tiêm kích Stuka, vốn lập chiến công ở Ba Lan và Pháp, trở thành mục tiêu ngon xơi đối với máy bay chiến đấu của Anh. Khi Goering rút máy bay Stuka ra khỏi bầu trời Anh, lực lượng Không quân Đức bị giảm đi ⅓. Giữa các ngày 19 đến 23 tháng 8 là khoảng thời gian yên ắng do thời tiết xấu. Goering xem xét tình hình rồi ra lệnh khi thời tiết cải thiện, Không quân Đức phải tập trung những cuộc tấn công nhắm duy nhất vào Không lực Hoàng gia. Ông ta tuyên bố: "Ta đã đi đến giai đoạn có tính quyết định trong cuộc chiến trên không chống Anh. Nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt không lực địch. Mục tiêu trước tiên là tiêu diệt máy bay chiến đấu của địch." Từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9, Đức phóng lên trung bình 1.000 máy bay mỗi ngày để đạt mục tiêu này. Ít nhất một lần, vị Thống chế Đế chế đã ra được chỉ thị đúng lý. Cuộc chiến trên bầu trời nước Anh đúng là đang đi đến giai đoạn có tính chất quyết định. Dù phi công Anh chiến đấu một cách dũng cảm nhưng họ đã mệt mỏi sau 1 tháng phải bay những vài phi vụ mỗi ngày, nên số lượng áp đảo của máy bay Đức bắt đầu đạt ưu thế. 5 căn cứ không quân tiền phương ở miền Nam nước Anh bị hư hại nặng nề và, tệ hơn nữa, 6 trong số 7 đài chỉ huy khu vực bị trúng bom nặng đến nỗi toàn hệ thống thông tin đang ở bờ vực bị tiêu diệt. Nước Anh bị đe doạ phải đối mặt với thảm hoạ .

Tệ hại nhất là ở sự phòng vệ do máy bay chiến đấu phụ trách. Trong 2 tuần lễ từ 23 tháng 8 đến 6 tháng 9, có đến 466 máy bay chiến đấu Anh bị phá huỷ hoặc hư hại nặng và bên Anh không biết rằng Đức đang chịu thiệt hại nhẹ hơn: 385 máy bay, gồm 214 máy bay chiến đấu và 138 máy bay ném bom. Hơn nữa, 103 phi công Anh tử trận và 128 bị thương nặng, chiếm ¼ đội ngũ phi công hiện có .

Sau này Churchill kể lại: "Cán cân nghiêng bất lợi cho Bộ Chỉ huy Máy bay chiến đấu... Có quá nhiều vấn đề cần lo lắng." Nếu tiếp tục thêm vài tuần như thế này, nước Anh sẽ chẳng còn hệ Thống phòng vệ bầu trời. Trận chiến trên không của Đức đã gần đi đến thành công .

Và rồi, bỗng Goering phạm lỗi lầm chiến thuật thứ hai, lần này tương đương với việc Hitler cho dừng cuộc tấn công của thiết giáp ở Dunkirk ngày 24 tháng 5. Lỗi lầm của Goering đã cứu nguy cho Không lực Hoàng gia Anh đang bị đánh tơi tả và đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng của trận chiến trên không lớn nhất trong lịch sử .

Trong khi máy bay chiến đấu và đài chỉ huy khu vực Anh đang hứng chịu thiệt hại và không thể trụ vững được lâu, ngày 7 tháng 9 Không quân Đức chuyển qua ném bom London vào ban đêm. Điều này đã tạo điều kiện cho lực lượng máy bay chiến đấu của Anh có cơ hội phục hồi .

Chuyện gì đã xảy ra khiến cho Đức đổi chiến thuật mà sau này sẽ gây hậu quả tai hại cho các tham vọng của Hitler và Goering? Câu trả lời chứa đầy trớ trêu .

Khởi đầu là do phi công của khoảng một chục máy bay oanh tạc của Đức phạm một ít nhầm lẫn về phi hành trong đêm 23 tháng 8. Được chỉ thị thả bom xuống các nhà máy chế tạo máy bay và kho xăng dầu vùng ngoại ô London, nhưng họ lại bay chệch mục tiêu và thả bom xuống khu vực trung tâm thủ đô, phá huỷ vài ngôi nhà và sát hại một số dân thường. Bên Anh nghĩ đó là hành động cố ý, nên cố tình thả bom xuống Berlin để trả đũa .

Việc trả đũa không đạt kết quả gì nhiều. Chỉ có khoảng phân nửa trong số 81 may bay oanh tạc của Anh tìm được mục tiêu. Thiệt hại về vật chất không đáng kể. Nhưng tác động lên tinh thần là nặng nề. Vì lẽ, đây là lần đầu tiên bom rơi xuống thủ đô Berlin của Đức. Tôi ghi vào nhật ký: "Người dân Berlin choáng váng. Họ đã không nghĩ chuyện này có thể xảy ra. Khi cuộc chiến bắt đầu, Goering đã trấn an họ rằng chuyện như thế không thể xảy ra... Họ đã tin ông. Vì thế, họ vỡ mộng một cách tệ hại nhất." Berlin được phòng thủ cẩn mật bằng hai vành đai phòng không. Suốt 3 tiếng đồng hồ, trong khi những máy bay oanh tạc đang rầm rì trên trần mây khiến hàng trăm ngọn đèn pha không thể phát hiện, trận địa pháo phòng không đã nổ ra một cách dữ dội mà tôi chưa từng thấy. Nhưng không một máy bay Anh nào bị bắn hạ. Bên Anh còn thả một số tờ rơi ghi "cuộc chiến do Hitler khởi đầu sẽ tiếp tục, và sẽ kéo dài chừng nào Hitler còn sống". Tuyên truyền như thế có hiệu quả nhất định, nhưng tiếng ầm ầm của bom đạn có tác dụng mạnh hơn .

Không lực Hoàng gia Anh bay đến với lực lượng mạnh hơn vào các ngày 28 và 29 tháng 8 và, như tôi ghi vào nhật ký, đây là "lần đầu tiên người Đức bị sát hại giữa thủ đô của Đế chế". Thống kê chính thức cho thấy 10 người đã thiệt mạng và 29 người bị thương. Giới lãnh đạo Quốc xã nổi xung thiên. Trước đó Goebbels đã ra lệnh cho báo chí chỉ đăng một vài dòng khi loan báo đợt tấn công đầu tiên, bây giờ họ lại chỉ thị thêm rằng phải phản đối sự "tàn bạo" của phi công Anh khi sát hại phụ nữ và trẻ em ở Berlin. Phần lớn các tờ báo đăng cùng hàng tít: ANH HÈN NHÁT TẤN CÔNG! Sau đợt tấn công thứ ba, hàng tít là: BỌN CƯỚP ANH TRÊN BẦU TRỜI BERLIN! Tác động chính yếu của việc Anh ném bom liên tục trong suốt một tuần đã khiến cho dân chúng tan vỡ ảo tưởng và mất lòng tin. Thật ra, số thương vong cũng không lớn .

Cuộc chiến vừa tròn 1 năm vào ngày 1 tháng 9 năm 1940. Tôi nhận ra tâm tư của người dân, ngoài tinh thần dao động, họ còn mất ngủ và sợ hãi vì những cuộc ném bom bất ngờ và tiếng nổ chát chúa của trận phòng không. Đức đã đạt những thắng lợi chưa từng có trong lịch sử, nhưng chiến thắng dứt điểm vẫn chưa đến. Tâm tư của người dân hướng đến điểm này. Họ khát khao hoà bình. Và họ mong có hoà bình trước khi mùa đông đến .

Ngày 4 tháng 9, Hitler thấy cần phải phát biểu với người dân Đức nhân lễ khai mạc Đại hội mùa đông Winterhilfe tại cung thể thao Sportpalast. Sự xuất hiện của ông được giữ bí mật cho đến phút cuối, hiển nhiên là vì e sợ máy bay đối phương lợi dụng trần mây thấp mà đến giải tán Đại hội .

Tôi hiếm khi thấy nhà độc tài Quốc xã có tinh thần châm biếm cao độ đến thế, sự châm biếm mà dân Đức cho là khôi hài, dù Hitler vốn là người không thích khôi hài. Hitler khiến cho cử toạ – phần lớn là phụ nữ làm nhân viên xã hội và y tá – bật cười rồi vỗ tay một cách điên cuồng. Ông đối mặt với vấn đề phải trả lời hai câu hỏi luôn vấn vương đầu óc của người Đức: Khi nào sẽ tiến công Anh và phải làm gì với những cuộc ném bom của Anh xuống Berlin và các thành phố khác của Đức? Về câu hỏi đầu: "Tại Anh, người ta đang rất thắc mắc và thường hỏi: 'Tại sao ông ấy [Hitler] không đến?' Bình tĩnh. Bình tĩnh. Ông ấy đang đến! Ông ấy đang đến!" Người nghe thấy câu nói như thế thật là khôi hài, nhưng họ cũng tin rằng đó là một lời cam kết không dời đổi. Về những cuộc ném bom, Hitler bắt đầu với cách xuyên tạc cố hữu và chấm dứt với lời đe doạ tàn khốc: "Ngay lúc này... ông Churchill đang phô bày đứa con tinh thần mới của mình: ném bom vào ban đêm. Ông Churchill đang thực hiện những cuộc ném bom này không phải vì có hiệu quả cao, mà chỉ vì Không lực của ông ta không thể bay trên bầu trời Đức vào ban ngày... trong khi máy bay Đức lượn trên đất Anh mỗi ngày... Mỗi khi người Anh trông thấy một ánh đèn, anh ta thả một quả bom... xuống khu dân cư, ruộng đồng và làng mạc... Và sau lời đe doạ .

Suốt 3 tháng, tôi đã không trả lời vì tôi tin rằng sự điên rồ này phải chấm dứt. Ông Churchill xem đó là dấu hiệu của sự hèn yếu. Thế thì bây giờ ta sẽ đáp lại một đêm bằng một đêm .

Khi Không lực Anh thả 3 hoặc 4 tấn bom, thì ta sẽ thả 150, 230, 300 hoặc 400 tấn trong một đêm .

Đến điểm này, Hitler phải ngừng lại vì tiếng vỗ tay cuồng nhiệt của cử toạ phụ nữ Đức. Hitler tiếp: "Khi họ tuyên bố rằng sẽ gia tăng tấn công các thành phố của ta, thì ta sẽ san bằng các thành phố của họ." Đến đây, các phụ nữ trẻ không còn giữ được tự chủ, hoan hô một cách điên loạn. Khi họ lắng xuống, Hitler thêm: "Ta sẽ chấm dứt công việc của những tên cướp trên không này và xin Thượng Đế phù hộ chúng ta!" Nghe như thế, đám phụ nữ trẻ nhảy cẫng lên, ngực nhô lên hụp xuống, gào lên lời cỗ vũ. Hitler kết luận: "Thời khắc sẽ đến khi 1 trong 2 đối thủ bại trận và đấy sẽ không phải là nước Đức Quốc gia Xã hội!" Đám phụ nữ trẻ đồng thanh gào lên "Không khi nào! Không khi nào!" Tại Rome, sau khi nghe bài diễn văn được ghi âm truyền lại trên sóng phát thanh, Ciano thú nhận ông cảm thấy hoang mang và đã kết luận: "Thần kinh của Hitler hẳn đang bồn chồn." Thần kinh của Hitler chính là một yếu tố tai hại khi chuyển những cuộc không kích của Đức ban ngày thành thả bom rải thảm ban đêm xuống London. Đó là một quyết định về chính trị cũng như về quân sự, một phần là để trả đũa Anh thả bom xuống Berlin và các thành phố khác của Đức (chỉ là nhỏ nhoi so với mức độ Đức tàn phá các thành phố của Anh), phần khác là nhằm đánh gục ý chí chiến đấu của người Anh bằng cách san bằng thủ đô của họ. Nếu việc này thành công – mà Hitler và Goebbels tin chắc sẽ thành công – thì có thể không cần thiết phải đổ bộ .

Thế là, xế chiều ngày 7 tháng 9, một cuộc không tập dữ dội xuống London bắt đầu. Đức phóng lên 625 máy bay oanh tạc và 648 máy bay chiến đấu. Vào lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Bảy này, đợt đầu tiên gồm 320 máy bay oanh tạc, được bảo vệ bởi tất cả máy bay chiến đấu có thể huy động được của Đức, bay trên sông Thames và ném bom xuống công xưởng Woolwich cùng những nhà máy khí đốt, trạm phát điện, kho tàng và hàng dặm dài bến cảng. Cả một vùng rộng lớn chẳng bao lâu chìm trong biển lửa. Tại khu Silvertown, dân chúng bị lửa bao vây bốn mặt và được thuyền bè di tản. Lúc 8 giờ 10 phút tối, đợt thứ hai gồm 250 máy bay thả bom bắt đầu, rồi nối tiếp bằng những đợt khác cho đến 4 giờ 30 phút sáng Chủ nhật. Buổi tối kế tiếp, 200 máy bay thả bom đã tàn phá suốt đêm. Theo sử gia chính thức của Anh, trong hai đêm đầu có 842 người thiệt mạng và 2.347 người bị thương. Từng khu vực rộng của thành phố đã bị thiệt hại nặng. Những cuộc thả bom diễn ra mỗi đêm trong cả tuần lễ sau. Trong thời gian này, kỹ thuật phòng không ban đêm chưa được hoàn thiện, nên thiệt hại của máy bay Đức là không đáng kể .

Và rồi, hưng phấn vì những thành công ban đầu, Không quân Đức quyết định tiến hành thả bom ban ngày xuống thủ đô còn đang bốc khói. Việc này dẫn đến một trong những trận chiến trên không có tính quyết định vào ngày 15 tháng 9 .

Khoảng 200 máy bay oanh tạc Đức, được khoảng 600 máy bay chiến đấu yểm trợ, xuất hiện trên vùng biển, tiến đến London. Bộ chỉ huy Máy bay chiến đấu Anh theo dõi đường bay của các đội hình Đức và chuẩn bị sẵn sàng. Máy bay Đức bị chặn đánh trước khi đến được thủ đô và dù một ít chiếc bay thoát qua, nhưng phần lớn đều đã bị xáo trộn đội hình, một số bị bắn hạ trước khi có thể trút được bom xuống. 2 tiếng đồng hồ sau, một đội hình máy bay Đức tiến đến và cũng bị chặn đánh. Bên Anh loan báo bắn hạ 185 máy bay Đức, nhưng con số thật sự ghi trong thư khố của Đức thì thấp hơn nhiều – 56 chiếc, trong đó có 34 máy bay oanh tạc. Bên Anh chỉ mất 26 máy bay .

Trận chiến này cho thấy sau khi Bộ Chỉ huy Máy bay chiến đấu có một tuần để phục hồi, Không quân Đức không còn có thể tấn công Anh vào ban ngày. Nếu như thế, hy vọng cho cuộc đổ bộ là mong manh. Vì vậy, ngày 15 tháng 9 là một điểm ngoặt cho cuộc chiến trên bầu trời Anh. Ngày hôm sau, Goering khoác lác rằng sau khi ông thay đổi chiến thuật, sử dụng máy bay oanh tạc không phải để thả bom mà làm mồi nhử máy bay chiến đấu Anh, thì máy bay chiến đấu của địch "sẽ bị tiêu diệt trong vòng 4 đến 5 ngày tới". Nhưng Hitler cũng như các Tư lệnh Lục quân và Hải quân thì đều hiểu rõ hơn tình thế đôi bên. Thế là, như đã ghi ở trên, ngày 17 tháng 9, Lãnh tụ đình hoãn vô hạn định Chiến dịch Sư tử Biển .

London trải qua 57 đêm liên tiếp, từ ngày 7 tháng 9 đến ngày 3 tháng 11, chịu đựng trung bình 200 máy bay thả bom mỗi đêm và toàn thành phố có nguy cơ trở thành đống gạch vụn. Nhiều thành phố khác cũng bị thiệt hại nặng. Dù thế, tinh thần người Anh vẫn không suy sụp và tốc độ sản xuất vũ khí vẫn không sụt giảm như Hitler đã tự tin mong đợi. Ngược lại, các nhà máy sản xuất máy bay của Anh – một trong những mục tiêu hàng đầu của Đức – sản xuất gần 10.000 máy bay trong năm 1940, so với Đức chỉ sản xuất được hơn 8.000 chiếc. Đức không thể bù lại kịp số máy bay oanh tạc bị tổn thất và đúng như tài liệu mật của Đức chỉ rõ, Không quân Đức không bao giờ hồi phục được sau những thiệt hại trên bầu trời Anh .

Như các đô đốc đã nhìn nhận ngay từ đầu, riêng Hải quân Đức sau những thiệt hại nặng ở vùng biển Na Uy vào đầu mùa xuân thì đã không còn khả năng yểm trợ cho cuộc đổ bộ lên đất Anh. Không được Hải quân lẫn Không quân yểm trợ, Lục quân Đức sẽ là miếng mồi ngon cho Anh nếu cố vượt eo biển. Lần đầu tiên trong cuộc chiến, bước tiến của Hitler bị ngăn chặn, kế hoạch thôn tính kế tiếp bị phá sản, đúng vào thời khắc mà ông tin chắc rằng đã đạt được chiến thắng dứt điểm .

Cũng như những người khác, Hitler sẽ không bao giờ hiểu ra rằng một trận chiến có tính quyết định lại xảy ra trên không. Và có lẽ ông cũng chưa nhận ra rằng chỉ với một nhúm phi công lái máy bay chiến đấu của Anh đã giúp gìn giữ nước Anh như là căn cứ địa rộng lớn để tái chiếm lục địa châu Âu sau này. Tâm trí của Hitler từ đây về sau sẽ chuyển sang hướng khác .

Nước Anh được cứu nguy. Trong gần 1.000 năm, Anh đã nhờ sức mạnh hải quân mà bảo vệ được đất nước. Vừa kịp lúc, giới lãnh đạo Anh, dù chỉ ít người, dù qua bao chuyện vụng về trong những năm giữa hai cuộc chiến (như ghi đầy trên các trang sách này), cuối cùng cũng nhận ra rằng sức mạnh trên không đóng vai trò quyết định giữa thế kỷ XX và các máy bay chiến đấu nhỏ nhắn của các phi công đã tạo nên được một bức tường chắn. Khi mà bầu trời còn vần vũ máy bay hai bên và kết quả chung cuộc còn chưa ngã ngũ, Churchill tuyên bố trước Nghị viện ngày 20 tháng 8 rằng: "Chưa bao giờ trong sự xung đột của con người, nhiều người đến thế mang ơn ít người đến thế bởi công trạng lớn lao đến thế." NẾU ĐỨC ĐỔ BỘ THÀNH CÔNG Nếu Đức Quốc xã chiếm được Anh, họ sẽ không tỏ ra hiền hoà. Tài liệu tịch thu được của Đức nêu rõ điều này. Ngày 9 tháng 9, Tư lệnh Lục quân Brauchitsch ký một chỉ thị nêu: "Ngoại trừ tình hình địa phương cần có phán quyết ngoại lệ, thì còn lại phải tập trung và chuyển đến Lục địa [châu Âu] đàn ông [ở Anh] còn sức khoẻ trong độ tuổi 17 đến 45." Lệnh này được chuyển đến các Đại Quân đoàn Thứ Chín và Đại Quân đoàn Thứ Mười Sáu đang tập trung chuẩn bị cho cuộc đổ bộ. Đức chưa bao giờ thực hiện biện pháp mạnh như thế ở các quốc gia đã bị thôn tính, kể cả Ba Lan. Dường như chỉ thị khá chi tiết của Brauchitsch là nhằm khai thác một cách có hệ Thống tài nguyên của nước Anh và khủng bố người Anh. Phải bắt giữ con tin. Phải tịch thu mọi thứ ngoại trừ những vật gia dụng thông thường. Xử tử ngay lập tức bất kỳ ai trưng áp phích có nội dung chống đối Đức. Xử tử những ai không giao nộp vũ khí hoặc máy thu thanh trong vòng 24 giờ .

Chế độ khủng bố thật sự là do Himmler và lực lượng S.S. đưa ra và cơ quan RSHA của Heydrich được giao trách nhiệm thực hiện. Người nhận nhiệm vụ điều hành trực tiếp tại chỗ từ London là Giáo sư Tiến sĩ Franz Six, một côn đồ trí thức kỳ quặc, bằng cách nào đấy bị thu hút vào lực lượng Mật vụ của Himmler. Giáo sư Six rời bỏ chức vụ Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Berlin để gia nhập lực lượng S.D. của Heydrich, chuyên trách những "sự vụ khoa học". Những gì người Anh thoát được thì người Nga nhận lãnh: Tiến sĩ Six nhận nhiệm vụ tìm ra những chính uỷ của Nga để xử tử. Năm 1948, Tiến sĩ Six bị Toà án Nuremberg tuyên 20 năm tù nhưng được trả tự do năm 1952 .

Ngày 17 tháng 9, Heydrich chính thức giao nhiệm vụ mới cho Giáo sư Six ở London và bảo ông này: "Nhiệm vụ của ông là bằng mọi cách trấn áp tất cả những tổ chức, định chế chống Đức và bắt giữ những phe nhóm đối kháng, ngăn chặn việc lấy đi những vật tư hiện có, tập trung và gìn giữ để khai thác trong tương lai..." Thật ra, trong tháng Tám, Heydrich đã tổ chức được sáu nhóm đặc vụ hoạt động từ London, Bristol, Birmingham, Liverpool, Manchester và Edinburgh, nhằm thi hành chế độ khủng bố của Quốc xã, đồng thời bắt giữ những người có tên trong Danh sách Truy lùng Đặc biệt. Danh sách này gồm 2.300 người có tiếng tăm ở Anh – nhưng không phải tất cả trong số họ đều là người Anh mà Mật vụ Đức nghĩ cần bắt giữ tức khắc. Dĩ nhiên là Churchill có tên trong danh sách này, cùng với các thành viên Nội các, chính khách có tiếng tăm của tất cả Đảng phái, chủ bút, chủ nhà xuất bản, ký giả hàng đầu, kể cả hai cựu thông tín viên của tờ Times ở Berlin có những bài viết làm phật lòng Quốc xã .

Mật vụ Đức còn muốn nhân cơ hội này lùng bắt những người di cư đến Anh, kể cả nhà phân tâm học nổi tiếng Freud (qua đời năm 1939), Tổng Thống Beneš và Ngoại trưởng Jan Masaryk của Chính phủ Tiệp Khắc lưu vong. Một số người Mỹ cũng có tên trong danh sách, kể cả vài nhà báo đã viết nội dung chống Quốc xã .

Sách Đen của Quốc xã thực ra chỉ là một phụ lục cho một quyển cẩm nang tối mật, được soạn ra nhằm chỉ dẫn những người đi thôn tính biết cách cướp bóc nước Anh và trấn áp những tổ chức chống Quốc xã ở đây. Trong số những tổ chức này còn có trường tư thục, Giáo hội Anh (được cho là công cụ mạnh cho nền chính trị Đế quốc Anh), Hướng đạo sinh Nam (được cho là nguồn thông tin của Cơ quan Tình báo Anh) .

Nếu người Đức đổ bộ thành công, họ cũng không được người Anh đón tiếp tử tế. Sau này, Churchill thừa nhận ông đã suy nghĩ về những gì có thể xảy ra. Ông chắc chắn một điều: "Cả hai bên đều sẽ chịu sự tàn sát khốc liệt. Sẽ không có sự dung thứ hoặc che chở. Họ sẽ thực hiện khủng bố và chúng tôi sẵn sàng đáp trả." Ông không cho việc "sẵn sàng" đó là đến mức nào, nhưng Peter Fleming trong cuốn sách viết về Chiến dịch Sư tử Biển kể rằng người Anh đã quyết định – như là biện pháp cuối cùng sau khi mọi phương cách thông thường đều thất bại – sẽ sử dụng hơi độc do máy bay bay thấp phun ra để tấn công các đầu cầu của Đức trên bờ biển. Đây là một quyết định đau đớn, được đưa ra sau khi đã suy nghĩ cặn kẽ ở cấp cao nhất và như Fleming nhận định, quyết định này đã "được giữ bí mật kể từ thời điểm đó" .

Sự tàn sát đã không xảy ra ở Anh, nhưng không đầy một năm sau xảy ra trên một vùng khác của châu Âu, với cấp độ chưa từng thấy bao giờ .

Ngay cả trước khi huỷ bỏ cuộc đổ bộ lên đất Anh, Adolf Hitler đã đi đến một quyết định. Ông ta sẽ quay sang Liên Xô vào mùa xuân năm sau .

Phụ chú: Quốc xã âm mưu bắt cóc vợ chồng Quận công Windsor .

Câu chuyện Quốc xã âm mưu bắt cóc vợ chồng Quận công Windsor và dẫn dụ cựu Hoàng đế Edward VIII của Anh giúp Hitler làm trung gian hoà bình với Anh có tính chất khôi hài hơn là quan trọng, nhưng cũng cho thấy một khía cạnh lố bịch của các nhà lãnh đạo Đế chế Thứ Ba. Vụ việc trong kế hoạch lạ kỳ này được nêu chi tiết trong tài liệu tịch thu được của Bộ Ngoại giao Đức và được Walter Schellenberg, thủ lĩnh trẻ tuổi S.S. và S.D., thuật lại trong hồi ký của ông này .

Schellenberg được Ribbentrop cho biết Hitler có ý tưởng này. Và vị Ngoại trưởng Quốc xã thực hiện ý tưởng đó với tất cả tinh thần hăng hái, rồi Bộ Ngoại giao Đức và các phái bộ ngoại giao ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng dành ra nhiều thời giờ để thi hành ý tưởng ấy vào mùa hè năm 1940 .

Sau khi Pháp sụp đổ vào tháng 6 năm 1940, vị Quận công, vốn là thành viên trong phái bộ quân sự Anh tại Bộ Tổng Tham mưu Pháp, cùng với vợ đi đến Tây Ban Nha để trốn thoát cuộc săn lùng của Đức. Ngày 23 tháng 6, Đại sứ Đức tại Tây Ban Nha, Eberhard von Stohrer, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, đã gửi điện về Berlin: "Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha yêu cầu cho ý kiến về việc đối xử với hai vợ chồng Quận công Windsor đang trên đường về Anh qua ngả Lisbon. Bộ trưởng Ngoại giao đoán có lẽ ta muốn giữ Quận công ở đây và bắt liên lạc với ông ấy. Xin cho chỉ thị." Ribbentrop trả lời vào ngày hôm sau rằng hai vợ chồng Quận công Windsor nên "được giữ lại vài tuần ở Tây Ban Nha" nhưng phải tránh làm ra vẻ đây là "đề nghị ấy là do Đức" .

Ngày 25 tháng 6, Stohrer cho biết Bộ trưởng Tây Ban Nha hứa sẽ làm theo yêu cầu. Vị Ngoại trưởng, Đại tá Juan Beigbeder y Atienza, đến gặp Quận công rồi thuật lại cuộc trao đổi của ông cho Đại sứ Đức. Ông này báo cáo về Berlin là Quận công sẽ chỉ trở về Anh nếu vợ ông được thừa nhận là một thành viên của hoàng gia và ông được cắt đặt vào một vị trí quan trọng. Nếu không, ông sẽ lưu lại trong một lâu đài mà Chính phủ Franco hứa cấp cho ông. Vị Đại sứ nói thêm: "Chính Windsor đã phát biểu với Bộ trưởng Ngoại giao và những người quen rằng ông chống Churchill và chống cuộc chiến này." Hai vợ chồng Quận công Windsor đi đến Lisbon vào đầu tháng Bảy. Ngày 11 tháng 7, Công sứ Đức ở đây báo cáo với Ribbentrop rằng vị Quận công đã được bổ nhiệm làm Toàn quyền Bahamas nhưng "định hoãn ngày lên đường càng lâu càng tốt... với hy vọng tình hình trở nên thuận lợi cho ông". Công sứ còn bổ sung: "Ông ấy tin rằng nếu ông còn ngự trị trên ngai vàng thì đáng lẽ chiến tranh đã không xảy ra. Ông còn cho biết mình là người ủng hộ mạnh mẽ cho sự dàn hoà với Đức. Quận công tin rằng tiếp tục thả bom với cường độ mạnh sẽ khiến cho Anh cầu hoà." Ngày 11 tháng 7, Ribbentrop đã ra lệnh cho Đại sứ quán Đức tại Tây Ban Nha ngăn cản Quận công đi Bahamas và dẫn ông trở lại Tây Ban Nha, rồi thuyết phục hai vợ chồng nên lưu lại lãnh thổ Tây Ban Nha .

"Thông báo cho Quận công rằng Đức muốn hoà bình với nhân dân Anh nhưng lại bị bè lũ Churchill ngáng trở... Bằng mọi phương cách vũ lực, Đức nhất định ép buộc Anh đi đến hoà bình và khi việc này xảy ra, Đức sẵn sàng chấp nhận bất kỳ mong muốn nào của Quận công, đặc biệt là việc ông quay lại ngai vàng nước Anh. Nếu Quận công có kế hoạch khác, nhưng vẫn muốn hợp tác trong việc thiết lập mối quan hệ tốt giữa Đức và Anh, ta sẽ sẵn sàng đảm bảo cho hai vợ chồng... có cuộc sống như là một vị vua." Vị Ngoại trưởng Quốc xã ngờ nghệch, dù đã là Đại sứ Đức tại Anh nhưng vẫn không hiểu nhiều về người Anh, nói thêm rằng mình được tin "Mật vụ Anh" sẽ "thanh toán" vị Quận công ngay khi bắt được ông ở Bahamas .

Đại sứ Đức đến gặp Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha để bàn kế hoạch đưa Quận công về Tây Ban Nha. Chính phủ Tây Ban Nha sẽ phái Miguel Primo de Rivera, một người bạn cũ của Quận công, đi Lisbon để mời Quận công về Tây Ban Nha cùng đi săn và cũng để bàn bạc với Chính phủ về mối quan hệ Anh-Tây Ban Nha .

Rivera từ Lisbon trở về mang theo thông điệp rằng Churchill đã ra lệnh cho Quận công phải đi Bahamas lập tức, nếu không sẽ đưa Quận công ra toà án binh. Chính phủ Tây Ban Nha quyết định cảnh báo Quận công không nên đi nhận nhiệm vụ .

Rivera từ Lisbon trở về lần thứ hai vào ngày 22 tháng 7 và Đại sứ Đức tại Tây Ban Nha gửi điện về cho Ribbentrop: "Ông ấy có 2 buổi trao đổi kéo dài với Quận công Windsor, buổi thứ hai có Nữ Quận công cùng dự... 2 Vợ chồng Quận công không e sợ nhà Vua, người họ nghĩ là khá ngu xuẩn, nhưng ngại Hoàng hậu, người chống đối và đặc biệt có ác cảm với Nữ Quận công .

Quận công định ra tuyên bố chính thức... phản đối chính sách của Anh hiện tại và cắt đứt quan hệ với người em trai. Quận công và Nữ Quận công nói họ muốn trở về Tây Ban Nha." Để tạo thuận lợi cho việc này, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha phái một đặc sứ đến Bồ Đào Nha để thuyết phục Quận công quay lại .

2 ngày sau, Ribbentrop nhận báo cáo: "Khi Quận công được khuyên rằng không nên đi Bahamas mà trở về Tây Ban Nha, vì lẽ Quận công có thể được kêu gọi giữ một vai trò quan trọng trong chính sách của Anh và có thể sẽ lên ngai vàng, cả Quận công và Nữ Quận công đều tỏ ra ngạc nhiên. Cả hai... trả lời rằng theo Hiến pháp Anh, việc này là không thể được sau khi đã thoái vị. Khi vị đặc sứ cho biết cuộc chiến có thể mang đến những thay đổi ở Anh, thậm chí trong Hiến pháp Anh, Nữ Quận công đặc biệt tỏ ra rất suy tư." Trong tuần lễ cuối tháng Bảy, Quốc xã soạn ra kế hoạch bắt cóc 2 vợ chồng Quận công Windsor. Đích thân Hitler giao nhiệm vụ cho Walter Schellenberg thực hiện. Ribbentrop nhận được bản phác thảo của kế hoạch: "... Theo kế hoạch này, Quận công cùng vợ sẽ chính thức đi nghỉ mát cũng ở gần biên giới Tây Ban Nha, nhằm vượt biên ở một điểm đã định trước vào thời gian đã định trước trong chuyến đi săn .

Đúng thời điểm đã định, đặc sứ đầu tiên [Primo de Rivera] sẽ có mặt tại biên giới cùng với lực lượng Tây Ban Nha nhằm đảm bảo an toàn .

Schellenberg cùng với nhóm của ông sẽ hành động từ Lisbon với sự liên lạc chặt chẽ trong cùng mục đích .

Một chỉ huy cảnh sát Bồ Đào Nha sẽ theo dõi chuyến đi nghỉ mát với cùng mục đích .

Đúng lúc vượt biên, nhóm của Schellenberg sẽ đảm nhiệm việc bảo vệ bên phía Bồ Đào Nha và tiếp tục như thế khi đi vào Tây Ban Nha để hộ tống trực tiếp và đôi lúc sẽ được thay ra một cách êm thấm .

Để bảo vệ cho cả kế hoạch, phía Tây Ban Nha cử một nhân viên khác, một phụ nữ, người có thể liên lạc khi cần với nhân viên thứ nhất và cũng có thể liên lạc khi cần với Schellenberg .

Nếu có sự cố khẩn cấp do Tình báo Anh gây ra, thì hãy sắp xếp để đưa 2 vợ chồng Quận công về Tây Ban Nha bằng máy bay. Trong trường hợp này, cũng như trong kế hoạch ban đầu, điều quan trọng nhất là sự tự nguyện ra đi bằng cách gây ảnh hưởng khôn khéo về mặt tâm lý đối với óc suy nghĩ theo cách Anh của Quận công..., tránh tạo ra hình ảnh giống như một cuộc chạy trốn... Ngoài việc bảo vệ ở Lisbon, nếu cần thúc giục sự tự nguyện ra đi, có thể xét đến động thái gây sợ hãi để quy cho tình báo Anh" .

Kế hoạch của Quốc xã nhằm bắt cóc vợ chồng Quận công Windsor đã cho thấy sự vụng về cố hữu của Đức, cộng thêm cả sự dốt nát của người Đức khi không hiểu thế nào là "óc suy nghĩ kiểu Anh của Quận công" .

Schellenberg thực hiện nghiêm túc "động thái gây sợ hãi" bằng cách cho người ném đá lên cửa kính của biệt thự nơi 2 vợ chồng Quận công đang cư ngụ, rồi loan tin đồn đến những người giúp việc rằng đó là do "Mật vụ Anh". Ông còn cho gửi đến Nữ Quận công một bó hoa với tấm thiệp ghi: "Đề phòng bộ máy của Mật vụ Anh. Từ một người bạn Bồ Đào Nha." Thời gian chẳng còn nhiều. Ngày 30 tháng 7, Schellenberg báo cáo cho Walter Monckton, một người bạn của Quận công và là một nhân viên quan trọng của Chính phủ Anh, đi đến Lisbon. Nhiệm vụ của ông là hối thúc 2 vợ chồng Quận công Windsor đi Bahamas càng sớm càng tốt. Theo tình báo Đức, Quận công đã "mong muốn được tiếp xúc với Lãnh tụ". Thế thì tại sao không dàn xếp một cuộc hội kiến giữa Quận công và Hitler? Tin tức Quận công sắp lên đường khiến Ribbentrop vào ngày 31 tháng 7 phải đã nhờ người đưa đến Quận công thông điệp của Đức lặp lại những ý mà ngày 11 tháng 7, Ribbentrop đã gửi cho Đại sứ quán Đức tại Tây Ban Nha: Đức muốn hoà bình với dân Anh, nhờ Quận công làm trung gian... Theo báo cáo của phái bộ ngoại giao Đức tại Lisbon: "Quận công tỏ lòng tôn trọng Lãnh tụ về ước nguyện hoà bình, vốn phù hợp hoàn toàn với quan điểm của ông. Ông tin chắc rằng nếu ông còn làm Vua, thì đáng lẽ chiến tranh đã không xảy ra. Về lời kêu gọi ông hợp tác vào thời gian thích hợp, ông vui lòng chấp nhận. Tuy nhiên, vào lúc này ông phải tuân theo lệnh chính thức của Chính phủ. Nếu ông bất tuân, thì ý định của ông sẽ bị phát giác quá sớm, gây ra một vụ tai tiếng và khiến ông bị mất uy tín ở Anh. Ông cũng nghĩ lúc này là quá sớm để ông can dự, vì Anh chưa có ý muốn hoà hoãn với Đức. Tuy nhiên, nếu tâm lý này thay đổi ông sẽ sẵn sàng qua lại ngay... trong trường hợp Anh kêu gọi mà ông nghĩ đó là điều hoàn toàn có thể, hoặc là Đức muốn đàm phán với ông. Trong cả hai trường hợp, cá nhân ông sẵn sàng hy sinh và sẽ đóng góp mà không có tham vọng gì cho riêng mình..." Hai vợ chồng Quận công Windsor lên đường vào chiều tối ngày 1 tháng Trong báo cáo cuối cùng về thất bại của nhiệm vụ, Schellenberg cho biết mình đã làm mọi việc có thể được cho đến lúc cuối để nhằm ngăn cản sự ra đi của Quận công .

Đó là một câu chuyện lạ kỳ, được kể lại qua tài liệu mật của Đức và được thêm chi tiết bởi Schmidt, con người thường không đáng tin – tuy khó mà tin rằng ông đã tự đặt ra cho mình một vai trò mà ông cho là lố bịch .

Sau khi tài liệu của Đức được công bố, ngày 1 tháng 8năm 1957, qua luật sư riêng, Quận công cáo giác những thông tin qua lại giữaRibbentrop và 2 Đại sứ Đức tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là "hoàn toàn bịa đặt,thậm trí có phần bóp méo sự thật". Quận công giải thích rằng vào năm 1940, lúcở Lisbon chờ ngày đi Bahamas, "vài người" mà ông phát hiện ra là cảm tình viêncủa Quốc xã, đã cố thuyết phục ông trở lại Tây Ban Nha và không nên nhận chứcvụ toàn quyền. Ông nói: "Họ còn nói với tôi rằngđích thân Nữ Quận công và tôi sẽ gặp nguy hiểm nếu chúng tôi đi Bahamas. Khônglúc nào tôi có ý nghĩ làm theo lời đề nghị như thế, thậm chí tôi còn cảm thấykhinh thường chúng." Bộ Ngoại giao Anh ban hànhmột thông cáo chính thức cho biết lòng trung thành của vị Quận công đối vớinước Anh là chưa từng lay chuyển trong chiến tranh  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#dichle