Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Phần 27

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


MUSSOLINI SỤP ĐỔ 

TRONG 3 năm thành công liên tiếp, mỗi khi mùa hè đến, Đức đều mở những cuộc tấn công lớn trên lục địa châu Âu. Thế nhưng vào năm 1943, tình thế lại đảo ngược .

Sau khi các lực lượng Phe Trục ở Tunisia – là tất cả tàn dư của đoàn quân một thời hùng mạnh tại Bắc Phi – bị đánh bại vào đầu tháng Năm năm ấy, điều hiển nhiên là những đoàn quân Anh-Mỹ dưới quyền Tướng Eisenhower kế tiếp sẽ quay sang Ý. Đây là cơn ác mộng đã ám ảnh Mussolini vào tháng 9 năm 1939, khiến cho ông trì hoãn sự tham chiến của nước Ý cho đến khi Đức thôn tính nước láng giềng Pháp và đuổi Lực lượng Viễn chinh Anh qua bên kia bờ biển Manche. Bây giờ, cơn ác mộng ấy đã trở lại và cùng với thời gian, nó sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực .

Bản thân Mussolini đang đau yếu, vỡ mộng và vô cùng sợ hãi. Tư tưởng chủ bại đang lan tràn trong nhân dân và Quân đội Ý. Có những cuộc đình công lớn tại các thành phố công nghiệp Milan và Turin, nơi công nhân đang đói kém đòi hỏi "bánh mì, hoà bình và tự do". Chế độ Phát xít – bị mất lòng tin và thối nát – đang nhanh chóng tan rã. Khi Ciano thôi giữ chức Ngoại trưởng vào đầu năm và được cử làm Đại sứ tại Vatican, Đức nghi ông đi để đàm phán hoà bình riêng rẽ với Đồng Minh, vì nhà độc tài Rumania Antonescu đang thúc giục .

Trong nhiều tháng, Mussolini tới tấp thúc giục Hitler dàn hoà với Stalin để mình có thể rút quân Ý về nhằm phòng thủ chống quân Anh-Mỹ ở Địa Trung Hải. Hitler nhận ra rằng lại đến lúc gặp gỡ Mussolini nhằm xốc lại tinh thần ông này. Hai người gặp nhau ngày 7 tháng 4 năm 1943 tại Salzburg. Dù Mussolini đã định nắm thế chủ động, nhưng ông vẫn bị ngôn từ cuồn cuộn của Hitler chế ngự .

Goebbels ghi vào nhật ký theo lời kể của Hitler: "Bằng cách vận dụng mọi nỗ lực, ông ấy [Hitler] đã thành công trong việc đẩy Mussolini trở lại đường ngay nẻo phải. Duce đã thay đổi hoàn toàn... Khi ông từ xe lửa bước xuống, Lãnh tụ nghĩ ông trông giống như người thất thần, khi ra về, [sau 4 ngày] ông đã phấn khởi trở lại và sẵn sàng cho bất kỳ hành động nào." Nhưng Mussolini vẫn chưa sẵn sàng cho những biến cố đang nhanh chóng diễn ra tiếp theo. Quân Anh-Mỹ đổ bộ lên đảo Sicily của Ý ngày 10 tháng 7 năm 1943. Người Ý không còn tinh thần chiến đấu ngay cả trên quê hương của mình. Chẳng bao lâu, Hitler nhận được báo cáo rằng Quân đội Ý đang "ở trong tình trạng sụp đổ". Ông nói với hội đồng chiến tranh: "Chỉ có những biện pháp tàn bạo như Stalin đã áp dụng vào năm 1941 hay người Pháp vào năm 1917 mới có thể giúp cứu vãn quốc gia ấy. Một loại hình toà án hoặc toà quân sự phải được thi hành ở Ý nhằm tiêu diệt những phần tử không mong muốn." Một lần nữa, Hitler triệu Mussolini đến để thảo luận tình hình. Hai người gặp nhau ngày 19 tháng 7 tại Fetre, miền Bắc nước Ý. Đây là lần hội đàm thứ 13 của họ và theo cùng cung cách như những lần gần đây nhất, Hitler giành phần lớn thời gian để phát biểu, Mussolini chỉ biết nghe – suốt 3 giờ trước và 2 giờ nữa sau bữa ăn trưa. Nhà lãnh đạo Đức cuồng tín cố vực dậy tinh thần của người bạn kiêm Đồng minh đang dần phát ốm. Họ phải tiếp tục chiến đấu trên mọi mặt trận. Nhiệm vụ của họ không thể để lại "cho một thế hệ khác". Lịch sử vẫn cất tiếng kêu gọi họ. Có thể giữ Sicily và nước Ý nêu người Ý chịu chiến đấu. Đức sẽ gửi quân tăng viện để giúp đỡ họ. Chẳng bao lâu, một loại tàu ngầm mới sẽ hoạt động và sẽ giáng cho Anh một "trận Stalingrad" .

Tiến sĩ Schmidt nhận thấy mặc cho những lời hứa hẹn và khoe khoang của Hitler, bầu không khí vẫn vô cùng ảm đạm. Mussolini đã quá khổ sở nên không còn có thể theo dõi những ngôn từ huyên thuyên của Hitler và đến cuối buổi hội đàm, ông yêu cầu Schmidt cung cấp bản ghi chép. Nỗi chán nản của Mussolini càng nặng nề hơn khi giữa buổi hội đàm, một báo cáo đưa đến cho biết lần đầu tiên Đồng minh mở cuộc không kích dữ dội giữa ban ngày xuống thủ đô Rome .

Benito Mussolini, mệt mỏi và lão suy dù chỉ mới 60 tuổi, người đã nghênh ngang khắp chính trường châu Âu suốt 2 thập kỷ, lúc đó đã đi đến đoạn cuối của cuộc đời. Khi trở về Rome, ông thấy tình hình còn tệ hại hơn đợt không kích đầu tiên của Đồng Minh. Ông đối mặt với sự chống đối của những người thân cận nhất trong Đảng Phát xít, thậm chí ngay cả con rể Ciano. Sau lưng những người này là một âm mưu còn lớn hơn liên quan đến nhà Vua nhằm lật đổ ông .

Các nhà lãnh đạo Phát xít chống đối Mussolini đòi triệu tập Đại hội Trung ương Đảng. Đại hội lần cuối diễn ra vào tháng 12 năm 1939 và luôn bị Mussolini khống chế làm chức năng bù nhìn. Đại hội lần này họp trong 2 ngày 24 và 25 tháng 8 năm 1943, biểu quyết tái lập chế độ quân chủ lập hiến với một Nghị viện dân chủ, đồng thời giao chức năng chỉ huy quân sự cho nhà Vua .

Các nhà lãnh đạo Phát xít chống đối Mussolini dường như không có ý định nào đi xa hơn thế. Nhưng có một âm mưu lớn hơn của các tướng lĩnh cùng nhà Vua. Mussolini nghĩ mình đã thoát khỏi bão táp vì mọi vụ việc vẫn luôn do ông quyết định chứ không phải do đa số Đại hội Trung ương biểu quyết. Buổi tối 25 tháng 7, Mussolini được triệu đến hoàng cung và kinh ngạc khi nghe Vua Victor Emmanuel bãi nhiệm mình, rồi ông bị đưa lên một xe cứu thương chở về một đồn cảnh sát. Thế là nhà độc tài – một người hay lớn tiếng tỏ ra hiếu chiến, biết cách lợi dụng tình hình rối ren và tuyệt vọng để trục lợi, nhưng dưới lớp vỏ hoa hòe là thực chất rỗng tuếch – đã sa cơ một cách nhục nhã. Mussolini không phải là người kém thông minh. Ông đọc nhiều về lịch sử và luôn nghĩ rằng mình đã lĩnh hội được những bài học lịch sử. Nhưng khi là một nhà lãnh đạo độc tài, ông lại muốn tạo dựng một cường quốc vĩ đại có sức chiến đấu cao từ một quốc gia thiếu tiềm lực công nghiệp và từ một dân tộc – không giống như dân Đức – đã quá văn minh, quá hiểu biết và quá thực dụng nên không bị mờ mắt bởi những tham vọng hão huyền .

Không giống như người Đức, trong thâm tâm, người Ý không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa phát xít. Họ chỉ nhẫn nhục chịu đựng, vì họ biết rằng đấy chỉ là nhất thời và vào phút cuối, dường như Mussolini đã nhận ra được điều đó. Nhưng cũng như những nhà độc tài khác, quyền lực lôi cuốn ông, rồi điều không tránh khỏi đã xảy ra: Quyền lực khiến cho ông trở nên lầm lạc, bào mòn ý thức và đầu độc nhận thức của ông. Từ đấy, Mussolini đi đến sai lầm thứ hai: Gắn kết định mệnh của riêng mình và của nước Ý vào Đế chế Thứ Ba. Khi nước Đức của Hitler đi xuống thì cũng kéo nước Ý của Mussolini xuống theo. Vào tháng 3 năm 1943 Mussolini mới nhận ra điều này. Nhưng ông không thể làm gì được để thoát khỏi số phận của mình được nữa. Đến lúc này, đời ông đã buộc phải gắn chặt với Hitler .

Không một khẩu súng nào nhả đạn – ngay cả súng của quân Phát xít – để cứu Mussolini. Không một tiếng nói nào cất lên để biện hộ cho ông. Dường như không ai màng đến tình cảnh nhục nhã của ông – bị dẫn đi trước mắt vị Vua đến nhà ngục trên một chiếc xe cứu thương. Ngược lại, mọi người đều vui mừng vì lật đổ được ông. Chủ nghĩa Phát xít tự nó suy sụp cũng theo cái cách dễ dàng như sự sụp đổ của người lập nên nó .

Thống chế Pietro Badoglio lập một Chính phủ không theo Đảng phái nào, gồm những tướng lĩnh và nhân vật dân sự, Đảng Phát xít bị giải tán, Đảng viên phát xít nắm giữ những vị trí quan trọng bị cách chức, những tù nhân chống phát xít được trả tự do .

Ta có thể hình dung được phản ứng tại tổng hành dinh của Hitler đối với tin báo về Mussolini, nhưng người ta cũng chẳng cần phải tưởng tượng, vì có rất nhiều tài liệu mật đã đề cập đến việc này một cách chi tiết. Đó là một cú sốc nặng. Đầu óc của những con người Quốc xã lập tức nghĩ đến những gì tương tự sẽ xảy ra cho họ và biến cố bên Ý có thể là một tiền lệ cho Đức .

Ngày 26 tháng 7, Goebbels có ý nghĩ đầu tiên là làm thế nào lý giải việc lật đổ Mussolini cho dân Đức. Rồi ông quyết định là trong lúc này nên báo cho người Đức biết là Mussolini đã từ chức "vì lý do sức khoẻ". Goebbels ghi vào nhật ký: "Nếu biết được những biến cố này, vài phần tử phá hoại ở Đức sẽ nghĩ rằng họ có thể làm nên chuyện giống như Badoglio và bè Đảng ông này đã làm ở Ý. Hitler ra lệnh cho Himmler chỉ thị cho lực lượng cảnh sát sẵn sàng đối phó với trường hợp có mối hiểm hoạ như vậy." Tuy nhiên, Hitler không nghĩ sẽ có hiểm hoạ tương tự vào lúc này. Dù 2 tuần trước, ông ta đã nhận ra được dấu hiệu Mussolini đang khủng hoảng, nhưng vẫn rất ngạc nhiên khi nhận được tin từ Rome. Rồi Hitler có sự suy xét lạnh lùng giống như trong những cuộc khủng hoảng trước đây: Dù Chính phủ mới của Ý có nói gì, thì đây vẫn là một sự phản bội. Ý nghĩ đầu tiên của Hitler là tìm cách bắt giữ những người lật đổ Mussolini rồi đưa Mussolini quay lại nắm chính quyền .

Hitler ra lệnh giữ chặt các ngọn đèo núi Alps giữa Ý-Đức và Ý-Pháp. Để thực hiện việc này, Tập đoàn quân B được thành lập gồm khoảng 8 sư đoàn quân Đức từ Pháp và miền Nam Đức, với Rommel làm tư lệnh. Nếu người Ý phá huỷ các đường hầm và cầu ở vùng núi Alps, các lực lượng Đức đang chiến đấu ở Ý sẽ bị cắt nguồn tiếp tế và họ sẽ không thể trụ được lâu .

Nhưng người Ý không thể đột nhiên trở mặt với Đức ngay. Badoglio trước tiên phải tiếp xúc với Đồng minh xin đình chiến và nhận được sự hỗ trợ của Đồng minh để chống lại Đức. Hitler tiên liệu đúng là Badoglio sẽ có những động thái này, nhưng không nghĩ là phía Ý lại mất thời giờ lâu đến thế. Chính do tiên liệu này mà ông triệu tập hội nghị chiến tranh ngày 27 tháng 7 gồm Goering, Goebbels, Himmler, Rommel và tân Tư lệnh Hải quân Karl Doenitz. Phần lớn các tướng lĩnh, do Rommel chủ xướng, đều khuyên Hitler nên thận trọng, phải chuẩn bị và suy nghĩ kỹ càng cho mọi hành động ở Ý .

Hitler thì muốn hành động ngay, dù cho có phải rút về các sư đoàn thiết giáp chủ chốt ở mặt trận phía Đông trong khi Nga đã phát động cuộc phản công vào ngày 15 tháng 7. Ít nhất là một lần, lời nói của các tướng lĩnh có hiệu lực và Hitler đã bị thuyết phục: Ông nghe theo lời tham mưu của các tướng lĩnh. Vấn đề là tập kết đủ quân số để đưa ngay đến vùng núi Alps. Goebbels thì không đồng tình với ý kiến của các tướng lĩnh. Ông viết trong nhật ký: "Họ đã không nghĩ đến kẻ thù sẽ làm gì. Chắc chắn là người Anh sẽ không chờ đợi 1 tuần trong khi ta đang xem xét và chuẩn bị cho hành động." May mắn cho Hitler và các tướng lĩnh Đức, Ý và Đồng minh không phải mất 1 tuần, mà những 6 tuần để đi đến được thoả thuận. Đến lúc ấy, Hitler đã lên xong mọi phương án và huy động đủ lực lượng để thực hiện những phương án ấy. Có 2 sự kiện khiến cho Hitler phải hành động nhanh chóng. Ngày 3 tháng 9 năm 1943, quân Đồng minh đổ bộ lên miền Nam nước Ý và ngày 8 tháng 9 loan báo thoả thuận đình chiến giữa Ý và các cường quốc phương Tây .

Trong vài ngày, tình hình của các lực lượng Đức tại Ý là cực kỳ căng thẳng. 5 sư đoàn Ý đối mặt với 2 sư đoàn Đức gần Rome. Nếu hạm đội Đồng minh đổ quân lên gần thủ đô và phái quân dù chiếm lấy các sân bay – như Kesselring và sĩ quan tổng hành dinh của ông e sợ – thì đáng lẽ cuộc chiến ở Ý đã rẽ qua lối khác và số phận của Đế chế Thứ Ba có thể bị định đoạt sớm hơn 1 năm. Sau này, Kesselring kể lại rằng vào đêm 8 tháng 9, Hitler và Bộ Chỉ huy Tối cao Quân lực đã cầm chắc rằng sẽ mất toàn bộ 8 sư đoàn của Đức tại Ý .

Nhưng Bộ Tư lệnh Đồng minh không nắm bắt lợi thế từ mặt biển, vốn cho phép họ đổ quân lên bất kỳ bờ biển nào của Ý và cũng không khai thác ưu thế trên không như phía Đức e ngại. Hơn nữa, tổng hành dinh của Eisenhower lại không sử dụng những lực lượng Ý kết hợp với lực lượng của ông, đặc biệt là 5 sư đoàn quân Ý quanh Rome. Nếu ông làm thế, tình trạng của quân Đức sẽ là tuyệt vọng – ít nhất đó là theo nhận định của Kesselring và tham mưu trưởng của ông, Tướng Siegfried Westphal. 2 người cho rằng họ không thể đương đầu với quân của Montgomery tiến lên từ phía Nam, cùng lúc chống lại lực lượng Đồng minh đổ bộ bất cứ nơi nào và còn phải đối phó với những lực lượng của Ý ở giữa và phía sau lưng .

Theo Đại tá Harry C. Butcher, Tuỳ viên Hải quân của Eisenhower, cả 2 tham mưu trưởng của Mỹ và Anh, Tướng George C. Marshal và Thống chế John G. Dill, đều than phiền rằng Eisenhower đã không có sáng kiến để tiến quân ở Ý. Nhưng Butcher cho rằng Đồng minh không có đủ tàu đổ bộ và nêu đổ bộ gần Rome thì máy bay chiến đấu Đồng minh không thể bay đến được, vì phải cất cánh từ đảo Sicily. Eisenhower cũng giải thích rằng sau khi chiếm được Sicily, ông phải trả về 7 sư đoàn cho chiến dịch sắp tới ở biển Manche khiến cho ông không đủ quân số. Butcher cũng cho biết Eisenhower đã định thả quân dù xuống các sân bay của Rome, nhưng Badoglio yêu cầu "tạm thời đình hoãn" chiến dịch này. Còn Tướng Maxwell D. Taylor, sau khi chịu hiểm nguy đến Rome để thảo luận với Badoglio, cho biết vì quân Ý có tinh thần chủ bại và quân Đức còn quá mạnh, nên thả một sư đoàn dù của Mỹ xuống đây có thể là hành động tự sát. Dù sao chăng nữa, phía Đức thở phào nhẹ nhõm khi Đại Quân đoàn Thứ Năm của Mỹ không đổ bộ gần Rome mà ở miền Nam Naples. Họ còn cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi các sư đoàn của Ý đầu hàng và bị tước vũ khí. Do đó, quân Đức có thể dễ dàng cầm cự ở Rome và ngay cả ở Naples. Kết quả là Đức vẫn còn chiếm đóng ⅔ nước Ý, kể cả miền Bắc công nghiệp hoá với những nhà máy sản xuất vũ khí cho Quân đội Đức. Nhưng Hitler giận dữ khi được biết nhà Vua, Badoglio và Chính phủ đã thoát khỏi Rome đi đến vùng miền Nam nước Ý dưới quyền kiểm soát của Đồng Minh, còn hạm đội Ý đã thoát đi Malta dù Doenitz đã có phương án chặn bắt hoặc phá huỷ hạm đội này .

Một trong những biện pháp của Hitler nhằm ngăn chặn âm mưu phản bội là phát lệnh đưa ra khỏi quân ngũ những hoàng thân Đức trong vương triều cũ. Hoàng thân Philip xứ Hesse, người đã làm trung gian giữa Hitler và Mussolini, đã bị bắt và giao cho Mật vụ. Vợ của ông, Công chúa Mafalda, con gái của Vua nước Ý, cũng bị bắt, rồi 2 vợ chồng cùng sống trong trại tập trung. Giống như vua các nước Na Uy và Hi Lạp, vua nước Ý thoát khỏi bàn tay sắt của Hitler nhưng ông ta lại trả thù bằng cách bắt giữ công chúa. Trong nhiều tuần, những buổi họp quân sự hằng ngày của Hitler dành nhiều thời gian cho vấn đề luôn cháy bỏng trong tâm tư ông: giải cứu Mussolini. Đa số tướng lĩnh và ngay cả Goebbels nghĩ Mussolini chẳng còn có giá trị gì nhiều, nhưng Hitler vẫn đánh giá cao và mong muốn giải cứu Mussolini. Hitler không chỉ muốn cứu giúp người bạn cũ mà cá nhân mình vẫn quý mến. Ông ta còn có ý định đưa Mussolini lên cầm đầu một Chính phủ Phát xít mới ở miền Nam nước Ý để giảm nhẹ gánh nặng hành chính cho Đức, đồng thời giúp bảo vệ những tuyến chuyển vận và giao liên giữa lãnh thổ thiếu thân thiện và bắt đầu có hoạt động của dân quân này .

Đầu tháng Chín, Mussolini được chuyển đến một khách sạn trên đỉnh núi Gran Sasso d'Italia, chỉ thông thương với bên ngoài bằng một tuyến đường xe lửa có dây cáp kéo lên .

Chẳng bao lâu sau, Đức đã dò ra được địa điểm giam giữ Mussolini và cho máy bay thám thính đỉnh núi, rồi quyết định sử dụng quân đáp xuống bằng tàu bay lượn. Ngày 13 tháng 9, một sĩ quan S.S. có tài xoay sở tên Otto Skorzenyđã chỉ huy một toán quân dù dẫn theo một tướng Ý mà ông bắt cóc được, đáp xuống cách khách sạn khoảng 100 m. Khi thấy quân Đức, phần lớn đội dân quân bảo vệ chạy xuống các triền đồi, số còn lại được khuyên không nên sử dụng vũ khí bắn vị tướng Ý lúc ấy đang bị đẩy ra phía trước toán quân Đức. Mussolini đang đứng bên khung cửa sổ ở tầng hai, la lên: "Đừng bắn, không ai được bắn! Đừng gây đổ máu!" Và quả thật đã không có giọt máu nào đổ xuống .

Trong vòng vài phút, nhà lãnh đạo Phát xít được đẩy lên chiếc máy bay tí hon Fieseler-Storch mạo hiểm cất cánh từ một đồng cỏ lởm chởm đá phía dưới khách sạn rồi bay đến Rome. Từ đây, một chiếc máy bay vận tải của Không quân Đức đưa ông đến Vienna .

Tuy cảm kích vì được giải cứu, nhưng Mussolini đã hoàn toàn mất tinh thần và chẳng còn thiết tha gì đến việc tái lập một Chính phủ Phát xít ở phần nước Ý dưới quyền kiểm soát của Đức nữa .

Hitler và Goebbels cũng tức giận khi thấy Mussolini dàn hoà với con rể Ciano và dường như chịu ảnh hưởng của con gái Edda, vợ của Ciano – 2 người đang lánh nạn ở Munich. Ngày 15 tháng 9, do Hitler thúc giục, Mussolini tuyên bố thành lập Cộng hoà Xã hội Ý. Việc này không gây tác động gì cả. Mussolini không toàn tâm, có lẽ vì ông vẫn còn đủ nhận thức để nhận ra thực tế rằng bây giờ mình chỉ là một con rối dưới tay Hitler, rằng ông và "Chính phủ Cộng hoà Phát xít" sẽ không có quyền hành gì ngoại trừ ít quyền hành do Hitler giao phó để hành xử theo lợi ích của Đức và rằng dân tộc Ý sẽ chẳng bao giờ chấp nhận ông cùng chủ nghĩa Phát xít nữa .

Mussolini không bao giờ trở về Rome. Ông định cư ở một nơi hẻo lánh vùng cực Bắc nước Ý, tại Rocca delle Caminate, gần Gargnano, bên bờ hồ Garda, được một toán lính S.S. bảo vệ. Người tình khét tiếng Clara Petacci của Mussolini được đưa đến đoàn tụ với ông. Với người yêu thật sự trở về trong vòng tay, nhà độc tài sa cơ thất thế dường như chẳng còn lo nghĩ đến việc gì khác .

Tuy vậy Hitler lại bắt đầu lo phế bỏ Mussolini, nhưng chỉ sau khi ép buộc Mussolini "nhượng" Trieste, Istria và Nam Tyrol cho Đức. Bây giờ, không cần phải tránh cho nhà cựu độc tài nỗi nhục nhã nào nữa. Hitler còn gây áp lực lên Mussolini để ông này cho bắt giữ người con rể Ciano vào tháng 11 năm 1943 rồi xử tử anh trong nhà tù Verona ngày 11 tháng 1 năm 1944. Trang cuối trong nhật ký của Ciano ghi "23 tháng 12 năm 1943, Ô 27, Nhà tù Verona" với lời lẽ cảm động. Tôi không rõ làm thế nào ông đã chuyển được trang nhật ký này và bức thư đề cùng ngày đến Vua nước Ý. Nhưng ông cho biết đã cất giấu phần còn lại của quyển nhật ký trước khi quân Đức bắt mình. Người vợ Edda Ciano mang được quyển nhật ký này ra khỏi vùng lãnh thổ Ý do Đức kiểm soát bằng cách giả dạng làm nông dân và giấu quyển nhật ký trong áo rồi đi đến Thuỵ Sĩ .

Chỉ trừ một ngoại lệ, còn lại tất cả những nhà lãnh đạo Phát xít nào bỏ phiếu chống Duce trong Đại hội Trung ương Đảng đều bị Mussolini bắt và xử tử hình cùng với Ciano. Trong số này có Thống chế Emilio de Bono, một trong tứ đầu chế đã đưa Mussolini lên nắm chính quyền .

Vào đầu mùa thu 1943, Adolf Hitler đã có thể tuyên bố rằng mình đã chế ngự được một trong những sự đe doạ nghiêm trọng nhất đối với Đế chế Thứ Ba. Việc Mussolini bị lật đổ và Chính phủ Badoglio đầu hàng Đồng minh vô điều kiện đáng lẽ có thể khiến cho Đức khốn đốn, nếu quân Đồng minh tấn công lên miền Bắc nước Ý, rồi tiến vào vùng Balkans được phòng bị lỏng lẻo và là mặt sau của các đội quân Đức đang chiến đấu sinh tử ở miền Nam Liên Xô. Việc Mussolini bị lật đổ một cách nhục nhã là đòn đau cho uy tín của Hitler cả trong và ngoài nước Đức, theo sau là sự đứt gãy của Phe Trục .

Nhưng chỉ trong vòng vài tháng Hitler đã phục hồi cho Mussolini – ít nhất là dưới con mắt của thế giới. Những vùng do Ý chiếm đóng ở Balkans, Hy Lạp, Nam Tư và Albania đều vững vàng chống lại cuộc tấn công của Đồng Minh. Và thay vì mất toàn bộ lực lượng dưới quyền Kesselring rồi co cụm lại ở miền Bắc nước Ý, Hitler mãn nguyện khi thấy những đội quân của vị Thống chế này vẫn trụ vững ở miền Nam nước Ý, nơi họ dễ dàng ngăn chặn bước tiến của liên quân Anh-Mỹ-Pháp. Điều rõ ràng là uy thế của Hitler ở phía Nam đã được phục hồi một cách đáng kể nhờ ý chí dũng cảm và tháo vát của ông cùng với tinh thần tác chiến của quân Đức .

Tuy thế, ở những nơi khác, vị thế của Đức đều đi xuống .

Ngày 5 tháng 7 năm 1943, Hitler phát động đợt tiến công mạnh mẽ và cũng là là đợt tiến công cuối cùng chống Liên Xô. Tinh hoa của Quân đội Đức – khoảng nửa triệu quân với 17 sư đoàn thiết giáp được trang bị xe thiết giáp hạng nặng mới nhất Tiger (Con Hổ) – tiến đánh Nga ở phía Tây Kursk. Hitler tin rằng quân Đức có thể bao vây những đội quân mạnh nhất của Liên Xô gồm khoảng 1 triệu người – chính là những lực lượng đã đánh lui quân Đức khỏi Stalingrad và sông Don mùa Đông vừa rồi, sau đó đẩy lui quân Nga về sông Don, có thể đến sông Volga và tiến lên hướng Đông Nam để chiếm lấy Moscow .

Chiến dịch này đã mang đến thất bại có tính quyết định cho Đức. Bên Liên Xô đã chuẩn bị sẵn sàng. Đến ngày 22 tháng 7, các sư đoàn thiết giáp của Đức đã mất phân nửa số xe thiết giáp, quân Đức bị chặn đứng hoàn toàn và chuẩn bị rút lui. Quân Liên Xô trở nên tự tin đến nỗi không cần chờ đến trận Kursk, họ đã mở ngay đợt tấn công ở Orel, phía Bắc Kursk nhanh chóng xuyên thủng phòng tuyến của Đức. Đây là đợt tấn công mùa hè đầu tiên của Liên Xô trong cuộc chiến và từ lúc này trở đi, quân Liên Xô sẽ không bao giờ bị mất đi sự chủ động. Ngày 4 tháng 8, họ đẩy lui quân Đức ra khỏi Orel, vốn là bản lề phía Nam của mũi tiến công của Đức hướng đến Moscow vào tháng 12 năm 1941 .

Giờ đây, Liên Xô mở đợt tấn công trên toàn mặt trận. Họ chiếm lại Kharkov ngày 23 tháng 8. Một tháng sau, ngày 25 tháng 9, cách gần 500 km về hướng Tây Bắc, quân Đức bị đánh bật khỏi Smolensk. Đến cuối tháng Chín, quân Đức ở miền Nam Liên Xô đành phải lui về phòng tuyến sông Dniepr và một tuyến phòng thủ từ Zaporozhe nơi con sông uốn khúc ở phía Bắc biển Azov. Nga chiếm lại lưu vực Donets với nhiều cơ sở công nghiệp và Đại Quân đoàn Thứ Mười Bảy của Đức có nguy cơ bị cắt đứt .

Hitler đã tự tin mà nghĩ quân Đức có thể cầm cự dọc sông Dniepr và cả trên những vị trí được gia cố ở phía Nam Zaporozhe nữa – tất cả những điểm đó sẽ tạo nên "Phòng tuyến Mùa Đông". Nhưng quân Nga không muốn dừng bước tiến, dù cho chỉ là để củng cố lực lượng. Trong tuần lễ đầu tháng Mười, họ vượt qua sông Dniepr ở phía Bắc và Đông Nam thành phố Kiev và ngày 6 tháng 11, họ chiếm lại được thành phố này. Đến cuối năm 1943, quân Liên Xô đã tiến đến biên giới Ba Lan và Rumania .

Nhưng không chỉ có thế .

Đức còn chịu 2 thất bại khác đánh dấu những bước ngoặt cho cuộc chiến: Hải quân Đức thất bại trên Đại Tây Dương và những cuộc oanh tạc ngày đêm của Đồng minh ngay trên lãnh thổ Đức .

Như ta đã biết, trong năm 1942 tàu ngầm Đức đánh chìm 6.250.000 tấn tải trọng của tàu Đồng Minh, phần lớn là để tiếp tế Anh hoặc Địa Trung Hải. Đây là khối lượng vượt xa khả năng sản xuất của những xưởng đóng tàu ở phương Tây. Nhưng từ đầu năm 1943, Đồng minh bắt đầu lật ngược thế cờ đối với tàu ngầm Đức, sau khi cải tiến kỹ thuật sử dụng máy bay tầm xa cùng tàu sân bay và trên hết, trang bị ra đa cho tàu trên mặt nước để phát hiện tàu ngầm địch từ xa. Tân Tư lệnh Hải quân Doenitz ban đầu nghi có nội gián vì nhiều tàu ngầm Đức bị phục kích và tiêu diệt ngay cả trước khi có cơ hội tiếp cận đoàn tàu tiếp tế của Đồng Minh. Nhưng chẳng bao lâu, ông đã nhận ra rằng không phải là có nội gián, mà chính ra đa là nguyên do gây ra những tổn hại nặng nề cho tàu ngầm Đức. Trong 3 tháng 2, 3 và 4 năm 1943, Đức mất 50 tàu ngầm, nhưng chỉ riêng tháng 5, 37 tàu ngầm bị đánh đắm. Với tốc độ này, Hải quân Đức không thể hồi phục, vậy nên cuối tháng Năm, Doenitz đã tự ý rút tất cả tàu ngầm khỏi Bắc Đại Tây Dương .

Tàu ngầm Đức quay lại Đại Tây Dương vào tháng Chín, nhưng trong 4 tháng còn lại trong năm 1943 này, Đức đã bị mất thêm 64 chiếc và chỉ đánh đắm được 67 tàu Đồng Minh – một tỉ lệ cho thấy sự cáo chung của chiến tranh tàu ngầm và quyết định kết quả trận chiến trên Đại Tây Dương .

Ngày 31 tháng 5, khi biết tất cả tàu ngầm Đức đã được rút về căn cứ, Hitler la lối với Doenitz: "Không thể nói đến việc giảm bớt chiến tranh tàu ngầm. Đại Tây Dương là tuyến phòng vệ đầu tiên của tôi ở phía Tây." Nói thì dễ hơn là làm. Ngày 12 tháng 11, Doenitz ghi lại trong nhật ký: "Địch có sẵn mọi con bài chiến thắng, bao trùm tất cả vùng biển bằng máy bay do thám tầm xa và sử dụng những phương pháp mà ta không có phương tiện nào cảnh báo... Địch biết tất cả bí mật của ta, còn ta lại chẳng biết gì về địch..." Vào năm 1917 của Thế chiến I khi bộ binh Đức bị chặn đứng, tàu ngầm Đức đã gần như đánh gục được Anh quốc. Đến năm 1942, tàu ngầm Đức đe doạ lặp lại chiến tích ấy, trong khi những đạo quân Đức ở Liên Xô và Bắc Phi đã bị chặn đứng và Mỹ-Anh đang phải ra sức ngăn chặn đà tiến của Nhật tại Đông Nam Á, đồng thời chuẩn bị binh sĩ, vũ khí và hàng hậu cần cho chiến dịch giải phóng Tây Âu .

Nhưng trong năm 1943, tàu ngầm Đức không còn có thể làm rối loạn tuyến chuyển vận trên Đại Tây Dương, điều này gây hậu quả nặng nề hơn cả những gì tổng hành dinh của Hitler dự tính, cho dù tin chiến trường báo về đã là rất xấu. Vì lẽ, trong cả năm này, các đoàn tàu Đồng minh chuyển vận vũ khí và hàng hậu cần trên Đại Tây Dương hầu như không gặp trở ngại gì để chuẩn bị cho chiến dịch năm sau trên mặt trận phía Tây .

Cũng trong giai đoạn này, dân Đức nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh hiện đại ngay trên đất nước của mình. Công chúng biết rất ít về thất bại của tàu ngầm Đức. Và tuy tin tức gửi về từ Liên Xô, Địa Trung Hải và Ý càng lúc càng xấu đi, nhưng những mặt trận này vẫn cách xa nước Đức hàng nghìn kilomet. Tuy vậy những quả bom mà máy bay Anh ném vào ban đêm và máy bay Mỹ ném vào ban ngày vẫn đang phá huỷ nhà cửa mà dân Đức cư ngụ, cùng văn phòng và nhà máy nơi họ đang làm việc .

Riêng Hitler thì không muốn đi thăm những nơi bị ném bom, dường như đó là nhiệm vụ quá đau đớn mà ông không chịu đựng được. Goebbels rất buồn phiền về việc này, than rằng mình đang tới tấp nhận được những lá thư "hỏi tại sao Lãnh tụ không đến thăm những vùng đang khốn khổ vì không kích và tại sao không thấy Goering ở đâu cả". Nhật ký của Goebbels mô tả thiệt hại ngày càng nặng nề của thành phố và nhà máy Đức do không kích gây ra .

16 tháng 5, 1943... Những cuộc không kích của máy bay Mỹ vào ban ngày đang gây ra khó khăn cùng cực. Ở Kiel... thiệt hại rất nặng cho các cơ sở quân sự và kỹ thuật của Hải quân... Nếu tiếp tục như thế này, ta sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng mà về lâu dài ta không thể kham nổi... 25 tháng 5. Máy bay Anh ném bom dữ dội xuống Dortmund, có lẽ là lần tệ hại nhất nhắm vào một thành phố Đức... Báo cáo từ Dortmund là khá kinh hoàng... các nhà máy công nghiệp và vũ khí bị thiệt hại rất nặng... Khoảng 80 đến 100 nghìn dân thường không có nơi cư trú... Vào buổi tối, nhận [thêm] báo cáo từ Dortmund. Thiệt hại là gần như toàn bộ. Hầu như không còn căn nhà nào có thể đứng vững... 26 tháng 7. Trong đêm, một cuộc không kích nặng nề ở Hamburg... gây hậu quả nghiêm trọng cho cả dân thường và việc sản xuất vũ khí... Một thảm hoạ thật sự... 29 tháng 7. Trong đêm, một cuộc không kích nặng nề nhất ở Hamburg... với 800 đến 1.000 máy bay oanh tạc... Kaufmann [Xứ uỷ địa phương] cho báo cáo đầu tiên... Ông nói đến một thảm hoạ theo tầm mức không thể tưởng tượng được. Thành phố với 1 triệu dân đã bị huỷ hoại theo mức độ chưa từng có trong lịch sử. Ta đang đối mặt với những vấn nạn gần như không thể giải quyết nổi. Cần cung ứng thực phẩm cho số dân 1 triệu này. Cần tìm nơi trú ngụ cho họ. Cần di tản dân càng xa càng tốt. Cần cho họ quần áo. Tóm lại, ta đang đối mặt với những vấn nạn mà chỉ vài tuần trước ta không hề nghĩ tới... Kaufmann nói đến 800.000 người không nhà cửa đang ngược xuôi trên đường phố mà không biết phải làm gì... Mặc cho thiệt hại đáng kể ở những nhà máy chiến tranh đặc biệt của Đức, nhất là những nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu, tạc đạn, tàu chiến, thép và nhiên liệu cho máy bay phản lực mới, mặc cho trạm thử nghiệm tên lửa tại Peenemunde mà Hitler đặt rất nhiều hy vọng và hệ thống vận chuyển qua đường sắt và đường sông luôn bị quấy phá, nói chung mức sản xuất vũ khí của Đức không sụt giảm là bao trong thời gian Anh-Mỹ gia tăng cường độ không kích vào năm 1943, một phần là nhờ những nhà máy trên các lãnh thổ chiếm đóng – nhất là ở Tiệp Khắc, Pháp, Bỉ và Bắc Ý – không bị ném bom mà còn gia tăng công suất .

Nhưng việc sản xuất tên lửa của Đức bị tổn hại nặng. Vào tháng 5 năm 1943, một máy bay thám thính của Anh chụp ảnh cơ sở Peenemunde, sau khi quân kháng chiến Ba Lan báo cho Anh biết cơ sở này đang sản xuất hai loại tên lửa V-1 và V-2. Đến tháng Tám, máy bay oanh tạc Anh tấn công Peenemunde, gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở này, đẩy tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm lùi thêm vài tháng. Đến tháng Mười một, Anh-Mỹ phát hiện được 63 dàn phóng tên lửa V-1 dọc bờ biển Manche. Giữa tháng 12 năm 1943 và tháng 2 năm 1944, Anh-Mỹ đã phá huỷ được 73 trong tổng số 96 dàn phóng vào giai đoạn này .

Như nhật ký của Goebbels ghi lại, tổn hại nặng nhất mà không lực 2 nước Anh-Mỹ đã gây ra là về nhà cửa và tinh thần của người dân Đức. Tôi còn nhớ là trong những năm đầu của cuộc chiến, những bản tin thời sự về những cuộc không kích của Đức tại Anh đã khích lệ tinh thần người Đức lên cao độ. Họ tin chắc rằng những cuộc ném bom như thế sẽ nhanh chóng mang đến chiến thắng. Thế mà bây giờ, vào năm 1943, chính họ lại phải hứng chịu toàn bộ sức nặng của chiến tranh trên không, thậm chí còn ở mức tệ hại hơn nhiều so với những gì Không lực Đức đã gây ra cho người dân Anh. Giống như dân Anh, dân Đức cam chịu một cách dũng cảm và khắc khổ. Nhưng sau 4 năm chiến tranh, sự căng thẳng ngày càng nặng nề hơn. Không lạ gì là khi năm 1943 gần kết thúc, với mọi hy vọng ở Liên Xô, Bắc Phi và Ý vỡ vụn, với những thành phố từ đầu này đến đầu kia của Đế chế đang bị san bằng, người dân Đức bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng và nhận ra rằng đây là sự khởi đầu cho chiến bại chung cuộc. Vị Tướng hiện thất nghiệp Halder sau này viết: "Ít nhất là vào cuối năm 1943, cuộc chiến này đã thất bại về mặt quân sự là điều hiển nhiên." Ngày 7 tháng 11 năm 1943, trước ngày kỷ niệm Bạo loạn Nhà hàng Bia, trong bài phát biểu mật trước các Xứ uỷ Đảng Quốc xã, Tướng Jodl không thẳng thắn như thế, nhưng cũng đưa ra một hình ảnh đen tối: "Điều nặng nề nhất hôm nay là trên mặt trận quốc nội, những cuộc không kích khủng bố của địch xuống nhà cửa và vợ con của chúng ta đã ảnh hưởng đến tiền tuyến... Hậu quả của những cuộc không kích khủng bố này, về tâm lý, tinh thần và vật chất, đã đến mức cần phải giảm thiểu nếu không thể ngăn chặn hoàn toàn." Jodl mô tả một cách sống động trạng thái tinh thần người Đức do hậu quả của những chiến bại và những cuộc không kích trong năm 1943, nhân dịp ông phát biểu thay mặt cho Lãnh tụ: "Mầm mống lũng đoạn đang lan tràn khắp đất nước. Mọi kẻ hèn nhát đang tìm đường thoát, hoặc tìm một giải pháp chính trị – theo như cách họ gọi. Họ bảo ta phải đàm phán trong khi vẫn còn cái gì đấy trong tay..." Bài phát biểu của Jodl, có tựa đề "Vị thế chiến lược vào đầu năm thứ năm của cuộc chiến", có lẽ là sự phân tích chi tiết nhất mà chúng ta có được về tình trạng nước Đức vào cuối năm 1943 theo quan điểm của Hitler và các tướng lĩnh của ông ta. Đây không chỉ là bài giảng duy nhất cho các lãnh đạo chính trị Quốc xã được giữ bí mật. Vì ngoài bài giảng này ra còn có một số bản ghi nhớ và tài liệu tối mật đóng dấu "Tổng hành dinh Lãnh tụ" đi kèm. Gộp lại, những văn kiện này trình bày lịch sử của cuộc chiến dưới con mắt của Lãnh tụ và có lẽ là do Lãnh tụ hướng dẫn soạn ra. Jodl cảm thấy u buồn với tình thế hiện tại và còn có vẻ nản chí hơn về tương lai. Ông tỏ ra đúng lý khi dự báo rằng cuộc tấn công sắp tới của Anh-Mỹ ở mặt trận phía Tây "sẽ quyết định cuộc chiến" và rằng "lực lượng hiện có của ta sẽ không đủ sức" chống trả .

Không phải chỉ có những "kẻ hèn nhát" mới đang tìm đường thoát. Như nhật ký của Tiến sĩ Goebbels cho thấy, chính ông này – một trong những thuộc hạ trung thành và cuồng tín nhất của Hitler – cũng đang vắt óc suy nghĩ không phải chuyện Đức nên đàm phán hay không, mà đàm phán với ai: với Liên Xô hay với phương Tây. Ông không nói sau lưng Hitler về việc cần thiết phải đàm phán hoà bình. Ông có đủ can đảm và thẳng thắn để trình bày nghĩ của mình với Lãnh tụ. Ngày 10 tháng 9 năm 1943, tại tổng hành dinh Lãnh tụ ở Đông Phổ, lần đầu tiên Goebbels đề cập trong nhật ký vấn đề đàm phán hoà bình: "Vấn nạn bắt đầu lộ ra khi ta không biết phải quay sang phía nào trước: nước Nga hay Anh-Mỹ. Bằng cách nào đấy, ta phải thừa nhận rằng là sẽ rất khó mà tiến hành chiến tranh chống lại cả 2 phía." Goebbels nhận thấy Hitler "có phần lo lắng" về viễn cảnh cuộc tiến công của Đồng minh trên mặt trận phía Tây và tình hình "khẩn trương" trên mặt trận Liên Xô .

"Điều đáng lo là ta không biết gì về lực lượng dự bị của Stalin. Trong tình hình này, tôi nghĩ ta không thể chuyển những sư đoàn từ phía Đông sang mặt trận khác trên châu Âu được." Sau khi ghi lại trong nhật ký vài ý kiến riêng mà chỉ vài tháng trước có thể bị xem là tư tưởng chủ bại mang tính phản bội, Goebbels bày tỏ với Hitler: "Tôi hỏi Lãnh tụ rằng liệu có thể làm gì được với Stalin không. Ông bảo không thể vào lúc này... Và dù gì đi nữa, Lãnh tụ tin rằng đạt thoả hiệp với Anh thì dễ hơn với Nga. Lãnh tụ tin rằng sẽ đến lúc người Anh nhận ra sự việc... Tôi thì nghĩ dễ tiếp cận với Stalin hơn, vì Stalin là một chính trị gia thực tế hơn Churchill. Churchill là một người phiêu lưu lãng mạn, một kẻ mà người ta không thể nói chuyện bằng lý lẽ." Chính trong giai đoạn đen tối này mà Hitler và những cộng sự của mình đã bắt đầu vin vào tia hy vọng rằng Đồng minh sẽ chùn bước, rằng Anh và Mỹ sẽ hãi sợ đối với viễn cảnh Hồng quân tràn ngập châu Âu nên cuối cùng sẽ hợp lực với Đức để bảo vệ lục địa châu Âu chống chủ nghĩa Bolshevik .

Vào tháng Tám, Hitler đã đề cập đến khả năng này với Doenitz. Và lúc này, khi tháng Chín đến, ông ta lại thảo luận vấn đề này với Goebbels: "Trong bất kỳ tình huống nào, người Anh cũng không muốn châu Âu theo Bolshevik... Một khi họ nhận ra rằng... họ phải chọn lựa giữa chủ nghĩa Bolshevik và hoà hoãn phần nào với Quốc xã, chắc chắn họ sẽ nghiêng về sự dung hoà với ta... Chính Churchill là người chống Bolshevik và việc ông ta cộng tác với Moscow chỉ là vấn đề tiện lợi." Dường như cả Hitler và Goebbels đã quên rằng ai là người đầu tiên cộng tác với Moscow và ai đã đẩy Liên Xô vào cuộc chiến. Goebbels kết luận: "Chẳng chóng thì chầy ta sẽ phải đối mặt với việc nghiêng về bên này hoặc bên kia. Nước Đức chưa bao giờ có may mắn với một cuộc chiến 2 mặt trận, nhất là khi ta cũng không thể trụ được lâu trong cuộc chiến này." Nhưng có phải đã quá muộn để nghĩ đến điều đó hay không? Ngày 23 tháng 9, Goebbels thấy nhà lãnh đạo Quốc xã tỏ ra bi quan hơn 2 tuần trước: "Lãnh tụ không tin rằng lúc này có thể làm gì cho việc đàm phán. Nước Anh chưa đủ yếu để chịu đàm phán... Lẽ tự nhiên là ở phía Đông, tình hình hiện nay cũng không thuận lợi... Stalin hiện đang chiếm lợi thế." Tối hôm ấy, một mình Goebbels dùng bữa với Hitler .

"Tôi hỏi Lãnh tụ liệu ông đã sẵn sàng đàm phán với Churchill hay chưa... Ông không tin đàm phán với Churchill sẽ mang lại kết quả gì... Lãnh tụ có ý thiên về đàm phán với Stalin, nhưng ông nghĩ sẽ không thành công .

Dù cho tình hình như thế nào, tôi vẫn nói với Lãnh tụ rằng ta phải đi đến sự dàn xếp với bên này hoặc bên kia. Đế chế chưa bao giờ thắng một cuộc chiến 2 mặt trận. Vì thế, bằng cách nào đấy ta phải thoát ra khỏi cuộc chiến này." Đó là công việc khó khăn hơn là họ nghĩ, sau khi họ đã khinh suất đẩy nước Đức vào một cuộc chiến 2 mặt trận. Nhưng vào buổi tối tháng 9 năm 1943 này, ít nhất là trong vài khoảnh khắc, nhà chiến binh Quốc xã đã trút bỏ được ý nghĩ bi quan mà mơ về hoà bình, về việc tiếp xúc với giới nghệ sĩ, đi nhà hát... Khi cuộc chiến bước vào năm thứ 5, trên nước Đức không chỉ có Hitler và Goebbels nghĩ đến cơ may và cách thức đạt đến hoà bình. Những người trong nhóm âm mưu chống Quốc xã, nản chí và nói nhiều, đông hơn trước, nhưng thành phần vẫn còn ít ỏi, bây giờ cũng suy nghĩ về vấn đề đàm phán. Không phải tất cả nhưng phần lớn trong số này, sau khi vượt qua nỗi bứt rứt lương tâm, đã đi đến kết luận rằng để mang hoà bình đến cho nước Đức, họ sẽ phải giết Hitler và cùng lúc xoá bỏ chủ nghĩa Quốc gia Xã hội .

Khi năm 1944 bắt đầu, họ biết chắc rằng Anh-Mỹ sẽ mở cuộc tấn công qua biển Manche và Hồng quân sẽ tiến đến đường biên giới của Đế chế, rồi những thành phố cổ của Đức sẽ tan thành bình địa, nhóm người âm mưu cùng xúm xít nhau để vạch ra kế hoạch hạ sát nhà độc tài Quốc xã và lật đổ chế độ của ông ta trước khi đất nước rơi xuống vực thẳm .

Họ biết mình chẳng còn nhiều thời gian .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#dichle