Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 6

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




                        Cuộc sống thường nhật vẫn diễn ra trong thôn của chúng tôi, lính Nhật đã thôi đánh phá ác liệt trong suốt sáu tháng. Người lớn quay trở lại làm nông còn trẻ con chúng tôi đi học. Không gì thay đổi trong thôn của chúng tôi chỉ trừ việc trai tráng lên đường đi lính, bỏ lại người già và trẻ nhỏ. Vậy là chúng tôi có thêm một điều trông ngóng đó là chiếc xe đạp của bác đưa thư. Bác trả thư cho từng nhà mỗi chiều thứ sáu, thật hoan hỉ biết bao nếu nhận được vài dòng chữ nói rằng mình vẫn ổn nhưng sẽ đau buồn siết bao nếu đó là một tờ giấy báo tử. Thầy tôi cũng giống như bao người, mỗi chiều thứ sáu đều đứng trước cửa ngóng đợi xem liệu hôm nay mình sẽ có thư? Nhưng từ ngày gã rời đi, chưa một bức thư nào được gửi về nhà họ Đường treo đèn lồng đỏ. Lưng thầy trên bậc cửa cô độc mỗi chiều thứ sáu, cái bóng dài đổ nhoài trên mặt đất, y khao khát hai chiếc bánh xe ấy dừng lại nơi cánh cửa gỗ, trước mặt y. Đáng buồn thay nguyện vọng ấy chưa bao giờ được thực hiện, kể cả khi nấm mồ của thầy đã xanh cỏ.


                   Quân kháng chiến đến làng chúng tôi để xin quyên góp ủng hộ cách mạng, người có ít cho ít, người có nhiều cho nhiều, không có của thì góp công. Trong nhà tôi không có gì đáng giá, chỉ có một bức hoành phi bốn chữ do cụ cố để lại, hoa văn bằng đồng trạm chổ bốn góc khiến nó nếu được bán ở thời đại này chắc chắn sẽ là một bảo vật vô giá. Bố tôi cậy những miếng đồng vàng óng, lau sạch sẽ rồi đưa cho những người lính. Họ cúi đầu đa tại bố tôi rồi tiếp tục mang chiếc hòm của mình đến từng nhà trong thôn. Đám trẻ con chúng tôi chỉ vì hiếu kỳ, cứ thế mà theo chân các chú bộ đội. Có người góp gạo, có người góp ngô khoai sắn, những người lính chẳng chê thứ gì, cứ là hiện vật họ đều nhận cả. Thấm thoắt trời cũng xẩm tối, mặt trời đỏ hồng như lòng đỏ trứng gà lừng lững lặn xuống phía sau quả đồi. Họ đến nhà thầy tôi cũng là lúc thầy tôi đang thắp đèn.


                   Thầy tôi không có gì nhiều, nghe nói rằng họ chỉ cần hiện vật. Nghe vậy y chẳng đắn đo, lấy ra những bộ áo bào thêu rồng mà y hằng trân quý, đặt vào chiếc thùng của những người nọ. Thầy tôi ngẫm nghĩ một lúc, cuối cùng từ trong nhà lấy ra một tấm thẻ mạ vàng trên đó khắc vài chữ Hán mà khoảng cách quá xa khiến chúng tôi chẳng nhìn rõ. Trong số những người lính ấy, có một người biết chữ. Nhìn thấy tấm kim bài thầy tôi thảy vào thùng sắt, đã không kìm nổi tò mò mà nhặt lên xem. Biểu cảm bất ngờ nhanh chóng án ngữ người lính trẻ, anh nhìn thầy tôi rồi lại nhìn tấm thẻ như muốn xác minh rằng liệu đây có phải sự thật.


''Vị công tử này có dòng dõi hoàng tộc sao?''

''Đã là chuyện quá khứ rồi, ta còn chẳng giữ được cận vệ của mình sao có thể gọi là hoàng tộc. Nhà Thanh đã sụp đổ từ lâu, tất cả bây giờ chỉ là cái danh hão thôi''


                      Thầy tôi cất giọng buồn buồn, những người lính thấy tâm trạng y không thoải mái cũng chẳng dám hỏi thêm. Cúi đầu cảm tạ vì những món đồ từ thiện vô giá rồi xách chiếc thùng quay ngược lại con đường đất. Thầy tôi đứng lặng một hồi lâu, nhìn những tốp người nhỏ bé ấy mờ dần mờ dần rồi biến mất, cho đến khi chỉ còn lại âm thanh u u của núi rừng y mới trở vào nhà.


                    Y đã từ bỏ tất cả những thứ hào nhoáng ấy, không khoác lên những bộ trang phục hoàng cung, thầy tôi cũng giống như bao người bình thường. Thi thoảng thầy cũng đi đôi giày thêu của mình, rảo bước trên con đường con đường lầy lội, tiến về bãi đất trống, xem chúng tôi đánh cờ, nhảy dây. Những lúc ấy thầy cười rạng ngời khi trông thấy một đứa trong số chúng tôi phải nhận hình phạt vì thua cuộc. Hạnh phúc của thầy nhỏ nhoi khi không có gã ở bên. Nhưng tôi biết rằng thầy chưa từng từ bỏ hy vọng một ngày nào đó gã sẽ trở về, đôi khi đi lấy nước buổi tối, tôi thấy thầy đứng ở bãi đất khô, tay cầm lồng đèn, cứ vậy nhìn về đầu làng. Giống như năm đó thầy tôi đợi gã trở về từ Bắc Kinh.


                   Quân Nhật ném bom ác liệt trong những tháng sau đó, đen đủi làm sao bố tôi lâm bệnh nặng trong những năm tháng này. Những ngày tháng ấy lúc nào cũng vậy, tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe, trực tràn giọt lệ nóng hổi. Mất mùa thêm quân xâm lươc tàn phá, chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để chạy chữa cho bố của mình. Hàng xóm cũng nghèo như chúng tôi, có khi họ còn chẳng đủ ăn, chúng tôi có gạo ăn mỗi ngày đã là may mắn hơn người khác rất nhiều. Vậy là tôi thường mang bộ mặt nặng nề đến lớp, những trò vui của bạn bè chẳng còn khơi gợi hân hoan nơi tôi nữa. Tan học, tôi thường chạy một mạch lên rừng, hòng kiếm vài cây thuốc giá trị có thể đem ra chợ bán, với hy vọng có thể kiếm thêm chút đỉnh chữa bệnh cho bố.


                 Hôm đó tôi bị lạc, loay hoay một hồi đến khi mặt trời xuống núi tôi mới có thể trở về nhà. Đường từ rừng về nhà tôi phải đi qua nhà thầy, trong không gian tối mù mịt ấy, tôi thấy thầy tôi đứng cùng một người phụ nữ với mái tóc hoa râm, cầm trên tay chiếc lồng đèn đỏ, không ngừng gọi tên tôi. Đó là mẹ của tôi. Tôi chạy hết sức bình sinh tiến lại gần, nhìn thấy mẹ, tôi thấy mắt bà sưng lên đỏ ửng, có lẽ bà đã khóc quá nhiều. Đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ chỉ dám quỳ xuống xin lỗi chứ chẳng muốn phân trần lời giải thích nào khác. Mẹ ôm lấy tôi, bàn tay bà xoa lên mái tóc rồi bời, trong lòng mẹ tôi ngửi thấy mùi khói bếp quen thuộc, tôi biết rằng mình đã an toàn mà trở về nhà.


                 Hôm sau đến lớp, trước khi tan học, thầy đưa cho tôi một chiếc túi nhỏ, nói với tôi rằng hãy mang thứ này ra tiệm kim hoàn, ít nhiều cũng giúp được cho bố của tôi. Tôi quỳ xuống, nước mắt lưng tròng mà dập đầu cảm ơn thầy tôi. Nhưng thầy không cho tôi cơ hội làm thế hai lần, tất cả những gì y làm là giục tôi đi cho nhanh trước khi trời tối. Tôi đem cái túi thầy trao đến tiệm kim hoàn cách đó khá xa, ông chủ nhác thấy bóng tôi còn tỏ ý dè bỉu nhưng ngay khoảnh khắc tôi đổ chiếc túi của thầy ra chiếc đĩa cân. Mắt ông sáng lên như không thể tin vào mắt mình, ông hỏi lại tôi ba bốn lần rằng tôi có chắc chắn muốn bán thứ này không và tại sao tôi có nó.

''Một người từng thuộc hoàng tộc đưa nó cho tôi và bảo tôi hãy bán nó''


                Bên trong chiếc túi gấm, những viên ngọc phỉ thúy ghép lại với nhau vụng về bởi hồ dán, nhưng không vì thế giảm giá trị của nó. Một mảnh phỉ thúy nhỏ nhất cũng đủ đánh một chiếc nhẫn cho một người phụ nữ. Miếng ngọc to đến nhường này, chắc chắn giá trị thực của nó cũng khiến tôi hoảng hồn. Ông chủ tiệm nhìn miếng ngọc to sứt mẻ, tặc lưỡi một cái tỏ vẻ nuối tiếc, nếu nó mang trên mình dáng hình hoàn hảo chắc chắn ông chủ tiệm sẽ không đủ tiền để trả cho thứ đắt đỏ này. Vậy là ông trả cho tôi tất cả những gì ông có. Từng đó tiền đã khiến tôi hoảng loạn, tôi và bố mẹ chưa từng cầm nhiều tiền như vậy suốt cuộc đời của mình.


                Tôi nhét tất cả vào cặp sách của mình, trùm thêm hai ba lớp vải, tôi chạy về nhà thật nhanh và trên suốt đoạn đường đi, cái cổ bé nhỏ của tôi hết nhìn trước sau lại quay phải trái, tâm trí non nớt sợ rằng một người lạ mặt sẽ đánh hơi được khoản tiền tôi mang trên mình. Sau đó chẳng nề hà mà giở trò đồi bại. Trở về nhà với lá phổi căng lên hết công suất nhưng tôi chẳng muốn than mệt khi trong tay tôi đã có thứ mình cần, đủ để cứu bố tôi khỏi cơn bạo bệnh.


Khi nhìn thấy xấp tiền giấy trong cặp sách của tôi, mẹ không hề vui mừng, khuôn mặt bà đanh lại, nghiêm mặt nhìn tôi, rồi cuối cùng lấy ra một cây roi mây, bắt tôi nằm úp xuống giường. Cánh mông tôi toé máu ngày hôm ấy, vì tủi nhục, mẹ chẳng nghe tôi giải thích mà quy chụp lên đầu đứa con của mình là đồ ăn cắp. Cánh tay của mẹ chỉ dừng lại khi phát hiện ngoài sân có người lạ bước vào cửa, đó là thầy tôi. Thầy muốn thăm bệnh tình của bố và hỏi xem tôi đã về chưa. Nhác thầy bóng thầy trên sân, tôi vùng khỏi đòn roi của mẹ tôi, cứ thế úp mặt vào áo thầy khóc nức nở. Nước mắt thấm ra áo y ướt đẫm một vạt.

"Thằng nghịch tử này hôm nay mang về một đống tiền, nói rằng là tiền chữa bệnh cho bố. Còn lôi cả thầy vào bao che cho hành vi trộm cắp...thầy bỏ nó ra, tôi phải dạy nó"

"Có chuyện gì từ từ nói, là tôi bảo nó đem đồ đi bán lấy tiền chữa bệnh cho ông nhà"

Cây roi trên tay mẹ tôi rơi xuống đất kêu lên một tiếng keng chát chúa. Khuôn mặt khắc khổ của mẹ tôi nhăn nhúm, những nếp nhăn ép cho nước mắt chảy ra, tôi vẫn núp sau lưng thầy, sụt sùi nức nở. Mẹ tôi vươn tay đón lấy tôi, cổ họng bà nghẹn ngào một lời xin lỗi. Hai mẹ con tôi cứ thế nức nở trong nghẹn ngào. Cuối cùng khi mọi thứ tạm gọi là ổn thoả, mẹ tôi quỳ xuống nền đất bẩn thỉu, cúi đầu hành lễ với thầy tôi. Thầy tôi tất nhiên không nhận, nhanh chóng đỡ mẹ tôi dậy, phủi sạch bùn đất trên người bà. Lòng biết ơn của mẹ tôi với thầy vẫn theo bà cho đến khi trút hơi thở cuối cùng khi từng từ ngữ bà thốt ra trước khi hấp hối vẫn một lòng hướng về thầy tôi.

Nhờ khoản tiền của thầy, bố tôi được chữa bệnh, gia đình chúng tôi lại êm ấm như những ngày trước. Bố mẹ tôi cũng không quên ơn thầy, mỗi khi có món gì ngon mẹ tôi đều nấu dư ra một chút, rồi bảo tôi mang đến nhà thầy. Những lần như vậy thầy đều niềm nở đón nhận, còn khen mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Một ngày nọ vào đêm rằm tháng sáu, ngày mà tám năm trước tôi lần đầu thấy đèn lồng đỏ chữ vàng cầu kỳ, chật vật đi trong cơn mưa, trên con đường lầy lội bùn đất. Đó là ngày Túc Na dọn đến thôn của chúng tôi. Ngày hôm đó tôi mang cá hấp đến cho thầy, cửa không khoá, thường thường thầy hay ngồi ngoài sân thưởng trà nhưng kỳ lạ rằng hôm nay thầy không uống trà, thay vào đó nhấp môi bằng những chén men say. Nhác thấy bóng tôi, thầy vẫy tôi lại gần, trao một ly rượu. Vậy là cứ thế tôi trở thành bạn nhậu của thầy. Cả đời tôi chưa từng thấy thầy say xỉn như vậy.

"Tiểu Á, hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày này tám năm trước ta đã chết. Tin được không Tiểu Á, nhìn này, hắn ta bài trí nơi này giống hệt Cảnh Dương Cung của ta. Cây bạch quả giữa sân, cùng dãy hành lang treo đầy lồng đèn đỏ này...."

Thầy tôi đã uống nhiều đến mức câu từ lộn xộn tất thảy. Vẻ điềm đạm nho nhã của thầy đã không còn nữa, ở đây chỉ có bi thương và đau khổ chồng chất lên hàng lông mày lá liễu thanh tú của thầy. Thầy kể cho tôi nghe rất nhiều về những điển tích điển cố hay những câu chuyện truyền thuyết, về thế gian ngoài kia tươi đẹp ra sao, đằng sau ngọn núi có gì. Chính từ đêm say ấy đã tiếp bước cho tôi rời khỏi thôn quê này mà theo học đại học.

Trong tất cả những câu chuyện thầy kể, có vài phần u ám, vài phần linh thiêng. Tôi chẳng biết đâu là thật, đâu là giả, nhưng chuyện về vị hoàng tử thứ bảy với tên họ Ái Tân Giác La đã khiến tôi chú ý hơn cả và tôi biết rằng đây là một câu chuyện có thật bởi nó chẳng khác nào câu chuyện của Túc Na, duy chỉ có điều từ một góc nhìn khác. Nhân vật chính trong câu chuyện chính là hoàng tử hay còn gọi với tên khác rằng ấy chính là quá khứ của thầy tôi.

"Ta tỉnh dậy với toàn thân đau nhức, cơ thể rệu rã, thuốc độc đã phá huỷ nội tạng của ta một phần nhưng ta không biết bằng phương pháp nào đó, gã đã cứu sống ta. Ngay sau khi ta ngã quỵ dưới cây bạch quả, với vai trò từng là cựu cận vệ, Túc Na đã xin phép được chôn cất ta. Lúc đó có lẽ cơ thể ta vẫn còn hấp hối hoặc gã đã dở trò gì với chén thuốc độc của ta khiến ta chỉ chết trong vài khoảnh khắc. Cảm tưởng như ngai vàng, địa vị, giang sơn đã trong tay nhưng tất cả những gì ta nhận được lại là một lời tố cáo từ chính người ta luôn tin tưởng hắn cấu kết cùng người chủ thực sự của mình ép ta chết. Sau cùng ta nhận ra rằng mình cũng chỉ là con cờ dọn đường cho kẻ khác lên ngôi"

Từ ngày đến đây, bởi ảnh hưởng bởi thuốc độc, thân thể thầy tôi luôn đau đớn. Cũng không muốn nhìn mặt gã, vậy là ngày ngày gã lên núi hái thuốc, sau đó mang ra chợ bán, đến trưa về lại giúp thầy tôi uống thuốc. Y không biết gã làm thế vì mục đích gì khi một tay gã đẩy y vào chỗ chết. Giống như Túc Na sợ rằng khi thầy tôi lên ngôi, người đầu tiên y bỏ rơi sẽ là gã. Túc Na là cận vệ của thất hoàng tử , đâu phải người phò trợ hoàng đế. Khi hoàng tử lên ngôi, y sẽ chẳng còn là chủ tử của riêng gã mà là hoàng đế của bàn dân thiên hạ.

"Nếu ta không thể lên ngôi, nếu danh hoàng tử không còn nữa, ta sẽ thuộc về riêng hắn, chỉ mình hắn mà thôi. Vậy là những ngày tiếp theo, ta không ngừng kết liễu bản thân mình. Nhưng chẳng lần nào ta thành công khi Túc Na luôn xuất hiện kịp thời. Ta vẫn không thể chịu được biến cố ấy, cảnh vật, sự nghèo túng vây quanh khiến ta chẳng thể thích nghi với thực tại"

Vậy là Túc Na trang hoàng lại nơi này, sao cho nó giống với nơi ở trước đây của y nhất có thể. Cây bạch quả và những chiếc lồng đèn. Túc Na muốn y vứt bỏ chấp niệm rằng y là một hoàng tử, nhưng lại đối đãi với y chẳng khác nào đầy tớ trung thành. Khi cho y mặc những tấm áo bào thêu chỉ vàng sặc sỡ, khi chạy vài trăm dặm chỉ để kiếm tìm món bánh y yêu thích trong dịp thanh minh hay cõng y suốt đoạn đường dài hòng đôi giày thêu của y không lấm bẩn, bởi Tử Cấm Thành không có những con đường sình đất và những hoàng tử di chuyển bằng kiệu tám người khiêng. Ở đây chẳng có kiệu, chỉ có tấm lưng vững chắc của gã. Tất cả những điều gã làm hòng mong cầu y cho gã một cơ hội, mong y mở lòng mà tự nguyện nắm lấy tay gã như những ngày tháng năm xưa. Nhưng đáp lại tất cả, trái tim của thầy tôi không muốn tin vào tình yêu thêm một lần nữa.

"Ta vẫn luôn oán trách hắn và nghĩ rằng hắn sẽ vĩnh viễn không rời đi, bởi một cận vệ thì không được rời bỏ chủ tử của mình. Nhưng ta nhận ra rằng ta không còn là hoàng tử vào cái ngày hắn lên đường đi nhập ngũ. Tối hôm trước chúng ta đã cãi nhau, ta đổ lỗi cho hắn bởi hắn chính là nguyên nhân khiến ta không thể lên ngôi hoàng đế. Đẩy dân chúng đến cảnh nước mất nhà tan, giao vận mệnh quốc gia cho một tên bán nước. Hắn chẳng cãi lại, chỉ nói ta vẫn ảo tưởng về ngai vàng ấy, bản thân ta đã chết từ lâu và rằng ta hãy sống một cuộc đời bình dị, cho bản thân ta. Nói rồi đập vỡ viên ngọc phỉ thuý của ta. Món quà cuối cùng minh chứng cho việc ta từng là một hoàng tử. Đến bây giờ, nhìn lại ta xem...."

Thầy tôi vẫn luôn muốn tha thứ cho gã nhưng tôn nghiêm lẫn lòng tự trọng của y không cho phép mình làm thế. Rốt cuộc sau ngần ấy chuyện, y vẫn nghĩ rằng gã vĩnh viễn không bao giờ bỏ y lại nhưng khoảnh khắc bóng lưng mờ dần trên con đường đất, y nhận ra rằng hoá ra mình chẳng còn lại gì, hoàng tử đã chết tại Cảnh Dương Cung, còn y bây giờ sống trong danh tính một thầy đồ dạy chữ. Nghe thật hoang đường nhưng thầy tôi vẫn muốn cùng gã tổ chức hôn lễ, cùng gã tiến vào từ đường với nến trắng cùng hỉ đỏ treo kín tường, muốn gã vén lên tấm khăn đỏ che trước mặt thầy tôi để rồi cả hai cùng cười hoan hỉ. Nhưng có lẽ điều ấy chỉ vọng tưởng mơ hồ của thầy tôi bởi sự trở về của người kia mù mịt như sương mù giăng kín mặt sông mỗi độ đông tới.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi nghe thầy nói nhiều đến như vậy. Đến bây giờ cho đến khi đã khôn lớn, tôi vẫn ước được trở lại lớp học năm xưa, bên cạnh chiếc lán nhỏ, có thầy tôi đứng giữa lớp, có những đứa trẻ trong thôn đầu tóc gọn gàng khuôn mặt sáng ngời nghe thầy giảng chữ. Nhưng tất cả cũng giống như vọng tưởng của thầy về một đám cưới, điều ấy chỉ đến với tôi trong những giấc mơ rất đỗi chân thực, tôi vĩnh viễn không bao giờ quay trở về khoảng thời gian êm đềm năm ấy nữa.

***************************

Tôi trở về quê của mình sau vài năm
học đại học, chiến tranh đã lùi xa và bom đạn khắc ngiệt năm xưa chỉ sống trong những miền ký ức. Thấm thoắt cũng đã bốn năm, bố tôi cũng đã gần đất xa trời, ông rất hay quên và thi thoảng bật ra những điều lẩn thẩn. Mẹ tôi vẫn còn tỉnh táo, bà vẫn ngày ngày chăm sóc bố tôi, kể cho ông nghe những câu chuyện bà nghe được ngoài chợ. Thi thoảng cả hai cùng ngồi trước sân ngắm hoàng hôn buông xuống. Tuổi già của hai người cứ vậy yên bình trôi qua, hạnh phúc có khi đơn sơ đến vậy.

Đó là vào một ngày giáp tết, khi tôi cùng mẹ đang chuẩn bị bữa cơm tất niên thì đột nhiên bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa. Bố tôi thiu thiu ngủ bên lò sửa, cũng vì tiếng động ấy mà giật mình tỉnh giấc. Cháu của tôi chạy ra mở cửa, tôi vẫn cặm cụi trong bếp nên chưa có dịp nhìn kỹ dung nhan người nọ. Chỉ thấy người ấy bước vào, bố tôi trên chiếc xe lăn nhanh chóng hô lên một tiếng hoan hỉ. Tên người nọ vang lên và trong giây phút ấy, cả mẹ cùng tôi đều sững người để rồi buông mọi thứ trong tay chạy ra kiểm chứng.

Không sai đi đâu được, dù năm tháng có trải trên mái tóc nhưng đôi mắt, giọng nói ấy khiến chúng tôi có chết cũng không thể nào quên. Túc Na ghé thăm chúng tôi sau mười lăm năm biền biệt, bố tôi có thể lẫn, có thể lẩn thẩn nhưng ông vĩnh viễn không quên người bạn của mình. Gã chạy vào nhà, mang theo một chiếc túi to chất đầy quà bánh, giống hệt năm xưa khi lần cuối cùng gã từ biệt bố mẹ tôi. Túc Na vẫn luôn hào sảng như vậy. Gã chạy lại vỗ vai bố tôi - người bạn già của gã. Chiến tranh không bào mòn sức vóc của gã, bom đạn chẳng trầy xước trên gã một mảnh da. Thầy bói nói đúng, Túc Na đã làm lên nghiệp lớn cho Trung Hoa, gã chỉ huy mặt trận phía đông, đem lại hoà bình, đánh sạch quân xâm lược.

Mẹ tôi rưng rưng nước mắt, chẳng thể tin được sự hiện diện của người trước mặt. Thế rồi không khí ngày cuối cùng của năm ấy càng thêm hứng khởi khi gã đem những câu chuyện mình có được trên chiến trường trải đầy bàn ăn của chúng tôi. Bố tôi tai đã nghễnh ngãng, mỗi lần gã nói nhỏ đều phải hỏi lại ba bốn lần. Túc Na khen tôi đã lớn, chẳng thể nhận ra Tiểu Á mít ướt năm nào. Cũng phải, đã mười năm năm trôi qua, là một phần của một đời người, tại sao tôi không trưởng thành cho được.

"Vậy thầy Huệ có khoẻ không?"

Đột nhiên mâm cơm của chúng tôi rơi vào trầm tư, không ai trả lời câu hỏi của gã. Túc Na chợt thấy có điều gì đó không ổn, gặng hỏi một lần nữa. Nhưng tất cả chúng tôi đều như ngậm một hòn sắt nóng trong miệng, cái lưỡi dính chặt đến vòm họng, chẳng thể bật ra một từ ngữ hoàn chỉnh. Tôi không biết là gã nóng giận hay không dám chấp nhận sự thật, gã gào lên một lần nữa, lệnh cho chúng tôi trả lời. Nhưng tất cả những biểu cảm ấy chỉ khiến mẹ tôi bật ra hàng nước mắt nức nở.

"Thầy Huệ đã không còn nữa, một năm kể từ ngày cậu rời đi"

Tôi thấy khuôn mặt gã tối sầm, gã không muốn tin vào điều mình vừa nghe nên hỏi lại mẹ tôi hai ba lần. Đôi mắt gã thất thần nhìn vào không gian đen đặc một hồi lâu tựa như điều bật ra khỏi khuôn miệng mẹ tôi không phải là sự thật. Nét hân hoan khi bước vào cửa đã không còn nữa, nơi đây chỉ còn người đàn ông bàng hoàng, hoảng sợ. Gã đã thấy cả trăm cái chết trên chiến trường, gã không sợ máu cũng chẳng sợ thịt nát xương tan nhưng đối diện với tin báo tử của một người. Vị tướng lẫy lừng của chúng tôi không kiềm được cảm xúc.

Điều chỉnh lại nhịp thở của mình, gã rút ra một điếu thuốc lá. Đây chính là điều giúp gã bình tĩnh ngay lúc này, sau khi hút liên tiếp hai điếu thuốc. Lần này gã rút hết sức bình sinh, giống như can đảm suốt mười lăm năm trên chiến trường dồn vào câu từ ấy.

"Thầy ấy chết như thế nào?"

"Rất anh dũng"

Chiến tranh lại khốc liệt sau vài tháng sau đó, lần này giặc Nhật đã tràn vào thôn làng của chúng tôi, chúng truy lùng quân du kích. Thầy tôi vẫn an yên ngồi bên cửa sổ, nho nhã thưởng trà, tựa như chiến tranh không bao giờ chạm đến mái nhà của thầy. Chính vẻ ung dung ấy đã khiến bọn Nhật ngó lơ căn nhà của thầy sau vài lần lục soát khắp cả thôn. Nhưng đằng sau vẻ thản nhiên ấy, thầy tôi cũng sợ như bao người. Cái chết không kiêng dè một ai, huống chi thầy tôi đã ghé thăm hoàng tuyền một lần. Đó là nơi chẳng dễ chịu gì.

Thầy tôi luôn trưng ra vẻ mặt không hiểu với những câu từ của đám giặc ngoại quốc. Với lại trông biểu cảm của thầy giống như một người ngớ ngẩn nên chúng cũng chẳng muốn nhiều lời. Một lần, hai lần rồi ba lần, thầy tôi đã che giấu những chiến sĩ cách mạng trong căn nhà đổ nát mà Túc Na vẫn chưa kịp tu sửa. Nhưng rồi ông trời không thương tiếc tấm lòng của thầy tôi, cũng giống như ông không thấu những gì thầy đã làm cho trẻ em cái thôn này và bố mẹ tôi. Một đêm trăng sáng nọ, tất cả bại lộ. Giống như Túc Na từng kể, thầy tôi lúc chết vẫn anh dũng như vậy. Ngay cả trước chén thuốc độc hay trước lưỡi dao của giặc Nhật. Trước khi chết y còn chửi bọn chúng là lũ tạp chủng. Thầy tôi ngã xuống dưới gốc cây bạch quả, máu đỏ nhuộm khắp gốc cây, đêm hôm ấy đèn lồng đỏ trong trang viên của thầy vẫn soi rọi một khoảng đất cuối thôn. Màu đỏ của đèn lồng và màu máu của thầy hoà làm một, u ám và đau thương, chứ chẳng còn sặc sỡ nữa.

Y có một di nguyện, đó là những lời cuối cùng bật ra khỏi khuôn miệng thầy tôi, hãy che bài vị của thầy bằng một mảnh vải đỏ và mong tôi hãy mang thầy về nhà của tôi. Thầy tôi không muốn trở thành hồn ma cô độc trong trang viên nhà họ Đường và thầy tôi biết chắc chắn rằng một khi Túc Na trở về, theo con đường đất, gã sẽ ghé thăm nhà tôi đầu tiên. Hãy để thầy ở đó đón gã về chứ không phải căn nhà lạnh lẽo cuối thôn. Thầy tôi còn nói rằng cái mạng của gã lớn, chắc chắn gã sẽ trở về chỉ là không biết phải đợi bao lâu.

Tôi nghĩ khi nghe đến đây, gã đã không thể kìm nén cảm xúc nữa. Giống như một ngọn núi lửa, khuôn mặt gã đỏ bừng lên và từng giọt nước mắt tại khoé mi trào ra nóng hổi nhưng rất nhanh đau đớn ấy vốn dĩ không thể chỉ đơn thuần diễn tả bằng những giọt nước mắt. Chúng nhanh chóng khô lại khi gã ngước lên bàn thờ của nhà tôi, nơi có một tấm bài vị che vải đỏ, bên cạnh là bốn chữ thầy viết cho gia đình tôi vào mùa xuân năm đó. Thầy Huệ lúc sinh thời có một mong ước sâu kín đó là thành hôn cùng cận vệ của mình, để khi gã lật miếng vải đỏ trên đầu, đằng sau đó chính là khuôn mặt hân hoan của y. Nhưng đến giờ phút này, chẳng còn ngũ quan hoan hỉ nào nữa, chỉ là tấm bài vị bằng gỗ lạnh ngắt, vô cảm khắc lên một cái tên.

"Cái tên này sai rồi, sai rồi...."

Chúng tôi không biết họ tên đầy đủ của thầy, chỉ biết rằng thầy tên Huệ. Túc Na ôm lấy bài vị của thầy tôi, mang theo cả tấm khăn đỏ, lừng lững bước về phía cửa chính. Có lẽ gã không chịu nổi khi cái tên trên bài vị sai suốt từng ấy năm và là một người đã theo thầy bao nhiêu năm tháng, gã không muốn chần chừ khi thứ đại diện cuối cùng cho thầy tôi lại khắc sai tên người. Chúng tôi không cản gã lại, có lẽ gã đủ đau đớn cho ngày hôm nay rồi.

Hôm ấy, bằng một sự lạ lùng nào đó, những chiếc lồng đèn đã bỏ hoang rất lâu trong trang viên nhà họ Đường lại rực lên sắc đỏ toả sáng cuối con đường làng.....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top