Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

13. CUỐN SÁCH TIÊN TỪ DI HUẤN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

13. CUỐN SÁCH TIÊN TỪ DI HUẤN

(Bà mẹ họ Lê)

Ông Cử Lê làng Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (nay là Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa) luôn luôn giở đến cuốn sách quý của ông. Có lẽ mỗi tuần ông cũng đem ra nghiền ngẫm vài ba lần chứ không ít hơn. Ông thường giở sách vào buổi tối, khi đã lên đèn, cơm nước xong xuôi. Con cháu cứ như đã được giao hẹn trước, thấy ông cầm đến sách là phải tề tựu xúm xít quanh ông để nghe ông đọc và giảng giải.

Cuốn sách không dày lắm, chỉ khoảng vài chục trang giấy bản, mỗi trang chi chít những hàng chữ Hán, viết chân phương. Bìa sách cũng bằng giấy bản, phất cậy, mặt bìa ghi bốn chữ đại tự sắc nét: Tiên Từ Di Huấn.

Cách đọc sách của ông Cử cũng rất khác thường, không giống như những lần ông đọc thơ, hay đọc truyện. Ông ngồi ngay ngắn, có vẻ trân trọng, cuốn sách mở trang ở ngay trước mặt. Ông nhìn vào trang sách, đọc từng dòng, cứ hết một đoạn, ông lại ngước nhìn ra ngoài trời đêm tối, mơ màng như muốn ôn lại một kỉ niệm xa xôi. Con cháu đã biết tính ông, đều giữ im lặng để cho ông qua những phút chìm sâu trong hoài niệm. Sau đó, ông mới như bừng tỉnh, quay lại nhìn mấy đứa con ngồi sát cạnh mình, bắt đầu kể chuyện:

- Đây, câu này là ghi lại lời bà nội đây. Bà nội xưa dạy bố cẩn thận lắm. Nguyên là hôm đó, bố học bài tuy chưa thật thuộc, nhưng cũng cứ gấp sách lại, chạy ra cổng, định sang nhà hàng xóm hẹn với cậu bạn ngày mai đi chơi. Không ngờ bà nội các con nhìn thấy, liền gọi ngay bố lại.

Một chú bé nhanh nhẩu hỏi:

- Thế là bà đánh bố à? Hay bà mắng?

Ông Cử cười:

- Không, bà nội không bao giờ đánh mắng con cái cả. Khi nào giận lắm thì bà gắt thôi. Có khi là bà giữ im lặng mà không nói năng gì cả. Chính những lúc bà im lặng như thế lại đáng sợ hơn. Còn buổi chiều hôm đó, bà không đánh mắng mà chỉ gọi bố lại, nói với bố rất từ tốn.

- Bà nói thế nào?

- Bà bảo: "Ngày xưa, các cụ già 80 tuổi rồi mà vẫn chăm học. Chiều tà, trong nhà bị tối, nhưng vì tiết kiệm không vội thắp đèn, các cụ mang ghế xích dần ra hè, đuổi theo ánh sáng mà học, đọc sách. Bây giờ trời đang sáng thế, sao con lại gấp sách đi chơi. Con không biết tiếc thì giờ à?".

- Thế sao bố không nói thực với bà là bố dành để đến tối sẽ học? Bớt một tí thời gian thì việc gì!

Ông Cử cười:

- Bố cũng thưa với bà như thế. Nhưng bà lại trách: "Một chút thời giờ cũng quý. Bây giờ còn sáng phải tranh thủ học cho thuộc bài đã. Làm việc gì phải cho xong việc ấy, đừng hẹn để sau. Vả chăng nhà bạn cũng gần, hẹn nhau đi chơi thì việc gì mà vội.".

Mấy cô bé, cậu bé hiểu được đầu đuôi, đều tỏ ra thích thú, ông Cử lại chỉ vào một câu khác trong sách:

- Đây, câu này cũng là một câu bà nội hay nói đây này. Để bố đọc to cho các con nghe.

Ông đọc câu ghi trong sách: "Tiếng chim hót làm cho tinh thần ta khoan khoái. Nhìn bầy ong bay, ta rất mừng và rất ngẫm nghĩ". Ông đọc câu ấy hai lần, rồi hỏi các con:

- Các con có hiểu bà nói gì không?

- Chúng con chỉ biết là bà thích nghe tiếng chim, thích xem ong bay thôi.

Ông Cử gật đầu:

- Như vậy là các con hiểu theo ý nói thông thường mà chưa biết nghĩa sâu. Ở câu nói này, bà nội đã dạy bố nhiều lắm. Lúc còn ít tuổi, bố cũng như các con, thấy chim cứ biết là nó hót, thấy ong cứ biết là nó bay, chứ không hiểu gì hơn. Bà nội bảo nghe chim hót mà tinh thần khoan khoái, đó là bà dạy bố phải biết hòa với thiên nhiên, phải biết yêu vạn vật. Nhiều khi ta chỉ ham chơi mà không biết cảnh đẹp, niềm vui của vạn vật chung quanh nên tâm hồn ta bị khô cằn, các con ạ.

Một cậu con trai lớn tuổi hơn đã được đi học, bỗng như sực nhớ ra điều gì, liền hỏi bố:

- Dạ, thế ở nhà trường con có được nghe thầy giáo nói là nhiều nhà văn có tình cảm thiên nhiên phong phú, có lẽ cũng hợp với câu nói của bà nội, phải không bố?

Ông Cử lại gật đầu:

- Giỏi lắm! Như vậy là con có hiểu. Con nhớ lấy rồi tìm cách giảng thêm cho các em rõ. Bố cũng thấy lớp trẻ các con không được trau dồi tình cảm thiên nhiên, không biết ngắm nghía cái đẹp của tia nắng mặt trời hay cái vẻ long lanh của giọt sương buổi sớm. Chính nhờ bà nội bày vẽ cho bố, mà bố thấy tâm hồn mình phong phú hơn lên.

Ông lại chuyển sang ý thứ hai:

- Còn chuyện ong bay, các con có biết không? Bà nội các con hiểu sâu lắm đấy. Nhắc chuyện ong bay, là bà nội muốn dạy bố phải nhớ ong là con vật cần cù, chăm chỉ. Ong bay là lúc mùa xuân trời tạnh, muôn hoa nở khắp bốn phương trời, ong lo đi hút nhụy làm mật.

Cả mấy cô cậu con ông Cử hào hứng nghe theo lời giảng giải và như cùng được sống với kỉ niệm của bố. Em nào cũng thấy kính yêu và tự hào hơn về bà nội của mình. Ông Cử Lê dừng câu chuyện ở đó thôi, không kéo dài hơn. Ông để đến những lần sau mới tiếp tục kể. Mỗi lần

kể cho các con biết về bà nội cũng chính là để ông nhớ lại công lao dạy dỗ của mẹ mình.

Những lần sau đó, ông Cử Lê cứ tiếp tục đọc sách và ôn lại những lời mẹ dạy. Dạy ông lúc ông còn bé, và dạy ông cả lúc ông đã lớn. Bà cụ quan tâm đến tất cả mọi chuyện to nhỏ trong cuộc sống hằng ngày của con. Bạn bè con đến chơi, bà tiếp đãi tử tế, nhưng để ý khi trò chuyện, hỏi rất kĩ về quê quán, tính nết. Khi khách đã về rồi, bà mới nói nhận xét của mình với con. Bà khuyên nên giao thiệp thân mật với ai, học hỏi người ta những gì. Đối với những người xấu nết, bà dặn, nếu không giúp họ sửa chữa được thì không nên gắn bó.

Bà theo dõi con hoc tập. Khi con đi thi, mang theo sách vở, bà hỏi:

- Mẹ nghe nói vào thi, trường quy cấm mang sách vở sao con lại gói theo làm gì?

- Thưa mẹ, đây là để ôn bài ở ngoài thôi ạ!

Bà nghiêm nét mặt:

- Thường ngày, con phải học tập cho chu đáo, chứ đã vào thi thì phải thung dung, còn vùi đầu vào ôn tập gì nữa. Có sẵn sách là dễ bị lôi kéo, không tự lực đào sâu, hơi bí là giở sách ra, phạm vào kỉ luật. Nếu con thấy chưa đủ sức thì khoan đã, để khoa sau hãy thi cũng chưa muộn.

Khi ông Cử đã thi đỗ, chưa có công việc gì, mở một lớp dạy trẻ ở nhà để chờ ngày bổ dụng. Tính ông hay xúc động, mỗi lần phật ý, thường hay phạt đòn học sinh, bà lựa lúc vắng người, bảo với con:

- Dạy trẻ phải rất nghiêm, nhưng phải nhẹ nhàng, sao lại dùng roi vọt. Lấy roi để dọa người, có làm cho con người mở mang trí óc gì được đâu!

Chăm lo cho con cái như vậy, bà thu được kết quả rất mĩ mãn: Năm bà 70 tuổi, hai con và cháu đều đỗ cử nhân. Họ hàng xin mở tiệc mừng và chúc thọ. Bà lắc đầu:

- Vay công lĩnh nợ để làm những chuyện khao mừng như vậy thì có ích gì đâu. Con cháu muốn chúc thọ ta, thì cho ta một bài văn thật hay là được.

Bà cụ mẹ ông Cử Lê ấy có tên là cụ Từ Lương. Bà là con gái của ông Đỗ Xuân Cát, một nhà nho nổi tiếng dưới triều Tự Đức, chính quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Xưa kia, các nhà nho có hiếu thường trân trọng sự dạy dỗ của cha mẹ. Lời dạy hằng ngày của mẹ thường được ghi chép lại thành sách để lưu cho con cháu đời sau.

(Còn một đoạn ngắn cuối ghi tên tác giả do quá trình bảo quản bị mất một trang, nội dung ngoài thông tin thêm về ông Cử Lê còn kể về nguyên do đặt tên cuốn sách ghi chép lời dạy của cụ Từ Lương là dựa theo chuyện vua Tự Đức ghi lại lời dạy của bà Từ Dụ thành sách "Từ huấn lục")

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top