Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

4. BÀ MẸ MƯỜNG MUỔI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


4. BÀ MẸ MƯỜNG MUỔI

(Bà mẹ Lò Lẹt)

Nang Xo vốn là một cô gái xinh đẹp thông minh, thuộc dân tộc Xá. Gia đình thành thạo nghề đan lát, nàng thường mang các sản phẩm đến các vùng để đổi lấy hàng hóa, đồ dùng cần thiết. Một ngày, nàng đến nhà chúa Mường Muổi là Tạo Quạ.

Mường Muổi là vùng đất ngày nay thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, vốn là một trung tâm dân cư lớn của dân tộc Thái đen. Từ đời chúa Tạo Thông, đất này đã được bắt đầu xây dựng. Đến đời Tạo Quạ là đã bốn đời, so với vùng xuôi là vào triều đại nhà Trần (thế kỉ XIV).

Tạo Quạ có người vợ là nàng An Phấn ở đất Mường Lay thuộc con dòng cháu giống. Một hôm Nang Xo đưa hàng đến đổi, An Phấn thấy cô gái này là người dân tộc Xá thì có vẻ khinh miệt, bĩu môi nhìn cô, thốt ra một vài lời khinh khỉnh. Không ngờ, Nang Xo tỏ ra có tinh thần tự trọng, nàng đáp lại An Phấn bằng những câu nói châm biếm tài tình, khiến cho bà vợ của Tạo Mường không dám xem thường nàng nữa.

Không chỉ vợ Tạo ngạc nhiên về tài linh lợi của Nang Xo, mà ngay Tạo Quạ cũng cảm thấy mến phục nàng. Một cô gái Xá sắc sảo như vậy thật là hiếm. Đứng bên cạnh, nghe lời đối đáp và ngắm nhìn dung mạo của Nang Xo, Tạo Quạ đâm ra ngây ngất. Ông quyết định lấy nàng làm vợ và cố tìm cách thực hiện ý định này. Thế lực của một chúa Mường dành cho ông nhiều thuận lợi, chẳng bao lâu, nàng Nang Xo đã thành bà vợ hai của Tạo Quạ.

Cuộc hôn nhân thành công, nhưng Nang Xo không được hoàn toàn thỏa mãn. Thấy người vợ mới cưới được chồng yêu quý, An Phấn ghen tức vô cùng. Bà ta kiểm soát chặt chẽ việc nhà cửa, việc buồng the, ngăn trở không cho chồng đến với vợ hai. Chuyện buồn thảm của cảnh đa thê, mà số phận người vợ lẽ bị "tối tối chị giữ mất buồng" thường thấy ở vùng xuôi, cũng diễn ra ở đây, trong gia đình chúa Mường Muổi. Tuy nhiên, Tạo Quạ cũng lén lút tới với Nang Xo được ít lần, và kết quả là sinh ra được một đứa con trai, đặt tên là Lò Lẹt (Tiếng Thái, "Lệt" có nghĩa là dính dấp qua loa).

Sinh được đứa con trai, Nang Xo vô cùng mừng rỡ. Nàng quyết tâm dạy dỗ cho con nên người. Sống ở vùng cao, con người cần phải có sức khỏe, phải biết băng rừng vượt núi, phải quen tiếp xúc với thiên nhiên, đối đầu với thú dữ. Phải thành thạo cung nỏ, phải biết cưỡi ngựa, chống bè. Nang Xo bày vẽ cho con một cách tâm đắc những điều cần thiết ấy. Nàng luôn luôn nhắc nhủ, bắt con phải cố gắng tập luyện. Ở trong nhà, nàng săn sóc con đều đặn, chuyên cần. Khi con ra tập ở nương bãi, đồi núi, nàng tìm người thân tín và thành thạo võ nghệ nhờ kèm cặp cho Lò Lẹt chóng thành tài. Cậu bé Lò Lẹt cũng là một thiếu niên có chí. Cậu biết vâng lời mẹ dạy. Càng lớn khôn, cậu càng tiến bộ. Dân chúng bản mường đều trầm trồ khen ngợi cậu.

Thấy Lò Lẹt trưởng thành, bà vợ cả An Phấn rất không yên tâm. Bà nghĩ rằng đứa bé này có tài, nhất định sau này nó sẽ nối ngôi chúa Mường Muổi. Và như thế địa vị Nang Xo càng cao, bà sẽ không còn gì nữa. Đêm ngày bà tìm cách gièm pha, gây cho Tạo Quạ những mối hoài nghi day dứt, thậm chí Tạo còn ngờ Lò Lẹt chưa chắc đã là con của mình vì chung quanh Nang Xo có biết bao nhiêu người săn đón - kể cả những người không phải là dân tộc Thái. Tạo càng hoài nghi, An Phấn càng xúc xiểm, đến nỗi Tạo đã nghĩ đến việc trừ khử đứa con mình.

Một ngày, Tạo Quạ gọi cậu bé lại:

- Này Lò Lẹt! Con còn bé thế mà leo trèo đã thạo, đã giỏi lắm! Cha muốn có một tổ chim Yểng trên cây cao. Con có tìm được không?

- Cây cao mấy con cũng trèo được. Cha muốn lấy tổ chim ở đâu?

- Ở đầu hang núi Pha Luông. Tại đó có cây đa cổ thụ xum xuê lắm. Chim Yểng làm tổ ở đó là loại chim quý. Con cố kiếm về cho cha một tổ.

Lò Lẹt hăng hái nhận việc cha giao. Cậu bé quay về kể chuyện với mẹ. Nang Xo vừa nghe con nói, vừa ngẫm nghĩ.

- Vô lí! Tạo cần tổ chim Yểng làm gì? Bố lại đánh lừa con hay sao? Núi Pha Luông nổi tiếng là có một cái hang có hai con rắn hổ mang rất lớn đã làm hại nhiều người. Sao Tạo lại sai con lên đó! Muốn cho rắn cắn chết con hay sao? Thôi phải rồi, đây chắc chỉ là mưu mô ác độc của cái bà An Phấn kia thôi!

Nàng chậm rãi bảo Lò Lẹt:

- Núi Pha Luông có rắn hổ mang đấy con ạ. Con không tới đó được đâu.

Lò Lẹt đáp.

- Con sợ gì loài rắn ấy. Cánh tay con đủ sức bóp nát chúng.

Nang Xo nhìn lại cậu con trai. Từ ánh mắt của cậu bé, toát lên cả một niềm tự tin vững chắc. Thân hình cậu bé chưa được lực lưỡng, song cũng rắn chắc, khỏe mạnh. Nàng tin vào nghị lực và khả năng của con. Cũng là để cho nó qua một cơn thử thách, và cũng tạo cơ hội cho chồng mình tỉnh ngộ. Nhưng không thể cho phép con liều lĩnh được.

Nang Xo suy nghĩ một lúc, rồi bảo:

- Mẹ nói thực với con. Cha con không cần tổ chim Yểng đâu. Cha con bị người ta lừa dối, đẩy con vào chỗ nguy hiểm đấy.

Lò Lẹt bình tĩnh:

- Nếu quả thực là như thế nữa, thì con cũng cứ phải đi. Đi để yên lòng cha con là hay lắm chứ. Mẹ vẫn dạy con ăn ở cho phải đạo kia mà.

Nang Xo hài lòng trước thái độ của con trai. Nàng đáp:

- Con đáng khen lắm. Nhưng cũng không nên chủ quan. Mẹ có cách này để giúp cho con được an toàn. Con chờ mẹ một chút.

Nang Xo quay vào buồng ôm ra một bó bông, vải. Nàng kéo con ngồi lại, bắt cúi xuống, đặt lên đầu Lò Lẹt một đống bông che kín trán và phủ xuống tận mang tai, đoạn lấy chỉ quấn chặt. Làm xong công việc ấy, nàng cười bảo Lò Lẹt:

- Như thế này, thì nếu con rắn hổ mang có ngoạc to miệng, ngậm được cả đầu con thì đống bông cũng sẽ bịt cả họng và dắt chặt vào răng nó. Con sẽ an toàn vô sự. Hai bàn tay con phải xoa sẵn thuốc. Mang theo gươm tự vệ và dây trói. Trị được hố mang, con lôi chúng về nhà chứ đừng giết chúng trong hang.

Sự việc đã diễn ra đúng như Nang Xo tính liệu. Chưa quá nửa ngày, Lò Lẹt đã chiến thắng quay về. Hai tay cậu bé kéo hai con rắn hổ mang to lớn miệng nhét đầy bông, cổ bị dây thít chặt. Người trong bản lè lưỡi kinh ngạc vì sức khỏe của cậu con chúa Mường. Kéo được hai con rắn ấy từ chân núi Pha Luông về đến nhà, phải là người có thần lực. Họ cúi rạp đầu chào Lò Lẹt rồi hoan hô ầm ĩ. Tạo Quạ từ trong nhà bước ra, run sợ trước chiến công của con. Lò Lẹt vẫn thản nhiên, buông đầu dây cho hai con rắn nằm bẹp dưới sân nhà sàn, cười nói với bố:

- Thưa cha, đây là chim Yểng của cha sai bắt đấy!

Tạo Quạ chưa kịp trả lời thì nghe huỵch một cái. Mọi người nhìn ra phía đầu nhà. Bà vợ cả của Tạo nhoài người qua cửa sổ, nhìn thấy đôi rắn và phong thái cứng cỏi hiên ngang của chàng trai thì hoảng hốt, trật ngã từ trên sàn xuống dưới sân, nằm chết giấc và không bao giờ tỉnh lại nữa.

Chiến công của Lò Lẹt khiến cho Tạo Quạ tỉnh ngộ. Ông phục tài con, bỏ lòng nghi kị. Bà An Phấn đã chết, không còn người xúc xiểm bịa đặt nữa. Tạo Quạ tin chắc Lò Lẹt chính là dòng máu của mình và chắc chắn Lò Lẹt sẽ trở thành một chúa Mường xứng đáng. Ông cho chàng trai đi theo giúp mình trong mọi công việc, nhất là trong các trận chiến đấu với những thế lực thù địch ở ngoài. Lò Lẹt ngày càng được cha tin tưởng. Anh được lấy cái tên hiệu là Ngù Háu nghĩa là rắn hổ mang. (Sử sách của người Kinh có chép cái tên Ngưu Hống, chính là phiên âm chữ Ngù Háu).

Nang Xo cũng rất vui. Từ nay, nàng hoàn toàn có điều kiện bồi dưỡng cho đứa con yêu quý của mình. Muốn cho con thực sự trở thành một chúa Mường anh minh, Nang Xo nghĩ ra nhiều sáng kiến. Nhất là từ ngày Tạo Quạ lâm bệnh qua đời, truyền ngôi lại cho con, Nang Xo càng lo lắng giúp Lò Lẹt cai trị bản mường. Nàng nói với con:

- Muốn cho dân yên, mường vững, phải làm sao cho đời sống của dân được vui, đỡ được phần thiếu thốn. Dân Thái ta ở Mường Muổi ăn ở còn sơ sài, thô lậu lắm. Họ không biết cách làm sao cho việc sinh hoạt được thuận lợi hơn. Vì thế mà cứ nghèo, cứ khổ.

Lò Lẹt hỏi lại:

- Vậy theo như ý mẹ thì làm cách thế nào cho đời sống khấm khá lên được?

- Trước nhất, từng gia đình dân chúng phải tự cải thiện lấy, tìm cách làm ra của cải. Phải sửa sang ngôi nhà cho ấm cúng, phải có nghề trong nhà phòng khi động rừng không làm lụng săn bắt được. Ngay cả những việc ăn, mặc, ở dân ta đều ngơ ngác, lộn xộn, vừa túng thiếu lại vừa lạc hậu. Chúa giỏi là phải quan tâm đến dân, bày vẽ cho dân biết, dân làm.

Lò Lẹt cười:

- Điều ấy con cũng thấy là cần. Nhưng con không biết làm gì cả? Mẹ bảo ban cho con thật cụ thể xem nào.

Nang Xo không chỉ bảo ban, mà nàng còn tự làm gương tốt. Nàng đến từng nhà người dân, bày cho họ biết cách ăn mặc, nấu nướng. Nàng sai họ đánh gianh để lợp nhà. Nàng ngồi hàng buổi với các cô gái Thái hướng dẫn cho họ đan những cái giỏ tre, làm đồ đựng các thứ rau quả. Những gia đình có điều kiện hơn. Nang Xo đã tập cho họ dệt vải, vì bản thân nàng rất thành thạo nghề này. Dân chúng Mường Muổi rất kính phục, biết ơn Nang Xo. Ngày nay, dân Thái mỗi lần cúng tổ tiên thường đặt thêm mâm cỗ riêng, đó là mâm cỗ cúng Nang Xo - mẹ Lò Lẹt. Bà mẹ Tạo Mường, đồng thời là mẹ của cả dân chúng trong vùng, được dân chúng tôn thờ như các thần tổ ngành nghề ở dưới vùng xuôi vậy.

Nang Xo còn có công lao to lớn đối với dân Thái nữa. Một ngày, nàng bảo Lò Lẹt:

- Con làm Tạo, coi sóc bản mường, đã làm được nhiều việc lắm. Dân chúng đã an cư. Những cuộc loạn lạc con cũng dẹp yên được cả. Mường Muổi ta đã thịnh vượng. Con thấy có còn phải làm gì nữa không?

- Con định mở mang thêm thế lực. Con muốn các Tạo ở những vùng quanh Mường Muổi này đều phải cống nạp cho mình. Mẹ bảo có nên không?

Nang Xo lắc đầu:

- Chưa cần thiết con ạ! Bản mường phải được yên ổn. Đánh nhau là bất đắc dĩ thôi. Dân họ đã được làm ăn, đã biết nghề nghiệp, nhưng phải làm cho họ giỏi thêm nữa chứ. Phải giỏi thì mới hiểu biết, mới vâng lời chúa Mường và mới nghĩ thêm được nhiều việc làm có ích hơn.

- Làm sao cho họ giỏi được?

- Phải cho họ học hành. Phải dạy chữ cho họ.

Lò Lẹt nói:

- Dạy chữ hả mẹ? Người dân có thể học để biết chữ như chúng ta à?

- Nếu dạy cho họ thì họ biết được chứ. Chưa dạy được nhiều thì dạy cho một số người trước đã. Có người biết chữ, giúp cho chúa Mường được nhiều lắm. Trước đây, Phạ Ngừm đã sang bên kia xin được chữ về. Lâu nay, việc truyền bá chữ còn ít lắm. Mẹ cho rằng, con cũng có thể bắt chước gương sáng của Phạ Ngừm.

Vâng theo lời mẹ, Lò Lẹt chăm chỉ dạy chữ cho dân. Ông tìm được nhiều thủ hạ thân tín, chấp hành lệnh của mình gây được lòng ham muốn học tập trong một số dân Thái. Vì vậy, dân Thái truyền tụng Lò Lẹt là ông chúa tài giỏi, biết đặt chữ để dạy dân, mặc dầu ông không phải là người phát minh ra chữ. Dân chúng ai cũng khen ngợi và phục tùng ông.

Bà Nang Xo còn lo liệu cho con mình công việc gia đình chu đáo. Bà thấy Mường Lay ở bên cạnh, chúa Lổm Lạnh Lẹt Ma cũng là người giỏi, coi sóc gia đình, bản mường có nền nếp. Bà tìm cách giao thiệp, hỏi nàng Pù Cằm, con gái Lổm Lạnh về làm vợ Lò Lẹt. Nàng Pù Cằm khỏe mạnh, xinh đẹp đã sinh ra nhiều con. Nang Xo có rất nhiều cháu nội. Bà cũng ra sức dạy dỗ những đứa cháu này. Sử Thái cũng chép: "Con cháu Lò Lẹt dần dần cao bằng khiên, lớn theo bản Mường". Những người con này đều theo chúa Ngù Háu trong các trận mạc, lập được nhiều chiến công. Họ đều biết ơn bà nội.

Chúa Ngù Háu - tức Lò Lẹt đã dựng nên một bản Mường thịnh vượng. Công lao ấy có phần đóng góp chủ yếu của bà mẹ sinh ra chúa là Nang Xo. Lúc về già, Nang Xo sống ung dung ở nơi có con cháu quây quần, có xóm làng tụ hội, một lòng, một dạ kính yêu bà.

ĐỖ MINH TÂM

(Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)


- Dân tộc Xá là ghi theo tài liệu trước đây. Ngày nay tên tộc danh chính thức gọi là Khơ Mú.

- Những chi tiết trong bài này phần lớn khai thác theo lời Cửu Trọng trong sách Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái (NXBKHXH. H. 1977).

- Sử Thái chép: Khoảng đầu thế kỉ XIV chúa Phạ Ngừm sang Thái Lan học tập chữ Lào, và đưa về phổ biến cho dân Thái.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top