Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

6. CON XIN GẮNG LÀM VỢI NỖI ĐAU CỦA MẸ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


6. CON XIN GẮNG LÀM VỢI NỖI ĐAU CỦA MẸ

(Bà mẹ Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Nguyễn Bỉnh Khiêm quỳ lặng trước nấm mồ của bà mẹ thân yêu. Bó hương cháy đã tàn, trời đã về chiều. Nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn chưa rời chân được. Ông trầm tư chua xót, suy nghĩ miên man, không nghĩ gì đến việc có gặp trở ngại gì không nếu không kịp sang đò trước khi trời tối.

Vùng này, chính là quê ngoại của ông. Làng quê có tên là Yên Tử Hạ, đất Tiên Minh (nay thuộc huyện Tiên Lãng, ngoại thành Hải Phòng). Mẹ ông sinh trưởng ở làng này, là con cụ nghè Nhữ Văn Lan, tiến sĩ khoa Quý Mùi đời Quang Thuận (1463). Bà có tên là Nhữ Thị Thục. Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng tài sắc trong vùng. Đặc biệt là bà có trình độ học vấn cao sâu và có tính tình khác người. Cụ nghè Nhữ Văn Lan có nhiều bạn hữu và học trò, ai cũng chăm thơ phú. Sống trong không khí ấy, Nhữ Thị Thục cũng quen với bút nghiên, sách vở, nhưng chỉ chú trọng đến phần nghĩa lí sâu xa chứ không để ý đến chuyện văn chương ngâm vịnh. Nghe các cụ bàn bạc về triết lí của các bậc thánh hiền, thảo luận với nhau những kinh nghiệm trong lịch sử các triều đại, Nhữ Thị Thục cảm thấy say mê hơn là khi thấy các cậu đồ rung đùi đắc ý vì một câu thơ hay, một hình ảnh đẹp. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân chính, mà Nhữ Thị Thục dù đã đến tuổi lập gia đình, có nhiều mối lái, vẫn cứ thờ ở với chuyện chồng con. Ngay cả những ngày theo cha lên kinh đô Thăng Long - cụ Nhữ Văn Lan có thời gian làm quan tại triều - gặp gỡ không biết bao nhiêu kẻ tài hoa phong nhã mà Nhữ Thị Thục vẫn không để ý đến ai cả. Không một chàng trai tuấn tú nào đỗ đạt hay một quan văn, tướng võ nào xuất sắc lại lọt được vào con mắt xanh của cô gái làng Tiên Minh này cả. Và cũng không phải riêng ở vùng đất Thăng Long, Nhữ Thị Thục không kiếm được người như ý. Nàng cũng đã có dịp đi chơi đây đó với cha, anh, thăm các thắng cảnh, các vùng đất văn vật xa gần, cũng đã rộng đường giao thiệp. Giao thiệp với mọi tầng lớp, nàng không hề e ngại, nhưng hỏi đến chuyện tìm người kết tình duyên lứa, nàng chỉ lắc đầu.

Ấy vậy mà cuối cùng Nhữ Thị Thục lại chọn một chàng đồ nho nhà quê làm bạn trăm năm. Thầy đồ có tên là Nguyễn Văn Định, ở làng Trung Am, đất Vĩnh Lại, cách Tiên Minh chỉ một con đò ngang - hạ lưu sông Thái Bình cùng thuộc miền đất Hải Dương - Chàng trai là một thư sinh nghèo, cần cù chăm chỉ, gắng công học tập và biết giữ gìn tư cách gương mẫu của một nhà nho.

Tại sao Nhữ Thị Thục lại chọn Nguyễn Văn Định để kết duyên? Cuộc hôn nhân gần như bất ngờ đối với tất cả mọi người quen biết. Nghe nói, chính cô Thục chủ động trong việc này, và đòi bố mẹ hai bên cùng chấp thuận. Theo những lời đồn đại về sau thì sự chủ động của Nhữ Thị Thục là do bản thân sự xét đoán của nàng. Người ta kể rằng, Nhữ Thị Thục vốn tinh thông thuật số, biết xem người, đoán tướng. Nàng đã thấy ở Nguyễn Văn Định, tuy không phải là một nhân vật kiệt xuất, tài hoa gì, nhưng lại có cái tướng của người sẽ sinh quý tử. Quý tử, theo quan niệm của Nhữ Thị Thục phải là người có tài năng đặc biệt, phải đứng đầu thiên hạ, có vị trí danh dự hoặc có quyền lực như một bậc đế vương. Con người muốn xứng đáng phải là con người như thế. Ta đã không gặp - Nhữ Thị Thục tự nghĩ - một con người như thế để lấy làm chồng, thì cũng phải sinh được một đứa con sau này có được vinh dự và tài năng kiệt xuất. Xem tướng mạo, tính thuật số, nàng thấy anh thư sinh Nguyễn Văn Định có thể thỏa mãn được ước vọng này. Nghĩ như vậy, nên Nhữ Thị Thục chẳng bao lâu đã trở thành cô dâu họ Nguyễn ở làng Trung Am. Và kết quả cuộc hôn nhân đã cho ra đời cậu bé Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ấy là vào năm 1491.

Nhưng điều bất hạnh không ai ngờ được, là dù có cậu con trai đĩnh ngộ, hai ông bà Nguyễn Văn Định và Nhữ Thị Thục lại không chung sống được với nhau cho đến khi xế bóng, mãn chiều. Sự chia cắt này, cũng chính do bà chủ động, ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm chưa đến tuổi trưởng thành. Cậu bé luôn luôn ôm một nỗi buồn của đứa con vắng mẹ. Bà Thục đã dứt khoát trở về ở với cha, thỉnh thoảng gọi cậu Khiêm sang chơi với ông ngoại, chứ bà không chịu ở với chồng. Nguyên nhân chính, mãi sau này cậu Khiêm mới biết, chỉ là vì hai vợ chồng không nhất trí được với nhau về phương hướng dạy con.

Ông Văn Định là một nhà nho hiền lành, khuôn phép. Ông chăm lo đèn sách và cũng chỉ mong cho con mình sau này nối được nghiệp nhà, nghĩa là cũng thông nghĩa lí, đọc được sách vở của thánh hiền, và may ra đỗ đạt được bổ làm quan thì sẽ thành một người bề tôi đắc lực của nhà vua. Ông yên phận với cương thường đạo nghĩa, tôn trọng trật tự phong kiến như bao nhiêu kẻ sĩ trong đời. Thực ra thì đây cũng là lí tưởng phấn đấu chung của các nhà nho đúng mực. Hãy còn biết bao nhiêu kẻ đi học chỉ để cầu danh, cầu lợi. Họ học để mong thi đỗ. Thi đỗ sẽ được làm quan. Và có biết bao nhiêu kẻ làm quan chỉ cốt để đè đầu cỡi cổ nhân dân, lí tưởng của họ chỉ cốt được vinh thân phì gia chứ không vì trăm họ. Có ý chí, có nguyện vọng bình thường mà trong sáng như ông Nguyễn Văn Định cũng là đáng quý lắm rồi.

Nhưng bà Nhữ Thị Thục lại nghĩ khác. Đã là con người có chí hướng, có tài năng, mà chỉ bằng lòng với cái mục đích cạn hẹp là ra làm quan thôi ư? Làm quan tức là làm kẻ bầy tôi, đem sức lực của mình để phục vụ, để tuân theo ý muốn của một người khác. Cõi học bao la như vậy, biết bao nhiêu điều cần phải tìm tòi, phải khám phá, phải đi tới những phương trời rộng rãi, nắm được những diễn biến trước mắt mà cũng có thể nhận thức được những lẽ huyền vi. Có thế mới là học chứ. Sao lại chỉ hạn chế cái học ở một mức độ cạn hẹp, học để đỗ đạt, để ra làm quan là đủ? Bà Thục hiểu biết nhiều kinh sử. Bà luôn luôn ngẫm nghĩ về tấm gương của các nhân vật lịch sử, các danh nhân văn hóa. Bà khâm phục những con người làm nên sự nghiệp, lưu danh ngàn đời sau hơn là những người chỉ có thành tích trong một thời gian nhất định.

Chính vì quan niệm khác nhau như vậy, mà bà rất không đồng ý với chồng về cách rèn cặp, dạy dỗ cậu bé Khiêm. Ông Định cho cậu bé học thuộc lòng những trang sách luân lí, giảng cho cậu nghe những điều thiết thực về bổn phận tôi con, về cách ứng xử thông thường với đồng loại. Song cũng những bài học ấy, bà Thục lại giảng cho con nghe theo cách khác, phóng khoáng mà sâu sắc hơn, thường là đối lập với ý kiến của chồng. Bà có cách suy nghĩ táo bạo, mới mẻ, hoàn toàn đi ra ngoài phép tắc làm cho ông rất ngại. Những người trong gia đình hay trong số bạn hữu cũng phải công nhận: quả tình là bà Thục có cách suy nghĩ rất riêng tư, nhiều khi rõ ràng là phạm thượng. Do đó, mà có nhiều chuyện đồn đại về những cuộc cãi nhau giữa hai vợ chồng bà. Người ta kể rằng ông Văn Định cho con ngắm trăng, suy nghĩ về trăng. Nguyễn Bỉnh Khiêm được cha gợi ý, dù còn ít tuổi, cũng viết được những câu đầy xúc cảm. Văn Định lấy làm đắc ý về khoe với vợ. Nhưng bà Thục lại trách ông: "Sao lại cho con hướng theo mặt trăng là vật tượng trưng cho bề tôi. Như vậy là kém, là cái tướng làm tôi chứ không phải làm chủ, v.v..." Một lần khác, nghe đâu bà Thục dạy cho cậu Khiêm hát những câu ai nghe cũng phải hoảng hồn, sợ bị quan lại, sai nha bắt tội. Bà dám ngang nhiên cho cậu bé lặp đi lặp lại: "Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn, con tựa ngai vàng"! Hát như vậy thì còn coi vua chúa triều đình hiện tại ra cái gì? Văn Định vội vàng bảo con hát lại: "Ngày sau con lớn, con vịn ngai vàng!" Sửa lại như vậy thật là khéo léo. Nhưng bà Thục rất lấy làm khó chịu, "Vịn ngai vàng", quá lắm là làm viên quan cận thần chứ có vinh dự gì đâu! Sao lại chỉ muốn cho con làm tôi chứ không làm chủ v.v... Những câu chuyện như thế có khá nhiều, dồn chứa dần dần để đi tới kết cục là ông bà đành phải chia tay nhau.

Bà Thục thấy rằng: vợ chồng sống chung với nhau mà có quan niệm khác biệt nhau, chí hướng mâu thuẫn nhau nếu để kéo dài thì càng đau khổ. Nhưng bỏ con mà đi, mẹ nỡ lòng nào? Và rồi đây, vắng bà, một cậu bé thông minh như vậy được người cha như thế dạy dỗ, liệu có trở nên con người xuất chúng hay không? Cứ nghĩ đến hình ảnh một anh đồ nho ngơ ngác, chỉ loay hoay với những kiến thức hư văn, hoặc với một nỗi tự thủ an phận thủ thường, bà đã không chịu được. Bỏ chồng ra đi mà để mặc cho con sau này thành một anh "tú tài bất tri thiên hạ sự", thì thật là tội lỗi. Suy đi tính lại, bà tìm một cơ hội thuận lợi, bàn với ông Văn Định nên gửi con đến học nhà cụ Lương Đắc Bằng. Cụ Lương đỗ bảng nhãn, có uy tín lớn trong cả nước. Ai được học cụ là điều vinh dự. Nguyễn Bỉnh Khiêm là cháu ngoại cụ nghè Nhữ Văn Lan nên dễ dàng được chấp nhận. Ông Văn Định thấy thế rất hài lòng và rất tự hào, hi vọng rằng được theo học cụ Bảng, con mình chắc chắn là thành đạt. Nhưng ông không hiểu thâm ý của bà Thục có phải là như thế đâu. Bà Thục giỏi về thuật số, thường suy nghĩ về lẽ huyền vi. Bà tin rằng đi sâu vào môn học này sẽ có thể trở nên bậc tiên tri, tiên giác, làm thầy cho nhiều thế hệ. Cả nước Nam lúc ấy, chỉ có Lương Đắc Bằng là có tri thức uyên thâm về vấn đề này. Nguyễn Bỉnh Khiêm đến học, chắc chắn không phải chỉ được cụ Lương kèm cặp về văn chương mà còn có thể được truyền cho những điều sâu kín khác.

Và quả thực, bà Thục đã không lầm. Sau này Nguyễn Bỉnh Khiêm nổi tiếng thành một ông trạng - trạng trong triều đình và trạng trong dân gian, phần chính là nhờ những ngày học tập với cụ Lương.

Cung kính vái thêm mấy vái. Nguyễn Bỉnh Khiêm tưới thêm lên mồ mẹ một chén rượu rồi hóa vàng. Ông phải về nhà trước khi trời tối hẳn. Lòng ông ngổn ngang ảo não, lẫn lộn cả những phấn chấn rạt rào. Ông buồn vì cảnh chia li của gia đình: bố mẹ ông đã không trọn niềm hạnh phúc. Nhưng ông cũng không trách mẹ. Ông cảm thấy mẹ đã cư xử một cách kiên quyết, tự do, thật hiếm thấy trong giới nữ. Xử sự như vậy chính là vì quyền lợi của ông. Ngày ấy, ông trở thành một bậc thầy cho cả nước. Tất cả các phe phái gầm ghè, xung đột nhau, thôn tính nhau nhưng phe nào cũng thừa nhận ông cả về tri thức lẫn đức độ. Nếu không có cái táo bạo, cái phóng khoáng của mẹ thì không bao giờ Nguyễn Bỉnh Khiêm giành được những vinh quang như thế. Ông vừa bước đi vừa lẩm nhẩm.

- Mẹ đã kì vọng cho con, mẹ lại chịu một nỗi đau riêng, tình cảm tổn thương, thế gian dị nghị. Mẹ chịu tất cả để cho con đạt được thành công không chỉ đời này mà còn vạn kiếp sau. Con đang học theo con đường mẹ vạch cho và xin cố gắng làm vợi nỗi đau của mẹ.

LÊ THỊ THANH HÒA

(UBKH xã hội Việt Nam)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top