Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

III5. Ánh trăng - Nguyễn Duy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I.NHỚ

1.Chép thơ

"Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình."

2.Tác giả
3.Tác phẩm

II.HIỂU

1.Giải nghĩa từ:

a, Từ “tri kỉ” trong “vầng trăng thành tri kỉ”: “tri” là biết, “kỉ” là mình, “tri kỉ” nghĩa là người bạn thân thiết, hiểu bạn như hiểu mình.

b, Từ “buyn-đinh”: phiên âm tiếng anh, từ chỉ tòa nhà cao, nhiều tầng, hiện đại.

c, Từ “mặt” trong “ngửa mặt lên nhìn mặt”: từ “mặt” là một từ đa nghĩa, “mặt” trong “ngửa mặt” là bộ phận trên cơ thể con người, ý chỉ mặt nhân vật trữ tình. Còn “mặt” trong “nhìn mặt” chỉ vầng trăng, người bạn quá khứ bị nhân vật trữ tình lãng quên.

2.Từ “mặt” nào trong “ngửa mặt lên nhìn mặt” chuyển nghĩa, từ nào không? Chuyển theo phương thức nào?

Từ “mặt” trong “ngửa mặt” không chuyển nghĩa. Từ “mặt” trong “nhìn mặt” chuyển theo phương thức ẩn dụ.
3.Ý nghĩa nhan đề

Nhà thơ Nguyễn Du đặt tên cho bài thơ của mình là “Ánh trăng”. Bởi trăng vốn là hình ảnh thiên nhiên đựng chứa thứ ánh sáng tươi mát có khả năng len lỏi vào những nơi tối tăm nhất để chiếu sáng vạn vật. Trong bài thơ, trăng là hình ảnh tượng trưng cho người bạn tri kỉ ân nghĩa của nhân vật trữ tình. Đặt tên “Ánh trăng” phải chăng Nguyễn Duy muốn nhắn nhủ chúng ta: có một thứ ánh sáng có khả năng len lỏi tới nơi khuất lấp nhất trong tâm hồn con người, nhắc người đừng quên quá khứ, sống ân nghĩa thủy chung? Tên bài thơ đã làm rõ chủ đề tác phẩm.

4. Ý nghĩa “vầng trăng” trong bài thơ

Từ vầng trăng hiện tại, nhân vật trữ tình nhớ về vầng trăng quá khứ gắn với tuổi thơ đẹp đẽ và những năm tháng chiến tranh để rồi từ đó suy ngẫm về vầng trăng hiện tại. Cuối cùng tự nhắn nhủ mình về lối sống ân nghĩa thủy chung.

6.Tìm hình ảnh trăng trong chương trình Ngữ Văn 9

“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.”

III.XÂY DỰNG ĐOẠN TỔNG HỢP

1.Phân tích hai khổ đầu để thấy được mối quan hệ của con người với vầng trăng trong quá khứ.

a, Phân tích đề:

ND:
HT:

Bài làm:

Mối quan hệ gắn bó giữa vầng trăng với con người trong quá khứ đã được nhà thơ Nguyễn Duy khắc họa thật rõ nét quá “Ánh trăng”. Mở thơ, tác giả đã gợi lại những kỉ niệm đẹp đẽ, tình cảm giữa trăng và người ngay từ khi từ khi người còn là một đứa trẻ: “Hồi nhỏ sống với đồng / với sông rồi với bể”. Giọng thơ thủ thỉ, tâm tình gợi nhớ bao năm tháng đẹp đẽ xưa. Hồi ức của nhân vật trữ tình còn được tái hiện bằng những từ ngữ “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng”. Nghệ thuật liệt kê và điệp ngữ như đưa nhân vật trữ tình về với kí ức tuổi thơ cũng như khiến người đọc liên tưởng đến những buổi chăn trâu cắt cỏ, tắm sông hay vi vu trên những cánh đồng đầy nắng gió. Có thể nói, thiên nhiên đã tắm mát tuổi thơ nhân vật trữ tình. Nhịp thơ nhanh, linh hoạt khiến người đọc cảm nhận được niềm hạnh phúc dạt dào hồi thơ ấu khi được sống trong không gian rộng lớn của thiên nhiên. Và cả khi lớn lên, khi “chiến tranh” “ở rừng”, khi bom đạn ác liệt, nhân vật trữ tình vẫn gắn bó thiết tha với thiên nhiên, lúc ấy cũng là lúc vầng trăng thực sự trở thành “tri kỉ” của con người, chia sẻ gian lao đời lính: “hồi chiến tranh ở rừng / vầng trăng thành tri kỉ”. Hình ảnh nhân hóa “vầng trăng thành tri kỉ” đã khiến ta cảm nhận được tình cảm sâu nặng, bền chặt giữa trăng với người, trăng đồng cam động khổ, dùng ánh sáng của mình để xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Những năm tháng ấy chính là những năm tháng người sống thật nhất với lòng mình, thoải mái vô tư: “Trần trụi với thiên nhiên / hồn nhiên như cây cỏ”, năm tháng người trân trọng. Rồi nhịp thơ chậm lại sâu lắng: “ngỡ không bao giờ quên / cái vầng trăng tình nghĩa”. “Vầng trăng” đây đã được nhân hóa thành người bạn tri kỉ, gắn bó tha thiết với người khiến người từng thề thốt, hứa lòng sẽ không bao giờ quên trăng. Chỉ bằng hai khổ thơ ngắn, Nguyễn Duy đã làm sống lại quá khứ tốt đẹp của nhân vật trữ tình với vầng trăng một cách đầy cảm động.

2. Cảm nhận hai khổ, ba, bốn “Ánh trăng”

a, Phân tích đề:

ND:
HT:

Bài làm:

Những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật trữ tình đã được Nguyễn Duy tái hiện qua khổ ba, bốn trong “Ánh trăng”. Mở đầu khổ ba, nhà thơ đưa người đọc trở về với hiện tại, với những thay đổi trong mối quan hệ giữa con người với vầng trăng: “Từ hồi về thành phố / quen ánh điện cửa gương / vầng trăng đi qua ngõ / như người dưng qua đường”. “Về thành phố”, về với cuộc sống hòa bình, không còn chiến tranh bom đạn, ngoại cảnh bên ngoài nhân vật trữ tình đã đổi thay. Hình ảnh hoán dụ “ánh điện cửa gương” tượng trưng cho cuộc sống hiện đại, tiện nghi, đầy đủ. Từ không gian rộng lớn “đồng”, “sông”, “bể”, “rừng”, nhân vật trữ tình về với căn phòng khép kín bé hẹp. Và trong không gian ấy, nhân vật trữ tình đã có sự đổi thay trong tình cảm. Cụm từ “vầng trăng đi qua ngõ” đã nói lên tình cảm trăng với người, trăng vẫn nhớ đến người, vẫn không quên người. Buồn thay, người đã vội quên trăng, quên đi người bạn đã từng là “tri kỉ”. Người coi trăng như “người dưng”, người không máu mủ ruột rà, người xa lạ không quen biết, cho nên có mặt trong cuộc sống mình hay không, cũng không quan trọng. Buồn thay, cái người dưng ấy là người bạn “tri kỉ”, tình nghĩa mà nhân vật trữ tình đã từng thề thốt với lòng mình sẽ không bao giờ quên. Người vì hoàn cảnh hay vì tâm tính đổi thay? Chỉ đến khi “Thình lình đèn điện tắt / phòng buyn-đinh tối om”, chỉ đến khi hoàn cảnh thay đổi, không gian tiện nghi với ánh điện sáng hơn ánh trăng xưa giờ chợt tối tăm chật hẹp, tù túng. Khi ấy con người mới vội tìm đến thứ ánh sáng dịu hiền vĩnh hằng như một bản năng vốn có: “vội bật tung cửa sổ / đột ngột vầng trăng tròn”. Đảo ngữ “thình lình”, “đột ngột” đã diễn tả cảm xúc thản thốt đầy bất ngờ của nhân vật trữ tình khi thấy vầng trăng vẫn trong đầy tỏa sáng, vẫn đồng hành bên cạnh ngoài mong đợi của con người. Chính bước ngoặt đầy bất ngờ, hội ngộ trong nghịch cảnh ấy đã có sức rung động mạnh mẽ đã làm thức tỉnh những cảm xúc đẹp,  thức tỉnh lương tâm con người, để con người trở về lối sống tốt đẹp trước kia – sống nghĩa thủy chung.

3. a, Chép thơ hai khổ cuối “Ánh trăng”.
b, Phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ năm.
c, Từ “giật mình” kết thúc bài thơ, em hiểu như thế nào?
d, Cảm nhận hai khổ cuối.

Bài làm:

a, Chép thơ:

“Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.”

c, Kết thúc bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết: “đủ cho ta giật mình”. “Giật mình” là trạng thái lo sợ hốt hoảng của nhân vật trữ tình khi đối diện với vầng trăng, đối diện với cái nhìn “im phăng phắc” vừa khoan dung vừa nghiêm khắc của vầng trăng, của người bạn quá khứ. Trong cái giật mình ấy có sự thức tỉnh của lương tâm con người khi nhận ra lỗi lầm, sự bạc bẽo vô tình của mình, “giật mình” tỉnh ngộ để từ đó quay về lối sống tốt đẹp, ân nghĩa thủy chung xưa.

d, Cảm nhận

Phân tích đề:

ND: Những suy tư day dứt và cảm xúc mãnh liệt của nhân vật trữ tình.

Bài làm:

Những suy tư day dứt và cảm xúc mãnh liệt của nhân vật trữ tình đã được Nguyễn Duy khắc họa thật chân thực qua hai khổ cuối "Ánh trăng". Trước hết, tác giả đã đưa nhân vật trữ tình trở lại với tình huống bất ngờ khi nhân vật trữ tình đối diện với vầng trăng. Từ "mặt" trong "nhìn mặt" ở câu thơ đầu khổ năm "Ngửa mặt lên nhìn mặt" là ẩn dụ cho mặt vầng trăng, mặt người bạn tri kỉ của nhân vật trữ tình. Bên khung cửa sổ ấy đã diễn ra cuộc trò chuyện không lời giưa hai người bạn: trăng với người. Trăng nhìn người, người nhìn trăng, và đó cũng chính là lúc qúa khứ đối diện với hiện tại, thủy chung đối diện với bạc bẽo vô tình. Trong hoàn cảnh ấy con người bỗng xúc động trực trào: "có cái gì rưng rưng". Có lẽ "rưng rưng" vì hổ thẹn với người bạn tri kỉ tình nghĩa, hổ thẹn với lòng mình, với lời thề xưa, cũng có lẽ vì người ân hận, người thấy mình bội bạc quá. Rồi quá khứ cứ thế ùa về khiến nhân vật nghẹn ngào: "như là đồng là bể / như là sông là rừng". Thấy trăng "rưng rưng" như thấy "đồng", "sông", "bể", "rừng", bởi trăng gắn liền với thiên nhiên tươi mát trong kí ức nhân vật trữ tình từng sống "hồi nhỏ", và trăng vẫn thế, vẫn vẹn nguyên như trong kí ức người. Vẹn nguyên tròn đầy làm người bật thốt trong xúc động, xót xa,ân hận: "Trăng cứ tròn vành vạnh / kể chỉ người vô tình". Cụm từ "tròn vạnh vạnh" đối lập với "vô tình" đã nói lên sự thủy chung, trong đầy tình nghĩa không bao giờ thay đổi của quá khứ, của người bạn tri kỉ mặc cho con người vô tình hay cố ý quên đi. Hình ảnh nhân hóa "ánh trăng" kết hợp với từ láy "phăng phắc" trong câu thơ "ánh trăng im phăng phắc" đã gợi ta liên tưởng đến cái nhìn vừa nghiêm khắc vừa bao dung của người bạn tri kỉ như lặng nhắc người đừng sống phũ bạc, đừng quên quá khứ. Phải chăng chính tình cảm ấy đã khiến người "giật mình" thức tỉnh. Bài thơ kết thúc bằng câu thơ "đủ cho ta giật mình", một câu thơ hay đáng suy ngẫm và có tình triết lý cao. "Đủ" là chỉ thế thôi, không cần hơn; "cho ta" là cho tất cả những ai như nhân vật trữ tình, vì cuộc sống sô bồ, vì mưa sinh mà trót quên quá khứ; còn "giật mình" có lẽ là trạng thái thản thốt, ân hận khi chợt nhận ra mình bạc bẽo, vô tình, cái "giật mình" của sự thức tỉnh lương tâm, để nhận ra lỗi lầm, để quay về với lối sống ân nghĩa xưa. Cái "giật mình" cuối bài rất lặng lẽ, rất âm thầm, không cất lên thành lời nhưng nó dồn nén bao tâm trạng và có sức ám ảnh lớn tới người đọc. Bởi con người ta ai mà chẳng có lúc bị những khoảng tối làm ù tai, mờ mắt, ai mà chẳng có lúc lầm đường mà không hay. Thế nên cái "giật mình" đêt tỉnh ngộ, để quay về với những điều tốt đẹp, không chỉ cần cho nhân vật trữ tình, mà còn cần cho mọi người, mọi thời, trong đó có chúng ta cùng với lời nhắc về đạo lý sống uống nước nhớ nguồn, ân nghĩa thủy chung. Đó cũng chính là lời tâm niệm chân thành mà tác giả muốn gửi gắm đến người đọc.

V. NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

1. Từ lời nhắc nhở của Nguyễn Duy về lòng ân nghĩa thủy chung qua "Ánh trăng". Trình bày suy nghĩ của em về lòng biết ơn của thế hệ trẻ ngày nay.

Bài làm

Từ lời nhắc nhở của Nguyễn Duy về lòng ân nghĩa thủy chung qua bài thơ "Ánh trăng", người đọc không khỏi suy ngẫm về lòng biết ơn, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta bao đời nay. Vậy lòng biết ơn là gì? Lòng biết ơn là tình cảm ghi nhớ, ghi nhận những điều tốt đẹp mà người khác đã làm cho mình. Vì sao con người cần phải có lòng biết ơn? Bởi trong tự nhiên và xã hội, không có sự vật nào là không có nguồn gốc, không có thành quả nào không do sức lao động tạo nên. Ví như sách chúng ta đọc, cơm chúng ta ăn, tất cả những vận dụng hàng ngày mắt thấy tay cầm,… Tất cả đều tạo nên từ mồ hôi, nước mắt, máu và chất xám của con người lao động bàn tay, trí óc. Chúng ta sống cuộc sống hòa bình hôm nay là nhờ có sự hi sinh xương máu của thế hệ cha anh đi trước. Lòng biết ơn là truyền thống tốt đẹp bao đời nay của dân tộc Việt Nam ta, là một trong những cội nguồn đạo đức để phát triển hoàn thiện nhân cách. Vậy để đền báo công ơn những người đã mang điều tốt đẹp đến cho mình, những người thân yêu, thế hệ đi trước, chúng ta nên làm gì để thể hiện lòng biết ơn? Phần lớn các bạn trẻ ngày nay đã có nhận thức đúng đắn về lòng biết ơn và thể hiện chúng đúng cách: hiếu thảo, yêu thương quan tâm, giúp đỡ ông bà, cha mẹ, tích cực học tập lao độg để giữa gìn thành qua tri thức người đi trước để lại. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít thanh niên trẻ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi về vật chất nhưng lại bạc bẽo, lồi lõm về tâm hồn, quay lưng với người thân, quá khứ, không biết trân trọng thành quả của xã hội, sống xa hoa lãng phí, lừa thầy phản bạn,… Những kẻ đó thật đáng lên án, phỉ nhổ! Mỗi tuổi trẻ chúng ta nhất thiết nên có và nuôi dưỡng lòng biết ơn. Biết ơn ghi nhớ, ghi nhận trong lòng thôi chưa đủ, cần phải thể hiện và hiếu báo bằng cách bày tỏ thái độ kính yêu cha mẹ, ông bà, tự hào phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, sử dụng thành quả của xã hội hợp lý, không lãng phí. Ngoài ra tuổi trẻ chúng ta cần phải biết phát huy những thế mạnh thời nay, phát triển đất nước ngày một giàu mạnh. Đó chính là biểu hiện cụ thể nhất của lòng biết ơn. Có thể nói, lòng biết ơn vì thế đã trở thành thức đo nhân phẩm, đạo đức của mỗi con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top