Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

III7. Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. NHỚ

1. Chép thơ

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời?
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...

Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Mùa xuân - ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế...

11-1980

2. Tác giả
3. Tác phẩm.

4. Giải nghĩa từ

a, "Lộc" (trong "Lộc giắt đầy trên lưng" và "Lộc trải dài nương mạ", là từ đa nghĩa): Nghĩa đen chỉ trồi non, búp non trên cành. Trong thơ "lộc" ở đây ngụ ý cho sức sống mãnh liệt và sự vươn lên không ngừng của mùa xuân đất nước.

b, "Giọt long lanh" (hai cách hiểu): giọt mưa xuân, giọt sương mai trong ánh sáng xuân. Gắn với văn cảnh trong câu thơ, nó được hiểu là giọt âm thanh tiếng chim trong trẻo đến nỗi như đọng thành giọt. Đây là hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ. Tiếng chim từ chỗ âm thanh đựơc cảm nhận bằng thính giác, trở thành hình khối, cảm nhận được bằng thị giác, xúc giác.

c, "Mùa xuân nho nhỏ" (trong "Một mùa xuân nho nhỏ / Lặng lẽ dâng cho đời"): là hình ảnh ẩn dụ đẹp biểu tượng cho cuộc đời, lẽ sống cao đẹp, sống đóng góp mùa xuân nho nhỏ của đời mình cho mùa xuân chung của đất nước, dân tộc.

II. HIỂU

1. Ý nghĩa nhan đề

Thanh Hải đặt tên cho bài thơ của mình một cái tên rất có ý nghĩa, "Mùa xuân nho nhỏ". Nhan đề ấy là một phát hiện mới mẻ, sáng tạo độc đáo của tác giả. Bởi mùa xuân là mùa đẹp nhất trong năm, cũng là tượng trưng cho những gì tinh túy đẹp đẽ nhất của cuộc đời con người. Nhan đề "Mùa xuân nho nhỏ" thể hiện quan điểm của nhà thơ giữa cái riêng với cái chung, giữa cá nhân với tập thể. Nhan đề ấy là một ẩn dụ nói về khát vọng, lẽ sống cao đẹp, sống có ích cho cuộc đời chung. Qua nhan đề, nhà thơ muốn bày tỏ ước nguyện của mình, muốn làm một mùa xuân, muốn sống đẹp, sống cống hiến với tất cả sức sống mới mẻ của mình, rất khiên nhường đóng góp vào mùa xuân lớn, mùa xuân chung của cuộc đời, của đất nước. Nhan đề đã khắc ghi chủ đề tác phẩm.
2. Mạch cảm xúc

Bắt đầu bằng những cảm xúc mãnh liệt của tác giả trước mùa xuân thiên nhiên đất trời, mở rộng ra cảm xúc trước mùa xuân của đất nước của dân tộc. Để rồi từ đó lắng đọng trong suy nghĩ ước nguyện của nhà thơ muốn được đóng góp cho cuộc đời chung. Và cuối cùng khép lại trong cảm xúc ngợi ca tự hào về quê hương xứ sở.

3. Kể tên bài thơ

a, Có xuất hiện từ "mùa xuân"

"Mùa xuân của tôi" - Vũ Bằng trích "Thương nhớ mười hai"

"Rằm tháng riêng" - Hồ Chí Minh

"Ông đồ" - Vũ Đình Liên

b, Viết về lẽ sống cao đẹp

"Lặng lẽ Sa Pa" - Nguyễn Thành Long

III. XÂY DỰNG ĐOẠN TỔNG HỢP

1. Phân tích khổ 1

a, Phân tích đề:

ND: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên đất trời
HT:

b, Bài làm

Cảm xúc mãnh liệt trước mùa xuân thiên nhiên đất trời của Thanh Hải đã được khắc họa rõ nét qua khổ một bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Bằng vài nét chấm phá, nhà thơ đã tái hiện đặc sắc cảnh xuân mộng mơ mang đậm phong vị xứ Huế: "Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc". Bầu trời cao rộng, chiều dài của dòng sông xanh hài hòa với màu tím biếc của bông hoa lục bình tạo cảm giác mát lạ, vừa là tín hiệu xuân, vừa là vẻ tinh túy của đất trời. Bình yên thơ mộng làm sao, một vẻ rất riêng xứ Huế! Động từ "mọc" đã được đảo lên đầu câu thơ "Mọc giữa dòng sông xanh" khiến ta như cảm nhận được nhựa sống mãnh liệt của mùa xuân đang trỗi dậy. Nhưng không chỉ có thế, bức tranh xuân đâu thể im ắng được,thế là âm thanh tiếng chim chiền chiện vang lên. Trong làn sáng xuân lan, tiếng chim lảnh lót ấy như đánh thức vạn vật, khiến bức tranh xuân êm đềm bỗng nhiên náo nức lạ thường. Náo nức đến nỗi đánh thức cả niềm bồi hồi xốn xang trong lòng tác giả khiến ông thốt lên: "Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời?". Tiếng "ơi" mới thật sôi nổi, tha thiết biết bao! Cùng với đó, câu hỏi tu từ "hót chi mà vang trời?" đã thể hiện được tâm trạng ngỡ ngàng thích thú của tác giả trước giai điệu rộn rã của mùa xuân. Đặc biệt, cảm xúc ấy được bộc lộ qua một động tác trữ tình và thái độ nâng niu trân trọng thiết tha trìu mến: "Từng giọt long lanh rơi / Tôi đưa tay tôi hứng". Nghệ thuật ẩn dụ trong câu thơ khiến ta như cảm nhận được tiếng chim trong trẻo đến nỗi như ngưng đọng trong không gian, trong trẻo đến nỗi tác giả không nỡ để chúng rơi xuống vô uổng. Tác giả say sưa ngây ngất, khao khát hòa nhập vào cảnh xuân đất trời, ông dang rộng vòng tay, mở rộng tấm lòng cảm nhận mùa xuân. Hơn nữa, thật cao cả và xúc động sao khi độc giả biết rằng cảm xúc bấy giờ của ông diễn ra trong tâm tưởng, trong lúc nguy bệnh sắp từ giã cõi đời còn bên ngoài lại là một mùa đông lạnh giá. Thanh Hải quả là người có niềm yêu đời tha thiết bao nhiêu, yêu quê yêu nước bao nhiêu mới có thể vẽ lên bức tranh xuân đẹp bất chấp hiện thực như vậy.

2. Phân tích khổ 2, 3

a, Phân tích đề

ND: Cảm xúc và suy nghĩ của tác giả trước sức sống, sự vươn lên của mùa xuân đất nước, dân tộc.
HT:

b, Bài làm

Cảm xúc mãnh liệt và suy nghĩ sâu sắc của Thanh Hải trước sự vươn lên, sức sống của của mùa xuân đất nước đã được tái hiện chân thực qua khổ hai, ba trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Có thể nói, thiên nhiên đất trời vào xuân khiến con người, đất nước cũng mang một vẻ đẹp sức sống vô tận. Từ mùa xuân thiên nhiên, nhà thơ cảm nhận về mùa xuân đất nước, về người cầm súng và người ra đồng, biểu trưng cho hai nhiệm vụ chiến đấu và sản xuất: " Mùa xuân người cầm súng / Lộc giắt đầy trên lưng / Mùa xuân người ra đồng / Lộc trải dài nương mạ". Tác giả đã khéo tạo sức gợi cho câu thơ bằng hình ảnh "Lộc giắt đầy trên lưng" và "Lộc trải dài nương mạ". "Lộc" - điệp từ trong câu thơ - là một hình ảnh đa nghĩa: "Lộc" không chỉ là trồi non búp biếc trên cành mà nó còn là ẩn dụ cho sức sống, sự vươn lên, là thanh xuân tươi trẻ, sự phát triển không ngừng của đất nước. Hình ảnh thơ khiến ta liên tưởng đến hình ảnh những người chiến sĩ ra trận trên lưng mang cành lá ngụy trang, bảo vệ Tổ quốc giữ yên mảnh đất nuôi sự sống nảy mầm. Bên cạnh đó, "người ra đồng" lại khiến ta nghĩ đến những người lao động miệt mài gieo sự sống "trải dài" trên cánh đồng quê hương, xây dựng Tổ quốc. Sức sống mùa xuân đất nước còn được cảm nhận trong nhịp điệu hối hả, âm thanh rộn rã: "Tất cả như hối hả / Tất cả như xôn xao". Từ láy "hối hả", "xôn xao" cùng điệp ngữ "tất cả" đã diễn tả không khí náo nức, khẩn trương của dân tộc trong những năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đất nước. Đồng thời nó còn diễn tả niềm vui phấn khởi của nhà thơ trước cuộc sống mới. Trước sự thay đổi đi lên ấy, nhà thơ không quên nghĩ về quá khứ: "Đất nước bốn ngàn năm / Vất vả và gian lao" với cảm xúc đầy tự hào về lịch sử dân tộc. Đi cùng với đó là hình ảnh so sánh đẹp: "Đất nước như vì sao" kết hợp với cụm từ "cứ đi lên phía trước" đã thể hiện được niềm tin tưởng của tác giả, tin tưởng chắc chắn vào tương lai tương sáng của dân tộc. Có thể nói, với hai khổ thơ ngắn nhưng đầy ý nghĩa, Thanh Hải đã bộc lộ những cảm xúc mãnh liệt và suy ngẫm sâu sắc của mình trước mùa xuân của đất nước, dân tộc khiến người đọc không khỏi tự hào yêu mến.

3. Phân tích khổ 4, 5

a, Phân tích đề

ND: Ước nguyện được cống hiến cho đời của tác giả.
HT:

b, Bài làm

Ước nguyện cống hiến cháy bỏng cho đời chung của nhà thơ Thanh Hải đã được tái hiện cảm động qua khổ bốn, năm trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ". Ước nguyện ấy chính là khát vọng được sống có ích cho đời. Từ rung cảm thiết tha trước mùa xuân thiên nhiên, sức sống con người đất nước, dân tộc, nhà thơ bộc lộ ước nguyện chân thành: "Ta làm con chim hót / Ta làm một cành hoa / Ta nhập vào hòa ca / Một nốt trầm xao xuyến". Ông muốn làm "con chim" hót vui cho đời, muốn làm "cành hoa" giữa vườn đời rực rỡ đem sắc hương, làm thơm đẹp đời. Trong bản hòa ca rộn rac của đất nước, ông muốn làm một "nốt trầm" âm thầm lặng lẽ đóng góp hoàn thiện bản tấu cuộc đời, góp "xao xuyến", góp hay cho đời. Ông khao khát được đóng góp một "mùa xuân nho nhỏ", đóng góp sức sống, sự tưoi trẻ cho mùa xuân chung của đất nước. Từ cách xưng hô "tôi" nhà thơ chuyển sáng đại từ "ta" giống như một lời khẳng định, chỉ lối: Ước nguyện ấy không chỉ là lời tâm niệm chân thành của tác giả mà còn là lối đường, lẽ sống, nói thay tìm hộ cho lý tưởng sống của bao người. Và đáng trân trọng biết bao, nhà thơ muốn "Lặng lẽ dâng cho đời" một cách giản dị khiêm nhường, không khoa trương, phù phiếm. Từ "lặng lẽ", "nho nhỏ" đã chứng minh cho khao khát thầm lặng, không vì lợi riêng, không vì tiếng tăm, một lẽ sống cao đẹp mà Tố Hữu từng khẳng định: " Sống đâu chỉ nhận riêng mình". Không chỉ có thế, lời thơ còn đẹp bởi một hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo và có ý nghĩa sâu sắc - "mùa xuân nho nhỏ". Hình ảnh ẩn dụ ấy tượng trưng cho khao khát được hòa nhập, được dâng hiến đến cháy bỏng mà khiêm nhưòng để góp vào mùa xuân chung của dân tộc. Mong ước cống hiến ấy, nhà thơ khẳng định nó không phải là nhất thời: "Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc". Điệp ngữ "dù là" đã nói lên khát vọng cống hiến bền bỉ lâu dài, bất chấp hoàn cảnh, tuổi tác. Vì thế mà ước nguyện ấy càng đáng trân trọng, ngợi ca biết bao!

4. Nghị luận xã hội:

Từ quan niệm sống đẹp của nhà thơ Thanh Hải em có suy nghĩ gì về một lối sống đẹp?

Bài làm

Trong "Mùa xuân nho nhỏ", Thanh Hải đã bài tỏ ước nguyện và niềm khao khát cháy bỏng của mình, đó là sống có ích, sống cho cuộc đời chung. Quan niệm sống đẹp ấy khiến người đọc chúng ta đã phải suy ngẫm về lối sống của chính mình. Vậy thế nào là lối sống đẹp? Lối sống đẹp là lối sống vừa có ích cho bản thân, có ích cho gia đình cộng đồng và xã hội. Lối sống đẹp thể hiện ở một tâm hồn, tình cảm có khát vọng chính đáng. Người sống đẹp là người sống có mục đích, lý tưởng, sống đứng đắn, biết dung hòa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng. Sống đẹp cũng có nghĩa là sống với một tư tưởng, tình cảm lành mạnh, hướng thiện như: hiếu nghĩa với người thân gia đình, thương yêu chia sẻ, quan tâm những người xung quanh. Sống đẹp còn có nghĩa là không ngừng học hỏi, mở mang trí tuệ, tiếp thu kiến thức để tiếp cận với nền văn minh nhân loại, để làm việc và hòa nhập với cộng đồng. Con người sống đẹp sẽ khẳng định được năng lực bản thân, được người khác yêu mến cảm phục. Sống đẹp, sống lương thiện sẽ khiến tâm hồn thư thái, bình yên và hạnh phúc, cuộc sống vì thế mà đẹp hơn. Thế nhưng trong xã hội nay, vẫn có không ít người sống buông thả, tùy tiện, sống không mục đích lý tưởng, sống thừa thãi, vô nghĩa, sống ích kỉ, vu lợi. Để rồi trở thành những kẻ lười nhác, đần độn, tham lam mù quáng, hoặc trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Chúng ta, để có được lối sống đẹp ngay từ khi còn trẻ mỗi người cần có mục đích vươn lên, mục tiêu sống rõ ràng, đúng đắn. Trước hết chúng ta phải luôn tích cực bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện đạo đức nhân cách để có cơ hội đóng góp những điều tốt đẹp cho gia đình xã hội. Lối sống đẹp chính là chuẩn mực nhân cách, là mục tiêu phấn đấu của mỗi con người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top