Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

*U ƠI TA CHI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dạo tôi mới đi du học về vào năm 2002, nghĩa là cách đây 14 năm, có nhiều người quen hỏi tôi làm cách nào để xin học bổng toàn phần đi du học. Những đã từ rất lâu, không còn ai muốn tìm hiểu cách xin học bổng nữa, đơn giản, mọi người (từ phụ huynh đến sinh viên) đều đã xác định: cái gì khó quá bỏ qua, du học tự túc vậy!

Để xin học bổng, đa phần đều phải đợi sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Sau đó, các tổ chức cho học bổng mới cứu xét để người trẻ Việt Nam được học bổng học lên hệ cao học, chỉ kéo dài từ 1 đến 2 năm. Trong khi các bạn học sinh bây giờ đã đòi phụ huynh cho đi du học từ khi mới vào lớp 10. Trễ nhất thì cũng đến khi tốt nghiệp Tú tài, không thể chờ đợi lâu hơn được. Tôi viết bài này cho mọi phụ huynh và các em trẻ, trừ những phụ huynh có nguồn thu nhập cao hoặc mức tiết kiệm phong phú, có thể chu cấp cho con mình đi học suốt những năm trung học - đại học ở những nước có mức sống cao mà không cần phải đắn đo, thì không nằm trong đối tượng của bài viết. Bài viết cũng chỉ xét về mặt tài chính, và giả định là toàn bộ các em học sinh - sinh viên được phụ huynh cho đi du học tự túc đều có học lực từ giỏi đến xuất sắc. Tôi chỉ chia sẻ những mẩu chuyện có thật trong cuộc sống của tôi liên quan đến việc du học tự túc của những phụ huynh và các bạn trẻ có tình hình tài chính không được dồi dào mà thôi.

Một đồng nghiệp cũ của tôi cách nay 10 năm quyết định cho con gái đi du học từ khi cô bé lên lớp 9. Chị khá băn khoăn nên có hỏi ý kiến tôi. Dù là hỏi ý kiến nhưng quyết định thì chị và gia đình đã có rồi, tức là cho con gái đi du học tự túc khi đang ở độ tuổi 15 khá non trẻ. Khi tôi hỏi vì sao chị cho con gái đi quá sớm, chị đưa ra những lý do sau đây. Những lý do này rất phổ biến trong nhiều trường hợp cho con đi du học sớm (trong ngoặc đơn là ý kiến của tôi):

- Hội nhập với nước ngoài sớm chừng nào tốt chừng đó. (Cũng đồng nghĩa với chuyện hội nhập điều hay và điều dở khi còn quá nhỏ chưa đủ hiểu biết để phân biệt).

- Học ở Việt Nam chán quá, giáo viên dở quá, trường xấu quá, đi học bằng xe bus gớm quá!!! (Người cầu tiến thì điều kiện nào cũng học được, không phải Trần Minh khố chuối còn không có quần mặc mà vẫn thành tài đó sao!).

- Con mình có học lực tốt sao không tạo điều kiện cho đi sớm? Trong khi con người ta học yếu hơn mà còn được cho đi sớm hơn? (Tinh thần GATO, ghen ăn tức ở với người khác chứ không thật sự vì động lực của bản thân).

- Ở trong nước, môi trường sinh hoạt độc hại, trẻ dễ bị hư hỏng, hút chích, trộm cướp... (Ở những nước phát triển cũng không trong lành hơn bao nhiêu đâu. Ở đâu cũng có tệ nạn, ăn thua bản thân mình chọn cách sống có trách nhiệm).

- Phải đầu tư cho giáo dục, đó là cách đầu tư đúng đắn, sau này con mình sẽ có một công việc tốt hơn những đứa có bằng cấp trong nước. (Chưa có thống kê nào nói lên có bằng cấp nước ngoài thành đạt hơn bằng cấp trong nước).

- Nếu đi du học ổn, con mình sẽ định cư luôn ở nước đó, kéo theo ba mẹ và gia đình sang. (Một kế hoạch vĩ đại có xác suất đạt được không cao).

Dĩ nhiên là tôi có giải thích cho chị đồng nghiệp nhiều điều, nhưng tóm lại là tôi khuyên đừng cho con đi sớm quá. Và dĩ nhiên là tôi làm cái việc "cầm đèn chạy trước ô tô" vì mọi thủ tục đã hoàn thành và con gái chị đang chuẩn bị lên máy bay. Sau này khi gặp nhiều trường hợp cũng hỏi ý kiến nhưng thật ra quyết định đã có và mọi việc đã xong xuôi, tôi buồn cười nhận ra là mọi phụ huynh khi quyết định cho con mình đi du học tự túc từ sớm đều cố gắng không tiết lộ với ai (sợ bàn ra tán vào, sợ ganh tị gia đình mình tài chính tốt hơn, sợ nhất là có nhiều ý kiến chống đối).

Cô bé đó lên đường đi du học ở Pháp, nơi gia đình người dì ruột đang định cư từ lâu. Từ ngày con đi du học, chị đồng nghiệp của tôi ăn không ngon ngủ không yên, tóc chị bạc đi nhanh chóng. Chị cũng không muốn tâm sự với ai vì những đồng nghiệp xung quanh vốn không tán thành chuyện chị cho con gái đi du học từ sớm trong khi bản thân chị tiết kiệm từng đồng trong chi tiêu. Rồi một ngày kia chị không kìm được, nói với mọi người rằng con gái chị hè không chịu về thăm gia đình, dường như cô bé đã không còn quan tâm đến cha mẹ nữa. Trong khi ở nhà chị nhìn đâu cũng thấy hình ảnh con gái, căn phòng của con chị cũng không cho bất cứ ai vào. Mọi người khuyên chị phải sang Pháp thăm con một lần, đừng trông cậy hết vào người chị ruột như thế.

Chị khăn gói lên đường sang Pháp thăm con. Khi quay về, nhìn chị còn thê thảm hơn dù rằng chị bảo con gái rất ổn. Không ai dám hỏi gì thêm. Khi con gái chị được 18 tuổi, nhân một lần tôi đi công tác sang Pháp, chị nhờ tôi đến nhà người chị gởi đồ cho con. Chị căn dặn tìm hiểu kỹ tình hình rồi về báo cáo lại. Lúc đó tôi chưa có con, chưa hiểu nỗi lòng người mẹ, tôi thấy hành động của chị rất kỳ quái. Hồi đó cũng không có vụ chat chit qua Facebook, Skype, WhatsApp, Viber... như bây giờ nên mẹ con chị không liên lạc với nhau nhiều.

Tôi đến nhà người dì, nơi cô bé đang ở trọ để học hành. Cô bé không có nhà, còn người dì vừa gặp tôi là kể lể liên tục bất tận. Nội dung tóm lại như sau: Cô bé không biết điều, ăn nhờ ở đậu mà như công chúa, càng ngày càng ăn diện, học thì ít, tụ tập chơi bời thì nhiều. Hiện giờ đã có bồ bịch bên ngoài, thường ngủ đêm lang chạ đâu đó không ai quản lý được. Mẹ nó ở Việt Nam đã được báo cáo tình hình nhưng vẫn làm lơ, không có ý định lôi nó về lại Việt Nam, còn tiền bạc cũng gởi qua quá ít do đã kiệt quệ về tài chính rồi. Trong 3 năm trời du học ở Pháp, gia đình đã bán một căn nhà nuôi con gái ăn học, nhưng thật sự kiến thức mà cô bé học được chẳng hề xứng đáng, tệ hơn, nhân cách của cô bé đã trở nên "hết thuốc chữa". Người dì dùng rất nhiều lời ta thán, nào là "phóng lao phải theo lao", "sai một ly đi một dặm", "tiên học lễ, hậu học văn", không chịu dạy con phần lễ, cứ ham du học sớm!!!

Lần đó do trót hứa với chị đồng nghiệp phải gặp con gái chị nên tôi cố sắp xếp, cuối cùng cũng gặp được em ở trạm Metro. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô bé là ngoại hình và phong cách giống hệt tụi trẻ hư bên Pháp: trang điểm đậm, tóc nhuộm, miệng hôi nồng mùi thuốc lá, móng tay sơn màu xanh lè kỳ quặc. Cô bé nhận phong bì có số tiền người mẹ chắt bóp gửi sang với vẻ mặt vô cảm. Tôi hỏi nhiều câu thẳng thắn, gần như tra khảo vì bất bình nên sau khi trả lời tôi một lúc thì cô bé cáo từ phải đi. Cô bé đã được đi du học khi tuổi đời quá non trẻ, ở vào độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, được bảo đảm mọi nguồn tài chính từ gia đình ở Việt Nam gởi sang và từ người dì ở Pháp. Vì thế, không khó hiểu để kết luận về tính ích kỷ của em. Em không biết thương cha mẹ, không chịu hiểu cho nhiều người đã vì mình mà lao tâm khổ tứ.

Khi tôi về lại Việt Nam báo cáo tình hình, tôi lại làm cái việc "cầm đèn chạy trước ô tô" khi cố khuyên chị đồng nghiệp lôi con gái về Việt Nam ngay lập tức. Dĩ nhiên chị không làm việc đó. Rồi tôi đổi công ty, ít có dịp gặp lại chị. Sau này tình cờ thông qua một người quen chung, tôi được biết chị bán hết nhà cửa ở Sài Gòn gởi tiền qua Pháp cho con. Hai vợ chồng về ở nhờ nhà bên nội. Tôi không hỏi về tình hình cô bé. Bởi tôi đã có thể tưởng tượng ra.

Một số gia đình cho con đi du học khi tuổi lớn hơn một chút, khoảng năm cuối cấp 3, và sẽ theo trọn vẹn hệ đại học. Trường hợp này con không đến mức hư hỏng nhưng tình hình tài chính của cha mẹ ở nhà thì kiệt quệ thê thảm sau 4 - 5 năm. Để nuôi một đứa con đi du học ở những nước phát triển, ai cũng biết là rất tốn kém , nhưng cụ thể tốn kém như thế nào thì thường phụ huynh không mường tượng hết. 70% phụ huynh hy vọng con mình sẽ tìm được việc làm thêm để trang trải mức sinh hoạt phí. Tuy nhiên, với thân phận du học sinh nước ngoài, thường tìm được việc là điều rất khó khăn, giữ được việc cũng quá nhọc nhằn.

Ngoài chuyện mong con có việc làm thêm lúc còn đi học, 80% phụ huynh còn hy vọng khi ra trường con mình tìm được việc làm và ở lại định cư luôn, hoặc ít ra đi làm gỡ gạc lại tiền ăn học bao năm ròng trước khi quay về Việt Nam. Tôi không biết bao nhiều phần trăm các sinh viên Việt Nam may mắn tìm được việc làm sau tốt nghiệp khi mà thanh niên bản xứ còn thất nghiệp hà rầm?

Khi tôi hỏi các bậc phụ huynh cho con đi du học tự túc vì sao chịu thắt lưng buộc bụng hy sinh cho con quá nhiều, 90% trả lời rất khiêm tốn: "Mong nó sau này có một công việc ổn định". Nếu chỉ với mong muốn có việc làm ổn định mà cho con đi du học tốn kém như thế, 100% phụ huynh lỗ vốn nặng. Họ lại tự hào thốt lên: "Hy sinh cho con, đầu tư cho giáo dục là đầu tư khôn ngoan!". Tôi không hiểu họ định nghĩa thế nào là "đầu tư khôn ngoan" bởi theo tôi giả định, đó phải là khoản đầu tư sinh lợi, hoặc ít ra cũng huề vốn. Tôi nhắc lại lần nữa là tôi không có ý nói những bậc phụ huynh khá giả, mà cảm thấy quá xót xa giùm cho những bậc phụ huynh phải chắt bóp cho con du học.

Các vị có biết, khi một công ty tuyển dụng nhân viên trẻ, họ đánh giá nhiều yếu tố, nếu họ biết ứng viên đi du học tự túc ở một nước phát triển, họ có thể cho rằng ứng viên sinh ra trong một gia đình khá giả. Điều này đồng nghĩa với việc ứng viên có sức chịu đựng kém hơn, khả năng đối mặt với thử thách yếu hơn những ứng viên "nhà nghèo vượt khó". Các nhà tuyển dụng luôn đánh giá cao ứng viên nào có quá trình "lăn lộn ngược xuôi", bằng cấp là một yếu tố nhỏ, chính thái độ trong cuộc sống, trong công việc mới tạo nên một nhân viên giỏi. Nếu trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng nhận ra ứng viên từng đi du học tự túc trong khi tình hình tài chính của gia đình không dồi dào, dĩ nhiên họ đánh giá bạn trẻ đó sống quá ích kỷ. Họ đã không thương xót chính cha mẹ mình, làm sao hy vọng họ biết xả thân cho công ty?

Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều bạn trẻ không du học nước ngoài nhưng có thái độ tích cực, ham học hỏi, không ngại khó trong các công ty lớn. Các bạn rất thành công bởi công ty nào cũng thích nhân viên chịu làm việc, không sợ thử thách, dám xả thân. Còn những nhân viên bằng cấp cao, du học nước ngoài nhưng xuất thân "cậu ấm - cô chiêu" lại hay yếu đuối.

Những bạn trẻ này khi đi du học thật sự có học hành nhiệt tình không? Hay họ tranh thủ thời gian đi du lịch lung tung rồi nên Facebook chém gió phần phật? Khi tôi ở đảo Santorini (Hy Lạp), tình cờ tôi gặp một nhóm bạn trẻ nói tiếng Việt Nam ở chung khách sạn. Họ vô tư cho tôi biết đang học những ngành ít có đất dụng võ ở Việt Nam tại những nước châu Âu. Những ngành này vì tuyển sinh khó nên các trường đại học cho sinh viên nước ngoài chút học bổng (học phí ở những trường đại học công ở châu Âu thường rất rẻ). Khi tôi hỏi học những ngành vớ vẩn này thì làm sao xin được việc làm khi quay lại Việt Nam, họ cười lớn nói: "Học trước đã, từ từ tính". Tôi chắc chắn với nhứng bạn này, du học chỉ là cái cớ, để có tiếng thơm là "Tôi đã từng đi du học" nhưng chủ yếu là họ đi du lịch vòng quanh châu Âu. Tôi thấy họ chụp hình đăng Facebook rồi cười khoái chsi khi ở Việt Nam có người GATO. Họ hồn nhiên kể với tôi những người GATO này hồi đó cũng từng đi du học nhưng không tranh thủ đi chơi, giờ thấy hình người khác tung tăng thì "tức ói máu". Tôi thắc mắc tiền đi du lịch các bạn lấy từ đâu nên "ngây thơ" hỏi:

- Tụi em có đi làm thêm không?

- Không, vì tụi em có học bổng mà! Nên theo luật không được đi làm thêm!

- Học bổng chỉ là để trả học phí. Vậy tiền sinh hoạt phí hằng ngày và tiền để tụi em đi du lịch khắp châu Âu thì ở đâu ra?

- Tụi em có học bổng "U oi ta chi".

- Học bổng của Nhật hả em? - Tôi ngơ ngác - Sao Nhật lại cho học bổng để học ở châu Âu?

- Không, "U oi ta chi" có nghĩa là "U ơi ta chi" đó chị.

Các bậc phụ huynh ơi, có đau lòng không cơ chứ?

U ơi (người Bắc ở một số vùng nông thôn gọi mẹ là u), chúng ta phải tự chi tiền thôi. U ơi, u gởi tiền bán ruộng bán vườn, bán bò bán heo sang châu Âu đắt đỏ cho con học (ý quên, cho con đi du lịch khắp châu Âu) đi ạ. U bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cuốc cày gởi tiền cho con du học trời Tây. U tưởng con u có học bổng, u đi khoe khắp xóm làng. U nào có ngờ học bổng đó nhỏ như con thỏ, còn u chi tiền mồ hôi nước mắt để gởi sang cho con u tiền ăn ở, tiền tàu xe, tiền du lịch bụi...

U ơi là u! U có biết là con u đang vi vu ở một hòn đảo du lịch xanh ngát mà ngay cả dân châu Âu còn không có đủ điều kiện để đến không?

U ơi ta chi! U ơi ta chi!

Tôi thương các u đến nhói lòng.

U ơi là u...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top