Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Bánh Chưng Tết - Ngày Xưa Ơi!

Gói bánh chưng ngày Tết cũng là dịp cả gia đình quây quần bên nhau
28 Tết là ngày mà khi xưa nhà tôi hay gói bánh chưng. Dậy thật sớm, thấy gạo đã ngâm và đỗ xanh đã đãi, hóa ra bà nội và mẹ đã lui cui làm từ tối hôm trước trong khi trẻ con lăn quay ra ngủ từ lúc nào.

Lá gói bánh chưng phải là lá dong nếp. Thường phải quý hóa nhau lắm, người ta mới mang biếu nhau loại lá dong đó. Những tàu lá thon dài chứ không bầu bầu và dầy như lá dong tẻ. Thân lá mỏng mướt, sờ vào mát lịm tay. Tôi hay thích cầm từng tàu lá dong giơ ra trước nắng, để những tia nắng nhảy nhót xuyên qua tàu lá, thích thú ngắm nghía những tông độ khác nhau của màu xanh ấy. Bà tôi lúc nào cũng cầu kỳ lựa từng tấm lá, rọc bớt gân lá, rửa thật sạch và lau bằng khăn mềm thật khô, vì theo bà, lá có ngon, có sạch thì bánh mới xanh, thơm và để được lâu.

Đậu phải là thứ đậu xanh tiêu, hạt nhỏ đều và thơm. Nếp cái hoa vàng hoặc nếp nương cũng phải được lau khô. Thịt thì phải là loại có mỡ có nạc, thường là nạc vai.

Nhiều nhà dùng khuôn gỗ để gói bánh, nhưng nhà tôi luôn gói bằng khuôn lá. Dưới bàn tay như ảo thuật gia của bà tôi, chỉ trong chớp mắt, những tấm lá dong đã thành những cái hộp xanh kỳ ảo, "nuốt" luôn gạo trắng, đậu vàng, thịt hồng đượm tiêu đen thơm phức. Và trong vòng vài phút, chiếc bánh chưng xanh buộc lạt giang mỏng mềm trắng muốt, đã hiện ra vuông thành sắc cạnh, trong sự trầm trồ của đám trẻ.

Nguyên liệu thì đơn giản, nhưng bánh chưng lại cầu kỳ trong việc gói, việc nấu và cả sau khi nấu.

Bánh ngon là bánh phải được ép đủ 12 tiếng sau khi vớt ra từ nồi. Nhà tôi khi xưa có hai cái cối đá lớn và hai thanh gỗ lim rất dài, lên nước đen bóng, chỉ dùng để ép bánh chưng.

Năm nào bà cũng cho mấy đứa tự làm những cái bánh chưng con, được vớt ra đầu tiên sau 12 tiếng luộc. Méo mó, vẹo vọ, vậy mà in sâu trong ký ức, cả đời không phai. Mấy chục cái bánh chưng gói trong những mùa Tết năm ấy, luôn chỉ vừa đủ để nhà thắp hương và đem biếu bạn bè, hàng xóm ăn lấy thảo. Cho đi, để nhận về những cái bánh biếu khác, thấm đượm tình xóm giềng và cứ thế năm này qua năm khác, thành phong tục.

Những chiếc bánh chưng quyện mùi nếp, mùi lá dong, mùi đậu và thịt trong ngày Tết thật khó quên.

Phải qua bao nhiêu năm, bao nhiêu mùa Tết, gói và không gói bánh chưng, tôi mới thấu hiểu được cái triết lý sâu xa của các bậc tiền nhân về sự tích bánh chưng bánh dầy, cùng phong tục biếu quà ngày Tết. Loài bánh ấy không chỉ để thưởng thức dưới góc độ ẩm thực như những loài bánh khác. Chẳng phải ngẫu nhiên mà xưa kia chỉ vào dịp Tết người ta mới gói bánh chưng, bánh tét. Vì thời ấy khó khăn hơn, lấy đâu ra gạo, đậu, thịt mà gói hàng ngày. Nhưng tôi vẫn tin rằng thứ bánh ấy được gói vào mùa Xuân, khi lá non vừa ra, khi gạo nếp vừa được gặt, đậu xanh vừa chín và thịt heo vừa đúng lứa xuất chuồng. Nghĩa là những gì ngon nhất, tinh túy nhất, được người ta đem gói hết vào chiếc bánh ấy, để cúng dâng đất trời như một sự báo hiếu với tổ tiên, được biếu tặng cho nhau như một sự gắn kết sắt son của tình người. Có một sự hòa hợp của thiên nhiên và con người trong cái bánh hình vuông xanh lá ấy.

Tôi rất thích nhìn căn bếp bé xíu vào ngày Tết với lỉnh kỉnh nồi niêu và những cặp bánh chưng treo lủng lẳng trên đầu. Sau này, dù có cố gắng đến mấy để lưu giữ truyền thống ông bà để lại, cũng không sao tạo dựng được cái không gian ấy, mang được cái không khí ấy cho con cái vào ngày Tết.

Trong mấy tấm bưu thiếp màu mè hay cả những bộ phim dựng lại về Tết xưa, thấy vẫn thiếu quá nhiều không khí thực sự của Tết, của bánh chưng và của gia đình. Không khí Tết ngày nay đang dần nhạt đi?

Tôi chợt nhận ra rằng, hình như khi xa xứ, người ta thường trọng những gì là truyền thống và phong tục hơn, người ta thích gói bánh chưng ngày Tết hơn, không biết có đúng thế không? Còn những người ở lại, ngày nay thường thiên về sự tiện lợi. Điều đó không có gì là sai khi con người đang tìm cách thoát khỏi những vất vả, lam lũ của thời cha ông.

Chỉ sợ rằng, một ngày kia, bánh chưng sẽ thành cổ tích như chàng Lang Liêu.

Bánh chưng ơi, đừng nhé!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #tảnmạn