Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Đám Cưới Ngày Xưa

Hồi nhỏ, tôi là một cô bé liến thoắng, ham học hỏi nên đi đâu ba cũng cho theo, và mỗi khi trong họ có giỗ, cưới, ba đều cho đi tiếp công để học nấu nướng. Lớn lên vào cơ quan làm việc, quen biết nhiều người, được đi dự nhiều tiệc cưới từ bình dân đến sang trọng, tôi vẫn chưa thấy có đám cưới nào để lại cho tôi ấn tượng khó quên như đám cưới ngày xưa!

Đám cưới ngày xưa rất nhiều lễ lộc, mâm bàn, bởi đa phần cô dâu, chú rể đều không quen biết trước mà "đầu dây mối nhợ" phải do ông mai, bà mối dẫn dắt nên mới nhiều mâm, lắm lễ như thế – đám cưới chú Sáu con bà Út tôi cũng không ngoại lệ!

Dù ở quê, nhưng do có truyền thống hiếu học nên chú tôi được học hết đệ lục (lớp 7 ngày nay). Vốn dĩ con nhà nông, tính tình nhút nhát nên đã 22 tuổi rồi mà chú chưa dám hé môi với một cô gái nào, do đó bà tôi phải nhờ mối mai giúp đỡ. Mãi đến năm 24 tuổi, nhờ có người bà con xa ở gần nhà đàng gái mối lái, chú tôi mới gặp được duyên lành.

Để tiếp cận cô dâu, nhân ngày lành tháng tốt, bà tôi chuẩn bị một chiếc ghe tam bản, cùng mấy bà thím trong họ giả bộ đi may quần áo, thật ra đó chỉ là cái cớ để các bà "xem mắt" cô dâu! Không biết cuộc hội ngộ thế nào mà khi về đến nhà ai cũng xuýt xoa khen ngợi:
- Con nhỏ đẹp người, đẹp nết, ăn nói dễ thương, thằng Sáu cưới được nó, sau này làm ăn mau giàu mà đẻ con cũng đẹp!

Bà Út tôi ngồi ngoáy trầu, miệng cười tủm tỉm:
- Tôi cưới dâu không cần lựa giỏi, miễn có đủ "ba đỏ, ba đen" là chịu ngay!

Tôi không hiểu "ba đỏ, ba đen" là gì, nhưng chú tôi thì mặt đỏ bừng bừng, mắt long lanh bước nhanh ra cửa. Các bà tôi hối thúc:
- Coi mồi thằng Sáu chịu rồi đó chị, cưới gấp cho xong!

Bà Út tôi tính người khe khắt, cũ kỹ, nói chuyện không hở hàm răng. Để cưới một cô dâu, bà phải cất công dò xét ba, bốn đám mới cưới được. Chú Sáu tôi cũng hai chỗ rồi, ai bà cũng chê, không hiểu sao lần này bà khen như vậy. "Chắc mẹ chồng nàng dâu hợp nhãn"... nên mọi người đồng lòng hối thúc.

*

Sau khi được bà mai thông báo, nhà gái đã chịu cho nhà trai "bỏ hàng rào thưa" thì ông bà, cô bác tôi mới cho chú Sáu theo ghe để được diện kiến cô dâu. Lễ xem mắt tuy đơn giản, nhưng cũng rất trang trọng. Sau khi bàn xong ngày cưới hỏi và thống nhất cho hai trẻ gặp nhau tìm hiểu, ông bà tôi xin phép đàng gái ra về. Ghe chạy đã xa mà chú tôi vẫn còn hướng mắt về hàng bần ven sông, nơi có cửa rào là bông giấy đỏ, có cặp mắt long lanh và nụ cười tươi tắn của người con gái mà vừa mới gặp chú đã bồi hồi. Chú cảm ơn người lớn có đôi mắt tinh tường và cũng tin là có nợ duyên thật nên đã hai, ba đám rồi chú mới gặp được người mình thương. Thấy chú im lặng, ông bà tôi dò ý:
- Thế nào, mầy có chịu không?
Chú tôi cười:
- Tía, má tính sao thì tính!
Cả ghe rộ lên:
- Tính gì nữa, tụi tao chịu hết rồi, chỉ còn mày thôi!...

Bẵng đi vài tuần, tôi nghe ba tôi nói: "Ngày mai nhà bà Út có làm lễ hỏi cho chú Sáu. Con tranh thủ mà đi tiếp đám!".

"Lễ hỏi" – bên đàng gái gọi là "Lễ sơ vấn", đàng trai gọi "Lễ đính hôn". Nói nôm na, đây là lễ trình sính vật để xóm làng, hai họ biết cô dâu, chú rể đã có chỗ, có nơi, không ai được quyền "ngắm nghé".

Đám hỏi nhà trai về hình thức đơn sơ hơn nhà gái nhưng vẫn phải che rạp, nấu món đãi họ hàng. Các chú tôi vốn mê văn nghệ, xách cây đàn thùng phím lõm đàn hát suốt đêm. Các bà cô thì suốt mấy hôm chợ búa, mua sắm, trang trí, tỉa tót sáu mâm lễ vật: rượu, đèn, trà bánh, trái cây, mùng, mền. Mâm nào cũng được bọc giấy kiếng, phủ vải đỏ rất đẹp và trang trọng. Do nhà cô dâu, chú rể cách nhau hơn 10 cây số, nên ông Út tôi phải mướn một tàu khách có mui, chở 40 người cùng đi, nên ai cũng nói "Đám hỏi lớn quá!".

Đêm chưa sáng, mọi người đã dậy sớm để chuẩn bị áo quần, giày dép... sang đàng gái! Để cho đủ đôi, đủ cặp, ông Sáu tôi – cũng là chủ lễ – chọn ra mười đôi nam nữ; năm cặp cô, dì, dượng, cậu mợ, số còn lại là chú bác và ông bà cụ có tuổi. Nhiệm vụ của mười cô gái là bưng mâm, mang đồ sính lễ – con gái, đàn bà mặc áo dài; các ông mặc quần lãnh, áo the; thanh niên, chú bác sồn sồn mặc quần tây, áo sơ mi... Nông dân chất phác cuốc bẫm cày sâu, nhưng khi có đám tiệc trông ai cũng tươm tất, chỉnh tề. Riêng chú rể, sau khi được chủ lễ, ông bà dạy cho mấy chiêu "tam bộ nhất bái" cũng áo vest, quần tây hồi hộp xuống tàu.

Chiếc tàu hoan hỉ chạy băng băng trên dòng sông Sa Đéc, chở theo giọng hát, tiếng đờn mùi mẫn của những "diễn viên nông dân". Họ hát, cười náo nhiệt theo sông. Những bài hát: Đám cưới trên đường quê, Cô Thắm về làng, Lý ngựa ô... làm cho ngày vui của chú tôi thêm hân hoan, háo hức. Tàu vừa cập bến, trên bờ pháo đã nổ vang, họ hàng đàng gái đã đứng sẵn hai bên ngõ rào để đón nhà trai đến.

Ngõ nhà đàng gái hôm ấy kết đầy hoa, bông đủng đỉnh và bẹ chuối cây họ thắt rồng, phụng trông rất vui mắt. Ông Sáu tôi đại diện tộc nhà trai bưng khay trầu rượu lên trình quý tộc nhà gái. Đợi khoảng 15 phút, khi nhà gái đồng ý, chúng tôi mới được lên bờ, bước qua cửa ngõ để vào sân. Bông giấy đỏ cùng xác pháo nhuộm đỏ lối đi làm không khí Lễ đính hôn thêm tưng bừng, sinh động.

Đợi chú rể làm xong thủ tục bái lạy tổ tiên, và khi được trưởng tộc nhà gái cho phép, cô dâu mới được vén màn bước ra cúi chào hai họ. Có lẽ đây là giây phút hồi hộp và hạnh phúc nhất của chú rể, cô dâu, nên trông ai cũng ngượng ngùng, bẽn lẽn. Tôi nhớ hôm ấy, cô dâu mặc áo dài gấm màu hồng, đầu cài một chiếc kẹp hoa, một phần tóc bỏ ra phía trước, đơn giản không cầu kì mà trông rất xinh tươi. Khi trưởng tộc hai họ lên đèn, cô dâu chú rể vái tạ tổ tiên; xong họ quay ra lạy ông bà, cha mẹ. Nhìn hai người xứng lứa vừa đôi, mấy bà cô tôi cứ trầm trồ: "Tụi nó đẹp đôi quá!".

Nghi lễ xong, tộc nhà trai bắt đầu trình lễ vật. Bà Út tôi tay run run mở chiếc khăn đỏ, lấy ra một cái hộp vuông bằng gỗ có cẩn ốc xà cừ, bà trịnh trọng mở hộp, bên trong là bốn cái hộp trái bí màu đỏ: Đầu tiên là đôi bông tai móc cân hột cẩm thạch một chỉ vàng y (24k) – Trưởng tộc nhà trai đứng gần xướng lên từng món. Bà tôi bước đến gần rồi đeo vào tai cô dâu. Sính lễ thứ hai là sợi dây chuyền năm chỉ vàng y, cũng tự tay bà đeo cho cô dâu. Sính vật thứ ba là chiếc lắc vàng y năm chỉ nhận hột cẩm thạch (đàng trai để lại trao cho cô dâu trong ngày cưới). Đến món thứ tư là cặp nhẫn cưới vàng y, phần này chú rể và cô dâu tự đeo cho nhau trong tiếng vỗ tay khích lệ của mọi người. Sau phần trình lễ vật, cô dâu phụ bước ra rót rượu và chú rể bưng khay trầu theo cho cô dâu để cô mời và dâng rượu hai họ. Xong lễ, họ nhà gái mời tiệc đãi khách nhà trai. Tiệc xong, đàng trai xin phép kiếu từ. Đám con gái chúng tôi lại được mang lễ vật bên đàng gái "lại quả" xuống tàu. Các quả đều có bánh, chả, trái cây... thứ nào cũng ngon và khéo. Tôi mừng thầm cho chú Sáu tôi có phúc, cưới được cô vợ đảm đang, con nhà gia giáo.

*

Ông bà ta thường nói "Cưới vợ phải cưới liền tay" nên đám hỏi chẳng bao lâu là lễ cưới tiến hành. Nhờ bà tôi có của ăn của để, lại được chuẩn bị từ trước nên về mặt kinh tế không phải lo nhiều, chỉ lo việc mời họ hàng, chợ búa, nấu nướng, vậy mà cũng muốn "sâu con mắt". Trước ngày cưới một tuần, bà tôi đến mời cả nhà và dặn tôi ra sớm tiếp làm bánh. Đám cưới ngày xưa cực lắm! Một nhà có đám, cả xóm đi tiếp, thanh niên thì đốn đủng đỉnh, chặt chuối cây làm cửa ngõ, che rạp, dọn bàn, phụ làm heo bò, gà vịt; đàn bà, con gái làm bánh, đổ rau câu, gọt tỉa củ quả, làm dưa, nấu món... Tôi cũng được phụ giúp đánh bột, cuốn bánh kẹp với mấy cô, ròng rã hai ngày trời mới đủ bánh đãi khách. "Nói nào ngay" bánh tự làm thì cực nhưng thơm ngon, vì pha chế vừa miệng, làm xong ăn liền nên rất bổ.

Đám cưới chú tôi đúng vào mùa trăng tháng Chạp, việc đồng áng cũng tạm xong, xóm làng xôn xao đón mừng năm mới, xuồng ghe rộn rịp, trai gái hớn hở vui cười; văn nghệ, hát hò vang cả xóm. Tôi nhớ nhất là đêm chuẩn bị rước dâu, bà tôi mấy đêm không ngủ, bà hết ra chợ lại ra vườn, bà chọn buồng cau trái sai da bóng, bắc thang hái trầu, lựa lá vàng đều nhau, không sâu... đem vào xếp lên một cái mâm đồng tỉa tót, ngắm nghía, rồi bảo: Đám cưới mà không có mâm trầu cau là thiếu lễ. Trầu cau tượng trưng cho sự gắn bó, thủy chung, là lễ vật truyền thống không thể thiếu được! Rồi bà quay sang nâng niu đôi đèn cưới, bà bảo: Cưới, hỏi gì cũng phải có đôi đèn. Đôi đèn tượng trưng cho sự sáng tỏ, ngày cưới đốt lên trình với ông bà, tổ tiên, con cháu hai họ có cưới gả đàng hoàng không phải loại đi ngang về tắt!

Nghe bà nói tôi mới hiểu, vì sao cưới gả cực nhọc như thế mà ai cũng muốn phải có đám tiệc rõ ràng. Âu đó cũng là một tập quán tốt đẹp mà dù cực mấy cũng phải lo và lo phải "đúng bài, đúng bản"; thiếu một lễ coi như lép mặt với họ hàng đàng gái, thất lễ với ông bà, rồi con cái so bì, thắc mắc. Vì vậy mà hàng xóm láng giềng thi nhau bắt chước, giàu nghèo ra sao, con cháu họ phải được cưới gả đàng hoàng. Dạo ấy, trong xóm có bà thím do giận con trai dắt vợ, suốt năm ai mời đám không dám đi, vì xấu hổ! Cưới, hỏi cũng là việc thù tạc lẫn nhau, con cái không gả, cưới được cũng là cái lỗi với tổ tiên.

Nhìn đám cưới chú tôi, thấy sự quan tâm lo lắng của ông bà, tôi càng thấu hiểu công lao cha mẹ là trời biển.

Ngày đi đón dâu cũng đông như đám hỏi, nhưng ai đã đi đám hỏi thì không đi đón dâu trừ trưởng tộc – chủ lễ và những người trong nhà. Do đó, tôi được bà giao ở lại phụ trách phòng chè (phòng bánh) với mấy cô. Vui nhất là lúc đàng trai rước dâu về tới, pháo nổ giòn tan, cả họ ai cũng nôn nao mong được xem mặt cô dâu, nhất là mấy đứa nhỏ cứ nhao nhao chen lấn ra trước để được đứng gần cô dâu. Ngày xưa, xem mặt cô dâu mới về nhà chồng cũng như đi xem nghệ sĩ về làng vậy!

Hôm ấy, thím Sáu tôi – cô dâu – mặc áo cưới màu đỏ, đầu đội lúp trắng, chân mang hài tía, chú tôi mặc bộ vét-tông màu cau khô, đứng cạnh bên cô dâu cười tủm tỉm. Cô dâu nét mặt đoan trang, đôi mắt đỏ hoe như vừa mới khóc, khép nép bước cạnh chú tôi lên bục tam cấp để vào nhà chồng. Đôi tân hôn cúi chào gia tộc đang ngồi sẵn trên hai bộ ngựa gõ, sau đó chú rể đưa cô đến bàn thờ gia tiên làm lễ; xong cả hai quay ra lạy hai họ, dâng rượu cho ông bà, rồi mới được vào phòng tân hôn. Phía sau, cô dâu phụ và các cô nhà gái bưng những mâm quà, lễ vật do đàng trai đi cưới hoặc bên đàng gái "tống hôn" tiến vào phòng cô dâu, chú rể. Theo tục lệ ngày xưa, phòng tân hôn là nơi "bất khả xâm phạm", nhất là con nít và con gái chưa chồng, phụ nữ có mang không được phép lui tới, nhằm để tránh điềm xui xẻo cho cô dâu, chú rể sau này. Thay xong chiếc áo dài màu thiên thanh, thím Sáu tôi càng tươi tắn xinh đẹp hơn, trước bao cặp mắt ngưỡng mộ của mọi người. Hãnh diện vì cưới được cô vợ đẹp, chú tôi khoác tay vợ ra bàn đãi khách. Mọi khi trông chú nhút nhát, ít lời, mà hôm nay thì uyên bác ra phết.

*

Đám cưới ngày xưa, việc đãi ăn cũng khác bây giờ. Con gái đàng trai thì tiếp bàn con gái đàng gái, con trai đàng trai thì tiếp bàn con trai đàng gái, trai gái không được ngồi xen kẽ như ngày nay. Trai gái ngày trước đi đám tiệc là để học hỏi và có dịp tìm hiểu ý trung nhân về ý ăn nết ở. Do đó, mới có câu "làm sui một nhà bắt gia cả họ". Rất nhiều cặp vợ chồng cưới nhau từ dịp quen nhau trong tiệc cưới, nên hầu hết các cô cậu đều phải giữ ý. Đặc biệt là các cô gái phải đi đứng thế nào cho khéo, khi ngồi phải kéo vạt áo làm sao để không bị rủ xuống đất, vừa không bị bẩn, vừa cảnh giác các anh chàng "cắc cớ" châm nhầm tàn thuốc làm cháy áo quần. Sắm được cái áo dài đi ăn cưới phải bán cả chục giạ lúa. Còn làm mướn thì phải mất cả chục ngày công, sơ sẩy để cháy thì tiếc lắm! Đã vậy, còn bị người ta cười chê là vô ý tứ.

Đám cưới ngày xưa, con gái không được nhắm rượu, dù chỉ nếm môi cũng bị quở trách. Để thử tài khéo léo, con trai thường mời con gái thực hiện những mẹo vặt như: mở nem lầu, xếp giấy để bát, đĩa... Vì nem lầu rất khó thắt, ai biết thắt mới biết mở. Để thử tính cẩn thận của các nàng, các chàng khi dọn bàn thường xếp đũa ăn bắt chéo, ngược đầu, nếu cô nào sơ ý vơ lấy, đũa rơi liền, hoặc ăn đũa lộn đầu... Cho nên đi đám cũng là cách học hỏi và cũng là tục lệ sinh hoạt văn hóa của ông bà ta thuở trước.

Ngày xưa, đám cưới rất ít đi bao thơ, chỉ có bà con xa, hàng xóm mới mời thiệp, bà con gần trong họ tộc thì đến tận nhà mời, và thường mời cả nhà. Con gái đi đám cưới là để tiếp công bếp núc; trai tráng thì che rạp, dọn bàn ghế... Cô nào muốn trổ tài khéo tay thì đám hỏi, ngày cưới tự tay làm ổ bánh bông lan, quả bánh thửng để làm quà và tiếp đám đãi khách. Có người còn thêu tặng cô dâu cặp gối cưới...

Đãi họ nhà gái xong, đàng trai tiễn mọi người xuống tàu. Cả khúc sông hòa vang tiếng nhạc, tiếng cười nói chúc tụng nhau thật quyến luyến, đậm đà. Tôi chú ý nhất là lúc thím dâu tiễn nhà gái xuống tàu, mắt thím đỏ hoe, tay cầm chiếc khăn mùi xoa chận nước mắt. Có lẽ do cảm thông với cô vợ trẻ lần đầu tiên xa cha mẹ, chú tôi ái ngại nhìn nàng, mặc dù miệng hô, tay vẫy nhưng lòng thì không khỏi bâng khuâng...

Tàu đàng gái rời bến khuất xa, mọi người trở lên tiếp tục dọn mâm đãi họ, tiệc tùng, ca hát tới chiều, thím tôi thay đồ cưới, mặc áo bà ba vào bếp dọn dẹp lau chùi, ai mời gì cũng bảo: "Để lát nữa con ăn sau!". Vốn ít uống rượu nên chú tôi luôn từ chối khéo, tuy vậy mặt chú cũng đỏ bừng, lắm lúc tay nâng ly mà mắt chú cứ hướng vào nhà bếp. Như nhớ ra điều gì, chú đi vội vào phòng chè, kề tai tôi nói nhỏ: Còn đĩa bánh bông lan nào ngon cho chú một đĩa! Tưởng chú mang ra đãi khách, tôi xếp bánh vào đĩa và trao ngay cho chú. Chú đón lấy mang vội vào phòng tân hôn. Tôi ngạc nhiên hỏi bà cô ngồi gần: Chú Sáu thích ăn bánh bông lan hả cô? Cô cười, xỉa vào trán tôi: Thằng Sáu này nó tâm lý, biết lo cho vợ. Thường là những ngày này cô dâu cực lắm, vừa là mặt tâm lý, vừa lo trong lo ngoài nên ăn ngủ gì được đâu, đã vậy mới về nhà chồng đâu dám hé môi thưa gởi điều gì, có cô mệt đến xỉu mà không dám than. Thằng Sáu mang đĩa bánh vào phòng là để chữa cháy cho cô dâu khi đói! Nghe bà cô nói, tôi càng thêm quý chú. Tôi nghĩ, chú là nông dân, ít đi đây đó mà sao "biết điều" vậy! Tôi thấy mừng vì cô dâu – thím Sáu tôi sẽ là người hạnh phúc khi có một ông chồng chu đáo, ga-lăng.

30 năm sau, tôi được chú thím mời về dự đám cưới đứa con trai đầu lòng. Đám cưới có đông đủ họ hàng và bạn bè cô dâu, chú rể, nhưng trên mỗi bàn tiệc, tôi không thấy đĩa bánh bông lan nào mà chỉ toàn bánh tây, bánh chợ. Nhớ đám cưới ngày xưa, tôi trêu chú rể: Để có thằng con trai đầu lòng tuấn tú như em ngày nay, đêm tân hôn má em phải ăn hết một đĩa bánh bông lan! Thím tôi nghe đỏ mặt kêu lên: Ủa, sao cô biết? Chú Sáu tôi đứng cạnh cười hì hì, nhéo tai tôi, nghiến giọng: Úy trời ơi! Con nhỏ này, sao mà... nhớ dai dữ vậy?

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #tảnmạn