Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

"Lép Bép" Bánh Nổ Ngày Xuân

Mỗi độ tháng Chạp về muôn màu thắm tô đất trời, rộn ràng bao âm thanh, hương sắc ngày Tết. Tết vào vạn thọ, hoa mai là màu vàng mịn màng, vào cành đào, đóa hồng là sắc đỏ tươi, vào những cánh đồng dọc sông mẹ Thu Bồn, những mảnh vườn nhỏ quanh nhà là màu xanh mơn mởn của chồi non vụ mùa mới và Tết vào âm thanh lắc cắc, lép bép những bánh trái của bà của mẹ cho đám con cháu thỏa thích mấy ngày Xuân.

Ngày còn nhỏ, Tết thích nhất là được phụ mẹ làm bánh in, bánh thuẩn, bánh nổ, bánh tổ, bánh chưng... Tết cứ y như là lễ hội bánh trái, nhà nào cũng làm bánh đủ màu đủ sắc, đủ vị. Và trong kí ức của bao thế hệ người con đất Quảng xưa chắc hẳn không thiếu âm thanh lép bép giòn tan của những chảo nếp làm bánh nổ.

Bánh nổ - như tên gọi của nó, muốn làm ra bánh phải "nổ" – một cách gọi tên dân dã, thân thương. Cũng từ nếp, từ gạo ông bà ta đã tạo ra nhiều loại bánh khác nhau, tạo nên sự phong phú trong ẩm thực ngày Xuân. Để làm được miếng bánh nổ giòn tan, thơm thảo, mẹ chọn những hạt nếp chắc mẩy, tròn lừng lựng rồi phơi lại một nắng cho khô. Nếp sẽ được cho vào cái chảo thật to và rang đều. Rang nếp để làm bánh nổ cũng là một nghệ thuật, phải rang làm sao cho nếp chín đều, hạt nổ bung và không được cháy để giữ sắc trắng của nổ. Khi rang nổ, phải đậy chảo rang bằng một cái vung lớn để tránh nổ văng vào người. Ấy vậy mà, mỗi khi nhà nào rang nổ là đám con nít quanh nhà xúm xít lại mà ngồi đợi hạt nổ văng ra nhặt lấy nhặt để. Một góc trời rộn tiếng lép bép của những hạt nổ, tiếng trẻ con hí hửng reo đùa và cả tiếng la, tiếng dặn dò của mấy chị. Hồi tôi còn đi học mẫu giáo, trước cổng trường có chỗ nhận rang nổ thuê, giờ nào cũng thấy đám con nít xúm đen xúm đỏ lượm những hạt nổ văng ra ngoài. Đi học về trong cặp đứa nào cũng có một nắm lẫn lộn cả bỏng và vỏ nếp, miệng lấm lem nhọ nồi.

Bỏng nếp - sau khi được nhặt sạch vỏ trấu có màu trắng như bông. Nó được ngào với đường đen thắng gừng, hương vanilla, sau đó cho vào khuôn, nén chặt, đóng mạnh "đùng đùng" trên khuôn gỗ. Tùy khuôn của mỗi nhà mà miếng bánh nổ sẽ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Những miếng bánh nổ đầu tiên ra khuôn bằng nhiều cách sẽ "nằm yên" trong bụng mấy đứa nhỏ với tiếng cười giòn tan như hạt nếp lép bép trên chảo. Còn nhớ hồi ấy, sau ngày gieo cấy vụ mùa tháng Chạp, đêm về mẹ chong đèn nhặt nổ, hết thúng này đến thúng nọ, rồi đánh đùng đùng mỗi lúc in bánh. Âm thanh lép bép, đùng đùng cứ theo mãi những năm tháng ấu thơ, đều đặn, nhịp nhàng như Tết về sau hai vụ mùa vất vả.

Tết - trên nẻo quê đơn sơ và đậm hương vị, âm sắc. Cũng có thể vì cuộc mưu sinh thường nhật yên bình, mộc mạc nên Tết về thấy rộn ràng và rạo rực quá?! Nhưng đó là Tết của mười mươi năm trước, còn bây giờ đi chúc Xuân nhà nào cũng thấy bánh mứt làm sẵn với mẫu mã đẹp, đủ loại hương vị. Thế mà cảm giác rất đỗi nhạt nhẽo và "thường"!

Sống ngay giữa đất mẹ mà lòng nhớ quê da diết, thèm nghe tiếng lép bép nổ rang, thèm ngày đầu Xuân nâng chén trà nóng với miếng bánh nổ thoang thoảng, đậm đà hồn quê. Thử hỏi "Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?".

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #tảnmạn