Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Mắm Sặt Bần Chua Mùa Nước Nổi

Mỗi lần về quê cũ thấy tụi nhỏ rủ nhau đi hái bần là lòng tôi lại hoang mang nhớ đến kỷ niệm của những ngày còn cắp sách đến trường. Hồi đó, vào những ngày Chủ Nhật, bạn bè năm ba đứa thường bơi xuồng dọc theo những con kinh, con rạch để ngắt bông lục bình hoặc bẻ bần mang về cho mẹ nấu canh chua.

Thời gian cứ vô tình trôi mải miết, mới đó mà mình đã xa những dòng sông quê, xa những rặng bần mấy mươi năm rồi! Thật thương cho cây bần, chỉ vì cái tên không đẹp mà ai cũng có thành kiến:
Cây bần kia hỡi cây bần,
Lá xanh bông trắng lại gần chẳng thơm.

Theo quan niệm dân gian, bần là nghèo, là lầm than khổ cực "Thân em như trái bần trôi. Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu?". Đã vậy, có người còn xem bần như đồ bỏ, đồ tầm thường:
Không thương, em hổng có cần,
Trầm hương khó kiếm chớ đước bần thiếu chi

Thế nhưng, cây bần rất gần gũi với bà con Nam Bộ. Khúc sông nào có bần, có gió thổi lao xao là nơi đó có ghe xuồng neo đậu để tránh nắng. Ban đêm, bần là nơi hội tụ sum vầy của những loài đom đóm.

Do đó, dòng họ của cây bần cũng đã vinh dự đi vào văn học dân gian "Bần gie đóm đậu sáng ngời. Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên".

Ngoài ra, bần còn được thăng hoa mà mãi cho tới nay vẫn còn lưu truyền như một huyền thoại. Đó là lần Nguyễn Ánh đến sông Hàm Luông (Bến Tre), nửa đường hết lương thực, được người dân nơi đây mời dùng cơm.

Bữa cơm chỉ có mắm sống ăn kèm trái bần chua. Sau khi thưởng thức xong, Nguyễn Ánh cảm thấy thơm ngon kỳ diệu, ngài liền cám ơn dân làng và hỏi: "Đây là trái gì?". Bà con trả lời "Trái bần".

Nguyễn Ánh nói: "Cây bần có lá xanh um, mềm mại giống như cây liễu ở bên Tàu. Nhưng cây liễu bên Tàu mọc trên cạn còn cây bần mọc dưới nước. Nay ta đổi tên "Bần" lại thành "Thủy liễu". Thế là từ đó, cái tên "Thủy Liễu" đã đi vào văn học.

Giờ đây, mỗi lần nghe ai đó nhắc đến: "Muốn ăn mắm sặt bần chua. Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm", tôi lại càng nhớ quê, nhớ da diết những món ăn dân dã được chế biến từ bàn tay trìu mến của mẹ mình như món canh chua cá linh nấu bần, bần chua cặp mắm sống, bần chín dầm cá kho hoặc mắm kho...

Tuy ở thị thành, chúng ta từng thưởng thức nhiều món ngon hảo hạng nhưng chắc chắn chưa có món nào giữ lại trong ký ức mình một thứ dư vị độc đáo như món bần chua, đặc biệt là món bần chấm mắm ruốc vừa chua cay, vừa mặn nồng, ai ăn cũng hít hà, thế mà nó ngon đến lạ lùng, ngon một cách ám ảnh.

Cho đến bây giờ, những mái đầu xanh thuở đi hái bần nay đã bạc màu sương gió, vậy mà vẫn còn luyến lưu, không sao quên được cái thứ hương vị chua chua, chát chát, mặn mà nên duyên đó!

Quên làm sao được những con nước lớn tràn bờ, bạn bè ba bốn đứa bơi xuồng, mạnh ai nấy hái, đứa nào cũng mải mê vui đùa, không chú ý đến đàn ong bần vỡ tổ, mọi người hoảng hốt phải nhảy đùng xuống sông tìm cách giải thoát.

Với tôi, cây bần có rất nhiều kỷ niệm. Bần không những dung dị, mộc mạc, hoa bần tinh khiết nở về đêm mà trái bần, đọt bần còn là một thứ hương vị đặc trưng giúp cho các bà nội trợ có dịp thi thố tài nghệ, nâng các món ngon miệt vườn lên đầu bảng trong các món "danh bất hư truyền", cụ thể như món đọt bần xào thịt chuột.

Đáng mừng hơn nữa là cách nay không lâu, tại cù lao Long Trị, thị xã Trà Vinh có một người phụ nữ là bà Tư Cúc đã thay đổi cuộc đời "nghèo khổ" của bần bằng cách dùng trái bần để chế biến thành món ăn đặc sản vang danh thiên hạ, đó là bột bần (dùng nấu canh chua) và mứt bần.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #tảnmạn