Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Triều đình bàn việc đánh hai thôn Đường - Nguyễn

Một buổi chầu triều sớm đầu hạ năm Canh Tuất [950], chúng quan lại tướng lĩnh triều đình Cổ Loa đang lao xao bàn luận cục diện hiện tại ở Tĩnh Hải quân.

- Bẩm Bình Vương, hiện nay ở phương Bắc chiến loạn thập quốc vẫn chưa đến hạ hồi, là thời cơ thuận lợi cho ta ở đây ổn định tình hình. Nhân cơ hội đó mà lần này ta ra tay quét sạch sẽ loạn đảng, thâu lại binh quyền, nhanh chóng thiết lập lại hệ thống phòng tuyến thủ chắc ở phía Đông và phía Bắc biên thùy nước ta.

Một viên quan cho ý kiến, khắp nghị đường liền trở nên sôi nổi, ai cũng đều gật gù cho là phải. Bình Vương ra hiệu im lặng, giọng ồn ồn hỏi lại:

- Thế theo ý chúng quan, ta nên có kế sách thế nào là phải?

Cả hội liền ú ớ nhìn nhau, đá mắt cầu cạnh viên quan khi nãy phát biểu tiếp lời, rồi cũng im bặt, nín thinh như thể bị căm. Dương Bình Vương nhìn một lượt nghị đường rồi thở dài, lộ vẻ bất lực, "hừ" lên một tiếng rõ là bực tức.

- Bẩm đại vương, theo ngu kiến của của con thấy hiện nay ở nước ta cát cứ phía Nam Giao Châu là Phạm Bạch Hổ, hắn tự xưng là Phạm Phòng Át, mấy năm qua nắm giữ vững chắc Đằng Châu, lại không ngừng luyện binh tích trữ lương thảo, quân trong tay hắn cũng phải 6000 - 7000. Lại nói chếch về phía Đông Đằng Châu là Nam Sách, địa bàn của Phạm Lệnh Công cũng là cha của Phòng Át. Bao nhiêu năm qua ta đưa quân xuống đấy mấy lần bắt...Xương Ngập nhưng đều bất thành là vì bọn chúng dựa thế núi non hiểm trở, binh lực mạnh mẽ mà phòng ngự. Xa xuống phía Nam Đằng Châu là Trần Lãm, hắn tự xưng là Trần Minh Công nắm giữ vùng Bố Hải Khẩu, thế mạnh là thủy binh, cũng chừng hơn 5000 quân. Ngược về Tây và Bắc Giao Châu, lại thấy một vùng Tam Đái rộng lớn từ ngã ba Bạch Hạc trở xuống ven tả ngạn sông Nhị Hà, đất đai phì nhiêu màu mỡ, người đông đất bằng lại nằm trong tay Nguyễn Khoan. Binh lực đếm hơn 5000 quân, địa thế cũng không hẳn là hiểm trở khó công. Trong khi đó ở hữu ngạn sông Nhị Hà lại là địa bàn Đường Lâm của Ngô Nhật Khánh chiếm đóng. Thế mạnh của hắn là thủy quân, chuyên đánh trên sông, chứ bộ binh kỳ thực không lấy làm sợ hãi. Bởi đó, con nghĩ ta nên đánh hai thôn Đường và Nguyễn trước, lấy được vùng này, ta tiến gần hơn đất Phong Châu, vừa uy hiếp được Kiều Công Hãn lại vừa có trong tay vùng đất đai rộng lớn, không sợ thiếu lương hụt binh. Lại nói ta nắm trong tay hai vùng đất đó, không lo sợ Phong Châu đánh úp. Tranh thủ thời cơ đó ta ra tay đánh xuống phía Nam, diệt Đằng Châu, đến Nam Sách bắt Xương Ngập. Có như vậy đại vương đã nắm trong tay cái thế vững chắc, từ từ chiêu dụ Trần Lãm, Kiều Công Hãn, đánh dẹp bọn giặc cỏ hiện đang nổi lên khắp nơi ở phía Nam. Đại cuộc sẽ sớm yên ổn.

Chúng quan võ tướng nghe xong đều cười niềm nở, cho là Ngô Xương Văn nói chí phải, cả thảy đều hùa theo ca ngợi tán thành. Bình Vương nghe thế chỉ khẽ nhíu mày, đôi mắt sắc lẹm, già dặn nhìn Xương Văn chăm chú như đang suy tính điều gì. Hồi lâu mới ngồi thẳng dậy, khẽ phất tay áo rồi nghiêm nghị nói:

- Binh triều của ta hơn một vạn, khí giới, ngựa chiến, lương thảo không thiếu. Nay nói xuất binh đánh hai thôn Đường, Nguyễn e là khó nếu chỉ xuất quân một nửa, mà cho đi hết thì lại thành dại dột, khác gì mở cửa đón giặc ở Nam tràn vào. Vẫn là nên theo kế sách chiêu hàng Tam Đái trước.

- Đại vương, thời cơ này chỉ có một, đương vào đầu hạ, tranh thủ lúc nước sông chưa đầy, ta phải ra quân đánh Đường Lâm thật nhanh, sau đó tận dụng thủy quân vượt sông tràn vào Tam Đái. Nếu kéo dài đến mùa mưa, nước sông Nhị Hà dâng cao, thuyền bè rất khó vượt sông. Khi đó chưa kịp bỏ mạng vì mưa tên của Nguyễn Khoan, lại phải chết vì nước sông nhấn chìm mất.

Chúng quan võ tướng đều cho là chí phải, đứng ra chấp tay bẩm tấu, tán thành với ý kiến của Ngô Xương Văn. Bình Vương lại dùng ánh mắt dò xét Xương Văn, hỏi:

Vậy theo ngươi, binh mã bao nhiêu là đánh được?

Có vẻ Dương Bình Vương đang lo sợ điều gì đó, tỏ vẻ chần chừ mãi nhưng lòng vẫn muốn hiểu thấu hơn.

- Bẩm đại vương, con thiết nghĩ chỉ 4000 bộ binh và 500 thiết kỵ. Ta tiến đánh Đường Lâm trước, xua 500 thiết kỵ tiên phong đánh thị uy với địch và chia 3000 bộ binh làm hai hướng Đông, Nam tiến công vây đánh, 1000 quân còn lại dùng thuyền ngược sông Nhị Hà đi lên phía Bắc Đường Lâm phòng khi quân Nguyễn Khoan tràn xuống giúp đỡ. Đại vương ở Cổ Loa cắt cử thêm 1500 quân tiến lên phía Bắc đóng quân gần biên với Tam Đái, ngày đêm chuyển binh qua lại để dọa địch, buộc Khoan phải phòng thủ không dám chia quân xuống phía Nam giúp Khánh được.

Dương Bình Vương nghe Xương Văn bàn mưu như vậy lòng liền phấn khởi, nét vui hiện rõ ra trên mặt. Mọi hiềm nghi cũng tự nhiên biến mất, không còn mảy may một chút nghi ngờ với Xương Văn.

- Hay! Rất hợp ý của ta. Nào, con hãy nói tiếp cho ta nghe, sau đó thì sao?

- Bẩm đại vương, theo tin tức của tế tác báo về, quân của Ngô Nhật Khánh chỉ chừng 4000, lại gần quá nửa là thủy binh, chỉ mạnh trên sông nước. Ta dùng đại quân trấn áp địch ở trên bộ, chỉ cần bắt và diệt được đầu sỏ thì coi như ta đã thắng. Ta thuyết phục ba quân chúng sĩ quy thuận triều đình, tự khắc trong tay đã có hơn 1000 thủy binh tinh nhuệ, thêm lính bộ ước chừng 2000 tên, hợp thành đại quân cũng đã lên 7000 người ngựa. Ta tranh thủ vượt sông, ấy là có cái thế áp đảo Tam Đái. Quân ta đông, địch nghe cũng đã rụng rời, chả mấy mà thắng nhanh chóng.

Dương Bình Vương cười vang như vừa thắng một trận lớn, chúng quan lại cũng cười hùa theo như được mùa. Ai ai cũng vui mừng, như thể trận này đã thắng vậy. Bình Vương liền nghiêm mặt, dõng dạc phán truyền:

- Lệnh cho Ngô Xương Văn làm thống soái, cùng với hai tướng Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc dẫn 4000 binh bộ và 500 thiết kỵ tiến đánh Đường Lâm. Giao cho Trần Cao Tri dẫn 1500 lính kéo lên mạn Bắc Giao Châu, hạ trại thị uy với địch, không có lệnh thì không tự ý xuất quân xâm phạm Tam Đái, còn nếu chúng xâm phạm, giết không tha!

Nghe mệnh lệnh của đại vương, chúng tướng "Dạ" rang rồi lập tức lui ngay để chuẩn bị. Chúng quan ở lại xì xào với nhau mấy lời rồi cũng bãi triều, ai về nhà nấy. Lúc đó mặt trời đã lên cao gần đứng bóng, giờ Ngọ hai khắc.

Ngày hôm sau...

Tin tức triều đình Cổ Loa chuẩn bị tiến đánh Đường Lâm nhanh chóng vang xa, quân tế tác khắp nơi gửi tin báo về cho chủ tướng. Ai ai cũng đều ngạc nhiên, triều đình lại chơi lớn đến vậy, việc quân sự nhưng dân chúng lại dễ dàng tường tận, bàn tán sôi nổi khắp đầu chợ cuối xóm. Đường Lâm nằm cách Cổ Loa khoảng 30 dặm đường, ngựa phi một ngày đường là tới nơi. Sứ quân Ngô Nhật Khánh hay tin liền bật cười khoái trá, cười mãi không ngớt khiến thủ hạ bên dưới ngạc nhiên, ngẩn người không dám nói lời nào.

- Coi bộ triều đình hết tướng tài rồi hay sao mà lại để thằng nhóc con này dẫn binh tiến lên đây đánh ta vậy? Thật là buồn cười quá đi mất.

Nói rồi sứ quân lại cười. Chúng tướng cũng không dám nói gì, im lặng đợi lệnh.

- Sao nào? Ai đã có kế sách đối phó gì hay, mau mau nói cho ta cùng chúng tướng nghe xem.

Mọi người quay sang nhìn nhau xì xào bàn luận, bỗng một viên tướng người cao hơn bốn trượng, dáng vẻ uy nghiêm, to con sừng sững như cái cột nhà, y bước ra giữa nghị đường vòng tay cung kính mà tâu:

- Bẩm Sứ quân, Ngô Xương Văn là đứa trẻ khờ dại, vốn là con trai thứ hai của Ngô Vương. Lên 9 tuổi đã phải chịu cảnh bức hiếp ép làm con nuôi, bị thằng giặc Dương Tam Kha cướp ngôi rồi đuổi anh trai là Xương Ngập chạy khỏi đất Giao Châu. Nay lại phải theo lệnh thằng cha nuôi bất trung bất nghĩa mà dấn thân vào chốn chiến trận. E cũng là ý đồ của Dương Tam Kha cả đấy.

Sứ quân gật gù ra vẻ tán thành ý bàn của Tổng quản Đỗ Nhất Bình.

- Thằng em họ này của ta quả thật là đáng thương hơn là đáng trách. Trách là trách thằng Ngập bất tài, trốn chui trốn nhủi cái xó nào biệt tích sáu năm nay không thấy bóng dáng. Cơ nghiệp của Ngô Vương cứ thế mà lại rơi vào tay họ Dương. Cũng phải nói cái thế sự nói rối ren như tơ vò. Ai nghĩ được xưa kia Ngô Vương đi theo Dương Đình Nghệ lập đại nghiệp, Giao Châu vào tay họ Dương, rồi lại bị Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Vương mới đánh Tiễn trả thù cho Dương Tiết độ sứ, sẵn đà đá đít quân Nam Hán ở Bạch Đằng giang. Giang sơn này mới từ đó mà về tay họ Ngô ta. Nay lại rơi vào tay họ Dương một lần nữa. Ai cũng biết Dương Tam Kha là con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, bởi thế mà lòng người ba quân cũng cho là lẽ hợp tình mà theo vậy. Nhưng đã làm phản cướp ngôi thì vẫn là phản tặc cướp ngôi mà thôi. Tình với chả lý.

Sứ quân kể lể, giọng vừa tiếc thương lại vừa hậm hực. Mọi người trong nghị đường cũng lặng thinh, hiểu rõ tình thế bây giờ. Nhưng cái trước mắt vẫn là chống đỡ quân triều đình sắp sửa kéo đến thăm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #lichsu