Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

⛱1: Ký ức ngày hè năm ấy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Ngọc Uyên (ngocuyen07)

Tên văn bản tham gia: Ký ức ngày hè năm ấy

Văn bản tham gia:

 Tiếng ve kêu xuyên suốt buổi trưa, mà trưa ấy đám trẻ chúng tôi cũng chẳng ai ngủ.

 Ông ngoại ngủ rồi, không trốn ra ngoài chơi thì không phải chúng tôi. Lang thang trên vườn, đi qua hàng trăm gốc cà phê lớn, chúng tôi tìm bắt ve. Âm vang rền rĩ ấy như có hàng ngàn con ve trong vườn, vậy mà cả giờ đồng hồ rồi chúng tôi mới thấy và bắt được vài con ve.

 Chúng trốn giỏi thật. Chỉ cần tôi tiến lại gần nơi phát ra tiếng kêu, nó lập tức im bặt. Nếu tìm được nó và nhanh tay là tôi chộp được rồi, nhưng nó bao giờ cũng ở vị trí trên cao, cái nơi mà một con nhóc như tôi với không tới.

 Chà, mục tiêu kia rồi. Một con ve sầu to bự vừa tắt tiếng kêu. Tôi lăm le lại gần, đưa bàn tay ra, từ từ tiến lại. Khoảnh khắc tôi chuẩn bị bất ngờ chộp con ve sầu ấy thì tiếng gọi từ nhà ngoại đã vọng đến. Tôi giật mình, con ve ấy cũng bay mất tiêu.

 Thậm chí còn chẳng có thời gian để tiếc nuối, mấy anh chị em chúng tôi nhanh chóng chạy về và thầm run sợ khi sắp đối diện với những cây roi bằng cành cà phê.

- Mấy đứa lại chạy đâu hết rồi? Có về ngủ trưa không hay ăn roi đây?

 Ông ngoại tôi cầm cây roi nhỏ dài màu đen, nhìn về phía chúng tôi mà quát. Chúng tôi sợ về thì bị đánh, nhưng lại không có gan trốn.

- Mỗi đứa mấy roi đây? Có vào ngủ đi không hay ăn đòn rồi ngủ?

 Nghe thế, đứa nào cũng sợ kinh khủng, thật may là khi ấy ông chỉ đe tụi tôi chứ không đánh thật. Trời hẵng còn trưa, ông lại bắt chúng tôi ngủ một lần nữa. Đứa nào đứa nấy nằm im thin thít, không dám ngọ nguậy. Vậy mà khi ông vừa chìm vào giấc ngủ, mấy đứa tiểu quỷ chúng tôi lại rón rén ra ngoài...

 Không lên vườn bắt ve nữa, lần này chúng tôi mò ra con suối trước nhà. Hai bên suối rất cao và dốc, bởi nhà ngoại tôi ở trên cao. Con suối nhỏ, nước chỉ đến đầu gối tôi. Từ từ men tới bên suối làm sao để không bị ngã, tôi là đứa xuống bên mặt suối cuối cùng. Nước chảy róc rách qua những tảng đá lớn và đá đá nhỏ, và cả những cây rong xanh mướt kia tạo nên một cái nền thật đẹp cho bản hoà nhạc vui tai. Ánh nắng chiếu xuống, mặt nước lấp lánh ánh vàng. Tôi đưa tay khẽ chạm tới những vệt sáng lấp lánh ấy, không chạm được. Tôi đứng dậy, xắn quần lên, khẽ nhón chân, từ từ chạm nhẹ vào mặt nước.

 Mát lạnh.

 Bước được vài bước dưới nước nhẹ nhàng thế thôi, nhưng khi nhiều người cùng xuống, có cẩn thận tới mức nào thì cũng không thể giữ cho nước trong được. Dòng nước dần đục đỏ màu đất, thoáng chống tôi cảm thấy những cục đất bé tí đang chảy qua cả kẽ chân tôi.

 Tôi tìm được một cái hang cua ngay bên suối, thế là tất cả đều vây quanh đó, tìm cách bắt cua. Sau bao nỗ lực, cái hang đã bị đào ra, dòng nước đã đục lại càng đục thêm. Con cua bé xíu, cái càng của nó cũng vậy, thế rồi vì quá bé, nó lại được thả đi.

 Tranh thủ lúc ngoại còn chưa dậy, chúng tôi mò lên trên một đoạn để có nước sạch rửa chân rồi lại về giường nằm. Chẳng biết là ngoại không phát hiện ra thật hay giả vờ không biết nữa, vì hình như lúc nãy, khi đang rửa chân tôi thấy bóng ông ở trên nhà nhìn xuống.

 Buổi chiều, tụi tôi bị cấm ra ngoài chơi. Đây là hình phạt vì không chịu ngủ trưa. Không sao cả, anh họ đã chuẩn bị giúp chúng tôi hết rồi. Cái đĩa tròn được cho vào, rồi anh mở đầu đĩa lên bằng một cách nào đó mà tôi không biết (khi lớn lên cũng thế).

 Một cái tivi 14 inch đã chiếu hàng chục bộ phim, chiếu đi chiếu lại trong những năm tháng ấy. Mỗi lần đĩa xước, chiếu phim hoạt hình mà bị rè liên tục, rồi còn kẹt ở trong máy làm chúng tôi sợ đến phát khóc. Phải biết rằng, chỉ có nhà ngoại mới có đầu đĩa để xem thôi. Cái máy mà hỏng thì sau này chúng tôi đừng mong được rớ vào tivi hay gì nữa.

 3 giờ chiều, ông để tụi tôi tự chơi với nhau rồi chạy xe lên chùa đón bà ngoại đi lễ về. Nghe tiếng xe từ xa, chúng tôi chạy ùa ra đón họ. Cái túi vải màu nâu của bà phập phồng vài cái bánh, cái kẹo.

 Hầu như bao giờ mấy cái bánh nếp, bánh gấc, bánh gai cũng đều bị chúng tôi chừa lại. Thứ chúng tôi thích chỉ có kẹo và những cái bánh được đóng gói trong bao bì mà thôi. Và nhiều khi, trông chúng đẹp mắt mà chẳng ngon tẹo nào. Nhưng chờ quà bánh của bà khi đi chùa về đã trở thành thói quen khó bỏ của tôi.

 Bà về, nghỉ một lúc thì sẽ lại bắt đầu kéo chúng tôi đi tắm. Cứ 2, 3 đứa một, bà tắm rửa kì cọ cho sạch sẽ rồi lại ngồi giặt đồ cho tụi tôi. Nhiều năm liền, trong nhà bà lúc nào cũng có tới hàng chục bộ đồ của mấy đứa cháu.

 Tắm xong thì ông cũng đã lo xong cơm nước. Này nhé, có ai được như ông ngoại tôi không? Sáng 5 giờ ông sẽ dậy lo cơm nước, 6 giờ lại đưa bà đi chợ. Cơm trưa ông cũng nấu, cơm tối ông cũng lo. 6 giờ 30 tối hàng ngày ông lại lo đưa bà tôi đi chùa.

 Trừ khi ông vắng nhà, những bữa cơm của chúng tôi ở nhà ngoại đều do ông lo tất.

 Khi nắng cuối ngày đã nhuộm vàng mọi thứ, nhuộm luôn cả mái tóc đen xen bạc của ông, bóng ông khập khiễng bước tới bên bờ ao cho cá ăn. Cám cá bị ông hất xuống nước kêu rào rào, rồi sau đó, ông lại cúi xuống, cầm cái gáo nhựa đều đều gõ vào chân giả của mình. Tiếng gõ vang khắp mặt ao.

 Ngày nào cũng thế, chiều chiều cho cá ăn, ông sẽ dùng cách này để gọi cá. Bao năm không đổi.

 Tối đến, theo tiếng gọi của những đứa trẻ nhà hàng xóm, và cũng là anh, em, cậu họ của tôi (cả cái thôn này, đâu đâu cũng là họ hàng), chúng tôi lại tìm đến một bãi đất trống để chơi.

 Ánh trăng bàng bạc nhẹ nhàng phủ lên những tán cây, những căn nhà và những con người. Trăng in bóng dưới mặt nước, lại "đi theo" qua những hàng cây chết khô, soi sáng cả bầu trời xanh, trốn sau những áng mây đen...

 Ánh lửa trong đôi mắt chúng tôi lập loè, lúc to lúc nhỏ, khi dụi dụi mấy cây củi đang cháy, những đường sáng nhỏ màu cam đỏ bay lên cao, dày đặc, chi chít, ngắn dần rồi lại vụt tắt.

 Tiếng gõ gọi cá của ông kéo tôi về thực tại. Vừa rồi... là mùa hè của tôi nhiều năm trước đúng không? Đã bao lâu rồi tôi mới nghe tiếng gõ phát ra từ cái chân giả của ông, đã bao lâu rồi tôi mới nhớ về những ngày hè tốt đẹp ấy?

 Hình như tôi đã quên...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top