Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

thuc trang SV VN

Thực trạng đạo đức sinh viên (SV) hiện nay nổi cộm nhiều vấn đề đáng lo ngại: Một bộ phận chạy theo lối sống cá nhân thực dụng, đua đòi, sa vào tệ nạn xã hội, tiếp thu thiếu chọn lọc lối sống từ bên ngoài... Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc giáo dục đạo đức cho SV cần đổi mới và toàn diện.

Điều quan trọng nhất là cần xác định một số nguyên tắc chủ yếu, làm cơ sở đề xuất các biện pháp giáo dục đạo đức cụ thể. Nói khái quát, đó là những nguyên tắc của đạo đức cách mạng dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có bốn nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng: Rèn luyện đạo đức là công việc phải tiến hành lâu dài, bền bỉ suốt đời; giáo dục đạo đức bằng nêu gương sáng; xây dựng đạo đức cách mạng, đồng thời đấu tranh chống lại những hiện tượng phi đạo đức; khắc phục những biểu hiện của tư tưởng, đạo đức cũ không còn phù hợp và xây dựng tư tưởng đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ: Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí"(1). Người viết về nguyên tắc kế thừa và đổi mới khi xây dựng một nền đạo đức mới: "Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ... Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm"(2). Người nói về tác dụng của việc nêu gương sáng đạo đức: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"(3).

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của thanh niên sinh viên (TNSV) và rất quan tâm đến công tác giáo dục họ. Ph.Ăngghen từng chỉ rõ giá trị của việc giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp cách mạng vô sản: "Những người công nhân tiên tiến nhất cũng hoàn toàn nhận thức được rằng tương lai của giai cấp họ, và do đó, của cả loài người, hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên"(4). V.I.Lênin ngay từ "đêm trước" của Cách mạng Tháng Mười Nga đã luôn quan tâm đến phong trào cách mạng dân chủ của thanh niên lúc bấy giờ với một cảm tình đặc biệt. V.I.Lênin đề nghị: TNSV là một bộ phận của lực lượng cách mạng, một mặt phải chú ý đến tính đặc thù của họ, mặt khác không nên đẩy cao tính đặc thù này sẽ gây nên sự tách biệt. V.I.Lênin phê phán những quan điểm giáo dục không đúng đắn, như thỏa hiệp hoặc khắt khe với TNSV.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến những nguyên tắc định hướng giáo dục đạo đức cho TNSV. Trong buổi gặp gỡ và trò chuyện với cán bộ và SV Việt Nam ở trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp, Mát-xcơ-va ngày 1-2-1959, Người nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa. Muốn có con người xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa thì phải xây dựng tư tưởng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa"(5). Trong thư gửi thanh niên ngày 2-9-1965, Người căn dặn: "Luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng, khiêm tốn và giản dị. Chống kiêu căng, tự mãn. Chống lãng phí, xa hoa"(6). Trong Di chúc năm 1969, Hồ Chí Minh nhận xét về đoàn viên thanh niên và chỉ rõ tầm quan trọng của việc giáo dục đức và tài cho lớp trẻ: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"(7).

Trong lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân ngày 19-1-1955, Hồ Chí Minh căn dặn TNSV: "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?"(8) và Người nói về nguyên tắc giáo dục TNSV: "Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với những cuộc đấu tranh của xã hội."(9); "Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn, sửa chữa"(10). Về bản thân người TNSV, Người căn dặn: "Thanh niên càng phải xung phong hăng hái thực hiện khẩu hiệu "Đâu cần thanh niên có, đâu khó thanh niên làm"(11).

Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định mục tiêu của chúng ta là "Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành TƯ Đảng (khoá VI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc nhận định về vấn đề giáo dục đạo đức cho SV như một lời cảnh báo về những thay đổi sau 5 năm đổi mới: "Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục tư tưởng, đạo đức còn kém, một bộ phận học sinh, sinh viên mờ nhạt về lý tưởng xã hội chủ nghĩa"(12). Văn kiện Đại hội IX vạch rõ: "Đối với thế hệ trẻ, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hoá, sức khoẻ, nghề nghiệp, giải quyết việc làm, phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam đến năm 2010 ban hành kèm theo Quyết định số 70/2003/QĐ-TTg ngày 29-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định mục tiêu tổng quát: "Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, trở thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao và phát huy tốt vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Chiến lược đưa ra 6 mục tiêu cụ thể hoá mục tiêu tổng quát, trong đó mục tiêu đầu tiên, liên quan đến vấn đề giáo dục tư tưởng, chính trị và đạo đức: "Nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng phẩm chất tốt đẹp và giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên".

Vai trò lãnh đạo của Đảng và hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể rất quan trọng trong công tác giáo dục ý thức đạo đức cho SV. Nó có tác dụng định hướng và củng cố sự kiên định trên con đường đã chọn, tránh chệch hướng, thụt lùi, nhất là trong bối cảnh xã hội khá phức tạp hiện nay, với nhiều tác động đa dạng đối với nhận thức tư tưởng cũng như ý thức đạo đức sinh viên. Nguyên tắc ở đây là kết hợp vai trò lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của các đoàn thể trong công tác giáo dục đạo đức cho SV. Trong công tác giáo dục đạo đức và quản lý SV, tổ chức đảng đóng vai trò lãnh đạo, định hướng nhận thức và hành động, xây dựng chiến lược và kế hoạch dài hơi, chỉ đạo công tác thông qua các hoạt động phong trào của các tổ chức đoàn thể, không làm thay, không chồng lấn chức năng nhiệm vụ. Các cấp bộ đảng trong các trường đại học và cao đẳng, như đảng bộ trường, chi bộ khoa và bộ môn, phải quan tâm sâu sát đến mọi hoạt động liên quan đến SV để có phương hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Một bộ phận hữu cơ có vị trí rất quan trọng trong cơ cấu tổ chức của Đảng trong các trường đại học đó là các chi bộ SV. Các chi bộ SV dần tăng về số lượng trong các trường, đang ngày một khẳng định vai trò của mình trong các lĩnh vực học tập, hoạt động phong trào, tiêu biểu là một số chi bộ SV thuộc các trường Đại học Bách khoa, Xây dựng, Nông nghiệp I, Y Hà Nội, Kiến trúc, Kinh tế quốc dân. Mỗi đảng viên SV đều cần trở thành những đầu tàu gương mẫu trong học tập, sinh hoạt và rèn luyện đạo đức. Chính những đảng viên sinh viên, do đặc thù của mình, gần gũi và đồng đẳng, sẽ có tác dụng khuyến khích, cổ vũ và tổ chức mọi hoạt động của SV trong lớp, trong trường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: