Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

20. Duyên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Diệp nằm ngủ li bì gần một ngày trời. Cả nhà có lo lắng sốt ruột thì cũng chẳng ai nỡ đánh thức một người vẫn còn đang mê mệt như thế. Sau từng ấy nỗi nhọc nhằn của thể xác, lại thêm cái áp lực chống đỡ về tinh thần, có lẽ ngủ được lại là phương pháp lành thương tốt nhất, chí ít trong lúc ngủ người ta không còn cảm thấy đau đớn. Ấy là Ngũ nghe mấy người lớn trong nhà khẽ an ủi nhau thì biết thế, nhưng mỗi canh giờ trôi qua mà chưa thấy Diệp tỉnh lại, anh vẫn cứ sốt ruột đi ra đi vào, tâm trạng bí bức không tả được.

Cũng tầm giờ này ngày hôm trước, lúc tận mắt nhìn thấy máu đen ồng ộc phun ra từ giữa hai chân cậu, có trời mới biết anh đã hoảng cỡ nào. Chân tay Ngũ rủn ra, đầu chỉ nghĩ ngay đến chuyện vợ thằng bạn cùng cơ quan bận trước. Bao nhiêu sách này sách nọ thôi thế là biến hết, cả con cũng lẳng phắt cho bà nội ôm. Cái giọng bình thường đã hay gằn gọc làm mọi người phát khiếp, giờ lại quát như xé tai lên. Cả mấy người đàn bà xanh mặt khi tự dưng thấy một thân hình to lớn nhảy bổ lên giường, cứ vừa lay người đang nằm vừa gào bà ơi u ơi, nhà con băng huyết hay sao ấy.

"Ô cái thằng này...có im đi cho vợ mày ngủ không. Nó mệt quá thì lả đi chứ băng băng cái tiên sư nhà mày!"

Bà cụ già nghiến răng nguýt dài, rồi lại cúi xuống vỗ về đứa cháu dâu đang thiêm thiếp ngủ...

....


Cả người đau đớn rã rời. Dường như từng giây từng khắc trong tiềm thức vẫn luôn nghe thấy tiếng trẻ con khóc, nhưng mí mắt Diệp nặng trĩu không sao mở lên được. Cảm giác bất an đè nặng khắp cơ thể làm cậu khó chịu, muốn vùng lên. Đâu đó vọng vào tai lời nói sắc lạnh vô tình của người đàn ông. Em mà không tỉnh lại, anh đánh nó khóc đến khi em tỉnh thì thôi. "Không... đừng......" Cậu muốn gào lên, nhưng âm thanh phát ra lại chỉ là tiếng a a thật yếu ớt. Ngũ thương xót xoa tay lên đôi môi đã khô lại, lại bưng bát thuốc lên uống một ngụm, hôn xuống.

Những giọt thuốc đắng ngắt chảy qua họng cuối cùng cũng làm người đang say ngủ lơ mơ tỉnh được. Diệp chớp chớp đôi mắt vẫn còn sưng, nén xuống cảm giác đắng ngắt trong cuối họng, rên khẽ.

- Em... em dậy rồi mà. Mình đừng đánh con. Con bé tí như thế, sao lại đánh nó...

- Ngốc này, anh đã được đụng vào con tí nào đâu, từ lúc em ngủ bà với u cứ ôm rịt nó ở bên ngoài kia kìa.

Diệp hơi nhếch môi cười, cả người nhẹ nhõm hẳn đi. Muốn gặp con quá, muốn bảo chồng ra ôm nó vào đây, nhưng trong chăn có hai người đang ấm thế này, cậu chẳng muốn anh đi ra tí nào. Cứ tưởng chỉ có hôm đầu tiên tỉnh lại thì mới mệt mỏi như vậy, ai ngờ những ngày sau đấy còn thảm hại hơn. Diệp không đụng được tới con. Cả nhà cứ thay phiên nhau với em bé, còn cậu, chỉ riêng cái việc vật lộn với những đau đớn từ cơ thể chưa lành hẳn cũng đã đủ để sống dở chết dở.

Bé con nặng cân lại háu ăn, cả ngày đầu phải uống sữa đi xin. Thương con quá nên vừa tỉnh là Diệp đã cố gượng nghiêng người, định cho con bú nằm. Cái miệng nhỏ vừa chóp chép mới chỉ gần tới núm vú, cậu đã thấy bên trong cái vòm ngực nhỏ xíu của mình nhức nhối rần rần muốn rịn sữa. Ai ngờ đúng vào cơn đói của con, nó ngoạm vào vừa nhay vừa mút nhem nhép liên tiếp mấy cái thật mạnh làm Diệp điếng người, kẹp tay dứt vội ngực ra, khóc toáng lên vì đau quá. Đầu vú vẫn đang rỉ rả chảy sữa, nhưng chỉ cần chạm vào thôi là tử cung lẫn lỗ nhỏ đều thắt lại chua xót vô cùng. Thằng bé con vừa bực vừa tủi thân, ngửi được mùi thơm ngay miệng rồi mà còn bị mất đi thì sao mà chịu, nó cũng oà lên khóc ngay lập tức. Cũng may trong buồng chỉ có độc hai người, Diệp lại cố nén đau, miệng thì thút thít rên rỉ nhưng tay vẫn nặn sữa ra lưng lưng cái bát để chồng bón cho con. Em bé cứ ăn no là lại ngủ ngoan được lâu lắm, chỉ có thầy nó không lúc nào yên được với hai bên đầu vú mới đó đã sưng phồng, đỏ choét vì bị nắn bóp nhiều quá.

Ngoài trời mấy bữa nay còn trở gió rét hơn cả hôm trước. Để giữ cho trong nhà thì luôn luôn kín gió, mọi người đi ra đi vào đều mở hé cái cửa phụ con con vì cửa chính đã khoá lại, lèn giẻ kín mít. Hai tai đã nút chặt cục bông gòn mà Diệp vẫn còn nghe thấy gió rít ken két bên ngoài ô cửa sổ cạnh giường. Hôm nay chồng cậu lại phải đi trực đêm. Khổ thân lắm... Mấy ngày được nghỉ chăm cậu đẻ anh cũng quay cuồng lắm chứ đâu được nghỉ ngơi gì mấy, cứ như cái chân sai vặt của cả nhà ấy. Hở ra cái là bị bà với u mắng, cũng chỉ tại cái tội hay cãi lại thôi. Ai đời trong nhà có người đẻ mà cả nhà cứ ỉ om ầm ĩ suốt ngày. Nhưng có điếc tai một tí thì Diệp vẫn thích chồng ở nhà, để cậu được làm nũng, được dựa dẫm vào anh. Thỉnh thoảng Ngũ lại lẻn vào buồng, xoa lưng ôm ấp một hồi, lúc nào cũng mình còn đau không, mình thấy khó chịu ở đâu không, mình có chán không, ... Đấy, có từ chiều đến giờ không nghe tiếng thôi mà đã thấy nhớ. Có phải tại thiếu hơi chồng không mà nay khó ngủ thế. Ban nãy cậu đòi nằm ngủ với con, bà nội cứ càu nhàu mãi không cho vì bảo nằm với nó là chẳng ngủ được đâu. Diệp sợ mọi người chăm em bé nhiều quá cũng mệt nên vẫn khăng khăng ôm nó trong lòng. Nằm với anh thì cậu có thể ngủ chẳng biết trời trăng gì mà có con bên cạnh, nó mới cử động nhẹ một cái cậu đã thức giấc. Mặc dù con ngoan lắm, nhưng cứ lơ mơ rồi tỉnh liên tục như thế thành ra giờ trằn trọc thật. Diệp khẽ vươn người, chống tay lên nằm ngắm con. Thầy u và bà cứ bảo nó giống y xì đúc anh lúc nhỏ, từ cái bàn chân bàn tay to tướng đến mũi, cái miệng, cái mắt. Cậu có được nhìn thấy anh ngày xưa đâu mà biết, chỉ thấy con thơm ơi là thơm, cứ hễ ôm nó là phải thơm thơm hít hít một hồi, nựng nựng cái má mềm mại của nó, cầm nắm bàn tay bàn chân của nó mà vuốt ve. Cậu chỉ vừa mới nghĩ sao ngủ cũng lâu rồi mà chưa thấy dậy đòi ăn thì đã thấy cái cặp mắt kia ngơ ngác mở ra. Thấy họ bảo mới đẻ ra thì em bé chẳng nhìn được gì nhiều đâu, nên Diệp cúi sát xuống người con, dỗ dành ngay trước khi con kịp khóc. Chả biết bé con có hiểu thật không vì mọi khi dậy hay ngoạc mồm ra lắm cơ, mà lần này lại chỉ lim dim mắt nhìn, miệng hơi phụng phịu. Bé con theo bản năng nghiêng nghiêng đầu sang bên có hơi sữa tìm tìm. "Ôi em đói rồi đây mà, đây đây thầy thương, thầy thương con mà..." Diệp vén vội vạt áo lên, có mỗi mình nên cũng chẳng rảnh tay nặn sữa ra bát nữa, cứ thế cắn răng mà cho con bú. Thằng nhóc mọi khi ăn thìa từ tốn hôm nay lại phải mút nên có hơi không quen, cứ sặc ho mãi làm cậu phải kẹp lấy đầu vú cho sữa khỏi chảy ra nhiều quá. Lúc mới đẻ cậu còn lo lắng mãi là ngực mình bé thế thì chứa đâu ra sữa cho con ăn, dù các bà đã bảo sau này em bé bú bao nhiêu là sữa sẽ tự ra bấy nhiêu, tự cơ thể mình sẽ làm ra chứ chẳng bao giờ thiếu được cả.
"Bác cả chúng mày ngày xưa còn bú tao nhì nhạch đến tận 4 tuổi!"
Mấy hôm ấy còn đang đau chết đi sống lại nên đâu có biết, bây giờ nghe từng dòng sữa chạy rần rần nơi đầu vú được cái miệng nhỏ xíu kia hút hết vào trong, Diệp mới thấy len lỏi trong lòng một thứ yêu thương khó diễn tả thành lời... Cái cách mà nó chăm chú nút lấy từng dòng sữa thơm tho như thể đó là tất cả nguồn sống sao mà đáng yêu đến thế. Mải ngắm nó mà cậu quên cả những cơn đau nhức đang âm ỉ tận sâu trong bụng. Bé con dứt miệng ra ọ ẹ rồi vươn tay lên vặn mình đến đỏ mặt tía tai, đang dưng không ăn nữa lại khóc lên xe xé. Diệp còn chật vật định ngồi dậy bế con thì đã nghe tiếng dép của mẹ chồng loẹt xoẹt ở cửa buồng.
- Ơi bà đây bà đây, đi ra đây với bà cho thầy mày còn ngủ chứ... cái thằng kia hư đi trực gì mà về muộn thế em nhỉ, chả về mà bế con cho vợ ngủ nhỉ...

Bà vừa nói vừa vỗ bồm bộp lên lưng thằng oắt con mấy cái là nó đã im re. Diệp từng thấy người ta vỗ ợ cho các em bé nhiều lần rồi, nhưng đến lượt con mình thì cậu không sao làm được, lóng ngóng xoay dở mãi không xong mà cứ sang tay bà, tay cụ chỉ một tí là bé con đã ợ to như chão chuộc.

- Bà ru thằng giống của bà ngủ nhá... bà thương con nhá... à á à à ời... à á à à ơi ...

"Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về..."

Trong đêm hôm khuya khoắt, tiếng ru khe khẽ, tiếng võng kẽo kẹt quẩn quanh khắp gian nhà nhỏ vừa đong đầy yêu thương lại vừa man mác buồn. Diệp nhớ mẹ quá, nhớ những câu hát mà cậu vẫn nghe mỗi đêm khi còn bé tí...

Bà Miên cắp cháu ra giường ngoài đưa cụ rồi lại bưng bát cháo nóng vào buồng, lay nhẹ đứa con đang nằm ngủ thiêm thiếp dậy. Mất sữa cũng như mất nước mất máu trong người, biết con đói lắm vì thấy nó húp mấy hơi đã hết cả bát cháo nhưng bà vẫn phải bấm bụng dỗ dành.

- Ăn thế thôi kẻo no quá trướng bụng là nó đau. Mấy ngày mới đẻ chỉ ăn cầm hơi thôi con ạ. Nay còn đau lắm không. Chưa lại người thì đừng ngồi nhiều không sau này gãy lưng ra đấy! Đẻ được đứa con sao mà cực cái thân quá...

Diệp rụt đầu vào trong áo bông, toét miệng cười, bẽn lẽn dụi đầu vào vai mẹ chồng. Bây giờ trong lòng cậu thì u cũng như bà nội, như em An, không còn khoảng cách gì nữa.

Bàn tay vô thức sờ đến cái khăn nhung có viền thêu hoa trên cổ bà, cậu mới chợt nhận ra cái khăn này chính mình đã mua hồi họp chợ cách đây mấy tháng. Hôm ấy có người ở trên huyện đem vải xuống, cậu đi qua thấy mấy cái khăn đẹp quá nên lựa cho bà và u mỗi người một chiếc. Có mấy người đàn bà trong làng nhìn thấy còn nguýt dài, nói cậu nịnh nhà chồng thế bảo sao mới được chiều. Diệp chỉ biết cười trừ... mặc dù biết người ta đang giễu cợt nhưng cậu không thấy tức vì... đúng là nhà anh thương cậu thật. Từ hôm đẻ xong đến giờ, Diệp đã phải mó tay vào làm gì đâu. Từ ăn uống ngủ nghỉ chăm con, cả nhà tranh nhau làm tất. Ban đầu Diệp cũng ngại lắm, nhưng chân cẳng người ngợm vẫn còn đau, mỗi lần nặn sữa ra xong là đã muốn lả cả người, lúc ấy cậu mới thấy may mắn vì có một gia đình, nơi đã luôn mở rộng vòng tay ôm lấy cậu kể từ lần đầu tiên cậu đặt chân tới. Có lẽ thầy u cậu mà còn sống thì cũng chỉ thương cậu đến thế là cùng thôi. Các chị trong xóm vẫn hay ngồi túm năm tụm ba lại nói xấu nhà chồng, nào là khác máu tanh lòng, cổ hủ, xét nét. Thế mà chính giờ phút này cái người chẳng phải ruột rà ấy đang cẩn thận xoa bóp cho cái hõm lưng vẫn còn đau buốt của cậu. Diệp thấy mình bé lại như đứa trẻ lên năm, lại được mẹ vỗ về trong vòng tay, lại được ngủ thiếp đi trong những lời ru à ơi quen thuộc.

- U ơi ! con muốn bà với cả thầy u phải sống thật lâu cơ ạ...

Tự dưng thấy mọi người phải vất vả vì mình, Diệp lại xúc động khóc thút thít.

- Cha bố nhà anh! Tôi nuôi hai đứa kia bằng đầu bằng cổ rồi mà chửa thấy chúng nó biết nói thế bao giờ cả!

Bà Miên vỗ nhẹ cái má đỏ bừng lên vì nẻ của con, trong giọng nói bỗng mang chút nghẹn ngào :
- Khổ thân con tôi chưa. Nhà này có thiếu thứ gì đâu thế mà đẻ xong bữa nào cũng phải ăn cháo muối thế này...

...


Sau vài tiếng gà gáy chuyển canh, cả gian nhà cuối cùng cũng chìm trong yên tĩnh. Cái bóng cao lớn khẽ lách ở cửa buồng, vén màn chui vào giường. Ngũ đã giơ tay định lật chăn lên rồi lại sợ gió lùa làm cậu lạnh, nghĩ thật nhanh rồi quyết định bỏ tay xuống để ôm cả cái bọc chăn vào lòng.

Cái ôm rất nhẹ nhàng, nhưng người trong lòng vẫn tỉnh giấc. Tỉnh từ lúc nghe thấy tiếng anh mở cổng rồi.

- Mình về muộn thế, nhiều việc lắm à...

Người đàn ông dịu dàng nhìn cậu, gật gật đầu. Từ cái ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ, nói thật chưa bao giờ anh lại thấy nhớ cái nhà mình nhiều thế. Cơ quan cách nhà có mấy bước chân, đi trực đêm cũng chỉ có vài canh giờ, nhưng ruột gan anh cồn cào lúc nào cũng chỉ nghĩ đến vợ con ở nhà. Ngũ sợ bà sợ mẹ có tuổi rồi thương cháu lại thức đêm. Sợ vợ mình còn đang yếu người sinh hoạt bất tiện.

Nhớ... cả cái thằng oắt con hơi tí khóc toáng lên, hơi tí tè dầm. Cả nhà bây giờ là một tổ hợp mùi lạ lùng, mùi lá thơm, mùi sữa, mùi nước đái của một con chó con bé xíu mà đã biết tập đánh dấu chủ quyền để ra chuyện nó đã đến với thế giới này...

"Cho anh hôn cái được không." Ngũ cúi đầu hỏi một cách dè dặt. Nguyên do cũng chỉ bởi mấy hôm trước lúc Diệp mới đẻ xong, hai đứa hạnh phúc quá nên có quấn quít ôm nhau một lúc. Anh thì đâu có biết nên cứ theo bản năng như mọi khi mà sục lưỡi vào mút mát, đến khi cậu phải giãy ra vì bụng đau quá thì anh mới sực tỉnh.

- mình ra bế con vào đi em tức sữa quá. Nay đỡ đau em cho con bú được rồi, nó rít mấy hơi là thông hẳn.

- vừa xong anh ngó vào thấy nó đang ngủ say lắm. Hay anh hút ra cho nhé.

- thôi đi ông ạ, định giết người ta à!

Bị cậu lườm mà anh vẫn cười hề hề, còn bẹo tay lên cái mặt đang nhấm nhẳng cãi chồng. Thà Diệp thế này còn hơn mấy hôm trước cả ngày nằm lả trên giường kêu đau, nhìn xót không chịu được. Các cụ hay bảo người đẻ dữ như chó đẻ, Ngũ nghĩ mãi vấn thấy không đúng. Diệp của anh chẳng đẻ xong chẳng thấy dữ, ngược lại còn dịu dàng hơn. Ngày trước cái gì cậu cũng thích tự làm, mấy nay thì phải nằm bất động trên giường, cứ chốc chốc lại mình ơi hộ em tí, mình ơi lấy cái này cho em, anh nghe mà cảm giác như được rót mật vào tai. Kể cả lúc Diệp đau, cũng lén trùm chăn rên rỉ hoặc quay mặt vào tường nằm khóc, làm cả nhà ai cũng thương ơi là thương. Giờ nhìn cậu ấp đứa bé trong lòng, vừa cho bú vừa nhẹ nhàng nắn đầu, nắn tay, nắn chân con, chợt anh thầm nghĩ có lẽ những cái người đẻ xong mà dữ dằn ấy chỉ là vì họ tủi thân, bất an vì không được thấu hiểu. Để xoa dịu nỗi đau hậu sản, làm gì có phương thuốc nào tốt hơn việc hãy yêu thương che chở cho họ thật nhiều, nhiều đến mức không ai có thể xù lông lên được nữa.

"Mình xem cái miệng nó nún ghét chưa này."

Diệp thơm lên má con, mắng nó vì cái tội đã ngủ say rồi mà không thèm dứt ti ra. Đã thế cậu chỉ vừa khẽ động hẩy cái đầu nhỏ, nó nghe thấy rục rịch đã vội cuộn lưỡi lên mút chùn chụt tiếp. Gớm ông thần giữ của. Nãy giờ lĩn kĩn bú hết cả hai bên ngực thế này thì có mà no đến sáng.

- Chốc lại đái lụt nhà đấy. Ông nhõi ăn như thùng không đáy nhỉ!

Ngũ vừa lẩm bẩm vừa bế bé con lên vai để vỗ. Nghe con ợơơ mấy cái to tướng rồi mới an tâm đặt xuống nôi. Hồi đóng cái này cho con, bà nội còn mắng um lên là to khiếp, đếch hiểu mày làm nôi cho nó hay cho mày. Thế mà giờ xếp cả chăn gối vào rồi con nằm lên, cũng kín nửa cái nôi rồi đấy. Cứ nhìn con là anh lại nghĩ đến việc một đứa trẻ to thế này đã chui ra từ cái cơ thể của vợ mình. Em ấy đã phải đau đến nhường nào cơ chứ...

"Thế là giờ chỉ còn mỗi em không biết vỗ ợ cho con thôi!"

Diệp thở dài đúng lúc chồng cậu vừa quay đầu lại. Anh phì cười đỡ cái cục bông đang xụ ra một đống kia nằm xuống, kéo chăn lên đắp cho cả hai, nhẹ nhàng vỗ về cậu đi vào giấc ngủ.



...




Suốt cả tuần liền mưa rét dầm dề, trời cuối cùng cũng ấm lên một chút. Bà nội với u đã về bên kia từ sáng sớm để chuẩn bị cơm cúng, phòng ở đón cả nhà thằng cu tí. Trong nhà chỉ còn mỗi hai vợ chồng loanh quanh thu vén mọi thứ cho sạch sẽ kẻo khoá cửa để đấy đến mấy tháng thì đến khi về lại mốc xanh mốc đỏ hết lên.

Diệp ngồi lặng lẽ ôm con trong lúc chờ anh sắp xếp đồ đạc, dỡ các góc nhà ra xem có cái gì đã lâu không dùng đến không. Cậu nhìn khắp căn buồng một lượt, lòng bỗng thấy nôn nao vì sắp sửa phải xa cái nơi mà hai vợ chồng đã quấn quít bên nhau suốt mấy năm nay. Cái nắng sớm chiếu xuyên qua mấy song cửa sổ làm nổi rõ lên từng vệt bụi li ti đang bay loạn trong không khí. Ai đó bỗng ngẩn mặt ra nhìn thật lâu mới nhận ra trước đây mình hay ngủ nướng quá nên ít khi thấy khung cảnh này đẹp đến thế.

- Cái bọc đồ trong đáy tủ này là gì thế Diệp ơi.

Ngũ vừa cất tiếng hỏi còn chưa đợi cậu trả lời đã mở luôn cái túi vải ra, bên trong hình như toàn là quần áo. Diệp cũng hơi nhổm lên, nhướn mắt nhìn ra phía anh ngồi. Hình như ba mươi tết năm ngoái lúc về bên nhà thầy u dọn dẹp thắp hương, cậu có dọn hết đồ cũ để cho đi và nhặt ra những cái quần áo vẫn còn mặc tốt để giữ lại.

- Sao... sao nó lại ở đây? - Người đàn ông giơ lên một cái áo khoác bông dày màu nâu bé xíu, trông đã hơi cũ nhưng nhìn kĩ thì những đường chỉ may vẫn còn thẳng đẹp chắc chắn.

- À... áo của em hồi bé, cứ tưởng u cho đi rồi cơ, nhưng mà giỗ thầy năm trước về dọn nhà em lục thấy nó, giở ra thì thấy vẫn còn tốt lắm nên mang về để dành sau này con mình mặc...

Diệp mải mê kể chuyện mà không để ý đến nét mặt lạ lẫm của chồng. Mãi sau cậu vẫn thấy anh đang chăm chú xem cái áo từ trong ra ngoài. Tính Ngũ qui củ lại gọn gàng không thích đồ đạc thừa thãi trong nhà, sợ anh chê áo cũ mà cũng để lại cho con nên cậu vội thanh minh.

- Mình đừng vứt đi, ngày đó u không có tiền mà vẫn cố mua ở tận trên huyện cho em đấy. Nếu...nếu mình không thích cho con mặc thì cứ để em giữ làm kỉ niệm thôi được không...

Nhìn thấy cái áo nhỏ, bỗng nhiên hình ảnh cái buổi chiều cuối năm mười mấy năm trước dội lại trong lòng làm Diệp bần thần, anh đã ngồi xuống cạnh cậu từ lúc nào mà cũng không biết.

- Không phải mua trên huyện đâu, em nhìn cho kĩ đi, xem trên cái áo này có tên của ai hả.

Diệp đặt thằng bé con nằm xuống, lấy tay chùi hai mắt đã hơi ướt, dí sát mặt vào mới nhìn thấy ở bên trong gấu áo có một dòng chữ màu đen được thêu chìm vào vải, chính là cái tên cậu đã gọi ơi ới mỗi ngày, suốt năm năm qua.

- Sao... sao lại thế ạ...

- Năm ấy cơ quan thầy anh may cho con cán bộ mặc tết, lãnh đạo đề phòng việc mang quà đi bán nên mới yêu cầu thêu riêng tên ở trên đó.

- Em... em cũng không biết nữa. Chỉ nhớ hôm ba mươi tết, u vẫn phải gánh hàng lên huyện để bán, rồi lúc u về thì trong thúng có cái áo này. Em cứ tưởng...

Diệp vừa lẩm bẩm vừa thẫn thờ nhớ lại, hình như đúng là u đâu có nói là mua nó ở đâu. Bây giờ ngẫm kĩ thì cậu cũng hiểu được vì sao u lại không nói ra, một người tự trọng như u mà đến cái áo tết cho con cũng không mua được cho con, lúc đó u đã phải buồn lòng biết bao nhiêu mà cậu thì quá nhỏ để biết được.

- Đồ mít ướt.

Ngũ mắng yêu rồi vẫn ôm chặt cái người đang chực khóc kia vào lòng, kể cho cậu nghe về cái ngày hôm ấy. Mặc dù trong suốt nhiều năm qua đi, anh đã dần quên cái việc mình từng làm, quên cô bán hàng rong mình từng gặp, nhưng vừa nãy khi nhìn thấy cái áo khoác quen thuộc đó, không hiểu sao mọi kí ức lại ùa về một cách thật mãnh liệt. Gương mặt vui vẻ của thầy khi xách túi quà từ cơ quan đi về, tâm trạng hãnh diện của anh khi được thấy tên mình thêu ở trên áo, và dáng vẻ hậm hực của u khi mắng thầy, có cái số đo người con mà cũng ghi sai...

Đó hình như là những năm cuối cùng mà anh còn cảm nhận được niềm vui ngày tết, trước khi nhận thức trở nên đổi khác. Kể từ giây phút nhìn thấy bóng lưng tần tảo của cô bán hàng chìm trong làn mưa buốt giá của chiều ba mươi tết, thằng bé con chợt hiểu được hoá ra trên đời này còn tồn tại vô vàn những đứa trẻ cũng như mình hay An mà cuộc sống lại cực khổ hơn rất nhiều.

Sự thay đổi đó thật nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát, giống như thời điểm giao thừa chỉ một vài khắc thoáng qua, nhưng người ta biết mình đã không thể quay lại năm cũ được nữa. Những năm sau đó khi theo ông nội đi chợ tết, Ngũ thấy những cây đào phai vẫn đẹp, những cây quất vẫn đầy lộc, những chiếc đèn lồng, câu đối vẫn đỏ thắm, và những sạp quà bánh tết vẫn tràn đầy hương vị màu sắc. Nhưng đứng ngay cạnh chúng, là những người bán hàng trông thật lam lũ, khắc khổ. Họ mặc những manh áo thật mỏng, vá chằng vá đụp, cất nụ cười chào mời trên gương mặt đầy những nỗi lo toan. Càng lớn lên anh lại càng hiểu rõ hơn, những thứ làm nên một không gian ngày tết thật sang trọng, thật ấm cúng ở nhà mình là do những ai mà có. Ngũ không còn nhớ đến cô bán hàng rong năm ấy, nhưng anh biết quê mình còn rất nhiều người cực khổ, khó khăn. Những trăn trở ấy đã khiến anh từ chối đề xuất ở lại tỉnh mà không một chút luyến tiếc. Và cho tới tận bây giờ, Ngũ cũng chưa từng một lần hối hận về quyết định đó, bởi vì nếu không trở lại đây làm việc, anh đã không gặp được cái người mình đang ôm gọn trong lòng đây. Giờ phút này có lẽ không chỉ mình Diệp cảm thấy bồi hồi mà chính anh cũng phải ngỡ ngàng. Hoá ra duyên phận giữa bọn họ đã nhen nhóm kể từ cách đây nhiều năm như vậy...

- A! Anh nhớ ra rồi. Lúc ấy anh còn gói cho u một giúm kẹo tết nữa, anh đặt tất cả vào trong thúng, em có tìm thấy không?

- Ơ... thế...thế mà em cứ tưởng u mua ở trên huyện. Vì em ăn thấy ngon lắm, không giống mấy loại kẹo các bà ở cạnh nhà hay cho ạ...

- Diệp ngốc! Từ nhỏ đã ăn kẹo của anh, mặc áo của anh mà cũng không biết.

Ngũ đè ngửa cậu ra giường, vui quá mà quên cả việc người ngợm vợ còn chưa lành hẳn, miệng hôn tới tấp, tay chân thì táy máy.

- Đừng anh... kìa anh con nó giật mình bây giờ...

Miệng cản thì cản thế nhưng tay Diệp vẫn vô thức níu lấy cổ chồng. Thôi giờ có đau có nhức thì cũng mặc, muốn hôn muốn bóp chỗ nào thì cứ làm đi, bình thường cậu cũng đã yêu cái người đàn ông này quá rồi, giờ lại thêm dư âm từ cái câu chuyện mới được cả hai phát hiện ra kia nữa...

...

- giời đất ơi là giời đất ơi!!!!

Bà Miên bất chấp luôn cả thằng cháu nội đang say giấc mà la làng lên, vừa phát đen đét vào lưng thằng con trời đánh vừa lôi lôi kéo kéo. Chạy hộc tốc chạy từ nhà sang xem chúng nó chuẩn bị đồ đạc đến đâu rồi còn chưa kịp thở thì đã phải sôi cả tiết lên thế này.

- mày có cút ngay ra kia không thì bảo, nó vừa mới đẻ được mấy ngày mà mày đè nó ra làm cái trò gì thế hả

- Không không...anh không làm gì con đâu ạ...

Diệp thấy u hiểu lầm thì hốt hoảng nhổm dậy định thanh minh, đúng lúc đứa nhỏ giật mình khóc toáng lên, cậu đành phải quay sang ẵm con.

Bé con còn dở mắt chưa dứt được cơn ngủ sâu nên chỉ được rung rung mấy cái thôi đã nín thinh. Bà Miên lườm sang con trai đang hí hoáy dọn đồ, chả lẽ cứ chửi nó trước mặt vợ thì cũng không nên, đành phải nén giận để lát về bên kia tính sau. Diệp biết u đang còn bực nên cũng chỉ bẽn lẽn ôm con không nói gì. Cậu muốn đứng lên phụ anh cho nhanh, nhưng chân còn đau chưa đi lại được. Mà thực ra quần áo cũng chẳng có nhiều gì để sắp sửa, vì mấy hôm trước bà nội lại đặt may một loạt đồ đông cho cả cậu và con. Bà bảo đẻ vào mùa lạnh thế này thì quần áo phải mặc loại thật dày, thật kín gió mới được.

- Bà xin lỗi em bà hư quá, nãy bà quát to làm em giật mình đấy... thôi thôi bà xin bà xin nhá, bà sang bế em về bên ấy với ông với cụ nhá.

Nói xong dường như vẫn còn áy náy vì làm cháu thức giấc, bà cúi xuống thơm lên cái trán có chấm đỏ chót, ngắm nghía khuôn mặt tròn xoe của nó dưới lớp khăn voan. Giờ thì yêu thế đấy mà lớn lên chẳng biết có bướng như cái thằng kia không, gì chứ nom cái trán này thì nghi lắm.

- chắc anh xong rồi đấy u ạ, u xem đã đến giờ đẹp để sang chưa ạ...

- ừ, cũng sắp đến giờ rồi đấy. Con quàng thêm nhiều khăn vào đi, hôm nay cứ bảo trời hửng lên mà u vẫn thấy ngoài kia rét lắm. Thằng Ngũ cũng đem cái chăn trong nôi ra đây u quấn vào cho cháu. Khổ thân quá thằng chó con của bà mới có mấy ngày tuổi mà đã phải ra nắng ra gió rồi.

- Cái chăn này sao mà ấm bằng cái áo khoác ở đằng sau lưng u được.

Thấy con hất cằm, bà Miên nheo mắt nhìn xuống giường, đúng là có cái áo khoác bông nhỏ của đứa trẻ con nào để đây này... Nhưng mà, sao trông nó quen thế nhỉ.
- Ô đây có phải là...

Người đàn bà vội ngẩng lên, nhìn cái mặt các con đều đang cười tủm tỉm, thôi chắc chẳng cần phải hỏi nữa. Bà vội lật bên trong cái gấu áo ra xem, cái chữ thêu trên đấy đúng là tên con trai bà chứ chẳng phải ai khác.

- Con vừa dọn tủ quần áo của Diệp lục ra được đấy. Công nhận u giỏi thật, mới gặp thông gia lần đầu mà u đã gửi sính lễ để hỏi vợ cho con rồi.

Diệp lén sang liếc chồng, ngượng đỏ mặt lên. Ghét thế! Biết ngay cái đồ mặt dày sẽ đem chuyện này ra trêu cậu mà. Thảo nào suốt ngày bị thầy u mắng là không oan gì hết. Anh còn tâm trạng để trêu u, chứ u thì đang đơ ra luôn rồi, nãy giờ u chỉ nhìn hai đứa chằm chằm mà không nói gì. Chắc u làm sao mà ngờ được cái đứa nhỏ mình cho áo ngày xưa mười mấy năm sau lại trở thành con cái trong nhà mình cơ chứ.

Bà Miên còn phải bẩn thần mất một lúc mới sực tỉnh vì nhớ ra đến giờ phải đưa cháu sang nhà. Trước khi đứng dậy bà vẫn ngồi xích lại, vòng tay ôm Diệp vào lòng. Đó không phải những cái ôm quen thuộc như thường ngày, mà tràn đầy thương xót dành cho một đứa trẻ mà năm đó bà chưa từng gặp mặt.

- Con đã lớn thế này rồi...



...



Ngoài đường làng, nắng đã lên cao. Cái nắng hanh đầu đông dường như nhuộm màu cho từng bờ tường gạch nhám nhúa cũng trở nên mơ màng. Một nhà bồng bế dắt díu nhau mà đi, bóng đen đổ nghiêng dài lẫn lộn trên nền đất. Họ bước thật nhanh và vội vã, nếu kịp nhìn thoáng qua thì nét mặt mỗi người nom thật khác. Có người cười thật hạnh phúc, có người bâng khuâng suy tư, có người bẽn lẽn ngại ngùng, lại còn có cả người...đang say ngủ tít thò lò chẳng biết gì.

Thoáng thấy bốn người về gần tới cổng nhà, cụ Mai và ông Đức đã chạy ào ra đón cháu. Người đàn bà ẵm đứa nhỏ đặt vào tay chồng, vẫn không quên quay đầu dặn con trai mau bế vợ về buồng ngay cho khỏi gió. Chờ cho mọi người đã đi vào trong hết, bà mới bình thản dựa vào cổng nhà, ánh mắt xa xăm hoài niệm một câu chuyện dài...





***





Chỉ hồng bốn mối xe lơi
Đố ai thoát khỏi lưới trời bủa giăng...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top