Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

26. 💚 Chương đặc biệt : Thương nhau thương cả đường đi lối về.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

một chương rất dài vì mình gộp hai chương. nếu có thể thì mình mong mn sẽ đọc đến cuối cùng để hiểu vì sao mình không ngắt đôi chương truyện này. đối với mình, chương này chính là linh hồn và là chương mình thích nhất của "Thương nhau". Thật may mắn vì đã được chứng kiến những tình cảm vợ chồng, tình yêu vô bờ bến mà ông bà cha mẹ dành cho con cái.

Xin được tặng cho Những ai đã từng trải qua mất mát, đau thương. Chúc cho một ngày nào đó mỗi chúng ta đều sẽ tìm thấy người có thể chữa lành cho trái tim mình.










"Cái thằng này trông vậy mà tốt số, cứ tưởng rồi cũng chết sớm như thầy u nó, thế mà cuối cùng lại giữ được cả con."

"Ừ thì số nó vẫn may, vớ được thằng chồng như thế lại chả may là gì?"

...
Diệp lê những bước chân uể oải từ ngoài cổng về bên chiếc chõng tre đầu hè, bên tai văng vẳng tiếng xì xầm của vợ chồng người cô ruột vừa sang thăm y chập tối. Có thể do trời đêm nay nhiều mây và tối quá nên cả hai cứ hồn nhiên to nhỏ với nhau lúc ra về mà chẳng hề hay biết thằng cháu đang chậm chạp tiễn theo sau. Tiếng bước chân nhẹ dần đã đi xa lắm rồi, nhưng những câu bóng gió ấy thì còn nặng trong lòng đến vương vấn mãi. Nó nhắc y nhớ về những ngày thầy y còn sống, cả nhà y lặn lội đi đò sang bên ông bà nội vào mỗi ngày giỗ chạp hay cuối năm. Hai tiếng "nội ơi" gợi lên bao nhiêu những tình cảm yêu thương về sự máu mủ ruột rà mà ngày còn bé Diệp chưa từng được biết đến. Cho đến tận bây giờ y vẫn không hiểu được vì sao bà nội lại ghét mẹ của y đến thế, dường như giữa những con người ấy tồn tại một thứ khúc mắc nào đó còn lớn hơn cả đứa cháu nội của bà, đủ để khiến bà ghét lây sang cả Diệp.

Những ngày sau khi thầy mất, u con y khổ sở mãi trong những lời chì chiết và cay nghiệt của gia đình bên nội. Bà bảo nếu như không phải năm ấy mẹ y đã mang thai, thầy y nhất định không bỏ mẹ, thì cái ngữ đàn bà tuổi Dần và gò má lại cao đừng hòng được bước chân vào cửa nhà bà. Mẹ y là người phụ nữ sát chồng, y cũng là cái mầm tai hại xấu xí đã làm nảy nòi lên những oan trái, nghiệt ngã... Và vì con trai bà không còn nữa, thì từ nay bà cũng chẳng việc gì phải để tâm tới mẹ con y làm gì cho bẩn mắt... Biết bao nhiêu chắt chiu của những ngày u dãi nắng dầm mưa bằng đôi chân chai sạn cuối cùng vụn vỡ trong tiếng gào rít của bà. "Chúng mày cho con tao uống thuốc gì, mà nó phải chết đi. Chỉ vì nó ốm nằm liệt giường mà mẹ con mày giết nó..."

Đứa trẻ lên bảy với những giọt nước mắt lăn dài trên gò má, cố đưa hai cẳng tay gầy nhỏng lấm lem ra che chắn cho người đàn bà đang quì mọp dưới đất. Tiếng vun vút của cành củi mảnh cong xé toạc bầu không khí u ám trước khi quất xuống lưng, cào sâu trong da những vết rách thật dài. Mỗi lần nhớ lại những trận đòn ấy, trong lòng y vẫn không thôi đau đớn vì những nỗi đau cứ mãi giằng xé trong tim. Nỗi đau của một người vợ mất chồng, một người mẹ già mất con, một đứa trẻ mất đi gia đình trọn vẹn.

Có phải khi người ta đau khổ quá, người ta cũng đang tìm một ai đó để trút lên gánh nặng của mình? Đã có lúc Diệp từng nghĩ thế để có thể buông bỏ đi những giận hờn và tủi nhục mà sống tiếp.

Nhưng những ngày ấy xa lắm rồi... phải không...

Lòng y mơ hồ nhẹ nhõm theo những đọt gió se sẽ thoảng qua. Chợt y thấy bụng mình như trĩu xuống, thằng bé con đã thôi lăn lê ở dưới những bậc hè và trèo lên mép chõng tự bao giờ. Nó đang vờn nghịch đôi bàn tay nhỏ xíu, ấn lên cái bụng bầu mềm mại. Thế rồi cái đầu nó nghiêng nghiêng, áp tai lên người thầy, nhoẻn miệng cười và bi bô. Em... em này...

"Úi chà! Phúc của thầy giỏi quá, ai dạy anh Phúc gọi em đấy ... ?"

Diệp cố nâng lấy nó bằng bên tay không bị đau, mặc cho mông thằng bé đang tì hẳn trên bụng mình. Y muốn thơm tho hít hà lên cặp má bầu bầu hay nắn nắn hai bắp chân chắc như quả bí non kia mãi. Chẳng hiểu sao ngay từ những thời khắc đầu tiên nhìn thấy đứa trẻ ấy, dẫu gương mặt nó chẳng có nét nào giống mình thì lòng y vẫn rung lên những tình cảm thân thuộc thật lạ kì. Nhất là ánh mắt ngây thơ hồn nhiên mở to mỗi khi ôm lấy chân y, thu vào trong đó như thể đó là tất cả thế giới...

Thằng Phúc hụ hị mấy tiếng khàn khàn trong mũi trước khi rơi vào giấc ngủ ngon lành. Diệp loay hoay mãi mà không biết làm sao để ôm được con vào buồng, bởi một tay y vẫn còn bận bế nó, nhưng bên vai trật khớp kia thì không thể vịn vào đâu để đứng lên được. Y đành phải âu yếm nán lại để chờ thằng bé ngủ say thêm, trong lúc ngọn đèn dầu đang leo lét hắt ra đầu hè, phủ lên gương mặt hai thầy con y thứ ánh sáng yêu thương mà ấm áp.

Giờ thì Diệp thực sự đã tin, con là thứ quả chín được người đàn ông ấy và mình vun trồng trong bao ngày bao tháng. Mặc dầu đã từng có lúc, Diệp đổ lên hắn biết bao nhiêu oan ức mà bây giờ nghĩ lại chính y cũng phải tự thầm trách bản thân mình sao ngớ ngẩn...

Những ngày mới ốm dậy, khi trong đầu chỉ toàn là những khoảng trống mơ hồ, Diệp cũng tìm đủ mọi cách để lấp đầy chúng bằng những suy đoán rất vẩn vơ.

Y vẫn nhớ được rằng mình có được cái thân thể kì lạ, ơn giời, bởi vậy nên y không phát hoảng lên khi một đêm tỉnh dậy mà thấy mình với cái bụng thật to. Có phải người đàn ông ấy, khi xưa đã nghe lỏm từ ai mà biết được chuyện này. Vậy nên khi biết Diệp sống một mình, hắn mò tới đè y ra ngay ở giữa nhà, hay một tối khi Diệp đang đi về, hắn theo ở phía sau và lôi tuột y vào đằng sau một ụn rơm nào đó. Diệp nghĩ, với cái tướng tá ấy của hắn, dám lắm... Y đinh ninh là thế. Họ về ở với nhau, vì hắn trót làm cho y ễnh bụng ra. Nhưng suy đoán ấy sau cái ngày y sang chuyện với bà cụ Hoá thì không còn nữa, vì bà cụ bảo y đã lấy hắn được mấy năm rồi kia mà, huống hồ thằng Phúc mới chỉ gần hai tuổi thôi. Vậy thì...

"Có phải... thằng bé là con của tôi với người khác không?"

Người đàn ông nhìn y ngỡ ngàng, dường như không thể tin được y lại vẽ ra được những suy nghĩ như thế. Mà thực ra ngay khi vừa hỏi thế, Diệp cũng đã biết mình đã sai. Vì thằng Phúc chắc chắn là con của hắn rồi, cứ nhìn cái cách nó quấn quít với hắn và hắn cũng rất chiều chuộng nó, có ai phải nuôi con tu hú mà lại vui đến nhường ấy được. Chưa kể đến mấy hôm đầu khi Diệp nằng nặc bắt hắn phải ra ngủ ngoài sập, thằng bé chỉ ấm ức chấp nhận được một hôm. Sang đến đêm thứ hai, nó nằng nặc kéo tay Diệp chỉ ra phía cửa buồng, miệng lải nhải khóc đòi cho đến khi thầy lớn nó phải vào thì mới nín. Diệp đặt nó nằm ở giữa giường, nó lại bò qua người y để nằm gọn lỏn vào góc bên trong như thể ấy mới là cái chỗ nhỏ xíu quen thuộc của nó hàng đêm. Ánh mắt người đàn ông lộ ra những tia sung sướng đắc ý làm Diệp phát bực, hắn nhướn mắt với y ra điều muốn nói, em lại chả bảo nó không phải con tôi nữa đi?

"Vâng! Thì nó là con anh..."

Diệp ngập ngừng thừa nhận trong lúc mặt mũi đã đỏ lên. Thực ra sâu thẳm trong lòng, y biết mình cảm thấy vui nhiều hơn là ngượng. Mặc dù y vẫn chưa thể quen hẳn với suy nghĩ rằng u đã bỏ mình mà đi, nhưng chí ít y cũng không phải cô đơn một mình. Y đã có một gia đình, y vẫn có thầy u, có một đứa con bụ bẫm và còn có cả một người bà nữa đấy.

Bà nội.

Hai chữ từng ám ảnh hai mẹ con y suốt những năm thầy y còn sống, khiến cho mỗi lần thấy bóng bà từ đằng xa hai chân y đã hoảng loạn díu lại với nhau, thì giờ đây Diệp không còn phải sợ mỗi lần nghe thấy nữa. Những ngày mới ốm dậy, chỉ có thầy u hắn là hay đảo qua nhà xem y thế nào, thành thử ra y còn không biết chồng y còn có một người bà. Có lẽ hắn cũng hiểu là y đang lo lắng, hắn vội phải thanh minh ngay rằng bà nội hắn không giống như bà nội của y đâu.

- Bà tôi quí em lắm, ngày xưa chính bà là người đầu tiên biết chuyện tôi thích em đấy nhé.

Hắn vô thức bật cười khi nghĩ lại cái ngày ấy. Dạo đó bà nội tự dưng để ý thấy hắn hay đi làm về sớm, nhất là những chiều có y sang nhà. Thành thử ra một hôm bà cố nài nỉ y ở lại ăn cơm, cốt để canh lúc y ra về thì rình đi theo xem có chuyện gì. Lúc quay trở ra từ cổng nhà người thương, từ xa hắn đã thấy bà nội đứng đợi mình, chỉ đợi hắn đi tới gần, bà cụ nghiến hai hàm răng sa sả mắng.

- tiên sư thằng quỉ con. Bà biết tỏng mày định làm gì rồi nhé.

Làm gì? Làm gì là làm gì? Hắn nghĩ thầm, nhưng không lên tiếng. Chẳng lẽ chuyện hắn thích Diệp lại lộ liễu đến thế. Nhưng mà hắn tặc lưỡi, bà cụ đã nhìn ra rồi thì hắn cũng kệ, biết trước biết sau thế nào cũng vậy thôi.

- con lớn rồi, con tự biết việc của con.

- lớn rồi? Lớn rồi mà mày cư xử vậy hả con? Tao để ý mày mấy ngày rồi, cứ hôm nào nó sang thì mày đi làm về sớm, nó đi về mày cũng kiếm cớ bảo đi chơi, hôm nay tao bắt quả tang mày đi theo nó rõ ràng. Tóm lại nó làm gì phật ý mày thì mày cũng bỏ qua đi, chứ mày...mày mà dám đánh nó thì tao vụt què tay đấy.

Mặt hắn ngẩn tò te, hắn phải nghĩ một lúc mới hiểu được bà cụ đang hiểu lầm mình chuyện gì. Hắn cười khẩy, thẳng chân đá văng hòn đá dưới chân rơi cái vèo xuống mặt ao kêu đánh tõm một cái.

- Diệp mà làm gì con thì đã tốt. Cứ né như né tà ấy đã thửa được miếng đếch nào.

Giờ thì đến lượt nội hắn ngây người. Bà cụ nhìn chăm chăm vào cái lưng thằng cháu đang đứng ở mép ao, lắp bắp.

- Ô này thằng Ngũ... mày nói thế là sao!

Không nghe thấy tiếng hắn trả lời, nhưng cũng chẳng có ai phủ nhận những điều bà cụ đang nghĩ. Đêm nay mây dày, trời tối đen như mực. Thiếu gió, mặt ao cũng đặc quánh như một thau bột sắn, im lìm không có cá quẫy, đâu đó vọng ra vài hơi ếch nhái rời rạc nghe nẫu ruột. Vài con đom đóm bay lững lờ không đủ soi rõ mặt người, nhưng bà cụ cảm thấy thằng cháu rõ ràng cũng đang nín thở như mình.

- Con thích Diệp.

- thích, thích như thế nào ?

- chẳng thế nào, thích như ông thích bà ngày xưa, thế thôi.

Lúc hắn quay người lại để nhìn thẳng vào bà mà nói ra cái câu ấy, thực tình thì hắn cũng hơi sợ bà cụ sốc quá mà ngất đi. Nhưng mãi mà bà cụ không ngất cũng không nhìn hắn. Bà hướng mắt về con ngõ nhỏ phía đằng xa, lẩm bẩm khẽ khàng.

- nếu nó không có tình cảm gì thì con không được ép người ta, biết không. Còn nếu như nó cũng có tình cảm với con, vậy thì đây chính là duyên phận của các con rồi.

Diệp chăm chú lắng nghe từng lời hắn kể, càng nghe càng ngạc nhiên khi biết được những việc bà cụ đã làm. Từ dạo biết được hắn có ý với người ta, thi thoảng trong những buổi chiều ngồi nói chuyện bà cứ làm như vô tình khen thằng cháu mình giỏi giang thế nào, tháo vát ra sao, hoặc là bà cụ giữ y ở lại ăn cơm nhiều hơn, rồi tối muộn lại giật mình lẩm bẩm. "Chết thật, đã muộn thế rồi? Anh Ngũ đưa em nó về hộ bà đi nhé?"

Trời ạ? Trên đời này có thể có một người bà bao dung và thấu hiểu đến nhường ấy ư? Qua câu chuyện của hắn, trong đầu Diệp hiện lên biết bao suy tưởng về một người bà minh mẫn, khoẻ mạnh và có phần sắc sảo, luôn luôn là chỗ dựa vững chãi cho tất cả con cháu. Có điều cái ngày y theo hắn sang gặp bà mới thấy rằng bao hình dung ấy chẳng một cái nào đúng cả.

- thầy đang cho bà uống thuốc, các con đợi xong hãy vào nh...

Mẹ chồng y tay còn đang lễ mễ bưng nồi nước lá xông, chưa kịp nói xong thì trong buồng có tiếng thều thào vọng ra nghe rất tha thiết.

- Diệp! Diệp sang phải không con? Con vào đây... vào đây bà xem nào...

Bà cụ nằm trong góc buồng tịch mịch, người gầy xọp đi trong tấm áo nâu, hai con mắt trũng sâu với những nếp nhăn ngóng ra phía cửa chờ đợi. Mới thoáng thấy cái đầu nhỏ nấp sau lưng thằng cháu, còn chẳng để cho y kịp chào, nước mắt bà đã ứa ra. Chúng không chảy thẳng xuống được ngay, mà cứ lằn ngoằn trên những nếp nhăn ngang dọc, len qua bên tai thấm ướt xuống gối.

Diệp cúi gằm mặt trong nỗi thương cảm, xót xa và áy náy đan xen. Là người đấy ư? Người đang xoa đầu y và gọi y tiếng con trìu mến có một vẻ già nua gầy yếu tái nhợt như thể vừa trải qua một cơn bạo bệnh. Y vô thức gọi bà ơi miệng thì mếu máo thanh minh, con... con xin lỗi vì hôm nay mới biết để sang thăm bà ạ...

- Không sao... không sao cả cháu của bà... Bà biết những ngày vừa rồi rất khó khăn với con. Con còn đau lắm không con. Sao trời lại đày đoạ cháu tôi, chắt tôi. Chúng nó còn non dại quá! Nếu như nhà này năm nay phải có một cái tang, thì ông cứ để tôi gánh cái hạn ấy cho chúng nó cũng được kia mà...

Dẫu bản thân sắp sửa oà lên khóc, Diệp vẫn phải cố kìm lại để cảm nhận thật lâu cái hạnh phúc lạ lẫm mà lần đầu tiên y được biến đến trong đời. Những lời an ủi yêu thương vô cùng, những cử chỉ vỗ về trìu mến của một người bà, thứ mà y từng khát khao trong suốt những ngày thơ bé.

Nhưng rồi niềm vui sướng ấy trôi qua thật nhanh bởi vì khi nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc, y đã thấy làn da nhão quá và mạch trên cổ tay cũng rất yếu rồi. Ngay lúc ấy y đã gặng hỏi mãi về căn bệnh của bà mà cả nhà chỉ nhìn nhau không một ai nói gì. Mãi mấy ngày sau đó, khi sức khoẻ bà cụ đã khá dần lên và không có dấu hiệu trở nặng thêm nữa, chồng y mới vừa mừng rỡ vừa tần ngần thú nhận rằng thực ra vào cái chiều hôm y bị ngã, chẳng hiểu sao một người hàng xóm nghe ngóng chưa ra đầu ra đuôi, đã chạy ngay về la lối ầm ĩ trong sân nhà thầy u hắn rằng :"Chị Miên... chị Miên... thằng Diệp nhà chị bị trâu húc chết ở ngoài đồng làng rồi."

Ở trong làng xưa nay không ai là không biết, một khi cái giống trâu phát cơn điên thì phần lớn chúng nó chỉ nhằm vào ngang bụng người ta mà húc. Ngay lập tức, cái chết thảm thương và chắc chắn là không lành lặn của Diệp hiện lên trong đầu tất cả mọi người. Cả nhà ai nấy đều bủn rủn tay chân, toan chạy ra đồng cả thì bà cụ bỗng khuỵu ngã xuống mấy bậc hè rồi bất tỉnh. Dẫu có là người từng trải thế nào thì bà cụ cũng ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, đột ngột nhận được cái tin sét đánh như thế thì làm sao mà chịu nổi. Cả nhà hắn ai cũng thầm trách người hàng xóm kia mãi nhưng rồi cũng phải thông cảm cho người ta thôi. Bởi vì lúc ấy ngoài đồng không mấy ai dám đụng vào vợ hắn khi y nằm dưới mương, nếu không phải ghé sát vào mũi còn thấy thở nhẹ thì đúng là tưởng người đã chết rồi.

Bà nội hắn trải qua một cơn đột quỵ. Ở bên nhà hắn phải cuống lên lo cho vợ thì bên nhà thầy u cũng cuống lên lo cho bà. Thời gian này, nhà hắn quả thực rối lên như mớ bòng bong...

"Tôi... tôi đã làm hại bà anh... chỉ vì tôi mà suýt nữa thì bà..."

Thấy y ôm mặt khóc nấc lên, hắn vội cuống quít dỗ dành.

"Không phải thế đâu! Do... do bà tôi già rồi, cứ khi nào buồn quá là trông người kém đi đấy. Bà không sao rồi, thật mà... Mấy hôm trước em cứ bị đau đầu luôn và tinh thần không được bình tĩnh, tôi cũng chưa dám dắt em sang bên đấy, còn bà cũng không dậy được để sang đây nên bà nghĩ ngợi rồi ốm mãi thôi."

Hắn phải nói thế cốt thể cho y được nhẹ lòng, chứ thâm tâm hắn đến hôm nay cũng mới được thở phào một chút. Cả hắn với thầy u đều bàn nhau trước rằng nếu đận này mà bà không qua khỏi thì cả nhà sẽ không bao giờ để y biết được việc xảy ra với bà trong chiều hôm ấy... vì với tính của vợ hắn, y chắc chắn sẽ tự dằn vặt mình cả một đời.

Và quả nhiên là thế, mặc dù những ngày này bà cụ đã lại người và nhúc nhắc đi lại được thì Diệp vẫn áy náy và thường xuyên ghé sang bên ấy. Bóng tối càng lúc càng tịch mịch, mảnh vườn trước mặt lặng lẽ tản ra hương thơm dịu dàng. Đoán chừng con đã ngủ say, Diệp ngả thằng bé xuống chõng để mình có tay mà vịn đứng lên.. Y sẽ vào ngủ với con luôn chứ không định đợi chồng về, bởi vì ngày mai y muốn sang thăm bà. Bà nội của hắn và cũng là của y.

...

Cặp chim sẻ đậu trên bờ rào chích chích vờn nghịch nhau líu lo. Diệp quét tước nhà cửa vườn tược xong xuôi thì mặt trời đã lên cao lắm rồi. Giờ này đường làng đương lúc vắng vẻ, sân nhà thầy u cũng yên ắng, lâu lâu mới có tiếng lao xao rầm rì của những tán cây xanh thẫm trong vườn nhà. Ở gian chính vọng ra tiếng lật sách khẽ khàng, Diệp biết có người đang ngồi trong đó. Y nhẹ nhàng đặt cái thúng nhỏ xuống thềm và chào thầy một cách lễ phép. Ông Đức ngẩng đầu lên vẫy tay gọi con vào bàn. Chờ một lúc cho y uống xong chén nước chè xanh, ông mới mở lời một cách trìu mến.

- Diệp này, từ hôm nhà mình xảy ra chuyện của con thì cả nhà cứ rối ren hết cả. Mãi mà thầy chưa có lúc nào để ngồi nói chuyện được với con.

Y vân vê mấy vạt áo trong tay, hơi cắn môi cúi đầu xuống khẽ thưa.

- Vâng... con cũng biết vì con mà cả nhà phải khổ ạ... con... con có lỗi với bà và thầy u...

- Không đâu. - Ông Đức đột ngột ngắt lời con vì không muốn nó hiểu lầm rằng mình đang có ý trách móc.

- Con à, ý thầy không phải thế. Thực ra chuyện là thế này... sau cái hôm con bị ngã thầy đã suy nghĩ rất nhiều. U với bà vốn luôn gần gũi con thì không nói làm gì, còn thầy trước đây cũng không hay tâm sự nhiều với con. Nhiều thứ thầy nghĩ nhưng chỉ để trong lòng vì cho rằng đã là người một nhà thì không cần thiết phải nói, đến lúc con gặp chuyện thầy mới hối tiếc. Vậy nên hôm nay nhân lúc rảnh rỗi con sang chơi, thầy muốn nói để con hiểu được những tâm tư của thầy u.

Trước đây khi hai đứa về ở với nhau, trong làng và trong họ này cũng có một vài điều tiếng không hay. Thầy u chẳng dễ chịu gì mỗi khi thấy người ta xì xào, và hẳn con cũng rất buồn lòng khi nghe phải những lời ấy, nhưng miệng lưỡi người đời thì chúng ta khó lòng quản được, con ạ. Đời người có những thứ quan trọng hơn của cải, hay kể cả chuyện thừa tự... Các bác trong nhà đã nhắc nhở thầy u nhiều, vì ngày ấy không ai biết rằng con có thể sinh con. Nhưng cuộc đời thầy u đã từng chứng kiến nhiều những đôi vợ chồng nam nữ cũng chưa chắc đã cứ lấy nhau là có con. Con xem, ngay trong làng mình đã có tới dăm bảy nhà như vậy. Thầy nói thế là để lỡ sau này có gặp phải những kẻ xấu bụng, con cũng đừng để họ làm lung lay cái tình cảm chân thành của gia đình chúng ta.

Có thể bây giờ con vẫn đang thấy bối rối, vì bỗng nhiên mình lại có mọi thứ trước đây không có. Nhưng con không cần phải mặc cảm gì với thầy u cả, những cái con đã cho cả nhà, thực ra không hề ít hơn những cái cả nhà đã cho con. Như là năm đó nếu không có con thì liệu bà nội có còn vui vẻ mà sống tiếp được không... Và cả thằng Ngũ nữa. Nếu không gặp con thì thầy cũng không biết nó sẽ cứ sống như vậy đến bao giờ.

- Thưa thầy, con... con chưa hiểu ý thầy ạ...

- À, con không phải lo lắng đâu, chuyện này trước kia con cũng biết, chỉ là bây giờ con quên mất thôi. Cũng lâu lắm rồi lúc thằng Ngũ còn nhỏ, trong nhà ta xảy ra một chuyện đau lòng, từ sau đó trở đi, nó lúc nào cũng chừng mực, khuôn phép, nó rất sợ bản thân nó lại làm sai điều gì đó. Thầy không thích việc nó luôn tự áp lực lên mình như thế, nhưng thầy u cũng không biết làm sao để nó bỏ xuống được gánh nặng trong lòng đó cả.

Các con bây giờ cũng đã có con cái, sau này các con sẽ hiểu được, thực ra người làm cha mẹ không mong gì hơn là con mình được bình an sống một đời thật vui vẻ.

Chuyện của hai con hồi đó, bà nội ưng thuận là vì bà thương con. Còn thầy u, thầy u đồng ý là vì rất thương thằng Ngũ. Bao nhiêu năm qua, những chuyện lớn nhỏ ông nội và thầy khuyên nó làm gì nó làm nấy, bất kể trong lòng nó vui hay không vui thì nó cũng không ý kiến nửa lời. Cái gì nó cũng bảo miễn là mọi người thấy đúng thì con sẽ làm. Những đòi hỏi, vòi vĩnh như mọi đứa trẻ bình thường, thì thầy đã không còn nhìn thấy ở nó từ năm nó lên chín... Có nhiều khi thầy ngồi ngẫm lại, quả thật là sau khi chuyện kia xảy ra, thằng Ngũ nghĩ rằng nó không có quyền làm bất kì một điều gì theo ý muốn của bản thân được nữa.

Nó vốn vẫn luôn là một đứa nghiêm túc, chỉn chu, nhưng có những lúc thầy u thấy nó xa cách lắm, nhất là khi nó càng lớn thì thầy càng không hiểu được tâm tư của nó nữa, nó thật sự thích gì, muốn làm gì cũng sẽ không nói ra. Thầy đã sợ rằng suốt đời này nó sẽ sống như thế, cho đến tận cái ngày nó thưa với thầy u chuyện nó yêu con, ánh mắt nó bỗng nhiên lộ ra bao nhiêu chờ mong, bao nhiêu tin tưởng. Vẻ mặt nó ngang ngược, dựa dẫm và bé bỏng hệt như lúc thằng cu Phúc nằng nặc đòi người lớn phải mua cho đồ chơi hay kẹo bánh. Nó làm như thể nếu thầy u không đồng ý, thì nó sẽ lăn ra mà ăn vạ ngay ở đấy cho bằng được thì thôi.

Con có hiểu được ý thầy không, con có biết khi ấy thầy u đã mừng rỡ cũng như xót xa đến thế nào không?

Chao ôi mặc nhiên những người đã làm cha làm mẹ cả một đời làm sao có thể không nhìn ra, đằng sau đôi mắt có vẻ như bình tĩnh của đứa trẻ ấy là biết bao hi vọng rằng nó sẽ được người lớn trong nhà chở che và ủng hộ. Ông bà sao có thể không nghe ra tiếng kêu cứu của đứa con trai mà ông bà hết mực thương yêu. Rằng sâu thẳm trong lòng, nó đang xin thầy u hãy bao dung để cứu lấy nó, cứu nó khỏi một cái càm giác luôn bị đè nặng bởi cảm giác mình không xứng đáng có được bất kì hạnh phúc nào cả. Một cuộc đời mà nếu không vì trót phải lòng thằng bé kia, có lẽ nó sẽ không bao giờ có đủ can đảm để bỏ xuống được...

Mặt trời chênh chếch dần lên đến đỉnh đầu, nhàn nhạt hắt qua tán cau xuống những tia nắng hình dẻ quạt màu trăng trắng. Gian nhà chính quay trở về với sự yên tĩnh vốn có của nó. Thỉnh thoảng, một trang sách trên bàn bị cơn gió nhẹ lật đi, loạt xoạt nhẹ nhàng rồi lại nằm im thật khẽ. Diệp vẫn lặng lẽ quan sát thầy trong lúc ông đang nhìn ra ngoài sân, cho đến lúc có tiếng bước chân và cười nói từ cổng nhà vọng vào. Y vội chạy ra cùng với mẹ chồng đỡ bà cụ từ từ bước lên mấy bậc thềm.

- Ông Đức vẫn còn ở nhà đấy ư? Tôi tưởng trưa nay ông có việc ra ngoài rồi chứ ?

- Tôi đi bây giờ đây... Ái chà, cháu ông nỏ chân, theo bà và cụ đi chơi kĩ quá nhỉ...

Thằng bé con dớn dác ù té chạy qua bậc cửa, nó vấp ngã suýt nữa thì lăn quay ra đất may mà ông kịp đỡ lấy. Nó vẫn tủm tỉm cười, thấy ông đang khuỵu xuống thì nhanh nhảu lủi ngay ra đằng sau để trèo tót lên lưng. Tay nó quàng vào cổ, chân nó quặp vào hông, miệng nó lải nhải ứ ừ, Phúc đi với ông nhé?

...

Mùa đông năm nay có lẽ sẽ lạnh lắm. Bấy giờ mới chỉ vừa vào đầu thu, thế mà tiết trời lẫn trong cái nắng đã có vẻ gai người. Đó là mới chỉ ban ngày còn kể từ lúc xẩm tối trở đi thì những cơn gió hiu hiu dường như lạnh sâu hơn. Diệp chắc chắn là như thế bởi vì vết thương mà mấy nay y đinh ninh đã lành thì đêm nay tiếp tục quay lại hành y đến mệt rã rời.

Chồng y hoàn toàn không phải một kẻ rỗi hơi, thế nên tối đến hắn rất ít đi chơi tụ tập. Diệp thường thấy hắn loay hoay sửa cái gì đó trong nhà, lôi giấy bút ra ghi chép vẽ những đường ngang dọc hoặc có hôm bề bộn giữa một xấp giấy tờ trải từ ghế lên tới mặt bàn. Những lúc ấy vẻ mặt hắn thường tập trung lắm nên giả sử có cần gì thì y cũng không dám nhờ. Tối nay cũng thế, từ lúc ăn cơm xong Diệp đã thấy đau nhôn nhốt ở chỗ khớp vai cũng như bên thái dương từng bị đập xuống đất nhưng y vẫn cố chịu để dỗ con đi ngủ.

Mãi đến gần khuya người đàn ông mới vặn tắt đèn bên ngoài để trở vào buồng. Hắn hốt hoảng khi thấy vợ mình đang cuộn người lại trên giường vì đau, người y vã đầy mồ hôi nhưng gai ốc sần lên khắp cánh tay và hai hàm răng va vào nhau lập cập. Hắn vơ lấy cái chăn chiên ở đầu giường để bọc người y lại, bế y như bế một đứa trẻ con vào lòng còn mình thì ngồi tựa vào đầu giường. Tư thế co người sẽ làm y ấm hơn, ấm hơn thì mới thôi đau nhức.

Dĩ nhiên từ sau ngày bị ngã, hắn đã quen với việc Diệp sẽ có những cơn đau bất chợt như thế, quen cả với việc y nhất định thà chịu đau chứ không chịu kêu lên nhờ hắn. Mọi ngày dù cho có làm gì thì thi thoảng hắn vẫn ngó tới y nhưng hôm nay chỉ vì hắn mải việc quá nên giờ cũng chẳng biết y đã đau từ lúc nào. Cái hạn đến với Diệp khi y còn đang chửa, thân thể vốn đã phải chia đôi dành sức cho con, những khớp xương sau sinh đã yếu đi quá nhiều nên chẳng biết bao giờ mới lành. Vợ hắn đau thì con hắn bên trong ấy cũng đau. Thế nên dù nói quen thì quen chứ mỗi lần nhìn y thế này hắn vẫn xót cho bằng chết. Hắn thương chán rồi lại càu nhàu mắng mỏ cái tiết trời ẩm ương này đã làm khổ y. Có điều những câu ấy khi vọng vào tai người đang đau muốn vỡ đầu thì chỉ lùng bùng như tiếng ru, đáp lại hắn là giọng rên rỉ mỗi lúc một nhỏ dần vì cơ thể y được ủ ấm đủ lâu, cơn đau cũng bị giấc ngủ nuốt mất.

Nửa đêm về sáng, Diệp thức giấc rồi không sao ngủ lại được trong khi chồng và con y thì đã ngủ rồi. Thằng bé con nằm ngửa tênh hênh giữa giường, trong khi người đàn ông ấy vẫn bế y ngồi yên một tư thế ngủ từ ban nãy. Trong ánh đèn leo lét, Diệp vẫn có thể nhìn thấy nơi mí mắt đang nhắm kín của hắn khẽ động. Hắn ngủ không sâu giấc! Có phải vì mình không? Diệp tự hỏi thế nhưng y cũng chắc chắn được câu trả lời vì những đêm trước đó bất kể lúc nào mỗi khi y chỉ cần khẽ trở mình, hắn đã nhổm dậy ngay lập tức để xem y có ổn không.

Vừa nhìn hắn vừa miên man suy nghĩ mãi, trong lòng Diệp bỗng bâng khuâng nhớ đến cái câu thầy hắn nói vào buổi ban trưa...

"Có thể với con thì bây giờ thằng Ngũ chỉ là một người lạ. Con sẽ thấy nó không quen thuộc và chưa chắc con đã có thể gần gũi lại ngay. Thầy có thể kể chuyện của hai con một cách cặn kẽ hơn, nhưng thầy vẫn mong con sẽ tự mình tìm hiểu về người con đã từng tin cậy trao gửi cuộc đời, con nhé."

Từ lúc ở bên thầy u về y có vẻ bần thần, chồng hỏi gì cũng không nói. Chắc hắn nghĩ y lại tỏ ra xa cách nên hắn có vẻ buồn. Nhưng thực ra Diệp không ngại mà y đang thấy sợ. Ánh mắt quan tâm và chiều chuộng của chồng như thể đang muốn bóc trần những tội lỗi của y rằng ngoài làm khổ bà và thầy u, y còn đang làm khổ một người nữa ... là hắn.

Có ai mà không hoang mang, khi một buổi sớm thức dậy bỗng thấy mình đã có chồng. Chồng y, một gã đàn ông cao ngồng và vạm vỡ, những bắp tay lúc nào cũng như chuẩn bị kẹp cổ người ta. Hắn không xấu xí, không thô kệch, nhưng mà cũng không giống với hình dung Diệp từng mong đợi. Bởi y luôn nghĩ rằng lớn lên y sẽ phải có vợ như bao người đàn ông khác, và người sinh ra những đứa con của họ sẽ là cô vợ ấy chứ không phải là y...Vậy nên, một khi đã hiểu rõ mình chẳng thể bỏ đi đâu với cái bụng to thế này, khi cả cái làng trên xóm dưới ai cũng biết y đã có chồng con, thì Diệp cũng chỉ miễn cưỡng tiếp nhận được cuộc sống mỗi ngày trôi qua như thế chứ bảo y phải ngay lập tức yêu lấy người đàn ông ấy thì y không thể.

Thực ra cái gã chồng của Diệp ngoại trừ cái vẻ hơi cục tính ra, thì hắn không phải một tay nghiện ngập hay cờ bạc. Hắn là một người đàn ông tử tế. Bởi Diệp chưa thấy hắn la cà hay về muộn, cũng chưa từng to tiếng hay thượng cẳng tay với y dù chỉ một lần, dù suốt thời gian này có biết bao lần y đã tỏ ra quá đáng. Ấy là chưa kể, thỉnh thoảng y trộm thấy hắn cũng hay hay. Hắn ăn đến năm, sáu bát cơm lèn chặt một bữa, việc nặng gì hắn cũng biết làm. Hắn đi thì chớ, về đến nhà là gọi toáng lên, nếu y ngồi trong bếp thì hắn xộc ngay vào bếp, nếu y lọ mọ ngoài vườn thì hắn cũng tồng tộc chạy ra vườn. Cứ làm như chuyện gì quan trọng lắm. Nhưng rồi có gì đâu, hắn chỉ ngồi chăm chú quan sát đến khi chắc chắn rằng trong lúc hắn vắng nhà không có ai đến ăn thịt vợ hắn thì hắn mới an lòng.

Quá khứ mơ hồ giữa cả hai như một vùng sương giăng trắng xoá mịt mờ, nhưng kí ức của một tháng trời qua thì hiện lên rõ mồn một. Từ cái ngày y tỉnh lại được sau cái hạn nặng, người đàn ông ấy lúc nào cũng lo lắng, thuốc thang chăm bẵm y từng miếng ăn giấc ngủ. Cuộc sống bây giờ của y không có ngày nào còn biết đến cái lạnh, cái đói là gì. Khi y sợ hãi, đau khổ, hoảng loạn, hắn đã luôn luôn có mặt để dỗ dành.

Đôi bàn tay ấy nắm lấy y và dẫn đến một nơi với biết bao hạnh phúc đủ đầy gọi là mái ấm.

Thế mà... những ngày qua Diệp đã làm gì? Y đã làm gì với người đã đem cho y những điều mà ngay cả trước đây y cũng chưa từng có được? Diệp nhớ lại những lúc đã nghi ngờ hắn là kẻ xấu, đã cào cấu không cho hắn ôm chỉ vì hắn nói những điều mà y không muốn nghe. Và ngay cả khi biết rằng giữa họ từng có một tình yêu, một đám cưới và một đứa con kháu khỉnh, y vẫn không thể nào thể hiện được những sự thân mật gần gũi mà vợ chồng nên có.

Y mải mê dứt mình khỏi cái nỗi đau đã xảy ra từ biết bao năm về trước, bận rộn với những hiếu kính với người lớn trong nhà chồng. Nhưng trời ơi ! Đâu chỉ có một mình y biết hoảng sợ, biết mất mát, biết buồn đau. Vợ con gặp nạn, hắn sẵn sàng dành hết thời gian, sức lực và tâm trí để chở che. Vậy mà cái hắn nhận được là một câu như xé lòng từ người mà hắn thương nhất đời.

"Anh không phải là cuộc sống mà tôi từng mong đợi."

Diệp nói thế, chỉ bởi vì trong suốt những năm tháng còn non nớt của mình y chưa từng nghĩ mình sẽ ăn đời ở kiếp với một người đàn ông. Đến bây giờ y mới hiểu được trong ánh mắt ngỡ ngàng khi ấy của hắn là bao nhiêu đau đớn cùng mất mát. Sao y có thể độc ác, vô tâm với chồng của mình đến nhường ấy. Sẽ thế nào nếu người không còn nhớ gì cả là hắn chứ không phải y? Liệu y có thể chịu đựng như hắn không nếu hắn làm với y tất cả điều mà những ngày qua y đã làm.

Giá như y đừng quá vội vàng, đừng vô tình làm tổn thương chồng mình. Chính hắn mới thực là một kẻ đáng thương. Hắn có khác gì y, cũng đột ngột suýt nữa đã mất đi mái ấm của riêng mình, mất đi tất cả những yêu thương âu yếm mà hắn xứng đáng được nhận...

Đang ngủ say là thế, người đàn ông bỗng giật mình bởi mấy tiếng nức nở khe khẽ bên tai. Hắn vội quay sang, trên gương mặt nhỏ nhắn ấy giàn giụa nước mắt. Hắn nhăn nhó xoay dở vì nghĩ y lại khóc trong lúc ngủ mê. Diệp thấy vòng ôm ấy dường như vừa siết lấy mình chặt hơn, những ngón tay khẽ lướt trên má y chậm rãi lau đi những giọt nước vẫn đang rỉ ra nơi khoé mắt.

"Khổ thân quá đi mất thôi, lại nằm mơ gì mà sao cứ khóc mãi thế này. Cả nhà ở bên mà vợ tôi vẫn còn phải tủi thân, thế thì năm ấy chẳng còn một ai thì em đã sống thế nào hả Diệp ơi?"

Hắn cứ thì thầm mãi những câu dỗ dành, như thế hắn tin rằng lời hắn có thể vọng vào trong giấc mơ của người ấy và khiến cho y vơi đi nỗi bất an. Nhưng hắn nào biết đâu rằng vợ hắn đâu có nằm mơ? Y chỉ đang cố giả vờ ngủ để thoả sức giấu mặt vào ngực hắn mà khóc, khóc cho cái sự hèn nhát và những cư xử nóng vội, ích kỉ của bản thân. Biết bao nhiêu hối hận, xót xa, tội lỗi trào lên mà miệng thì chẳng đủ can đảm để nói thành câu, dù ngay lúc này thâm tâm y đang bật ra cả ngàn lời xin lỗi...


***


Thời gian dần dần vùi lấp những nỗi đau, nhưng không bao giờ có thể xoá đi vĩnh viễn. Những thương tổn dẫu có chìm sâu dưới lớp kí ức thường ngày, bất kể khi nào bị đào lên cũng vẫn đủ sức làm cho người ta vụn vỡ. Như là chiều ba mươi tết của một đứa bé lên bảy, hay một đêm tháng bảy của một đứa trẻ lên tám...

Cá quẫy mạnh trong giỏ làm nước từ mấy bông bèo long tong từng giọt thành một vệt dài theo những bước chân chậm rãi của người đàn ông. Đoạn đường đi từ bến sông trở về nhà, hắn đã đi qua biết bao nhiêu đứa trẻ đang bận nhảy nhót nô đùa đến mức quên cả giờ cơm chiều. Tiếng cãi cọ của chúng hôm nay làm hắn bật cười còn những tiếng cười của chúng lại khiến hắn muốn trào nước mắt... Có đôi khi người đàn ông gần ba mươi tuổi ấy nghĩ rằng nước mắt không phải chỉ để dành cho kẻ yếu và càng không phải cứ trưởng thành là người ta sẽ dễ dàng đi qua mọi nỗi đau. Cho đến khi hắn bằng tuổi thầy u hay thậm chí là bà nội hắn thì cũng vậy thôi, sẽ không một ai có thể luôn sẵn sàng cho mọi sự mất mát. Có người sẽ vì đau khổ tột cùng mà ước gì mình được quên đi mọi thứ nhưng hắn thì chưa bao giờ muốn điều đó. Hắn từng giữ rịt lấy quá khứ trong một vùng trời vắng lặng và yên bình bởi hắn cho rằng thà phải dằn vặt bản thân còn hơn là bất công với sự tồn tại từng có của những điều tốt đẹp.

Chiều thu tàn dần trong những làn khói bếp bay bay khắp trời quê ảm đạm. Con ngõ nhỏ dẫn về nhà buồn hiu hắt nhưng khi hắn mở cổng bước vào sân, đập vào mắt hắn là chái bếp ấm rực đang hắt ra một màu đỏ hồng. Nghe tiếng bước chân người về tức thì hai cái đầu nhỏ trong bếp đều đồng loạt quay ra. Thằng bé con cất tiếng gọi hắn rồi lập cập chạy đến ôm chân, bỏ mặc thầy nhỏ nó loay hoay đỡ bụng đứng lên chậm chạp tựa vào cửa bếp. Y âu yếm nhìn hai cha con hắn ôm nhau. Chỉ một cái mỉm cười nhẹ nhàng nơi ấy mà hắn bỗng có cảm giác mái ấm của mình quay lại những ngày mà vợ hắn chưa bị mất trí. Trong hắn dâng lên một nỗi xúc động nghẹn ngào, hắn suýt nữa bước đến ôm chặt lấy người trước mặt mình nhưng rồi hắn lại thôi vì không muốn y phải ngại.

Cha con hắn dắt nhau ra sân giếng. Hắn đặt cái giỏ xuống cạnh cái chum lớn, dặn con đứng yên đấy chờ thầy múc nước lên. Thằng bé con thích thú vờn mãi những con cá vừa được dốc ra từ trong giỏ trong lúc hắn giảng giải cho nó tên từng loại một. Thấy con cười mãi, Diệp cũng tò mò bước lại phía hai cái đầu đang chụm vào nhau. Thấy trong chum phải có tới ba, bốn loại cá, y ngạc nhiên hỏi hắn sao hôm nay lại mua về nhiều thế.

"Chỗ cá này ngày mai bác cả về nhà thì mình làm cỗ."

Hắn ngẩng lên nói rồi lại quay sang đùa nghịch với con. Diệp đang định thắc mắc thêm thì có tiếng xèo xèo vọng ra từ trong bếp làm y vội phải chạy vào, nồi canh y đang nấu dở vừa sôi trào hết xuống... Thế là mải hậm hực cho cái sự đểnh đoảng của mình, y quên bẵng cái câu chồng vừa nói ra đằng sau. Lụng nhụng sắp sửa cho cả nhà ăn cơm xong thì thằng Phúc mò ra chum nước để vầy. Nó xọc cánh tay bé xíu vào chum ngoáy ngoang làm mấy con cá hoảng lên quẫy nước văng tung toé lên đầu tóc quần áo. Diệp phải lôi nó ra tắm lại và dỗ mãi nó mới vào giường đi ngủ. Tưởng thế mà cũng chưa yên với ông giời con, nó cứ nằm rí ráu mãi, chắc là vui quá nên hôm nay thầy đã vỗ đến mỏi cả tay mà nó vẫn không sao ngủ được. Nó lại tủm tỉm trong khi thầy nó khe khẽ thở dài, chẳng hiểu đến khi em nó ra đời thì y còn phải bận bịu và mệt đến thế nào nữa...

...


Khuya.

Diệp giật mình quờ sang bên, thấy ánh đèn ngoài nhà đã tắt mà chỗ nằm cạnh mình vẫn trống không. Tưởng chồng ngủ quên ngoài ấy, y vịn ngồi lên sà lần đi ra để gọi hắn vào. Gian ngoài ắng tanh ắng ngắt, cửa chính vẫn mở toang, gió se se thổi nhẹ từng cơn. Y tựa cửa trông ra người đàn ông nằm gối đầu tay trên chiếc chiếu trải giữa sân. Không hiểu trên vòm trời chỉ độc một vầng trăng khuyết của những ngày cuối tháng ấy có gì làm chồng y nhìn mãi. Bỗng nhiên Diệp thấy lòng mình se sẽ buồn một chuyện gì đó mơ hồ...

Y bước đến bên chồng. Người đàn ông hơi nhích người, nhấc một bên tay cho y gối đầu và nhẹ nhàng đỡ y nằm xuống.

"Em có thấy lạnh không?"

Diệp lắc đầu, vẻ mặt mơ màng theo mùi thơm trong vườn nhà toả ra. Bấy giờ y mới sực nhớ chuyện hắn nói lúc chiều để hỏi thăm đến người bác cả. Từ hôm bị ngã đến giờ thi thoảng cũng có họ hàng nhà hắn sang thăm, nhưng y biết vẫn còn nhiều người mà mình chưa được gặp.

Chồng y không nhìn y nữa, hắn lại hướng mắt lên vòm trời cao và sâu vời vợi. "Thầy u tôi có ba người con. Tôi và An còn có một anh trai nữa. Anh ấy hơn tôi bốn tuổi." Dường như hiểu được nét mặt ngơ ngác của vợ mình, hắn cười xoà. "Trước đây em chỉ biết chứ chưa gặp anh ấy bao giờ, ngay cả tôi cũng rất ít gặp anh. Năm mười hai tuổi thì anh tôi đã đi xa nhà rồi, mỗi năm anh chỉ về nhà hai lần là ngày mai và cả ngày tết thôi."

"Anh có nhớ anh ấy không?" Diệp cố hỏi nhưng trong lòng y hơi hơi bất an. Y cảm thấy trong giọng kể nghe có vẻ bình thản của chồng mình thực ra có một điều gì lạ lắm. Y mong rằng mình đừng quá nhạy cảm, người anh chồng của y chỉ đi làm ở đâu đó rồi ngày mai sẽ về chơi chứ không phải điều y đang nghĩ tới.

"Có lúc nhớ lắm, có lúc không. Nhưng anh cả lúc nào cũng y nguyên trong kí ức của tôi..."

Kí ức của những ngày đầu hắn chập chững biết đi, biết chạy, thầy đã bận việc cơ quan, u bận đi dệt. Anh cả lên bảy thì hắn mới lên ba, nhưng hai anh em hắn nếu trông nhau thì không lúc nào phải đói. Bóng hai đứa cùng những đám trẻ con khác đổ dài trên trên những đoạn đường quê ngập nắng, cả ngày chỉ tìm hái rau quả dại và đủ thứ để ăn. Những năm tháng xa xôi ấy, có một điều mà hắn luôn được hãnh diện với những thằng nhóc cùng tuổi khác đó là anh hắn chưa từng bỏ mặc hắn để đi chơi một mình. Bất kể cuộc chơi có đang gay cấn đến đâu, chỉ cần hắn mè nheo đòi về là anh hắn dứt ra khỏi đám. Lúc lớn hơn rồi thì hắn không phá bĩnh nữa nhưng vẫn luôn là một cái đuôi phiền hà. Nhất là mỗi lần cả lũ chơi trốn tìm, anh cả bao giờ cũng bị tìm thấy đầu tiên bởi vì đứa đi tìm sẽ nghe được tiếng léo nhéo của hắn đang nấp sau lưng anh. Những lúc ấy anh chỉ cười chứ không bao giờ mắng hắn, bởi vì anh hiền lắm.

Anh trong suy nghĩ của hắn là một người chẳng bao giờ biết giận, chỉ trừ một lần duy nhất...

Hắn nắm chặt con ếch nhỏ trong tay. Mặc dù ếch là cái con hắn đã thấy nhiều rồi, nhưng hôm ấy là lần đầu tiên hắn tự vồ được một con trong bụi cỏ. Trên lưng nó có mấy sọc màu vàng chanh, chắc chắn là đẹp và hiếm hơn những con ếch khác. Mừng rỡ, hắn chạy vội ra chỗ cái máng anh cùng tụi bạn đang bắt cá để khoe. Con ếch quí giá tuột khỏi tay nhưng không phải do hắn tự buông ra mà bởi vì hắn vừa bị một đứa cao lớn hơn giật lấy. Nghe tiếng hắn tức tối gào thét, anh hắn lóp ngóp lội lên bờ, hai tay đã thủ thành nắm đấm định cho đối phương một trận. Thằng nhóc ngang ngược kia thấy điệu bộ hùng hổ của anh thì đã hơi chùn bước, nó cúi xuống nhìn con ếch trong tay tính toán chuyện gì đó, rồi cũng hất hàm nói, trả cho mày này, và nó ném con ếch ra thật xa. Trời đã nhập nhoạng tối chẳng nhìn rõ mặt người nữa là tìm. Hắn mếu máo mãi từ ngoài đồng đến lúc về nhà, đến bữa bưng bát cơm lên còn chẳng buồn và vào miệng...

"Em đừng buồn, chốc nữa anh đi soi ếch với bác Thuận xem có gặp lại nó không nhé."

Anh hắn vỗ vai hắn đang ngồi thẫn thờ ngoài đầu hè. Anh có vẻ tự tin vì mấy ngày mưa dầm, bọn ếch chui ra giao phối rất nhiều, đêm qua bác hai với mấy người đã đi bắt rồi. Hắn lèo nhèo đòi đi theo mãi mà anh không đồng ý vì bảo có trẻ con bám theo nhiều các bác không cho đâu. Hắn tiu nghỉu trông theo bóng lưng cao cao của anh xách cái giỏ con chìm dần trong bóng tối.

Giữa đêm khuya khoắt, hiên nhà hắn có tiếng đập cửa ầm ầm. Thầy hắn ra mở cửa, bác hai sốt ruột lắp bắp giải thích mãi không thành câu mà thầy hắn đã gần như chết lặng, mãi mới gào lên gọi u con hắn để chạy đi. Nhà ông lang cuối làng nhốn nháo những người đứng ngoài cửa, ai cũng xắn gần tới gối và chân tay lấm lem rõ là vừa ở ngoài đồng. Anh hắn nằm bất động trên giường, trên bắp tay và cả ở đùi lộ ra hai vết rắn cắn sâu hoắm... Đám đông tách ra, chừa chỗ cho ông bà và những người họ hàng khác của nhà hắn đi vào.

Anh vẫn đủ sức hé mắt ra nhìn mọi người. Thấy đứa em nhỏ gọi mình mà tay vẫn quẹt nước mắt, anh hắn vẫn cố thì thào xin lỗi trong tiếng thở khò khè. "Để ngày mai anh đi bắt con khác cho, nhé..." Hắn vừa khóc vừa gật đầu. Lúc ấy hình như hắn vẫn chưa hiểu được rằng anh không bao giờ còn có thể bắt ếch được cho hắn nữa...

Bốn chín ngày anh mất.

Thật ra hắn chưa từng đếm những ngày ấy, chỉ biết sáng hôm ấy nhà hắn rất đông người, hệt như cái ngày mà cả nhà hắn đặt anh vào trong hòm gỗ và đưa ra ngoài đồng. Hắn ngồi bần thần trong lòng ông, nghe ông nói với vẻ buồn bã.

- Sau hôm nay là anh con đi hẳn đấy.

- Đi hẳn là thế nào hả ông ?

Hắn ngơ ngác hỏi, bấy lâu nay thầy u vẫn nói dối hắn là anh chỉ đâu đó một thời gian để chữa bệnh rắn cắn rồi sẽ về. Tới giờ làm lễ trời sầm sập mưa tầm tã. Mọi người trong nhà hắn xì xụp khấn vái và khóc còn to hơn cả mưa. Hắn lủi đi trong đám đông, đầu trần chạy khắp con đường làng, gào lên những tiếng gọi rời rạc.

"Anh ơi? Anh đang ở đâu ?"

Nếu sau này anh đi hẳn rồi thì hôm nay hắn... hắn chỉ muốn được cùng anh dầm mưa, cùng anh bắt châu chấu trên cánh đồng, chạy theo anh một lần nữa thôi mà... Đường đê lầy lội, bết bát đất bùn và đá dăm. Hắn lăn mấy vòng xuống dưới chân đê. Thần trí mơ hồ lịm đi nhưng đột nhiên hắn nghe, nghe thấy anh gọi mình. Rõ lắm. Tiếng anh giận dữ như màn mưa đang táp vào da hắn đau đớn.

- Ai cho em chạy ra đây hả, đi về, về nhà ngay !

Hắn cuống lên trong nỗi bất lực, hắn muốn mở mắt ra để nhìn thấy anh, để xem ai đang đưa anh hắn đi, hắn sẽ bảo người ta hay là để anh lại mà đưa hắn đi thay đây này... nhưng mắt hắn như có ai đang đè nặng. Hắn chỉ có thể rối rít nói thật to vì sợ nãy giờ anh đã biến mất rồi.

- Em xin lỗi... em xin lỗi anh...

Những giọt mưa trở nên nóng nảy bỏng rát. Hắn mê man sốt, cả người nóng như hòn than. Hắn không biết mình đã vô thức trong bao lâu, cho đến lúc mơ hồ thấy một vòng tay gầy guộc ôm hắn vào lòng, u hắn gào lên tức tưởi.

- Con không thương thầy u nữa ư? Nếu cả con cũng thế này thì sau này thầy u biết phải sống làm sao được nữa?

Hắn từ từ mở mắt ra. Trong căn buồng nhỏ có tiếng than nổ lép bép. Hắn đưa mắt nhìn quanh. Thầy hắn, ông bà hắn ngồi bên, nhưng không có anh. Giờ thì hắn biết anh đã đi thật rồi...

Anh hắn mãi mãi ở tuổi mười hai, nhưng hắn thì không còn là đứa trẻ lên tám. Hắn không còn có thể bé lại trên lưng anh hắn, không còn là cái đuôi lẵng nhẵng theo anh trên mé đê lộng gió. Hắn sẽ phải thay anh trở thành chỗ dựa cho thầy u hắn từ nay... ngoài chuyện đó ra, hắn không xứng đáng có được bất kì niềm vui nào nữa cả.

Kể từ ngày anh mất, u hắn đau ốm liên miên. Thầy hắn lúc ấy đương còn trẻ phải phấn đấu nhiều nên thầy đưa u con hắn về đây ở với ông bà, mà thực lòng ông bà cũng rất muốn như vậy. Bà nội thương u hắn nhất trong mấy người con dâu, bởi vì bà bảo con mất cha mẹ người ta gọi là mồ côi nhưng cha mẹ mất con thì không một lời nào diễn tả được. Ông hắn bấy giờ đã tới cái tuổi phải được nghỉ ngơi, nhưng ông quyết định không nghỉ ngơi nữa để sát sao với thằng cháu cho nên người. Ngôi nhà cũ của gia đình hắn bán lại cho một người khác vì cả hắn và thầy u đều không chịu nổi mỗi khi về lại đấy. Mảnh vườn nơi có những cái cây nhỏ anh em hắn từng tự tay trồng, bờ tường gai góc mà anh em hắn từng trèo qua những buổi trưa để trốn nhà đi chơi... Thỉnh thoảng có việc phải đi qua lối cũ, hắn vẫn đứng tần ngần đứng ở phía xa nhìn một lúc rồi mới rời đi...

Mấy năm sau đó u hắn sinh em An, trong nhà có thêm đứa trẻ con thì sức khoẻ và tinh thần của u mới khá hơn nhiều được. Hắn thì vẫn thế, mỗi ngày một lớn lên nhưng vẫn chẳng bao giờ thôi chì chiết chính mình. Dẫu có cố làm cho bản thân theo đuổi những điều khác, thì bất kể lúc nào và ở đâu chỉ cần nghe đến một người trùng tên, lòng hắn dù đang sao nhãng thế nào cũng sẽ thắt lại. Biết bao nhiêu năm trôi qua nhưng cứ mỗi khi đến cái ngày đau đớn ấy, hắn vẫn thấy mình chỉ như đứa trẻ lên tám với biết bao khao khát được gặp lại người anh đã mất, được đứng trước mặt anh oà khóc và hét thật to rằng anh à, em không cần con ếch nào nữa cả, em xin lỗi anh...

Dẫu rằng hắn không có lỗi gì. Mọi người đều bảo thế. Để nhẹ lòng cho người ra đi và cũng để người ở lại còn tiếp tục nhìn nhau mà sống. Nhưng hắn vẫn luôn đau đáu, hắn không có lỗi, vậy thì người có lỗi là ai? Hoá ra tình thương cũng có thể làm khổ nhau. Chỉ vì chiều hắn mà anh hắn phải chết, hắn cũng vì quá yêu quí anh mà mãi mãi không bỏ được gánh nặng trong lòng...

Thế rồi đến một ngày, hắn nhận được tin ông nội hắn đang sửa soạn để lên đường xuống gặp anh. Lúc ấy hắn đang đi học xa, khi hắn lặn lội về được đến nhà thì ông đã yếu lắm rồi. Trước khi rời đi, ông chỉ kịp xoa đầu hắn mà bảo rằng. "Cháu của ông ra dáng quá rồi. Con lớn lên là một người đàng hoàng, đĩnh đạc, lương thiện thế này với ông không có gì vui sướng hơn. Nhưng mà hứa với ông, một ngày nào đó, phải sống cho chính mình, con nhé..."

Mấy năm về trước, ngày Diệp nghe được câu chuyện này của hắn, Diệp ôm chặt cổ hắn mà khóc nấc lên. Không phải lỗi tại anh, không phải lỗi tại anh mà. Diệp bảo thế. Câu nói ấy hắn đã nghe từ biết bao người, thậm chí cả từ chính anh cả khi hắn gặp anh ở trong mơ. Có một điều mà chính hắn cũng không nhận ra rằng chỉ từ sau khi gặp cậu trai ấy, hắn mới dần cảm thấy tim mình nhẹ nhõm. Và hôm nay lại một lần nữa, hắn phải bóc trần những thứ từng làm mình ám ảnh. Những nỗi đau vĩnh viễn sẽ không thể mất đi. Bởi vậy nên hắn có thể hiểu được lí do sau bao năm, vợ hắn vẫn luôn phải tủi thân với những kí ức buồn trong quá khứ.

Diệp vẫn còn thút thít trong vòng tay của hắn, có lẽ còn nhiều điều muốn hỏi nhưng y không nói được thành câu. Phải đến khi hắn nhắc rằng thằng bé con đang khóc ở trong buồng kìa thì y mới dứt được khỏi cơn xúc động để chống tay ngồi dậy.

"Em vào với con đi, tôi đi ủ cá để còn cho bữa giỗ anh cả ngày mai."

Hắn cũi xuống dỗ dành, nhưng Diệp bảo.

"Vỗ con xong em ra làm với anh."

"Không được." Hắn gắt. "Bây giờ muộn rồi sương xuống nhiều, ra ngoài giếng ngồi gió máy lắm. Vào đi, tôi làm một lúc thôi là xong thôi. Năm nào tôi chả làm."

Tự tay nấu những món cá này, đó đã là cái lệ trong lòng hắn suốt hai mươi năm qua. Anh hắn rất sát cá, cá chép nướng úp vung, cá rô đồng rán giòn, hay cá kho ủ trấu, món nào anh hắn cũng thích và cũng biết làm. Ngày còn bé hắn chỉ việc le ve bên cạnh anh, tập nhóm lửa và học tên, háo hức khi anh bảo rồi anh sẽ dạy em nấu. Nhưng mà anh có kịp dạy hắn đâu, hắn đã phải học nó từ những người khác. Hắn đã tập nấu không biết bao nhiêu lần, đến mức mỗi năm ngày giỗ anh, mâm cơm cúng bao giờ cũng có những món cá mà mọi người tấm tắc rằng rất thơm, rất ngon. Nhưng sẽ chẳng một ai biết rằng, đối với hắn đó mãi mãi là chỉ những món ăn giông giống với thứ hắn từng ăn khi còn bé. Bởi vì những món cá anh từng làm trong mỗi chiều thầy u vắng nhà, hắn đã thưởng thức với tất cả niềm hạnh phúc của một đứa trẻ con. Thời khắc anh chụp lấy con cá ở ngoài đồng, hắn tấp tểnh bước theo sau, tay trói xuống xách một dây lạt xâu đầy khế, tiếng bước chân hai đứa trên vệ cỏ sột soạt, tiếng cá quẫy lạch quạch trong nơm, tất cả đã đi vào cả trong món ăn và trở thành những hồi ức tuổi thơ tuyệt vời nhất mà hắn từng có...

Thằng Phúc vẫn ời ời khóc bên trong đòi Diệp phải trở vào buồng đón nó. Thằng bé đã lớn không còn xì xục bú đêm như trước đây, nhưng chỉ vì hôm nay tỉnh giấc mà không thấy ai nằm cạnh cho nên nó phải gọi, chứ mỗi khi được ôm vào lòng, nó cũng ngủ lại ngay. Diệp lặng lẽ nhìn con, nó thì đã thiu thiu mà y thì trằn trọc không sao ngủ trước được.

Y lại lật đật trở dậy, mở ngăn kéo ra để đọc lại bức thư mà mấy hôm trước tìm thấy trong ngăn tủ cạnh bàn nước. Đó là bức thư do chính y viết, nhưng y thắc mắc mãi mà không dám hỏi vì sao trong ấy lại có mấy dòng nói về chuyện "hắn không được vui nghe biết tin y mang thai...". Cho đến ngày hôm nay, Diệp mới vỡ lẽ ra rằng đâu phải hắn không cần con. Hắn yêu vợ, yêu con là thế. Nhưng có lẽ hắn sợ rằng y sẽ sinh con rồi chết. Nếu y mà chết thì cuộc đời này thật tàn nhẫn biết bao nhiêu, bởi hắn làm sao có thể chịu được một người hắn yêu thương sẽ lại vì hắn mà chết đi.

Người đàn ông ấy từng làm Diệp thấy mâu thuẫn. Bởi lẽ ra khi được sinh ra trong một gia đình đủ đầy về mọi thứ, hắn phải nên có một phong thái bình thản, vô tư, thậm chí là vô tâm. Nhưng hắn lại nóng nảy, qui củ và cứng nhắc, để rồi lẫn trong cái vẻ xù xì ấy hắn vẫn là một người thật tốt, thật biết nghĩ cho mọi người... Có gì khó hiểu thế đâu. Hắn đã phải lớn lên với một nỗi dày vò trong trái tim, một thứ áp lực không được làm sai bất kể điều gì mà chính hắn luôn tự đè nặng lên mình. Một cảm giác có tội với anh trai, với thầy u và tất cả những chuyện hắn cho rằng mình gián tiếp gây nên...

Gà gáy canh tư.

Hắn vùi sâu cái nồi đất vào trong đống tro bếp rồi mới lật đật trở vào nhà. Cứ tưởng vợ con đã ngủ say, hắn còn đang khẽ khàng nằm xuống thì người bên cạnh hắn trở mình. Y mặc kệ bên bả vai đang đau để dụi sâu vào lòng hắn. Nước mắt y lại chảy ra ướt đẫm ngực áo chồng, nhưng lần này y không giả vờ ngủ mơ nữa. Y nhìn sâu vào đôi mắt thăm thẳm ấy mà sụt sịt.

"Em xin lỗi vì đã quên mất những chuyện này. Em thật chẳng hiểu gì về anh."

"Trời ạ, vì thế mà em khóc đấy ư? Ngốc quá! Em có quên tôi cũng chẳng sao, em vẫn là vợ tôi cơ mà. Tôi chỉ ghét ông trời, tại sao lại để em quên rằng u đã chết để rồi em phải trải qua những đau đớn ấy một lần nữa. Cảm giác phải mất đi người thân trong đời có bao giờ dễ dàng đâu đúng không..."

Hắn mỉm cười xoa xoa hai má đỏ ửng lên vì khóc của y, ánh trăng mờ mờ hắt vào buồng ngủ soi lên mặt hắn thứ vầng sáng bàng bạc. Diệp bỗng thấy hắn trở nên gần gũi vô cùng, theo một cách mà y không tài nào lí giải được.

Đường lên trời bao xa ai biết... Nhưng đường từ trái tim này đến với một trái tim khác thì chỉ cần một cái ôm siết chặt mà thôi... Sự xúc động bồi hồi đến từ những rung động đang dâng đầy trong tim khiến cho y không biết lấy đâu ra can đảm để đưa tay chạm lên mặt hắn và khẽ thì thầm.

"Nếu sau này em vẫn không thể nhớ ra anh, vậy thì em sẽ học cách thương anh thêm một lần nữa..."

...

Thoáng thấy cái bụng to vừa lấp ló sau những tán cây ngoài cổng, lũ trẻ dừng hẳn cuộc chơi trong sân để chạy ùa ra.

- A, cậu Diệp sang rồi.

- Cậu Diệp, cậu có nhớ con là ai không?

- Nào nào, thầy của Phúc chứ, xê ra nào...

Diệp âu yếm nhìn xuống lũ nhỏ đang vây quanh sờ mó bụng mình. Y xoa xoa từng mái tóc tơ, hỏi tên từng đứa và nhớ kĩ gương mặt của chúng. Rồi y ngẩng lên, gật đầu chào một lượt những người đang ở trong sân. Có người y đã biết và có người không nhưng tất cả đều đón chào y bằng những nụ cười vồn vã.

Mẹ chồng y cũng vừa cười nói với một ai đó ở ngoài cổng và quay vào với một một rổ thị đã chín vàng trên tay. Bà đặt vào tay y kể bằng một giọng cảm động và hạnh phúc.

- Con có biết quả thị này là từ cây nào không? Cây thị ở nhà cũ mình đấy. Năm xưa chính thằng Ngũ và anh nó cùng nhau trồng. Gần hai mươi năm rồi người chủ về sau cũng không chặt đi. Năm nào đến ngày này họ cũng hái một rổ mang sang để cho nhà mình đặt lên mâm cúng.

Diệp theo u ra ngoài giếng, cẩn thận nhấc từng quả một lên rửa sạch rồi mới bưng vào nhà trên. Y nâng niu rổ thị bước lên thềm, rồi chợt dừng lại nhìn chăm chăm vào tấm lưng đang lụi cụi sắp xếp mâm cơm cúng. Sáng nay ở nhà Diệp đã thấy hắn cẩn thận lau đến từng lớp lá chuối để lúc này còn lót vào từng đĩa cho đẹp mâm. Xong xuôi đâu đấy, hắn hơi lùi lại ngắm một lượt và bấy giờ mới lẩm bẩm một câu khẽ khàng. "Anh cả, anh về ăn cơm với chúng em." Diệp không nhìn được mặt chồng khi hắn nói với anh, nhưng y hiểu trong câu nói chưa đầy mười từ vỏn vẹn ấy chứa đựng biết bao nhiêu nỗi nhớ làm cho bỗng nhiên y thấy thương hắn đến thắt lòng...

Ở phía sau bếp, những người đàn bà đang hối hả múc nốt từng bát chè bánh trôi, đơm nốt từng đĩa xôi gấc đỏ tươi ra đĩa thì bỗng, một lũ một lĩ đứa nào cũng mặt mũi lấm lem đang rồng rắn nhau chạy bình bịch bằng những đôi chân trần.

- Mấy cái đứa này được ai cho cái gì mà tự dưng nom hớn hở thế?

Con bé con cười khúc khích, vừa đưa bàn tay nhỏ thó lên che nửa con mắt, nói không thành câu.

- U, sao hôm trước u bảo cậu Diệp bị ngã xong cậu chẳng nhớ ai cả, thế... vừa rồi cậu chả cầm tay và còn thơm má cậu con là gì, hí hí...

Thật không? Thật không? Mấy người đang làm bếp hỏi dồn, tức thì năm bảy cái miệng leo lẻo cũng thi nhau rướn cao giọng lên. Thật đấy? Thật chứ? Con cũng thấy mà. Con nữa, con cũng thấy nữa.

- Ui chúng mày ơi, hai cậu đang ôm nhau trong nhà kìa?
- Đâu? Tao ra xem nào?
- Đợi em, đợi em đã các anh chị này? Em xem với chứ?

Thấy chúng nó đã sầm sập chạy cả đi, bà cụ già hốt hoảng nhướn người gào với theo. Nhưng vì vẫn còn yếu người, nên giọng bà cụ lọt thỏm trong tiếng hò la đến nhức óc của các ông giời con, bà giời con ấy.

- Này... chúng mày mà vào phá đám, thì thằng ấy nó bẻ cổ cả lũ chúng mày ra...



Ở trên cao, mây vẫn lững lờ trôi giữa vòm trời mùa thu.



Và thoang thoảng khắp đất trời, những cây thị đang mùa quả chín mênh mang đưa hương trong gió, một thứ hương thơm dịu ngọt cả lòng người...




— . —

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top