Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

46. Chương đặc biệt : Thanh Xuân.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bên ngoài cửa sổ thoảng qua từng đợt gió mơn man, rung rinh những chồi lá non giữa nền trời xanh biếc. Ngũ đã phải bỏ dở bữa cơm hắn đang ăn, để đáp lại câu hỏi ấy của Diệp bằng một cái ôm siết chặt đến nghẹt thở.

Vết khâu bên sườn trái sau khi tháo chỉ thì lành lại rất nhanh, có lẽ là vì những ngày nghỉ ngơi ở bệnh viện huyện, Ngũ thấy mình ăn được, ngủ được, lại thêm cả mấy tích trà an thần Diệp hãm đặc rồi bắt uống mỗi ngày. Trong khoảng hai tuần hắn không ở nhà, Tân và một đồng chí công an huyện giả mặc thường phục, trông rất tuềnh toàng, lân la nhậu nhẹt ở dăm quán lòng lợn, quán cóc ở ba xã giáp bên, cuối cùng cũng tìm ra được mấy gã thanh niên gần khớp với những gì mà Ngũ đã vẽ lại lúc nằm ở nhà Diệp.

Trước mặt nghi phạm và những bằng chứng không thể cãi được, chủ tịch xã Lục Vân đã chịu khai nhận chính mình. Chính vì không biết ngân sách đổi mới là nằm trong kế hoạch đã định sẵn của Tỉnh, nên khi mới hay tin Lục Thanh là xã đầu tiên được duyệt chi, ai ai cũng lầm tưởng thông lệ thường qui là tất cả nguồn tiền đều thông qua Huyện uỷ cấp về. Nhân lúc bốn xã tổ chức lễ hội bên sông, ông Đặng Văn Thao và một vài người nữa đã cùng ủ mưu kích động gây rối với Lê Văn Mạnh - con trai của phó chủ tịch huyện rồi đổ tội cho người dân và cán bộ ở Lục Thanh, hòng giành lấy nguồn kinh phí lớn kia chuyển sang cho xã mình.

Ngày chủ tịch xã Lục Vân cùng các nghi phạm bị bắt giải lên huyện, Ngũ cũng được bệnh viện cho về. Thấy hắn ngẩn người như đang suy nghĩ việc gì, Diệp đang cặm cụi sắp đồ bèn quay ra hỏi. "Anh ơi, anh làm sao thế?"

"À...Cách đây hai năm, anh được ông Quyết cho xem qua kế hoạch đổi mới. Lúc ấy anh đã hỏi ông, vì sao không làm từng bước theo như lệ cũ, và ông đã bảo anh là, cuộc sống này như một dòng chảy vậy, nếu cứ để cái cũ cuốn đi, cái mới trôi theo, thì sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi lối mòn của nó. Thỉnh thoảng, mình phải suy nghĩ khác đi một chút, làm một điều gì đó không giống lẽ thường, sẽ tìm ra được những điều sai phạm còn đang lẩn khuất đâu đó... Ông nội anh ngày xưa cũng hay nói với anh thế. Các ông hay thật, chẳng biết bao giờ mình mới giỏi được thế nhỉ!"

Diệp đăm chiêu ngồi nghe, thở dài đánh thượt một cái. "Nhưng mà em chẳng bao giờ nghĩ, làm cán bộ mà cũng nguy hiểm như vậy!"

Ngũ hơi sửng sốt, giả vờ ngạc nhiên. "Anh cũng không ngờ đấy! Hay thôi không làm cán bộ nữa, anh về nuôi gà, trồng rau thôi có được không? Nếu mà anh nghèo, Diệp nuôi anh nhá?"

Diệp ôm khư khư cái bọc quần áo trong lòng, cười tít cả mắt. "Vâng ạ."

Trên đường về, Ngũ và Tân cùng Diệp ghé qua trụ sở Công an huyện. Ông Thao xin được gặp qua để nói lời xin lỗi, thái độ cũng rất thành khẩn, ăn năn. Ngũ thì không giận, mà chỉ thấy tiếc cho cuộc đời của một Đảng viên, cũng từng chính trực, phấn đấu để rồi lại đánh mất mình giữa lúc thời kì đổi mới nhập nhèm đen trắng. Dẫu vậy, hắn cũng không thể giúp gì được nhiều, bởi Tỉnh đã ra công văn yêu cầu Huyện phải xử lí nghiêm khắc vụ này, làm gương cho tất cả các xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung, dù kinh phí đổi mới có lớn đến đâu cũng không thể vì hòng giành giật nó mà bất chấp gây rối trật tự chính quyền, vu oan cho người khác.

Thoáng thấy mặt hắn ngoài cửa phòng tạm giam, mấy thằng chọi con ngồi ở bên trong đã nhao nhao lên nói.

"Anh Ngũ! Lúc ấy em định đâm vào thằng Mạnh, tại anh tự dưng ra can thằng Cả nên em mới đâm phải anh!"

"Anh ơi, anh xin cho bọn em về nhà đi anh, đừng bắt bọn em vào tù! Chỉ tại thầy em nợ tiền ông Thao, ông ấy bắt em phải kích cho thằng Cả uống say. Bọn em đều không muốn làm đâu nhưng ông ấy khăng khăng là cứ làm đi rồi đổ hết cho nó là được!"

Mấy người đứng ngoài còn ai chưa kịp nói gì cả, Diệp đã chạy ào vào buồng giam, dùng hết sức bình sinh đấm đá túi bụi, nhảy cả lên lưng mấy đứa bên trong rồi hét to. "Mẹ cái thằng này!! Ai cho mày dám đâm người yêu tao!!!!! Tao cho mày biết thế nào là đâm này....!!! Này thì đâm nàyy.........!!!!!" Cứ mỗi một chữ "này" thốt ra từ miệng, Diệp lại nện hai nắm tay gầy nhỏ của mình lên khắp đầu, khắp cổ, khắp vai của cái thằng đã làm người mình yêu bị thương. Mắt Diệp đỏ sọng lên, hai hàm răng nghiến lại cùng với đôi chân nhỏ con quẫy đạp loạn xạ. Chẳng còn ở đó cái dáng vẻ ngày thường, ai nói gì cũng cười, ai bảo gì cũng ưng, cứ như thể mười chín năm sống trên đời, chưa từng có điều gì làm Diệp thấy tức giận đến vậy.

Dũng không thể ngờ những linh cảm mơ hồ của mình thế mà lại đúng. Ngay từ lúc Ngũ nắm tay Diệp dắt vào Trụ sở, Dũng đã thấy hơi hơi ngờ ngợ rồi mà chưa tiện hỏi thăm. Trong hình dung của hắn suốt mấy năm nay, người mà thằng bạn mình thương thầm rồi ước hẹn sẽ lấy hẳn phải là một cô thôn nữ chân quê chứ sao là một thằng nhóc hung hăng đến thế kia chứ? Thời còn học ở trường quân sự tỉnh, giường của hai đứa ở sát sạt nhau, nhiều đêm giật mình tỉnh dậy, Dũng lại thấy thằng bạn vẫn còn đương nằm gối đầu tay, thao thức nhìn vào bức tranh nho nhỏ dán trong góc tường. Mẹ cái thằng... si tình đến thế là cùng. Dũng chỉ thoáng nghĩ vu vơ vậy thôi, rồi bận bịu quay trở lại ngay với giấc ngủ ngon lành còn dang dở. Trong ấn tượng bấy lâu của cả bọn, Ngũ nhất định không phải một kẻ bạc bẽo, vậy chẳng có lẽ cô nàng kia phụ hắn bỏ đi lấy chồng trước, nếu đó là chuyện buồn lòng, bây giờ mình hỏi liệu có vô duyên không?

Dũng trầm ngâm khoá lại cửa buồng tạm giam, quay ra khều khều thằng bạn thân đương mải dán chặt hai mắt dõi theo người yêu nó.

"Ê Ngũ ơi... mày... mày chia tay cái em vẫn đợi mày ở quê rồi hả?"

"Sao mày nói thế??? Bố đấm vỡ mặt giờ!"

"Ơ... thì...thì..." Dũng hơi ngập ngùng, chỉ tay về phía ghế đá chỗ Tân đang đứng ngáo ngơ còn Diệp thì ngồi đăm chiêu.

Ngũ thản nhiên gật đầu một cái. "Ừ, vẫn là người đấy thôi mà."

"Mày điêu! Tao nghe bọn nó kể người yêu mày hiền, nhát lắm! Thế mà nó vừa dựt đứt cả tóc mấy thằng kia luôn kìa!"

"Há há, mày thấy người yêu tao hay không? Cuối tháng này bọn tao làm đám cưới rồi, nhớ phải về đấy!!!!... Thôi, tao tạt qua đây một tí thôi. Mấy thằng nhõi kia mày cứ tạm giam vài hôm cho biết sợ, để xem có xin được trên tỉnh giơ cao đánh khẽ vụ này không đã."

Nói qua nói lại một hồi, Dũng lại tự âm thầm, cẩn thận đánh giá Diệp thêm lần nữa. Thấy bọn hắn đi đến, Diệp lúng túng đứng dậy cười trừ. "Em xin lỗi các anh, vừa xong... tại em tức quá..."

Ngó qua tay Diệp có vệt xước, Ngũ mới ân cần nắm lấy rồi xoa xoa. "Đánh thế chưa có lực, chúng nó chưa đau đâu? Diệp mà muốn học đánh nhau thì để về nhà anh dạy cho nhá?"

Diệp lắc đầu, nhăn mũi. "Thôi ạ...!!! Em cũng chả muốn phải làm thế lần nào nữa đâu..."

Tân hôm ấy được dịp cười lăn cười lộn, cu cậu vừa về đã đem chuyện đi kể với khắp Uỷ ban, thảo nào mà mỗi lần đến đấy đưa cơm cho chồng, Diệp lại bị các anh các chị xúm vào trêu mãi. Ngượng quá, hỏi thì mọi người chẳng nói, giờ mới biết tại sao... Diệp tủm tỉm cười, ngón tay không ngừng mân mê, sờ sờ cái vết sẹo ở dưới áo của chồng, nó cũng nhạt đi nhiều rồi. Ngũ bảo, lúc vết thương mới lành, Diệp hay cần mẫn làm cao bôi cho hắn lắm. Chính ra thì Ngũ cũng chẳng muốn em phải lọ mọ thế, nhưng cái dạo ấy hai đứa mới về ở với nhau, hắn thấy rất yêu những lúc vợ hắn ngồi chăm chú đọc sách dưới ánh trăng, yêu những lúc em ngồi bên bếp lửa sắc thuốc, vừa quạt bếp, vừa lau mồ hôi mà vẫn thi thoảng nhìn hắn rồi nhoẻn cười. Có những đêm Ngũ phải đi trực muộn, lúc hắn về, Diệp đã mê man ngủ vùi, thế mà chỉ vừa thấy chồng vén màn chui vào giường, em đã bổ nhào ngồi lên, mắt nhắm mắt mở chìa ra hộp cao đang nắm chặt trong tay rồi ú ớ. "Anh ơi, bôi thuốc đã... bôi thuốc đã ạ..."

Chao ôi! Những ngày ấy nghĩ lại... sao mà hạnh phúc quá! Vợ chồng son, hay thật, đi đâu, làm gì cũng phải nhìn mặt nhau, làm như hở ra một tí thôi là có người bắt mất. Diệp ngồi ngoài sân giếng vo gạo, mắt không ngừng dáo dác nhìn quanh xem chồng ở đâu để í ới gọi.

"Mình ơi? Mình còn làm gì ở đấy thế?"

Ngũ chạy từ vườn vào, mặt hắn hớ ha hớn hở. "Anh vừa đặt xong bẫy chuột cho Diệp rồi đây này."

"Vườn mới thì nhiều chuột lắm, mình có bắt được hết không? Chúng nó mà cắn hỏng cây non của em là em bắt đền đấy!"

Vừa đặt "cạch" cái nồi gang lên kiềng bếp, Diệp vừa quay ra ngờ vực. Đúng lúc ấy, Ngũ cũng vừa xếp gọn đống "đồ nghề" của mình vào một góc. Chàng ta ngồi phịch xuống cửa bếp, thở hắt ra. "Chuột đếch nào mà chả bẫy được!" Thế rồi, chờ cho Diệp vừa bước ra ngoài cửa, hắn đột ngột chụp tay vào đũng quần em, bóp bóp cái ấy ấy bên trong rồi quát to. "Kể cả cái con chuột nhắt này nhá!"

"Nào!!!!!" Diệp thét lên, đánh bôm bốp vào vai hắn. "Kìa... thôi ngay... hàng xóm họ cười cho bây giờ... bỏ ra... bỏ em ra ngay... kìa... có thôi đi không!!!!!"

Đuổi nhau huỳnh huỵch một vòng quanh nhà, cơm vẫn chưa chín. Diệp lom khom mở vung nồi, chắt lấy nước cơm, cả hai vợ chồng mỗi đứa một bát, húp cho ấm bụng.

"Oà, hôm nay Diệp nấu gì cho chồng ăn mà thơm thế?"

"Thịt kho củ cải, hành muối, với cả canh hến nữa, mình có thích không?"

"Lấy vợ thích quá! Cơm ăn mỗi bữa một lưng, uống nước cầm chừng để bụng thương em!"

"Thôi đi. Đằng ấy mà ăn một lưng thì tôi cứ bé!"

"Hề hề. À mà Diệp này, sớm mai họp chợ đấy, em mua gà nhé, chiều tối thằng Hoàng với cái Liên sang ăn cơm nhà mới với chúng mình."

"Vâng... em nhớ rồi mà. Thế Tân với Kim Anh có sang không ạ?"

"Có chứ, gọi cả hai đứa nó đến nữa!"

Ánh nắng nhạt nhoà lùa vào trong căn bếp nhỏ nồng đượm hơi ấm. Hai vợ chồng khép chặt cửa lại rồi trải chiếu lên trên cái ổ rơm, ôm ôm ấp ấp, nghe mùi cơm chín. Diệp lúc ấy cũng hệt như lúc này vậy, em ngồi yên lặng bên cạnh người đàn ông mình yêu nhất, chỉ khác là bây giờ thì có thêm cái bụng chửa căng tròn, to tướng này thôi...

Đêm về khuya lạnh hơn.

Ngũ đưa Diệp về lại giường bệnh viện, không ngừng càm ràm vì chuyện em đã lén vui mồm mà ăn hết cả một chùm dâu da rất to. Diệp chỉ cười hì hì, ì ạch xoay người vào trong tường. Vừa cử động đã thấy rất đau bại cả thắt lưng, vậy mà chẳng hiểu sao lại có những lúc, em rất yêu cái bụng chửa của mình, cảm động vì những cử động phập phồng của con, không chỉ là một đứa mà là tận hai đứa. Chúng nó đạp Diệp sắp vẹo cả xương sườn, mà Diệp lại còn thấy buồn cười, và thương ơi là thương. Con là cái hạt giống tí hon của chính em và người mà em đã gửi gắm đời mình, mặc dầu mỗi khi đi bên hắn, Diệp cũng vẫn thường có cảm giác tự ti một chút. Em hiểu mình giờ không khác gì một kẻ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, thái dương vẫn thường xuyên đau, suy nghĩ cũng chẳng được minh mẫn hay biết quán xuyến việc nhà giống như ngày trước, có cố đến mấy thì cũng chỉ như một đứa trẻ con lên mười đang phải học cách chăm chồng, nuôi con. Nhưng Ngũ thì dường như chưa từng phiền lòng những chuyện ấy, cũng chẳng để Diệp có cơ hội tự hỏi lòng, liệu mình có xứng đáng làm vợ hắn không đây? Hắn chỉ thường ghì Diệp mà ôm hôn, làm em tối tăm mặt mày rồi bối rối chẳng nghĩ thêm được gì. Những lúc bạn hắn sang nhà để bàn mấy công việc của xã, Ngũ cũng chưa bao giờ đuổi Diệp vào buồng trong, em thích thì cứ việc ngồi nghe, nghe chán thì quắp thằng Phúc ra ngoài đầu hè hóng gió, ăn kẹo ăn bánh. Diệp sợ hắn mắng mình tọc mạch, hóng hớt, nên hoạ hoằn lắm mới dám hỏi một câu. Đợi hắn từ tốn giải thích thì em ngồi thật im, vừa ôm con vừa chăm chú nghe không sót một từ.

Thế nhưng cũng có lúc, Diệp thấy cái bụng này vướng víu đến vô cùng. Đó là những lúc đi chợ, đi đò, cả người cồng kềnh, phải tránh hết người nọ tới người kia, có bước lên đò hay xuống đò cũng cần có chồng hay mẹ đỡ. Gánh nước đã khó, ngồi dạng hai chân ra giặt quần áo, hay rửa một đống bát thì lại còn càng khó hơn. Hoặc là... một ngày giông bão như hôm qua... không phải Diệp chưa từng nghĩ đến chuyện mình bỏ đi tìm thì sẽ làm khổ con và khổ chồng, nhưng nếu cho Diệp được lựa chọn lại, có lẽ, em cũng vẫn liều mình mà đi như vậy. Người ấy là chồng của mình, thì mình phải tự mà lo, Diệp có quyền gì mà cậy nhờ hàng xóm láng giềng cùng đi, họ có nể mình mà đồng ý, còn liệu vợ họ, con họ và cha mẹ họ có thể vui vẻ được chăng? Diệp biết chồng giỏi giang, tháo vát, nhưng hắn không phải mình đồng da sắt, hắn đã từng có lúc bị thương, cũng giống như thầy u em đã từng đột ngột bỏ đi đó thôi. Nếu hắn về nhà giữa lúc giông tố rồi cũng ngã lăn ra ở đâu đó thì biết làm thế nào... Giấc mơ... mà đúng hơn là kí ức hiện về đêm qua, cái hình ảnh hắn nằm giữa một vũng máu đỏ lòm vẫn còn lảng vảng trong đầu làm Diệp rất sợ.

Ngũ nằm bên cạnh thấy người Diệp run run thở mạnh, hắn bèn lật ngửa ra, tét nhẹ lên bụng em một cái. "Anh đã bảo ngay mà, mình ăn dâu da nhiều nên giờ xót ruột phải không? Cố chợp một tí rồi chốc anh đi mua phở cho, nhá, ở ngoài kia họ mở hàng sớm lắm."

Diệp mông lung giữ chặt bàn tay hắn. "Không... em không đói... mình cứ ngủ đi... chúng nó đang gò thôi, một chút là hết ấy mà..."

...

Hai ngày nằm lại theo dõi ở bệnh viện huyện trôi qua rất mau. Sau một đêm dài luôn có người nằm bên túc trực vỗ về, Diệp thấy bụng mình trống rỗng, các con cũng như đang biểu tình qua những tiếng sôi ục ục trong dạ dày. Đúng lúc ấy, Dũng theo vợ vào viện chơi, tiện để rủ thằng bạn thân ra ngồi ăn sáng. Diệp không đi cùng vì còn phải ở lại khám. Ngọc đưa cho em một cái giúm nho nhỏ, hất cằm. "Cứ kệ mấy lão ý, em ăn đi này."

"Vâng, em xin chị ạ." Diệp vui vẻ đưa hai tay ra nhận lấy quà sáng của mình, bên trong có xôi lạc, ruốc và chả quế, mỗi thứ một ít. Em ngồi ăn ngon lành, không quên băn khoăn. "Giấy viết hiếm thế, sao họ lại dùng để gói xôi hả chị?"

"Ở trên đây nó vậy." Ngọc phá lên cười rồi lại trầm ngâm thở dài. "Càng ngày người ta càng chẳng còn quý cái gì nữa..."

Ăn xong một lúc, Diệp được dìu quay trở lại buồng khám sản. Mãi đến bây giờ, em mới có dịp được nhìn kĩ từng góc ở đây. Từ dãy tủ thuốc, bàn đẻ đến dụng cụ mổ xẻ, cái gì cũng lạ lẫm, cũng sáng trắng, chẳng giống ở nhà ông lang vườn, càng khác với trạm y tế xã. Diệp ngồi tạm xuống chờ Ngọc vệ sinh dụng cụ, khó hiểu vuốt nhẹ lên cây cọc thép gắn ở phía đầu giường nằm.

"Chị ơi, sao mấy cái cọc này cái nào cũng nghiêng vẹo đi thế ạ?"

"À... nó là để treo bình truyền. Nhưng ai đau đẻ cũng cứ bấu, cứ víu vào đấy, nên nó mới cong hết cả xuống chứ sao."

Nghe Ngọc giải thích xong, Diệp bỗng thần người ra, nhớ lại chính mình của đêm trước mê man rồi nhập viện, lại vật vã trong cơn đau chuyển dạ nên chỉ biết bò lăn bò toài ra đất, cố bám vào đâu đó để mà gồng lên trước mỗi cơn co. Em quằn quại chỉ mong được đẻ ngay, nhưng chịu đựng bốn năm lượt khám trong, thục, ngoáy, banh, đè, tử cung vẫn không chịu mềm. Sợ con ngạt, Diệp sốt ruột xin các anh chị cứ mổ bụng mình ra, vậy là lại bị y tá mắng.

Ngọc đỡ Diệp lên bàn đẻ, bàn tay nhẹ nhàng xoa nắn làn da trắng trẻo, mỏng căng của em rồi tặc lưỡi.

"Cũng không bị rạn mấy, nhỉ? Bạn tôi giữ gìn cho vợ quá, ha ha! Cái bụng tròn xoe, xinh xắn thế này mà hôm trước nhỡ phải mổ ra rồi khâu vào, tự dưng thành ra vết sẹo to như con rết ở dọc người thì xấu chết! Chưa kể điều kiện ở đây còn kém, các viện tuyến trên cũng hoạ hoằn lắm người ta mới mổ. Mổ đẻ, mà thiếu thuốc gây mê, lại thiếu cả máu truyền, thì lôi được con ra là mẹ sốc rồi chết ngay tại chỗ, em có hiểu không?" Diệp nắm chặt vạt áo, nơm nớp gật đầu. Ngọc phủ khăn qua bắp đùi em, vỗ nhẹ mấy cái. "Chị nói vậy thôi, đừng có sợ quá, cố cho đủ ngày đủ tháng, con khắc sẽ ra ấy mà. Thằng Phúc to thế em cũng rặn được đấy thôi?... Nào... giờ dạng chân ra... rồi... em gác lên đây... chị đặt thuốc cho. Nay bụng dạ ổn rồi thì không cần tiêm truyền nữa, thuốc tây vào máu nhiều cái hại lắm."

Diệp như nín thở khi nhìn thấy cây mỏ vịt bằng sắt, dẫu có là lần thứ mấy thì cũng không sao quen nổi với cái cảm giác tưng tức khi bị một thứ to kềnh như thế nong qua người mình. Ngọc vừa thoa thuốc bôi trơn lên dụng cụ, vừa chầm chậm dấn đến tận sâu, siết lại cái khớp một cách từ từ. Diệp thấy ngường ngượng, lại thấy đau đau, ran rát ở đáy ruột, nhưng chẳng dám kêu rên một tiếng. Hai ngày nằm viện, em cũng tự hiểu trong đây đều là người tốt, chính Diệp hôm trước trong lúc hoảng loạn đã cắn cả vào tay anh Nhân, mà bác sĩ ấy cũng không hề giận, vẫn liên tục tìm cách cứu Diệp đấy thôi. Huống hồ, Ngọc còn là bạn của nhà em... Diệp cất tiếng hỏi.

"Chị Ngọc ơi chị Ngọc..."

"Sao thế hả em?"

"Công việc của chị có vất vả lắm không?"

"Hồi chị còn làm ở bệnh viện tỉnh thì cũng mệt. Dân mình chẳng chịu kế hoạch, cứ chửa đẻ liên miên. Càng ngày càng lạm dụng nạo thai nhiều. Từ hồi lấy Dũng rồi về huyện chị lại thấy dễ chịu hơn."

Những câu Ngọc nói làm Diệp thấy lạnh cả sống lưng. Trong kí ức non nớt của mình, nhất là lại ở một vùng quê be bé, những người quanh Diệp chẳng có ai bỏ con. Em nằm nín thinh, chẳng dám hỏi tiếp xem nạo thai tức là làm gì, liệu có như cách người ta bổ đôi một quả gấc, cầm lấy cái thìa mà vét cho bằng sạch những thứ màu đỏ như màu máu ấy ra ngoài hay không? Cả nửa người dưới lẫn vùng kín đều bị căng ra trong cảm giác nôn nao, Diệp nhìn đăm đăm lên trần nhà. Nghĩ đi nghĩ lại, mặc dù ở đây các anh chị ấy tốt thật, nhưng Diệp vẫn thích được sinh con ở nhà mình hơn nhiều. Ở nhà có cái căn buồng ngủ be bé của hai vợ chồng, có bà, có u và có cả em An, mọi người chẳng vẫn nói, muốn đẻ được nhanh, thì phải ấm người đó sao? Cái bàn đẻ ở viện lạnh ơi là lạnh, lại trắng đến chói mắt, mùi thuốc sát trùng cứ phảng phất làm Diệp suýt thì ngủ gật.

Có tiếng bước chân gấp gáp từ sân bệnh viện vọng vào cửa phòng, theo ngay sau đó là một người đàn bà đang ấp trên tay đứa trẻ đỏ hỏn đang quấy khóc vì đau. Bé con có lẽ mới sinh chỉ được vài hôm, da thịt tím đi trong từng tiếng nức nở. Y tá gỡ từng mảnh khăn voan đang quấn quanh cơ thể bé xíu xiu của nó rồi sốt ruột. "Cuống rốn của con bị nhiễm trùng nặng quá."

Ngọc có vẻ ái ngại mà ngẩng đầu nhìn người đàn bà, rồi lại ngần ngừ nhìn sang Diệp vẫn còn nằm tơ hơ với cái mỏ vịt đương banh mở hậu môn. Bắt gặp vẻ mặt đó của Ngọc, Diệp liền hiểu ý ngay. Em nhổm đầu lên, mỉm cười nói với thị. "Cháu bé khóc lâu quá chị ơi, hay là chị cứ ra với mẹ con bác ấy trước đi ạ."

"Ừ." Ngọc khẽ gật đầu rồi tháo bao tay xuống. "Em chưa đi viện khám thai bao giờ nên nãy giờ chị mới tiện công xem kĩ, cũng may là không bị viêm đâu. Gần ngày sinh nở sẽ chảy dịch nhiều thôi, em chịu khó đun lấy ít chè xanh hoặc trầu không mà vệ sinh hàng ngày nhé." Nói rồi, Ngọc lại hướng mắt sang phía người đồng nghiệp đang ra sức cùng người mẹ kia dỗ đứa bé. "Nhàn ơi, đặt cho cậu ấy một viên đút chống cơn co."

Cô y tá trẻ măng nhanh nhẹn nói "vâng", bước tới dãy tủ kính lấy thuốc rồi đứng thay vào chỗ của Ngọc. Diệp tò mò không biết thị chuẩn bị làm gì, lại nhổm đầu lên nghiêng ngó, chỉ thấy Nhàn cầm một cây kéo mỏng và rất dài, đẩy thứ gì đó vào thật sâu trong người em. Sau đó, thị nhẹ nhàng mở chốt cái mỏ vịt lạnh buốt, nhẹ nhàng kéo nó ra khỏi mông Diệp. Em vừa thở phào một cái, vừa thử nhúc nhích hai bên cẳng chân vẫn đang mỏi nhừ vì phải gác lên thật cao nãy giờ. Nhàn đỡ lưng cho Diệp ngồi lên, giúp em bước xuống. Diệp muốn khuỵu cả chân, phải bám ngay vào tường. Em ngó qua tấm ri-đô, thấy ở một góc phòng, Ngọc còn đang bận bịu sơ cứu vết loét ở rốn cho đứa trẻ tội nghiệp. Diệp bèn quay lại bảo Nhàn cứ ở lại phụ chị Ngọc, còn mình thì tập tễnh bước ra ngoài.

Cái dáng nhỏ con của Diệp hoà lẫn vào bóng nắng nhẹ nhàng trong một sớm đầu đông, rung rinh dưới những tán cây xanh xanh lộng gió. Em không về buồng nằm nghỉ ngay mà đi dạo thật chậm quanh sân, thỉnh thoảng lại dừng lại xoa xoa khắp bụng đúng như những lời mà ban nãy y tá vừa dặn dò. Đôi chân lướt qua cánh cửa phòng cấp cứu, Diệp bỗng thấy lòng mình thổn thức, xen lẫn thêm cả chút cảm giác chênh chao. Em đã đi qua, mà chẳng hiểu sao lại muốn quay đầu ngoái nhìn, cứ như là đã từng để lại điều gì ở đó...

Tiếng gọi ''Diệp ơi" bỗng nhiên phá vỡ dòng suy nghĩ của em. Diệp hướng ánh mắt về phía âm thanh ấy vừa vang lên, chỉ thấy chồng đang đi về từ phía cổng bệnh viện. Ngũ vừa đi đến đã hỏi ngay. "Sao lại ra đây thế? Em đã ăn xôi chưa?"

Diệp mải trả lời chồng, trong lòng thoáng quên nỗi mất mát kia đi. Vừa theo hắn ra ngồi dưới gốc cây trứng cá nghỉ chân, em vừa líu lo về những thứ rất kì lạ mình đã nhìn thấy lúc ở trong buồng đẻ. "Anh biết không! Vừa nãy nhá, phải cởi quần ra, gác chân lên hai cái tay vịn, xong rồi các chị cứ nhìn chằm chằm vào con chuột nhắt của mình nên là ngại lắm... cho vào người em một cái gì nhỉ...ah! Gọi là cái mỏ vịt, anh ạ! Cái mỏ vịt bằng sắt dài bằng cả bàn tay. Trông nó sợ cực, em nằm mà chỉ lo tự dưng nó bung cái chốt ra, phập vào mông mình thì chắc là đau đến chết mất." Ngồi kể lể mãi, lại nghĩ tới lúc thật sự sinh con, chắc mình sẽ gào khóc kinh lắm, Diệp bèn ôm bụng thở dài. "Ôi sao ngày xưa anh chẳng làm bác sĩ? Nếu được chồng mình khám cho hoặc là đỡ đẻ thì có phải em đã chẳng thấy ngượng không?"

Ngũ nghe thế thì bật cười rồi ghé vào tai Diệp hỏi thầm. "Thế Diệp muốn anh nhìn thấy con chuột nhắt của những người khác nữa à?"

"Ơ không không". Diệp vội hoảng hốt xua tay, lắc đầu quầy quậy. "Em không muốn đâu!!!!"

Ngũ thôi không đùa nữa, hắn đưa bàn tay ra vuốt ve bụng vợ. "Nói thế, chứ đỡ đẻ cho Diệp thì anh chịu thôi. Nhìn em rặn đẻ anh đã thấy thương rồi, đầu cứ đần ra còn biết làm được gì nữa." Nói đến đó, mặt hắn có vẻ đắn đo. "Mà anh thấy nhà mình ba đứa cũng được rồi. Đẻ xong lần này vợ chồng mình sang ông Khương bốc ít thuốc uống để tránh nhé, cho em đỡ mệt."

Đang ngước đầu ngắm những giọt nắng rớt qua kẽ lá, thoáng nghe chồng nói vậy, Diệp bỗng giật mình, ngơ ngác. "Sao lại tránh hả anh? Hôm trước ngồi chơi ở sân, các bà bảo ai thì cũng phải đẻ đến dăm bảy đứa cơ mà?"

Ngũ biết ngay là Diệp sẽ nghĩ thế, hắn ân cần giải thích. "Không... Đó là ngày xưa thôi, bây giờ người ta sắp kế hoạch hoá đấy, mà kể cả không có chính sách đó thì anh cũng không thích em phải sinh nở nhiều đâu. Người già ai cũng thích đông con, anh cũng thích các con chứ. Nhưng mà trước đây vì chuyện con cái em đã phải khổ tâm nhiều rồi, mọi người cũng chẳng ý tứ, cứ vừa đẻ xong lại đã cứ giục chửa nữa. Anh chỉ muốn dặn như thế thôi, sau này, đừng vì anh hay bất kì ai mà tự áp lực lên chính mình nữa nhé?..."

"Vâng, em nhớ rồi ạ..." Diệp chăm chăm nhìn xuống cái bụng to vượt mặt của mình một lúc, nhẹ nhõm gật đầu. Nghĩ đi nghĩ lại, em vẫn thầm mong, con cái của mình dù là đứa nào thì cũng sẽ nhận được tình thương đủ đầy, được ăn no mặc ấm và thành người tử tế. Mà muốn được như thế, thì chính Diệp cũng cần phải khoẻ hơn, để còn làm lụng cáng đáng với chồng nữa cơ. Hắn còn em gái, thầy u, còn bà, còn cả những dự định tương lai cần phải phấn đấu. Thế mà lúc nào cũng quên đi bản thân, lúc nào cũng chỉ sợ vợ phải mệt. Diệp vừa cảm động, vừa áy náy nhìn chồng. "Thế còn anh thì sao? Anh có phải cũng mệt lắm không?"

Cứ tưởng vợ lo cho mình trong cả tuần vừa qua đã phải chạy tới chạy lui, Ngũ bèn vô tư giãn nét mặt ra, thản nhiên lắc đầu.

Diệp lại cẩn thận hỏi thêm. "Không phải mỗi chuyện chống bão, hay là đi viện đâu... ý em là tất cả mọi thứ từ trước đến giờ ấy, từ bé đến lớn... có bao giờ anh cảm thấy quá mệt không anh? Vì công việc ở ngoài uỷ ban, ở nhà... và nhiều chuyện khác nữa...?"

Ngũ chợt hiểu ra ngay, "à" lên một tiếng. "Cũng thỉnh thoảng thôi..." Hắn ngả người ra, tựa vào gốc cây, nhếch môi cười khẽ. Con người ấy mà, ai chẳng có lúc tuyệt vọng, thậm chí muốn chết mà không được chết. "Lúc nhỏ anh cũng đã từng nghĩ đến cái chết cả trăm vạn lần, nếu đổi lại mình chết để cho anh Lương được sống thì tốt biết mấy. Anh ấy thông minh, sáng dạ, tính lại hoà đồng, vui vẻ nhất nhà, chắc là sẽ làm thầy u tự hào hơn anh..." Những cơn ác mộng của thời niên thiếu đôi khi ngẫu nhiên trở lại trong đêm, Ngũ mơ thấy mình nằm lọt thỏm giữa sáu tấm gỗ quan, dưới một nấm mộ còn mới, xung quanh bên ngoài im ắng rợn người. Hắn vùng vẫy ngồi lên, làm cho thằng Phúc đang ngủ ngon lành ở trên người hắn suýt thì lộn nhào xuống đất. Nó ú ớ đưa tay dụi mắt. Ngũ ôm chầm lấy con, bế nó bước ra mái hiên ngập tràn nắng sớm. Diệp đang đứng giũ cái chiếu cói phần phật trước khi vắt ngang lên cọng dây phơi, quay lại nhìn chồng nhìn con và vui vẻ sắp đồ ăn sáng. Từ trong chái bếp con con, mùi ngô luộc thơm lừng bay ra, lảng bảng trong không gian ngọt bùi đến lạ.

Một ngày vẫn thường bắt đầu đơn giản như thế. Những hôm rảnh rỗi, Diệp thường thích tự trông con. Thằng Phúc rất ngoan, nó chơi ở đâu cũng được, khoái nhất là bám theo người lớn đi chợ, hoặc được Diệp đưa đi sang nô với con chó Mực của nhà hàng xóm. Những hôm cả hai vợ chồng đều bận, Ngũ sẽ dắt con gửi cho bà nội và cụ rồi mới đi đến cơ quan. Đổi mới đã mang đến cho địa phương rất nhiều cơ hội nhưng đi kèm theo đó là cả những hợp đồng vay vốn tràn đầy rủi ro, mà hắn thì lại không muốn cái sự thua lỗ xảy đến với những con người thật thà lam lũ ấy. Một vài tấc đất cũng là miếng cơm, nếu không giúp họ tính toán dài lâu thì sơ sảy một chút là cái giàu chưa sang, cái nợ đã đến. Nhiều việc khó nghĩ thật, càng ngồi nghĩ lại càng không ra. Gần hết cả chiều, khắp cả phòng họp chẳng còn một ai ở lại. Ngũ thấy hoa mắt, cất hết giấy tờ đi rồi lững thững rời khỏi Uỷ ban. Vô thức rẽ vào con đường quen thuộc mà đầu vẫn nhẩm tính vu vơ, bất chợt, hắn ngẩng đầu lên. Ở xa xa, nơi cuối hàng cây bạch đàn, có hai bóng dáng thân thương đứng nắm tay nhau, bồn chồn ngóng đợi. Ngũ hơi ngẩn ra, nhìn Diệp và thằng bé con cùng chạy về phía mình, trong lòng trào lên những niềm hạnh phúc khôn tả.

Hoá ra trong cuộc đời này, còn có một điều mà khi được làm nó, hắn chưa bao giờ mệt mỏi, đó là trở thành một người chồng và một người cha...

Hoàng hôn đọng nắng trên từng bước sải chân, trên đôi bàn tay ngắn cũn của thằng bé con đang giơ ra vẫy vẫy. Ngũ xốc nách nó nhấc bổng lên, quay quay mấy vòng.

"Đồng chí Trần Duy Phúc! Muộn thế này rồi mà đồng chí tới thăm cơ quan tôi có việc gì thế?"

Thằng Phúc cười ngặt nghẽo, nó cố gắng bập bẹ nhắc lại cái câu mà ban nãy Diệp đã dạy đi dạy lại.

"Thầy... mệt... Úc đi ón thầy ạ..."

Bên tai gần như vang lên cái giọng nói ngọng líu ngọng lô của thằng bé con, làm Diệp bỗng thấy nhớ nhà da diết. Trong đầu chầm chậm hiện ra khung cảnh cả nhà chơi đùa dưới những tán cây bạch đàn, rồi lại dắt nhau tản bộ đi về trong bóng xế chiều hôm. Tuy hiện tại bây giờ chẳng còn là khi ấy, bản thân cũng vẫn còn mù mờ xa lạ với những công việc của chồng, nhưng Diệp vẫn quay sang, thật lòng nói với hắn. "Sau này những lúc nào lại mệt như vậy, anh cứ nói với em ngay nhé. Dù em không giỏi giang, chẳng giúp anh được gì cả, nhưng em và các con sẽ luôn là chỗ dựa của anh."

Nom Diệp bây giờ khác hẳn với mấy tháng trước, Ngũ vừa thấy vui nhưng cũng không nhịn được muốn trêu. Hắn làm bộ não nề. "Diệp cứ như vậy, anh thấy ngại lắm! Dù sao anh cũng chỉ là một thằng đểu thôi, em lo cho anh làm gì, thằng Phúc cũng có phải con anh đâu?..."

"Sao... sao tự dưng lại nói thế!!!" Diệp vội lảng đi.

"Chính em từng bảo vậy mà!!!"

Diệp gãi đầu gãi tai. "Em có cố tình đâu, tại cái An bịa ra đấy chứ."

"Thế nó còn nói gì nữa?"

"Hm... bảo là anh hay cờ bạc lắm, cục tính, suốt ngày đánh đập em?"

"CÁI GÌ CƠ????" Ngũ quát ầm lên. Bảo sao cái dạo ấy, Diệp tránh hắn còn hơn cả tránh hủi, hắn lại không nghĩ là do con ranh con bày trò. Ngũ bắt lấy tay Diệp, quả quyết. "Được lắm! Đã thế thì sang năm sau, hoặc năm sau nữa, chúng mình đẻ hẳn mười đứa, anh gửi hết vào trường mẫu giáo, cho nó trông đến bã người ra thì thôi!!!"

...

Quá nửa buổi chiều, Ngọc tranh thủ chạy qua buồng nằm, kiểm tra lại cho Diệp lần nữa. "Không có thêm dấu hiệu chuyển dạ bất thường, cổ tử cung không tụt thấp, chỉ cần từ giờ đến lúc đẻ em đi lại cẩn thận giữ gìn hơn thôi, cho các con ở trong bụng thêm được ngày nào thì tốt ngày ấy." Nói rồi, Ngọc tươi cười bóp bóp vỗ vỗ vào bụng Diệp, mắng yêu. "Cha bố chúng mày, nghịch quá thể đáng, ngoan rồi tết này bác về chơi bác mừng tuổi cho nhớ!"

Diệp ngoái đầu lại, vẫy chào tạm biệt các anh các chị bác sĩ thêm một lần nữa rồi mới nắm lấy tay chồng, rời khỏi bệnh viện. Lục Thanh là xã nằm gần huyện nhất, chỉ cần cuốc bộ mấy cây đường lớn, rồi men dọc theo sông rồi cứ đi thẳng tiếp là tới. Cả hai vợ chồng chầm chậm dắt nhau bước trên triền đê trải dài trước mắt. Gần về tới xã, Diệp bỗng reo lên, rối rít chỉ tay xuống bãi. "Mình ơi... mình ơi... nhìn kìa...!!!!"

Những ngày mới lập đông, lại thêm một mùa cỏ lau nở rộ trắng trời...

Suốt những năm tháng phải bươn chải một thân một mình kiếm sống, Diệp đã từng thích, rất thích bãi sông này. Nhất là những buổi từ trên tỉnh, trên huyện đi về, em thường kiếm một góc kín đáo để nghỉ ngơi, bâng khuâng lặng ngắm dòng sông đang từ từ chảy về phía xa xôi. Những người có gia đình đang hối hả xuống đò, Diệp thì đâu còn gì để phải tất bật lo toan. Có lẽ bản thân cũng chẳng khác gì những con sóng kia là mấy, cứ đều đều nối nhau hết nhịp này đến nhịp khác, năm này qua năm khác, bị đẩy đi chẳng biết đâu là nơi để dừng lại, và cuộc đời này của Diệp cũng sẽ chỉ như vậy mãi mà thôi....

Chiều tàn trên sông vắng, có mấy đứa trẻ con đùa nghịch trên đê chán rồi chạy ra bơi, chúng nó tạt nước, la hét nô đùa vang cả một vùng.

Hầu như chiều nào đi làm về, Ngũ cũng thấy Diệp ngồi thừ ở bãi sông. Không nén nổi tò mò, hắn chọn một góc thật xa để rình xem em sẽ ở lại đến bao giờ. Hoàng hôn buông xuống mặt sông phẳng lặng một màu xanh thẫm. Ở trên bầu trời có tiếng sáo diều du dương. Ở dưới mặt đất có mùi hương đồng cỏ nội. Đứng trên triền đê đẹp đến nao lòng, vậy mà Ngũ lại cảm thấy mình chẳng thuộc về bất kì đâu. Đầu hắn, mắt hắn, lòng hắn, tất thảy đều chỉ hướng về con người đang ngồi bó gối ở phía đằng kia.

Khi những tia nắng cuối cùng sắp tan biến vào thinh lặng, Diệp cuối cùng mới chịu uể oải đứng dậy. Em vừa quay lưng thì đã va bụp phải một người đứng ở ngay sau mình. Chớp chớp mắt nhìn, hoá ra là người quen, Diệp hơi lúng túng, chưa kịp xin lỗi thì hắn đã ngỏ lời.

- Để anh đưa về nhé?

Khoảng không phía sau lưng trầm hẳn lại, bóng trời nhập nhoạng làm Diệp chẳng đoán được Ngũ đang nói thật hay nói đùa. Chỉ là, em vẫn ít khi muốn nhìn quá lâu vào gương mặt đầy nam tính kia, nhất là trước đôi mắt tinh tường, như cái máy quét của hắn. Cảm giác bồn chồn lại dâng lên, Diệp ấp úng từ chối. "Tôi tự về được mà... anh đừng để cả nhà đợi cơm..." Thế rồi, em toan bước đi luôn thì bị hắn giữ lại.

- DIỆP NÀY!

- Gì... gì vậy...

- Chúng mình quen nhau cũng được hai tháng rồi mà em vẫn còn xưng tôi với anh? Em không thích anh à?

Chẳng bao giờ nghĩ hắn lại thắc mắc về chuyện đó, Diệp cũng ớ ra không biết phải trả lời sao.

- Không... không phải không thích... tại tôi quen mồm nên gọi vậy thôi....

- À, thế là Diệp có thích anh rồi?

- Ơ... không không... ơ...

- Anh đùa ý mà! Hì! Nhưng xưng tôi vậy nghe xa cách lắm!

- Thế... thế phải xưng là gì?

- Đã gọi anh là anh rồi, thì Diệp phải xưng em. Giống như là...cái... cái bọn yêu nhau vẫn gọi ấy.

- Nhưng tôi với anh có phải người yêu đâu?

- Giờ chưa yêu nhưng nhỡ sau này yêu? Thôi cứ gọi dần đi cho quen cũng được!

Diệp ngẩn người ra, thoáng ngạc nhiên bởi câu nói ấy. Gã đàn ông trước mặt cao hơn mình đến cả tấc rưỡi, tác phong với mọi người lúc nào cũng nghiêm chỉnh. Thế mà sao hắn cứ hay trêu mình nhỉ? Bực nhất là dù mỗi lần gặp nhau chỉ bâng quơ một vài câu chuyện, đầu Diệp vẫn còn nhớ về những lời của hắn rất lâu...

Ngũ thấy Diệp bận sận đắn đo, mặt thộn cả ra, nhíu lông mày lại. Hắn tủm tỉm cười, rồi ghé sát tai em nói nhỏ. "Đang nghĩ gì thế? Nghĩ đến lúc mình yêu nhau, hay là cưới nhau?"

Chột dạ vì bị đoán trúng, Diệp nghiến hàm răng, định thụi cho hắn một cái thật mạnh, nhưng Ngũ nhăn nhở tránh đi, Diệp đấm kiểu quái gì hắn cũng né được. Vờn qua vờn lại cũng mệt, em vờ bỏ về, chờ cho người kia lẽo đẽo theo sau, Diệp mới đột ngột quay lại ra đòn. Ai mà ngờ được lần này, hắn chẳng những không tránh thì thôi, lại còn thênh thang ưỡn ngực sấn lên một bước, sửng sốt hét lên. "Ô kìa! Chết chết! Sao lại cứ lao vào người anh thế?" Diệp quằn quại giãy, không thèm nể nang đạp lên chân hắn rồi co giò bỏ chạy.

Sau này khi đã hẹn hò thật rồi, Ngũ vẫn chẳng bao giờ chịu bỏ cái tật đùa dai. Có lẽ vì mỗi lần ở bên cạnh Diệp, hắn mới thấy mình được thoải mái nhất, không còn phải mang trên vai áp lực của một đứa con lớn, cũng không phải là một anh cán bộ lúc nào cũng suy tư. Hết giờ hành chính ngoài Uỷ ban, hắn chỉ muốn mau mau chóng chóng chạy về, cùng Diệp lang thang đi đánh bóng, thả diều, đổi gió thì thi bắn bi ve với bọn trẻ con trong xóm. Hai đứa cậy lớn nên ăn hết sạch cả trăm viên bi đút túi, cuối buổi lại phải chìa ra trả lại bằng hết vì bị mấy ông tướng con khóc lóc ăn vạ.

Cái khúc sông mà Diệp vẫn ngồi một mình lúc trước, dần dần biến thành một chốn hẹn hò quen thuộc của cả hai. Mới chỉ bước tới cổng nhà người yêu, Diệp đã nhìn thấy cái dáng cao lớn quen thuộc đi đi lại lại bên thềm, chắc chắn là đang chờ mình. Ngũ giả lả cười, háo hức ra mặt.

- Diệp này. Cỏ lau ngoài bãi nở rồi kìa. Ra đấy chơi với anh đi!

- Không... -/ Diệp thẳng thừng đáp. Thế rồi nhìn đối phương tiu nghỉu quá, em lại buột miệng chữa/ - Chờ em bóp chân cho bà đã...

- Thế thì tối mất, bà lại bắt ăn cơm. Với cả bà anh đi vắng rồi, thực ra bà khoẻ lắm, toàn giả vờ ốm để em sang chơi với bà thôi!

Diệp cũng biết thế, nhưng mà còn chưa biết nên phải làm sao thì ngoài cổng có tiếng guốc lọc cọc vang lên. Ngũ cau có nhìn chằm chằm vào bà nội rồi gắt.

- Đùa chán thật đấy! Tự dưng thì bà lại về!

- Ơ cái thằng này. -/ Bà cụ Mai trừng mắt lên./ - Tao về lúc nào kệ mẹ tao chứ... A! Mà Diệp sang rồi đấy hả con? Hôm nay rằm bà lên chùa, bà xin cho con cái oản đây này... Ô kìa, Diệp, sao mặt mũi đỏ lên thế kia? ... Con ốm đấy à thôi chết rồi... đêm qua gió mùa không khéo mà cảm đấy. Đi vào đây... đi vào đây bà xem nào.

Bà cụ gấp gáp nắm lấy tay Diệp định về buồng, thì bỗng thấy thằng cháu mình đứng sau lưng y đang trợn mắt ra dấu như điên. Ngũ trợn mắt chỉ tay vào hắn, chỉ tay vào Diệp, rồi chỉ thẳng ra phía ngoài đường. Bà Mai lập tức hiểu hắn nói chuyện gì, gượng cười phá lên.

- Hơ hơ bà nghĩ lại rồi. Thằng Ngũ đưa Diệp về nghỉ hộ bà đi, mai Diệp hết ốm thì sang với bà nhá!

- Bà ơi thế còn chân của bà thì sao...? Sao hôm nọ bà bảo con là mấy hôm nay trở trời, bà đau chân ạ?

Diệp lo lắng hỏi. Nhưng bà Mai vẫn xua tay.

- Lúc ấy nó đau... nhưng mà tự dưng giờ không đau nữa rồi. Mai nhá, mai bà mới đau, con ạ! Con không phải lo gì cả, bà vừa ra chùa có sao đâu? Con cứ đi ch... à... đi về nghỉ đi.

- Vâng... vâng ạ.

Diệp lí nhí nói "con chào bà ạ". Bước được vài bước, em cẩn thận quay đầu lại, bà cụ vẫn còn đứng ở giữa sân, hớn hở vẫy tay tỏ ý không sao.

Ra đến ngoài cổng, Ngũ phải hứa hon đến sùi cả bọt mép là lần sau sẽ không rủ rê nói dối bà nữa thì Diệp mới chịu cùng hắn đi chơi tiếp. Sau cùng, Ngũ mặc kệ Diệp có ngại hay không, hắn hăm hở kéo em chạy nhào xuống bãi. Gió heo may ùa về từ hướng tây, mang theo những đám mây trắng hiền hoà, ngây ngô như tuổi trẻ của hắn và em.

Ngũ móc trong túi quần ra một cái giúm con con.

- Cho người yêu này. Phải ăn hết đấy!

Diệp vừa bóc lá sen ra, mùi bánh dầy đỗ thơm nức đã bay lên.

- Trông anh như thế mà suốt ngày đi chợ mua quà, nhỉ...?

- Thì sao? Chỉ cần đằng ấy thích ăn là được!

- Thế không sợ mọi người cười cho à?

- Nhờ cái An mua, việc gì phải ngại!

Diệp lại cười toét miệng. Biết ngay mà...

- Bên Thuỵ Giang bây giờ trồng nhiều thuốc lào lắm, có hút thì hôm tới người ta sang lấy cho...?

- Không. Hút cái đấy hôi mồm, nhỡ hôn nhau nhiều đằng ấy lại chê thì sao?

- Thôi ngay đi nhá!

Diệp nhăn mặt rồi lại quay về với gói bánh trong tay, vừa ăn, vừa lặng yên ngắm cánh đồng cỏ lau bồng bềnh, thỉnh thoảng mới vu vơ nói chuyện. Ngũ quàng tay kéo vai em lại gần. Vạt áo hắn bay nhẹ, tóc trên trán Diệp cũng bay bay. Mặt nước và chân trời như hoà quyện với nhau, trong veo như một phiến đá thạch anh trắng muốt...

Những buổi hò hẹn ấy đã thành một cái lệ, mỗi chiều gần tới lúc người yêu đi làm về, Diệp vẫn thường chạy ra đợi hắn ở đây. Em sẽ cùng hắn đuổi nhau, đòi hắn nhắm mắt lại mà tìm em giữa cả một rừng hoa cỏ lau mênh mông, rậm rạp. Hoặc có những ngày Diệp phải đi đưa thuốc nhiều nên đuối sức, hai đứa chỉ đơn giản là ngồi ì một chỗ, chơi đá cỏ gà rồi chờ đợi hoàng hôn đang từ từ buông xuống.

Gió thôi không thổi nữa, từng làn khói bếp bay đến lưng chừng tản đi. Bóng chiều dần phủ lên dải đất rả rích tiếng côn trùng, khắp cả mặt sông lấp loá màu nắng. Mùi hoa cỏ dại vẩn trong không khí. Bâng khuâng Diệp ngước lên nhìn trời. Năm tháng thanh xuân gần như đã khắc sâu vào tâm khảm, cho dù chỉ là được nghe kể lại thoáng qua cũng đủ để khiến Diệp thấy ấm áp. Hẳn là ngày ấy chính em cũng đâu thể đoán được, mình sẽ có lúc quên đi gia đình, quên đi tất cả theo một cái cách mà chẳng ai ngờ tới. Mông lung đứng trước bờ cỏ xanh cao ngút ngàn, lặng ngắm dòng sông vời vợi thương nhớ, Diệp lại bất giác quay sang nhìn chồng. Hắn cũng đang thong dong dắt em rời khỏi đường mòn, chìm mình vào giữa bãi cỏ lau. Trên gương mặt chất chứa vô vàn xúc cảm không tên, một chút gì thật buồn, thật vui, thật nuối tiếc mà cũng thật hạnh phúc.

Chỉ là đặt hai bàn chân lên thềm cỏ xanh rì, mà Ngũ tưởng như chính mình như vừa mới lạc ra khỏi dòng thời gian. Mọi thứ mơ hồ thuộc về quá khứ muôn vàn kỷ niệm, hiện tại hay tương lai còn gì sẽ xảy ra, thực tình cũng chẳng quan trọng nữa. Dẫu cho tuổi trẻ ngây ngô của hắn hay của Diệp đều đã vụt bay như cánh chim về phía trời xa, thì sau tất cả, hai vợ chồng hắn vẫn luôn ở đây, với trái tim không ngừng hướng về phía nhau, chân thành và vẹn nguyên như những phút ban đầu.

Áng chừng Diệp đã trốn xong rồi, Ngũ mới từ từ mở mắt ra, bốn phía chung quanh bạt ngàn những bông cỏ lau trắng muốt, cao đến ngang vai đang phất phơ trong gió. Hắn dáo dác ngó nghiêng, rón rén khom người "oàaa" Diệp một cái từ phía sau, làm em giật bắn người, thét lên một tiếng.

- Sao mình tìm được em nhanh thế, vừa nãy mình ti hí mắt phải không?!!!!

Ngũ nhìn Diệp rồi giả vờ ngạc nhiên.

- Đùa? Em loay hoay nấp nhưng lại chìa cái bụng to tướng ra, ai mà chả nhìn thấy!

- ơ...

Diệp nghệt cả mặt ra vì không sao cãi được, đúng thật lắm lúc mình lại quên béng mất là mình đang chửa. Thua cuộc nhưng chẳng có hình phạt nào cả, vẫn như trước đây mỗi lần như vậy, em chỉ bị cái đồ to xác kia túm lấy nhấc bổng lên, nâng niu như thể đó là người hắn đã chờ đợi rất lâu, ẩn trong những duyên phận lướt qua trong đời, cuối cùng đã xuất hiện trước mặt hắn. Diệp quàng tay qua vai chồng, đón lấy bờ môi trước mặt, cả cơ thể và trái tim muốn lịm đi trong niềm hạnh phúc... bởi vì vòng ôm vững vàng ấy luôn rất bình yên, và nụ hôn của hắn mang theo sự dịu dàng không thể nói thành lời.

Phía sau những khóm cỏ lau bồng bềnh, thấp thoáng một đôi chân đang lon ton nhảy chân sáo trên triền đê lộng gió. Rõ từ sáng sớm, thằng Phúc đã nghe lỏm được ông bà nói chuyện với mấy người hàng xóm là thầy nó hôm nay xuất viện. Cả chiều cu cậu mong ngóng mãi chả ngủ được, chỉ đợi cô về là quặp chặt lấy, nằng nặc đòi đi ra sông đứng đợi. An còn ngơ ngác chưa kịp nhìn thấy hai anh thì thằng bé đã "aaaa" lên rồi giằng mạnh tay ra, miệng thì hét to "thầy ơi... Phúc đi đón thầy...." Đôi dép nhỏ xíu của nó văng ra một góc, cỏ dại ram ráp đâm chọc vào chân nhưng thằng bé ấy chẳng hề quan tâm.

Nó nhắm mắt chạy, lao đi như bay trên con đường mòn dẫn xuống bãi sông, nơi có hai bóng hình thân thuộc cũng đang mỉm cười, dang rộng cánh tay ôm nó vào lòng...

——/——

@Thuc Uyen là artist đã vẽ hai bức tranh này :X




Cảm ơn mọi người vì đã kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của hai bạn nhà mình đến tận bây giờ nha, quá khứ của hai bạn thực sự đã trọn vẹn rồi.

Chương sau cũng là chương cuối, Diệp sẽ sinh con.

Hàng cây bạch đàn trông như thế này. Mình khum tìm được hình nào nét hơn hic.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top