Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Lỡ

Sen nở thơm ngát cả một vùng, mấy đứa nhóc đầu cắt trái đào đội lá sen, bị bố lấý đòn gánh rượt chạy từ làng này sang làng khác vẫn không chừa cái tật ham chơi bời. Da dẻ phơi nắng đen như cột nhà cháy, khi cười chỉ thấy bốn cái răng cửa bóng loáng, mười đứa sinh ra ở làng này thì hết chín đứa y chang nhau, đứa còn lại, bị đói chết vứt ở xó nào rồi.

À, cũng có thêm một ngoại lệ.

Làng này sang nhất là gia đình cụ Phong, nghèo nhất thì chính là nhà của ông Mộ.

Vợ chồng ông đi ra từ gánh hát, ông thì làm chân chạy vặt, vợ ông thì làm cô đào nhỏ nhoi, cái nghề bị người đời khinh chê, tất nhiên chẳng thể nào nuôi nổi hai người đến cuối đời. Phường chèo rã gánh, cô thiếu nữ nọ theo chồng qua bến sông bên kia dựng tấm nhà tranh để giữ lại tiếng hát sau cùng, thỉnh thoảng đứng từ bên đây trông sang, văng vẳng có tiếng ai ngân nga nghe não lòng não ruột, đánh mắt tìm thì chẳng còn thấy người xưa. Dĩ vãng hoá ra cũng chỉ còn là dĩ vãng...

Hai người có một đứa con, đặt tên là Tình, mong con sau này được người người yêu thương, thoát kiếp bần cùng của bố với mẹ. Tiếc rằng hai người có hy vọng đến đâu, cái nghèo vẫn đeo bám dai còn hơn đỉa, Tình không được đi học, sáu tuổi chạy ra đồng mò cua bắt óc, lầm lì lại ít nói, phơi nắng cả ngày da dẻ vẫn trắng như da em bé mới sinh, bị đám ranh trong làng trêu chọc giống con gái.

Thằng nhóc cũng không phải dạng vừa, trừ khi mi là con ông cháu cha, nếu không đứa nào lén phéng trước mặt nó nó bầm cho tơi tả về khóc cha khóc mẹ.

Chưa ăn đòn chưa biết sợ, nhất là đám công tử bột nhà phú ông phú bà, bàn tay năm ngón chưa nhiễm bùn, thế mà đã cho rằng trên đời này toàn những kẻ bẩn thỉu.

Lá sen to như cái mâm vàng, cậu phải dùng ngón tay mập mạp của mình vén lên mấy bận để trông sang bờ bên kia. Giữa trưa trời nắng chang chang, cậu cả nhà phú ông ăn no mặc ấm quen rồi, hai bò má bầu bĩnh đỏ lên, nóng rát làm cậu muốn ứa nước mắt. Cậu lấy tay xoa mặt, ấm ức trong lòng đều viết hết ra ngoài, cái miệng nhỏ xíu lẩm ba lẩm bẩm gì đó như tụng kinh, làm thằng hầu ngồi bên che nắng sợ nổi da gà.

Thằng Tý đầu cạo hết, cái mặt ốm đến nỗi hai má hốp vào, đôi mắt nhỏ xíu y như hình tam giác. Nó thở dài, mới có chín tuổi đầu mà nhìn như ông cụ non, với tay bẻ một búp sen, hạt sen vừa xanh vừa sáng bóng, cắn một miếng ngòn ngọt mát hết cả ruột cả gan. Đừng có trách nó ở đợ mà không biết lớn nhỏ, cậu cả nhà nó toàn ăn cá trứng thịt tươi, có bao giờ đụng vô mấy thứ quê mùa này đâu. Chỉ cần là mấy món lặt vặt, bao che được thì cậu luôn bao che.

"Bốp!"

Cậu hai bị kiến cắn nãy giờ, bực bội muốn chết, mà người cậu chờ nãy giờ chưa ló mặt ra, không có chỗ xả giận, đánh mắt sang bên thì thấy thằng đày tớ cậu nuôi hí hửng lột hạt sen ăn tỉnh bơ. Cậu hai trước giờ có tiếng chơi sòng phẳng cũng bị chọc cho tức điên, sắn tay vỗ vào đầu nó một phát rõ to, suýt thì phun hết mớ hạt sen đang ngậm trong miệng.

"Mày bảo hôm nay nó ra đây hái sen cho mẹ nó mà? Người đâu? Cậu chờ nãy giờ mà cái bóng cũng không thấy là sao?"

Thằng Tý bị bắt làm bao cát, cậu hỏi con thì con biết đi hỏi ai? Con từ sáng tới chiều toàn theo đuôi cậu, mặt thằng kia là ai còn chưa biết, nói bậy nói bạ ai biết cậu tin như sấm.

Phong Tín giơ tay định đập cho phát nữa lại nghe tiếng bì bõm dưới ao, cậu hốt hoảng lấy lá sen che mặt mình lại, kéo luôn thằng Tý đang nước mắt lưng tròng vào bụi cây gần đó, đôi mắt tròn tròn nhìn xuyên qua kẽ lá nhỏ, cậu nhìn thấy thằng Tình con ông Mộ đang lội xuống ao sen. Tướng thằng đó hình như cao ngang cậu, mà nó ốm nhom, ốm như thằng Tý nhà cậu ấy. cái mặt nhỏ xíu, hèn chi bị cả xứ này đồn là con gái.

Cậu nhìn thấy nó đeo một cái giỏ bên hông, hình như là giỏ đựng ốc, một tay nó cầm lấy gốc cây to trên bờ để giữ thăng bằng, một tay nó với ra ngoài để hái gương sen, sen đang vào mùa, gương sen rất to, bằng cả bàn tay của trẻ con. Trong giỏ đã có mấy gương hái sẵn, không lớn không nhỏ, hạt sen còn có màu nâu nhạt. Cậu khó hiểu nhìn sang thằng Tý, lại nhìn gương sen đang ăn dở nó cầm trên tay, chu mỏ hỏi: "Người ta toàn lựa sen non để hái, sao thằng ẻo lả kia toàn lựa sen đen đen không vậy? Bộ nó có bệnh à?"

"Ẻo lả" là từ rất nặng, con nít như cậu chắc chắn không hiểu nó là gì, chỉ là suốt ngày nghe làng trên xóm dưới mắng mấy thằng con trai ẻo lả trên ẻo lả dưới, riết rồi in vào đầu lúc nào không hay. Đây là lần đầu cậu dùng từ này, cũng là lần cuối cùng, mấy mươi năm sau cũng chưa bao giờ dám nhắc lại lần nữa.

"Con nghe bảo mẹ nó bị bệnh mất ngủ, nó đi học lỏm có người dạy rằng ăn hạt sen ngủ ngon hơn, nên cách mấy bữa là nó chạy ra mấy ao sen hái mấy gương về nhà nấu cho má nó.", người ta thương u như vậy, mà mấy người còn canh chừng ở đây gây chuyện, đúng là ác bá mỗi thời mỗi khác mà, "con thấy nó cũng chưa làm gì tới cậu mà? Hay là mình về nhà đi cậu, trời nắng chang chang mà cậu ngồi lỳ ở đây bà cả xót cậu lắm đó. Cậu ơi! Cậu ơi cậu chạy đi đâu vậy cậu? Ớ cậu cậu!!"

Cậu cả không nói hai lời, vạch lá sen chạy ào sang bờ bên kia, góc áo màu xanh da trời của cậu lay lay trong gió, thằng Tình vô tình ngẩng đầu liền thấy một cục bột từ đâu chạy tới, mặt mũi dễ cưng không chịu nỗi. Tình thấy cậu ta đứng chống nạnh trên cái cầu tre nhỏ, từ trên cao nhìn xuống nó. Không phải chê cười, không phải ganh ghét, không phải sợ hãi, đôi mắt ấy phẳng lặng hơn bất kỳ thứ gì Tình từng trong thấy, sáng hơn bất cứ thứ gì Tình từng tưởng tượng.

"Thằng kia, biết ai ao này là của nhà ai không mà dám bẻ trộm lung tung? Có tin tao báo với cả xóm để người ta lôi mày ra đánh một trận không hả?"

Nó chớp chớp mắt, bùn dính trên tay tự nhiên thấy ngứa ngáy kinh khủng, muốn vả lệch cái má bánh bao của tên đáng ghét này.

"Ao này là của nhà mày à?"

"Cả xứ này đến con kiến cũng là của nhà tao, cái ao bé bằng lỗ mũi này nhằm nhò gì?"

Thằng Tý vừa bò tới bờ bên đây, vừa kịp úc nghe mấy câu đại nghịch bất đạo phát ra từ cái miệng vàng ngọc của cậu cả nhà mình, suýt nữa ụp thẳng cái mặt xuống ao, rất muốn đem mấy cái gương sen nhét đầy miệng của cậu, tránh để ông bà nghe thấy lại cầm đòn gánh rượt cả chủ lẫn tớ dạo quanh mấy vòng ruộng.

Tình bỏ gương sen vào giỏ, kéo ống quần cao hơn chút, hỏi xong câu kia cũng không thèm để ý đến cậu cả nhà ông Phong nữa. Cái mông xoay lại mặt cậu, trên lưng rõ rõ ràng ràng viết "biến đi cho rảnh nợ", từ thuở cha sanh mẹ đẻ tới giờ chưa ai dám ngang ngược với cậu như vậy. Cậu tức lắm, tức đỏ con mắt luôn nè. Khổ nỗi cậu trên cầu thằng kia dưới nước, cậu thì lại không biết bơi, thằng đày tớ nhà mình cứ khuyên lơn cậu đừng kiếm chuyện với người ta hoài, mà cậu đã kiếm chuyện với ai đâu. Chân cậu bị kiến cắn sưng đỏ hết luôn nè, mà người ta đã rụng cọng lông nào đâu?

"Ăn sen nhà tao, làm người của tao, mày không sợ cậu cả bắt mày về nhà làm trâu làm ngựa cả đời hả?"

"..."

"Bộ mày bị câm à? Mở miệng ra nói chuyện với cậu coi?"

"..."

"Mày không mở miệng là cậu xuống bắt mày đó."

"..."

Thằng Tý ở trên này vừa mất mặt lại vừa sốt ruột, cứ ngóng cái cổ canh chừng cậu hai nhà mình, tránh để cậu làm điều dại dột, đánh mắt thấy cậu cứ chúi cả người xuống, cầu tre vốn đã không chắc chắn, không biết cậu ở dưới đó có cảm nhận được không chứ thằng Tý trên này tim cũng chòng chành theo cậu cả rồi.

Cậu Tín dưới này bị cơn giận trẻ con hung cho đầu nóng muốn bốc hơi, chỉ lo túm tên nhãi con này về đập cho một trận, nhác thầy Tình thật sự coi mình là không khí phủi mông bỏ đi. Cậu cả không biết lấy can đảm đâu ra và vươn tay túm lấy vai của Tình.

Chuyện sau đó, cậu cả cả đời này cũng không muốn nhớ lại.

"Ai dui nhẹ tay một chút, đau chết tôi luôn rồi nè!"

Cậu cả năm xưa hay trốn bố và mẹ ra bờ ruộng đánh nhau với đám trẻ trong làng, nay đã trở thành một chàng công tử tiếng thơm lan xa khắp cái vùng này.

Cậu ngồi trên cái ghế tre, quần là áo lượt cao sang như cũ, nơi mùi phấn son nồng nặc, những lời ong bướm lả lơi rầm rì bên tai, đôi mắt của cô con gái nọ như đường như mật muốn nhấn chìm cậu, cậu vẫn chẳng màng đoái hoài. Đôi mắt chỉ chăm chú nhìn hàng mi của người con trai nọ đang ngồi thấp hơn cậu một bậc, y rũ mắt, lông mi không dày nhưng dài và cong, mỗi lần chớp mắt lại khiến lòng cậu ngứa ngáy không thôi.

Tay cậu đang nằm trong tay người ta, Phong Tín thỉnh thoảng lấy ngón tay cọ cọ vào lòng bàn tay ấy, thấy được cái nhíu mày thoáng qua trên gương mặt quanh năm chỉ biết dửng dưng. Cái miệng thì cứ kêu đau không ngừng, làm mấy người chạy tới chạy lui phía sau cánh gà cũng không nhìn nổi, ra hiệu cho Mộ Tình được thì băng cái mỏ tên nhà giàu này luôn đi cho rảnh nợ.

"Cậu nhìn thấy không? Ở đây chẳng ai ưa cậu cả."

"Tôi cũng đâu có ưa bọn họ, à mà ai đó đừng có hiểu lầm, tại họ cứ đeo ai đó dai như đỉa đấy, tôi bị ai đó cho ra rìa nên ghét lây thôi."

Cậu nói bâng quơ, lại mong người nọ hiểu ý.

Tình thoa rượu thuốc khắp cánh tay đầy vết xanh tím của cậu, mùi rượu xộc vào mũi làm y chuếnh choáng, men say làm đôi mắt y cay xè.

"Cậu thân là con cả nhà phú ông, có ăn có học, sao cứ thích lui tới mấy chổ bần hèn này của bọn tôi? Ông mà biết được, trách phạt xuống, tội này tôi gánh sao nổi?"

Cậu cả chỉ cười, nhìn bóng lưng trốn tránh của y, không biết nên vui hay nên giận.

Phong Tín đâu phải không lo đến mấy chuyện này, mấy trận đòn roi của bố đâu phải cậu không biết đau, nhưng đau đớn nơi thân thể có là gì so với chút tủi hờn xuất hiện trong đôi mắt người thương.

Có người gọi y, vở diễn sắp bắt đầu, Tình khoác thêm áo ngoài, đôi vai gầy ẩn sau lớp áo dày nặng. Y nghiêng đầu, chiếc ghế tre trống trơn, cậu đã đi rồi, bấy giờ mới len lén thở ra một hơi thở dài.

Mấy năm nay giặc hoành hành khắp nơi, cả làng chỉ còn mỗi gánh hát này còn trụ nổi sau mấy lần càn quét khắc nghiệt của bọn thực dân. Người cũ rời đi, người mới thế vào, trói buộc mình trong từng lời ca tiếng hát, mấy hôm không bán được vé hay trời mưa to, cả đoàn chỉ có thể gượng cười gặm bánh mì cho qua ngày hôm đó. Khổ cực như vậy, cũng không ai bỏ được, Tình cũng vậy, anh chị trong đoàn cũng vậy, thôi thì còn ai nghe thì còn hát, hát đến khi nào hàng ghế dưới đài trống trơn mới thôi.

Nữ tướng hông đeo gươm dài, áo bào trên người uy nghiêm mà diễm lệ. Dưới ánh trăng bàng bạc, nàng khoác cho chồng tấm áo lông trước ngày lên đường, đôi mắt hiếm khi lộ chút dịu dàng ỷ lại của phận nữ nhi, ngón tay nàng lưu luyến nơi bả vai của chồng, chút tình mọn chôn vùi sau sự nghiệp phục quốc an dân. Chỉ đến khi đối diện với chia ly, nàng và chàng mới nghĩ đến mình.

Phong Tín ngồi ở hàng ghế thứ hai, say sưa nhìn vị tướng quân anh tuấn trên sân khấu, không hiểu sao, với cậu, khoảnh khắc hiện tại lại bình yên đến lạ.

Nghĩa quân thế như chẻ tre, nay xông thành, mai phá luỹ, quân địch ban đầu xem thường đàn bà có thể làm nên trò trống gì cũng bắt đầu hoảng sợ. Vị nữ tướng nọ đêm nào cũng ở trên tường thành trông về hướng bắc xa xăm, mỗi lần có tiếng vó ngựa cũng làm nàng bồn chồn lo lắng.

Ngày chiến thư gửi về, nàng nghĩ mình đã chết rồi. Giữa nợ nước thù nhà và nghĩa phu thê nàng phải chọn một, tấm áo lông nàng khoác cho chồng chẳng biết đã bẩn chưa, có ai thay chàng giặt sạch hay không? Khoảng cách giữa chia ly và tử biệt, cách nhau cũng chỉ có bấy nhiêu mà thôi.

Trời mưa lầm râm, thằng Tý vội lấy dù che cho cậu, người đã lác đác ra về, chỉ có bọn trẻ nghịch ngợm chạy lên phía sân khấu, vài ba cụ già với đôi mắt đầy vết chân chim, có vẻ là người gắn bó lâu với cái làng này, đối với gánh hát có nhiều kỉ niệm hơn.

Còn cậu ngồi đây, đơn giản vì người kia còn ở đó.

"Ôi trời Luy Lâu chưa tan hồi trống trận
Mà đất Mê Linh hoa lá vội thương sầu"

Người đàn bà lập bàn thờ, đeo khăn tang, tế sống người chồng xấu số bị địch bắt treo trên giàn hoả thiêu. Giữa những tiếng nấc nghẹn ngào, thấp thoáng là vạt áo của chàng bay bay, đôi mắt sau ánh lửa đỏ loà không chút sợ hãi, mày nhướng lên cao ngạo, tro cốt tan theo gió, đưa hồn ta theo tiếng trống oai hùng, để mai này con cháu Rồng Tiên nhớ đến mà tiếp bước cha ông.

Mưa bất chợt tầm tã, người đã về hết, gánh hát cũng chật vật ngược xuôi thu dọn đồ đạc, hạt mưa nặng trĩu làm ướt một bả vai gầy, trong mùi ẩm ướt dường như còn thoang thoảng hương sen vốn đã tàn từ dạo trước. Phong Tín đứng dậy, thằng Tý cầm dù lon ton chạy theo sau, tưởng cậu cả chơi chán rồi muốn về nhà, ai dè cậu vòng ra phía sau cây ngô đồng, chắp tay đứng đợi ở đó.

Nước mưa bắn lên ống quần của cậu, một thân quần áo sạch sẽ loang lổ vết bùn nhơ, mà cậu chẳng hề mảy may để ý. Đôi mắt như cũ dõi theo tấm lưng gầy, ánh nhìn dịu dàng không hề có ý che giấu, cậu nhìn người này hơn mười năm rồi, bẵng đi một lát lại thấy nhớ thấy thương nhiều hơn, không biết cậu phải nhìn bao lâu nữa, người kia mới chịu đi về phía mình.

"Mưa lớn thế này, chắc tôi không về nhà được rồi."

Tình thở dài, nghiêng một bên dù che cho Phong Tín. Chiếc dù giấy dầu cũ kĩ, không so được với dù nhà cậu mới mua trên tỉnh về. Dưới làn mưa bụi tháng chín, đầu vai hai người chen chúc một chổ, con đường làng về đêm thưa thớt bóng người, Phong Tín nắm lấy ngón trỏ của Mộ Tình. Y hơi trừng mắt, hai bên lỗ tai đỏ hồng như tôm luộc. Phong Tín không định đùa quá trớn, thả lỏng tay, ai dè tâm can của cậu tâm trạng liên tục thất thường, trở tay nắm lấy ngón tay của cậu, cuối cùng vẫn là mười ngón đan khít vào nhau.

Thằng Tý bị cậu bỏ rơi không biết lần thứ bao nhiêu, sớm đã luyện thành trái tim sắt đá. Cậu cả nhà mình khó lắm mới mặt dày thành công một lần, thôi thì cứ để cậu toại nguyện trước.

Mộ Tình đưa cậu cả quý hoá của làng về căn nhà xập xệ của mình, một câu cũng không thèm nói với người ta đã chạy đi đun nước cho cậu. Y xỏ đôi dép gỗ, chiếc áo ẩm ướt đã cởi ra vắt bên hông nhà, tấm lưng gầy trơn mịn hoàn toàn lộ thiên trước đôi mắt của cậu. Làn da dưới hạt ngọc đêm rơi lấp lánh trong mắt cậu, đường cong ở hai bả vai như ai lấy bút mực hoạ nên, hoa đào thêu trên tấm lụa thướt tha, cuốn chặt lấy cõi lòng nhộn nhạo của cậu cả.

Cậu cả cũng cởi luôn áo lụa của mình, giang tay ôm lấy cả người Tình vào lòng, theo thói quen cúi xuống hôn lên bả vai gầy gầy của ngượi nọ. Rõ ràng chẳng chạm vào chút men rượu nào, người nọ vẫn làm cậu say như vậy.

Một lần say, chính là hơn mười năm.

Cậu biết năm ấy giở tính trẻ con bám theo người nọ là sai, một khắc cầm lòng chẳng đặng có ý nghĩ không an phận với một người đàn ông phường con hát là sai. Cậu cũng biết, mọi chuyện nếu vỡ lẽ, bố và mẹ của cậu đều có thể bịt miệng người đời, ba năm bảy năm sẽ chẳng ai còn nhớ. Nhưng Mộ Tình của cậu không có phúc phần đó, cuối cùng lại làm khổ người cậu thương hết một đời.

Cậu cũng biết, cậu và y chẳng đi tới cuối cùng.

Mưa rơi trên mái hiên lợp bằng cỏ tranh, tiếng ếch nhái từ ngoài đồng vọng vào, đâu đó quanh đây là tiếng thở nặng nề của hai gã đàn ông mặt mũi đẹp nhất cái làng Kim này. Ngọn đèn dầu tắt từ lúc nào, trong bóng tối, Phong Tín hôn lên khoé mắt nhuộm sắc tình mà đỏ lựng của y, môi cậu lành lạnh, kiềm chế run rẩy mang theo quyến luyến đậm sâu. Cậu buồn bã nghĩ, mày chính là một thằng khốn nạn.

.

Mấy hôm nay, đường nhỏ đường lớn cứ xôn xao chẳng dứt.

Mấy đứa trẻ miệng ngậm kẹo đường, tung tăng từ đầu làng đến cuối ngõ, nghe bảo quan lớn nhìn trúng cậu cả nhà thầy Phong, muốn đem con gái cưng của mình gả qua làng này. À, vậy là làng này sắp có thêm một nhà hạ mình nâng gối cho lũ cướp nước và lũ bán nước kia rồi.

Trong lòng căm hận và chế giễu cách mấy, họ cũng chỉ có cách mắt nhắm mắt mở bỏ qua, lén phén lại bị chúng nó tống vô tù thì khổ thân mà thôi.

Đường làng ngập đầy lá khô, mà bóng áo xanh của ai kia còn chưa xuất hiện.

Thằng Tý hôm qua có đến tìm y, bảo cậu cả nhà nó có việc trên tỉnh, bận tối mặt tối mũi, dặn y đừng có chờ cậu mà tự mình buồn lòng. Mắt nó cứ liếc dọc liếc ngang, Tình vờ như chẳng thèm để bụng, về nhà đem cái áo lụa người kia bỏ lại mấy lần ghé thăm, quẳng ra sau nhà.

Y cũng không tới gánh hát, cứ đi ra đi vô trong căn nhà tranh lụp xụp đó, ngọn đèn dầu luôn cháy đến tận khuya. Mỗi ngày đều đun sẵn nước nóng, lỡ ai kia chợt nhớ đến y, có ghé qua nơi tồi tàn này cũng sẽ không bị nhiễm lạnh.

Đèn có cháy cũng đến lúc cạn dầu, khắc khoải và chờ mong cũng theo chén trà giữa chiều thu, nhạt dần, nhạt dần.

Đôi mắt người tựa như ánh trăng, nửa đêm giật mình trong cơn ác mộng, thứ vỗ về y lần nữa chìm vào giấc sâu chính là đôi mắt đó.

"Đừng có nhìn tôi, mắt cậu cả xấu chết đi được.", y lấy tay che đôi mắt cậu, vờ than thở.

"Ông nhà tôi ở trong đó, không cho cậu nói xấu."

"Nói như cậu, cậu thương người ta lắm à?"

"Vợ nuôi từ bé, mặt dày mày dạn hơn mười năm mới ôm được người về. Lớn tiếng còn không nỡ, Tình nghĩ giúp cậu cả xem, cậu có thương người kia không?"

Sen tàn sen nở, đông tàn hạ mát, hai người cứ thế ngu ngơ mà quấn quít lấy nhau những mười lăm năm.

Chân giẫm lên bậc thềm còn đẫm hơi sương, một đêm không thể chợp mắt, y chợt nhớ đến câu hỏi của Phong Tín.

Tình biết cậu thương mình, nếu không thương, cậu cả nhà phú ông quyền quý giàu sang như thế, lại chịu hạ mình đến gánh hát nghèo nàn của y. Một người muốn gì có đó, lại im lặng chịu từng trận đòn roi của bố để nghe y hát, nhìn vết bầm tím của cậu cả, y xót hết cả ruột gan. Một người như vậy, sao lại một lòng một dạ với mình bao nhiêu năm trời, mà cả một câu cũng không hề oán trách.

"Chỉ cần cậu thương tôi bằng một phần mười tôi thương cậu thôi, bắt tôi làm gì tôi cũng chịu."

Nhưng cậu cả ơi, phận đời bạc bẽo, người đến người đi, đâu thể vì một chữ thương mà bên nhau đến bạc đầu.

Có bóng ai chập chờn bên khung cửa, trời đã khuya lắm rồi, sương rơi ướt đẫm vai áo người kia.

Vạt áo màu xanh da trời ảm đảm, người kia ngẩng đầu, ánh sáng lập loè của đom đóm ánh lên gương mặt tái nhợt của cậu. Bàn tay y giấu sau lưng tê dại từng cơn, chỉ mới không gặp nhau hơn một tháng mà thôi, y cứ ngỡ cách nhau đằng đẵng mấy kiếp người, hơn ba ngàn ngày đêm quấn quít thuở trước tựa như gió thoảng mây trôi.

Y và cậu cách ba bước chân mà nhìn nhau như vậy, cho thoả lấp nỗi nhớ nhung, cho bù đắp lại hy vọng tưởng rằng đã vạn vỡ, thiên ngôn vạn ngữ giờ chỉ gói gọn trong đôi mắt người kia. Tình hốt hoảng, bàn tay lạnh ngắt, chợt nhớ đến lời bàn tán của bà cụ ngồi ở đầu làng, cái nhìn đầy ý vị của người đàn bà giặt áo ở bờ sông, đồ ẻo lả, ghê tởm, cậu cả nhà thầy Phong, cũng chỉ được có thế mà thôi.

Mộ Tình nghe thấy tất cả, nhưng không thể làm gì hơn, đang ông đàn ang lại so đo với đám đàn bà buồn miệng nói vài câu, để cậu cả biết, có khi lại bị răn dạy một trận.

Y không so đo, không có nghiã là y không xót.

Mộ Tình sờ lên vết thương chưa kịp kết vẩy, máu vẫn còn chảy ra trên cánh tay của Phong Tín, mũi dâng lên cảm giác đau xót, tay chân luống cuống không biết phải làm sao. Hoá ra người này biệt tăm biệt tích mấy hôm nay, đâu phải vì lên tỉnh cùng con gái quan lớn bàn chuyện cưới xin, tên ngốc này thà để chính mình bị y hờn giận, cũng không muốn y vì mình mà khó xử.

"Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại, cậu cùng tôi chịu hết điều tiếng từ làng trên xóm dưới, có đáng hay không chứ?"

"Tôi không thể làm một đứa con bất hiếu, tôi cũng không muốn thấy cậu đau lòng." Cậu cả mệt mỏi tựa vào vai y, cậu chỉ thương một người, tình cờ người đó là con trai mà thôi, sao lại khó khăn như vậy chứ, "tôi phải làm sao đây? Cậu bảo tôi phải làm sao đây, Mộ Tình, năm ấy cậu sao không chạy về nhà? Cứu tôi làm gì? Để tôi hại cậu khổ như thế này?"

Mộ Tình ôm lấy người đang run rẩy trong lòng như ôm một đứa trẻ, cậu cả đã hăm mấy rồi vẫn chỉ là thằng nhóc lớn xác mà thôi.

Đêm ấy hai người lặng im tựa vào vai nhau tìm kiếm hơi ấm, khi rạng đông chợt loé, khi khắp ngõ lớn ngõ bé ồn ào tiếng người lại qua, họ sẽ trở thành hai con người xa lạ.

Trách trời cho duyên không cho nợ, trách mình không đủ mạnh mẽ nắm tay nhau dẫm lên tất cả đạo lý luân thường. Người cha già ốm yếu còn ngồi chờ bên khoảng sân vắng lặng, chúng ta vẫn nên làm tròn chữ hiếu mà thôi.

Tình mình, lỡ làng rồi cậu ơi.

Đêm ấy pháo nổ đầy đường, tơ hồng lặng lẽ kết duyên đôi lứa, đâu đâu cũng là lời chúc phúc nên nghĩa trăm năm. Mộ Tình nâng chén rượu đầy, có lẽ vì say, ngón tay cầm không vững, mấy lần rượu sóng sánh rơi ra trên mu bàn tay y lành lạnh.

Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng, ngày mai, cậu đã là chồng người ta rồi. Tôi cũng trở về là thằng nhóc lấm lem ngày xưa...tiếng đàn câu hát gác lại cùng kỉ niệm đôi ta, người đi rồi, tôi đứng một mình, chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Chiếc áo lụa màu da trời vẫn còn ở đây, cậu cả nghịch ngợm bám lấy tôi suốt thuở thiếu thời, vẫn sống ở trong lòng tôi mãi.

.

Nhiều năm sau, sen lại nở, hương sen trong đầm thoang thoảng loang ra cả một vùng quê đang sống lại từng ngày sau bom đạn chiến tranh. Cậu cả năm xưa giờ không còn, không ai biết cậu đi đâu, sau trận tập kích của quân ta, cậu biệt tăm biệt tích không ai tìm được. Có người bảo cậu chết rồi, xác bị giặc quăng xuống dòng sông, có người nói cậu ra tận miền nam, không về xứ nữa.

Vợ con cậu lập cho cậu ngôi mộ ở bến sông, chuyện xưa chẳng ai còn nhớ, mỗi người nắm một nấm đất, tiễn đưa người con vì quê hương đã mãi mãi nằm xuống.

Hoa nở hoa tàn, trăng tròn trăng khuyết, người xưa đã rời đi từ lâu. Có những chiều thu yên ả, gió thổi làm mặt nước sóng gợn lăn tăn, những buổi chiều lá vàng rơi xơ xác, nhìn về nơi sân khấu đã mục nát qua bao mùa gió mưa. Thấp thoáng bóng áo xanh của ai lặng lẽ ngồi đấy, dẫu thân xác đã hoá thành cát bụi, linh hồn người ấy vẫn còn mãi nơi đây, không đi đâu được nữa.

Lá vàng rơi trên vai ao sờn cũ, Mộ Tình tập tễnh bước lên sân khấu. Cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa, đôi mắt cứ nhoè cả đi, đá chổ này vấp chổ kia ê hết cả đầu gối. Nếu người kia còn ở đây, chắc hẳn sẽ càm ràm y miết, rồi gấp gáp tìm rượu thuốc xoa bóp cho mình. Kí ức về cậu chỉ dừng lại năm hăm ba tuổi, y chưa kịp nhìn thấy dáng vẻ già đi của người nọ, người ấy cứ như một bức hoạ an an tĩnh tĩnh đi theo y cho đến tận bây giờ. Nhiều lúc y chẳng nhớ rõ gương mặt của cậu ra sao nữa, chỉ chắc một điều, cậu trong lòng y, vẫn là người đẹp nhất.

Năm ấy bất chấp lời khuyên lơn của bố mẹ, khăn gói đi vào đoàn hát, y cũng thấy sợ chính bản thân mình, hoá ra bản thân trong quá khứ cũng đã từng vì một người mà làm chuyện dại dột như vậy.

Chỉ là,

Người ấy, muốn nghe y hát,

Người ấy, muốn chăm sóc y cả đời,

Năm ấy, có một câu y chưa kịp nói với cậu.

"Tôi thương cậu, thương cậu nhiều lắm. Tôi thương cậu, đã thương cả một đời."

Chỉ mong kiếp sau ta gặp nhau, sen lại nở, mình được nên duyên.

.

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top