Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

HỒI THỨ MƯỜI TÁM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sang sứ Tàu, nói đâu ra đấy.
Dạy hoàng tử, đòn dữ thoát thân

Lệ triều nhà Lê, ba năm phải một lần sang Tàu giáng nghĩa giao hiếu. Năm bấy giờ đã đến kỳ phải sang sứ. Triều đình thấy Trạng là người ứng đối tài giỏi có danh tiếng, biểu tâu cử Trạng. Vua chuẩn tâu, giáng chỉ phong cho làm chánh sứ. Còn từ phó sứ trở xuống, thời cho Trạng bảo cử. Trạng thấy chỉ lấy làm lo lắm, nghĩ bụng rằng: "Nước Tàu là nước văn vật mà mình lại ít chữ nghĩa, trừ phi bảo cử một người văn chương rất tài trong cảnh mình thời không sao đương nổi". Lập tức biếu tâu xin cử ông Trạng Ăn làm chức phó sứ.

Khi đến cửa ải Nam Quan, đưa tin vào. Quân giữ ải không chịu mở cửa. Chốc thấy nó đưa ra một chữ "thập" (+) bằng gỗ rồi lấy tay chỉ đông chỉ tây, nói xí xờ một chốc, nghĩa là chữ "tung hoành vũ trụ" thử xem có đối được không đã, thời mới chịu mở cửa. Trạng không hiểu ra làm sao, trong bụng lo quá, bảo phó sứ rằng: "Tỉu nha ma » nó đã muốn ngang dọc thời ta vòng tròn lại cho một cái", rồi sai người làm một cái vòng tròn đưa vào. Quân giữ ải tán ra rằng: vòng tròn buộc cả trời đất, thế là "bao quát càn khôn" chịu phục trạng hay chữ, nó lập tức ra mở cửa nghênh tiếp.

Qua cửa ải rồi, sang đến đất nước người Trạng thấy phong cảnh lạ cách, trông xem lấy làm thích lắm chợt đi đến quãng đồng sâu, thấy có một người con gái đang vạch quần đái, trạng chỉ tay nói đùa với phó sứ rằng:

- Kìa quan lớn xem: Nong tay dí bẹn đỏ hăm hăm.

Nói xong, cùng cười ầm cả lên. Lệ đi sứ, ông chánh hễ nói câu gì, thời ông phó phải ghi câu ấy. Trạng nói Nôm, ông phó theo tiếng mà ghi, bằng cữ Hán, chệch ra là: "Đông tây chí Biện đồ hân hân »

Khi đi qua đến đất Biện Kinh, quan sở tại nghe thấy sứ đến, ra nghênh tiếp, đón vào sứ quán, có ý muốn lấy chữ nghĩa thử sứ, ra một câu đối rằng: "Nam Bắc lai triều đa lễ lễ".

Vừa đọc khỏi miệng, Trạng ngảnh lại bảo ông phó sứ rằng: "Kìa, cái câu hôm nọ đâu, ngài đem ra đối đi". Ông phó sứ sẵn thế đưa ra, thời quả nhiên thực là một đối giỏi lắm. Quan Tàu thấy thế phục sứ An Nam thần thông, có tài biết trước, trong bụng kính phục lắm, khoản đãi rất trọng hậu.

Sang đến Yên Kinh, vào chầu yết vua Tàu. Vua Tàu muốn thử sứ, ngầm sai một người trang hoàng một chỗ cung quán rất lịch sự, đề hai chữ "Kính thiên" treo gian giữa, bày một đôi sập thất bảo rất cao xung quanh bày nghi vệ sang trọng lắm, như là một chỗ giường ngự của thiên tử, để xem trạng có dám ngồi hay không? Khi sắp đãi yến, họ đưa trạng và phó sứ đi xem khắp tất cả rồi mới đưa đến đấy. Trạng tưởng chỗ ấy là đề khoản đãi mình, leo phắt lên ngồi. Ông phó sứ ngửa lên thấy hai chữ "Kính thiên" liếc mắt trông lên, sẽ trỏ tay lên bảo, trạng mới ngửa lên rồi lại thủng thỉnh bảo phó sứ rằng:

- Đó chẳng phải là chỗ đợi chúng ta ngồi là gì? Ngài cứ lên đây!

Ông phó sứ chưa hiểu thế nào, cũng cứ lên ngồi, nhưng vẫn có ý nhút nhát, mà Trạng cứ nói cười thung dung. Có một người quan Tàu ra, chỉ tay lên đấy, hạch rằng:

- Cớ sao sứ An Nam lại được ngạo ngược vô lễ như vậy? Không trông lên trên kia xem chỗ này là chỗ thế nào mà dám nhảy lên ngồi chềm chễm ở đây là nghĩa làm sao?

Trạng nói:

- Dám thưa, đại thần lấy tội gì mà lại cho hạ quan là ngạo. Hạ quan nhân thấy biển đề rõ ràng là ba chữ "kính nhị nhân". Thực là bản ý thượng quốc muốn đem cái ngôi này để hậu đãi sứ thần xa lại chứ không phải lối tiểu sứ. Ngài mà dạy thế chúng tôi quyết không chịu. Vả nghe cổ nhân có nói: Đãi người phương xa cốt lấy bụng thực. Tôi nghe thánh triều lấy thành tín đãi người ngoại quốc. Thế mà người phương xa tới, lại đem cái bụng trí thuật làm oai. Tôi sợ người ta nghe tiếng, dẫu có lòng thực hướng mộ, cũng sinh bụng nghi mà không lại nữa.

Quan Tàu thấy Trạng nói chẻ hoe như là đã biết gan ruột rồi, vội vàng tạ lại rằng:

- Thôi xin quý sứ xá lỗi! Nghĩ là buổi mới, thử xem có phải là bậc tài giỏi không mà thôi. Nhưng mà quý sứ là bậc thông minh thực! Đã giỏi mà biết trước được như thế, còn có hề gì?

Một chốc thấy người bưng hai cỗ xôi, hai con lợn ra đặt ở giường chánh sứ và ở giường phó sứ, rồi truyền chỉ thiên triều ban yến. Hai người đều mặc áo triều phục bái mạng xong, ngồi lên ăn. Nguyên con lợn là một cỗ toàn đồ ăn mà cỗ xôi là cỗ đồ nước, đều là lấy bột đắp làm giả hình cả, mà những đồ trân cam, mỹ vị ở trong, thứ nào vào thứ ấy đều sẵn sàng cả. Trạng tưởng là con lợn với cỗ xôi thực, cầm dao ra cắt ngay cái thủ trước rồi rạch ra làm đôi, lại pha ra làm tư lật ra thấy bên trong thức nào ra thức ấy, lắm mùi lạ lùng. Trạng lại lấy dao cắt nhỏ những bột đắp rồi mới ăn. Còn cỗ xôi, Trạng xắn ra làm tư mới biết bên trong toàn những thức bánh, Trạng mới tỉnh ra mà lui lại về sau.

Các quan Tàu khen sứ An Nam ăn uống như thế mới thực là phải phép. Rõ ràng là: "Thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng biến hóa vô cùng!".

Ông phó sứ vốn là người có tiếng ăn khỏe. Tiệc yến hôm ấy đông mặt những quan Tàu. Ngài lại khỏe sức ra oai, ăn như mưa như bão, ăn một chốc hai cỗ hết lận, không còn thừa một ít nào.

Các quan Tàu thấy thế đều lắc đầu lè lưỡi xì xỗ bảo nhau rằng: "Bậc ấy không biết trong bụng chứa chất như thế nào?" nên gọi là Thực Trạng nguyên.

Một hôm, vua Tàu hội các sứ ngoại quốc ở vườn Ngự chơi hoa, ban yến. Vua Tàu đi trước, các sứ tùy giá theo sau. Đến chỗ ấy, dưới có cái hồ thả sen, trên trồng các thứ hoa lạ, cảnh vật thanh tú, giữa có cái đình bốn bề xây bát vận thông luân (?) cả, giữa treo một bức ngự thư đề hai chữ: "trùng nhị". Vua Tàu trở lên hỏi sứ các nước có hiểu là thế nào không? Các sứ còn đương nghĩ chưa biết tâu là gì, Trạng tự nhiên vô tình tâu rằng:

- Rộng thánh hoàng muôn tuổi, đây thực là phong nguyệt vô biên.

Vua Tàu thấy Trạng ứng đối nhanh nhẹn và hiểu được hai chữ ấy, khen mãi, phán rằng:

- Ừ, sứ An Nam thực là thông minh có một, đáng tài Trạng. Ngạn ngữ nói: Nhất Cao Ly, nhì Nam Việt. Bây giờ xem thế thời Việt Nam là nhất.

Xét vua Tàu viết hai chữ "Trùng nhị", vốn lấy nghĩa là: chữ "phong" và chữ "nguyệt" không có bên ngoài thời thành ra chữ "phong nguyệt vô biên?". Trạng không biết ý sâu như vậy, chỉ vì đương lúc bấy giờ thấy phong cảnh mát mẻ, nhớ đến chữ "phong nguyệt vô biển" ở chùa khi trước. Chẳng qua tâu lên để tán tụng mà thôi, nào biết đâu là trúng!

Năm sau, nước Tàu đại hạn, nắng mãi đến sáu, bảy tháng không cày cấy được, cầu đảo thế nào cũng không mưa. Vua Tàu hội các sứ bắt cắt lượt đảo vũ. Trạng biết chừng trời chưa mưa, bụng nghĩ được một mẹo, tâu với vua Tàu xin nhường các sứ nước khác đảo trước. Còn Trạng thời cứ ngày nào cũng đi xem các thứ cây cỏ, thấy cỏ gà điểm lang, rễ si mới trắng, bấy giờ mới tâu vua xin lập đàn kỳ đảo. Khi lập đàn, nào là bày ra những ngũ phương, ngũ hành, bát phương, bát quái, nhị thập bát tú, lục giáp, lục dinh, thanh long, bạch hổ, chu tước, huyền vũ, mỗi vị bát rượu, bát nước làm ra kiểu cách kỳ dị lắm. Xong đâu vào đấy rồi mới xõa tóc tai lên đàn, phủ phục khấn vái, xổ ra một nút nào là một tinh, thâm tinh, mục tinh, chớ tinh, khâm tinh, lái tinh, kẹo tinh, bát tinh, hấp tinh, rặt những câu nói lái hàng thịt cóp nhặt cả lại mà đọc ra vanh vách cho hết. Đến lúc cuối cùng, làm ngay một câu "linh tinh linh" rồi dồn cả các bát nước ở trên đàn, ra vẩy khắp tất cả bốn phương. Quả nhiên, một chốc bốn bề mây kéo lên đùn đùn, rồi mưa xuống một trận rất to. Vua quan nước Tàu và sứ các nước thấy thế đều rất kinh hãi, kẻ nọ bảo người kia rằng: "Sứ An Nam thực là Thánh. Không biết học rộng đến thế nào mà tinh thông thiên văn được đến như thế? Bao nhiêu vì sao trên trời, thuộc hết cả tên, kể ra vanh vách tất cả. Gia Cát ngày xưa bất quá cùng độ như thế chứ cũng chẳng hơn".

Từ đó, học trò nước Tàu nghe tiếng Trạng tranh nhau đến học. Trạng cố từ cũng không được. Sau lập kế, phải cáo rằng: Còn việc nước bận lắm, không thể bảo học được. Con các quan cố ý xin ra đầu bài ngay đem về nhà làm. Trạng nghĩ quanh nghĩ quẩn không biết làm thế nào, ngơ ngác ngảnh lên thấy trên bàn cúng tiên sư có bày bình hương, bình hoa, và bên cạnh lại có bức hình nàng tiên cô thổi sáo, đàn dê đứng nghe, nói lái đọc ngay rằng: "Sừ tiên ban, sứ tiên cung, hựu hữu hường binh, hòa binh kiến dề đan thính cổ tiên ca sáo thổi".

Các cậu đem về không biết ở sách nào mà tìm, hỏi khắp cả những bậc hay chữ nhất nước Tàu mà không ai biết. Đến năm sau, bỗng có một người Phiên tướng xưng danh là Sừ tiên Ban nhận được một cái cung tiên cho, bắn phát nào trúng phát ấy, lại dụ quân Hường Nam, Hòa Nam cùng vào quấy nhiễu nước Tàu. Sau có ông quan trấn thủ xứ ấy tên là Tề Đan vào rừng tìm được một vị Cồ Tiên cầu kế. Ông Cồ Tiên chỉ hát một khúc tự nhiên giặc phải lui. Bấy giờ vua quan nước Tàu mới hiểu cái đầu bài ấy, càng khen Trạng và lại thêm kính trọng.

Đến ngày hạn về, vua Tàu cố ép Trạng ở lại để dạy hoàng tử. Trạng từ chối mãi không được, sau phải vâng mệnh ở lại. Trạng lập mẹo tâu vua xin làm cho một cái lầu rất cao để ngồi dạy cho tĩnh. Các vị hoàng tử xưa nay vẫn ở cung cấm, không quen trèo cao, lúc lên đến cửa lầu đã mệt hết sức, đứng thở chẳng được nào kịp đâu nghĩ đến lễ phép chào hỏi. Trạng lập oai quát ngay lên rằng:

- Vô lễ như vậy còn dạy bảo gì được? Phàm đi học phải tiên học lễ rồi sau mới học đến văn. Học mà đến không chào hỏi thầy, lễ còn chả biết nữa là văn thời biết gì. Lập tức cầm roi vút liền không tiếc tay chút nào nữa. Rồi quăng roi xuống sàn, bảo rằng:

- Nhất hay chữ, nhì dữ đòn. Có đau thời mới nhớ được!

Các vị hoàng tử thấy Trạng đánh đau quá, cho nên cuống cả lại, sợ hãi quên cả lễ tạ. Trạng lại cầm roi thét đánh. Các vị hoàng tử sợ mất cả vía, vội vàng phải cúi xuống lạy xin tha. Sau Trạng chỉ ngồi giảng dụ những sự phép tắc đứng ngồi, chào hỏi, bắt ne, bắt nẹ, giữ gìn từng tí. Các vị hoàng tử thấy Trạng nghiêm khắc, dữ dội quá, về mách với hoàng hậu. Hoàng hậu nghe nói thương con, sợ cho Trạng dạy mãi thời con bị đòn vọt đến khổ sở, lên tâu với vua rằng:

- Sứ An Nam ở bên này đã lâu, có ý nhớ vua nhớ nước, chỉ mong sự về. Xin nhà vua rộng thương cho sứ về thăm nhà, thăm nước, phục mạng bản chúa. Tôi tưởng như thế thời nhà vua uy đức càng rộng, mà người xa vừa được yên lòng. Vả tôi xem ý hắn, người tuy ở đây nhưng bụng thời ở nước nhà; tính nết sinh ra nóng nảy, không thiết gì đến sự dạy bảo. Nếu nhà vua ép mãi ở đây, tôi sợ chẳng qua chỉ thêm cho hắn đánh hoài đánh hủy các vị hoàng tử mà thôi. Chứ thực là vô ích!

Vua nghe tâu, lập tức giáng chỉ cho Trạng về bản quốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top