Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Một.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



Cô Lý vén màn xe ngựa nhìn ra ngoài, thấy bóng xế tà nhuộm đèo Ngang vàng hiu hắt. Thả màn thở dài, cô bảo ông Mục cho ngựa dừng lại bên đường rồi thắp đèn treo hai đầu kiệu, còn giao thêm một chiếc đèn cho phu xe. Lúc cô Lý treo đèn cho chiếc xe ngựa thứ hai đi sau bọn họ, cậu Vũ ló đầu ra ngoài hỏi.

– Thầy em chưa về ạ?

– Chưa. Trời dần tắt nắng rồi. Ta dừng lại để thầy em có quay lại cũng dễ tìm.

– Vâng, thế em dọn thức ăn ra.

– Khanh còn ngủ à?

– Vâng, mợ ấy ngủ nhiều.

– Âu cũng tốt. Thôi, chú dọn cơm xong nhớ đánh thức mợ ấy dậy. Chị thử đi gọi thầy em về dùng bữa.

– Vâng ạ.

Lý đi rồi, Vũ cũng dọn cơm xong. Thức ăn đi đường xa không có bát đĩa phải bày biện, chỉ có mấy vắt cơm nắm trải trên lá chuối, một lọ muối vừng, một lọ cà muối và một lọ mắm tép.

Nhưng cậu Vũ chưa kịp gọi thì từ trong xe, cô Khanh đã chui ra. Vừa chải lại đầu tóc, cô vừa bảo.

– Mở lọ mắm tép thôi đã thơm ngào ngạt. Anh Vũ là khéo nhất.

– Cô đấy, xoen xoét cái mồm.

– Mà thầy em chưa về sao?

– Chưa. Chị Lý thử đi gọi rồi.

– Nhỡ thầy em không ở gần sông suối thì phí công. Sao anh không gọi em dậy giúp cho?

– Thôi anh xin, cô đang bầu bì, đừng dùng thuật mãi. Thầy em mà biết còn mắng cả chúng tôi.

Bĩu môi, cô Khanh vấn lại khăn trên đầu rồi nhìn về phía ông Mục và bọn người hầu đang túm tụm phía xa. Cơm bày đã xong, nhưng gia chủ chưa về, không ai động đũa.

Màu trời ngả đỏ tím thì bỗng từ phía xa, từ trong u minh hiện ra bóng một người đàn ông cao lớn xách cặp thỏ rừng đi về phía về bọn họ.

– Thầy em về!

Cô Khanh là người hào hứng nhất, vội xuống ngay xe ngựa định chạy về phía chồng, nhưng cậu Vũ đằng sau đã níu tay cô lại.

– Chớ chạy. Anh xin cô.

– Vâng vâng.

Quả nhiên, Sơn thấy vợ mình vội vã thì sa sầm lại, đoạn tiến lại gần mà mắng.

– Mợ có thai rồi lại cứ thế.

– Em lo cho thầy nó.

Sơn chưa trả lời, Vũ ở phía sau đã phụ họa theo Khanh.

– Bọn em lo mãi. Chị Lý thử gọi mấy lần đều không nghe được gì, mà anh đã bảo về trước khi giời tối.

– Thì đã tối hẳn đâu. Tôi bảo các cậu mợ cứ ăn trước đi mà. Để tôi gọi mợ Cả rồi chúng ta dùng bữa. Tôi có mang cặp thỏ về, cậu Hai lo giúp.

Vũ dạ một tiếng rồi mang cặp thỏ đưa cho ông Mục. Sơn lấy tù và treo phía sau người thổi một hơi, từ dưới đất liền lan ra một vòng sáng. Đất rừng chợt sáng lên một lúc rồi trở về màu xanh đen.

Một lúc sau, cô Lý về thì thấy chồng đang ăn cơm, trên người không có thương tích gì, bèn thở ra một hơi rồi ngồi xuống ăn cùng.

– Thầy em sau này đi nhanh về nhanh một chút được không?

– Rồi rồi, Vũ đã mắng tôi một trận tan hoang nhà cửa rồi.

– Ơ kìa, em có mắng khi nào đâu, chỉ nói có một câu. – Vũ gắp miếng cà muối, mắt không nhìn Sơn nhưng giọng nói lạnh buốt.

– Thầy em trêu cậu Hai đấy. – Khanh khúc khích cười, dựa vào vai Sơn.

Cô Lý cầm nắm cơm trên tay nhưng chưa ăn vội, đoạn bảo thêm.

– Nhưng em nói thật lòng đấy. Thầy em không cần đi trước quá xa đâu, đoạn đường này Nhạc đã cho người xem xét trước rồi. Chú ấy lại là người cẩn thận.

Nuốt miếng cơm rồi vỗ vai Vũ khen tài muối cà của cậu Hai, Sơn đáp.

– Tôi biết cậu Ba chu toàn, nhưng người của Nhạc thám thính một tháng trước khi chúng ta đi, biết đâu lại ngay lúc bọn người kia án binh bất động.

– Thế thầy em cứ đi xem trước một đoạn ngắn thôi, một canh giờ rồi về.

– Ừ, mai tôi sẽ không đi xa nữa. Chỉ là hôm nay có xảy ra một chuyện.

Vừa nghe câu này, Lý, Vũ, Khanh dừng ăn, trố mắt nhìn Sơn.

– Các cậu mợ đừng căng thẳng. Chỉ là tôi nhận được mật báo của Nhạc thôi. Chúng ta sẽ không đến Đà Nhương nữa mà trực tiếp lên thuyền từ Phú Xuân.

– Đà Nhương xảy ra chuyện gì sao? Nhạc có sao không?

Nghe tuồng như có điều không hay xảy đến với cậu em, Vũ sốt sắng hỏi. Nắm lấy vai cậu Hai nhà mình, Sơn trầm giọng.

– Nhạc không sao, em đừng lo. Cậu Ba phát hiện ra vài người khả nghi ở Đà Nhương nên gửi con Đen đến báo cho tôi hay. Nhạc sắp đến Phú Xuân rồi, thuyền bè cũng đã lo liệu gần xong.

Đen là con chim cắt Nhạc nuôi bên người, bay nhanh lại khôn, tin tức mấy ngày qua đều do nó gửi đến cả. Biết em trai kết nghĩa không có chuyện gì, Vũ thở dài rồi ăn tiếp.

Cô Khanh thường ngày hoạt náo, nay cũng trầm tư một chốc. Xoa bụng vợ, Sơn hôn lên má cô.

– Mợ Tư im ắng làm tôi lo trời sập đến nơi. Thôi ăn tiếp đi.

Khanh thấy bàn tay to ấm đặt trên bụng mình thì mỉm cười, đoạn nhìn Lý và Vũ đăm chiêu phía đối diện.

– Anh Vũ, thịt thỏ chín chưa?

Giọng nói lanh lảnh của cô gái trẻ nhất kéo Lý và Vũ trở về thực tại. Vũ quay sang hỏi ông Mục đang quay hai con thỏ trên đống lửa phía xa.

Ông Mục lui cui cầm thịt nướng mang lại, vừa đi vừa cười khà khà.

– Ông chủ bắt được hai con thỏ thật là to béo, chúng tôi phải nướng lâu hơn bình thường một chút.

– Ông và các anh em giữ lại một con mà ăn. – Vũ cầm một xiên, đoạn đưa xiên còn lại cho ông quản gia.

– Thưa cậu Hai, bọn người hầu chúng tôi ăn cơm muối vừng là ngon rồi ạ. Mợ Tư đang mang thai, nên ăn nhiều một chút.

Thấy ông Mục ngại, cô Khanh bèn đánh tiếng nói thay.

– Con này to thế, bốn người chúng tôi ăn là no căng. Ông cứ mang con còn lại chia cho mọi người đi. Lệnh của tôi, ông mà cãi thì tôi ăn không ngon ngủ không yên đấy.

– Dạ vâng, đội ơn mợ Tư, chúng tôi được nhờ ạ.

Ông Mục mang một con thỏ mang đi, cô Lý bèn cất tiếng.

– Uy quyền nhất nhà này là mợ. Cậu Hai có nói ông ấy cũng chả nghe.

– Mợ Cả cứ trêu em.

Sơn xé đùi thỏ lót lá chuối đưa cho Khanh, đoạn nhìn bầu trời đã tối hẳn.

– Tối nay bảo ông Mục đánh xe chậm một chút. Chúng ta không cần đến Đà Nhương nữa, cứ đi thư thả thôi.

– Vâng. – Cô Lý đáp, đoạn trầm trồ. – Thịt thỏ ngon phết.

– Chuyện, tôi không nấu nướng ngon như cậu Hai, nhưng chọn nguyên liệu thì miễn chê.

– Khéo mồm. – Vũ cắn miếng thịt tươm mỡ, liếc Sơn một cái sắc như dao cau.

– Còn em thì giỏi nhất là khâu thưởng thức. – Khanh cầm đùi thỏ lên cắn, cảm thấy hạnh phúc dâng tràn đầu lưỡi sau ba ngày không ăn thịt tươi.

Bọn họ đi xa nên chủ yếu chỉ mang theo lạp sườn, ruốc, cà muối, mắm tép, ngay cả cơm vắt cũng là mua dọc đường nên đồ tươi là điều hiếm có. Ba hôm trước, cả Nguyễn gia dừng lại ở thành Thọ Hạc thì có vào quán ăn gọi đồ tươi cho thỏa thích một hôm. Hạc Thành là Trấn thành Thanh Hóa, cũng là nguyên quán của Nguyễn Sơn; ở nơi đây anh Sơn còn bà cô mở quán ăn, nhìn thấy họ đến gõ cửa ban đêm cũng không báo cho Trấn thủ. Bà cô cho họ ăn uống no say, nhưng đến lúc tiễn gia đình cháu trai thì có dặn không nên tùy tiện vào quán ăn bên đường nữa, trừ khi đã vào Nam hẳn. Giả như bà không dặn, Nguyễn Sơn cũng sẽ không để người nhà mình gặp nguy hiểm, đặc biệt là trong tình huống hiện tại của mợ Tư.

Cũng chính vì tình huống này mà cậu Ba phải vào Đà Nhương trước, trước để thám thính tình hình ở Trung kỳ, sau để sắp xếp thuyền bè rồi gặp hội Nguyễn Sơn cùng đi theo đường thủy vào Nam Kỳ. Chia hành trình ra thành hai chặng đường bộ và đường thủy là để nhóm người truy lùng gia đình bọn họ khó tìm ra dấu vết, chặng đầu dựa vào Thổ thuật của anh Sơn, chặng sau dựa vào Thủy thuật của cô Lý.

Dùng nước ông Mục đưa đến để rửa tay, Sơn chép miệng nhìn ba người ngồi trước mặt mình. Mùa hè đương nóng, Vũ che nương hai vạt áo trực lĩnh hở sâu xuống ngực mà tay vẫn phe phẩy cây quạt quen thuộc, Lý cũng mở gút buộc hai tà áo tứ thân, còn Khanh chỉ mặc áo cánh bên ngoài yếm. Một thằng hầu định quạt giúp mợ Tư thì bị ông chủ giành lấy rồi đuổi đi nơi khác.

– Trước khi đến Phú Xuân, tất cả phải thay áo ngũ thân, thế mới dễ hòa đồng.

Khanh chống tay ngả người ra sau, hưởng thụ tay quạt của Sơn mà nói.

– Thế thì nóng phải biết. Nghe bảo ở Nam Kỳ còn nóng hơn.

– Mợ Tư sai rồi. – Cô Lý lấy khúc chè lam rồi lên tiếng. – Mùa này thì trong ấy chả khác gì Bắc Kỳ đâu, có khi còn mát hơn đấy.

– Nhưng chẳng có mùa đông nhở? Em thích mùa đông, cứ cuộn mình trong chăn mà ngủ.

– Cô thích thì giặt áo mùa đông xem có cóng tay không. – Vũ chen vào.

– Thôi em chả giặt, u Mọ giặt cả rồi.

– Thì đấy, số cô sinh cửa quan, lấy chồng rồi thì có u Mọ, mùa đông chỉ đắp chăn uống chè nóng thôi phỏng? – Vũ cười.

– Cậu Hai cứ nói như em không làm việc gì ấy. Mợ Cả quản lý chi tiêu, anh chăm lo gian bếp, anh Nhạc trông nom đội vệ sĩ, còn em cũng coi sóc vườn tược đấy thôi.

– Đùa cô thế, chớ có mà dỗi.

– Em cứ dỗi đấy, anh liệu mà nướng thêm con thỏ cho em.

– Anh phóng lửa đốt vườn cô đấy.

– Mợ Cả cứu em với.

– Thôi tôi xin cả hai cậu mợ, cứ nhắng nhít suốt ngày thôi. Thầy em nghe có nhức đầu lắm không ạ?

Ba người huyên náo một lúc thì nhìn về phía Sơn, thấy gia chủ chỉ lặng lẽ uống rượu ngắm trăng.

– Thầy em...

Khanh nắm lấy vai chồng vuốt ve, Sơn bèn đặt tay mình lên tay vợ mà trấn an.

– Các cậu mợ đừng lo. Tôi chỉ là chợt nghĩ, chúng ta có lẽ phải xa mùa đông vĩnh viễn rồi.

Vĩnh viễn.

Từ này thốt ra, tất cả lại chìm vào trầm tư.

Giả như họ dừng chân ở Phú Xuân thì nghe bảo Trung Kỳ vẫn còn có mùa đông. Nhưng không, họ phải Nam tiến, có thể là dừng chân ở Định Tường hoặc ở Biên Hòa, nơi mà bốn mùa không còn phân rõ. Mùa đông trở thành giấc mơ chìm vào dĩ vãng, bởi dù ai cũng cố gắng quên đi, thâm tâm mọi người đều hiểu họ sẽ khó có ngày đặt chân trở về đất Bắc. Lý mang theo mình chiếc áo lụa Hà Bắc, Vũ gói ghém bánh chè lam Hà Tây, Nhạc cất giữ chiếc đàn bầu Hà Nam, còn Khanh luyến lưu Hà Đông qua gói hạt sen thơm dịu.

Và tất cả đều nhớ về ngôi nhà ở thành Long Vượng, nơi mà họ đã có ba năm hạnh phúc bên cạnh chồng mình.

Nguyễn Sơn nhấp thêm ngụm rượu.

– Các cậu mợ vì tôi mà khổ.

Cô Lý đang cúi đầu, chợt nghe chồng nói thế thì ngẩng đầu lên.

– Thầy em đừng nói thế. Chúng em đã là người của Nguyễn gia từ ngày cúi lạy cụ thân sinh, đi theo thầy em vì tình vì nghĩa, nào đâu màng khổ cực gì.

Cậu Vũ biết chồng nặng lòng cũng nói thêm vào.

– Mợ Cả nói phải đấy ạ. Chúng em đi theo anh đều biết sẽ hưởng cùng vinh quang, chia cùng tủi nhục, mà chuyện rời xa quê hương thì có sá gì đâu. Chẳng là ngày xưa, chúng em cũng rời quê đến ở Long Vượng mà.

Khanh nhỏ tuổi nhất, lại đang mang thai nên dễ xúc động, bèn ôm cổ chồng mà mềm giọng nỉ non.

– Chị Lý anh Vũ nói phải đấy. Chúng em buông lời nhớ nhung thế thôi, thầy em đừng để bụng.

Bật cười, anh Sơn đỡ cô vợ đang mang bầu ngồi xuống ghế lót đệm êm trong xe rồi nói với ba người xung quanh.

– Tôi cũng chỉ buông ra một lời vu vơ thế thôi, chứ tôi biết các cậu mợ có lòng, tôi thương chứ. Chuyện của nhà ta, ta phải tin là trong họa có phúc. Thôi, ta nghỉ sớm đi. Tối nay xe ngựa đi chậm là để chúng ta ngủ mà lấy lại sức lực. Tôi biết mấy hôm nay các cậu mợ lén tôi dùng thuật hòng đẩy nhanh tốc độ. Mợ Cả đừng chuyển dòng nước giúp chúng ta vượt suối nữa, cứ tin vào năng lực của ông Mục đi. Cậu Hai không nên tự tạo lửa soi đường ban đêm, dầu hết thì chúng ta sẽ dừng ở đâu đấy tìm mua thêm. Còn mợ Tư cứ bẻ cong cây cối cho đường đi thoáng đãng thì sẽ ảnh hưởng đến con đấy.

Bị chồng kể tội, ba người cúi đầu, nhưng trên môi đều nở nụ cười nhẹ. Họ biết Sơn quan tâm đầy đủ từng người một, từ lúc lấy bốn cậu mợ từ Long Vượng Tứ Trấn về thì chưa từng để ai có cảm giác thua thiệt cả.

– Tôi cũng có viết thư dặn cậu Ba đừng dùng Phong thuật nhiều quá. Nhạc còn tưởng tôi không biết mùa này gió ngược đường bay của con Đen, không có sức cậu Ba thì không tài nào thư đến tay tôi nhanh như vậy.

Gật đầu, cô Lý cất lời.

– Thầy em nói phải. Chúng em sẽ bảo tồn thuật lượng cho đến Phú Xuân. Nhưng giữa đường mà nhỡ xảy ra chuyện gì, thầy em phải để cho chúng em biết để cùng gánh vác. Cả chặng đường này, thầy em lại chẳng tốn công sức nhất.

Lý nói lời này cũng là để Sơn không gánh gồng đảm đương hết mọi chuyện. Sơn là người có thuật lượng mạnh nhất, ở trên đất liền lại càng gia tăng sức mạnh, đường đèo đường núi họ đi an toàn cho đến nay cũng là nhờ anh. Đất nuôi nước, lửa, gió, cây, chính như Nguyễn Sơn đã cho họ một mái nhà êm ấm vậy.

Ngược lại, bốn nguyên tố của họ cũng luôn ở quanh anh, yểm trợ cho con rồng Nguyễn gia giấu mình trong lòng đất. Long Vượng Tứ Trấn bảo hộ kinh thành bên trong, tương ứng với Mộc thuật của Phạm thị phía Đông, Hỏa thuật của Lê thị phía Tây, Phong thuật của Phan thị phía Nam, cùng Thủy thuật của Trần thị phía Bắc. Duyên vợ chồng của họ là duyên tiền định, yêu là do trái tim đồng điệu mà nên, thương là do tháng năm bên nhau vun đắp.

Ba năm trôi qua yên bình ở Long Vượng, họ nguyện về sau dù vào Nam hay đi đâu chăng nữa cũng sẽ mãi vẹn toàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top