Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Ty gia hoi doai II

2.3. Những thành công và tồn tại trong chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái:

2.3.1. Thành công

Cơ chế điều hành tỷ giá trên quy định tỷ giá chính thức tạo điều kiện cho Ngân hàng trung ương dễ dàng kiểm soát, điều tiết được thị trường hối đoái. Trước hết là thị trường ngoại tệ trên Ngân hàng. Biên độ giao động quanh tỷ giá chính thức là một công cụ hữu hiệu trong suốt giai đoạn vừa qua, góp phần không nhỏ để đạt mục tiêu ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế.

        Thông qua tỷ giá của các Ngân hàng thương mại trong biên độ quy định, ngân hàng nhà nước có thể dễ dàng nắm bắt được diễn biến cung cầu ngoại tệ thực tế của nền kinh tế, nhận biết được xu hướng vận động của tỷ giá hối đoái để có kế hoạch điều chỉnh kịp thời. Quy định chênh lệch giữa tỷ giá mua và tỷ giá bán cho các ngân hàng  thương mại, ở một mức độ nào đó, hạn chế khả năng đầu cơ tỷ giá của các Ngân hàng tránh trường hợp tỷ giá mua và tỷ giá bán quá chênh lệch.

Cơ chế tỷ giá thống nhất đã tạo ra một môi trường pháp lý vững chắc cho các hoạt động kinh tế - thương mại trong tổng hóa các mối quan hệ của nền kinh tế. Đồng thời tỷ giá chính thức tạo ra được một cơ sở pháp lý, mang tính chủ quyền cho đồng tiền Việt nam trong các quan hệ đối ngoại.

2.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân

Tỷ giá chưa phản ảnh đúng thực trạng cung – cầu ngoại tệ trong nền kinh tế. Thành công của chính sách tỷ giá trong thời gian qua là xoá bỏ sự áp đặt chủ quan, duy ý chí trong việc thiết lập tỷ giá, sự bao cấp thông qua tỷ giá của Nhà nước. Khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường “chợ đen” dần dần được thu hẹp. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá còn nhiều phức tạp. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, lạm phát ở Việt Nam cao hơn rất nhiều so với lạm phát nước ngoài, đặc biệt là lạm phát của Mỹ. Tuy nhiên, mức độ giảm giá của VND lại không ở mức tương ứng. VND theo đó được đánh giá khá cao so với sức mua của nó. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam do giá hàng xuất tính bằng ngoại tệ trở nên đắt hơn, thể hiện ở tình trạng nhập siêu ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc điều chỉnh tỷ giá cơ bản (tỷ giá công bố) hằng ngày của NHNN chưa linh hoạt. Có những thời kỳ tỷ giá cơ bản gần như không thay đổi, nhưng sau đó khi cầu ngoại tệ trên thị trường quá lớn, NHNN lại phá giá mạnh đồng tiền (tăng 2% thậm chí 3.36% vào ngày 11/2/2010) hoặc điều chỉnh biên độ xác định tỷ giá kinh doanh của các NHTM. Việc điều chỉnh tỷ giá chưa linh hoạt làm gia tăng hiện tượng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, gây khan hiếm ngoại tệ giả, làm thị trường ngoại tệ không ổn định, ảnh hưởng đến mức tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, tình trạng định giá cao VND cũng khiến VND luôn chịu sức ép giảm giá làm tỷ giá niêm yết tại các NHTM thường xuyên trong tình trạng trần biên độ. Nghiêm trọng hơn, tại những thời điểm căng thẳng do thiếu hụt ngoại tệ, tỷ giá niêm yết kịch trần tại các NHTM thấp hơn rất nhiều so với tỷ giá thị trường tự do. Các NHTM đã thực hiện nhiều “thủ thuật” nhằm lách trần để giao dịch với khách hàng tại mức tỷ giá tương đương với tỷ giá thị trường tự do như đưa phần chênh lệch vào phí thanh toán quốc tế, phí tài trợ ngoại thương thương, hoặc giao dịch thông qua đồng tiền thứ ba.

Sự kết hợp giữa chính sách tỷ giá với các chính sách quản lý vĩ mô khác đã có nhưng chưa hài hoà. Mặc dù Chính phủ đã quan tâm đến tính đồng bộ trong việc ban hành các chính sách quản lý vĩ mô; tuy nhiên, trong một số thời kỳ nhất định, các chính sách này còn thể hiện nhiều điều bất cập. Chẳng hạn trong giai đoạn cuối 1999- 2000, tỷ giá (VND/USD) luôn có xu hướng tăng đều nhưng các NHTM lại duy trì mức chênh lệch lãi giữa USD và VND nhỏ. Điều này làm gia tăng hiện tượng đô- la hoá nền kinh tế và lãng phí nguồn ngoại tệ. Thật vậy, trong những năm này, tốc độ tăng nguồn vốn USD tại các ngân hàng thương mại khá nhanh, vượt trội mức tăng các khoản đầu tư, cho vay bằng USD. Nhiều tổ chức, cá nhân chuyển nguồn tiền tạm thời nhàn rổi, tiền tiết kiệm từ VND sang USD trên thị trường tự do; sau đó, gởi nó vào ngân hàng và xem đây là hình thức kinh doanh có độ rủi ro thấp. Tại thời điểm này, trạng thái ngoại hối của nhiều NHTM ở trạng thái thừa (long position). Để hưởng chênh lệch lãi suất, đồng thời hạn chế rủi ro tỷ giá, một số NHTM đã chuyển lượng ngoại tệ này ra nước ngoài dưới dạng tiền gởi tại các ngân hàng đại lý. Nguồn ngoại tệ khan hiếm của quốc gia đã bị lãng phí. Mãi đến cuối năm2000, hiện tượng này mới dần dần được khắc phục. Đến năm 2009, để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất 4% đối với các khoảng vay bằng VND, làm mức chênh lệch lãi suất VND và USD thu hẹp trong khi tỷ giá VND/USD luôn có xu hướng gia tăng. Tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp có ngoại tệ găm giữ USD trên tài khoản tiền gởi, khi có nhu cầu vốn họ vay VND. Các nhà nhập khẩu thay vì vay USD thì chuyển sang vay VND sau đó mua USD để thanh toán với đối tác nước ngoài. Các NHTM thiếu vốn VND, thừa vốn USD; USD trên thị trường khan hiếm tạo áp lực tăng tỷ giá VND/USD.

Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng hoạt động chưa hiệu quả. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là nơi cung cầu ngoại tệ gặp nhau, tuy nhiên, hoạt động của thị trường này trong thời qua chưa phản ảnh đúng thực trạng kinh doanh ngoại hối của nền kinh tế.

Nguyên nhân của vấn đề, trước hết là do NHNN chưa thực hiện tốt chức năng là người đặt lệnh mua, lệnh bán cuối cùng để điều chỉnh thị trường. Cụ thể, trong những tháng đầu năm 2007, 2008, cung ngoại tệ trên thị trường dồi dào từ nguồn vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển ngoại tệ sang nội tệ để kinh doanh. Tỷ giá giảm. Để cân đối thị trường và bổ sung nguồn dự trữ; lẽ ra, NHNN phải mua ngoại tệ vào, nhưng điều này đã không đuợc thực hiện một cách tương thích. Để rồi vài tháng sau đó, tỷ giá VND/USD tăng giá, NHNN không đủ nguồn dự trữ để can thiệp thị trường, bình ổn tỷ giá.

Thứ hai, Chính phủ chưa tập trung được nguồn ngoại tệ. Mặc dù, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng, nguồn vốn nước ngoài, kiều hối khá phong phú nhưng một lượng lớn ngoại tệ đã được lưu giữ trong dân cư, trên tài khoản của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoặc tại kho qũy của các NHTM. Nguồn ngoại tệ tập trung cho qũy dự trữ ngoại hối của NHNN còn hạn hẹp. Tại nhiều thời điểm, nhiều nơi, Nhà nước không thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ hợp lý của nền kinh tế. Cung cầu ngoại tệ luôn bị mất cân đối, tạo áp lực xấu lên cán cân thanh toán, và làm cho tỷ giá luôn có xu hướng gia tăng.

Ngoài ra, các nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ trên thị trường như kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn tiền tệ sau một thời kỳ hoạt động đã phải tạm ngưng giao dịch. Tỷ giá của các giao dịch này còn mang tính áp đặt chủ quan. Các giao dịch tương lai chưa được phép thực hiện, những điều này làm hạn chế tính linh hoạt của thị trường ngoại hối.

NHNN chưa kiểm soát tốt hoạt động của thị trường ngoại tệ tự do.

Ngoại tệ mạnh, cụ thể là USD, còn chiếm vị trí quan trọng trong tính toán, dự trữ, chi trả các món hàng có giá trị lớn, các giao dịch bất động sản; đặc biệt, trong các hoạt động bất hợp pháp, buôn lậu qua biên giới v.v.. Điều này không chỉ làm làm ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mà còn làm thương hại đến chủ quyền dân tộc về tiền tệ, không phù hợp với tập quán của quốc tế.

Hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các NHTM chưa thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Mặc dù trong tất cả các văn bản của Chính phủ nói chung và NHNN nói riêng đều yêu cầu đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng trong thực tế, các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn vẫn nhận được nhiều ưu ái trong việc mua

USD tại thời điểm khan hiếm ngoại tệ. Các công ty tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường phải trả thêm một khoản phí khá lớn để có thể thực hiện các khoản thanh toán với nước ngoài. Như vậy, có thể nói, một sân chơi thực sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, chỉ mới được thực hiện ở một vài nơi, vài cấp mà vấn đề kinh doanh ngoại hối là một điển hình.

Hoạt động quản lý ngoại hối chưa thực sự hiệu quả.

Một trong những đối tượng quản lý ngoại hối của Chính phủ là vàng. Trong thời gian qua, việc kiểm soát quản lý, khai thác, kinh doanh vàng bạc, đá qúy còn lỏng lẻo. Vàng miếng, ngoại tệ được dùng khá phổ biến trong thanh toán hàng hoá có giá trị cao làm ảnh hưởng đến hoạt động xác định, kiểm soát khối lượng tiền trong lưu thông của NHNN. Chính phủ không có sự nhất quán trong việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng; lúc thì xem vàng là hàng hóa thông thướng, lúc thì quản lý như ngoại hối. Biến động giá vàng trong những năm gần đây thực sự đã tạo áp lực lớn

trong việc điều hành tỷ giá của NHNN.

Nguyên nhân bao quát của các tồn tại đó là chính sách tỷ giá chưa hoàn chỉnh. Việc

hoạch định chính sách tỷ giá còn mang tính ngắn hạn, bị động; các công cụ chưa được phối hợp hài hoà, việc xác định và công bố tỷ giá cơ bản còn khập khểnh, không kịp với biến động cung cầu ngoại tệ trong nền kinh tế; quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia thấp và thiếu ổn định v.v.. Ngoài ra, một số hạn chế trong điều hành tỷ giá còn phát sinh từ bản thân của nền kinh tế. Đó là, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chủ yếu nhờ thâm dụng vốn và sức lao động, Nhà nước chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm nạn buôn lậu, gian lận thương mại trong nền kinh tế; hoạt động“ngầm” của nền kinh tế vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể trong xã hội; cán cân thanh toán vãng lai thường xuyên thâm hụt, bội chi ngân sách ngày càng tăng; hiệu quả sử dụng vốn thấp; vốn vay mượn nợ nước ngoài chưa được kiểm soát tốt; sự phối hợp giưa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chưa đồng bộ, các biện pháp quản lý kinh tế vĩ mô chưa được phát triển hài hoà và đúng mức; sự yếu kém trong quản lý và kinh doanh tiền tệ; tệ quan liêu, tham nhũng chưa được xử lý nghiêm khắc v.v... Đây là những vấn đề rất nhạy cảm, phức tạp và nan giải.

3.1.Mục tiêu và định hướng

 Mục tiêu của chính sách tỷ giá nước ta trong thời gian tới nên là:

- Chính sách tỷ giá phải giữ vững thế cân bằng nội và cân bằng ngoại.

- Ổn định tỷ giá trong mối tương quan cung cầu trên thị trường xuất khẩu, kích thích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu , cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại tệ.

- Từng bước nâng cao uy tín VND, tạo điều kiện cho VND có thể trở thành đồng tiền chuyển đổi.

- Phối hợp với chính sách ngoại hối để chống hiện tượng đô la hoá.

Để đạt được mục tiêu trên cần có  một số định hướng hoàn thiện chính sách TGHĐ như sau:

Quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chính sách TGHĐ phải liên tục được hoàn thiện và điều chỉnh thích ứng với môi trường trong nước và quốc tế thường xuyên thay đổi. Để góp phần khai thác tối đa những lợi ích và giảm thiểu những tổn thất từ hội nhập kinh tế quốc tế, chính sách TGHĐ ở Việt Nam trong thời gian tới cần hoàn thiện theo những định hướng cơ bản sau:

Thứ nhất: Tiếp tục duy trì cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý của Nhà nước.

Trong xu thế toàn cầu hóa Việt Nam  cần lựa chọn một chính sách tỷ giá thả nổi có quản lý để thích ứng và tạo ra động lực phát triển nền kinh tế nước ta trong tiến trình hội nhập vì chế độ tỷ giá thả nổi có ưu điểm là tỷ giá luôn gắn liền với quan hệ cung cầu và tỷ giá này thích ứng với điều kiện toàn cầu hóa của thị trường tài chính quốc tế. Bên cạnh đó Nhà nước vẫn có thể quản lý được mức độ biến động của tỷ giá.

Thứ hai: Chính sách TGHĐ phải đóng vai trò tích cực trong việc bảo hộ một cách hợp lý các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba: Kết hợp hài hòa lợi ích giữa hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu theo hướng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu các sản phẩm mà mình có lợi thế so sánh, nhưng mặt khác cũng cần gia tăng nhập khẩu các sản phẩm không có lợi thế so sánh để thỏa mãn tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về sản xuất và tiêu dùng nội địa.

3.2.Một số giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tỷ giá hối đoái ở Việt Nam trong thời gian tới:

Trên cơ sở khoa học trên chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm hoàn thiện chính sách TGHĐ ở Việt Nam

Một là: Thường xuyên phân tích tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước để đề ra được chính sách TGHĐ phù hợp cho từng giai đoạn.

Hai là: Hoàn thiện công tác quản lý ngoại hối ở Việt Nam.

-  Quản lý tốt dự trữ ngoại hối, tăng tích lũy ngoại tệ: xây dựng chính sách phát triển xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Tiết kiệm chi ngoại tệ, chỉ nhập những hàng hóa cần thiết cho nhu cầu sản xuất và những mặt hàng thiết yếu trong nước chưa sản xuất được. Ngoại tệ dự trữ khi đưa vào can thiệp trên thị trường phải có hiệu qủa. Lựa chọn  phương án phù hợp cho việc dự trữ cơ cấu ngoại tệ. Trong thời gian trước mắt vẫn xem đồng USD có vị trí quan trọng trong dự trữ ngoại tệ của mình nhưng cũng cần đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ để phòng tránh rủi ro khi USD bị mất giá.

-  Nới lỏng tiến tới tự do hóa trong quản lý ngoại hối, hoạt động này bao gồm việc giảm dần , tiến đến loại bỏ sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong việc xác định tỷ giá, xóa bỏ các qui định mang tính hành chính trong kiểm soát ngoại hối, thiết lập tính chuyển đổi cho đồng tiền Việt Nam, sử dụng linh hoạt và hiệu quả các công cụ quản lý tỷ giá, nâng cao tính chủ động trong kinh doanh tiền tệ của các ngân hàng thương mại …

Ba là:  Hoàn thiện thị trường ngoại hối Việt Nam để tạo điều kiện cho việc thực hiện chính sách  ngoại hối có hiệu qủa bằng cách mở rộng thị trường ngoại hối để các doanh nghiệp, các định chế tài chính phi ngân hàng tham gia thị trường ngày một nhiều, tạo thị trường hoàn hảo hơn, nhất là thị trường kỳ hạn và thị trường hoán chuyển để các đối tượng kinh doanh có liên quan đến ngoại tệ tự bảo vệ mình.

Bốn là:   Hoàn chỉnh thị trường ngoại tệ liên ngân hàng,  điều kiện cần thiết để qua đó nhà nước có thể nắm được mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ, đồng thời qua đó thực hiện biện pháp can thiệp của nhà nước khi cần thiết. Trước mắt cần có những biện pháp thúc đẩy các ngân hàng có kinh doanh ngoại tệ tham gia vào thị trường ngoại tệ liên ngân hàng , song song đó phải  củng cố và phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng với đầy đủ các nghiệp vụ hoạt động của nó, tạo điều kiện cho NHNN phối hợp, điều hòa giữa hai khu vực thị trường ngoại tệ và thị trường nội tệ một cách thông thoáng.

Năm là:  Hoàn thiện cơ chế điều chỉnh TGHĐ Việt Nam.

Để đảm bảo cho tỷ giá phản ánh đúng quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường nên từng bước loại bỏ dần việc qui định khung tỷ giá với biên độ quá chặt của Ngân hàng nhà nước đối với các giao dịch của các NHTM và các giao dịch quốc tế (Hiện nay biên độ này là +/- 0.25%).  Ngân hàng Nhà nước chỉ điều chỉnh tỷ giá trên các phiên giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng và theo hướng có tăng có giảm để kích thích thị trường luôn sôi động và tránh hiện tượng găm giữ đô la.

Sáu là:  Thực hiện chính sách đa ngoại tệ.

Hiện nay trên thị trường ngoại tệ, mặc dù USD có vị thế mạnh hơn hẳn các ngoại tệ khác, song nếu trong quan hệ tỷ giá chỉ áp dụng một loại ngoại tệ trong nước sẽ làm cho tỷ giá ràng buộc vào ngoại tệ đó, cụ thể là USD. Khi có sự biến động về giá cả USD trên thế giới, lập tức sẽ ảnh hưởng đến quan hệ tỷ giá của USD đến VND mà thông thường là những ảnh hưởng rất bất lợi.

Chúng ta nên lựa chọn những ngoại tệ mạnh để thanh toán và dự trữ, bao gồm một số đồng tiền của những nước mà chúng ta có quan hệ thanh toán, thương mại và có quan hệ đối ngoại chặt chẽ nhất để làm cơ sở cho việc điều chỉnh tỷ giá của VND ví dụ như đồng EURO, yên Nhật  vì hiện nay EU, Nhật  là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chế độ tỷ giá gắn với một rổ ngoại tệ như vậy sẽ làm tăng tính ổn định của TGHĐ danh nghĩa.

Bảy là:   Nâng cao vị thế đồng tiền Việt Nam.

  Nâng cao sức mạnh cho đồng tiền Việt Nam bằng các giải pháp kích thích nền kinh tế như: hiện đại hoá nền sản xuất trong nước, đẩy mạnh tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng chính sách thích hợp để phát triển nông nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, bài trừ tham nhũng …

Tạo khả năng chuyển đổi từng phần cho đồng tiền Việt Nam: đồng tiền chuyển đổi được  sẽ tác động tích cực đến hoạt động thu hút vốn đầu tư , hạn chế tình trạng lưu thông nhiều đồng tiền trong một quốc gia. Hiện tượng đô la hóa nền kinh tế được hạn chế. Việc huy động các nguồn lực trong nền kinh tế trở nên thuận lợi hơn, hoạt động xuất nhập khẩu của quốc gia đó năng động hơn.

Đồng tiền tự do chuyển đổi làm giảm sự can thiệp trực tiếp của Chính phủ vào chính sách quản lý ngoại hối và cơ chế điều hành tỷ giá, giúp cho tốc độ chu chuyển vốn được đẩy mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, muốn tạo khả năng chuyển đổi cho VND phải có đủ lượng ngoại tệ dự trữ và nền kinh tế vững mạnh. Khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam phải được nhanh chóng cải thiện.

Tám là:  Sử dụng có hiệu quả công cụ lãi suất để tác động đến tỷ giá, chính phủ phải tiến hành từng bước tự do hóa lãi suất, làm cho lãi suất thực sự là một loại giá cả được quyết định bởi chính sự cân bằng giữa cung và cầu của chính đồng tiền đó trong thị trường chứ không phải bởi những quyết định can thiệp hành chính của Chính phủ.

Chín là:  Phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô để hoạt động can thiệp vào tỷ giá đạt hiệu quả cao.

Chú trọng hoàn thiện công cụ nghiệp vụ thị trường mở nội tệ. Chính sách tiền tệ được thực hiện qua 3 công cụ: lãi suất tái chiết khấu, dự trữ bắt buộc và nghiệp vụ thị trường mở nội tệ. Tuy nhiên, NVTTM nội tệ là công cụ quan trọng nhất vì nó tác động trực tiếp đến lượng tiền cung ứng, vì vậy nó quyết định đến sự thành bại của chính sách tiền tệ quốc gia, bên cạnh đó nó còn tham gia tích cực vào việc hỗ trợ chính sách tỷ giá khi cần thiết. Chẳng hạn khi phá giá sẽ tăng cung nội tệ, dẫn đến nguy cơ tạo ra lạm phát. Để giảm lạm phát người ta tiến hành bán hàng hóa giao dịch trong thị trường mở nội tệ, từ đó làm giảm cung nội tệ và lạm phát do đó cũng giảm theo.

Đối với chính sách tài chính tiền tệ, tăng cường sử dụng nguồn vốn trong nước để bù đắp thiếu hụt ngân sách, phương án tốt nhất để thực hiện bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước là bằng vốn vay trong nước, hạn chế tối đa việc vay nợ nước ngoài.

Mười là: Xem phá giá nhỏ như là một biện pháp kích thích xuất khẩu, giảm thâm hụt cán cân thương mại.

Trong điều kiện hiện nay, một chính sách giảm giá nhẹ đồng Việt Nam sẽ có thể tác động tích cực trong việc cải thiện đồng thời cả cân bằng bên trong và cân bằng bên ngoài: khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, sử dụng đầy đủ hơn các nguồn lực hiện có, làm tăng việc làm, sản lượng và thu nhập của nền kinh tế, trong khi vẫn kềm chế được lạm phát ở mức thấp.

Mười một:   Vận dụng dự báo tỷ giá để phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Hoạt động dự báo có một tầm quan trọng rất lớn trong việc phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ. NHTW có thể sử dụng  các nhân tố cơ bản như thuyết PPP, hiệu ứng Fisher quốc tế để dự báo. Ngoài ra, NHTW cần theo dõi, phân tích diễn biến thị trường tài chính quốc tế một cách có hệ thống để có những cơ sở vững chắc cho đánh giá, dự báo sự vận động của các đồng tiền chủ chốt.

Mười hai:  Nhanh chóng thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro. Trong điều kiện tỷ giá hiện nay tiềm tàng nhiều nhân tố bất ổn chúng ta cần  phải gấp rút triển khai các công cụ phòng ngừa rủi ro. Chính phủ đã cho phép các NHTM thực hiện các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, quyền chọn tiền tệ. Vấn đề là các NHTM và doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và những doanh nghiệp có thu, chi bằng ngoại tệ phải nhanh chóng sử dụng các công cụ này để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Vì vậy chính sách TGHĐ Việt Nam trong thời gian tới phải được phối hợp đồng bộ với các chính sách quản lý vĩ mô khác mới đem lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Để đạt được mục tiêu của chính sách đó Đảng, Chính phủ Việt Nam cần phải có những bước đi phù hợp. Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian tới việc quản lý ngoại hối ở Việt Nam sẽ có những bước cải tiến đáng kể đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

Tags: #sunset