Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

van hoa wto

Put your story text here...ND - Sự kiện Việt Nam chính thức tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 7-11-2006 vừa qua, tạo ra bước ngoặt góp phần nâng tầm phát triển của đời sống văn hóa đất nước lên giai đoạn phát triển mới, cao hơn.

Tất nhiên, những điều tốt đẹp không phải là có ngay tức khắc, hoặc chỉ "ngồi chờ" là nó sẽ đến, cũng không phải là không có những tâm trạng băn khoăn, lo lắng một cách chính đáng về những hậu quả sẽ xảy ra, v.v...

Chính vì thế, chúng tôi thấy cần đề cập sâu đến một số tác động của việc gia nhập WTO đối với đời sống văn hóa hiện nay, nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề này.

Theo quy luật vận động và phát triển xã hội thì tác động của việc gia nhập WTO đối với đời sống văn hóa không chỉ diễn ra một chiều thuận lợi, mà còn đem đến cả chiều ngược lại.

Một mặt, tham gia vào WTO thực chất là mở rộng thị trường kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện tối đa cho việc kinh doanh thương mại, nâng cao đời sống vật chất của các tầng lớp nhân dân; mặt khác, sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội có xu hướng tăng lên không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn cả trong lĩnh vực văn hóa với độ chênh lệch cao giữa các tầng lớp dân cư trong hưởng thụ văn hóa.

Một mặt, việc gia nhập WTO góp phần tạo ra sự chuyển đổi từ lối sống chậm chạp, bó hẹp với độ liên kết xã hội thấp, dấu ấn của nền sản xuất nhỏ, sang lối sống công nghiệp, hiện đại, đề cao tính năng động, trách nhiệm gắn kèm lợi ích cá nhân; mặt khác, chúng ta phải đối mặt với các yếu tố tiêu cực trong lối sống và không ít tệ nạn xã hội từ nhiều nước, du nhập vào nước ta, như lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa "nhanh thì sống, chậm thì chết", "nén bạc đâm toạc tờ giấy", rồi các tệ nạn mại dâm, ma túy, cờ bạc... làm suy giảm truyền thống đạo đức và văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thui chột lý tưởng sống và mục đích, hoài bão cao cả của thanh niên, thiếu niên.

Một mặt, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật - một loại hàng hóa đặc biệt, được nâng lên cả về chất lượng và số lượng, do động cơ cạnh tranh mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm được đặt lên hàng đầu, và sự liên kết, hợp tác về văn hóa quốc tế ngày càng mở rộng; mặt khác, đặt các doanh nghiệp văn hóa liên quan đến quá trình sản xuất sản phẩm trước tình hình cạnh tranh quyết liệt, trong khi những cá nhân, tập thể này còn thiếu nhiều điều kiện và chưa chuẩn bị đầy đủ cho cuộc cạnh tranh sắp tới.

Một mặt, việc gia nhập WTO giúp tăng thêm "ngoại lực", đẩy nhanh quá trình đổi mới tư duy và phương thức làm việc của các cơ quan, đơn vị quản lý văn hóa - thông tin, vốn đang chuyển động nặng nề, tiến nhanh hơn nữa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, đồng thời bắt kịp với nhịp độ phát triển của các hoạt động văn hóa, thông tin khu vực và thế giới; mặt khác, đặt các đơn vị quản lý trước hàng loạt vấn đề "hóc búa" do tiến hành cải cách hành chính và tinh giản bộ máy, như gia tăng số lượng người dôi dư, thất nghiệp, có thể gây nguy cơ bất ổn định trong nội bộ các đơn vị quản lý, v.v. Rồi các sản phẩm văn hóa xấu độc từ bên ngoài ồ ạt tràn vào.

Như vậy, rõ ràng là những tác động của việc gia nhập WTO sẽ đem đến cho chúng ta thời cơ và thuận lợi lớn, đi kèm với những thách thức, khó khăn không nhỏ, nếu không ngăn chặn và vượt qua thì không thể tận dụng được thời cơ, biến thời cơ thành sức mạnh vật chất cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trái lại, có thể trở thành nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp cao cả đó.

Ðiều cơ bản và hết sức quan trọng là dân tộc ta là dân tộc có lịch sử hàng nghìn năm văn hiến, lại sinh tồn trong khu vực có nhiều luồng giao thoa văn hóa thế giới, nên luôn biết cách sàng lọc và tiếp nhận những yếu tố văn hóa du nhập từ nước ngoài một cách hợp lý nhất, tốt nhất, làm cho đời sống văn hóa của dân tộc luôn đậm đà bản sắc và tươi mới.

Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, không thể không xây dựng kế hoạch tổng thể về văn hóa tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo chúng tôi, nội dung của kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được đề ra trong năm 2007 của ngành văn hóa - thông tin, nhưng tập trung vào ba nhiệm vụ chủ yếu và có sự đổi mới về cách làm.

Một là, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản luật, dưới luật tương ứng và phù hợp các quy định của WTO bổ sung các văn bản điều chỉnh những vấn đề nảy sinh khi nước ta gia nhập tổ chức này. Khắc phục vấn đề tồn tại về tiến độ chậm, tính dự báo đón đầu còn thấp và tình trạng văn bản vừa ban hành đã bất cập với thực tiễn.

Hai là, tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc. Việc này chúng ta đã thu được một số kết quả nhất định, song vẫn còn thiếu nhiều các biện pháp, giải pháp sinh động, thiết thực và hiệu quả cao. Chẳng hạn, vào cuối năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin TP Hồ Chí Minh đưa ra ý tưởng làm cho "dân ta phải biết sử ta" bằng cách treo một loạt tấm biển thuyết minh tên danh nhân ở một số tuyến phố; đây là việc làm rất tốt, nhưng chưa đủ, mà phải làm cho ý tưởng đó trở thành tư tưởng thấm sâu vào nhận thức của tất cả các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, phải làm cho tư tưởng đó thể hiện ra một cách tuyệt vời, hấp dẫn trong các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, thông tin và làm chuyển biến nhận thức, hành động của mọi người, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên, tương lai của đất nước.

Ba là, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo cán bộ quản lý, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, nhằm đi tắt, đón đầu và tiến kịp với trình độ nghệ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới. Thực ra đây không phải là công việc mới, nhưng điểm mới là ở chỗ mở rộng phạm vi hợp tác tới nhiều đối tượng hơn và quy mô đào tạo rộng lớn hơn, yêu cầu chất lượng cao hơn; những đối tượng hợp tác là những nước có nền kinh tế và cơ sở hạ tầng phục vụ các nhu cầu văn hóa xã hội phát triển hơn chúng ta hàng chục, thậm chí hàng trăm năm và chỉ có những cách làm như thế, chúng ta mới có thể vươn lên đứng ngang hàng với họ và có điều kiện để giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình.

Thứ nữa, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, khắc phục một xu hướng tiêu cực phát sinh thời gian gần đây, nhất là khi nước ta đã trở thành thành viên WTO. Ðó là tình trạng không ít cán bộ, công chức và người lao động xin chuyển đơn vị công tác, từ đơn vị doanh nghiệp sang đơn vị hành chính sự nghiệp, từ đơn vị tư nhân sang đơn vị nhà nước, do lo ngại trước tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp và sự cạnh tranh đang và sẽ diễn ra sôi động, quyết liệt tại các đơn vị này.

Cần hiểu rằng nhận thức này hết sức sai lầm, vì cổ phần hóa doanh nghiệp là việc làm cần thiết để giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, xóa bỏ chế độ chủ quản của cơ quan hành chính nhà nước đối với doanh nghiệp, nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ làm ăn có lãi hơn; theo kết quả điều tra sơ bộ ở 500 doanh nghiệp đã cổ phần hóa trên phạm vi cả nước cho thấy doanh thu tăng 60%, số lao động tăng 13%, thu nhập của người lao động tăng 63%. Tổ chức lại sản xuất theo mô hình này đã đem lại cái lợi lớn cho người lao động.

Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu cho rằng thời buổi hiện nay xin chuyển vào các đơn vị nhà nước là tránh được cạnh tranh, vì đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định "Cạnh tranh còn diễn ra giữa nhà nước và nhà nước trong việc hoạch định chính sách quản lý và chiến lược phát triển nhằm phát huy nội lực và thu hút đầu tư từ bên ngoài... Tổng hợp các yếu tố cạnh tranh trên đây sẽ tạo nên sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, sức cạnh tranh quốc gia" (1).

Như vậy, công tác thông tin, tuyên truyền cần làm cho cán bộ, công chức và người lao động xác định rõ cả về mặt nhận thức và hành động là cạnh tranh là yếu tố tất yếu trong suốt quá trình hoạt động của tất cả các đơn vị, không kể đó là đơn vị nhà nước, đơn vị công lập, bán công, dân lập hay tư nhân, từ đó tự đổi mới hoàn thiện bản thân, nhất là trình độ chuyên môn, am hiểu luật pháp quốc tế, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng giữ gìn sự trong sáng và vui tươi của đời sống văn hóa nước nhà trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top

#tuyển