Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Chương 17: Vũ Nương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nắng sớm chờn vờn rót qua kẽ lá. Không khí vẫn đậm sương, khẽ chạm khắc cái lạnh vào da thịt. Sương giăng như một lớp màn tờ mờ chắn ngang tầm nhìn, trời vẫn chưa sáng hẳn, chỉ vằn vện vài đường trông khiên cưỡng. Dẫu vậy, ngoài chợ đã được nhiều phần nhộn nhịp. Đàn bà con gái chen chúc nhau đến từng sạp hàng trong phiên chợ nhỏ.

Giữa đám đông, ta cảm nhận thấy luồng khí quen thuộc. Đó là Phượng Minh, người con gái thân hình nhỏ thó đứng ở cuối chợ, nàng vẫn đang lần tìm hàng nào bán cá vừa lòng phải ý mới ghé mua.

"Bà Sinh ơi, cá tươi thế này mà bà vẫn mặc cả cho được?" Giọng người đàn bà bán cá chanh chua phàn nàn.

Gọi đến hàng bà, nhưng ta thấy thật ra "bà Sinh" kia chỉ độ hơn hai mươi tuổi.

Cá thì tươi thật, nhưng bà Sinh vẫn lần lựa mãi. Đến khi chọn được con ngon nhất trong sạp mới bấm bụng lục lọi túi tiền. Bà Sinh cúi đầu không nói, đoạn lấy trong túi hai đồng trả cho người đàn bà. Cầm lấy xâu cá, bà Sinh quay gót rời đi.

Lại nói, thêm gần năm trăm năm sau sự vụ của Cao Biền, ta mới cảm nhận được sự ra đời của Phượng Minh. Lần này nàng không phải con vua con tướng gì nữa, chỉ là một người con gái bình thường được phú cho tính tình nhu hòa, tướng mạo thanh tú, mỹ miều tựa tiên nữ giáng trần. Nàng sinh ra trong gia đình họ Vũ chài lưới ở Nam Xương, tên là Vũ Thị Thiết.

Chỉ tại cơ thể ta rã rượi, lại thêm tinh thần mệt mỏi nên ta đã bỏ lỡ những thời khắc quan trọng trong cuộc đời mới của Phượng Minh. Ngày nàng chào đời, ngày nàng về với nhà chồng Trương Sinh, ta đều vắng mặt. Sau khi gả chồng, nàng trở thành bà Sinh.

Hiện giờ, ta đã tìm thấy nàng. Gặp cố nhân lòng ta cũng vui mừng khôn xiết, mải lặng nhìn nàng suốt dọc đường. Mãi cho đến khi nàng lệu khệu ra bờ sông Hoàng Giang. Nàng thẫn thờ như người mất hồn, xâu cá đặt bên cạnh, ngồi lặng im những một canh giờ, ta cảm nhận có gì kỳ lạ. Ta cứ đợi mà không thấy hành động gì khác bèn hóa thành một người phụ nữ ưa nhìn tầm ba mươi cầm hai bầu rượu trên tay.

Tự coi xét mình một lượt, hắng giọng nhiều lần, thấy không có sơ hở ta mới chầm chậm tiến về phía Vũ Nương đang ngồi co gối. Đến khi bước đến ngang tầm nàng, ta mới chìa bầu rượu, đưa mắt về phía nàng.

Vũ Nương giương đôi mắt rơm rớm nhìn ta, vừa bất ngờ vừa ái ngại. Hồi lâu thấy nàng cứ nhìn mà không nhận. Ta niềm nở nói:

"Yên tâm! Rượu này tôi bán chứ không cho."

Mặc dù trong mắt Vũ Nương vẫn ánh lên tia dè dặt nhưng nàng vẫn đỡ lấy bầu rượu. Vũ Nương định lấy tiền trả ngay nhưng ta cản, bảo rằng chốc nữa cũng được đoạn tỏ vẻ hài lòng, ngồi xuống bên cạnh Vũ Nương.

Ta toan đưa tay mở nắp, Vũ Nương nắm tay ta cản:

"Đàn bà ai lại uống rượu giữa đàng?"

Tay cầm bầu rượu nhất thời như đông cứng lại, ta cười đon đả đáp:

"Khúc sông này ít ai qua lại, chúng ta lại ngồi quay mặt ra sông, người chài lưới đương lo chài lưới, chẳng mấy ai để ý đâu. Vả lại, tôi cũng uống rượu quen rồi."

Trước mặt, bến Hoàng Giang tưng bừng sức sống trong ngày mới. Ngư dân chia từng đoạn sông ra đánh bắt. Những người ở gần bờ thì dùng lờ rọ cá rọ tép cua. Ở xa, ngư dân xắn tay áo bận rộn quăng lưới lớn. Mỗi lần tung, cái lưới rộng chừng hai than [1] bung nở như hoa dại thì mãn khai.

Chẳng hiểu vì sao sau khi ta nói xong, Vũ Nương lại nhìn ta đầy thương cảm. Định hỏi nhưng thôi, ta vươn tay về phía nàng, mở giúp nàng bầu rượu rồi giục:

"Đương vắng, nhỡ chốc nữa đông thì lại không giải khuây được."

Cũng giống như khi nãy, Vũ Nương ra chiều lần lựa, nhìn bầu rượu mãi. Ta đon đả đẩy đáy bầu rượu lên gần miệng nàng như thể rất thạo việc. Sống hai ngàn năm ta chưa nghĩ tới việc biến thành một người đàn bà đỏng đảnh phong tình như hiện tại. Nghĩ đến đây ta bỗng chốc cười khổ.

Nốc một ngụm, Vũ Nương nhăn nhó mặt mày, chê hẳn hoi:

"Rượu gì vừa đắng vừa cay thế?"

"Hay do em uống rượu tệ?" Ta khinh khỉnh nói.

Vũ Nương gắng nuốt xuống cho bớt cay. Đợi đến khi dịu giọng, nàng tò mò hỏi:

"Hàng rượu của chị ở đâu, sao tôi thấy lạ mặt quá? Chắc chị người làng bên nhỉ?"

Hôm nay, ở đây, ta bán rượu cho nàng chứ có bán rượu khi nào đâu mà nàng tưởng ta bán rượu. Ta lại cười trừ, đồng thời thừa nhận ta từ làng bên, nay có việc qua làng này một lúc rồi về. Vũ Nương gật gù có vẻ tin, thế rồi lại hỏi tiếp:

"Nhà chị chắc cũng có của ăn của để nhỉ?"

Thấy ta trố mắt không hiểu, Vũ Nương giải thích:

"Áo trong mặc lụa, áo ngoài khoác the, hẳn là người giàu có. Tôi ở trong làng này cũng lâu mà lại không biết chị nên mới đoán chị ở làng bên vậy."

Ta vô tình liếc xuống hai lớp áo giao lĩnh của mình, gật gù, vờ khen hay. Vũ Nương tiếp tục ngồi thẫn thờ hồi lâu. Lát sau, ta đánh tiếng:

"Chẳng hay có chuyện gì làm em sầu não? Tôi thấy em từ lúc ra đây chẳng nở nổi một nụ cười, mặt cứ đăm chiêu lại rầu rầu?" Ta sợ em ngại chia sẻ chuyện cá nhân nên nói thêm, "Tôi không phải người ở đây lại rất kín miệng, em yên tâm tôi không ba hoa tọc mạch đâu."

"Nhưng trước nhất ta cũng phải biết nhau là ai đã."

Ta mỉm cười nặn đại một cái tên mà giới thiệu:

"Tôi tên Ly, góa chồng." Dừng một chút, ta tiếp, "Bán rượu ở làng bên."

Vũ Nương nhìn ta như thể muốn thốt lên câu "Sao còn trẻ thế đã góa chồng?" nhưng không hiểu sao nàng nén câu hỏi lại, chỉ tặc lưỡi. Nàng thở dài, lí nhí:

"Tôi là Vũ Nương."

Vũ Nương cắn môi cúi gằm mặt, cất giọng nhè nhẹ:

"Hồi ấy lấy chồng, cứ nghĩ vào cửa nhà giàu may ra không bị ai trông đợi gì nữa. Ngờ đâu kỳ vọng không bao giờ thôi quấn lấy đôi chân tôi."

Ta ngả người thư thả, khuỷu tay chống ra sau nửa ngồi nửa nằm, nghe câu nói của nàng không hiểu lắm. Song nhìn nàng buồn rười rượi, ta bất giác bật hỏi:

"Ai? Kỳ vọng gì ở em?"

Vũ Nương kể ra một loạt việc từ nhỏ tới lớn nàng thấy ấm ức. Giả như suốt tuổi thơ, cái nhìn nhiều nhất nàng nhận là cái nhìn ghẻ lạnh, mùi nàng ngửi nhiều nhất là mùi cá ươn, những lời nàng nghe nhiều nhất là tiếng thầy mắng u vì không biết đẻ con trai. Có lúc Vũ Nương cũng chịu những trận đòn roi vô nghĩa. Song có đánh nhiều ít nặng nhẹ thế nào họ cũng tuyệt nhiên không đánh lên phần mặt.

Cho đến khi nàng lên bảy, nhà cũng khấm khá hơn vì em trai nàng chào đời. Những tưởng được sống sung túc hơn, ngờ đâu em trai dần trưởng thành, Vũ Nương cũng phải gánh vác nhiều hơn. Tận lúc thầy mất cũng gửi gắm rằng dẫu bần cùng túng thiếu như thế nào, dẫu có lấy chồng hay chưa cũng phải gắng lo cho em vinh hiển trên con đường khoa cử, đỗ đạt công danh mà làm rạng tên dòng họ.

Vũ Nương đột ngột im lặng, nuốt một ngụm rượu, hắng giọng. Em trai nàng thi cử, nhưng kỳ vọng không chỉ đặt trên người y. Cái thứ ác ôn khiến phận nữ bẽ bàng, ấy mà vẫn tồn tại thâm căn cố đế trong tâm thức những người này như vậy.

Nàng ngà ngà say, vừa đánh mắt lên trời vừa kể tiếp. Đến bây giờ dù đã lấy chồng nhưng những áp lực vô hình kia cũng không ngừng bủa vây lấy Vũ Nương. U dặn thân con gái phải giữ lấy tam tòng tứ đức, phải làm vợ hiền dâu thảo, ba năm phải đẻ được con trai, vượng khí nhà chồng cho vinh hiển. Giữa vợ chồng cũng sẽ lắm lúc cơm không lành, canh không ngọt, thế thì bà lấy câu của cổ nhân ra răn:

"Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê." [2] 

"Than ôi! Ràng buộc chi lắm!" Có lẽ nàng càng uống nhiều, lời càng dễ tuột ra khỏi khuôn miệng.

Ta nhíu mày lại, buồn thay cho nàng nhưng chẳng cách nào giúp được. Rõ là kiếp này nàng không còn bị giằng xé thân phận hay bị đày ải dưới ngọn giáo chiến tranh nhưng xét đến cùng vẫn không được tự do nổi.

Lại nói, Trương Sinh là người có tính đa nghi, nàng đi đôi bước lại bị bắt bẻ. Mỗi lần như thế nàng đều cố mà giữ gìn khuôn phép, ngậm bồ hòn làm ngọt bởi nhỡ có thất hòa thì xấu chồng hổ vợ.

Những tưởng cuộc sống đến thế cũng ấm êm hạnh phúc, chẳng ngờ giặc giã ập đến làm hỏng hết cả. Thời gian đầu, mẹ Trương Sinh cũng chạy vạy khắp cả. Dẫu gì cũng là điền chủ, nhà có của ăn của để, đâu tiếc gì mấy đồng bạc lẻ cho xuôi chuyện. Nhưng giặc giã hoành hành, chốn biên thùy chìm trong bể lửa, quân không đủ số thì lấy gì mà đánh. Cuối cùng thì Trương Sinh vẫn phải khăn gói lên đường tòng quân.

"Chàng đi chuyến này, em chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi. Chỉ e việc quân khó liệu, thế giặc khôn lường, còn lẩn lút, quân triều còn gian lao, khiến cho tiện thiếp băn khoăn, mẹ hiền lo lắng." [3]

Ngày tiễn chồng đi được rọi lại qua đôi mắt nàng dưới từng lời tâm sự. Lời nàng nói khi ấy như muốn gói gửi niềm thương qua muôn dặm quan san. Thế mà quan san quá cách trở, chẳng biết lòng nàng có đến được hay không. Chỉ biết nay lòng nàng nay đậu lại ở niềm vui nhỏ trong bụng.

Bấy giờ, ta mới đưa mắt lướt xuống, thấy bụng Vũ Nương hơi nhô ra, độ chừng bốn tháng lẻ. Ta sửng sốt, giật ngay bầu rượu đã vơi gần nửa trên tay nàng. Vũ Nương cười giả lả:

"Chị cũng vô ý quá! Nhưng tôi lại ưng sự vô ý của chị, chí ít cho tôi được tự do trong phút chốc."

Vũ Nương trỏ trỏ bụng nhờ ta xem hộ nàng đang mang con gái hay con trai, định lấy tay ta đặt lên bụng nhưng ta vội rút lại. Mặc dù trong hình hài là nữ nhưng ta vẫn biết mình là ai.

"Hẳn là một bé trai kháu khỉnh!" Ta khẳng định chắc nịch với Vũ Nương rồi lập tức cho nàng bất tỉnh.

Ta trầm ngâm hồi lâu, mím môi len lén nhìn lên trời.Thôi thì cứ đưa Vũ Nương về nhà vậy.


[1] Than: 1 than = 4m2

[2] Ca dao

[3] Trích và phỏng theo Truyền kỳ mạn lục – Nguyễn Dữ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top