Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Meurent

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hoài Niệm - 怀念


“Thưa các quý vị, chúng ta đã hạ cánh an toàn ở sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải. Hiện đang là ba giờ chiều giờ địa phương, nhiệt độ bên ngoài khoảng 25 độ.”
Tôi bừng tỉnh giấc, mắt thấy các hành khách xung quanh đang nhanh chóng lấy hành lý, tôi cũng không vội mà vươn vai ngồi thẳng dậy. Ông chú mập ngồi bên cạnh vươn mãi cũng chẳng lấy được đồ, tôi đành làm người tốt mà giúp lão.
“Cám ơn cậu” Lão cười, mắt nhăn tít lại “Cậu không thu dọn hành lý đi sao?”
“Cháu không vội” Tôi đáp, nhưng vẫn nhanh chóng gấp chiếc chăn đang đắp trên người “Chú chắc hẳn là về quê thăm nhà?”
“Ừ, đã bôn ba đi làm ăn mấy năm rồi, tôi rất nhớ người nhà, cũng nhớ cả Thượng Hải nữa.” Lão hì hục vác cái ba lô bạc màu lên vai, tay lại cầm thêm vài túi đồ lỉnh kỉnh rồi chen chúc với đám người xuống máy bay. Cho đến khi máy bay chỉ còn lại vài người, tôi mới lấy chiếc va li từ ngăn trên xuống. “Nhìn đi con, kia là Thượng Hải đấy!” Tôi nghe người phụ nữ ở đằng trước bế đứa bé gần đến ô cửa sổ mà chỉ trỏ, cũng quay đầu sang bên phải. Qua ô cửa kính, tôi nhìn thấy Thượng Hải, một Thượng Hải đã qua mười năm không có tôi.

Thượng Hải những năm 1980, kinh tế gặp khó khăn, lạm phát tăng cao còn người dân thì đói khổ trong sự gia tăng liên tục của những hành động tham nhũng của các quan chức Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Đất nước này đã trải qua một thập kỷ tăng trưởng kinh tế và tự do hóa, nhiều người dân Trung Quốc đã có ý định sang nước ngoài định cư. Thêm vào đó, mặc dù những tiến bộ kinh tế ở Trung Quốc đã mang lại sự thịnh vượng mới cho nhiều người dân, nhưng lại kèm theo lạm phát giá cả và cơ hội tham nhũng của các quan chức chính phủ. Vào cuối những năm 1980, người dân đã triệt để thất vọng với sự tham nhũng của lãnh đạo đảng, mà cái chết của chủ tịch nước Hồ Diệu Bang vào tháng 4 năm 1989 lại là giọt nước tràn ly cũng như là ngòi nổ cho các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Đám tang lễ chính trị biến thành hành động chống lại chính phủ, kéo theo cái chết của hơn 2000 sinh viên tiềm năng của Đại Học Bắc Kinh. Sau khi bạo động qua đi, những người còn sống lại bị chèn ép bởi chính phủ, do Đảng Cộng Sản nhạy cảm về vấn đề này, dẫn đến việc trong hàng ngũ quan chức, chỉ có duy nhất một người sinh sau năm 1970, duy có một người sinh ra trong thế hệ sinh viên năm đó. Trong thời kỳ khủng hoảng đó, tôi được gia đình cho sang nước ngoài du học phát triển, đồng thời cũng may mắn tránh khỏi cuộc thảm sát kia. Một mình ngẩn người ở đất khách quê người đã được mười năm, cũng đã đến lúc quay về rồi. 
“Bác tài, cho cháu về Quang Phục Lý” Vừa ngồi lên xe taxi, tôi vội vàng nói tên khu dân cư quen thuộc, nhưng lại bắt gặp ánh mắt soi mói của tài xế.
“Cậu…đến thương lượng với họ à?”
“Dạ?” Tôi ngẩn người, không hiểu câu hỏi lắm “Không, cháu về nhà, đã hơn mười năm rồi chưa về, chẳng lẽ khu đó đổi tên rồi ạ?”
“Ra là thế, cậu không biết là phải. Cái khu Quang Phục Lý ấy phải nói là nổi tiếng cả Thượng Hải, vị trí trung tâm thuận lợi, chính phủ cũng đã lăm le mảnh đất ấy lâu rồi, bọn đầu tư bất động sản cũng chẳng thua kém, mỗi tội người khu đó lại không chịu rời đi. Tôi nhìn chính sách đền bù cũng thấy chẳng đáng, cậu nói xem, cả một mảnh đất triệu đô thế mà chính phủ mới keo kiệt làm sao! Người dân không thỏa mãn với khoản tiền bồi thường cũng phải.” Tôi nghe vậy cũng chỉ cười trừ, quay sang cửa kính nhìn khung cảnh bên ngoài.

Thượng Hải đầu thế kỷ 21, đã phát triển lắm rồi. Những tòa cao ốc cao chất ngất, lung linh ánh đèn, những công trình xa hoa bậc nhất dần dần hiện ra trước mắt tôi. Thượng Hải thực sự khác xa so với trí nhớ của tôi, lại trở nên thật lạ lẫm.

“Đã không còn là Thượng Hải ngày xưa nữa rồi…” Tôi bất chợt cảm thán, giọng nói cũng pha một chút chán chường cùng tiếc nuối kéo dài.
“Thượng Hải phát triển nhanh đến chóng mặt, hiện đại hóa nhanh hơn cả Bắc Kinh.” Đèn đỏ, bác tài đằng trước cũng trở nên hoài niệm quá khứ, vừa chỉnh gương chiếu hậu vừa thở dài.
“Năm đó cả nhà cháu từ Thượng Hải lên Bắc Kinh tiễn cháu vào đại học, cũng không ngờ lại xảy ra biểu tình. Cũng cùng ngày hôm ấy ba cháu nhét cháu vào một chiếc xe, chở đến sân bay. Cháu còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết mình bị ba ép sang nước ngoài, không hành lý, chỉ mang theo chiếc ba lô vốn còn đang đựng sách vở chuẩn bị cho đại học.”
“Cha cậu cũng giỏi thật, trong tình huống náo loạn thế mà vẫn biết lo cho cậu.”
“Vâng, sang nước ngoài rồi thì người bạn của cha cháu ở bên đó đã chờ sẵn, sau đó thì là mười năm dài dằng đẵng trôi qua.”
Bỗng điện thoại trong túi quần reo, là chú Lưu, người mà cha đã gửi gắm tôi bên nước ngoài. Tôi liền bắt máy:
“Chú Lưu ạ?”
“Ừ là chú mày đây, về đến nơi chưa?”
“Cháu đang trên đường về Quang Phục Lý, đã lâu lắm rồi cháu không gặp cha mẹ, chẳng biết họ có còn nhận ra cháu nữa không haha.”
Đầu máy bên kia im lặng, tôi khó hiểu kêu lên: “Chú Lưu?”
“Trạch Vũ, thực ra chú có chuyện giấu mày…”
Đúng lúc ấy thì bác tài dừng xe, tôi bèn bảo chú Lưu gọi lại sau, trước khi ngắt máy còn nghe tiếng chú ngập ngừng vài từ nghe không rõ. Dúi vào tay bác tài vài tờ Mao chủ tịch rồi hấp tấp chạy vào trong khu dân cư.

Quả nhiên Quang Phục Lý khác một trời một vực so với nhưng tòa nhà cao tầng xung quanh. Quang Phục Lý trong trí nhớ của tôi là một khu dân cư hạng trung, toát lên mình cái vẻ đẹp của những con phố cổ và đèn lồng treo lủng lẳng, giăng chéo qua các mái nhà. Mỗi buổi sáng tôi đều đạp chiếc xe Phượng Hoàng nổi tiếng thời đó quanh các quán ăn buổi sáng ngập trong mùi dầu chiên và sữa đậu nành, chạy ngang qua vỉa hè nơi nhóm người già cùng nhau tập thể dục, băng qua bến xe buýt vắng người, tạt qua những công trường thi công bụi bặm mà ngắm một Thượng Hải cổ xưa đầy mỹ lệ. Nhưng qua mười năm, khuất sau những chung cư cao tầng đó lại là một Quang Phục Lý với những ngôi nhà xập xệ lọt thỏm giữa bãi đất. Những ngôi nhà ở đây đa số là nhà cổ lỗ được làm từ cây rui, xà ngang, cột gỗ, kiến trúc hình chữ “khẩu” hoặc chữ “nhật” với gian chính, chái nhà, một hoặc hai bức tường phía trước làm cửa ngõ, trong nhà có giếng trời, sau nhà thường là bãi đổ rác. Tôi lách qua những con hẻm nhỏ, cố nhớ lại đường về nhà, tuy nhiên vẫn phải hỏi người dân xung quanh rất nhiều. Cho đến khi trước mặt tôi hiện ra ngôi nhà đơn sơ thân quen với mái ngói bạc màu, tôi chợt nhận ra điều khác thường. Căn nhà vắng lặng, không một bóng người. Âm thanh duy nhất là tiếng chiếc chuông gió bằng đồng thỉnh thoảng lại vang lên mỗi khi có cơn gió tạt ngang qua.

Tôi bước vào căn nhà quen thuộc, theo thói quen mà bỏ giày ra, nhưng lại dừng lại nửa đường; sàn nhà đã sớm bám một lớp bụi dày. Với tay tìm đến công tắc đèn, nhưng dù có bật tắt nhiều lần thì nó vẫn không sáng, tôi đành đến bên cửa sổ mà mở tung rèm cửa. Ánh nắng mặt trời tham lam chui vào căn nhà, chẳng mấy chốc đã chiếu sáng xung quanh. Cách bài trí của phòng khách vẫn giống hệt như mười năm trước; chiếc ghế mây dài vẫn đặt ở chính giữa, trên tường vẫn còn dán những câu đối đỏ rực mừng năm mới, thế nhưng bên cạnh lại là chiếc lịch năm 1989. Tôi lại gần chiếc lịch đỏ treo trên tường, nhìn xấp giấy vẫn còn dày, nhìn tờ lịch trước mặt vẫn ghi rõ ngày 14, ngày mà cả nhà rời Thượng Hải lên thủ đô mừng tôi trở thành tân sinh viên của Đại học Bắc Kinh danh giá. Lòng nảy sinh sự nghi hoặc cùng lo sợ, tôi gấp gáp chạy sang nhà bên cạnh, thấy một bà dì đang phơi chăn, tôi vội vàng chào hỏi:
“Chào thím…Thím cho cháu hỏi, thím có biết gia đình nhà bên đã chuyển đi đâu rồi không?”
Thím nheo mắt nhìn tôi một hồi rồi mới mở miệng  hỏi:
“Cậu có phải con trai nhà Trạch Chính Nghiên?”
“Vâng, là cháu” Tôi gật đầu lia lịa “Cháu đi học xa giờ mới về thăm nhà được, cũng không liên lạc với cha mẹ được một thời gian rồi.”
Thím lại nhìn tôi với ánh mắt thương hại khiến tôi trở nên lo ngại, rồi tôi thấy thím đi vào trong nhà, một lúc sau mang theo một xấp giấy trắng ra. Tôi còn chưa hiểu gì, thím đã dúi vào tay tôi xấp giấy đó, nhìn kỹ thì là giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất.
“Thím…sao lại có cái này?” Tôi vô thức nắm chặt lấy tập giấy, cũng không nhận ra rằng cơ thể mình run rẩy đến mức nào.
“Trạch Chính Nghiên với Ngô Tuệ Lâm đã mất rồi. Họ bị người của chính phủ bắn chết trong lúc phụ mọi người khiêng những sinh viên bị thương lên cáng. Đây là giấy tờ nhà chuyển nhượng lại cho cậu.”
Tôi nghe thím nói xong, đột nhiên cảm thấy cả người mình trở nên nặng trĩu, đầu óc quay cuồng, mà hốc mắt tôi cũng nóng rực. Nỗi lo sợ của tôi đã thành hiện thực rồi. Tôi không kịp cáo biệt thím, chỉ biết chạy trối chết về nhà. Điện thoại trong túi quần lại reo lên lần nữa, lần này tôi không nhìn cũng biết là ai, vừa nhận cuộc gọi tôi đã gào lên:
“Sao chú lừa con!”
“…” Chú Lưu trầm lặng một lúc mới thở dài “Con có biết vì sao ba con cấp tốc đem con sang nước ngoài như vậy không?”
Tôi không trả lời, chỉ biết nắm chặt lấy vạt áo sơ mi. Gió bên ngoài càng lúc càng to, mãnh liệt đưa đẩy, mang theo chuỗi âm thanh leng keng của chiếc chuông nhỏ.
“Lão Trạch đã biết trước là con sẽ chẳng thể phát triển nổi ở Trung Quốc sau vụ bạo động này, bằng chứng là mấy năm nay đám sinh viên cùng thế hệ đều bị chính phủ chèn ép đến ngóc đầu không nổi, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Con có biết là có bao nhiêu người đã chết đói không? Nhất là gia đình con cũng chẳng phải khá giả gì. Trạch gia chỉ có một mình con, lão Trạch cũng không muốn con sống khổ để sau này hối hận.”
“Nhưng chú cũng không thể gạt con như vậy!” Tôi nắm chặt lấy điện thoại, cổ họng khàn đi “Con sau mười năm vẫn không biết là cha mẹ mất, chú thấy như vậy có được không!”
“Là do con chưa đủ chín chắn.” Tôi nghe chú Lưu nói vậy, lửa giận trong người càng trở nên dữ dội, nhưng chưa kịp nói gì thì đã bị tiếng thở dài ở đầu máy bên kia chặn lại “Nếu như chú nói với con lúc con ở năm nhất, con chắc chắn sẽ suy sụp mà bỏ học, chú không thể để con mới vào đại học mà đã như vậy. Nếu chú nói với con ở năm tư, con cũng sẽ bỏ học giữa chừng, chú càng không thể để con sắp tốt nghiệp mà sụp đổ. Nếu chú nói với con lúc con học thạc sỹ, con sẽ cảm thấy bản thân chẳng còn gì để cố gắng nữa. Nếu chú nói với con trong lúc con đang phát triển, con sẽ chẳng có ý chí, để rồi liệu giờ con có thể ngồi ở vị trí hiện giờ sao? Nếu chú nói với con trong lúc con đang phấn đấu mua nhà mua xe, liệu con có chắc mình sẽ không sa đọa?”

Tôi ngẩn người, bàn tay đang nắm chặt điện thoại cũng buông lỏng ra. Ngoài kia gió cũng dịu đi, tiếng chuông gió vang lên lại khiến người ta cảm thấy thanh tỉnh.

“Giờ con đã thành công, đã có địa vị và chỗ đứng vững chắc trong xã hội, cũng đã trưởng thành và người lớn hơn, chú không sợ con sẽ gục ngã nữa. Trạch Vũ à, đây cũng là mong muốn của cha mẹ con.”
“Vâng, con hiểu rồi.” Qua một hồi lâu mới trả lời, tôi nhắm mắt lại, nhẹ nhàng tựa đầu vào tường. Tiết trời nóng bức như thế này, thường mẹ sẽ pha cho tôi một ly nước ô mai, lại bổ một quả dưa mát, còn cha thì sẽ ngồi ngoài sân đánh mạt chược. Thỉnh thoảng lại có tiếng trẻ con nô đùa, hay tiếng rao bán kẹo hồ lô kêu lanh lảnh qua những con hẻm nhỏ. Một Thượng Hải của những ngày xưa đã cho tôi nhiều kỷ niệm đến thế, nhưng cũng đang dần đánh mất đi chính vẻ đẹp hoa lệ của nó. Giờ liệu Thượng Hải có còn có những khu phố lợp mái ngói với những quán ăn vỉa hè dân dã? Liệu có còn những chiếc xe buýt cổ chạy trên tuyến đường Hoàng Hà? Trong thành phố hào nhoáng ánh đèn và tiếng xe cộ ầm ĩ, liệu tiếng chuông gió nhỏ nhẹ còn có thể nghe thấy được sao? Và Thượng Hải, liệu có còn giữ được vẻ đẹp chân thực của nó?

Tôi cũng không biết mình đã ngẩn người bao lâu, chỉ biết nắng ngoài kia đã dịu đi, mà sắc trời cũng dần chuyển sang màu hoàng hôn rực rỡ.
“Cộc cộc” Tiếng gõ cửa bất chợt khiến tôi bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ mông lung, vội vàng chạy ra, tôi nhìn vị khách không mời trước mặt.
“Chào cậu Trạch” Gã đàn ông nở nụ cười giả tạo “Xin giới thiệu, tôi là người của công ty bất động sản S-” Không để gã kịp nói hết, tôi dứt khoát đóng sập cửa. Không để ý đến những tiếng đập cửa, tôi nhanh nhẹn khóa cửa lại.

Quang Phục Lý tồn tại lâu như vậy, không nhất thiết phải cùng Thượng Hải mà đổi thay, cũng như con người không nhất thiết phải thay đổi cùng cảnh vật.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top