Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

người khổ nhất là ai?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

ROUND 4 - Sunoo × Ni-ki

Title: người khổ nhất là ai?
Topic 2: What is love (ft. topic 8: Your heart)
Author: @cum-eater

[ Tính vote đến 19:00 chủ nhật 17/10/2021 ]

lowercase.

lấy cảm hứng từ tác phẩm "mắt biếc" của nguyễn nhật ánh.

tôi chưa bao giờ nhớ được rằng bố mình trông như thế nào cho đến lúc tôi lên ba, bởi bố tôi từ khi sinh tôi ra đã gửi tôi cho ông bà, rồi đi lên trên thành phố lớn lo công việc, hàng tháng gửi tiền nong về cho hai người nuôi. mỗi năm bố về thăm tôi vài lần, lần nào cũng ở nấn ở ná lắm là ba hôm, rồi lại tất bật chạy lên phố làm việc. tôi không có nhiều kỉ niệm chung với bố, cũng chẳng biết mẹ là ai. sinh ra là một đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi, ông bà cưng tôi như cưng trứng. tôi là thằng cháu đích tôn, đồng thời cũng là niềm hạnh phúc của cả ông lẫn bà. tôi yêu thương ông bà tôi, tôi nhớ bố tôi. nhưng có một người đặc biệt hơn cả. một người khiến tôi hiểu được rằng thế giới này có gì là hạnh phúc và rốt cục thế nào là yêu.

chú là người bạn trai đầu đời của tôi. tôi nghe bà tôi kể, cái ngày mẹ tôi sinh tôi ra, bố tôi đang đi lính, một mình chú trên phố thức cả đêm trông chờ. hình như chú là người đầu tiên tôi thấy trên đời, bảo sao tôi bám chú tôi ghê thế. rồi khi mẹ tôi mất (bà tôi bảo mẹ tôi chết lúc sinh tôi), một mình chú ôm tôi trong tay khóc suốt đêm dài. chú chăm tôi còn hơn cả bố. chú thương tôi như cái cách mà chú thương mẹ. chú thương cái số phận hẩm hiu của tôi, xót xa đứa trẻ không cha không mẹ.

chú tên vũ, mà vũ tức nghĩa là mưa. mẹ chú đặt cho chú cái tên như vậy, bảo sao đời chú khổ. mẹ chú đặt vậy cho chú bởi cơn mưa dịu mát ngày chú sinh ra, nào ngờ rằng đó lại là cơn mưa giăng kín lối chú đi về. tôi thương chú y như chú thương tôi. vì nếu không có chú, chắc giờ này tôi đã là đứa nhóc mồ côi, không nơi nương tựa.

tôi từ khi sinh ra đã là một đứa trẻ u sầu. nghe bà tôi bảo, lúc tôi được chú đưa từ trên phố về, mắt tôi cứ ươn ướt, nhưng tuyệt nhiên không thấy giọt lệ nào rơi ra. bà bảo mắt tôi là mắt biếc. con mắt tôi y như con mắt của ông và bố. chú nói rằng con mắt ấy di truyền ba thế hệ. không hiểu sao, trông chú tôi buồn buồn.

chú ở làng quê khác xa lúc chú ở trên phố. lúc trên phố, chú nhìn xa xăm, nằng nặng. lúc ở quê nhà, chú hớn hở, tươi vui. có lẽ chú cũng yêu làng giống như tôi. những đứa con của làng, tôi thấy có mình chú là tình nghĩa đậm sâu nhất. có lẽ không chỉ là bởi tình nghĩa đậm sâu. có một cái gì đấy nữa, một cái gì đấy khiến cho chú phải nhớ nhung, phải bứt rứt, phải gắn bó hoài với cái làng nhỏ này. đối với tôi, cái thứ ấy của tôi, là chú.

chú lớn lên với tôi từ nhỏ. hồi bé, toàn là chú chơi với tôi. một mình chú, không thêm ai khác cả. ông tôi lúc nào cũng chỉ ngồi nhìn, thi thoảng lại chọc cho tôi cười, để khi tiếng cười tôi chưa dứt, ông bỏ ra sau hè với những mối bận tâm riêng rải rác trên bầu trời. bà tôi trầm lắng hơn, bà chẳng làm gì ngoài việc ngồi nhìn chú vũ, hết thở ngắn đến thở dài, rồi cũng lại nhìn tôi với con mắt buồn xa vắng. bà thương cho cái số phận hẩm hiu sống xa cha xa mẹ, thương cho cái phận đơn thân độc mã lủi thủi tối ngày của chú vũ. chú lớn tuổi, nhưng chú chẳng vợ con gì, cứ ở vậy mãi. nhiều lần tôi đến thăm nhà chú, thấy mẹ chú than vãn giục chú đi lấy vợ hoài; mà khổ một nỗi, con gái làng chẳng còn một mống, đứa nào cũng đi lấy chồng xa. chú cười nói với mẹ, con ở vậy quen rồi, mẹ không cần phải lo.

chú nói mẹ chú không lo, nhưng nhiều lúc đến cả chính tôi cũng lo cho chú thật. chú có những niềm vui thích kì lạ với làng, như việc nhặt những quả thị chín vàng về ăn rồi dính lên tường, để cho những cái vỏ trông từ xa như đám hoa quỳ hoa cúc. chú hay hái những cành trâm gãy nát, vứt từ trên cao xuống đất, chẳng biết để cho ai. chú hay hái những bông hoa dủ dẻ, bỏ vào túi để thơm áo suốt mấy ngày. chú có những niềm vui thích kì lạ, tôi đã bảo thế. và có lẽ vì sống với chú đã quá lâu, tôi cũng đâm ra thinh thích. một phần là vì tôi thích mấy trò ấy thật, chín phần còn lại là do chú đã khiến tôi cười, bằng chính những thú vui kỳ lạ của chú.

tôi thích những đêm họp chợ hơn cả. vì đêm họp chợ nào chú vũ cũng nắm tay dẫn tôi đi. chú dẫn tôi qua mấy sạp hàng đủ các loại. chú mua cho tôi những con thú bột đủ màu. chú công kênh tôi trên vai chú, cho tôi xem gánh xiếc làm đủ trò. lần nào tôi cũng ngủ quên trên bờ vai ấy, và lần nào tôi cũng được chú bế về. những chiếc đèn lấp lánh ấy tới giờ vẫn như một giấc mộng hàng đêm, vẫn như là một cơn mê khó tỉnh. trong cơn miên man ngày nào, tôi vẫn còn bé bỏng, trên tay vẫn còn vung vẩy những mèo những hổ, và tôi ngủ quên trên vai chú mỗi lần. chỉ là cái bờ vai quen thuộc ngày ấy giờ cũng đã xa xôi như những câu chuyện cổ. chỉ là chợ đêm ngày ấy giờ đã không còn như xưa.

chú tôi là thầy giáo, dạy bọn trẻ con cấp một trong làng. với tính tình vừa hiền lành vừa nghiêm khắc, chú được bọn trẻ con vô cùng ưa thích. tất nhiên, chẳng có ai thích chú tôi hơn tôi cả. và chú chẳng thương ai hơn tôi hết. cấp một của tôi có chú ở bên, yên bình và vui vẻ. chú vừa là bố, vừa là mẹ, vừa là bạn, vừa là thầy. chú dạy tôi viết, dạy tôi đọc, dạy tôi tính toán. chú là người đầu tiên và cũng là người duy nhất tận tâm với tôi đến vậy.

bố tôi có về làng thăm tôi đến vài lần. lần nào bố cũng chỉ ở lì trong nhà, quanh ra quẩn vào. tôi nhớ bố, tôi muốn bố đi cùng hai chú cháu vào rừng chơi. nhưng bố tôi lảng tránh hoài, và chú tôi cũng chẳng buồn bênh vực. dường như chú lúc nào cũng đứng về phía bố. chú nói rằng bố mới về, để bố nghỉ, hai chú cháu mình đi. tôi một mực khăng khăng đòi đi với hai người, chú liền lầm lũi bỏ về nhà. tôi khóc hu hu, chú cũng chẳng thèm quay lại dỗ. chú ít khi như vậy, nhưng đó là lần đầu tiên. bố biết rằng sự xuất hiện của bố khiến tôi buồn, chú cũng buồn, nên bố ít về nhà hơn.

có mấy lần chú dẫn tôi lên phố. cốt là để tôi thăm bố tôi, nhưng thực ra tôi hào hứng là do tôi ham chơi. tôi không quá đoái hoài đến những món đồ chơi hay đồ ăn đắt tiền bố tôi tặng. lần nào tôi cũng năn nỉ, vòi bố về ở với tôi. và lần nào bố tôi cũng cười trừ. bố phải lo chuyện buôn bán, lo làm ăn kiếm tiền. có mấy bận, bố định đón tôi lên ở, nhưng tôi giãy nảy không chịu. tôi yêu bố tôi thật , tôi nhớ bố tôi thật, nhưng nếu bắt tôi rời làng tôi, bắt tôi rời xa chú thì có đánh chết cũng không chịu. tôi đi rồi thì chú ở với ai?

chú hay kể cho tôi nghe chuyện của chú và bố tôi ngày xưa, từ chuyện đánh nhau giành dùi trống, rồi thi nhau trèo cây lấy trứng chim, tất cả. bố tôi ngày xưa nghịch ngợm và bướng bỉnh hệt tôi bây giờ. chú kể tôi nghe chuyện của hai người, và lần nào chú cũng không quên nói rằng tôi giống bố tôi như hai giọt nước. bố và chú đấu đá nhau suốt một thời tuổi trẻ để tranh giành một cô gái. tôi hỏi chú cô ấy là ai. chú hơi gượm lại, nhưng rồi cũng vui vẻ mà bảo rằng, mẹ cháu.

đó là một lần hiếm hoi, và dường như là lần duy nhất chú nhắc trực tiếp đến mẹ. chú gọi mẹ là "cô ấy", xa xôi và mơ hồ, lúc nào cũng như làn sương sớm đọng trên mặt cỏ xanh rì. lần nào cũng vậy, chú có thể chiều tôi mọi thứ, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chú chịu nói về mẹ.

- chú, mẹ cháu đâu?

tôi hỏi chú, và chú nom giật bắn như bị ai cù.

- cháu về hỏi bà nội cháu ấy.

- bà nội bảo mẹ cháu chết rồi. nhưng cháu không tin. cháu muốn nghe đích thân chú nói.

lần nào chú nói dối, chú cũng tránh nhìn vào mắt tôi. như khi tôi hỏi xem chú hái trâm này cho ai và khi tôi hỏi những bản nhạc ấy có phải do chú viết. chú nhìn đi đẩu đâu, chú nói năng hững hờ và lấp lửng.

- bà cháu nói thật. mẹ cháu mất lúc sinh cháu.

- chú nói dối cháu phải không?

- không phải đâu lực. chú nói thật mà...

- người chết thì phải có bàn thờ với mộ. nhà cháu không có bàn thờ. cháu cũng chưa từng đến mộ mẹ cháu bao giờ.

rồi chú đứng trơ ra có đến hàng phút, nghe rối bời. tôi hỏi dồn.

- chú! mẹ cháu đâu? chú biết gì đúng không?

- thôi, cháu đừng thắc mắc làm gì! lớn lên cháu sẽ hiểu ra tất cả.

- năm nay cháu lớn rồi! cháu học lớp năm!

- lớp năm hãy còn nhỏ lắm! khi nào lớn rồi cháu biết cũng chưa muộn.

- chú nhất định không nói phải không?

- lực, hãy hiểu cho chú và hiểu cho mẹ cháu...

thế rồi tôi quay ngoắt chạy vào rừng. trẻ con luôn vị kỷ và thẳng thắn một cách bất ngờ. tôi không hiểu tại sao thời đó, tôi lại hành xử như vậy.

- lực! lại đây chú chở cháu về!

sau này, chú có kể tôi nghe rằng cái tính bướng bỉnh của tôi giống hệt như bố.

tôi vấp vào cây gai, ngã té chảy máu. tôi khóc òa lên, vừa vì đau, vừa vì tủi thân. tôi nhớ lúc ấy chú ôm tôi, khuôn mặt đau đớn và giằng xé như thể bị ai vò nát cả tâm hồn, dùng diêm đốt cháy lên.

cấp hai tới, tôi ra trường huyện. lúc mới đầu đi học lớp một, tôi không hề bỡ ngỡ, vậy mà lúc rời làng, tôi khóc muốn lụt nhà lụt cửa. tôi ngồi giữa thềm nhà khóc lóc, báo hại chú tôi đúng dỗ tôi cả buổi trời. chú đích thân đưa tôi lên trường huyện, nhưng tôi cóc thèm. tôi chỉ muốn ở bên chú. mãi đến khi chú nói sẽ ở chơi mấy ngày, tôi mới chịu. mắt tôi đỏ hoe. nhưng chốc lát, môi tôi lại tắm đẫm nụ cười. ấy là khi chú chở tôi đi vòng vòng để thăm huyện. huyện giàu hơn cái làng nhỏ hẻo lánh của tôi, nhưng đối với tôi, nó không đẹp bằng. chú đứng yên, ngửa mặt lên trời, nhìn dãy hoa phượng đang tàn dần mà lòng ngơ ngẩn. tôi nghe chú kể rằng ngày xưa, chú và bố mẹ tôi cũng học chung trường này. giờ đây, thời gian trôi qua, có lẽ mọi thứ đã khác. nhưng hoa phượng vẫn mãi là hoa phượng.

cuối tuần nào chú cũng lên trường huyện chở tôi về làng. lần nào về làng, tôi cũng cùng chú lại ngồi bên khúc gỗ, trong khu rừng ôm lắm kỉ niệm của ngày xưa. chú biết đàn và biết hát. nhưng bài nào của chú cũng buồn quá thể. bài nào cũng kể về "bạn" và "tôi", nghe đau nhói trong lòng.

để tôi nhắc bạn nghe ngày xưa ấy,

ngày mà phượng rơi vãi nhuộm đỏ khúc ca buồn.

lòng này đứt như đàn tôi sáu sợi,

ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng còn đến dây nào.

tình tôi tặng bạn,

như màu hoa phượng chẳng phai một vết.

hạ nào cũng khơi lên nỗi thương lòng,

màu phượng vĩ,

đốt một nắm tro tàn,

tim tôi,

vương vãi trên đường về...

nghe chú hát nhiều, tôi đâm ra sợ hãi. tôi chẳng biết tại sao. từng lời hát nghe như cứa vào lòng. sự buồn bã khiến tôi đâm sợ hãi và tránh nghe tất cả những bản nhạc buồn. sau này biết tôi sợ, chú cũng thôi. nhưng có lẽ âm nhạc đã phần nào cứu rỗi tâm hồn héo hon của chú, giúp chú vượt qua cơn đau đời và rửa sạch tâm hồn chú như lau chùi một cái cúp hoen gỉ.

rồi một lần, tôi lên phố. tôi thấy bố tôi đang ngồi với một cô gái lạ. đó không phải là mẹ tôi. tôi biết điều ấy qua đôi mắt chú xa lạ. bố tôi giới thiệu với  cô ngà chú và tôi. bố tuyệt nhiên không nhắc câu nào. sau này, tôi có nghe chú và bố nói chuyện, biết rằng cô nhìn tôi đã ngờ ngợ, sau đó nhìn thái độ của bố tôi và đoán ra tất cả. bố tôi đành thú thật, và cô ngà không muốn tiếp tục nữa, bởi bố tôi đã nói dối cô. chú vũ hỏi, rồi ngày sau mày tính sao? tôi không nghe tiếng bố trả lời. chú hỏi mấy câu qua loa, rồi cúp máy.

chú ngồi, lôi cây đàn ra gảy một lượt. chú hát hết bài này đến bài khác. rồi chú viết một bài sau cuối, cho bố tôi.

bạn thân yêu của tôi ơi...

chàng trai bé nhỏ ngày nào chạy trong cõi nhớ,

giờ đây đã lạc giữa bể bơ vơ vắng người.

bạn và tôi...

chúng ta đã già rồi,

hơn ba mươi tuổi phòng không gối chiếc,

hơn nửa phần đời tôi dành tôi yêu bạn.

nay bạn cũng nên đi lấy vợ rồi,

bạn có thể bên ai tùy thích,

bạn có thể yêu ai tùy nơi bạn.

đừng tìm đến tôi.

đừng tìm đến tôi làm gì.

nhưng xin người ta hãy yêu bạn thật lòng,

đừng để trong mắt biếc lại có lắm mưa bay.

yêu bạn...

chỉ cần bằng một nửa tôi thôi...

lúc ấy, tôi đánh bạo hỏi chú một câu.

- bài này chú viết về bố cháu phải không?

chú cứng đờ lại, chú nhìn tôi. mắt biếc tôi nhìn chú, nom y hệt bố tôi xưa. rồi chú cười buồn.

- bài nào của chú cũng viết về bố cháu.

tôi càng lớn càng giống bố tôi. giống từ tính cách hầm hầm hổ hổ, giống đến tôi mắt biếc nhìn trái ngược hoàn toàn với vẻ bề ngoài. nhiều lúc tôi giống bố tới mức tôi thấy chú vũ hành động như một đứa trẻ. khi ấy là khi mà chú như ở bên cạnh bố. có lẽ chú cũng tự nhận thức được. chú thì thầm với bản thân, to đến mức ngay cả tôi cũng có dịp nghe thấu.

"điền..."

chú gọi tên bố tôi.

lúc chú nhận thức được rõ hơn cũng là lúc mà chú xa tôi dần. chú để cho bản thân mình yên với những suy tưởng. có lẽ chú sợ. chú sợ cái hình bóng của thằng điền ngày trước về bám lấy cả thằng lực, sợ rằng bản thân mình sẽ đi quá giới hạn. tôi tự về làng với bạn bè tôi. và tôi lớn thật.

- chú vũ! cháu biết hết rồi! mẹ cháu không chết!

chú giật mình thon thót.

- ai bảo cháu vậy?

- bà nội cháu.

- ...

- cháu không ghét mẹ. nhưng cháu cũng chẳng yêu thương hay tôn trọng gì bà ấy.

- cháu muốn gặp mẹ cháu không?

- dạ không. cháu nghe bố cháu bảo mẹ cháu cùng chồng con ra miền bắc rồi.

chú yên lặng. và từ dạo ấy, tôi cũng chẳng đả động gì đến chuyện đó nữa. tôi không học tiếp lớp mười mà đi học trường sư phạm. học ba năm, tôi sẽ về làng. tôi sẽ ở bên chú. như cái cách chú đã ở bên tôi suốt những năm tháng tôi dần lớn lên. tôi thương chú, và tôi không mong rằng chú sẽ đau khổ suốt phần đời còn lại.

rồi mùa hạ năm đó, tôi về bên chú. hai chú cháu đã lâu không gặp, nên chú tôi cứ mừng quýnh cả lên. chú nhìn trẻ hơn, vui hơn, yêu đời hơn. nhìn chú, tôi tự dưng lại cũng thấy xao xuyến trong lòng.

suốt ba tháng hè, chú vũ đến bên tôi. hai chú cháu không rời nhau nửa bước. tôi đã lớn, cũng trưởng thành, chẳng còn khoái mấy trò trẻ con. tôi chỉ hái bông dủ dẻ để trong túi áo, để ấp ôm những mối mơ xưa. rồi đi trong rừng sim như thế, chẳng có gì rõ rệt. tôi lấy hoa cài lên mái tóc, rồi thấy buồn cười, thấy mình "bóng", thấy có chút "bê đê". nhưng chú lại cười phì. chú nói ngày xưa bố cháu toàn hái hoa cài lên tóc, xong uốn éo và làm trò, chọc chú cười bò suốt mấy phút liền. nghe chú nói, tôi để vậy luôn, không thèm gỡ bông hoa kia xuống nữa.

rồi tôi nói, chẳng rõ đâu về đâu. nhưng chú ngơ ngẩn. vì lời nói của tôi nghe như lời ước hẹn.

- chỉ còn hai năm nữa thôi là cháu được ở bên chú rồi.

thế rồi, một năm dài đằng đẵng lại trôi đi. tôi về, và chú viết cho tôi những bài hát. bài nào nghe cũng khắc khoải, như tiếng rừng gọi trong một buổi trưa hè nắng cháy âm u. tôi bảo chú tôi sợ. và chú lập tức buông đàn, không hát nữa. bài nào của chú cũng buồn. bài nào nghe cũng như thể sắp ra đi, sắp đứt lìa. lòng chú hoang mang vô kể. có lẽ chú sợ chú hát cho tôi giống như chú hát cho bố tôi xưa. sợ rằng tình tôi và tình chú lại trôi ngay vào dĩ vãng và lãng quên như chuyện cũ hai người.

rồi ngày tôi đi, tôi vẫn không quên lời thề thốt.

- sang năm sau, cháu sẽ về làng. cháu sẽ ở bên chú, chú có thích không?

và chú tôi ngay lập tức gật đầu, hai đôi má ửng hồng như giàn hoa giấy tịch mịch trước cổng. chú ngại, tôi cũng ngại. nhưng bởi vì yêu chú, tôi không sợ nói ra. vì nếu như tôi nói ra, chú tôi sẽ thêm yêu đời.

rồi bố tôi cưới luôn năm đó, đặt dấu chấm hết cho câu chuyện của đôi bạn thời thanh xuân này. tôi nghe bố tôi kể rằng chú không đến dự, chỉ gửi quà mừng. và tôi nghe bố tôi kể rằng mẹ kế là một người như thế, một lời đúng như những gì mà lời bài hát của chú vũ đã nói lên tất cả. yêu bạn... chỉ cần bằng một nửa tôi thôi...

chắc hẳn cô ấy đã yêu bố tôi, nhiều y như những gì chú vũ mong mỏi. không hề như cô ngà và mẹ tôi xưa.

năm đó tôi về, chú đón tôi. tôi hớn hở vẫy tay chào.

- chú vũ, cháu về rồi! năm nay cháu về luôn!

rồi chú đỏ mặt, đứng bâng khuâng cả buổi trời, như thằng con trai mới lớn. tôi cũng không làm gì, sợ chú và mình càng xấu hổ hơn.

ông tôi đón tôi bằng ánh mắt biếc quen thuộc, nhưng trên môi ông hiếm hoi nở nụ cười vẻ hạnh phúc tắm gương mặt ông trong nắng. bà tôi có lẽ đã biết chuyện của hai chú cháu, nhưng vốn là người hiền lành, bà cũng vui mà để tôi bù đắp lại cả quãng đời trước mà bố tôi lấy mất. bà biết tôi yêu chú, chú cũng yêu tôi. dù chẳng ai nói với nhau câu nào, nhưng chúng tôi đợi chờ nhau. màu hoa sim tìm trong rừng hè năm ấy khác hẳn, nó như một bức tranh cũ thình lình được tô lên màu hồng đẹp tươi. vì tôi có chú, chú có tôi. và rừng đã thôi khắc khoải.

mẹ chú biết chuyện, và thay vì cấm đoán như tôi nghĩ, bà lại mừng rỡ vô cùng. bà cưng chiều tôi như con của bà, bà hạnh phúc khi thấy chú yêu. bà sợ chú tôi không chết già vì thiếu vợ cũng chết lặng vì cô đơn. bà muốn thấy con bà hạnh phúc chứ không phải thấy con bà yên bề gia thất. mẹ chú là người tốt, giống như chú vậy.

những ngày tháng ấy là những ngày tháng đẹp nhất đời tôi. tôi ở bên chú, hai người chúng tôi chơi đùa, rong ruổi khắp rừng. cánh rừng cháy khô và tan nát mối tình xưa nay như sống lại, như cá gặp nước, như đâm chồi nảy lộc và lúc nào cũng vang khắp những tiếng cười, những hạnh phúc kì lạ mà tôi và chú vừa bắt gặp. là tình yêu. tình yêu như có cánh, bay khắp cả khu rừng như những cánh bướm chập chờn và mong manh. chú sánh vai bên cạnh tôi. chúng tôi ngồi san sát, tựa hẳn vào nhau. chú nắm tay tôi thật chặt. và tôi cũng không buông. tôi không giống bố tôi. tôi không bạc tình với chú. tôi không bỏ lại chú với mảnh đời ngoắt nghẻo. tôi yêu chú. tôi yêu chú vô vàn.

và chú ôm tôi, hôn lên môi tôi thật ngọt. nụ hôn sâu, đượm nồng. và khi hạnh phúc tràn đầy, chú đột ngột khựng lại. chú buông tôi và điều đó khiến tôi ngờ ngợ ra có chuyện không ổn. mặt chú tái xanh đi, và khi tôi hỏi đến, chú lắc đầu lia lịa. chú không biết, vẻ mặt chú đã vẽ nên tất cả. chú vừa nghĩ tới bố cháu, vừa nghĩ rằng đang ở bên bạn điền và ý nghĩ ấy mạnh mẽ tới nỗi chú định thốt thành lời.

ngày hôm sau, khi tôi tìm đến chú để hỏi rõ sự tình, tôi chỉ còn thấy lại mẹ chú ngồi bơ vơ bên góc cửa. bà ngồi đó, như một pho tượng, trông đi đâu đấy xa vắng lắm. tay bà xộc vào mái tóc đã bạc trắng nửa đầu. trên tay bà là lá thư. khi trông thấy tôi, bà sầu héo như cánh hoa sim sắp tàn.

không chỉ mẹ chú có thư. cả bà tôi, cả bố tôi và cả tôi cũng có phần. lá thư ấy xin lỗi vì sự ra đi đường đột. trong đó, lá thư của tôi dài hơn năm trang giấy. chú xin lỗi tôi vì đã ra đi đường đột, xin lỗi vì nụ phượng còn chưa trổ lần nào mà chú đã xa. chú xin lỗi vì tình xưa của chú vẫn đang cháy trong lòng, xin lỗi về tất cả đau thương chú đã gây ra. tôi không đọc hết. tôi sợ mình sẽ đau đến chết đi được. nhưng tôi không nhỏ một giọt nước mắt nào.

sau khi chú đi, tôi đấm ngơ ngẩn. tôi vào rừng ngồi một mình, cầm cây đàn chú bỏ lại để tự mình viết ra một bài hát. tôi viết một bài, hai bài, rồi ba bài, rồi hàng trăm. chú đi rồi, tôi vẫn dạy học như thường. nhưng đời tôi không có chú như thể làng thiếu đi phiên họp chợ đêm.

tôi đàn tôi ca là để tôi đợi chú về, là để tôi điểm lại những ngày tôi xa chú. nỗi tuyệt vọng và đau đớn khiến tôi trở nên ngớ ngẩn. tôi hát, có khi hát suốt đêm. tôi đàn, đàn một mình ngoài bờ bụi không thèm đi ngủ. tôi ôm cứng lấy cây đàn và tôi bầu bạn với nó. chắc chú cũng từng như tôi nên chú ở đâu đó sẽ hiểu. chắc chú cũng từng đàn cho bố cháu như thế này suốt đêm quạnh quẽ.

bà tôi kể tôi nghe chuyện ba người. năm ấy, bố và chú thích mẹ. hai người đeo đuổi mẹ suốt, vậy mà mẹ chẳng hề rung rinh. mẹ tôi không hề yêu ai trong hai người cả, thành ra bố tôi và chú chơi mãi với nhau, lâu rồi cũng thành quen. mẹ tôi ôm mộng đến hà thành, đến xứ thủ đô hoa lệ. mẹ tôi có bầu với bố, nhưng bố tôi không biết, mẹ cũng giấu tịt. chú định cưới mẹ để mẹ tôi đỡ mang tiếng, nhưng rồi mẹ từ chối. mẹ vứt lại tôi cho chú, kiếm chồng rồi sống như những gì mẹ hằng mong mỏi. bố tôi mãi không nguôi mối tình đầu, vẫn hoài nhớ mẹ, vẫn đi tìm mãi hình bóng mẹ trong cơn mơ. còn chú vũ thì yêu bố, nhưng chẳng thể làm gì. bố tôi từ chối chú vì ông ấy không "gay". và chú còn mỗi mình tôi, đành nuôi lớn tôi, đành lầm lỡ yêu tôi để rồi bẽ bàng nhận ra mối tình xưa cũ vẫn cháy mãi trong lòng. và chú đi. chú chạy trốn khỏi cả tôi lẫn tình. giờ tôi ở lại. tôi chờ chú về trong vô vọng tái tê.

vậy rốt cuộc, đến cuối cùng, người khổ nhất là ai?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top