Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

[VPDTD] 6-11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

6.

Đến lúc thi cuối kỳ, điểm của tôi tụt dốc không phanh, từ top 1 lao thẳng xuống top 68.

Cô chủ nhiệm mới nhận lớp đã tìm tôi để nói chuyện. Cô khuyên tôi nhiều lắm, rồi bảo tôi về nhà mời phụ huynh đến trường xem sao.

Tôi lắc đầu như trống bỏi, nói rằng bọn họ sẽ không đến: “Bố mẹ em bận lắm ạ.”

Cô giáo thấy tôi không nói gì nữa thì tỏ vẻ sốt ruột: “Có bận đến đâu thì cũng phải đến chứ. Bận, bận, bận! Có chuyện gì quan trọng hơn tương lai của con cái đâu!”

Cô nói xong thì gọi cho bố ngay trước mặt tôi.

Chẳng đợi cô nói xong, bố tôi đã cắt ngang: “Cô Lục này, cô biết tôi đang làm gì không? Cô gọi một cuộc, thế là đơn hàng mấy tỷ của tôi đi tong rồi, cô đền cho tôi nhé?”

Cô giáo vẫn chưa bỏ cuộc, lại gọi cho mẹ tôi. Mẹ tôi bảo: “Tôi đang đi spa, không tiện nói chuyện. Có gì cô cứ bảo Tô Noãn chuyển lời cho tôi là được.”

Lục Yến bị dội liền mấy gáo nước lạnh. Cô cầm điện thoại mà như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Thành tích của tôi trượt dốc là bởi mấy cái tát từ mẹ. Tôi bị thương ở tai phải nên gần như không nghe được gì. Tôi nhất thời không thích nghi được, thế là chẳng theo kịp bài giảng nữa.

Nhưng nói thì có ích gì đâu, cũng chẳng có ai quan tâm cả.

“Tô Noãn! Em đừng nghĩ nhà mình có chút tiền thì em có thể thích gì làm nấy! Tri thức sẽ thay đổi số mệnh!”

Tri thức thay đổi số mệnh.

Những câu chữ này đã gieo một hạt giống vào trái tim non nớt của tôi.

Tôi ngẩng đầu lên, cố kìm nước mắt, hỏi cô: “Có thật không ạ?”

Cô giáo không nói gì, chỉ nhìn tôi một cách kiên định.

“Có đúng là tri thức sẽ thay đổi số mệnh không ạ?”

Nếu thi đạt điểm tốt, giành được thứ hạng cao, thì bạn cùng lớp tôi ai cũng vui vẻ cả, bởi họ sẽ được bố mẹ thưởng này thưởng nọ. Thế nên tôi cố gắng hết sức học hành, cũng chỉ vì hi vọng bố mẹ sẽ hài lòng, mong bố mẹ sẽ khen tôi, nhưng hình như họ khác với những bậc làm làm mẹ khác. Sau khi thính giác bị tổn thương, tôi không hiểu rốt cuộc mình gắng học để làm gì. Dù học giỏi hay không thì họ cũng chẳng thèm nhìn tôi lấy một cái.

Nhưng tôi không ngờ, cô giáo trẻ mới nhận lớp này lại nghiêm túc bảo tôi rằng, tri thức sẽ thay đổi số mệnh.

Nếu tri thức có thể thay đổi số mệnh thật, vậy có phải tôi sẽ được sống tốt hơn không?

“Đương nhiên là thật rồi!”

Có lẽ vì không thể trao đổi với bố mẹ tôi, nên cô giáo trò chuyện với tôi thêm một lúc lâu. Cô nói về bản thân mình, về bạn cùng lớp và những bạn bè xung quanh cô ấy. Họ đều dựa vào việc nỗ lực học hành để tự kiếm cho mình một tương lai tốt đẹp.

Tôi đột nhiên nhớ ra, mẹ tôi đã nói rằng Tô Tình mới là nữ chính.

“Một nhân vật phụ không ai quan tâm như em, liệu có thể có tương lai tươi sáng được không ạ?”

Cô giáo giật mình. Hình như cô không thể ngờ được một đứa trẻ non nớt như tôi lại sẽ nói những lời như vậy.

“Ai cũng là nhân vật chính trong cuộc đời của mình, em cũng không ngoại lệ.”

Cô giáo nhìn tôi bằng ánh mắt dịu dàng nhưng kiên quyết, rồi đưa tay xoa đầu tôi.

Khi tôi còn rất nhỏ, mẹ cũng từng xoa đầu tôi như thế. Bàn tay cô giáo rất giống bàn tay mẹ tôi lúc đó, mềm mại và ấm áp.

Tôi “oà” một tiếng rồi bật khóc.

Những cảm xúc mà tôi dồn nén bấy lâu nay cuối cùng cũng vỡ tan. Tôi không biết mình đã khóc bao lâu, chỉ biết rằng mình đã khóc đến mức mệt mỏi thiếp đi trên bàn làm việc của cô giáo.

Lục Yến là người lớn đầu tiên đối xử với tôi một cách tử tế như vậy.

Tô Tình lên lớp Một, học cùng trường với tôi. Em vẫn toả sáng hệt như ngày trước.

Không còn ai nhớ đến thành tích đứng nhất khối của tôi nữa. Ai cũng bảo: “Hoá ra đấy là chị của Tô Tình.”

Tôi cũng không phản bác. Nhân vật phụ mà, sao có thể có hào quang?

Tôi nhớ cô Lục đã từng nói rằng, nhân vật phụ cũng có cuộc sống của riêng mình.

Nhưng đáng tiếc thay, cô ấy đã nghỉ việc trước khi tôi kịp thi vào trường Chuyên (1).

7.

Trong kì thi vào cấp 3, tôi đã đỗ vào trường Chuyên của thành phố.

Sau khi xem điểm, tôi không kìm được vui sướng, bèn chạy đi tìm mẹ để chia sẻ niềm vui này.

Bà ấy và Tô Tình đang ngồi uống trà dưới tán ô trong sân.

“Con thi đỗ rồi!”

Thấy sự phấn khích của tôi, mẹ tôi lại đáp bằng giọng lạnh nhạt: “Ồn ào quá! Tao đã bảo mày là đừng có la hét cái kiểu thế này!”

Mấy năm trôi qua, mẹ tôi ngày càng tao nhã. Bà nhìn tôi bằng ánh mắt chán ghét hơn mấy phần.

“Con xin lỗi, tại đỗ vào trường Chuyên rồi nên con vui quá.”

Bị tạt một gáo nước lạnh như thế nên tôi chẳng thể vui lên nổi.

“Tô Noãn, mày chỉ thích làm tao khó chịu thôi đúng không!”

Không biết tôi nói gì khiến mẹ không vui, bà ấy liền ném tách trà sứ trên tay về phía tôi.

“Rõ ràng mày biết Tình Tình thi cuối kì không tốt, thế mà vẫn cố tình khoe khoang trước mặt con bé! Sao mày lại ác độc như thế!”

Lúc tách trà bay đến, tôi vội né đi. Cái tách sượt qua người tôi rồi rơi xuống đất, vỡ tan.

Một chén trà trong vắt, vỡ thành bốn năm mảnh.

“Mày trốn cái gì! Mày giương mắt lên nhìn cái gì!”, mẹ tôi nổi cơn thịnh nộ, chẳng còn tao nhã duyên dáng như trước nữa.

“Thứ c h ó đ ẻ! Ăn cháo đá bát ăn cây táo rào cây sung! Sao tao lại đẻ ra cái loại như mày chứ!”

Mấy năm nay mẹ tôi sống trong nhung lụa, lời mắng chửi cũng chẳng còn cay độc như xưa nữa.

“Nếu biết lớn lên mày như thế này, chẳng thà ngày xưa tao b ó p c h ế t mày luôn cho rồi!”

Tôi bật cười: “Thế sao mẹ không b ó p c h ế t con đi? Mẹ không muốn thế à?”

Đương nhiên là không rồi.

Hồi Tô Tình chưa xuất hiện, mẹ đã từng đặt hi vọng vào tôi, bởi bà tưởng rằng tôi là nữ chính. Sau khi có Tô Tình, dường như bà ấy mới ngộ ra rằng: Bà ấy phải tự tay nuôi cả hai đứa con gái. Không có tôi, đương nhiên Tô Tình sẽ không phải đứa con gái thứ hai của bà ấy nữa. Tôi không biết bố mẹ có yêu Tô Tình không, nhưng chắc chắn họ yêu tha thiết cuộc sống như bây giờ.

“Chị ơi, chị đừng nói vậy với mẹ, mẹ yêu chị mà! Chỉ là mẹ thấy em buồn quá nên mới nói vậy thôi.”

Nghe Tô Tình nói thế, tôi cũng chẳng ngạc nhiên chút nào. Em luôn là chiếc áo bông nhỏ ấm áp và chu đáo.

“Tại em hết, tại em ngốc nghếch quá, chẳng học hành nên trò trống gì. Ước gì em cũng thông minh được như chị, sau này thi đỗ trường Chuyên thì tốt rồi.”

“Cục cưng ơi, đừng nói thế. Trong mắt mẹ con lúc nào cũng là người giỏi nhất!”

Mẹ tôi ngồi cạnh Tô Tình, ôm lấy em, vỗ nhẹ lên lưng em và dịu giọng an ủi.

Gió đêm thổi qua khiến không khí có hơi lạnh lẽo.

Tôi cầm giấy báo nhập học về phòng.

Đừng nên kì vọng gì nữa, mới không phải thất vọng thêm.

8.

Lúc nhập học, tôi đã chọn ở nội trú.

Mẹ tôi biết thế thì nổi trận lôi đình, vứt luôn va li của tôi xuống bể bơi.

“Tô Noãn, mày đủ lông đủ cánh rồi đấy nhỉ!”

“Như vậy không tốt ạ?”

Tôi ngơ ngác nhìn chiếc va li trong bể bơi, cũng may trong đó chỉ có vài bộ quần áo.

“Tốt cái gì mà tốt! Tao đã bảo rồi, Tình Tình sợ bóng tối, mày phải ngủ với em!”

Đúng là bà ấy từng bảo thế, nhưng tôi đã từ chối. Điểm số của tôi không vượt trội, nên vào cấp 3 rồi, tôi phải gắng sức học hơn. Tôi không muốn lãng phí thời gian với Tô Tình.

Em có sợ bóng tối đâu, em chỉ cần một thính giả. Mỗi tối trước khi đi ngủ, em đều sẽ nói rất nhiều về những kẻ sùng bái mình, nói rất nhiều về những “thành tích” mình đạt được ở trường học.

Khi tôi buồn ngủ đến mức mặc kệ không nghe nữa, em sẽ cố đánh thức tôi cho kì được. Phía trong cánh tay và đùi tôi thường xuyên bị em nhéo đến mức bầm tím. Cũng chẳng biết ai đã mách em rằng véo ở đó vừa đỡ tốn sức mình, vừa khiến người ta đau không chịu được.

“Con đã nói rồi, buổi tối con còn phải học. Con ngủ muộn lắm, không ngủ chung với Tình Tình được.”

“Học! Học! Học thì có ích gì? Tình Tình mới là nữ chính. Mày đối xử tốt với con bé thì đương nhiên sẽ có tiền.”

Có thể mẹ tôi nói đúng, nhưng tôi đã chịu đựng đủ cái cảm giác bị người ta khinh khi nhục mạ.

“Thế sao mẹ không tự đi mà phỉnh phờ nó?”

“Mày làm chị, chăm sóc em không phải chuyện đương nhiên à?”

“Nhà mình xa trường quá, con đi lại cũng bất tiện.”

“Mày ăn nhà tao uống nhà tao, bây giờ tao không sai mày làm gì được đúng không?”

Tôi không trả lời nữa.

Nếu mẹ đi báo danh nhập học cùng tôi, bà sẽ biết rằng không phải tôi đang viện cớ. Chúng tôi sống ở một biệt thự lưng chừng núi, không có xe bus đi ngang qua. Tôi phải đi bộ nửa tiếng xuống chân núi, rồi đổi trạm bus hai lần, tốn thêm nửa tiếng nữa mới đến được trường.

Nhà tôi có tài xế riêng, nhưng bác ấy chỉ phụ trách đưa đón Tô Tình.

“Tô Noãn, tao nói cho mày biết, nếu hôm nay mày đi thì đừng bao giờ quay về đây nữa!”

Tôi cười cười nhìn mẹ, rồi nhảy xuống hồ với va li của mình lên.

Nước không sâu, nhưng ngay khoảnh khắc trầm mình xuống ấy, tôi không khỏi rùng mình run rẩy.

Kí ức về cái c h ế t ùa về.

9.

Tết Trung thu năm tôi bốn tuổi, mẹ tôi nói bà muốn ăn canh cá.

Bố sai tôi vào làng xin ăn. Tôi ôm cái bát sứt mẻ lỗ chỗ, đi đến nhà nào là gõ cửa nhà đó, nhưng cuối cùng vẫn không xin được gì. Để mẹ có thể ăn canh cá, tôi quyết định ra con sông nhỏ đầu làng để bắt. Nhưng tôi mới chỉ thấy một vài đứa trẻ lớn hơn trong làng bắt cá mà thôi. Chúng bảo dưới những tảng đá lớn, sẽ có rất nhiều tôm cá. Thế là tôi xắn quần xuống nước, vần vò từng tảng đá lớn, cuối cùng cũng bắt được một con cá lớn.

Hình như con cá đó bị thương, nên bơi cũng không nhanh. Sau khi bắt được nó, tôi mới phát hiện mình đã đi đến đoạn nước sâu rồi. Lúc đó tôi vừa yếu vừa sợ, nên đã trượt chân ngã nhào xuống nước.

Dòng nước lạnh ngắt ào ào tràn vào mũi miệng tôi.

Tôi hoảng hốt muốn hét lên, nhưng lại chẳng thể mở miệng. Hai tay tôi vẫn cố sức ôm chặt lấy con cá nọ.

Cũng may có một người chú đi ngang qua đã phát hiện và vớt tôi lên kịp.

Lúc mẹ đến, tôi đã tỉnh táo hẳn. Vừa nhác thấy mẹ, tôi đã giơ con cá lên đưa cho mẹ như thể đang tặng bà một món bảo vật.

Mẹ tôi vừa tức giận vừa sốt ruột: “N g u ngốc! Tao đã bảo bao nhiêu lần là cấm nghịch nước, cấm nghịch nước!”

“Mẹ ơi, để con nấu canh cá cho mẹ nhé!”

Nghe tôi nói xong, mẹ lặng đi một lúc rồi mới ngồi xuống bế tôi lên.

“Ngốc lắm! Về nhà thôi!”

Mẹ nắm tay tôi, xách con cá đã c h ế t n g á p kia về nhà.

Tôi vẫn nhớ mãi về món canh cá ngon lành mà mẹ nấu.

Tôi nghĩ, lúc đó, hẳn là bà ấy cũng có phần nào đó yêu tôi.

Nước trong bể bơi lúc nào cũng ấm, nhưng tôi lại thấy lạnh căm căm hơn cả nước sông ngày hôm đó. Tôi cố nén sợ hãi, nín thở rồi vớt va li lên.

Khi tôi lên bờ, mẹ ngồi trên ghế và nhìn tôi bằng ánh mắt lạnh lùng.

“Tình Tình cần mày, mày lại không ở nhà với nó. Tao sẽ không cho mày tiền ở kí túc xá, mặc xác mày thích ăn uống thế nào thì ăn uống!”

Trông mẹ tôi có vẻ tự hào. Chắc bà ấy nghĩ cách này tuyệt lắm.

Người nghèo, chỉ có thể thoả hiệp. Cách nghĩ này đã khắc sâu vào xương tuỷ của bà ấy.

Tôi siết chặt lấy tay cầm va li, bình tĩnh bước về phía cửa nhà.

“Mẹ ơi, mẹ quên rồi.”

Mẹ đã quên chúng tôi từng sống trong những ngày tháng đói khổ. Mẹ đã quên trước lúc lên năm, tôi từng ăn bữa nay chẳng biết bữa mai.

Ánh mắt mẹ tôi lộ rõ vẻ bối rối. Dường như bà không hiểu ý tôi.

Tôi vừa cười vừa lắc đầu, rồi quay người bỏ đi. Nếu mẹ mở va li của tôi ra, bà sẽ dễ dàng phát hiện trong đó là tất cả tài sản tôi tích cóp được ở trong cái nhà này.

So với những gian phòng đầy quần áo và trang sức của Tô Tình, thì tôi nghèo đến đáng thương.

10.

Nhập học xong, tôi liền nộp đơn xin trợ cấp.

Hiệu trưởng nhìn tôi với vẻ mặt nghi ngờ: “Tô Noãn, tiền trợ cấp là để dành cho những học sinh thật sự cần nó.”

Tôi cũng chẳng cần cô ấy giải thích thêm nữa. Dù tôi đã dọn ra khỏi nhà, thì quan hệ giữa chúng tôi vẫn còn đó. Ai từng học chung cấp 2 với tôi cũng biết rằng tôi là chị Tô Tình.

Thậm chí còn có mấy chàng trai nhờ tôi đưa thư tình của họ cho em.

“Tô Noãn, em gái cậu tài giỏi như thế, cậu giới thiệu tớ với em ấy được không?”

Tôi chỉ chăm chăm sắp xếp sách vở, chẳng buồn ngẩng đầu lên nhìn cậu ta. Hình như cậu ta thấy mình bị nhục mặt, thế là đá thật mạnh lên ghế: “Giả vờ gì thế hả? Nếu mày không phải chị Tô Tình thì ai sẽ để ý đến mày chứ?”

“Tôi cũng chẳng cần cậu phải biết tôi! Tô Tình năm nay mới bao nhiêu tuổi, cậu nói thế mà không tự thấy ngượng à?”

Tôi cầm chiếc phong bì màu hồng trên bàn lên, ném mạnh về phía cậu ta.

“Cầm lấy đồ của cậu rồi cút ra ngoài!”

“Được! Được lắm! Tô Tình, mày to gan lắm!”

Những lời gay gắt như thế, tôi đã nghe từ hồi năm tuổi rồi.

11.

Không ngờ sau khi tránh xa Tô Tình, tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi hào quang nhân vật chính của em.

Cậu nam sinh kia không nhờ vả tôi được gì, thế là cậu ta đâm ra bực tức, đi đến đâu cũng rải đủ thứ tin đồn về tôi. Cậu ta có gia cảnh tốt, tính tình lại hào phóng, nên sau đuôi lúc nào cũng có mấy thằng đệ đi cùng. Thỉnh thoảng, chúng lại phá rối tôi.

Chuột trong ngăn bàn, sách bị ném xuống bể bơi, bài tập bị xé nát, ghế ngồi bị trát keo siêu dính.

Cho đến một ngày, tôi bị mấy nữ sinh chặn trong WC. Họ nhào đến t á t tôi, đè tôi xuống, muốn l ộ t quần áo của tôi.

Tôi nhịn đủ rồi, cuối cùng cũng không nhịn nổi nữa.

Ngay lúc bị ấn xuống nền nhà, tôi vùng vẫy lật người rồi đè đứa con gái dẫn đầu xuống, sau đó đ á n h nó liên tiếp bằng cả hai tay, đ á n h đến mức nó đầu bù tóc rối. Mấy đứa còn lại thấy thế thì sợ hãi lùi lại liên tục. Tôi chưa kịp ra tay, chúng nó đã chạy biến.

Tôi túm đứa con gái vừa bị tôi đ á n h đến bật khóc dậy, bắt nó dẫn đường đến sân bóng rổ để tìm ra kẻ chủ mưu.

Xung quanh hắn đang túm tụm bốn năm thằng lâu la.

Từ lúc biết đi, tôi đã học được thế nào là đ á n h nhau, thế nào là chạy trốn để có thể sống sót.

Mấy con gà này căn bản chẳng phải đối thủ của tôi. Đ ấ m đ á một lúc, chúng bị tôi đánh gục hết chỉ trong vỏn vẹn có một hiệp.

Tôi quăng tên chủ mưu qua vai rồi quật ngã, cuối cùng đè cứng hắn xuống đất: “Đừng tưởng tôi không biết mấy trò mèo của cậu. Tôi chỉ muốn học hành trong yên ổn, đừng có mà chọc tức tôi.”

Nói xong, tôi ấn mạnh tay, khiến hắn phải hét lên trong đau đớn. Lần này, một mình tôi cũng đ á n h bại được hắn ta.

Không ngờ cái tên này lại bị M. Sau khi bị tôi đ á n h một trận tơi bời, thỉnh thoẳng hắn lại xuất hiện, hỏi xem tôi có nhận đệ tử không.

Không những thế, trong đại hội trường, hắn còn cầm mic xin lỗi tôi.

Cứ như thế, dù mới chỉ là m a mới học lớp mười, tôi đã nổi tiếng khắp cả trường.

Chị của Tô Tình, một con bé đ á n h nhau rất giỏi.

Cái tên khốn đó lại còn hỏi có phải vì Tô Tình nên tôi mới đ á n h nhau giỏi như vậy hay không.

“Dù sao thì có một cô em như Tô Tình, người làm chị như cậu nhất định sẽ muốn bảo vệ em ấy cho tốt!”

Tên khốn là biệt danh tôi đặt cho hắn, còn tên thật của hắn là Hàn Sương. Hắn được nuông chiều từ nhỏ, lần đầu tiên bị đ á n h là do tôi đ á n h hắn, thế mà lại khiến hắn thành bạn của tôi.

“Cút!”

Tôi không muốn nghe hắn nói nhăng nói cuội thêm.

Kiểu cậu ấm như hắn, bản chất cũng chẳng khác gì Tô Tình. Chẳng phải người cùng một thế giới với tôi.

Nhưng tôi không ngờ rằng, chính hắn đã giải quyết chuyện tiền nong khiến tôi đau đầu nhất suốt mấy năm cấp 3.

-

(1) Trường Chuyên: Gốc là 重点高中, tức trường cấp 3 trọng điểm. Nhưng ở Việt Nam không thường xuyên dùng khái niệm này, mà hay có khái niệm trường Chuyên với nghĩa gần như tương đương. Hồi mình học cấp 3 ở trường Chuyên thì giáo viên trường mình cũng dịch tên trường sang tiếng Trung là 重点高中.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top