Truyen2U.Top - Tên miền mới của Truyen2U.Net. Hãy sử dụng ứng dụng 1.1.1.1 để đọc truyện nhé!

Mã phách số 01

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI LÀM CỦA THÍ SINH

Hai bà cháu cầm cái lon gỉ đi ăn xin hết con hẻm này đến con hẻm khác. Trời đã nhá nhem, và hoàng hôn giờ chỉ như những tia lửa sắp tàn cố tỏa nốt cái áng dương đỏ hực, nó rải rắc cái sự lưu luyến ấy nơi những đám mây ám màu nhàn nhạt, những cái mái ngói trông buồn lặng đến lạ, và cũng trải nốt trên dấu chân của hai bà cháu nghèo khổ kia nữa.


Hoàng hôn khiến họ như những bức điêu khắc tối màu lãng mạn và yên tĩnh. Đứa cháu gái hồn nhiên, với chiếc khăn len đỏ rách bị vứt ở vỉa hè phải chờ mãi cả mấy mùa đông bà nó mới đan lại xong, bỗng trở nên lộng lẫy kể cả khi là dưới ánh dương gần như điêu tàn: là khi ánh vệt vàng của mặt trời nhảy nhót trên vai và mái đầu nó, đuôi mắt bỗng cong cong lên tựa như muốn hứng trọn lấy tất thảy. Và, một cách dịu dàng, hàng mi đã rũ vài giọt nắng rơi xuống con ngươi đen láy, khiến nó tựa hồ như sáng lên, như một bụi pha lê, một đêm sao lung linh trong nơi cửa sổ tâm hồn.

Nhưng nó cũng lại là một buổi trời màu vàng cam trên lưng người bà, và cái vệt vàng ấy loãng, như rằng người ta cố tình muốn pha cho nó nhợt nhạt đến mức tựa một nỗi buồn u uất, ảm đạm cùng cực.

Điểm trọ tối nay của họ sẽ là bệ sân của ngôi nhà cách đó vài căn, với cái mái hiên đủ dài, và cái lỗ hổng nhỏ do chuột đã khiến một chút hơi sưởi bên trong lọt ra ngoài. Một chút là đủ. Với họ.

Hai bà cháu đi qua một vài hàng quán, và cái mùi ngỗng quay lẫn vào không khí Giáng Sinh xung quanh thật quá đỗi mê hoặc. Bụng đứa cháu gái bỗng réo lên.

- Cháu đói!

- Lát nữa lại kia rồi bà sẽ mua cho cháu thứ gì đấy! Bánh nhé?

- Thật ạ? - cô bé ấy mừng rỡ, và cái khuôn miệng ấy toe toét điểm lên mắt người bà những ngôi sao sáng nào đó. Bà cũng thấy vui lây. Đã lâu lắm rồi nó chưa có dịp ăn thử cái thứ làm bằng bột và bông mềm ngọt ngào ấy.

- Đúng vậy! Hôm nay là Giáng Sinh mà cháu.

Nó nhảy những bước chân sáo, và môi reo lên những câu hát mà nó nghe từ bà vào mỗi tối, trước khi chìm vào giấc ngủ bình yên:

"Hold me close and hold me fast,

This magic spell you cast,

This is La vie en rose.

Hay giữ con thật chặt bằng những cái ôm nồng ấm,

Cả những lời diệu kì và đầy cổ tích mà người thường kể,

Đây chính là Cuộc sống màu hồng với con.

When you kiss me heaven sighs,

And though I close my eyes,

I see La vie en rose"

Và khi người hôn con đến cả thiên đường còn phải ganh tỵ,

Và cho dù đôi mi con có khép lại,

Con vẫn thấy một Cuộc sống màu hồng, bà ơi!"

Một gia đình nào đó, họ đang dùng bữa tối ở ngoài. Và đứa cháu gái chọn họ làm vị khách cuối cùng. Nó chạy đến, chìa cái bàn tay tróc da lổm chổm vì rét ra kèm với một nụ cười.

- Xin giúp đỡ hai bà cháu ạ!

Gia đình kia vẫn ngồi nói chuyện với nhau, và như một cách tự nhiên nhất, họ chẳng để ý đến cô bé, dù nó có nhắc lại đến lần thứ hai với hai cái lúm đồng tiền nhỏ trên má.

- Con thấy không, nếu con không học, con sẽ giống như những người ăn xin này, hay đúng hơn là hệt như những cọng cỏ ngoài kia: nhỏ bé, thấp kém, và cơ cực. - người bố ấy đang dạy đứa con nhỏ của mình. Ông đã dạy rất hay, và rất đúng mực của một người cha, ông ấy đáng được khen với những gì ông ấy vừa làm. Nhỉ?

Nó nghe, một cách say sưa, và bà nó cũng nghe nữa.

Rồi bà nó lầm lũi đến kéo nó đi nhưng được vài bước, nó nán lại. Nó nhìn lên bàn thức ăn trên đó mà thèm thuồng. Rồi nó nhìn bộ quần áo ấm vải của họ. Nó trông cái gia đình bốn

người ấy. Và nó cảm giác như thể bản thân mình đang thiếu cái gì, hoặc do nó là đứa dư thừa trong nước Anh lạnh giá này. Bỗng có cảm giác nào đó len lỏi trong nó, nó buồn, và hơn thế nữa, nhưng nó lại không biết gọi đó là gì.

Nó nhìn sang người bà hiền lành của nó. Rồi im lặng.

- Họ đang bận con ạ! - bà nó an ủi, bằng tất cả sự trải đời đến tận lúc góa bụa.

- ...

- Họ đang ăn, và đang nói chuyện với nhau.

- Như thế cũng là bận ạ?

- Phải rồi. Họ bận rộn, với những thứ họ cho là phải bận rộn.

Chúng ta chỉ là những ngọn cỏ, cháu ạ! Những ngọn cỏ nhỏ bé, vô danh, yếu mềm và hèn bần dưới chân những kẻ đang đi ngoài kia. Chúng ta chỉ biết nằm đó, ngồi đó, chờ đợi một lòng thương được rủ xuống, một ánh mắt, một bàn tay ấm khác chạm đến, đó là một điều xa xỉ, xa xỉ như chẳng thể xa xỉ hơn.

Nó không hỏi thêm gì nữa. Và những người xung quanh đấy cũng chẳng thảy một xu nào thêm vào lon. Bởi họ đang bận. Bận nhiều thứ. Bận ăn, bận nói những thứ sáo rỗng, bận mua sắm, bận dành dụm, bận đến nỗi chẳng muốn bận thêm hai bà cháu.

"Hold me close and hold me fast,

This magic spell you cast,

This is La vie en rose.

Hay giữ con thật chặt bằng những cái ôm nồng ấm,

Cả những lời diệu kì và đầy cổ tích mà người thường kể,

Đây chính là Cuộc sống màu hồng với con.

When you kiss me heaven sighs,

And though I close my eyes,

I see La vie en rose"

Và khi người hôn con đến cả thiên đường còn phải ganh tỵ,

Và cho dù đôi mi con có khép lại,

Con vẫn thấy một Cuộc sống màu hồng, bà ơi!"

Cô bé nhỏ gầy gò, chỉ đứng tới bệ cửa sổ - với một cái khăn len đỏ là thứ duy nhất lành lặn trên người - cứ hát mãi bài hát ấy, giữa con đường nhộn nhịp mà lạnh lẽo.

Gió đông cứ thổi tựa như những khói thuốc đặc sương trời.

Chẳng một ai thèm để ý đến, cũng chẳng ai thèm lắng nghe. Bởi họ đang bận rộn, bận rộn với những thứ họ cho là phải bận rộn. Như cách nào để có thể mua được con ngỗng béo nhất để về mừng Giáng Sinh với gia đình thật nở mày nở mặt. Hoặc liệu rằng ngày mai họ sẽ có được một mức lương tốt hơn, một điều kì diệu hơn cả là họ sẽ đào được cả hầm vàng dưới chân nhà mình. Hay đơn giản là thoát khỏi đám đông đang chật đường này thật nhanh để ngồi trước lò sưởi với mấy cốc bia.

Ở nước Anh này, tại phố Birmingham vào những năm sau thế chiến thứ nhất, thì với mỗi người bia chẳng còn gì lạ lùng. Chỉ toàn bia, những bao thuốc, và lại là bia. Với họ bia là tiền công, là nước giặt, bia là lẽ sống. Và cái việc phân cấp kẻ thượng đẳng và người bần nghèo lại càng khiến cho những cốc bia rẻ tiền ở Birmingham càng như một chân lí mà đáng lẽ ra họ phải được dạy từ khi mới lọt lòng.

Ở đây, giàu là người, nghèo là cỏ.

Gió đông lại cứ tiếp tục thổi tựa như những khói thuốc đặc sương trời. Nhưng đó là với những con người hối hả kia. Chỉ có cô bé khăn len đỏ, và bà của cô - người bà khắc khổ với những nếp nhăn chằn chịt trên khuôn mặt và lòng bàn tay chai sạn - thì thấy trời không đỗi quá lạnh, hoặc có, chỉ là họ đã quen với việc ở ngoài trời thế này, với đôi mô khô đến nứt nẻ và làn da hồng đỏ lên.

Bà từ tốn và dịu dàng, bởi bà đã già và chân lại đau lên những cơn nhức từ xương hay một số bệnh rét khác, cố gắng đến chỗ cô cháu gái bé bỏng mà đưa cho nó ổ bánh ngọt chỉ còn một nửa.

Ổ bánh ấy chỉ bằng một nắm tay của đứa trẻ lên 5, với xung quanh là những vết cắt xén vuông vức rất sắc và như thể hơi dao lạnh vẫn còn đọng lại. Bà không đủ tiền, và cái nghề ăn xin lẫn rao báo vặt đã không còn phù hợp với bà, mà cả cô bé nữa thì cũng chẳng thấm thía là bao.

- Mùa đông rồi cái gì cũng lạnh bà nhỉ?

Phải. Mùa đông mà, cái gì chẳng lạnh, chẳng kết thành băng.

Và trong mắt bà mọi thứ liền trở nên quá đỗi đáng sợ. Trong đôi mắt bà như thể có một luồng tuyết lạ lẫm nào đó đang phủ mờ tất cả. Màu xám, chỉ toàn là màu xám trong con ngươi già yếu kia. Rằng cái hơi lạnh đọng mờ nơi cửa sổ sẽ khiến đứa cháu thơ của bà tủi thân với những thứ ấm áp và xa xỉ trong ngôi nhà qua lớp kính đó. Hay những cây băng kết trên thành mái nhà có thể bất cứ lúc nào sẵn sàng rơi xuống hai bà cháu, hoặc chỉ một mình đứa cháu. Và cái rét đêm nay có thể sẽ đưa nó, với trái tim vốn yếu ớt vì bệnh chỉ biết đập âm ỉ, sẽ bị thiên thần đưa đi mất khỏi vòng tay bà lúc nào.

Chúng ta chỉ là những ngọn cỏ, cháu ạ! Những ngọn cỏ nhỏ bé, vô danh, yếu mềm và hèn bần dưới chân những kẻ đang đi ngoài kia. Chúng ta chỉ biết nằm đó, ngồi đó, chờ đợi một lòng thương được rủ xuống, một ánh mắt, một bàn tay ấm khác chạm đến, đó là một điều xa xỉ, xa xỉ như chẳng thể xa xỉ hơn.

Chỉ có những cây băng được tuyết trời kết tụ, được thành mái giũa gọt cho bén, đang trực chờ rơi xuống chúng ta mà thôi. Và thiên thần...bỗng bà nhận ra bà ghét thiên thần đến lạ lùng.

- Chúng ta là những ngọn cỏ xanh tươi bà nhỉ?

Và đôi mắt xám mờ kia thu gọn lấy hình ảnh đứa cháu nhỏ, ánh mắt bà, có thể bên trong là sự thương cảm đứa trẻ ngây ngô ấy, hoặc đang chờ xem tâm hồn nó sẽ có thể an ủi bà phần nào với những ước mơ màu hồng.

- Chúng ta là những ngọn cỏ xanh, dù là 18 hay 20 năm cũng vẫn sắc vẹn, vẫn dày dặn chịu đựng qua mùa đông lạnh lẽo. Và dù chúng ta yếu mềm, bởi chúng ta chỉ là cỏ, nhưng chúng ta luôn mãnh liệt với những niềm hy vọng và tình yêu. Bà nhỉ?

Bà im lặng. Và hơi tuyết trong mắt bà, chúng bỗng hóa thành những giọt nước làm đôi ngươi vốn mờ của bà nay càng mờ hơn.

Liệu rằng cháu sẽ vẫn còn lạc quan như thế nếu cháu hiểu được mọi thứ? Về những đứa trẻ đang được bố mẹ dắt tay mua những chiếc bánh to hơn nắm tay trẻ lên 5, về những cái ôm hôn ấm áp trong ngôi nhà gỗ, về những thiên thần họ chỉ nên đến mang con đi khi con dần già như ta? Chẳng ai thèm nhìn con, chẳng ai thèm để ý đến con. Bởi họ bận rộn, và những cốc bia khiến họ càng bận rộn.

- Con còn đau không? Ở đây này - bà chỉ vào ngực trái nó.

- Dạ đỡ hơn rồi ạ!

- Chúng ta vẫn nên đến nhà bác sĩ một chuyến nhỉ?

- Không sao đâu bà!

Nó đã thấy túi của bà nó chỉ còn vài cái cúc áo, đống xu ít ỏi kia đã dồn vào cái bánh nhỏ tẹo mà bà mua.

- Giáng sinh, con muốn ước gì không? Những vì sao, thiên thần trên kia sẽ thực hiện cho con.

- Dạ không ạ! Nếu con ước, con sẽ muốn có một ngôi nhà thật to với nhiều cái lò sưởi, và ba mẹ, cả anh chị em hoặc nhiều hơn quây quần ôm hôn con. Và bà sẽ không phải đau nhức vì chúng ta đã có tiền để chữa hết. Nhưng con sẽ bướng bỉnh nếu cháu ước như thế. Con không được bướng bỉnh, bà nhỉ? Vì con không còn ba mẹ nữa nên con không được bướng bỉnh.

Bà nó ngẩn người, nhìn mãi vào đôi môi đang mỉm của nó, mặc dù trong đôi mắt lại là sự trầm buồn không đáng có cho một đứa trẻ.

Tuổi của nó, lẽ ra nên là vui vẻ. Chứ không phải giả vờ mình vui vẻ. Nhỉ?

- Con có muốn ôm bà ngủ không?

- Vâng. Nhưng lần này để con hát bài hát ấy nhé?

Gió đông cứ thổi tựa như những khói thuốc đặc sương trời.

Và những câu hát của nó cứ vang lên, rồi hiu hắt dần như ngọn đèn đường. Bỗng nó cảm thấy đau ở đâu đó, bên trong nó, nhưng nó nhất quyết không nói với bà. Nó chỉ muốn hát, hát cho bà nó nghe, hát cho những con người kia nghe, hát cho mùa đông này sẽ trở nên dịu dàng hơn.

"When you press me to your heart,

I'm in a world apart,

A world where roses bloom,

And when you speak...angels sing from above,

Everyday words seem...to turn into love songs,

Give your heart and soul to me,

And life will always be La vie en rose."

Khi bà ôm chặt con với những hơi ấm trong tim,

Con thấy bình yên như rằng đang ở một thế giới dịu dàng khác,

Nơi mà rất nhiều hoa hồng đang nở, cả những ngọn cỏ xanh tươi ôm lấy bàn chân trần,

Và mỗi khi bà hát...thì thiên thần trên trời bỗng cùng hòa âm,

Mỗi ngày, tất cả...đều trở nên một bản nhạc nồng đượm tình yêu,

Hãy tin con, bằng cả tâm hồn và trái tim,

Cuộc đời sẽ là một Cuộc sống màu hồng, bà ơi!"

Dòng người đã tắt hẳn, họ đã ở yên trong ngôi nhà của họ, không ồn ào nữa. Rồi nó ngả tấm lưng mình xuống mặt đất, từng mảnh cỏ dại nhẹ nhàng ôm lấy đứa cháu gái, chúng không hấp tấp, mà bằng một cách từ tốn khác tiếp nhận tóc, lưng và đôi chân trần gầy guộc. Nó dường đang cảm nhận được cái lành lạnh xuyên đến da thịt ấm nóng gần như cứng đờ này. Cái mùi cỏ dại thanh thuần - và lần đầu tiên nó, cả bà nó chú ý đến điều đó kĩ càng như thế - cứ thoang thoảng đọng lại nơi quanh cánh mũi, mơ hồ đưa nó đến chốn thiên đường nào đấy. Cỏ thật đẹp, con của đất mẹ thật đẹp.

Sau đó, hai bà cháu thiếp mãi một mùa đông lạnh lẽo.

-----

NHẬN XÉT CỦA GIÁM KHẢO

Giám khảo Chi

Đầu tiên mình có lời khen cho việc xây dựng bối cảnh trong truyện. Lối miêu tả của bạn khá hay, so sánh và liên tưởng nhiều, gợi mở cả một mùa đông Berlin sau thế chiến thứ nhất. Có lẽ những câu chữ đó sẽ còn phát huy được hết vai trò của nó nếu bạn không lặp từ "cái", "một", "đã" hay chèn nhiều quan hệ từ "và". Quả thật những từ ấy như một tín hiệu cho bối cảnh phương Tây (mình không đọc nhiều tác phẩm bối cảnh phương Tây, nên ở đây có thể có sai sót nhỏ), nhưng, dùng nhiều lại phản tác dụng. Câu văn trở nên lủng củng và rườm rà, mất đi vẻ tự nhiên vốn có.

Về phần nội dung, so với các tác phẩm còn lại thì bạn chọn độ tuổi của nhân vật khác đi, và dĩ nhiên cũng khác với tưởng tượng của mình. Cả bà và cháu đều không ai ở độ tuổi 18, 20 mà họ trẻ, già hơn, nhưng đều có chung những nét tính cách của con người thuở trẻ. Cá nhân mình thấy điểm này đặc biệt; rồi cả bài hát "Lavie en rose" được bạn trích đưa vào, thật sự chưa bao giờ bài này hiển hiện trong đầu mình với dáng dấp buồn, lặng như vậy. Những cái cũ trong mình được bạn phủ lên tấm áo mới. Cảm ơn bạn đã mang tác phẩm này đến vòng 2 nha!

Điểm: 5/10

Giám khảo Kí

Văn phong: 1.5/3
Cốt truyện: 1.5/3
Ý nghĩa: 1.5/2
Trình bày: 0.5/1
Kiến thức: 0.25/1

Tổng: 5.5/10

Nhận xét

Bài làm có giọng văn nằm ở mức khá, cá nhân mình khá thích cách cậu chọn lựa và sử dụng từ ngữ nhưng cách viết câu còn hơi rối và cấn. Đoạn đầu triển khai khá tốt song phần phía sau bị đuối hơn hẳn. Cốt truyện giàu ý nghĩa, tuy nhiên cá nhân mình không đánh giá cao vì triển khai còn khá nông, chưa tới, cảm xúc của nhân vật còn tương đối hời hợt, do vậy chưa thực sự chạm đến được ngưỡng tốt nhất của nó. Một điểm nữa khiến mình chưa thực sự ưng ý cốt truyện là ở cách cậu diễn đạt chủ đề. Hiểu chủ đề theo một cách khác lạ là một điểm nhấn độc đáo song cách hiểu này chưa quá hay. Ý nghĩa của truyện tốt, có một ít kiến thức liên quan đến nước Anh hậu đệ nhất thế chiến, tuy nhiên thì mình có hơi nghi vấn về tính xác thực của phần kiến thức này.

Giám khảo Nam

Chào cậu. Sau khi đọc xong bài viết này, mình chợt cảm nhận được những tình tiết quen thuộc của truyện cổ tích "Cô bé bán diêm" được lồng vào bối cảnh thành phố Biringham hậu thế chiến thứ nhất trong bài dự thi của cậu. Hình ảnh hai bà cháu ăn xin nghèo khổ có chút tương đồng với hình ảnh cô bé bán diêm và cả ba nhân vật cũng có nét tương tự với hình ảnh ngọn cỏ trong bài thơ của Thanh Thảo, vẻ ngoài thì yếu mềm nhưng bên trong luôn "mãnh liệt về khát vọng và tình yêu". Việc mượn nội dung truyện cổ tích để diễn đạt câu chuyện của bản thân là một bước đi sáng tạo, từ cái cũ mà tạo nên cái mới và mình cũng đánh giá cao điều đó. Nhưng việc bám theo sườn truyện cổ tích cũng có phần nguy hiểm, chính là việc cậu không thể thoát được khỏi cái bóng quá lớn của cốt truyện gốc. Đọc qua bài dự thi của cậu, mình có cảm giác cậu đang mượn những suy nghĩ nội tâm của hai bà cháu giống như đang làm rõ những tâm tư của cô bé bán diêm trong bản truyện cổ tích hơn, chính điều này đã làm lu mờ đi cái nét đặc sắc riêng trong truyện của cậu.
Theo như cách mình nhìn nhận, có vẻ cậu hiểu bài thơ ở đề bài rằng mỗi người đều như một ngọn cỏ, vẻ ngoài thì yếu mềm, thường nhẫn nhịn chịu đựng trước sự chà đạp của cuộc sống nhưng bên trong lại tồn tại những ước muốn và khát vọng mãnh liệt. Tác phẩm đã làm rõ hai suy nghĩ đó của cậu, nhưng mình cảm thấy nó vẫn chưa thực sự cân bằng. Hai bà cháu, một người có lối suy nghĩ "yếu mềm", một người lại có khát vọng sống "mãnh liệt". Cậu dành phần lớn cốt truyện để nói về cuộc sống nghèo khổ hai bà cháu, nói về những tủi nhục mà hai bà cháu phải chịu đựng trong đêm đông giá rét như thế, nói về những tâm tư của người bà, những suy nghĩ của một người trưởng thành đã trải sự đời để làm rõ nhận định yếu mềm như cỏ. Nhưng còn việc mãnh liệt như cỏ, cậu chỉ thể hiện nó thông qua nội tâm non nớt của đứa trẻ, qua câu hát cũng như vài câu nói bâng quơ của cô bé, chứ chưa thật sự đi sâu vào cái sự mãnh liệt ấy. Cả hai đặc tính "yếu mềm" và "mãnh liệt" tuy trái ngược nhưng đều có giá trị như nhau, điều này bổ sung cho điều kia, nhưng việc dành quá nhiều thời lượng cho sự "yếu mềm" khiến mình có cảm giác như hai bà cháu và hình ảnh "ngọn cỏ" đều bị hạ thấp đến đáng thương, chỉ có đôi chỗ cậu mới đưa thêm một chút sự "mãnh liệt" nhằm vớt vát một ít cho nhân vật cũng như hình ảnh ngọn cỏ. Điều này khiến cho tác phẩm của cậu có một chút mất cân đối và mình hi vọng rằng cậu có thể rút kinh nghiệm điều này cho các tác phẩm dự thi sau của cậu.

Xét về văn phong, mình thấy cậu sử dụng khá nhiều câu đơn, thậm chí một vài câu chỉ có duy nhất một từ. Kiểu câu đơn này mình thường hay bắt gặp trong văn học phương Tây, nhưng khi lạm dụng quá nhiều câu đơn trong văn học Việt Nam, điều này khiến cho lời văn của cậu không còn sâu sắc, cảm giác có một chút lủng củng, khiến cho ý tứ trở nên hời hợt, câu văn cũng bị chặt ý quá nhiều. Mình khuyên cậu trong bài thi tiếp theo nên vận dụng câu ghép nhiều hơn, như vậy một câu văn cũng có thể diễn đạt trọn ý mà không gợi lên cảm giác rời rạc đứt quãng như vậy.

6.5/10 là số điểm của mình dành cho bài dự thi này.

Giám khảo Wen

"Chúng ta chỉ là những ngọn cỏ, cháu ạ! Những ngọn cỏ nhỏ bé, vô danh, yếu mềm và hèn bần dưới chân những kẻ đang đi ngoài kia. Chúng ta chỉ biết nằm đó, ngồi đó, chờ đợi một lòng thương được rủ xuống, một ánh mắt, một bàn tay ấm khác chạm đến, đó là một điều xa xỉ, xa xỉ như chẳng thể xa xỉ hơn."

Một câu văn gợi những nỗi niềm đau đáu cho những số phận bất hạnh. Và dường như, câu văn này cũng đã khái quát được tác phẩm mà cậu gửi đến cho chúng tớ.

Với tác phẩm này, tớ thích cách cậu xây dựng hai hình tượng nhân vật của người bà và người cháu. Dùng ngôi kể thứ ba nhưng cậu đã khắc họa được nội tâm nhân vật được ở mức khá. Một bé gái lạc quan, yêu đời và một người bà đã trải qua nhiều giông tố cuộc đời. Về nội dung, tớ thích những bài viết về đời sống thường nhật nhưng có nét riêng thế này, cậu viết về tình bà cháu thay vì viết về tình yêu, nội dung của cậu dừng ở mức ổn. Kết cấu trong tác phẩm không có điểm gì để bắt lỗi, tiếc chăng là những câu văn đọc lên nghe rất kịch. Tớ luôn có cảm giác cậu đang gượng ép cho nhân vật của mình có một bề sâu tư tưởng, nội tâm sâu sắc bằng những câu: "Bởi họ đang bận. Bận nhiều thứ. Bận ăn, bận nói những thứ sáo rỗng...". Thật ra điều này sẽ làm phản tác dụng, một tác phẩm hay thật sự là biết giấu đi biết ẩn ý, không nên giáo điều khi trí óc chưa chín để câu văn có bề sâu. Giống như chuyện cổ tích "Cô bé bán diêm" vậy, Andersen chỉ cần một cái kết cô bé nằm ngủ bên cạnh những bông tuyết và người đi đường khi nhìn thấy những que diêm cháy dở kia, thốt ra một câu lạnh lùng: "Chắc nó muốn sưởi ấm" cũng đủ sức gợi cho người ta nhiều điều. Về văn phong, từ ngữ của cậu gợi hình gợi cảm nhưng khi ráp lại thành câu thì lại lủng củng và lê thê. Văn miêu tả của cậu khá, cách xây dựng bối cảnh ở mức ổn.

Về ý nghĩa, tinh thần nhân văn trong tác phẩm này khá cao. Cậu phản ánh được cái đói nghèo và sự giàu có qua lằn ranh ngôn từ. Cậu phê phán được những người vô cảm, thờ ơ và lạnh lùng khi không biết thấu cảm cho nỗi khổ hạnh của người khác. Kèm theo đó, cậu đáp ứng đề bài ở tầm trung, họ là những ngọn cỏ yếu mềm nhưng vẫn nuôi cho mình những niềm hy vọng và tình yêu. Tuy nhiên việc chèn lời bài hát quá nhiều gây cho tớ cảm giác "nản", tớ đã lướt qua bài hát đó khi đọc lần đầu, dù cho dụng ý cậu đưa vào để làm rõ nét sức mãnh liệt trong tâm hồn của bé gái. Cái kết đọng lại những nỗi buồn nhẹ nhàng nhưng càng làm sáng hơn nét nhân văn trong tác phẩm. Nhưng nếu có thể, mình mong cậu sẽ nói nhiều hơn hơn về "sắc như cỏ" "mãnh liệt như cỏ", việc tìm đường sống trong giao lộ của khó khăn không nhất thiết phải là ăn xin, cần gì sự thương hại của người khác khi bà có thể đan len kiếm sống, cháu có thể làm những việc như dọn dẹp và trang trí nhà cửa cho mọi người. Cậu chưa thuyết phục được mình về việc hai bà cháu phải đi ăn xin, dù cho con bé mồ côi và gia sản chẳng còn gì nữa.

Chuyện của cậu làm tớ nhớ đến "Cô bé bán diêm" rất nhiều, nhưng cụ Andersen dù "tặng" em một người cha nát rượu và căn nhà nghèo khó thì vẫn để em bán những que diêm, lao động để lấy tiền. Thậm chí em cũng chẳng oán trách người khác bận rộn mà tự sưởi ấm mình bằng việc đốt những que diêm và chạm đến những mong muốn của em thông qua trí tưởng tượng.

Nhìn chung, tác phẩm này nằm ở tầm trung bình - khá. Cậu có thể triển khai thêm nhiều vấn đề nữa để tác phẩm hoàn chỉnh hơn.

Điểm tớ dành cho cậu 6.75/10.

-----

Điểm trung bình: 5.9375/10.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Top